Cảm tưởng của chư Ni khóa Bồi dưỡng đạo hạnh 3 - kỳ 3

Sa-di-ni Liên An

Tịnh xá Ngọc Điểm. GĐ IV/PĐ 1

Nam-mô Bổn sư Thích-ca Mâu-ni Phật

Suốt khóa tu này, tâm con rất là vui sướng, vì về đây có Hòa thượng và chư Tôn đức chỉ dạy cho con. Nhờ vậy con học được nhiều điều, đường tu học của con tiến bộ thêm. Con có ý thức hơn trong việc học và phụng hành theo lời chỉ dạy của chư Tôn đức.

Con cầu xin chư Phật mười phương ba đời từ bi gia hộ chư Tôn đức được sức khỏe khinh an để dìu dắt cho hàng hậu học chúng con.

Sa-di-ni Liên Bình

Tịnh xá Ngọc Ban – BMT. GĐ IV/PĐ 1

Nam-mô Bổn sư Thích-ca Mâu-ni Phật

Khóa tu Đạo hạnh lần thứ III tại Pháp viện Minh Đăng Quang là khóa tu đầu tiên con được tham dự. Mới bước vào cổng Pháp viện, lòng con cảm thấy nhẹ nhàng và yên tĩnh vắng lặng trong trường đạo hạnh. 20 năm con vào tu ở Tịnh xá Ngọc Ban, làm công quả đến nay, con chưa được đi xa hoặc đi tham dự khóa tu nào. Hôm nay con được Sư cô cho con đi học đạo hạnh, trong lòng con rất lo ngại, vì con chưa bao giờ đến đám đông như khóa tu đạo hạnh này. Nhưng không ngờ, con may mắn được gặp các Đại đức và quý Sư cô Quản chúng hoan hỷ từ bi, con nghe lòng nhẹ hẳn đi.

Đã 30 năm không cắp sách đến trường, hôm nay ở trong giảng đường rộng, nhiều Tăng Ni, con vừa bỡ ngỡ, vừa sờ sợ. Qua mấy ngày học Phật pháp, nghe kinh, tu tập, ngồi thiền và sinh hoạt, thân tâm con an lạc lạ kỳ, trí con sáng suốt mở mang ra, con biết thêm nhiều điều hay. Kể từ ngày được vào đạo cho đến giờ, khóa tu này để lại cho con nhiều ấn tượng khó quên.

Ngưỡng mong quý Đại đức và quý Sư cô hoan hỷ và dìu dắt cho con đi con đường đạo đến cuối cuộc đời còn lại của con. Mong các Đại đức Tăng Ni chứng minh cho tấm lòng con. Con không biết gì hơn xin đảnh lễ quý Ngài ba lạy.

Liên Thuận

TX. Ngọc Hương. GĐ IV/ PĐ 1

Nam-mô Bổn sư Thích-ca Mâu-ni Phật

Hôm nay là ngày thứ sáu của khóa tu. Khóa tu thật sự sắp kết thúc. Những gì học được từ chư Tôn đức Hòa thượng, Đại đức, quý Sư cô trong 6 ngày qua, con sẽ không quên.

Hòa thượng Giác Giới giảng Sa-di thờ thầy, phận con làm tròn đại hiếu là xuất gia hướng dẫn cha mẹ làm lành thoát khỏi biển sinh tử. Sa-di tân học luôn siêng năng tu duy giáo pháp, tinh tấn hành trì.    

Đại đức Giác Hoàng dạy chúng con hành thiền, quán hơi thở, theo dõi hơi thở, quán cảm thọ rất cặn kẽ. Có đại chúng, con nương theo tu, con thấy cái đau nhưng chưa thắng nổi nó. Về chùa con sẽ tiếp tục hành trì pháp thiền này. Giờ ăn cơm cũng tu trong chánh niệm. Đại đức dạy mọi lúc, chúng con đều có thể tu được. Đại đức lo từng ly từng tý, còn hỏi thăm chư Ni có xà phòng chưa, v.v…

Đại đức Minh Viên kể chuyện con lừa già rớt xuống giếng. Con rất tâm đắc và nghĩ, đây là bài học cho chúng con dù hoàn cảnh nào cũng phải vươn lên, sáng suốt, nhẫn nại, chịu đựng.

Đại đức Giác Phước giảng về tiểu sử Pháp sư Giác Nhiên, hành đạo từ Nam, Trung, Bắc. Giờ tất cả chúng con ngồi đây trong không khí trang nghiêm lồng lộng của Pháp viện Minh Đăng Quang, có biết bao công sức, trí tuệ của quý đức Thầy nằm xuống, hình thành ngôi già lam to lớn để lại cho thế hệ mai sau.

Quý Đại đức cho chúng con món ăn tinh thần để chúng con nuôi sống pháp thân huệ mạng.

Một lần nữa, chúng con cố gắng tu học để đền đáp công ơn của quý Ngài.

Còn quý Sư cô Quản chúng, cũng có lúc làm thầy, xin lỗi mà cũng có lúc làm mẹ, gần gũi chúng con như mẹ hiền giúp đỡ các con làm xong việc nhanh gọn, để kịp giờ lên lớp học. Nhiều em ngồi thiền còn ngã nghiêng ngã ngửa, Sư cô đi từ từ, nhè nhẹ nâng đỡ lên.

Con thành kính đảnh lễ trên Hòa thượng, Đại đức, quý Ni trưởng, Ni sư, Sư cô, tổ chức khóa tu cho chúng con được về tu, được nghe pháp, vì chúng con tuổi đã lớn, không đến trường,… Chúng con cũng muốn góp chút sức cho sự duy trì và phát triển Hệ phái Khất sĩ nối truyền theo Chánh pháp Thích-ca.

Thức-xoa Liên Ngôn

GĐ IV/ PĐ Cố NT. Ngân Liên

Nam-mô Bổn sư Thích-ca Mâu-ni Phật

Con xin có vài dòng cảm tưởng trong Khóa tu Bồi dưỡng Đạo hạnh - 7 ngày dành cho Sa-di, Tập sự này.

Kính bạch quý Ngài,

Dòng thời gian chẳng ngừng trôi, mới đó mà đã 7 ngày Khóa tu Bồi dưỡng Đạo hạnh đã qua rồi. Con vẫn biết thời gian trôi qua không bao giờ nắm giữ lại được, nhưng con vẫn muốn níu thời gian, để mãi được sống dưới bóng từ bi mát mẻ, an lạc của quý Ngài, được cùng chư huynh đệ hòa mình sống chung tu học trong giáo pháp.

Trong Kinh Pháp Cú, phẩm A-la-hán, câu 115, đức Phật dạy rằng:

Ai sống một trăm năm

Không thấy pháp tối thượng

Không bằng sống một ngày

Mà thấy pháp tối thượng.

Thật vậy! Chúng con thật hạnh phúc khi được sanh làm người, được gặp Phật pháp, và một điều hạnh phúc hơn nữa là được sống và thực hành chánh pháp của đức Như Lai.

Kính bạch quý Ngài!

Mỗi gia đình là một tế bào của xã hội, mỗi thân cây là một yếu tố làm nên khu rừng và cá nhân mỗi người tu sĩ là nhân tố hình thành nên ngôi nhà Phật pháp. Mỗi xã hội có tốt đẹp hay không thì mỗi gia đình phải là một tế bào khỏe mạnh. Một khu rừng có xanh tươi hay không thì mỗi cây trong đó phải phát triển tốt và không sâu bệnh. Cũng vậy, ngôi nhà Phật pháp có được hưng long hay không là mỗi tu sĩ phải là những nhân tố tích cực, là trụ cột vững chắc, là bậc pháp trí tối thượng, mới mong ngôi nhà Phật pháp được hanh thông. Để làm được những điều đó, chúng ta phải nhận thức đúng đắn về con đường chúng ta đã chọn và đi lên. Quý Hòa thượng và Ban Tổ chức luôn khuyến khích, động viên, tạo điều kiện cho hàng hậu học chúng con được tham gia các khóa tu, nhất là Khóa Bồi dưỡng Đạo hạnh dành cho Sa-di, Tập sự. Và con may mắn được tham gia khóa Bồi dưỡng Đạo hạnh, lần III, tổ chức tại Pháp viện Minh Đăng Quang, quận 2, Tp. Hồ Chí Minh.

