Cảm xúc về Vu lan

vu lan bao hieu

Vu Lan ý nghĩa nhiệm mầu

Từ thuở xưa đã bắc cầu nghĩa nhân

Làm vui cuộc sống tinh thần

Truyền thống văn hóa chánh chân diệu kỳ”.

Ý nghĩa Vu Lan đã thấm sâu vào lòng dân tộc từ thời xa xưa. Kể từ khi Phật giáo truyền vào Việt Nam, mùa Vu Lan đã trở thành truyền thống báo hiếu thân thương của dân tộc Việt Nam. Ngày nay, Lễ Vu Lan không còn đơn thuần chỉ có ý nghĩa tôn giáo thiêng liêng mà trở thành “Lễ hội Văn hóa Tình người” với bất cứ ai đang hiện hữu trên cõi đời này. Hiếu kính mẹ cha, phụng thờ tổ tiên ông bà, nối kết ân tình giữa người còn kẻ mất, là truyền thống cao đẹp trong dòng chảy văn hóa tình người của dân tộc. Vì thế, khi mùa Vu Lan hàng năm trở về với các người con trên mọi miền đất nước, nỗi niềm xúc động mênh mang thấm đượm hàng triệu triệu con tim của những người con thảo cháu hiền khi nghĩ đến ân tình sâu nặng của mẹ cha.

Và một biểu tượng thiêng liêng đã thành truyền thống trong ngày lễ ấy là những bông hoa trắng, hồng, đỏ được chọn cài lên trên áo. Thật hãnh diện thay cho những người còn cha mẹ, ánh mắt thêm rạng ngời hạnh phúc trong dịp Lễ Vu Lan báo hiếu, được tự hào chọn cho mình màu hoa đỏ thắm cài lên ngực, màu hoa của niềm tin, màu hoa của hi vọng, màu hoa tượng trưng của sự yêu thương bất diệt:

Tự tin màu đỏ rạng ngời,

Mẹ cha đầy đủ thảnh thơi trí nhàn.

Dù lao khổ vẫn bình an,

Trong niềm hạnh phúc ngập tràn yêu thương.

Vâng những người con đang còn cha mẹ, đúng là đang ngập tràn hạnh phúc, vì được sống trong cả biển trời yêu thương ấm áp, vì có sự che chở của hai đấng sinh thành, Người cả cuộc đời trao hết cho con, không hề ân hận hối tiếc bất cứ điều gì.

Và cũng đau xót thay cho những người phải cài hoa trắng trong ngày Vu Lan, niềm cảm xúc dường như dâng trào cuồn cuộn, hòa vào trong ánh mắt, con tim, đang nhạt nhòa màn sương lệ.

Nghe buồn hoa trắng lên ngôi,

Đời không phụ mẫu mồ côi lạnh lùng,

Ông trời thiếu lượng khoan dung,

Con cài hoa trắng vô cùng đớn đau!...

Sự đối lập với những người con đang ngập tràn hạnh phúc trong niềm vui còn có cha mẹ, nỗi nhớ niềm thương của những người con không còn cha mẹ trong mùa Vu Lan lại càng thấm thía sâu sắc hơn bao giờ hết.

Phụ mẫu giờ đây đã chẳng còn,

Nghe dòng cảm xúc lạnh hồn son,

Tình thân bỗng chốc xa biền biệt,

Hiếu tử ngày đêm nhớ mỏi tròn.

Nỗi niềm ấy chỉ có những người không còn cha mẹ, mới cảm nhận sâu sắc được nỗi đau thầm lặng , tuy thầm lặng nhưng vô cùng mãnh liệt vò xé nát tâm can, khó thể nguôi cùng năm tháng, hờn tủi trách giận kiếp phù sinh sao ngắn ngủi, sao nỡ cắt rời phụ mẫu tình thâm:

Lặng lẽ ghìm con tim thổn thức, buốt tận buồng gan lá phổi,

Âm thầm nuốt dòng lệ nghẹn ngào, đau từ kẻ tóc chân tơ”.

Quả thật bất hạnh thay cho những người không còn cha mẹ, những người đã từng được hưởng sự yêu thương trìu mến của hai đấng sinh thành, những người đã được trải qua thời thơ ấu, hồn nhiên vui vẻ không hề vướng bận sầu lo, những người đã từng được che chở trong vòng tay mềm mại ấm áp thân thương. Mà giờ đây những cảm giác thân quen ấy không còn nữa, đanh phải sống trong cảm nhận sự vắng bóng song đường, cái cảm giác mất mát như càng ngày càng lớn dần theo năm tháng, và sẽ mãi bơ vơ hụt hẫng vì ý nghĩ: “Cha mẹ không còn, con không biết làm sao báo đáp tình thâm nghĩa trọng”.

