Cảm tưởng về đức Tổ sư qua bộ Chơn Lý

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Kính bạch chư Tôn Hòa thượng, chư Thượng tọa, Đại đức Tăng cùng quý Sư bà, quý Sư cô chứng minh,

Con Sa-di Liên Khôi xin được trình bày cảm tưởng của tự thân khi được học về bộ Chơn Lý của Đức Tổ sư.

Mùa An cư kiết hạ PL. 2558 - DL. 2014 (Giáp Ngọ) tại Tịnh xá Ngọc Trung – An Khê – Gia Lai, hàng hậu học chúng con trong Giáo đoàn III – Hệ phái Khất Sĩ được tiếp xúc với nguồn giáo pháp thật phong phú, đa dạng. Đặc biệt, vào đầu Hạ, chúng con được chư Tôn Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức Tăng cùng quý Sư bà, Sư cô kể về cuộc đời và công hạnh của Đức Tổ sư. Chúng con thật cảm động và kính ngưỡng muôn vàn ý chí học đạo, hành đạo của Ngài. Thật diễm phúc cho chúng con ngày hôm nay đang được tu học trong ánh từ quang của Tổ sư, dù có nói lên ngàn vạn lời cũng không thể nói hết được ân đức Tổ sư - Bậc khai đạo siêu việt.

Bộ Chơn Lý gồm 69 quyển, ghi lại những bài thuyết pháp của Tổ sư giảng dạy hoằng hóa trong suốt 10 năm, từ năm 1944 -1954. Những lời pháp tinh tuý quý báu khuyến khích chư Tăng Ni tập sống chung tu học trong sự thanh tịnh, hòa hợp.

Cái sống là phải sống chung

Cái biết là phải học chung

Cái linh là phải tu chung”.

Và với chí nguyện “Nối truyền Thích-ca Chánh pháp”:

          Một mình tung rải ánh từ quang,

          Cực khổ, đói no cũng chẳng màng,

          Mặc chiếc huỳnh y, hành Chánh pháp

          Ôm bình bát đất độ trần gian.

          Kim ngôn, ngọc ngữ hằng mưa xối,

          Đức hạnh trang nghiêm đạo vẹn toàn,

          Khất thực hóa duyên là độ chúng,

          Chỉ rành nẻo lối đến Tây phang.

Lúc mới chập chững vào đạo, con nghe Sư phụ Bổn sư mở những CD Chơn Lý của Tổ, nhưng nghe chỉ là nghe, con chưa hiểu được gì. Một lần có nhân duyên được nghe Hòa thượng Trụ trì Tịnh xá Trung Tâm giảng bài “Thần mật” trong Chơn Lý, con nhớ mãi lời mở đầu mà Hòa thượng nhấn mạnh: “Phép thần thông có là do ba cái mật, là thân mật, khẩu mật và ý mật. Thân mật là không hay làm, khẩu mật là không hay nói và ý mật là không hay tưởng nhớ”.

Kế đến, Sư ông Trưởng Giáo đoàn vừa viên tịch và chư Tôn đức trong giáo đoàn mở các khóa tu dành cho Sa-di, Tập sự con được nương ân đức và phước báu của đại chúng tham gia xuyên suốt những khóa đầu. Từ đây, con dần dần được thấm nhuần cơm thiền sữa pháp của Tổ sư qua công lao khó nhọc truyền dạy của chư Tôn Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức cùng quý Sư bà, Sư cô. Con vô cùng kính quý lối tu Phật Tăng xưa:

          “Một bát cơm ngàn nhà,

          Chân đi muôn dặm xa,

          Muốn thoát đường sanh tử,

          Xin ăn ngày tháng qua”.

Chư Tôn đức đã khổ công dạy dỗ, vun đắp cho hàng hậu học chúng con có được “nền móng vững chắc” về Phật pháp, đặc biệt ý chỉ Tổ sư trong Chơn Lý trở về với nguồn cội tâm linh.

