Cảm niệm kính dâng cố Hòa thượng của Tăng Ni sinh du học Ấn Độ

Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Cung kính ngưỡng bạch chư Tôn đức chứng minh Hệ phái,

Cung kính ngưỡng bạch chư Tôn đức lãnh đạo các Giáo đoàn Tăng Ni,

Cung kính ngưỡng bạch chư Tôn đức Ban Trị sự Giáo đoàn III,

Cung kính ngưỡng bạch Giác linh cố Hòa thượng Giác Tần tân viên tịch,

Kính bạch chư Tôn đức Tăng Ni,

Hôm nay, chúng con bày tỏ sự tiếc thương kính nhớ bậc Tòng lâm Thạch trụ trong tông môn Hệ phái Khất sĩ đã thuận thế vô thường xả bỏ báo thân trở về với Phật. Với nỗi mất mát này, hàng Tăng Ni sinh du học tại Ấn Độ chúng con nguyện quy tụ về trước Giác linh đài, kính cẩn nghiêng mình dâng lên bậc chân Sư nén tâm hương và kính dâng đôi dòng tưởng niệm.

Cung kính ngưỡng bạch Giác linh khả kính,

Hàng Tăng Ni chúng con được chút duyên lành từ bao đời trước nên đời này sớm được xuất gia thành người Khất sĩ. Trước khi vào đạo, chúng con cứ ngỡ trăm năm một cõi vô thường, rồi đây chúng con phải oằn mình bước trên lối mòn của nghiệp báo và phải buông thõng hai tay xuôi theo nhân quả của mình. Nhưng thật may mắn thay ngọn đèn chơn lý chợt bừng lên trên những con đường tối tăm của nhân thế. Đó là vào những thập niên của tiền bán thế kỷ trước, khi Phật giáo tại Việt Nam lâm vào cảnh suy vi cùng tột thì tại miền Tây Nam Bộ, đức Tổ sư Minh Đăng Quang xuất thế. Chỉ vỏn vẹn có 10 năm, Tổ sư đã mở ra con đường siêu thế thanh cao, vượt lên trên mọi nhiễm ô của thế tục. Con đường này đi thẳng vào tâm giác ngộ, đánh thức tuệ giác và làm trỗi dậy ý thức giải thoát nơi mỗi con người.

Sau thời đức Tổ sư vắng bóng, các Đức Thầy lần lượt dẫn các đoàn du Tăng hành đạo khắp nơi. Trong mạng mạch Phật pháp đó, đức Thầy Giác An thành lập Giáo đoàn III truyền bá Đạo Phật Khất Sĩ  khắp các tỉnh miền Trung. Hòa thượng có nhân duyên nên được xuất gia và trở thành đệ tử cuối cùng của đức Thầy.

Từ khi chính thức dự vào hàng Tỳ kheo thiệt thọ, Ngài đã cống hiến trọn vẹn cuộc đời cho đạo pháp và chúng sinh. Dẫu rằng chúng con không được may mắn tiếp nhận những lời giáo dưỡng của Ngài, dẫu rằng chúng con không được diện kiến oai nghi, tế hạnh của bóng y vàng đơn sơ mà thoát tục của Ngài. Nhưng là một đứa con trong Hệ phái, chúng con vẫn được thừa hưởng ân đức của các bậc tiền nhân đã cống hiến cuộc đời xiển dương chánh pháp Phật đà.

Trời không ánh sáng hoa nào nở

Dạ vắng yêu thương, dạ khổ sầu

Đời thiếu bóng y người Khất sĩ

Con đường giải thoát hỏi còn đâu?

Sanh ra trong cõi Ta bà giả tạm, tất cả chúng ta đều phải thọ nhận sự giả hợp duyên sanh, con đường này không ai tránh khỏi. Tuy nhiên, do có đủ phước duyên, Ngài được xuất gia đứng vào hàng Tăng bảo vô cùng cao quý. Ngoài sự tu tập cho bản thân ra, cả cuộc đời của Ngài đã phụng sự cho quê hương và đạo pháp một cách trọn vẹn.