Bảy ngày trôi qua, chúng con đã được học rất nhiều về oai nghi, tế hạnh trong đi, đứng, nằm, ngồi, được học về lịch sử của Hệ phái Khất sĩ do Tổ sư Minh Đăng Quang sáng lập và lịch sử về quý đức Thầy, v.v… Pháp âm của quý Ngài là hành trang cho chúng con trên bước đường tìm cầu giải thoát.

Trong bảy ngày qua, quý Ngài đã truyền trao cho chúng con nhiều kinh luật mà đức Phật đã dạy.

Hòa thượng Giác Giới dạy rằng: “Làm Sa-di, Tập sự, trước phải trau giồi đức hạnh, học pháp khiêm cung, phải hết lòng cung kính Bổn sư của mình và các bậc Tôn túc, phải học cách hầu thầy và xem thầy cũng như Phật vậy. Và phải có chánh tri chánh kiến mới hướng về Niết-bàn, xuôi theo Niết-bàn và nhập vào Niết-bàn”.

Hòa thượng Giác Toàn dạy bài Chơn Lý “Đi tu” - một trong 69 bài Chơn Lý mà đức Tổ sư Minh Đăng Quang để lại và Ngài hỏi vì sao mà chúng ta đi tu. Trong đầu con thật ấp úng vì con có nhân duyên. Chúng con xuất gia từ nhỏ, khi ấy con thấy chiếc y vàng bay phất phới trong gió và những bước chân thanh thản an lạc của quý Ngài nên con khởi tâm xuất gia chứ chưa định hướng mình đi tu để làm gì. Nhưng khi nghe Hòa thượng giảng, pháp âm của Ngài như tiếng sư tử hống phá tan cánh cửa vô minh, mở ra trước mắt chúng con, định hướng cho chúng con trên con đường giác ngộ giải thoát.

Hòa thượng Giác Nhân giảng bài Cầu Nguyện Trai Tăng. Đây là bài kinh do đức Tổ sư Minh Đăng Quang sáng tác, nhằm giúp cho hàng Phật tử phát tâm cúng dường tịnh tín mà chư Tăng thọ nhận cũng thanh tịnh, an vui.

Đại đức Giác Hoàng dạy cho chúng con biết và hiểu đúng nghĩa của các từ Sa-di và Sa-di-ni. Ngài còn dạy chúng con biết bổn phận của một Sa-di khi nhập chúng tu học phải cần có đức tính, phẩm hạnh gì. Và Ngài đề cập tới một số vấn đề mà Tăng Ni trẻ hiện nay thường hay vấp phải. Ngài luôn nhắc nhở chúng con phải có chánh niệm trong khi ăn. Ngài dạy rằng: “Giờ độ ngọ cũng là một pháp môn tu để kiểm soát cái tâm, đừng để cho tham vọng khởi lên. Ăn phải hòa chúng để ôn lại truyền thống Khất sĩ”. Giờ hành thiền, Ngài luôn mở đường chỉ lối, là ngọn đèn sáng dẫn dắt chúng con vượt qua những trạo cử, thụy miên, hôn trầm lôi kéo. Công việc Phật sự đa đoan nhưng Ngài vẫn luôn dành hết thời gian cho chúng con. Sự mệt mỏi đã hiện trên thân thể vì không được nghỉ ngơi nhưng Ngài không bao giờ vắng mặt trong các thời khóa tu tập trừ khi có Phật sự. Chúng con xin tri ân Ngài, cầu mong Tam bảo thùy từ gia hộ cho Ngài luôn luôn được sức khỏe để phụng sự Giáo hội và dẫn dắt chúng con tu học.

Quý Đại đức trong Ban Quản chúng chia sẻ kinh nghiệm tu học, con tâm đắc nhất câu thơ của Đại đức Minh Viên là:

Đời không giông tố, tâm không sáng.

Đạo chẳng phong ba, đạo chẳng thành.

Làm con liên tưởng tới những lời mà Sư phụ đã dạy con là: “Từ một khúc cây muốn trở thành một bức tượng Phật đẹp để chúng sanh tôn sùng lễ bái thì khúc cây ấy phải chịu sự đục đẽo, mài dũa của những nghệ nhân điêu khắc tinh luyện”. Cũng như vậy, con muốn trở thành một con người hoàn thiện, đức hạnh thanh cao thì ngay từ bây giờ phải nhẫn nhịn, chịu sự mài dũa, phong ba bão tố của cuộc đời. Xuất gia là hạnh đẹp muôn đời, con phải có ý chí, nghị lực để đi hết con đường mà con đã chọn.

Ôi! Thật hạnh phúc biết bao khi con được tắm mình trong dòng sữa pháp ngọt ngào của quý Ngài làm cho hạt giống Bồ-đề của chúng con được thêm vững chắc. Vì thương tưởng đến hàng hậu học chúng con mà quý Ngài không quản đường sá xa xôi, tuổi cao sức yếu, mở Khóa tu Bồi dưỡng Đạo hạnh để chúng con được trau dồi thân tâm và hành theo truyền thống của Phật Tăng xưa, để hạnh Khất sĩ đẹp muôn đời và không bị phai nhòa theo thời đại. Chúng con tự hứa với lòng, sẽ nỗ lực tinh tấn tu học thêm nữa để không phụ lòng quý Ngài dày công dạy dỗ.

Chúng con thầm tri ân quý vị Đại đức, quý Ni sư quản chúng. Nhờ có quý Ngài nhắc nhở, chúng con luôn giữ mình trong sự chánh niệm trang nghiêm. Cầu xin Tam bảo gia hộ cho quý Ngài pháp thể khinh an, huệ đăng thường chiếu, đạo quả chóng viên thành để dìu dắt chúng con trên bước đường tu nhân học Phật. Cuối cùng, con cũng không quên tri ân đến quý Phật tử đã tận tình săn sóc sức khỏe cho chúng con trong từng bữa cơm và trong từng giờ dùng nước giải lao. Cầu nguyện hồng ân Tam bảo gia hộ cho quý Phật tử luôn được 5 điều như ý thức: sống lâu, sắc tốt, yên vui, sức mạnh và trí huệ. Chúc quý vị luôn được an vui trong cuộc sống và luôn là những người Phật tử đắc lực hộ trì cho ngôi Tam bảo được hưng thạnh.

Thức-xoa Liên Tâm

Giáo đoàn IV/PĐ 2

Nam-mô Bổn sư Thích-ca Mâu-ni Phật

Kính bạch chư Tôn đức Hòa thượng chứng minh,

Kính bạch chư Đại đức Tăng, chư Đại đức Ni trong Ban Quản chúng khóa Bồi dưỡng Đạo hạnh - Lần 3 chứng minh

Như lời đức Phật dạy trong Kinh Pháp Cú:

Hạnh phúc thay! Chư Phật giáng sinh.

Hạnh phúc thay! Giáo pháp cao minh,

Hạnh phúc thay! Tăng-già hòa hợp,

Hạnh phúc thay! Tứ chúng đồng tu.

