Cảm niệm khóa tu lần 3 của Sa-di, Sa-di-ni, Tập sự nam nữ

 Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Ngưỡng bái bạch chư Tôn Hòa thượng, chư Thượng tọa, Đại đức Tăng Ni,

Kính thưa toàn thể quý thiện nam, tín nữ Phật tử, các thiện hữu tri thức, cùng các bạn đọc gần xa,

Ngoài trời, những cơn mưa đầu mùa đã bắt đầu rơi, những chồi non đua nhau tắm mình trong tiết xuân nồng nàn. Trong giảng đường, giọt nước pháp cũng bắt đầu thấm nhuần đến từng con tim của những hành giả đang chập chững bước vào cửa đạo. Biết bao cảm xúc nghẹn ngào, bỡ ngỡ, và đong đầy hy vọng trong những ánh mắt thơ ngây. Sự thơ ngây ấy không chỉ đáng yêu, mà còn hiển lộ những mầm từ bi đang đâm chồi, vươn mình trong pháp tạng Như Lai.

Mười ngày trôi qua thật nhanh, nhưng trong tâm thức mỗi Tăng Ni, niềm cảm xúc an lạc như vẫn đang dâng trào, nhận chìm mọi phiền não. Luồng không khí se lạnh len lỏi đến từng tế bào, từng con tim rạo rực đầy sức sống và nhiệt huyết, đang dần được thay thế bởi những dòng cảm xúc thốt lên từ những “chú chim non” chập chững reo ca trong nốt nhạc diệu pháp. Giảng đường bắt đầu ấm lên với những tiếng cười, kèm theo đó là những giọt nước mắt cố gượng nhưng vẫn cứ rơi. Đó là tất cả những gì còn đọng lại trong buổi tạ pháp, bế mạc khóa tu mười ngày. Sau đây là một số trích dẫn tiêu biểu:

Với sự mong mỏi, chờ đợi những gì cao đẹp và thiêng liêng nhất sẽ đến với tất cả mọi người. Sa-di Giác Minh Tĩnh (TX. Ngọc Hưng - Đồng Nai) đã vẽ lên bức tranh ấy trong một buổi chiều lạnh giá:

“Chiều nay gió nhẹ, báo xuân về

Tây Nguyên thổn thức rộn hồn quê

Ngọc Quang tô thắm nguồn tuệ giác

Cảnh tỉnh người đời khắp Ban Mê”.

Vang vọng theo đó là những dòng xúc cảm của Tập sự Ngọc Huy (TX. Ngọc Lương – Phan Thiết – Bình Thuận) – một cô gái vừa qua tuổi tròn trăng, đã không ngại bỏ đi mái tóc xanh, dấn thân vào con đường tìm cầu giải thoát với bao niềm tin và sức trẻ: “Mùa xuân là mùa cây cối đâm chồi, nảy lộc. Các loài hoa đua nhau khoe sắc, mọi người đang rộn ràng sắm sửa để chuẩn bị chào đón một năm mới sắp đến. Con cảm nhận được cái lạnh nơi đây, giống cái lạnh trong trái tim con khi nhớ về những con đường, hàng cây, ngôi nhà... và hình ảnh cha mẹ đang ngóng đợi đứa con gái về thăm nhà.

Đứa con nhỏ dại khờ của cha mẹ đang được dạy dỗ từng ngày, bởi những đôi tay ấm áp và trái tim yêu thương trong ngôi nhà giáo pháp tại tịnh xá Ngọc Quang. Các sư huynh, sư đệ ơi, chúng ta hãy cùng nhau cố gắng tu tập theo giáo pháp của Phật, đừng để thầy mình buồn giống như Đại đức Giác Phổ đã rơi nước mắt vì chúng ta nhé! Chúng ta đừng vì chỗ đứng, chỗ ngồi, đừng vì sự lớn nhỏ hơn thua mà tranh cãi nhau. Chúng ta hãy đến đây học và tu tập, tìm lối đi riêng cho mình để tiến đến giải thoát sanh tử. Sư phụ luôn dạy con trong những ngày sám hối: “Chốn Tây phương không dụng tánh phàm”. Chúng ta còn giữ tánh phàm, còn tham sân si thì sẽ còn luân hồi, và nhào lăn trong tứ đại vật chất rối khổ, trong biển sanh tử mà không biết đường đi lối về. Chúng ta hãy tịnh tâm mà hằng soi xét bản thân mình. Con xin thành kính tri ân chư Tôn đức đã dày công mở khóa tu, giúp đàn hậu học chúng con được trau dồi các kiến thức bổ ích, đưa chúng con ra khỏi bóng tối, nâng đỡ từng bước chân bập bẹ đang tập đi của chúng con”.

