Cảm niệm Ân Sư

Ngưỡng bái bạch chư tôn thiền đức Tăng Ni chứng minh

Kính thưa quý đạo hữu gần xa quý mến!

Con sa-di Giác Minh Tôn thuộc trú xứ Tịnh xá Ngọc Quang thành kính dâng lên đôi dòng cảm niệm trước giác linh Hòa Thượng Bổn sư !

Thế là, dù không muốn thốt lên lời chia ly cũng phải thảng thốt kêu lên: Sư Phụ ơi! Người bỏ chúng con đi thật sao!... Những ngày qua bao trùm một không gian tĩnh mịch, se lạnh, … càng yên lặng trong chất tĩnh tịch bao nhiêu thì lòng người mộ đạo, tôn kính Người càng se thắt, đớn đau bấy nhiêu; vì kể từ đây con vĩnh viễn xa Sư Phụ, xa một bậc chân tu, phạm hạnh!

Đêm nay, đêm cuối cùng con được khóc bên Sư Phụ; đêm cuối cùng để những miền nhớ ùa về làm con xúc cảm đến quặn thắt buồng tim.

Chập chững ngày đầu vào cửa đạo, con hữu duyên đa phước được Sư Phụ tiếp nhận và thí phát. Người cho con được làm vai trò thị giả, công việc mà bao năm qua trong đời tu chưa bao giờ Sư Phụ hình thành vai trò này. Ai cũng nghĩ bên Sư Phụ là cả những áp lực công việc: từ việc chăm lo sức khỏe cho Sư Phụ, làm tròn bổn phận con trò mà trong bài học sa-di Sư Phụ luôn dặn dò bảo ban. Nhưng nào có việc gì to lớn đâu Sư Phụ, Người luôn không muốn con bận lòng chăm sóc mà không có thời gian hỗ trợ công việc cho tịnh xá hay cho giáo đoàn. Người đã dành tất cả thời giờ cho con học bài khi lên lớp. Biết con không có nhiều thời gian, Sư Phụ chỉ dẫn cách học sao cho nhanh, mau thuộc. Nhiều lúc con mệt quên cả thời giờ công phu, quên pha tách sữa bé nhỏ cho Sư Phụ, chưa bao giờ Sư Phụ la rầy hay quở trách.

Bài học đầu tiên con thẩm thấu từ nơi Sư Phụ là tinh thần lục hòa trong Khất Sĩ. Bữa ăn nào bất kì hay dù chỉ là ly nước thuần túy thường ngày, nếu dành sự ưu ái cho Sư Phụ thì dường như Sư Phụ không bao giờ thọ dụng. Cái ăn uống thường tình cũng quan tâm đến người khác trước và đặc biệt là sự chia đồng với nhau. Chính vì thế mà Sư Phụ đã luôn dặn dò: “Khi dọn ăn cho chúng, con phải chia đồng đều, dù đó là ông Hòa Thượng cũng phải bằng như các huệ nhỏ, nếu vì đó là ông Hòa thượng mà ưu ái hơn những người khác thì ăn như vậy là ăn trong sự tủi hổ!”. Bài học tuy giản đơn ấy, nhưng giúp con sáng tỏ hơn phạm hạnh người tu giải thoát trên hành trình giác ngộ Sư Phụ đã ứng dụng.

Đi qua những tháng ngày tập sự, đồng hành trên chiếc xe viếng thăm nhiều nơi tịnh xá của giáo đoàn, để con hiểu rõ hơn chiếc đồng hồ sinh học trong Sư Phụ có một khả năng siêu nhơn. Vì rằng, chưa bao giờ Sư Phụ ngả lưng với giấc ngủ trưa. Thế là chiếc xe như chiếc cốc nhỏ di động từ trú xứ này sang trú xứ khác, xa gần muôn dặm nào có than van. Đến đi của một vị lãnh đạo không lộng phướng cung nghinh, không ồn ào náo nhiệt, chỉ lặng lờ, yên lặng trong thân tình đồng đạo, mà cũng dễ làm cho những ai không tỉnh giác dễ đem lòng dễ duôi và thiếu tôn kính.