Thật vậy, con thấy lòng mình vô cùng hạnh phúc và hân hoan khi con được về Pháp viện tham dự khóa Bồi dưỡng Đạo hạnh - Lần 3. Trong 7 ngày của khóa tu, vì ở trụ xứ có duyên sự nên con không tham dự được hết khóa tu, con cảm thấy có chút gì hối tiếc. Vì mỗi giây mỗi phút trong khóa tu đều rất bổ ích và quan trọng đối với bản thân con. Những giờ lên lớp nghe giảng, đọc kinh, ngồi thiền, độ cơm, chấp tác, v.v… con đã được học rất nhiều. Đó là những bài học vô cùng quý báu đối với con trên bước đường tu tập sau này. Vì lòng thương tưởng của các bậc Tôn túc đối với hàng hậu học chúng con, các Ngài đã không quản ngại đường sá xa xôi, tuổi già sức yếu, Phật sự đa đoan mà sắp xếp thời gian đến với chúng con, truyền trao cho chúng con những tâm huyết, kinh nghiệm xuất gia của các Ngài trong quá trình tu học đúc kết lại như những điều cần thiết, cần biết cho lớp tập sự Sa-di của Hòa thượng Giác Giới. Con được hiểu sâu hơn về việc xuất gia của mình, chẳng những giúp mình giải thoát mà còn có thể giúp cha mẹ hiểu được giáo lý giải thoát của chư Phật, đó là cách báo ân thiết thực nhất hoặc bài Chơn Lý “Đi tu” của Tổ sư qua lời giảng của Hòa thượng Giác Toàn, không có con đường nào quý báu bằng con đường giác ngộ, quý báu lắm. Đi tu là giải thoát trần khổ để làm người giác ngộ và dẫn dắt chúng sanh. Tổ dạy: “Tôi đi tu thì lo cho tâm, nói cho tâm, làm cho tâm để có linh cho cả thân khẩu ý đều tu tập hết” (Chơn Lý “Thần Mật”).

Cũng như lời Đại đức Giác Hoàng dạy: “Làm gì, nghĩ gì, đều phải để tâm vô đó thì mới đúng là ý nghĩa của hai chữ công phu”. Trong bài Cầu Nguyện Trai Tăng của Thượng tọa Giác Nhân; Theo chúng ăn, Lạy kỉnh, Nghe pháp học kinh của Hòa thượng Giác Pháp; bài Giới của Thượng tọa Giác Đăng; hoặc những mẩu chuyện, những kinh nghiệm tu tập của các Đại đức Minh Quý, Minh Viên, Minh Phú chia sẻ hoặc về sự hình thành của Giáo đoàn IV, những cống hiến lớn lao của các bậc Tôn túc đối với Hệ phái như Hòa thượng Giác Nhiên Đại đức Giác Phước chia sẻ, v.v… tất cả những lời giảng, những đề tài đều đem lại cho chúng con lợi ích thiết thực ngay hiện tại, cũng là hành trang cho sự tu tập của chúng con sau này.

Với mong muốn của các bậc Tôn túc là muốn trở thành một vị Khất sĩ chân chính đúng như lời Tổ dạy, ngay bây giờ chúng con phải biết: giữ đúng oai nghi tế hạnh, bổn phận của người học trò đối với các bậc Tôn túc, với chúng huynh đệ phải cần học cần tu, siêng học siêng tu, phải chịu đựng, kham nhẫn, nhẫn nại quán chiếu suy tư, bền tâm bền chí, không được vội vàng hấp tấp, học kinh luật phải học cho thâm nhập để hành trì, thân khẩu ý xấu, quấy ác không làm, phải làm hiền thiện tốt, nhiếp phục lời nói dễ duôi, phải tu Giới, Định, Tuệ, học và hành có nguyện lực, trau dồi tâm ý, không giãi đải, nhẫn nại trước những nghịch cảnh cuộc đời để cao tâm, quyết liệt dứt bỏ tham sân si, tự ái, tự ngã, phải coi mình như đất, như nước, … vui chịu mọi cảnh ngộ. Tin hiểu sâu lý nhân quả, sống lục hòa, cái sống phải sống chung, cái biết là phải học chung, cái linh phải tu chung, cố gắng học hỏi, chia sẻ suy tư, thực hành theo giáo lý của đức Phật. Sống không nên vô ơn bạc nghĩa đối với mọi người xung quanh.

Qua những lời dạy của các bậc Tôn túc, con nguyện sẽ cố gắng thực hiện tu tập đúng, quyết tâm sửa chữa những lỗi lầm, ráng làm những thiện sự gì chưa làm được để trở thành một người Khất sĩ đúng nghĩa.

Tập sự Liên Phú

Giáo đoàn I

Nam-mô Bổn sư Thích-ca Mâu-ni Phật

Kính bạch chư Tôn đức Tăng, chư Tôn đức Ni

Suốt bảy ngày được tinh tấn tu học trong khóa tu Bồi dưỡng Đạo hạnh, con thấy mình trưởng thành hơn lên trong giáo pháp.

Lời dặn dò ân cần của Hòa thượng Giác Giới nhắc nhở chúng con phải hiểu ý nghĩa thiêng liêng của đời tu khi mình đã từ bỏ gia đình, sự nghiệp nhà cửa, một lòng chí quyết học hỏi cho rõ chơn tâm bổn tánh của mình.

Ví như khúc gỗ, một khi được nhập vào sông Hằng, nó sẽ hướng ra biển cả và ắt có ngày ra đến biển. Cũng vậy, mình phải định hướng cho cuộc đời tu của mình. Hòa thượng dạy chúng con phải trọn lễ hầu thầy và tinh tấn tham thiền học pháp. Ngài nhấn mạnh, lặp đi lặp lại nhiều lần là nghe pháp học kinh với tâm suy tư.

Chuyện Con Chuột chết dạy cho chúng con bài học rằng với người trí sẽ tạo nên sự nghiệp dầu trong hoàn cảnh nào, chúng con cần phải quan sát, tìm tòi cho thấu đạt chơn tâm bổn tánh.

Hòa thượng Giác Toàn một lòng tha thiết lo cho đàn hậu học chúng con, sợ chúng con lầm lạc. Ngài nói: “Người tu phải lo cho tâm, nói cho tâm, làm cho lợi ích, giữ thân khẩu ý trong sạch, phải xoáy lại tâm mình, chớ lo cho đạo mà thân và tâm không an thì giống như cây bị sâu đục khoét (lười biếng là một dạng sâu rầy)”.

Khất sĩ là phải siêng năng cầu học, siêng năng hành trì giống như cọng giá ươm mầm nhảy vọt. Khất sĩ phải bố ma tà ác chứ không phải ma bố mình.

Phải hoàn thiện chính mình, biết sống thiểu dục tri túc, tùy phương tiện, tùy nhân duyên để vào đời làm gạch nối cho đời, “phải nghiêm với mình mà rộng với người”. Ta phải trau dồi cái tâm đức hạnh chớ không giới tâm; thân khẩu ý phải hiền, phải dễ thương, có hỷ có lạc để được viễn ly.

Hòa thượng Giác Nhân dạy rằng tu để thanh lọc tâm mình cho thanh tịnh, người đón nhận và người cúng dường đều thanh tịnh, cả hai đều được lợi lạc.

Đại đức Minh Quý nhấn mạnh trí tuệ phải được mở rộng và đạo hạnh được nâng cao.

Đại đức Minh Viên cho con thêm nghị lực để mình vượt lên giống như con lừa trong câu chuyện Con lừa vượt khó vậy.

Đời không giông tố, tâm không sáng.

Đạo chẳng phong ba, đạo chẳng thành.

Đại đức Minh Khải nhắc nhở con nhớ lại ý nguyện của mình: “Nếu ước mơ con đủ lớn thì những chuyện kia là nhỏ” làm ý chí chúng con mạnh mẽ hẳn lên.