Tiếp đến là những vần thơ chứa đầy cảm xúc của một người thanh niên “dạn dày sương gió” mới bước chân vào đạo, đó là Thiện Thắng - TX. Ngọc Đà – Đà Lạt:

“Con về tham dự khóa tu

Về nơi phố núi sương mù ngàn hoa

Về trong mái ấm Ngọc Đà,

Đạo tràng thanh tịnh ngôi nhà tâm linh.

Thắm tình ân nghĩa đệ huynh,

Giúp nhau trên bước lộ trình tu tâm.

Quý thay diệu pháp thậm thâm,

Nương nhờ Sư Phụ khơi mầm đạo chơn.

Suốt đời đệ tử mang ơn,

Công lao giáo dưỡng quý hơn bạc vàng.

Bao nhiêu vọng tưởng vương mang

Si mê bụi bặm hoàn toàn chùi lau

Tâm con tỉnh thức quay đầu,

Già-lam Phật cảnh nhiệm mầu trang nghiêm.

Chẳng còn mơ tưởng đi tìm,

Trần gian dậy sóng nổi chìm đau thương.

Về đây giữa chốn Phật đường,

Thân tâm thanh tịnh ngát hương thơm lành.

Chúng con gắng chí tu hành,

Đền ơn Thầy Tổ, bạn lành chung tay

Mong sao tiếp đến ngày này,

Miền Trung - Nam - Bắc sum vầy chuyên tu.

Tập sự Ngọc Đạm (TX. Ngọc Chánh – EaHleo - Daklak), vừa xuất gia được vài tháng đã tâm sự: “Biết bao tâm trạng, bởi đây là lần đầu tiên con được tham gia khóa tu như vậy. Con đã học được từ khóa tu nhiều điều lợi ích và cũng gặp bao thử thách buộc con phải vượt qua.

Ngày đầu tiên đặt chân đến Tịnh xá, một chút nghẹn ngào dâng lên trong con khi nhìn thấy gương mặt phúc hậu của Sư Ông giờ đã già đi cùng năm tháng, nhưng Sư Ông vẫn luôn nở nụ cười với tất cả mọi người. Nhìn Sư Ông cười, con thấy tâm hồn con an lạc quá chừng!

Ngày tu đầu tiên đối với con thật nhiều điều mới mẻ. Huynh đệ trong khóa tu đa số là lần đầu tiên con được gặp. Mặc dù không gian lạ, người lạ, dù Thượng tọa vẫn say sưa với những thời pháp thì ở dưới này, con cứ gật đầu lia lịa vì buồn ngủ. Thực sự con chẳng muốn nhưng sao mắt con cứ muốn nhíu lại rồi nó nhẹ nhàng đưa con vào cõi hôn trầm lúc nào không hay. Những lúc thức tỉnh lại được thì con cứ ngoái cổ lại nhìn đồng hồ mong sao thời gian trôi qua nhanh, tại… con đau chân quá! Đến khi giáo thọ sư nói lời tạm biệt để trở về với trú xứ của Người thì trong con mới xuất hiện nỗi ân hận rằng: “Người đã không quản ngại đường xá xa xôi đến đây chỉ mong truyền trao lại những giáo pháp cho hội chúng cùng hiểu. Thế mà con... với bản tánh phàm phu còn quá nhiều, dường như con có lỗi với Người, với tấm lòng nhiệt huyết mà Người đã dành cho chúng con!

