Cảm tưởng về khóa Bồi dưỡng đạo hạnh lần 3

kt9

Thấm thoát ngày thứ bảy của khóa tu Bồi dưỡng Đạo hạnh lần 3 được tổ chức tại Pháp viện Minh Đăng Quang cũng đã đến. Thời gian cứ lặng lờ trôi, trôi trong âm thầm lặng lẽ mà chúng ta nào khỏi ngỡ ngàng khi khóa tu đã đến ngày kết thúc, dù chỉ mới khai mạc hôm nào. Trái đất vẫn quay, vạn vật vẫn cứ xoay, chúng ta vẫn cứ loay hoay trong cuộc thế ta-bà này không định ngày giải thoát:

Ta-bà khổ, ta-bà rất khổ

Niết-bàn vui, Niết-bàn nhàn vui.

Vị thấu rõ căn nguyên nên chư Tôn đức đã không quản gian khó tổ chức khóa tu cho hàng sa cơ hậu học với mong muốn cho chúng con trau tâm giồi trí, nghiêm giữ oai nghi, đạo hạnh cho xứng đáng với ba từ “người xuất gia”.

Chúng con tự cảm thấy hỗ thẹn khi mình chưa mở mắt trong giáo pháp Phật song chúng con rất hạnh phúc khi được tham gia các khóa tu Bồi dưỡng Đạo hạnh như thế này, lại càng hạnh phúc hơn khi có quý chư Tôn đức là tấm gương cao quý về cả đạo hạnh và giáo lý Phật pháp. Là một tiểu điệu đứng trong hàng tập tu, còn nhiều điều bỡ ngỡ, non nớt, mới lạ, nhưng ý pháp của quý Ngài như nguồn sữa nóng cho em thơ khỏi cơn đói khát, như mưa pháp ban rưới hồng ân cho những tâm hồn sỏi đá, khờ dại của chúng con thấm nhuần giáo pháp nhiệm mầu.

Đơn giản vì yêu màu áo “Bóng Khất sĩ áo vàng giải thoát”, đầu tròn, chân đất, ôm bát, đắp y mà làm con phát nguyện khởi tâm hoan hỷ xuất gia. Nhưng nhờ có khóa tu này, chúng con đã mở mang được nhiều ý nghĩa trong việc xuất gia. Bây giờ ai có hỏi chúng con vì sao đi tu? chúng con đã có thể rành rọt trả lời rằng, không phải chỉ phát khởi tâm nguyện mà xuất gia để an lạc, giải thoát mình, chuyển hóa nghiệp duyên, hoàn thiện bản thân và độ chúng sinh qua bài giảng của HT. Giác Toàn. Để không hỗ thẹn với ba từ “người xuất gia” ấy, chúng con tự răn lòng phải học Kinh, Luật, Luận, giữ giới hạnh, tập lại từng cách ăn, uống, đi, đứng, nằm, ngồi mới xứng đáng là đóa sen tươi rạng ngời. Người xuất gia quan trọng ở đức hạnh chứ không ở tuổi tác già hay trẻ. Rèn luyện thân tâm, hành động để không phải là một người bình thường như bao nhiêu người bình thường khác lặn hụp theo biển nghiệp, như Đại đức Minh Quý có chia sẻ:

Phật pháp nan văn, thiện duyên nan ngộ”.

Phật pháp khó gặp nhưng chúng con cũng được gặp, được sinh ra lần hai trong chánh pháp, thiện duyên khó gặp chúng con được sanh lên gặp Phật pháp, nghe kinh, gặp thầy bạn tốt. Hữu duyên đa phước chúng con được cùng nhau đến với khóa tu này để rèn luyện, thúc liễm thân tâm, tập bó buộc mình theo Môn Oai nghi. Nhờ sự rèn luyện nghiêm khắc của khóa tu uốn đúc chúng con vào khuôn khổ mà chúng con thấy được nhiều sự thiếu sót, sai lầm của mình.

Có lẽ ngồi thiền là thời khóa khó khăn và khó quên nhất đối với chúng con. Nào là đau lưng, nhức chân, nào là tê mỏi, hôn trầm. Với tâm còn bông lông chưa hoàn toàn tĩnh lặng, chúng con chưa thấu đạt hết ý nghĩa sâu xa của phương pháp ngồi thiền, quán hơi thở, quán thọ, và quán tâm từ bi, nhưng nhờ sự chỉ dạy, hướng dẫn tận tình của Đại đức Giác Hoàng mà chúng con cũng hiểu được phần nào để nhiếp phục tâm an tịnh như dân gian thường nói: “Tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến” và để thành thiện hóa tâm hồn.

Các bậc chư Tôn đức Tăng, chư Tôn đức Ni luôn làm gương tu tập cho chúng con, quý Ngài chưa hề bỏ một thời khóa nào, luôn tu tập cùng đại chúng, đốc thúc chúng con nhanh nhẹn, vượt qua tâm buông lung, giải đãi, buông trôi, làm các việc trong chánh niệm.

Theo quy luật tạo hóa, thời gian không ngừng trôi, ngày thứ 7 của khóa tu đã đến, chỉ còn lại bao tiếc nuối và ngậm ngùi trong lòng chúng con. Chúng con thật hạnh phúc khi đủ nhân duyên đi hết khóa tu này. Con xin nguyện sẽ cố gắng tu tập để trưởng thành trong chánh pháp và cuối cùng con thành tâm kính chúc chư Tôn đức luôn có đủ sức khỏe để mãi là cây cao, bóng cả dắt dẫn chúng con trên bước đường tu tập.

Tập sự Liên Uyển

Tịnh xá Ngọc Kỳ, Ninh Thuận, GĐ III