Hòa thượng Giác Pháp dạy chúng con như thế nào là lạy kỉnh, ý nghĩa của việc nghe pháp học kinh, khuyên nhắc chúng ta năng tinh tấn tu tập dẹp trừ bản ngã và sống lục hòa

Đại đức Giác Phước cho con hiểu rõ lịch sử của Đại lão Hòa thượng Thích Giác Nhiên, sự hy sinh và hành đạo của Ngài và việc hình thành Giáo đoàn IV.

Thượng tọa Giác Đăng dạy chúng con rằng phải sống với giới hạnh để ngăn ngừa phạm giới, với câu chuyện đười ươi và bản năng, mình phải thấy và biết để từ bỏ vị ngọt mà thấy sự nguy hiểm để ly dục bất thiện pháp. Thượng tọa chia sẻ:

Việc chi còn ở trần gian

Là điều huyễn hoặc chớ mang vào lòng”.

Và phương pháp vẽ vòng tròn lớn cho người, vòng tròn nhỏ hơn cho mình, như thế mình cảm thấy cuộc sống thoải mái hơn. Ngài lấy ví dụ Bụi cây gai để nhắc chúng con, nếu gặp điều không lành, ta biết mình đã gieo nhân không lành. Tu sao mà tâm ta không có kẻ thù, đây là phép nhiệm mầu để hóa giải cho tâm mình, phải tin sâu nhân quả.

Bảy ngày qua giúp con hiểu thêm được giáo lý của đạo, định hướng sự tu của mình. Thông hiểu giới luật, giữ oai nghi tế hạnh, giữ chánh niệm, được sống chung trong hội chúng, tu học chung trong hội chúng, và giọng đọc, giọng giảng kinh luật hùng hồn, từ tốn, ân cần dạy bảo của Đại đức Giác Hoàng thấm vào tâm con.

Sa-di-ni Liên Nghĩa

Nam-mô Bổn sư Thích-ca Mâu-ni Phật

Con xin có đôi dòng cảm tưởng qua 7 ngày tu học khóa Bồi dưỡng lần III được tổ chức tại Pháp viện Minh Đăng Quang:

Trong Kinh Thừa Tự Pháp, đức Phật dạy: “Người đời kế thừa tài sản, nhưng người trong đạo kế thừa chánh pháp. Người vì pháp mà buông bỏ tất cả thì mới đủ khả năng kế thừa vĩ đại của Như Lai”. Từ sự nghiệp kế thừa của đàn hậu học chúng con nên các Ngài trong Ban Chứng minh của Hệ phái Khất sĩ đã tổ chức cho chúng con những Khóa tu Bồi dưỡng Đạo hạnh cho chúng Sa-di, Tập sự.

Hạnh phúc thay được xuất gia tu học giáo pháp Như Lai, lại được xuất gia làm con cháu của giáo pháp Khất sĩ. Làm người Khất sĩ được học Chơn Lý của đức Tổ Sư, đây cũng là phước dày nhiều đời, nhiều kiếp đã gieo tạo. Khóa tu lần này cũng như lần trước gồm có các thời công phu, chấp tác, những bữa cơm độ ngọ hòa chúng là những giờ đòi hỏi các tân hành giả có chánh niệm cao, hay những giờ thiền sự đau nhức chân không phải ít. Nhưng tất cả chúng con đã vượt qua khó khăn không phụ lòng của chư Tôn đức đã dày công tổ chức, cũng không cô phụ chí nguyện xuất gia của chúng con.

Mặc dù thời khóa khít khao nhưng ở chúng con đều cảm thấy sự hỷ lạc dâng trào trong tâm, được cùng tu học với hội chúng đông, được học hỏi nơi bạn, nơi thầy, được tự chuyển hóa nội thân. Niềm hỷ lạc được nhân lên trong tâm con qua 6 ngày tu học vừa qua, đó là được nghe lời giảng dạy của chư Tôn đức. Mặc dù quý Ngài tuổi cao, bệnh duyên, Phật sự đa đoan nhưng quý Ngài vẫn dành thời gian quý báu đến với chúng con với những ý pháp thâm sâu trong kinh, trong luật, trong chơn lý mà các Ngài đã thực tu thực chứng để truyền trao lại cho chúng con, dạy cho chúng con cách tu cách học để đạt được giới hạnh, giới đức để đạt được Giới Định Tuệ hay để làm sao để đoạn dứt khổ đau, sống an lạc trong ngôi nhà Phật pháp, trong cảnh đời đầy ưu bi khổ não. Như những giọt cam lồ cho chúng con thấm nhuần trong tâm khảm, đặc biệt là hình ảnh của Ngài Trụ trì PVMĐQ đến với chúng con như người cha lành đến với đàn con khờ dại với tâm từ bi độ tha, nụ cười hiền hòa, ánh mắt đầy yêu thương qua bài Chơn Lý “Đi tu”. Đó là đi tu để giải thoát trần khổ, để làm người giác ngộ và dẫn dắt chúng sanh.

Cuộc vui nào rồi cũng đến hồi kết thúc, cuộc gặp gỡ cũng đến lúc chia ly, mới đó mà đã 6 ngày trôi qua thật nhanh. Chúng con về đây được học, được tu cùng chư Tôn đức Quản chúng Tăng Ni, được dìu dắt, nhắc nhở của quý Ni sư, Sư cô làm cho chúng con hoàn chỉnh hơn về oai nghi của người xuất gia. Ân đức ấy, chúng con chỉ biết cố gắng tinh tấn, siêng năng trong việc học tu để không cô phụ tấm lòng của các Ngài dành cho chúng con. Nguyện hồng ân Tam bảo gia hộ cho quý Ngài nhiều sức khỏe, mãi là tàng cây, bóng mát che chở cho chúng con trên bước đường học đạo giác ngộ.

Nguyện hồng ân Tam bảo gia hộ cho chư Phật tử đã cúng dường, sớt bát suốt khóa tu nhiều sức khỏe, tín tâm tăng thêm, an lạc trong cuộc sống.

Sa-di-ni Liên Điều

TX. Ngọc Hiệp. GĐ III

Ngưỡng bái bạch trên chư Tôn Hòa thượng, chư Thượng tọa, Đại đức, quý Ni trưởng, Ni sư, quý Sư cô cùng toàn thể đại chúng

Con xin dâng lên đôi dòng cảm niệm sau khi con được tham dự khóa tu.

Nhân tài là hào khí của đất nước, cũng vậy Tăng tài là Tăng khí của Giáo đoàn, của Giáo hội. Để có được những bậc Tăng tài có phẩm hạnh và trí tuệ, quý Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức Tăng Ni trong Hệ phái đã tổ chức khóa tu Bồi dưỡng Đạo hạnh cho Sa-di, tập sự để giáo dưỡng cho chúng con. Cũng như muốn trồng cây lên thẳng phải uốn nắn từ khi cây còn nhỏ. Con thật may mắn có đủ phước duyên để tham gia khóa tu lần này.

Tuy đã là khóa tu lần thứ ba tại Pháp viện, nhưng đây mới là lần đầu tiên con được tham gia. Mặc dù không còn bỡ ngỡ vì con đã tham gia khóa tu trong Giáo đoàn III, nhưng con vẫn rất háo hức vì con sẽ được tu tập chung cùng với chư huynh đệ ở các Giáo đoàn khác tại nơi vô cùng trang nghiêm, là niềm tự hào của Hệ phái là Pháp viện Minh Đăng Quang.