Con thích học giờ sám hối, vì lúc đó là lúc con học được cách lắng nghe. Những lời sám hối từ đáy lòng, tuy rằng có đôi lúc buồn cười nhưng chân thật. Có lúc con thấy sao vô tâm, khi huynh đệ đã lấy hết can đảm của mình để phát lồ sám hối thì con lại cười. Dường như con chưa bao giờ làm trọn hạnh đức của một người tu. Thực ra, trong những ngày qua con chưa tinh tấn, còn mắc nhiều lỗi lầm, nhưng vì bản ngã của con quá lớn nên con chưa thể nào nói ra những lỗi lầm của mình để đại chúng chứng minh. Con sợ huynh đệ cười, sợ giọng nói của con nặng nề khiến đại chúng không hiểu. Cũng vì thế, tâm bồ đề của con không thể lớn mạnh để cung đối trước đại chúng mà phát lồ sám hối”.

Tập sự Huệ Xuân – TX. Ngọc Yên (Sông Cầu) đã nói lên những lời tri ân đậm tình thầy trò: “Con là một tập sự mới bước chân vào đạo, chân ướt chân ráo, ăn chưa no lo chưa tới. Oai nghi tế hạnh của con còn mang nặng tập khí ở đời nên chưa được trang nghiêm, thanh tịnh. Đến với khóa tu này, con đã học tập được nhiều điều quý báu từ nơi quý Ngài giáo thọ về oai nghi, tế hạnh trong khi đi, đứng, nằm, ngồi. Và nhờ đó mà con đã được chỉnh sửa phần nào về tập khí lăng xăng ở đời. Quý Ngài đã không ngại đường xá xa xôi, và gác lại công việc tại trú xứ mà quang lâm đến đây ban cho chúng con những bữa cơm thiền, những dòng sữa pháp vô cùng quý giá, quý hơn cả vàng bạc. Cơm thiền đôi lúc tuy có “đắng”, sữa pháp tuy có “cay” nhưng đối với chúng con nó thật là bổ dưỡng. Nó nuôi lớn hạt giống Bồ đề trong tâm chúng con và sẽ là hành trang để chúng con luôn vững bước trên con đường tu học:

Mưa xuân nhè nhẹ ướt

Mưa pháp thấm tâm người

Nuôi hạt giống Bồ-đề

Trong con ngày thêm lớn.

Phát biểu của Sư cô Liên Phiên lắm tình cảm nhưng đầy sức mạnh rung chuyển, xoáy xâu vào tâm hồn mỗi học Tăng Ni: “Đó là những ngày mà chúng con được trở về cội nguồn thời Đức Phật, sáng được nghe pháp, trưa khất thực và thiền tập khi chiều về. Những hình ảnh đó làm cho tâm hồn được sống lại sau bao ngày héo khô, một cảm giác xao xuyến khó tả. Các bậc Tôn đức vì lòng từ bi thương xót đàn hậu học, đã nhiệt tâm ban rải những dòng pháp lành. Sự ân cần, un đúc của các Ngài đã làm cho những hạt giống non nớt trong con lớn mạnh. Chư Tôn đức với thân tướng trang nghiêm, đĩnh đạc, giọng nói hiền hòa mang lại cho chúng con một niềm tin tưởng vững chắc, một nghị lực phấn đấu trên con đường tu nhân học đạo.

Lá y quả bát đạo chơn truyền

Phương tiện du hành hạnh hóa duyên

Phát nguyện cúng dường gieo phước đức

An tâm tri túc dễ tham thiền.

Những bàn tay bé nhỏ xinh xinh ôm bát tạo thành lá Bồ-đề, một phong thái uy nghi vững chãi trên con đường hóa độ chúng sinh. Màu y vàng giải thoát tung bay, rãi bày giáo pháp Như Lai, toát ra một đức hạnh cao đẹp, một phong thái an lạc".

