Cảm nhận bài "Chúc Xuân" của HT. Giác Huệ

 

Hòa trong cái lạnh nhẹ nhàng của những ngày cuối năm đất trời như chuyển mình vào mùa xuân mới. Đi trong cái nắng giữa trời thành phố, lòng người cảm thấy phơi phới một cảm giác ấm áp tỏa ra từ bên trong tâm hồn. Phải chăng khi cảm xúc lắng đọng trong sự giao hòa của thiên nhiên thì sự bình an sẽ mang ta đến một không gian tĩnh lặng nhất? Cũng trong cảm xúc này, khi chào đón ngày xuân, Hòa thượng Giác Huệ đã mang cả tâm hồn thi phú dệt những vần thơ đẹp dâng tặng cho đời. Nhưng thơ của Ngài ngoài nghệ thuật văn chương ra còn chuyển tải vào đó biết bao triết lý nhân sinh với bao lời khuyên nhắc con người một lẽ sống hướng nội. Chúng ta hãy cùng chiêm nghiệm bài Chúc Xuân của Ngài.

                                    Hoa chào, pháo nổ: có rồi không

                                    Kính chúc xa gần chữ: có - không!

                                    Kiếp kiếp không lành, không nguyện có

                                    Đời đời có dữ, có thay không.

                                    Không mê đạo đức, không cầu có

                                    Có nhiễm tiền tài, có nguyện không

                                    Tuyệt đối: ra ngoài không với có

                                    Thôi đành tạm chúc: có và không.

Mùa xuân là mùa của muôn hoa đua nở. Mọi người xem chúng là biểu hiện của sự chào đón mùa xuân. Cho nên, ai cũng yêu hoa, ai cũng mang hoa vào nhà để mong muốn sự vui tươi và niềm hạnh phúc. Và bên cạnh những cành hoa rực rỡ, tiếng pháo nổ giòn giã càng làm tăng thêm không khí ngày xuân. Hoa và pháo, hình ảnh và âm thanh cùng hòa quyện vào nhau hứa hẹn mùa xuân vạn phúc. Thế nhưng trong cái nhìn của bậc hiểu đạo, Hòa thượng đã cảnh tỉnh chúng ta một quy luật hiển nhiên trong cuộc sống: quy luật vô thường. Đó cũng là lời chúc của Ngài.

                                    Hoa chào, pháo nổ: có rồi không

                                    Kính chúc xa gần chữ có - không.

Vạn vật trên đời luôn đi theo tiến trình của sanh và diệt. Hoa có đẹp nhưng chỉ khoảng thời gian ngắn đã phải héo tàn. Đời người nào khác những loài hoa kia. Người đến trong cuộc đời rồi lại ra đi theo dòng sanh tử. Khi xưa, thuở còn trong đời sống tại gia, chính thái tử Tất Đạt Đa đã thao thức về vấn đề này rất nhiều. Và khi được chứng kiến sự thật cuộc đời qua những cảnh già - bệnh - chết, cuối cùng Ngài đã quyết tâm xuất gia. Như vậy, những ai hiểu được lẽ vô thường, người ấy có thể đến gần sự giác ngộ.

Đã bao lần chúng ta ngắm hoa nhưng dường như chúng ta chỉ dừng lại chiêm ngưỡng hoa. Chúng ta chỉ dừng lại đánh giá đây là hoa đẹp, đây là hoa xấu, đây là màu hoa tôi thích, đây là màu hoa không hợp với tôi... Chính những sở thích cá nhân và sự nhận thức đầy bản ngã đó làm cho con người bị giới hạn trong vỏ bọc của chính mình và không thể tiếp cận được chân lý. Nếu dùng mẫu số chung tất cả các loài hoa đều sanh - trụ - dị - diệt, thì không còn sự chấp thủ vào cái tôi nhỏ hẹp.

Thiền sư Mãn Giác khi ngắm hoa xuân cũng đã nhắc nhở chúng ta:

                                    Xuân đi trăm hoa rụng

                                    Xuân đến trăm hoa cười

                                    Trước mắt việc đi mãi

                                    Trên đầu già đến rồi.

Chỉ có năm chữ “trên đầu già đến rồi” mà gợi lên biết bao điều suy gẫm về cuộc đời. Khi ta còn trẻ, chúng ta nỗ lực lao vào cuộc sống, lao vào xây dựng công danh, sự nghiệp, tiền tài và lợi lộc. Biết bao mùa xuân trôi qua trong vô định mà ta lãng quên. Rồi một chiều khi chân run, gối mỏi, ngắm mình trong gương với mái đầu tóc bạc mới biết rằng ta đã già, đã gần đến lúc từ giã cuộc đời. Hành trang chúng ta mang theo sẽ là gì? Là tài sản, là gia đình, là công danh mà ta đã tạo sắm vất vả mấy mươi năm tạo dựng? Không. Dưới cái nhìn của Phật giáo, hành trang mang theo của chúng sanh chỉ là nghiệp thiện hay ác mà thôi.

Thế nên, Hòa thượng Giác Huệ không chúc điều gì xa lạ mà Ngài chỉ chúc hai chữ “có” và “không”. Chúng ta vui xuân, nhưng phải hiểu là trời xuân không còn mãi. Xuân đến để rồi đi. Xuân có để rồi không. Đời người cũng thế! Ta phải tận dụng giây phút còn đang sống để tu tập đạo đức viên mãn thiện nghiệp, để khi một đời trôi qua ta có đầy đủ hành trang trong kiếp vị lai. Như vậy, khi ta không còn có gì ở cõi này thì ta vẫn còn có gì đó ở một cõi tốt đẹp hơn.

