Cảm niệm về Hòa thượng Giác Giới

SL380516 800x450Nhớ hôm nào mới vào Hạ,

Và hôm nay mùa Hạ sắp đi qua,

Lòng con ngậm ngùi xót xa,

Con thương Hoà thượng, tuổi già yếu chân.

Thế mà, năm nào Hòa thượng cũng không từ chối lời kiền thỉnh của các trường Hạ chúng con. Một mùa Hạ, Hòa thượng chỉ đến có ba lần vỏn vẹn, đó là mỗi tháng một lần, vì đường xa xôi, Phật sự cũng rất nhiều, nhưng hoàn toàn không thấy một lời than van mệt mỏi khi đến với đại chúng. Hòa thượng với gương mặt hiền từ, khả ái, với nụ cười mỉm từ bi, dung mạo khoan dung độ lượng, với giọng nói đầm đầm như suối nguồn róc rách, với ánh mắt chan chứa tình thương toát ra từ tâm của Ngài mang giáo pháp đến với chúng con. Chúng con rất cảm động mỗi khi Hòa thượng hiện diện, con thầm nghĩ khi Hòa thượng trăm tuổi già rồi, còn ai là người gương mẫu giữ giới nghiêm minh như Ngài đây để chúng con lấy đó mà noi theo. Mỗi năm các vị giảng sư đến với trường Hạ, trước khi lên bục giảng đều có thị giả mang đãy, quảy túi đến trước bàn giảng sư, hoặc khi giảng xong cũng vậy. Còn Hòa thượng của chúng con thì sao? Cũng có thị giả đến thỉnh túi bát mang đi, nhưng Hòa thượng từ chối bằng một cử chỉ khoát tay nhẹ nhàng. Thật sự con rất cảm kích trước đấng nghiêm từ, Hòa thượng giữ giới thật nghiêm minh như vậy đó.

Kính bạch Hòa thượng, trên Hòa thượng Trụ trì có dạy, mỗi hành giả an cư phải làm một bài học mà mình tâm đắc nhất, và nói lên cảm nghĩ đối với vị giảng sư đó. Do vậy, con rất tâm đắc môn Hoà thượng giảng hằng năm, Ngài cứ lặp đi lặp lại môn “Tam Vô Lậu Học Giới, Định, Tuệ” để hành giả an cư thu thập, làm hành trang trên con đường giải thoát.

Vậy con xin mạo muội sơ lược lại môn học của Hòa thượng dạy và trong khi trình bày, nếu có phần nào sai sót ngưỡng mong Hoà thượng với tấm lòng từ bi hoan hỷ cho con.

Tam Vô Lậu Giới-Định-Tuệ.

Tam là ba.

Vô lậu là không phiền não, không rơi rớt.

Học là học hiểu.

Tam Vô Lậu học là ba môn học Vô lậu, còn gọi là Giới-Định-Tuệ, ba pháp này giúp cho chúng ta dứt sạch phiền não, thoát khỏi biển sinh tử luân hồi, không sa đọa rơi rớt trong địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh. Sách Danh Nghĩa Tập, quyển 4 dạy: “Phòng phi chỉ ác là giới, dứt lo nghĩ, tĩnh sự duyên là định, phá ác chính chân là tuệ”.

Trong Kinh Lăng Nghiêm, Đức Phật dạy: “Nhiếp tâm là giới, nhân giới sanh định, nhân định phát tuệ”, đó là ba phần Vô lậu học. Như thế, muốn xa lìa chốn phàm trần ô trược, vui ít khổ nhiều, chúng ta phải nghiêm trì giới luật. Luôn luôn giữ gìn không phút sao lãng, trao dồi giới hạnh, thúc liễm oai nghi, cả trong khi đi, đứng, nằm, ngồi, ăn, mặc nói, làm. Dùng tâm chế phục, dùng giới buộc ràng, từ đó định lực phát sanh, trí tuệ tròn sáng, phân biệt rõ chánh tà, chân ngụy, ưu phiền hoặc nhiễm không còn xen tạp.

Trong Kinh Pháp Cú, Đức Phật dạy:

Tỳ-kheo thọ trì giới,

Gìn giữ nhiếp các căn,

Biết tiết độ uống ăn,

Ý thức luôn tỉnh giác.

Lấy giới hàng phục tâm,

Giữ ý luôn chánh định,

Trong tu tập chỉ quán,

Chính trí thường hiện tiền.

Sáng suốt giữ gìn giới,

Trong chính trí tư duy,

Thành đạo nếu tương ưng,

Tự thanh tịnh hết khổ”.

Giới, Định, Tuệ rất quan trọng đối với người xuất gia của chúng ta nên mỗi năm Hoà thượng đều nhắc nhở, khuyến khích hành trì. Vì giới chính là bậc thang của đạo quả giác ngộ là nền tảng của thiền định, trí tuệ, là ngọc anh lạc để trang nghiêm pháp thân, là thuyền bè đưa người qua biển khổ sanh tử, là kho tàng chứa vô lượng công đức.

Trong Kinh Anh Lạc, Đức Phật dạy:

Giới như đại minh đăng, năng tiêu trừ dạ ám.

Giới như trân bảo kính, chiếu phá tận vô vi.

Giới như ma-ni châu, vũ vật tế bần cùng.

Giới như ma-ni châu, ly thế tốc thành Phật, duy thử pháp vi tối”.

Phật dạy những ai xuất gia, mang trong mình trọng trách thừa hành Phật sự tiếp dẫn hậu lai, báo Phật ân đức, với hoài bão giải thoát phiền trược khổ đau và sanh tử luân hồi, tạo nên một cuộc sống an lành Thánh thiện trong hiện tại không thể không nghiêm trì giới luật. Giới còn có công năng chế ngự thân, khẩu, ý không cho vọng động buông lung. Nên các bậc cổ đức cũng đã dạy:

Giới giữ cho thân sạch lỗi lầm,

Cho tâm như ngọc luyện dồi tâm,

Cho hoa trí huệ tươi ngàn kiếp,

Cho quả từ bi đẹp bội phần”.

Trích "Kỷ yếu Hạ trường Tịnh xá Ngọc Phú - 2014"