Thiện Chiếu (TX. Ngọc Phước - Vạn Giã – Khánh Hòa) đã giải bày tâm trạng của mình: “Khóa tu lần này con có tiến bộ hơn là đã dứt được hôn trầm trong nghe pháp, học kinh và tọa thiền. Nhưng chân vẫn ê ẩm và đau mỏi, mặc dù cố gắng chánh niệm vào nó. Hòa Thượng có dạy: “Tinh tấn thì việc gì cũng xong”. Con tin rằng thực tập chánh niệm trong mọi oai nghi, và có sống trong thiền mới vào được định, có định tuệ liền sáng thông”.


Và đây, là một ấn tượng đẹp đã in sâu trong trái tim Ni cô Liên Giác (TX. Ngọc Chơn – Buôn Hồ - Daklak): “Vào một buổi chiều được Ni sư Hạnh Liên giảng một bài pháp thắm tình khiến con cảm thấy cay cay sóng mũi. Ni sư đã nói: “Các con nên nhớ người đệ tử thường hay trách thầy, rồi bỏ thầy ra đi, nhưng người thầy thì không bao giờ bỏ được người đệ tử. Khi một người đệ tử ra đi thì trái tim người thầy…tan nát, và khi người đệ tử sa chân lỡ bước quay trở về thì người thầy dang rộng vòng tay để vỗ về và tha thứ lỗi lầm”. Con đã khóc, nước mắt rơi xuống như một lời hối hận, cũng như một niềm vui khi con tìm lại được cái tâm ban đầu của mình. Lúc đó, con ao ước có Sư phụ kề bên để con sám hối và nói lên sự ân hận vì đã có những điều nghĩ quấy. Tấm lòng của Người bao la thế, ấy mà mỗi khi bị la rầy con lại trách móc, muộn phiền. Con đâu hiểu hết tâm tư của Người mỗi lần như vậy. Sư phụ chỉ nói: “Con đã không còn như con ngày xưa”, ấy thế mà con nào có thức tỉnh”.

Gắn kết với tấm lòng ấy, là bài thơ Tri Ân về người Thầy của cô Liên Hạ (TX. Ngọc Chánh – EaHleo - Daklak):

“Thầy đứng trên bục gỗ

Thầy dõng dạc giảng bài

Thầy thao thức từng đêm

Thầy viết đầy giáo án

Thầy cho bài mỗi tiết

Thầy chấm điểm mỗi khi

Thầy dạy từng con chữ

Thầy nắn nót cuộc đời

Thầy đứng bên hiên cửa

Thầy dõi theo từng bước

Thầy mái tóc pha sương

Thầy dải dầu năm tháng

Là chuyến xe cuộc đời

Chở con bao nhiêu chặng

Nhiều thế hệ đi qua

Xe vẫn cùng một tuyến

Thầy ngàn xưa con biết

Khi cắp sách đến trường

Thuở vẫn chưa phủi bỏ

Mái tóc dài trên vai

Nay thay hình đổi dạng

Chiếc áo vàng con khoác

Đầu trần chân dấn bước

Khất sĩ ấy con đường

Nơi này con cũng có

Thầy ở trong nhà đạo

Biết định nghĩa ra sao

Chữ “Thầy” ngày nay nhỉ?

Không bục giảng cao xa

Không sân trường sách vở

Không chỉ là chuyến xe

Trên đường đời ngắn ngủi

Mà là cả bầu trời

Trong luân hồi con bước

Thầy bây giờ còn phải

Dạy con biết oai nghi

Giữ kẽ từng cử chỉ

Kẻo mang tội con ơi!

Thầy thấy rõ tâm tư

Mà không cần phải hỏi

Để mỗi khi sám hối

Thầy mới nói con nghe

Thầy dạy con bài học

Bằng tất cả những gì

Kinh nghiệm thầy tu được

Qua nhiều kiếp tái sinh

Thầy không hề đứng lớp

Theo những giờ đã định

Mà bất cứ lúc nào

Con cần thầy chỉ dạy

Thầy không cần lương bổng

Hay bất cứ món gì

Tạo sắm từ vật chất

Cái thầy cần năm tháng

Thấy con được nên người

Theo chánh pháp Như Lai

Tìm con đường giác ngộ

Bến Niết-bàn tìm về

Giải thoát quyết lìa mê

Đó là đời tu sĩ.