Từ miền duyên hải nắng gió hanh hao đến miền Bắc xa xôi cách trở, lạnh rét buốt xương hoặc là cao nguyên gập gềnh mưa nắng, nhưng vì lòng từ bi không cùng tận, Sư Phụ vẫn đồng hành với Phật tử trên từng km đường bộ, không quản ngày đêm,… chỉ vì có Sư Phụ thì Phật tử vui! Nhưng sâu xa hơn hết, Sư phụ muốn mang những câu chuyện trên hành trình bằng chính thân giáo của mình để nâng cao ý chí vững vàng cho đệ tử trong mọi biến đổi nhân gian. Bữa cơm trưa của Sư phụ trên chuyến xe xuôi ngược là mẫu bánh mì khô ráp; là củ khoai lang để dành ngày hôm qua; là gói xôi mà Sư phụ luôn miệng khen ngon,… chỉ vỏn vẹn thế là thế mà thôi. Không sai khác, không buồn than mà cứ an nhiên đến lạ lùng! Sư Phụ biết không, đồng bào Phật tử khắp nơi cứ tỏ bày xót xa từ khi ấy, chứ không phải đến giờ phút phân ly này để ai ai cũng bàng hoàng không tin sự ra đi mãi mãi của Sư Phụ! Bài học dùng pháp lạc diệt khổ, bằng sự vui chịu mọi cảnh ngộ và bằng tình yêu thương tha nhân to lớn, Sư phụ đã cho con niềm tin vào Đạo: Sự kiện định và tính tinh cần.

Có đi qua những giai thoại sống động, con mới hiểu và càng hiểu hơn Giới Định Tuệ trong Sư Phụ đã trở thành “như thường, như vậy, như nhiên”. Để từ đó, bỗng trong Sư Phụ có một năng lượng lan tỏa, xoa dịu, kết nối, chở che trong mọi tình huống vui buồn của chư huynh đệ, của chư Tôn đức Tăng Ni trên khắp các miền tịnh xá đi qua.

Ngày ấy tại một trú xứ ở Mũi Né, bao khó khăn chồng chất, từ việc ổn định nhân sự cho đến việc tư duy làm sao để không mất đi một ngôi đạo tràng của giáo đoàn,… Sư Phụ phải đi lại nơi ấy nhiều hơn. Phật tử lưa thưa, trú xứ còn eo hẹp. Con phụ quý sư chuẩn bị cho bữa ngọ trưa cho đến khi hoàn mãn. Bữa cơm đạm bạc thô sơ nhưng chất chứa lòng bao dung, sự mong mỏi,… để trở thành bài học sâu sắc mà Sư Phụ chia sẻ cho con: “Làm tu sĩ việc gì cũng làm được con à”! Hay như có những trú xứ chưa kết nối Phật tử hộ pháp, Tăng nhân chưa ổn định, đạo tràng chưa có thời khóa tu tập rõ ràng,… Sư phụ đã đến nhiều nơi như thế trên hơn 70 ngôi tịnh xá, tịnh thất lúc bấy giờ trong giáo đoàn chẳng quản sức già, lực kiệt, cũng chẳng thọ nhận gì hơn ngoài nếp sống giản đơn. Ấy thế mà như có phép linh, điều giản đơn ấy đã tích tạo một từ trường chiêu cảm nơi mỗi trú xứ Sư phụ đi qua. Nơi nào cũng hé mở một tia sáng, nơi nào cũng bắt đầu chuyển mình vươn lên, tịnh xá và Tăng chúng tăng lên rõ rệt về số lượng lẫn chất lượng tu tập.