Từ sự cảnh tỉnh vô thường, Hòa thượng lại khuyên bảo chúng ta một bài học khác không kém phần quan trọng. Đó là sự hướng tâm về vấn đề nhân quả.

                                    Kiếp kiếp không lành, không nguyện có

                                    Đời đời có dữ, có thay không.

Cả hai câu thơ đều nói về “lành” và “dữ” nhưng nghệ thuật dùng từ mới sâu sắc và tuyệt tác làm sao. Hòa thượng nhìn nhận rằng: chúng sanh còn luân hồi là bởi kiếp kiếp không chịu làm lành và đời đời làm nhiều việc dữ. Chúng là những ác nghiệp được tạo ra bởi thân, khẩu và ý. Cho nên chúng đưa đẩy chúng ta đi mãi trong kiếp luân hồi.

Trước sự hiểu biết về nghiệp của chúng sanh như vậy, Hòa thượng đã cầu chúc nếu ai chưa làm lành nguyện cho họ biết làm lành, nếu ai còn tạo ác xin cho họ dứt ác. Thực chất, những ai còn tạo ác và không biết làm lành là chưa biết thương bản thân và chưa biết thương mọi người. Vì khi tạo ác kiếp này, kiếp sau phải sống trong sợ hãi, hối hận và đau khổ. Chỉ những ai biết dứt ác làm lành mới xây dựng được tình thương, xóa bỏ hận thù và ban rải hạnh phúc từ bản thân đến toàn xã hội. Đây là hình mẫu mà những ai giác ngộ đều hướng tâm đến.

Điệp từ “kiếp kiếp” và “đời đời” trong hai câu diễn tả khoảng thời gian hầu như vô tận. Ta tạo bao nhiêu là ác nghiệp trong những kiếp sống ta đã đi qua. Bổn nghiệp của mỗi người lấm lem biết bao bùn đất. Ngày nay, muốn gột rửa sạch sẽ bằng thiện nghiệp cũng phải trải qua khoảng thời gian không ngắn chút nào.

Từ cái nhìn xa về những kiếp quá khứ và cầu chúc về vị lai trên lộ trình sanh tử, Hòa thượng lại đi vào những điều gần gũi nhất xung quanh chúng ta.

                                    Không mê đạo đức, không cầu có

                                    Có nhiễm tiền tài, có nguyện không.

Xã hội ngày nay đang gánh chịu những hậu quả để lại của sự phát triển quá sung mãn về vật chất. Càng ngày càng xuất hiện nhiều loại tội phạm mới, xu hướng bạo lực và đồi trụy diễn ra khắp nơi. Những điều này là sự biểu hiện của một xã hội bị mất đi những giá trị cao đẹp về đạo đức.

Phật giáo ra đời là mong muốn con người an vui. Giáo lý của đạo Phật luôn hướng con người đến với chân, thiện, mỹ. Đó là lẽ sống đạo đức nhân bản rất cần thiết cho bất cứ một xã hội nào. Là một nhà sư yêu đạo pháp và quê hương, Hòa thượng cầu cho đạo đức được phổ biến khắp năm châu để con người không còn mê nhiễm tiền tài và nô lệ vật chất. Chúng ta nên biết rằng càng đặt bao nhiêu lên gánh thì đôi vai trần càng trĩu nặng. Càng mê nhiễm tiền tài thì đạo đức càng sụt giảm đưa đến khổ đau mà thôi.

Cổ đức đã từng dạy:

                                    Bể ái hà là dây oan nghiệt

                                    Danh, lợi, tình càng xiết càng đau

                                    Muốn ra khỏi chốn đồ lao

                                    Dùng gươm trí huệ diệt ngay lòng phàm.

Phần kết bài thơ, Hòa thượng dạy về một triết lý sâu sắc nhất của Phật giáo, đó là lý trung đạo vượt ra ngoài ranh giới của nhị biên: chấp không và chấp có.

                                    Tuyệt đối ra ngoài không với có

                                    Thôi đành tạm chúc có và không.

Cái lý tuyệt đối của Phật giáo thật sự không dễ liễu ngộ và chứng đạt. Và thật khó để hiểu ranh giới giữa có và không là gì? Bởi vậy khi thoát khỏi không và có mới đi đến được cảnh giới của tuyệt đối.

Nếu hai người đối diện với nhau thì rõ ràng bên phải của người này là bên trái của người kia, và ngược lại. Như vậy, khi đối diện với cuộc đời giữa có và không, liệu chúng ta có đủ sự giác ngộ để ra ngoài hai lề lối đó? Cuối cùng, với một thái độ nhẹ nhàng, có thể kèm theo một nụ cười khả kính, Hòa thượng chúc rất nhẹ nhàng: “Thôi đành tạm chúc có và không”.

Chỉ có hai từ đơn giản mà chất chứa vào đó biết bao ý vị của một bậc danh Tăng tài hoa một thời. Ngài đã đi xa, không còn nữa nhưng tâm đức mà Ngài để lại cho đời tồn tại mãi với nhân thế. Xin trân trọng lời chúc của Ngài để cùng xây dựng cho đời một lẽ sống đạo đức nhân bản, an vui và hạnh phúc trọn vẹn.