Lễ Khai mạc Khóa tu giản dị mà đầy trang nghiêm với sự chứng minh của chư Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức Tăng Ni theo đúng truyền thống của Hệ phái. Vậy là ngày tu đầu tiên của chúng con đã bắt đầu với sự tham gia của gần hai trăm hành giả. Sự hoan hỷ, hạnh phúc của con vẫn chưa hết trước sự đồ sộ, trang nghiêm của Pháp viện và một lượng lớn hành giả đồng tu mà không hề lộn xộn. Hạnh phúc thay khi được sống chung tu học như lời Tổ sư đã dạy trong hội chúng thanh tịnh hòa hợp như thế này. Những lời pháp nhủ của quý Hòa thượng ân cần trao dạy cho chúng con như người mẹ hiền dìu dắt dạy những đứa con thơ tập đi những bước chân đầu đời cho thật vững chắc. Quý Ngài vì thương tưởng hàng hậu học chúng con không quản đường sá xa xôi, tuổi cao sức yếu, Phật sự đa đoan đã quang lâm về khóa tu trao dạy cho chúng con những hành trang cần thiết nhất, giúp chúng con thêm vững bước trên đường tu học. Ân đức này, chúng con làm sao có thể nói hết, chỉ có cách cố gắng, tinh cần tu học, thực hành theo lời dạy của quý Ngài để trở nên một vị xuất gia có phẩm hạnh, có trí tuệ đúng, theo đường lối của Tổ sư, của Hệ phái mới có thể báo đáp được phần nào ân đức của quý Ngài. Ngoài ra chúng con còn được học hỏi từ sự chia sẻ kinh nghiệm, sự chỉ dạy tận tình của quý Sư Quản chúng, quý Ngài luôn từ bi coi chúng con như những đứa con nhỏ dại mà dìu dắt, nâng đỡ, cho chúng con thêm tự tin trên bước đường tu học.

Điều tuyệt vời nhất mà con nhận được từ khóa tu không chỉ là những lời dạy bảo ân cần của quý Ngài Giáo thọ, của Ban Quản chúng mà con còn được học thêm rất nhiều điều hay từ chư huynh đệ đến từ các Giáo đoàn khác. Quả thật là hòa hợp tu vui thay!

Trong khóa tu, sự chánh niệm trong tứ oai nghi đi, đứng, nằm, ngồi là điều chúng con luôn được nhắc nhở, bởi nó tuy nhỏ nhưng lại là những viên gạch đầu tiên để xây dựng nền móng vững chắc cho bước đường tu học của chúng con theo đúng truyền thống của Hệ phái. Nhìn đại chúng thanh tịnh tu tập làm con thấy hình ảnh đức Phật và 1250 vị Tỳ-kheo tu tập Tịnh xá Kỳ Viên đang ở trước mặt con.

Con vô cùng tự hào khi được làm một người con Khất sĩ, được đón nhận lòng từ bi của chư Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức Tăng Ni đã tạo ra những khóa tu như thế này cho chúng con, để chúng con không vấp ngã, không lầm đường lạc lối trên con đường “Nối truyền Thích-ca Chánh pháp” Tổ sư đã khai sáng.

Bảy ngày trôi qua thật nhanh, mới đó thôi giờ phút chúng con phải trở lại trụ xứ tiếp tục tu học cũng đã tới. Bao niềm cảm xúc chợt đến trong con mà chẳng thốt nên lời. Nhưng hội ngộ rồi chia ly, chúng con phải trở về trụ xứ tiếp tục thực hành những gì đã được học trong khóa tu để trưởng dưỡng đạo tâm, xứng đáng là người xuất gia Khất sĩ, không cô phụ lòng bi mẫn thương tưởng của chư Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức Tăng Ni lãnh đạo Hệ phái.

Con xin đê đầu đảnh lễ tri ân quý Ngài, nguyện cầu quý Ngài pháp thể khinh an, luôn là tàng cổ thụ làm bóng mát cho chúng con nương tựa. Con cũng nguyện cầu chư huynh đệ đồng tu sức khỏe, tinh tấn trên bước đường tu học để chúng ta ngày một tiến bộ trong những khóa tu tới, xứng đáng là lớp kế cận tiếp tục nối truyền và phát triển Hệ phái.

Tịnh Nguyện

TX Ngọc Chung. GĐ IV/ PĐ 2

Pháp viện Minh Đăng Quang - ngôi bảo điện hùng hậu ngay trên con đường bước vào trung tâm Tp. Hồ Chí Minh là trung tâm tu học của Hệ phái Khất sĩ. Đã ba năm, cứ vào ngày 01 tháng 7, tại ngôi bảo điện này đón hàng trăm Tăng Ni Sa-di, Tập sự về tu học bồi dưỡng đạo hạnh để trở thành người con Khất sĩ đúng nghĩa:

Tài trí khó xuất gia

Đức hạnh dễ đắc quả

Tài trí chẳng bền dai

Đức hạnh được sống mãi.

Cũng đã ba năm, con có nhân duyên được tham dự đầy đủ ba khóa học. Mỗi khóa học là một cảm xúc riêng biệt.

Nhớ ngày nào còn bỡ ngỡ với lần đầu tập trung tu học, còn bây giờ con không còn bỡ ngỡ nữa, đã quen dần và cảm thấy ngôi Pháp viện như là một ngôi nhà chung cho toàn thể Tăng Ni Khất sĩ. Vẫn thời khóa biểu tu học khít khao, vẫn là nội quy sáu điều được Hò a thượng Trụ trì ký ba năm trước.

Một ngày của thời gian của chúng con được chia ra nhiều thời khóa như tụng kinh, ngồi thiền, học pháp, trùng tụng Chơn Lý, thọ trai …

Có thể nói rằng giờ học, giờ tu nào cũng đem lại cho con nhiều sự lợi ích nhưng quả thật có nhiều lúc con cảm thấy mình mệt mỏi, bởi hàng sơ cơ như con chưa quen được với sự tu học ráo riết như vậy. Đặc biệt, vào giờ học pháp con rất thích và cũng sợ; thích là được nghe các vị chư Tôn thiền đức, các bậc Tôn túc dạy chúng con bằng tất cả tâm huyết của mình cho hàng hậu học; sợ, hay nói thẳng là con cảm thấy xấu hổ vì các Ngài dành tâm huyết như vậy mà nghiệp chướng mê muội dẫy đầy làm con ngủ gật trong giờ học mặc dù đã làm nhiều biện pháp như thoa dầu, xoa mắt nhưng vẫn không mở mắt được. Nhưng may mắn thay con chỉ ngủ một ít và giữ được sự tỉnh táo để nghe quý Ngài giảng như Pháp học Sadi II, Diệt lòng ham muốn, câu 19 của Hòa thượng Giác Giới; lý tưởng đi tu trong Chơn Lý “Đi tu” của Hòa thượng Giác Toàn; nội dung và ý nghĩa bài Cầu Nguyện Trai Tăng của Hòa thượng Giác Nhân; chia sẻ kinh nghiệm tu học của chư Đại đức trong Ban Quản chúng. Tất cả những bài pháp đều đem lợi ích và sự thực hành cho chúng con.

Thời trùng tụng Chơn Lý là thời gian con cảm thấy tâm mình rất hoan hỷ, có thể nghe các vị trùng tuyên lại lời dạy của Tổ sư với lòng khâm phục không nói nên lời. Con tự hứa với lòng mình phải tu học để có thêm Trí, Định, Huệ mà học, in sâu trong tâm trí lời dạy của Tổ, để tinh tấn tu hành, trở thành một người Khất sĩ đúng nghĩa.

Nhờ sự chỉ bảo tận tình của chư Tôn đức Tăng, chư Tôn đức Ni trong Ban Quản chúng đã dành hết thời gian về đây với chúng con, chúng đã trở nên tốt hơn rất nhiều.