Khóa tu “Bồi dưỡng đạo hạnh” dành cho sa-di, sa-di-ni và tập sự nam nữ phát triển và những khóa tu “Tâm tĩnh lặng” dành cho nam nữ cư sĩ mọc lên nhiều nơi. Bài học đời sống Tăng thân từ những khóa tu đã hun đúc cho con phạm hạnh người tu để lọc bỏ dần tập nhiễm thế tục bao năm. “Cái sống là phải sống chung, cái biết là phải học chung, cái linh là phải tu chung”, đó là Đạo, là mạng mạch Tổ Thầy mà Sư Phụ đã vận hành và lan truyền vào đời sống tu tập cho hàng đệ tử chúng con. Sư Phụ ơi! Sau bữa điểm tâm sáng là hình ảnh Sư Phụ với cuốn Chơn Lý; sau bữa ngọ trưa là những cuốn kinh luận … nhằm tích tạo bầu sữa pháp để ban rải cho chúng con. Sự kết hợp hài hòa giữa giáo pháp chư Phật, của Tổ Thầy, bên cạnh Sư phụ đã uyển chuyển vận hành cái tinh túy của bậc hiền nhân đi trước để hoằng hóa. Gần gũi, nhân từ, khoan dung,… xả bỏ mọi ưu phiền, dính mắc, luôn canh cánh độ tận chúng sanh nơi ta-bà. Dù khí hậu khắc nghiệt, dù thân thể bất hòa, Sư phụ cứ băng băng tự thân đến với tất cả đồng bào, với Phật tử bằng tinh thần của giáo pháp Phật-đà, bằng những chuyến từ thiện giúp đỡ người cùng khổ theo lý nhân duyên “họ ăn thì còn, mình ăn thì hết”. Lúc nào Sư phụ cũng chịu thiệt thòi cho bản thân mình. “Chơn lý võ trụ là tiến, là trong sạch,..” “…sống bằng giác trùng cho mạnh mẽ tốt đẹp dẫy đầy sanh sản, đặng áp chế các vi trùng độc. Họ bảo giữ chúng nó bằng cái toàn chơn chí thiện vậy, xác thân của họ như vỏ trái già chín, họ không còn ngó nó nữa vì họ đã cứng chắc tâm hột rồi. Họ không tự làm ác để nuôi thân, họ không tiếc gìn thân, họ bỏ xác thịt giờ nào cũng được, họ chỉ nuôi tinh thần đi lên cao tới mãi…”. Nhớ lại bài giảng của HT. Giác Toàn trong khóa tu Hệ phái lần 8 diễn ra tại Ngọc Nhơn ngày ấy, con mới hiểu hết thế nào sự tự gội tâm thức tự thân mà Sư phụ đang vận dụng. Về sau câu nói: “ Cám ơn bệnh tật đã cho tôi thay chiếc áo mới nhanh hơn!” con không còn thấy lạ với Sư phụ, không còn xót xa khi Sư phụ dạy Phật tử. Nhưng Sư phụ có biết trong lòng con những khi ấy quặn thắt vô cùng, vì con sợ… sợ Sư phụ bỏ con ra đi! – Đi lúc nào mà không được! Nhưng đi trong lúc này, con còn nhỏ dại quá Sư Phụ à! Rồi ai cũng lớn thôi con à!...”. “Rồi ai cũng lớn” – lớn khi không còn Sư phụ, lớn trong từng oai nghi, tế hạnh, lớn trong suy nghĩ lẽ Đạo, lý đời, lớn là lớn để không còn vụng dại!!! Bài học vươn lên ngay tự thân đã thúc đẩy con từng ngày, từng ngày, để con vững chãi hơn khi Sư Phụ ra đi bất cứ lúc nào!

Vẫn biết sanh diệt là lẽ thường. Thành trụ hoại không chỉ là quy luật. Xong sao nghe tin, khi đối diện sự thật vẫn ngỡ ngàng đến tê dại lòng dạ, tâm can. Thế mới hiểu “Mồ côi tội lắm ai ơi!”