Về mặt giáo hội, Hòa thượng được giao phó nhiều trọng trách quan trọng để gánh vác các Phật sự lớn lao cho Giáo hội. Ngài luôn là ngọn cờ tiên phong trong tất cả các công tác từ thiện, phát tâm cúng dường cho Ban Trị sự mỗi khi Giáo hội tỉnh và huyện nhà tổ chức Giới đàn, tổ chức An cư hay các kỳ đại hội Phật giáo.

Về mặt chính quyền, Hòa thượng đã đóng góp vô cùng to lớn trong các phong trào xóa đói giảm nghèo, xây nhà tình thương, phát quà cứu trợ cho đồng bào gặp khó khăn… góp phần xây dựng đất nước giàu mạnh.

Về mặt nội tự, Hòa thượng tiếp Tăng độ chúng, thâu nhận và giáo dưỡng nhiều đệ tử xuất gia tài đức tiếp nối gia tài pháp bảo của Như Lai, làm cho đạo tràng hưng thịnh và phát triển trường tồn.

Đặc biệt nhất, trong các Phật sự của Giáo đoàn, hoặc của Hệ phái, tuỳ duyên, tuỳ thời Ngài thực hiện tiên phong làm gương, hầu đưa Giáo đoàn - Hệ phái phát triển đi lên từng ngày mà vẫn duy trì đúng con đường, tôn chỉ của Tổ Thầy. Các khoá tu của Giáo đoàn, nếu đủ sức khỏe, Ngài luôn thăm viếng khuyến khích hành giả tu học. Sự hiện diện của Ngài trong hội chúng khiến cả không gian ấm áp, tinh tấn, hoan hỷ.

Cuộc đời Ngài đã làm cho đạo pháp luôn luôn sáng tỏ, bánh xe pháp vận chuyển không ngừng, là hoa ưu đàm nở giữa mùa xuân, nở hoa đầu nắng hạ, thế mà hôm nay:

Bồ đề lá vẫn xanh cây

Pháp âm còn đó, bóng Ngài nới đâu?

Ngài về cõi Niết thâm sâu

Chúng con ở lại lòng sầu tiếc thương.

Kính lạy Giác linh Ngài, trong giờ phút thiêng liêng trọng đại, thuyền Bát Nhã đang tách bến dương trần, cuộc chia ly chỉ còn trong tâm thức để rồi biến thành thiên thu vĩnh biệt, chúng con thật sự không bao giờ còn nhìn thấy bóng vàng y cao quý và để được nghe những lời giáo huấn của Ngài.

Kính bạch Giác linh!

Không có bút mực nào có thể diễn tả được nỗi ngậm ngùi, luyến tiếc của chúng con. Chúng con xin nguyện dùng pháp Tam vô lậu học làm cứu cánh trên bước đường tìm về bến giác để báo đáp được phần nào công đức kế thừa và hoằng truyền chánh pháp như cuộc đời Ngài đã nêu cao.

Trong giờ phút câu hội trước linh đài, Tăng Ni sinh chúng con chỉ biết niệm tưởng Ngài bằng tiếng kệ lời kinh; tuy đau thương nhưng không bi lụy, tuy xót lòng nhưng vẫn giữ tấc lòng chí thành an tịnh để cung tiễn nhục thân cố Hòa thượng trở về cát bụi. Kính nguyện Giác linh Cao Đăng Phật Quốc, hội nhập Ta bà hóa độ chúng sinh.

Chúng con thành tâm cúng dường hai câu đối xứng danh với đạo hiệu của Ngài:

Giác tánh, giác tâm, tâm tánh giác

Tần viên, tần tảo, tảo tần viên.

Đôi dòng tưởng niệm Tăng Ni sinh du học tại Ấn Độ chúng con xin kính nguyện Giác linh cố Hòa thượng thùy từ chứng giám.

Nam mô Chứng Minh Sư Bồ-tát Ma-ha-tát.