Một hội chúng chưa bao giờ tiếp xúc nhau, vậy mà bây giờ chúng con được gặp gỡ, cùng nhau sống chung tu học hòa ái trong bảy ngày qua, thật là nhiệm mầu! Thời gian trôi qua nhanh chóng. Tuy đã biết rõ luật vô thường chúng con vẫn thấy tiếc nuối. Nhưng nhờ sự vô thường đó, trong bảy ngày qua chúng con được học hỏi nhiều điều từ các bậc Tôn túc, chư Đại đức và quý Sư cô trong Ban Quản chúng và cả ở các vị hành giả về tu học.

Một khóa tu nữa đã đi qua, con mong sao mỗi năm Hệ phái mình có được hai khóa tu để con có thể tham gia học tu. Bây giờ tâm con lại bồi hồi chờ đợi một khóa tiếp theo mở ra, đủ nhân duyên lành được Sư phụ cho phép đi nhập chúng học tập lần nữa tại ngôi bảo điện Pháp viện Minh Đăng Quang - ngôi nhà chung của Khất sĩ.

Tập sự Liên Trầm

TX. Ngọc Nguyên. GĐ III

Nam-mô Bổn sư Thích-ca Mâu-ni Phật

Thế là khóa tu Bồi dưỡng Đạo hạnh lần thứ 3 trôi qua. Khóa tu đã để lại trong lòng con đầy sự hân hoan với bao niềm vui, nỗi nhớ. Tất cả huynh đệ ở mọi miền hội về Pháp viện Minh Đăng Quang để tham dự khóa tu, ban đầu ai cũng lo âu, sợ sệt, trong đầu dày đặc nhiều câu hỏi. Sư cô Quản chúng Liên Hòa đã giúp chúng con vơi đi sự lo âu đó bằng câu nói rất tâm lý mà khi ấy con chưa cảm nhận được hết ý nghĩa câu nói đó.

Hai ngày đầu làm quen với đại chúng,

Hai ngày kế hoan hỷ, mừng vui,

Hai ngày tiếp an lạc ngập tràn,

Ngày cuối cùng lưu luyến khôn nguôi”.

Giờ đây con mới thấm thía câu nói ấy của Sư cô. Hai ngày đầu chúng con như em bé mới lên ba, tất cả mọi thứ đều do quý Sư cô chỉ dạy. Những bạn đồng tu hội về ai cũng như ai, đều xa lạ đều lo chỗ ở cho ổn định. Ngày thứ 2 tuy mệt mỏi nhưng mọi người chào nhau bằng những câu hỏi rất thân quen - Chị ở tịnh xá nào? Tu lâu chưa? Mọi người đi xe có mệt không?

Nhờ những lời mở đầu ấy làm cho huynh đệ thêm sự thân thiết và cùng nhau tu tập theo thời khóa.

Đôi lúc chúng con còn giãi đải, mê ngủ, có nhiều hôm ngủ ráng phải để cho Sư cô Quản chúng gõ cửa. Quý báu thay! Sư cô không chút la rầy mà luôn nhẹ nhàng nhắc nhở, đốc thúc mấy con phấn đấu, ánh mắt trìu mến mong chúng con tu hành tinh tấn. Hình ảnh ấy làm cho con rất khâm phục.

Trong giờ học pháp, bài giảng của quý Ngài đã giúp chúng con chánh niệm hơn trong oai nghi như đi đứng nằm ngồi, ăn hòa chúng. Bài giảng Theo chúng ăn của HT. Giác Pháp đã đánh động trong con: “Khi ăn phải chú nguyện, phải biết tuổi đạo, thứ lớp, phải biết công lao tín chủ, biết tấm lòng của Phật tử, hạt cơm của đàn-na nặng lắm khi thọ lãnh, phải biết cố gắng công phu”.

Con hiểu rồi và từ giờ trở đi, con sẽ ráng công phu, công quả hơn nữa để khi thọ nhận đồ ăn vật uống tương xứng với sức lao động, dãi nắng dầm mưa, nhẫn nhịn cúng dường cho nhà Sư để cầu sự an lành phước báu. Những bài giảng oai nghi, tế hạnh mà quý Ngài đã truyền trao lại cho hàng hậu học lớp sơ cơ để thấy được sự tu tập ở trú xứ có đúng phương pháp không? Con cảm thấy mình không bị bơ vơ. Tuy công việc của quý Ngài bận rộn đa đoan mà vẫn quan tâm tới sự tu học của lớp nhỏ chúng con. Thật là quý hóa.

Sau những buổi học, huynh đệ con giúp nhau hiểu bài thêm để theo kịp thời khóa, mọi vật xung quanh đều diễn ra như kim đồng hồ quay. Sự an lạc dần thể hiện trên khuôn mặt của mọi người. Và cái giờ khắc lưu luyến ấy cũng đã đến. Con sẽ nhớ mãi lời Sư cô Quản chúng chân thành khuyên đại chúng: “Con người sinh ra, sống mấy mươi năm trong đời nhưng phải trải qua biết bao thử thách, chông gai. Vẫn biết ra chúng ta đã rất đúng đắn khi chọn con đường xuất trần này nhưng để đi trên con đường này, chúng phải đối mặt và nhẫn nại với vô vàn gian nan, khó khăn. Chúng ta có thể trả giá bằng những giọt nước mắt và sức chịu đựng vượt bực”. Vàlàm cách nào để nung đúc tâm của mình như quá trình nung một chiếc bình đẹp. Người xuất gia rèn luyện tâm như quá trình nung bình vậy. Sư cô đã khuyên chúng con nên tin vào Phật Pháp Tăng đi sâu tìm hiểu về sự mầu nhiệm của Chơn Lý. Thật cảm động, Sư cô đánh thức con, giúp con tỏ ngộ được con đường đạo pháp. Lời nói hiền từ, gần gũi xuất phát từ đáy lòng làm tâm con thấm nhuần giáo pháp từ bi của đạo Phật. Bây giờ phiền não trong con được giải tỏa và con có thêm nghị lực vững vàng bước đi trên con đường tu tập.

Mô Phật, bạch chư Tôn đức. Con xin tri ân những lời chư Tôn đức dạy bảo, những lời pháp ngọt ngào cao cả.

Chư Tôn đức đã vất vả vì chúng con rất nhiều. Con chẳng biết làm sao để nói hết được chỉ cầu mong cho quý Ngài luôn an lạc trong thiền tập, luôn hiện hữu trong cuộc đời, độ chúng con cũng như tất cả chúng sinh muôn loài, vạn vật. Chúc quý Ngài luôn mạnh khỏe đầy nghị lực trong cuộc sống, thành công trên con đường đạo pháp. Chúng con sẽ cố gắng rèn luyện ý chí mạnh mẽ vượt qua hết những thử thách, nghịch lòng.

Liên Hiếu

TX Ngọc Phúc. GĐ IV/ PĐ 2

7 NGÀY CON GÓP NHẶT PHÁP

Kính bạch quý Trưởng lão Lãnh đạo Hệ phái Khất sĩ nói chung và Lãnh đạo Giáo đoàn IV nói riêng,

Kính bạch chư Tôn Thiền đức Tăng Ni trong Ban Quản chúng và thiền đường đại chúng chứng minh,

Con kính nghe lời Cổ đức dạy rằng, có 3 thứ mà chúng ta không bao giờ bắt kịp được, đó là mũi tên bắn đi, lời nói ra và thời gian. Chúng con muốn níu kéo thời gian lại mà không được. Vậy là Khóa tu bồi dưỡng đạo hạnh cho Thức-xoa, Sa-di, Sa-di-ni, Tập sự, lần III tại PVMĐQ đã khép lại, lòng con hối tiếc vì không còn nghe được những lời dạy của các bậc Tôn đức và tu học chung cùng huynh đệ nữa.