Mùa hạ năm nay, lần đầu tiên con được sống an cư cùng Ni chúng dưới sự dẫn dắt của Sư bà, Ni sư và quý Sư cô tại Tịnh xá Ngọc Trung. Mỗi ngày, chúng con tuân thủ hành trì thời khóa tu học, ngồi thiền, nghe pháp, học kinh, tụng kinh, trì bình khất thực thật nghiêm ngặt khiến con cảm thấy như mình đang sống trong Tăng đoàn thời Đức Phật vậy. Những ngày đầu Hạ chúng con được Sư bà ở Tịnh xá Ngọc Trung giảng dạy đạo lý trong bài Chơn Lý “Khất Sĩ”. Sư bà phân tích và nhắc nhở chúng con làm một người Khất Sĩ đúng nghĩa như thế nào, chúng con nghe và cảm thấy thật hạnh phúc khi mình được trở thành người con trong Hệ phái Khất Sĩ. Sư bà cũng nhắc lại những lời dạy của Hòa thượng Tịnh xá Trung Tâm là “nên cho con uống sữa mẹ”, chứ đừng “uống sữa hộp”. Sữa mẹ đây là nói đến nguồn giáo pháp của Tổ sư để lại trong bộ Chơn Lý, đó là một gia tài pháp bảo cần phải thọ học.

Qua bài giảng tổng quan về bộ Chơn Lý, Đại đức Giác Phổ có dạy: Bộ Chơn Lý gồm 69 quyển, chia làm 2 phần:

 

A-              Phần giáo lý gồm 60 quyển, chia ra năm nội dung như:

1- Về nguồn gốc vũ trụ và con người qua các bài Chơn Lý: “Võ Trụ Quan”, “Ngũ Uẩn”, “Lục Căn”, “Thập Nhị Nhân Duyên”, “Có và Không”, “Sanh và Tử”, “Nam và Nữ”.

2- Về tư tưởng, hành động và nhân quả của con người qua các bài Chơn Lý: “Công Lý Vũ Trụ”, “Giác Ngộ”, “Khuyến Tu”, “Đi Tu”, “Tu và Nghiệp”, “Ăn và Sống”, “Hột Giống”, “Sợ Tội Lỗi”, “Con Sư Tử”, “Sám Hối”, v.v...

3- Về đời sống đạo đức qua các bài Chơn Lý: “Xứ Thiên Đường”, “Trường Đạo Lý”, “Nguồn Đạo Đức”, v.v...

4- Về phương pháp tu tập thể hiện qua các bài Chơn Lý: “Bát Chánh Đạo”, “Chánh Đẳng Chánh Giác”, “Y Bát Chơn Truyền”, “Nhập Định”, “Thần Mật”, “Sổ Tức Quán”, “Chư Phật”, “Phật Tánh”, “Chánh pháp”, v.v...

5- Mối liên hệ các tông phái thể hiện qua các bài Chơn Lý: “Tam Giáo”, “Tông Giáo”, “Đại Thừa”, “Đạo Phật”, “Pháp Tạng”, “Vô Lượng Cam Lộ”, “Quán Thế Âm”, “Đại Thái Thức”, “Địa Tạng”, “Pháp Hoa”, v.v...

B- Phần giới luật có 9 quyển gồm những giới luật cho giới xuất gia và cư sĩ. Đối với hàng xuất gia, Đức Tổ sư để lại 114 điều răn:

          Một trăm mười bốn điều răn,

          Do Tôn sư dạy, chư Tăng Ni hành.

          Ai mà giới luật thuộc rành,

          Giữ gìn chín chắn tu hành quả cao.

          Tu là sửa tánh dồi trau,

          Cho thân, khẩu, ý làu làu sạch trong.

          Vậy nên cần phải thuộc lòng,

          Để mà thúc liễm từ trong chí ngoài.

          Mới mong kiến tánh Như Lai,

          Minh tâm tỏ ngộ Phật đài bước sang.

Ngài đã để lại một kho tàng Pháp bảo sâu sắc và đặc biệt chú trọng nhắc nhở hàng hậu học: “Nên sống chung tu học”. Lời Ngài giảng dạy rất mộc mạc nhưng thâm thúy vô cùng, khiến những ai chú tâm suy tư sẽ hiểu rõ ngay. Như qua bài đầu tiên “Võ Trụ Quan” trong Chơn Lý, Ngài đã giới thiệu về mối tương quan của mọi sự việc trên võ trụ này, Ngài đã ví võ trụ như trái lựu cực to, cái trứng, cái thai, hột cát, hột giống, cỏ, cây, thú, người, đất đá v.v... cái cái đều tròn, vạn vật tròn tròn. Cái lẽ tròn là không khổ, là thiện, là mỹ, là chơn. Người ta cũng nói tròn là đạo quả vậy. Lẽ tròn là Chơn lý, dầu kẻ dốt học bực nào mà hằng giữ sự tròn thì cũng thành công được. Cũng như lẽ tròn cũng đối với người có tu hành chơn chánh, có giữ giới trang nghiêm, có phẩm hạnh thanh cao là đã có chơn, thiện, mỹ.