Đò, rồi cũng tan rã

Thầy, rồi sẽ ra đi

Để mình con dấn bước

Theo đạo nghiệp một mình

Dù có đến ngày ấy

Con xin sẽ mỉm cười

Tiễn chân thầy đi lên

Về nơi cõi an lạc

Con nơi này sẽ nhớ

Hành theo lời Thầy dạy

Quyết không quay trở lại

Con đường đầy đau thương”.

Để gom thâu lại thứ tự và nội dung giảng của các vị Giáo thọ sư, học Ni Ngọc Viên (TX. Ngọc Trung – An Khê – Gia Lai) có đôi dòng thơ nói lên cảm xúc của mình qua khóa tu mười ngày:

Chuông ngân báo đến giờ tu học

Từng vị Sư, từng bài giảng thật hay

Thượng tọa Thuận tiếp giảng hai ngày

Qua bài pháp: “Để thành người Khất Sĩ”

Rồi ngày thứ ba nhẹ nhàng trôi đến

Thượng tọa trụ trì tịnh xá Ngọc Đà

Dạy chúng con pháp ý rộng xa:

“Phước huệ song tu, đồng đăng bỉ ngạn”

Ngày thứ tư Đại đức Giác Kiến

Thăm chúng con còn tặng sách làm quà

Biết bao điều Đại đức đã kể qua

Những buồn vui trong tháng ngày du học.

Ngày thứ năm có Sư Bà Ngọc Túc

Rất hiền từ, dáng vẻ trang nghiêm

Pháp Tứ Đế phải gắng suy tìm

Lời dịu ngọt mà đầy thâm thúy.

Ngày thứ sáu có Giác Hoàng Đại đức

Ngài dạy về ý nghĩa khóa tu

Miệng mỉm cười, khuyên nhắc công phu:

“Giờ tu học phải gìn chánh niệm”

Thứ bảy đến Thượng tọa ở Ngọc Sơn

Bài thuyết giảng vô cùng sâu sắc

Dạy chúng con trong từng nhận thức.

Những pháp lành căn bản thiền môn.

Ngày thứ tám đến Ngài Giác Phổ

Dạy chúng con từng bước thiền hành

Trong hớn hở tạo nhiều gắn kết

Như đoàn tàu chuyển bánh nhanh nhanh…

Thứ chín đến Hòa thượng Giác Phương

Kinh Phước Thí là chủ đề buổi sáng

Với âm điệu trầm hùng, sang sảng

Chủ đề ngắn ngủi, buổi chiều là tu.

Ngày thứ mười Hòa thượng Giác Toàn

Là trụ trì Tịnh xá Trung Tâm

Trong dáng vẻ từ bi phúc hậu

Ban đạo từ bài pháp cao thâm.

Tâm đắc với bài giảng của Thượng tọa Giác Thuận, tập sự Thiện Trí (TX. Ngọc Quang – Ban Mê Thuột) đã bộc lộ cảm xúc của mình khi thấm nhuần được giáo pháp: “Thời gian có thể xóa đi tất cả, xong với nguồn tuệ giác của các Ngài thì không bao giờ lụi tàn theo thời gian. Trong mỗi người học trò, được học và hành trong môi trường tốt là rất quý giá. Chúng con nhờ hồng ân Tam bảo, Tổ Thầy, và sự dìu dắt của các Ngài mà được tắm mình trong mưa pháp. Để trở thành một vị Khất sĩ trong trương lai, con cần phải cố gắng rất nhiều. Ý nghĩa của cụm từ ‘Nhà sư Khất Sĩ’ rất lớn và mầu nhiệm.”