Con được phúc duyên may mắn được làm người Khất sĩ, được tu theo giáo lý Khất sĩ của đức Tổ sư Minh Đăng Quang, lại được thù thắng hơn khi được tham gia Khóa tu Bồi dưỡng Đạo hạnh lần III, lần này con được học nhiều hơn, hiểu nhiều hơn về sự đi tu khi nghe Sư ông Giác Toàn giảng bài Chơn Lý “Đi tu” số 28.

Đi tu đúng chơn lý, chính lý hơn hết. Đi tu là con đường giác ngộ quý báu lắm, đi tu để làm chủ ngôi nhà chánh pháp. Đi tu là để giải thoát trần khổ, để làm người giác ngộ và dẫn dắt chúng sinh. Đi tu là để lập đời tốt đẹp, cải sửa phong tục, khai đường mở lối cho thiên hạ. Người ta sẽ được đứng yên trên mặt đất, người tu là được sống ở đời tốt đẹp vì trần thế không tôn trọng người ác quấy tội lỗi. Người đời không đi tu thì lo việc này, việc nọ, việc kia, lợi ích cho số ít. Còn người tu lo cho tâm, nói cho tâm, làm cho tâm, để ích lợi cho đời và đạo .

Sư ông Giác Giới cũng dạy qua bài Diệt Lòng Ham Muốn, câu số 29, rằng lìa cha mẹ, bỏ cửa nhà đặng nhập đạo một lòng chí quyết học hỏi cho rõ chơn tâm bổn tánh và hiểu thấu pháp vô vi của Phật tức là thành một vị Tu-đà-hườn. Người xuất gia phải có tư duy và tư duy tích cực, người trí chỉ có con chuột chết mà làm nên việc lớn. Nhà khoa học chỉ gặp được trái táo mà phát minh ra định luật sức hút của mặt đất, còn người xuất gia chúng con, tuy còn nhỏ nhưng khi đã quyết chí đi tu là đã thành người trí, người trí trong nhà đạo là phải trau tâm chứ chẳng giồi thân. Nói ít mà nên làm ít mà hay, lo ít mà đặng là bởi nơi tâm đã trọn tốt. Sự thành công vẻ vang là bởi tại tâm, sự thất bại, xấu hổ cũng tại tâm. Vậy phải trau tâm, tâm quả thành, là đạo sẽ thành, tâm quả thất bại là đạo sẽ thất.

Hòa thượng Giác Nhân phân tích bài kinh Cầu Nguyện Trai Tăng, thể thơ gồm 108 câu 794 chữ, chia ra 9 đoạn. Ngài dẫn nhập từ Kinh Pháp Cú, Phật dạy: có 4 hạnh phúc cao thượng và hy hữu:

Hạnh phúc thay! Chư Phật đản sanh

Hạnh phúc thay! Giáo pháp cao minh

Hạnh phúc thay! Tăng-già hòa hợp

Hạnh phúc thay! Tứ chúng đồng tu.

Riêng hạnh phúc thứ tư đức Phật tán thán hàng đệ tử Phật có tứ chúng đồng tu. Hai chúng Tỳ-kheo xuất gia hoằng dương chính pháp. Hai chúng tại gia lo hộ trì chánh pháp.

Phật dạy hạng xuất gia khi nhận hạt cơm của đàn-na tín thí, trước khi thọ dụng phải nhứt tâm, nhứt ý mà chú nguyện cho người tại gia được thừa hưởng phước lành từ lòng từ bi và kinh pháp nhiệm mầu từ kim ngôn của đức Từ phụ. Bài Cầu Nguyện Trai Tăng còn nói lên ý nghĩa của sự cầu an cho người hiện tại bình an, cầu siêu cho kẻ âm được siêu thoát và sự thành tín của trai chủ và cách cúng dường Trai Tăng.

Nay tín chủ ……. việc trai tăng//Ý nghĩa cầu nguyện trai tăng lẽ này ……. vẻ vang”: Đức tin của Phật tử với sự chú nguyện của tăng chúng lòng tin tưởng thế gian. Ý nghĩa của sự chú nguyện chúng sanh vãng sanh Tây phương.

Năng lực của sự chí nguyện và lòng tin hướng Tam bảo để tu tập “không còn … quê xưa” và lợi ích của vong linh mà tín chủ đã hồi hướng “vong linh … thanh nhàn” cũng lợi ích cho người hiện tại “người hiện tại bình an … đỉnh đầu”. Người xuất gia phải có tinh thần tu tập Bồ-tát hạnh, lúc nào cũng hướng về …. với hạnh nguyện tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn “Bồ-đề nguyện … cao tài” đến cuối là sự chú nguyện hồi hướng của buổi lễ cầu nguyện trai tăng “Hữu tình … kiếp này”.

Kính lạy cõi Tăng-già Tây phương giải thoát

Kính lạy cửa Khất sĩ đường Như Lai

Kính lạy chư Phật, Pháp, Tăng mười phương ba đời.

Trong Kinh Tăng Chi, đức Phật có dạy: “Thanh tịnh từ người cho và cũng thanh tịnh từ người nhận là phước báu lớn nhất”.

Cũng như thế, qua lời Đại đức Minh Quý dạy: “Tuy trẻ mà tâm hạnh cao thì ai cho là nhỏ. Nếu được tâm hạnh giả trước phải suy tư về pháp, học pháp, hành pháp để hiểu thấu đời đạo là lẽ tự nhiên là như vậy. Đã là bậc xuất trần thượng sĩ dù nhỏ nhưng tâm hạnh lại phi thường như Tổ Quy Sơn đã nói: Phù xuất gia giả, Phát túc siêu phương”, (trên đáp lần bốn đức, dưới cứu độ ba loài)…

Đại đức cũng nhắc: “Chớ đừng ham vui cuộc đời thế tục vì là: Vui trong tham dục vui là khổ; Khổ để tu hành khổ quá vui”. Đại đức diễn giải qua hình ảnh con chim con, nhớ đến Sư ôngTừ Huệ và chị của Ngài đối đáp nhau khi Ngài quyết chí xuất gia. Chị Ngài nói:

Vẫn biết: Đời em như cánh nhạn

Tung mây, lướt gió khắp phương trời

Nhưng em nên biết bao hồi đậu

Chẳng lẽ bay hoài tận bể khơi

Vậy hỡi chim ơi khoan vỗ cánh

Cho ta nhắc nhở ít câu này

Nếu mai cánh mõi thân mòn mỏi

Thì hãy về đây, đậu lại đây

Bằng chim chí quyết tung bay mãi

Thì hãy bay luôn đến Niết-bàn

Chớ thích lầu son mê gác tía

Chớ ham gạo trắng nhiễm lồng vàng

Mà bỏ hành trình xa diệu viễn

Mà quên gió nội với trăng ngàn

Mà giam chí lớn trong tù túng

Mơ kiếp hải hồ hết dọc ngang.

Ngài đáp lại rằng:

Em vẫn biết con chim đời tung cánh

Một thời gian phải đậu lại tàng cây

Nhưng Tăng Sư lại khác cánh chim này

Là đi mãi không hẹn ngày quy bước

……..

Muôn thế kỷ, muôn, ngàn, năm: xa lắc

Kiếp con tằm là kiếp phải vương tơ

Dù nước non thay đổi bóng trăng mờ

Đời Tăng sĩ vẫn là đời giải thoát

Em có thể bảo rằng: em trở gót

Là khi nào thế giới dứt binh đao

Là khi nào sanh loại hết sầu đau

Đồng ân hưởng cảnh Niết-bàn thực tế.