Buổi giảng của Hòa thượng Trụ trì Tịnh xá Ngọc Phúc dạy về pháp Chánh Giác trong Chơn Lý “Chánh Pháp”. Chánh pháp là pháp Chánh đẳng Chánh giác, gọi tắt là Pháp Chánh giác.

Những ai thật hành đúng Tứ y pháp và thấu đạt cả lý nghĩa tức là đắc đạo vậy.

Chư Phật đắc đạo là do Tứ y pháp.

Chư Tăng đắc quả là do Tứ y pháp.

Pháp bảo là giáo lý của Tứ y pháp.

Tứ y pháp là pháp giải thoát nuôi tâm tu học, chứ không phải khổ hạnh hay dung dưỡng sung sướng. Tứ y pháp là kho tàng Kinh Luật Luận và ai có thật hành rồi mới được thấu hiểu. Kết thúc buổi giảng Hòa thượng dạy hãy lấy giáo lý của bộ Chơn Lý tu học, làm sự nghiệp tu hành cả đời mình là đủ.

Đại đức Giác Nhường cũng về trường Hạ giảng dạy, giúp chúng con hiểu sâu hơn với những lời pháp trong Chơn Lý “Hòa Bình”, “Con Sư Tử”, “Đạo Phật Khất Sĩ”. Đại đức đã nhắc lại tinh thần sống chung tu học thanh tịnh hòa hợp của người Khất Sĩ:

          “Cái sống là phải sống chung.

          Cái biết là phải học chung.

          Cái linh là phải tu chung”.

Đức Tổ sư có cách diễn giải rất mộc mạc, gãy gọn, súc tích, rất riêng của Ngài xuyên suốt 60 quyển của bộ Chơn Lý. Kết thúc một quyển Ngài luôn có chữ “hết”, như phong thái dứt khoát, nhẹ nhàng mà rõ ràng. Hạnh phúc thay cho chúng con đàn hậu học đang uống dòng sữa pháp ngọt ngào, sâu lắng đầy tình thương vô tận. Dù chúng con hàng ngàn, hàng vạn hay nhiều hơn nữa, cùng một lúc uống thì bầu sữa Chơn lý vẫn thế, không vơi bao giờ.

Những ngày gần thọ nạn vắng bóng, Ngài điềm nhiên bảo Ngài sẽ đi tu tịnh ở núi Lửa và khuyên các đồ đệ: “Các ông ở lại ráng lo tu, mở mang mối đạo, giáo hóa chúng sanh, đền ơn chư Phật, ấy là các ông theo tôi và làm vui lòng tôi nơi xa vắng, rồi một ngày kia tôi sẽ trở về”.

                                                          (Ánh Minh Quang)

Lời Tổ sư hứa: “Rồi một ngày kia tôi sẽ trở về” như để lại niềm hy vọng, tạo động lực cho hàng đệ tử mạnh mẽ bước tiếp trên đường đạo.

III. KẾT LUẬN

Noi gương Đức Tổ sư, bậc vĩ nhân với thân hành, giáo hành, với đường lối tu học Y bát chơn truyền theo Phật Tăng xưa, chúng con đàn hậu học sẽ mãi uống nguồn sữa pháp và được trưởng thành trong giáo pháp của Tổ Thầy để lại “Nối truyền Thích-ca Chánh pháp”.

Con thành kính tri ân ân đức Sư ông cố Trưởng Giáo đoàn III, Người đã dạy dỗ, lập ra các khoá tu cho Sa-di, Tập sự để nuôi dưỡng những mầm non của đạo pháp. Xin Giác linh Sư ông gia hộ chúng con đầy đủ nghị lực để vượt qua mọi chướng duyên mà vững bước tu hành trong giáo pháp của Đức Phật.

Con xin cảm tạ ân đức chư Tôn Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức Tăng cùng quý Sư bà, Sư cô và Sư phụ Bổn Sư đã tạo mọi phước duyên cho con được tu học trong Giáo hội hòa hợp thanh tịnh của Hệ phái Khất Sĩ.