Cảm tưởng tham dự khóa tu Sa-di, Sa-di-ni, Tập sự do Giáo đoàn III tổ chức lần thứ I

 Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Ngưỡng bái bạch trên Hòa thượng chứng minh, chư tôn Thượng tọa, chư Đại đức Tăng Ni và toàn thể hội chúng.

Con là Sa-di Giác Minh Hòa, trú xứ tịnh xá Ngọc Quang, sau khi tham dự khóa tu học, con có những dòng cảm niệm, xin trên chư Tôn đức Tăng Ni hoan hỷ chứng minh.

Thật là một phước duyên thù thắng cho hàng Sa-di, Sa-di-ni, tập sự của chúng con, được sự quan tâm và yêu thương của chư Tôn đức lãnh đạo Giáo đoàn III, với sự chứng minh của Hòa thượng Trưởng đoàn, các Ngài đã mở khóa tu học và bồi dưỡng cho hàng hậu học chúng con về: oai nghi, tế hạnh cũng như giới đức để chúng con có thể trở thành một người Khất Sĩ chân chính.

"Khất Sĩ hạnh ta-bà

Tiêu diêu đường tự tại

Không danh lợi, cửa nhà

Không của tiền, con cái.

Đỡ lòng một bát cơm

Che thân ba mảnh vải

Đầu đội nón càn khôn

Chân mang giày thế giới".

                                  (Khất Sĩ - Tập kệ 49)

Kính bạch trên chư Tôn đức Tăng Ni,

Có thể con được may mắn hơn chư huynh đệ nơi đây là được xuất gia tu học tại tịnh xá Ngọc Quang, được nương dưới bóng từ bi của Hòa thượng Trưởng đoàn và toàn thể đại chúng tại tịnh xá. Với chí nguyện cầu giác ngộ giải thoát ban đầu, con bỏ lại sau lưng mọi thứ từ gia đình, bè bạn, sự nghiệp đến cả người yêu và những cám dỗ thế gian để hăng hái lên đường tìm thầy học đạo. Hòa thượng Giác Dũng đã từ bi thu nhận và làm thầy Bổn sư của con. Sau hai năm tập sự tu học dưới sự chỉ dạy của sư phụ cũng như đại chúng, công phu, công quả được thành tựu, con được Giáo đoàn cho lên lớp Sa-di. Nhưng rồi những "tập khí" thế gian trong quá khứ bắt đầu trỗi dậy từ đây, nó mang đến sự phiền não, con đã dần đánh mất sự tinh tấn, ý chí xuất gia ban đầu khi con mới bước chân vào đạo. Con đã bắt đầu giãi đãi trong công phu, công quả tự lúc nào. Được sự chỉ dạy của chư Tôn đức và nhất là của sư phụ - người Thầy từ bi của con - con đã nhiều lần phát lồ sám hối trước đại chúng. Nhưng từ sự từ bi, để cho đệ tử tự giác là chính của sư phụ, "thói nào tật nấy", ngựa vẫn quen đường cũ, con lún sâu vào giải đãi, mất hẳn sự tinh tấn. Con bỏ công phu và không sinh hoạt buổi sáng với đại chúng. Ấy thế mà sư phụ vẫn im lặng, chỉ mỉm cười theo dõi đứa đệ tử đầy khuyết điểm của mình. Để rồi một ngày, sư phụ đột nhiên cho con đi theo học khóa tu "Giới-Định-Huệ" do Hệ phái tổ chức lần thứ 7 tại tịnh xá Ngọc Tường, TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang. Con lên đường tham dự khóa tu với tâm trạng háo hức, sự lo lắng cũng như niềm vinh hạnh của một tân Sa-di khi được tu học chung với chư Tôn đức lãnh đạo Hệ phái như: HT. Giác Giới, HT. Giác Tuệ, HT. Giác Thanh, HT. Giác Dũng (GĐ I)... và nhiều chư Tôn đức giới hạnh uy nghiêm. Trong khóa tu ấy, con đã học được rất nhiều điều lợi ích cũng như kiểm nghiệm lại kết quả tu học của mình sau gần 3 năm xuất gia, con cảm thấy mình chưa đạt được gì trên bước đường giác ngộ giải thoát. Cũng trong khóa tu ấy, con được biết nhiều sư huynh đệ các giáo đoàn và con được biết GĐ I có tổ chức khóa tu học định kỳ mỗi tháng 7 ngày cho Sa-di và tập sự. Lúc ấy, con chợt nghĩ "vì sao GĐ III lại không tổ chức những khóa tu như vậy cho hàng hậu học chúng con, được học tập thêm cũng như rèn luyện về oai nghi, tế hạnh, giới luật và nung đúc chí nguyện, lực tu, sự tinh tấn của chúng con khi nó lần lần biến mất".