Nhưng may mắn thay, chúng ta có diễm phúc, được đi trên con đường do Tôn giả Mục-kiền-liên dẫn lối, để đến ngày nay chúng ta có một ngày Lễ Vu Lan thật là hoàn hảo và ý nghĩa. Dù âm dương cách trở, những người con thảo có thể nương vào thần lực của Thắng hội này mà cứu độ Cửu huyền Thất tổ, hầu báo đáp ân tình của cha mẹ trong nhiều kiếp luân hồi.

Tháng Bảy về đây bắt nhịp cầu,

Xây thành Thắng hội giữa mùa ngâu,

Làm duyên thế giới đều trân trọng,

Tự cổ ngàn xưa Hiếu dẫn đầu.

Tất cả chúng ta đều thấu hiểu một chân lý bất diệt rằng: Trên thế gian này điều hạnh phúc nhất là những người còn cha còn mẹ, và bất hạnh lớn nhất là những kẻ mồ côi. Cuộc sống bé thơ thật êm đềm, dịu ngọt biết bao khi được cha mẹ yêu thương, chăm sóc từng miếng ăn, giấc ngủ trong tình cảm ngọt ngào, êm ái. Thật không còn hạnh phúc nào hơn! Đó chính là những cung bậc êm đềm tuyệt diệu của bài ca hạnh phúc gia đình.

Hạnh phúc nào bằng có mẹ cha,

Niềm vui thấm đượm ấm êm nhà,

Hành trang cuộc sống cho con trẻ,

Vị ngọt yêu thương mãi đậm đà.

Dù ở bất cứ độ tuổi nào, cha mẹ cũng là nơi nương dựa vững chắc cho chúng ta, là chiếc nôi tình yêu thánh thiện đưa chúng ta vào giấc ngủ ngọt ngào, ấm áp, xóa đi những đau sầu triền miên của nhân thế. Khi con ra đời, con là niềm vui hạnh phúc của cha mẹ. Vì con, cha mẹ sẵn sàng chấp nhận đắng cay vất vả, miễn sao con trẻ được lớn lên trong bình an và hạnh phúc. Tình cảm thiêng liêng cao cả bất tận ấy, ta chỉ có thể tìm được nơi cha mẹ mà thôi.

Cha mẹ cho con hết cuộc đời,

Âm thầm vất vả chẳng hề ngơi,

Thiêng liêng bất tận tình yêu ấy,

Tỏa sáng bao la đến tuyệt vời.

Nói đến cha mẹ, tất cả con người trên thế gian này, từ bậc Thánh Hiền đến người dân tầm thường ai cũng do cha mẹ sinh ra, chính Cha Mẹ là người đã san sẻ một phần máu, thịt để tạo nên hình hài của con trẻ, chính Cha Mẹ đã không ngại gian truân vất vả tranh đấu với đời, để lo lắng cho con. Công ơn sinh thành và dưỡng dục của Mẹ, Cha thật không ngòi bút nào có thể tả hết:

Sanh thành dưỡng dục sánh non cao,

Nghĩa nặng tình thâm biển dạt dào,

Máu huyết hình hài cha mẹ tạo,

Khôn dùng bút mực tả công lao.

Vì thế nên trong vườn thơ ca của Việt Nam, đã có những câu thơ viết về cha mẹ, đầy ắp chân tình và trở thành bất diệt:

Ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc,

Đừng để buồn lên mắt mẹ nghe không”. (Sưu tầm)

Mẹ già như chuối chín cây,

Gió đưa mẹ rụng con rày mồ côi,

Mỗi đêm mỗi thắp đèn trời,

Cầu cho cha mẹ sống đời với con”. (Ca dao)

Mẹ cho con những ân tình tha thiết,

Nhưng còn người vui nhận chữ hy sinh...

Mẹ cho con, cho cả cuộc đời mình,

Nào quản ngại nuôi mầm non mạnh mẽ.

Đất mênh mông không đong đầy tình mẹ...

Trời cao vời khó sánh đặng ơn cha...

Trời mênh mông, mặt đất rộng hải hà

Đã che chở cho đời con ấm áp!

Đã chống đỡ những cuồng phong dẫm đạp

Cho khu vườn tươi mãi một màu xanh”.