Và cuối cùng, học Ni Liên Thân (TX. Ngọc Định – Bình Định) đã đọc lên bài thơ mà mình vừa sáng tác. Kết cấu bài thơ mang đậm phong cách của Hòa thượng Giác Toàn, đi sâu vào lòng người với những hình ảnh cao đẹp và thiêng liêng của tâm tư người con Khất Sĩ:

LƯU truyền chánh pháp đức Như Lai

NIỆM tưởng Tổ sư đức cao dày

KHÓA chặt lục căn gìn chơn tánh

TU diệt lục trần trí mở khai

GIỚI luật tinh chuyên hàng Thích tử

ĐỊNH tâm phục ý vẹn cả hai

HUỆ trí sáng soi tầm chơn lý

LẦN theo gương dấu bậc đức tài

THỨ lớp quy hồi về nguồn cội

BA mật giữ gìn phản bổn nguyên

TẠI nơi trú xứ miền cao nguyên

TỊNH thanh rừng núi đất thiêng liêng

XÁ sạch tâm phàm hóa nhập Thánh

NGỌC báu sáng ngời vĩnh trường miên

QUANG chiếu chơn tâm hòa hợp chúng

NĂM tháng đầu đông thật diệu huyền

NHÂM thuyền giáo hội khai nguồn đạo

THÌN Phật huyền y dạy pháp thiền

HAI pháp học hành hoằng hóa chúng

NGÀN đời rạng tỏa ngọn đuốc thiêng

KHÔNG không vô chấp với vô phiền

TRĂM hoa rực rõ hoa ngược gió

MƯỜI phương âm hưởng ánh triêu dương

HAI miền trung nam về một nhà

TRỤ gìn bảy báu thật vững chắc

TRÌ giữ hạnh lành đấng pháp vương

HÒA vui trong thiền đường thanh tịnh

THƯỢNG báo ân hạ hóa muôn loài

GIÁC tâm từ rãi khắp muôn phương

DŨNG tiến an lạc kề Như Lai.

Tất cả đều là những cung bậc cảm xúc đã có dịp tuôn trào trong khoảng thời gian ngắn ngủi. Khoảng thời gian mà dường như mọi thứ đều lặng im để hòa mình vào những xúc cảm ấy. Những lời tri ân đầy cung kính, những kỷ niệm sâu đậm khó phai, những câu chúc dạt dào nguồn cảm xúc, để rồi lặng đi giờ chia tay đến. Những lời bộc bạch tuy còn nhiều khiếm khuyết, nhưng đó là những gì chân thật nhất từ tấm lòng của mọi Tăng Ni trẻ, từ những trái tim đang dung chứa yêu thương, bắt đầu hòa mình vào dòng chảy giải thoát, rồi ngoảnh lại để cứu độ nhân sinh. Ngưỡng mong một lần nữa quý Ngài tiếp tục dang đôi tay đón nhận những dòng xúc cảm mà chúng con thốt lên. Với những câu văn được viết theo cảm hứng, những dòng thơ được đọc lên theo cảm xúc, không sao tránh khỏi sai xót. Kính mong quý thiện nam, tín nữ Phật tử, quý thiện hữu tri thức, các bạn đọc gần xa niệm tình bỏ qua. Với chút công đức tu tập trong mười ngày vừa qua, chúng con nguyện đem hồi hướng đến tất cả chúng sinh trong mười phương pháp giới, cầu mong cho tất cả chúng sinh hữu tình cũng như vô tình đều sớm thức tỉnh tìm lại chơn tâm thuần khiết của chính mình.

Tết đến xuân về, chúng con cầu chúc quý Ngài gặp được nhiều thắng duyên trong công cuộc hoằng hóa độ sinh. Kính chúc quý thiện nam, tín nữ Phật tử, quý thiện hữu tri thức, quý bạn đọc gần xa có được một mùa xuân ấm áp và hạnh phúc bên gia đình, luôn nương theo Tam bảo, cũng như tiếng nói chân thành từ con tim vì đạo mà thăng tiến đạo tâm.

Nam Mô Hoan Hỷ Tạng Bồ Tát Ma Ha Tát.