Điều suy nghĩ ấy đã trở thành hiện thực. Trong những ngày qua, con cùng chư huynh đệ trong hội chúng đã được học tập dưới sự chỉ dạy và hướng dẫn của chư Tôn đức trong BTC khóa tu. Thật là hạnh phúc biết bao, một niềm vui khó tả. Sau bảy ngày tu học, hội chúng Sa-di, Sa-di-ni, tập sự và riêng bản thân con đã được chư Tôn đức giáo thọ sư giảng giải, chia sẻ kinh nghiệm tu tập và chỉ dạy cho chúng con hết sức tận tình. Bên cạnh đó, đức Hòa thượng chứng minh, Thượng tọa giám luật, Đại đức kiểm soát cũng như Đại đức tri sự, cùng chư Tôn đức Ni đã theo sát chúng con trong tất cả các thời khóa, các Ngài đã chỉ dạy cho chúng con nhiều điều từ cách đi thiền hành, ôm bát khất thực, đắp y, ăn cơm hòa chúng, lễ lạy hòa chúng và từng oai nghi nhỏ mà rất cần thiết cho đời sống của một hành giả tu học theo đường lối Khất Sĩ.

"Trong đời cần phải tu hai pháp

Ăn chay và vui hạp đi xin

Luật nghiêm, giới cấm giữ gìn

Muôn người hòa hiệp như in một người"

Qua khóa tu học, con đã học tập thêm được rất nhiều về: giáo pháp, lịch sử hệ phái Khất Sĩ, sự quan trọng của "Tam Y Nhất Bát" mà Tổ, Thầy đã truyền trao, các oai nghi tế hạnh của một người Khất Sĩ, và quan trọng là con cảm thấy phấn khởi hơn trên bước đường tu học của mình. Điều mà con cảm nhận sâu sắc nhất trong khóa tu là qua bài pháp ngắn của ĐĐ. Minh Điệp: “Ví dụ về lõi cây”. Qua bài pháp con biết được mình chỉ là hạng người mang về được cành lá của cây. Được khoác lên người bộ tam y, mang bên mình bát đất và được sự yêu mến của một số Phật tử mà con đã tự mãn về nó, con lầm tưởng rằng như thế là đã đủ cho đời tu của mình. Kết quả là con đã rơi vào phiền não, không còn ý chí tu tập. Con đã nhận diện được bản chất thật sự của bản thân con, rất cảm ơn một bài pháp ngắn nhưng rất ý nghĩa đối với con.

Trong khóa tu này, là một hành giả trụ xứ với những công việc được giao nên con không thể theo sát tất cả các thời khóa tu tập, nhưng con cũng rất vui khi được sát cánh cùng các Phật tử hộ bát, chư Ni trong ban hành đường phục vụ cho đại chúng, để chư huynh đệ được đầy đủ sức khỏe và an tâm tu học.

Lời cuối cùng, con xin đê đầu đảnh lễ cảm trọng ân đức của chư Tôn đức lãnh đạo giáo đoàn, chư Tôn đức trong BTC khóa tu đã tổ chức cho chúng con một khóa bồi dưỡng rất ý nghĩa. Dù Phật sự đa đoan và chuẩn bị vào mùa “An cư kiết hạ” nhưng các Ngài vẫn từ bi lân mẫn về nơi đây chỉ dạy, hướng dẫn chúng con tu học. Con kính xin chư Tôn đức tổ chức thêm nhiều khóa tu cho hàng hậu học chúng con thêm cơ hội trau dồi đức hạnh, vượt thoát mọi phiền não mà tiến tu giải thoát. Con xin kính chúc trên chư Tôn đức lãnh đạo, chư Tôn đức Tăng Ni trong Ban tổ chức, chư Tôn đức Giáo thọ sư:

“Pháp thể khinh an, huệ đăng thường chiếu, Phật đạo viên thành”. Các Ngài sẽ luôn là bóng cây đại thọ cho hàng đệ tử chúng con nương náu trên bước đường tu học.

Ngày 9 tháng 4 năm Nhâm Thìn