Đại đức Minh Viên kể cho chúng con chuyện con lừa già bị té giếng, và chủ vong ơn của nó. Qua hình ảnh con lừa thoát chết giúp cho ta biết vượt qua nghịch cảnh và bài học đừng vong ân bội nghĩa như ông chủ của nó.Thực tế cho người xuất gia bài học: chúng ta phải biết ơn những người xung quanh, nhất là ơn thầy, các bậc Tôn đức, ơn cha mẹ, đàn-na thí chủ và không trách khi nghịch duyên xảy đến, không trách trời, đất hay người khác mà tránh bản thân ta tu lâu mà còn phiền não, không thâm nhập được giáo lý Phật-đà, mà quên rằng:

Đời không giông tố tâm không sáng

Đạo chẳng phong ba đạo chẳng thành.

Sư ông Pháp Sư có dạy:

Con quyết tu, thì chi chi nhịn hết

Nhịn nhịn hoài nhịn nhịn mãi con ôi!

Chẳng phải là nhịn có ba lần thôi

Mà nhịn mãi đến khi thành chánh giác.

Đại đức Minh Khải và Đại đức Minh Phú dạy rằng: “Khi ta còn làm cư sĩ thì yêu thích hạnh xuất gia, đến khi được rồi thì chúng ta lại không an phận, thích vui trong dục lạc. Học cho giỏi để lấy bằng cấp, ngồi trên thiên hạ, không học giáo pháp , tông môn của mình người Khất sĩ mà hành không giống Khất sĩ mà không biết. Đời khất sĩ là sao, và chúng ta đi học hạnh Khất sĩ làm gì”.

Tăng hiện tại, bát y Tăng lãnh thọ

Mặc ai chê, ngu dại hoặc lầm đường

Ai cười tươi bên gác tía lầu tường

Tăng hoan lạc dưới chòi tranh cốc lá

Ta vẫn biết bước vào đời Khất sĩ

Là dĩ nhiên chịu thử thách dập dồn

Là trọn đời phụng sự chúng sanh luôn

Là vĩnh kiếp không đồng xu dính túi

Là dãi nắng dầm mưa đường gió bụi

Là ngủ mồ ngủ mả lạt lòng thân

Là bữa no bữa đói ốm o dần

Là còn sống phải xem dường đã chết

Nhưng mà quản chết ngày mai khỏi chết

Và cần gì chết trước hết chết sau

Miễn là sao đưa chúng nơi ba đào

Là thuyền giác, trở về nơi chánh giác.

Hòa thượng Giác Pháp dạy: “Nếu muốn làm người xuất gia xuất trần thượng sĩ phải xuất thế tục gia, xuất phiền não gia, xuất tam giới gia”.

Khi đủ duyên làm người xuất gia tu theo giáo pháp Phật đà thì bất cứ hành động gì cũng phải y theo như Phật. Khi thọ lãnh vật cúng dường, chúng ta phải biết xét lại đức hạnh mình có đúng với tấm lòng của tín chủ hay không. Khi ăn ta nên quán về Tam đề Ngũ quán, sống trong sự Lục hòa.

Ngũ quán là:

Bát cơm tín chủ biết bao công

Đức hạnh đầy vơi tự xét lòng

Thỏa miệng thích tình tham quấy bỏ

Nuôi thân hành đạo thuốc lành dùng

Toan vun chánh pháp cho thành tựu.

Tam đề

Nguyện dứt các điều ác

Nguyện làm tất cả việc lành

Nguyện độ tất cả chúng sanh.

Lục hòa

Thân hòa cùng ở chung nhau….

Lợi hòa chia sớt công bằng của chung.

Hay:

Cái sống là phải sống chung

Cái biết là phải học chung

Cái linh là phải tu chung.

Hay là:

Bát cơm vàng ngọc của đàn na

Quyết chí tầm tu xuất ái hà

Sử dụng nhơn tình gieo giống Phật

Toàn bằng tâm ý niệm ba-la

Cõi thiền sáng đạt thông muôn pháp

Lý tánh gồm chung hiệp một nhà

Trợ đạo giúp đời hồi hướng chúng

Vẹt bầu tam giới bước chân ra.

Còn về phần lạy kỉnh, người xuất gia phải luôn vâng giữ. Vì là học trò Khất sĩ nên ta đảnh lễ xin học. Ngày xưa Di mẫu Kiều Đàm Di đảnh lễ và tôn trọng Phật và chúng Tăng, vâng giữ Bát Kính Pháp để làm giảm hạ lòng tự trọng tự cao. Chúng ta tập xin cái hay nơi người, nhất là những bậc giải thoát đáng kính, các bậc Tôn đức, các bậc thầy trên mình để dẹp đi ngã mạn. Về nghe pháp học kinh, làm học trò Khất sĩ thì phải thông hiểu, vì tu là tác Như Lai, xứ hành Như Lai sự, làm bậc thầy mà không thông hiểu về giáo lý nguồn gốc pháp tu … của Khất sĩ, làm sao dạy tín đồ nhà Phật tin hiểu nơi Phật được, làm sao gọi là “Nối truyền Thích-ca Chánh pháp?

Đại đức Giác Phước dạy cho chúng con hiểu về lịch sử Sư ông Pháp sư Giác Nhiên, vị khai sơn Pháp viện Minh Đăng Quang về những tài đức công hạnh độ tha, tiếp Tăng Ni độ chúng sinh đến hết cuối cuộc đời vẫn xả thân, vì dân phục vụ. Đến thời kỳ trả thân cho tứ đại, Sư ông chỉ nguyện vọng về lại quê hương. Cũng như Ni trưởng Huỳnh Liên đã nói:

Nguyện xin hiến trọn đời mình

Cho nguồn đạo pháp cho tình quê hương

Cuộc đời và đạo nghiệp của Sư ông là biểu tượng tinh thần tu tập, dấn thân hành đạo, thuyết pháp độ danh để lại gương hạnh cao siêu cho hàng hậu học chúng con nương theo đó làm kim chỉ nam tu học. Hòa thượng thường bảo: “Ăn cây nào rào cây nấy, ăn ở đâu thì âu ở đó”. Nhờ câu nói đó mà Sư ông Giác Toàn tiếp bước, trở thành người con hiếu đạo, phụng sự đạo pháp chúng sinh làm tấm gương sang cho muôn thế hệ sau này.

Đại đức Giác Hoàng, với nụ cười hoan hỷ, giọng nói hùng hồn, giọng tụng kinh trầm bổng sáng tối dạy chúng con ngồi thiền, giữ gìn oại nghi. Đại đức cũng giúp chúng con hiểu rõ ý nghĩa của Sa-di, Sa-di-ni, với những giá trị tức từ, cần sách, cầu tịnh. Tuy là Sa-di nhưng quyết chí xuất gia thì trí đã lớn, có thể biết dứt ác làm lành, siêng năng tự đốc thúc mình trong tu tập và cầu đạt quả vị Niết-bàn. Hơn nữa, người Sa-di nếu còn nhỏ, làm công quả nhẹ; lớn một chút, nghe học pháp. Các Sa-di Đi tu khi tuổi đời còn son trẻ nhưng vẫn dõng mãnh cắt ái ly gia vì cảm bội Phật pháp, muốn được mặc Pháp phục mà bỏ hình đẹp, và nguyện với lòng lấy tứ hải làm nhà làm người thân. Người xuất gia trẻ tuổi cũng không kể thân mạng vì đạo pháp, cầu cho đạo quả để độ cuộc sống, Sa-di phải nghe lời, dâng trọn tâm ý cho thầy, hiếu thảo, thuận hòa trên dưới. Như thế, người Sa-di sau này mới trở thành pháp khí thiền môn, bậc mô phạm cho trời người báo Phật ân đức.

Nói tóm lại: người Khất sĩ đi tu là dứt trừ bản ngã, “nối truyền Thích-ca chánh pháp”, nhứt định phải thấy chính mình hơn là tranh hơn thua với người. Người Khất sĩ phải cố gắng tu học hơn mình hôm qua. Người tu là lo cho tâm, nói cho tâm, làm cho tâm, người trí là trau tâm chứ không dồi thân.