Cảm tưởng về mùa An cư

Cứ đến mùa An cư kiết hạ là chư huynh đệ đồng tu hân hoan tựu hội về đạo tràng Tịnh xá Ngọc Trung để thúc liễm thân tâm, tịnh tu đạo nghiệp. Những khuôn mặt rạng rỡ vui tươi của mọi người, giờ đây đang xa dần chỉ trong một thời gian ngắn nữa thôi! Mùa An cư sắp kết thúc! Trong lòng mọi người, ai nấy đều tràn ngập niềm cảm xúc thân thương, nhưng cũng đành lặng lẽ chuẩn bị tinh thần cho phút chia tay, mỗi người mỗi nẻo. Những hình ảnh đẹp, kỷ niệm buồn vui trong lúc sống chung tu học sẽ không bao giờ quên được.

Bản thân con rất hạnh phúc khi đến đây dự khóa An cư đầu tiên cùng Ni chúng từ khắp các miền tịnh xá về đây tu học dưới ngôi nhà Phật pháp. Chúng con thành kính tri ân Sư bà Thiền chủ đức độ bao dung, cùng quý Sư cô đã hết lòng quan tâm đến sự tu học hằng ngày của Ni chúng. Sư bà rất vui lòng mỗi khi thấy đại chúng tu học mỗi ngày một tinh tấn trang nghiêm hơn.

Trong buổi thuyết giảng về kệ luật, lời dạy của Sư bà, chúng con vẫn nhớ mãi “là người tu phải nhẫn nhục, không nên phiền giận”:

                        “Nhịn, nhịn hoài, nhịn nhịn mãi con ơi!

                        Chẳng phải là nhịn có ba lần thôi,

                        Mà nhịn mãi đến khi thành Chánh giác.

                        Con nhịn được dầu thân con có thác,

                        Thác thân con mà tâm được nhẹ nhàng.

                        Cõi Tây phương con chắc chắn bước sang,

                        Bằng con đọa, Thầy nguyện ra chịu thế”.

                                                                        (Lời Thầy dạy – Ánh Nhiên Đăng)

Nhẫn nhục là điều kiện tiên quyết trên con đường tu tập Giới Định Tuệ để chúng ta loại trừ các nguyên nhân đau khổ tiến đến giải thoát. Chúng con cũng được nghe lời giáo huấn của quý Hòa thượng Giáo thọ sư dạy: “Người xuất gia, oai nghi giới hạnh làm đầu. Đi, đứng, nói, cười đều phải trang nghiêm, đằm thắm, không sỗ sàng, thô lỗ làm mất tư cách của người con Phật, bởi chúng ta là tấm gương tốt để cho hàng Phật tử noi theo”. Vì thế nên có câu:

                        “Vua hối hả mất đi vương cách,

                        Tượng chạy ào mất cả uy phong,

                        Sa-môn xốc xếch khó trông,

Nữ nhơn chạy nhảy còn trang nhã gì?”

Trong lúc giảng dạy, quý Ngài luôn khuyến tấn chúng con hãy nhớ nghĩ ân đức cao cả của Đức Tổ sư đã khai sáng Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam, với hạnh nguyện: “Nối truyền Thích-ca Chánh-pháp”, noi theo hạnh Phật Tăng xưa.

                        “Mượn lốt nhơn sanh xuống cõi trần,

                        Học đời Sĩ-đạt dứt tình thân,

                        Linh căn Thích đạo duyên ngàn kiếp,

                        Roi dấu Ta-bà giáo hóa dân”.

Cuộc đời của Đức Tổ sư là một tấm gương sáng để mọi người soi chung. Mỗi hành động, cử chỉ, lời nói cho đến sự im lặng của Ngài đều là bài học quý báu cho chúng ta. Là đệ tử của Tổ mà không thâm hiểu đời sống của Ngài thì quả thật sự học của chúng ta còn có phần thiếu sót.

Vì lẽ đó chúng ta phải thật học, chân tu, sáng soi hiểu biết, lấy tinh tấn làm hành trang trên lộ trình giải thoát:

                        “Ai đã từng lạc loài trong đêm tối,

                        Mãi hoang mang trong kiếp sống đọa đày.

                        Hãy quay về với chất liệu tình thương,

                        Trong ánh sáng của bình minh trí tuệ”.

Là người học Phật, chúng ta phải sống có mục đích, có lý tưởng, đời sống mới có ý nghĩa. Nếu không thì thật đáng tiếc cho một kiếp được làm người, nhất là đang được sống đời phạm hạnh của người xuất gia. Ý thức này là động lực thúc đẩy cho chúng con phải tập sống chung tu học trong ba tháng An cư kiết hạ này. Mỗi ngày chúng con phát nguyện tinh tấn, siêng năng tham thiền, tụng kinh, niệm Phật, không buông lung. Bởi:

                        “Trên đường đạo không gì bằng tinh tấn,

                        Không gì bằng trí tuệ của đời ta,

                        Sống điêu linh trong kiếp sống Ta-bà,

                        Chỉ tinh tấn là vượt qua tất cả”.

Có như thế chúng con mới thật sự đền đáp công ơn Tổ Thầy trong muôn một và cũng không cô phụ chí nguyện ban đầu.