Hành trình dài những chuyến đi, Thầy trò có nhau. Giờ này có lẽ Sư huynh Giác Phong sẽ hiểu hơn ai hết những kỷ niệm mà duy chỉ có ba Thầy trò có được. ĐĐ. Giác Nguyệt, Giác Huy ơi, Quý đại đức có còn nhớ chuyến mấy Thầy trò về Kon Tum không? Xe sụp bánh, nghiêng hẳn về một bên, dường như sắp lật, ấy thế mà Sư Phụ vẫn thản nhiên như không có gì, trong khi đó con và mọi người thì thảng thốt sợ Sư Phụ có làm sao không. Sư phụ đi, phải có chư Thiên, hộ pháp hộ trì chăng mà giữa mênh mông rừng núi không bóng người, vẫn có những anh thanh niên người đồng bào nguyện đẩy xe xuất hiện và chiếc xe kéo xuất hiện,… hành trình về Gia Lai nối tiếp bánh xe lăn.

Và gần nhất, chuyến đi, có lẽ là sau cuối nhất mà con và ĐĐ. Giác Phong được phước duyên đồng hành với Sư Phụ về Bình Định hôm 17 tháng 2 năm Quý Tỵ này. Đêm ở Ngọc Sơn sao dài quá Sư Phụ, cả đêm thức cùng Sư Phụ, đến trưa Sư Phụ bảo về thôi, trong con và đại đức lúc ấy sao ngổn ngang quá, khó hiểu quá. Bột sắn dây Sư phụ bảo chia làm hai ra mang tặng cho bà thí chủ HT. Giác Thuận và cho Bà thí chủ của con hôm ấy có lẽ vẫn còn ấm nóng bàn tay Sư phụ trao. Cả cuộc đời cho đi… Cho tất cả những gì có được mà không chút toan tính so bì. Nhưng con linh tính điều gì đó không ổn, còn Sư Phụ thì luôn cố hết sức bình sinh không để lộ rõ vẻ mệt nhọc hay bệnh yếu, vẫn hiển nhiên xăm xăm nhanh chân lên Thiền đường Ngọc Túc có vài lời cho khóa tạ pháp hôm đó trước khi về. Nhìn Sư Phụ lúc ấy mà mắt con cứ lưng tròng. Nước mắt không chảy, có lẽ vì sự ảnh hưởng của lòng vững chí, sự mạnh mẽ của Sư Phụ! Anh em chúng con hôm đó không ai nói gì, chỉ nhìn nhau mà lòng buồn khôn xiết. Còn nhiều nhiều những miền nhớ ùa về không sao diễn bày hết trong giờ phút ngắn ngủi của tình Thầy trò bao năm qua.

Hôm nay tiễn Sư phụ đi sao muôn người bịn rịn, khóc như mưa không giống những lần đã qua tiễn Sư phụ đi trong nụ cười hiền hòa và cánh tay vẫy của Phật tử chan chứa niềm vui. Hành trình dài ấy con sẽ kể lại cho chư tôn thiền đức nghe những lần sau Sư Phụ nhé. Sẽ kể hoài cho đến khi Sư phụ về lại bên chúng con.

Đau đớn lòng con luống ngậm ngùi

Thầy đi, con khóc lệ đầy vơi

Thương con như thể người mẹ lớn

Thỏ thẻ con nghe xót nghẹn lòng.

 

Bỗng đắng buồng tim, nhói tâm can

Thầy ơi ướt lệ thấm ngàn hàng...

Nghe như sét đánh, trời cũng khóc

Người người bi thương xếp thành dòng.

 

Viếng linh đài bậc Thầy khả kính

Rủ tang chiều, cây gió lặng thinh

Bao nhiêu năm đức cả hy sinh

Cho tín đồ, chúng sanh thức tỉnh.

 

Thầy về Tây, chúng sanh bịn rịn

Toa tàu mất tay lái thông minh

Nguyện tái sanh làm Thầy xuất kiệt

Độ chúng sanh cả thảy... đến vô tình.

Nam mô Giác linh Sư phụ thể nhập ta bà, hóa độ quần sanh Bồ-tát.