(Trích dẫn “Mẹ mãi trong con”, Bảo Minh Trang)

Thêm một người trái đất sẽ chật hơn,

Nhưng thiếu mẹ thế giới đầy nước mắt”. (Lê Thiện Nhân)

Ví mà tôi đổi thời gian được,

Đổi cả thiên thu tiếng mẹ cười…” (Trần Trung Đạo)

Mẹ ơi ơn nặng nghĩa tình

Vắt bầu sữa cạn nên hình hài con”. (Sưu tầm)

Con dù lớn vẫn là con của mẹ,

Đi hết đời lòng mẹ vẫn theo con”. (Chế Lan Viên)

Những vần thơ chứa đựng đủ đầy tâm trạng, đã nói hộ tâm sự cho tất cả những người con, cùng mang chung một nỗi niềm cảm xúc hướng về cha mẹ, về công lao vĩ đại như trời biển, về nỗi lòng hoài cảm bâng khuâng, vì cha mẹ giờ đã tuổi già bóng xế, mà bổn phận làm con chưa làm được điều gì để báo đáp hai đấng sanh thành. Cha mẹ mãi là bài trường ca bất diệt của thời gian, ngôn ngữ thế gian vẫn còn vụng dại, chưa đủ diễn tả hết công ơn trời biển ấy. Với con cái cha mẹ là bóng mát dịu hiền, cha mẹ tượng trưng cho tất cả những sự cao cả thánh thiện, cha mẹ có thế so sánh ngang hàng với Phật, Thánh, nhưng lại vô cùng gần gũi thân thương ở trong tâm thức của mỗi con người. Cha mẹ tuy không có ngàn tay ngàn mắt như Phật Bà Quán Thế Âm, hay Địa Tạng Vương Bồ Tát, nhưng luôn sẵn sàng vì con mà dang rộng vòng tay chịu nhận những khó khăn khắc nghiệt của cuộc đời, vẫn không hề nửa lời than trách. Vì để đền đáp ân tình ấy, báo hiếu là sự biểu hiện phẩm hạnh đạo đức của mỗi người con chúng ta, với những người con còn cha mẹ. Chúng ta hãy thấy vui sướng khi cha mẹ còn ở bên mình và tận lực phụng dưỡng cha mẹ, hãy làm trọn bổn phận của mình, đó chính là cách báo hiếu thiết thực nhất. Trong Kinh Hạnh Phúc, đức Phật dạy rằng: “Việc hiếu kính cha mẹ không chỉ là một loại hạnh phúc mà còn là một thứ hạnh phúc tốt lành nhất trong các hạnh phúc của con người”:

Sự phụng dưỡng mẹ cha, là hạnh phúc lớn nhất”. (Kinh Hạnh Phúc)

Chẳng những là báo hiếu cho cha mẹ hiện thời mà thôi, chúng ta cần phải biết rõ sự luân chuyển tái sanh của con người từ vô thỉ đến nay trải qua nhiều kiếp, ba đường sáu nẻo mênh mông, nẻo luân hồi lên xuống bất tận, cho nên tất cả chúng sinh thảy đều là cha mẹ của mình. Ngoài bổn phận báo đáp thâm ân cha mẹ hiện nay, người Phật tử còn có nhiệm vụ báo hiếu cho cha mẹ nhiều đời của mình bằng phương thức gián tiếp. Truyền bá tư tưởng hiếu đạo để những người con học tập, và thực hành phương pháp báo hiếu đúng chánh pháp, đem đến lợi ích cho tất cả những người cha, người mẹ khác trong xã hội, tạo nên một truyền thống văn hoá tốt đẹp, mang hạnh phúc thiêng liêng đến xã hội và gia đình. Đây là việc làm thiết thực của cả cộng đồng, không phải của riêng một cá nhân.

Kết bài, xin dành những bông hồng đỏ thắm đến những người con đang còn đủ cha mẹ, để được hưởng niềm vui tuyệt diệu nhất cuộc đời. Vì không chỉ là bông hồng đỏ cài lên áo, mà còn thắm đỏ ở trong tim từng giây phút ngọt ngào lắng đọng mãi không thôi. Và những bông hoa màu trắng xin dành cho những ai mất mẹ, bông hoa trắng cũng sẽ thanh khiết mãi trong lòng của những người con, luôn hoài vọng về cha mẹ của mình. Và hoa trắng ấy sẽ là hình bóng của cha mẹ luôn ở mãi trong lòng người con hiếu, dẫn đường hướng đạo cho con đi trên con đường Chân Thiện Mỹ. Dù đi tới bất cứ nơi đâu, không chỉ là mùa Vu Lan mà bất cứ mùa nào cũng có hình ảnh thân thương của Cha Mẹ mình ngự trị trong mắt, trong tim, mãi bất diệt cùng năm tháng.