Cần có một tiểu sử hoàn chỉnh về đức Tổ sư Minh Đăng Quang

I. VÀI ĐIỀU DẪN NHẬP

Mỗi bậc Đạo sư ra đời là một nguồn ân phước to lớn của chúng sanh, nói lên rằng duyên lành đã hội đủ, thời cơ đã đến nên bậc Đại sĩ ấy xuất thế. Đối với Tổ sư Minh Đăng Quang, sự xuất hiện của Ngài đã được ca ngợi là:

Minh thiên huệ nhật xuất Đông phương,

Đăng chí cao sơn triệu kiết tường,

Quang chiếu thế âm hàm vạn vật,

Hiện lai ẩn khứ chuyển luân vương.

Minh như hồng nhật lệ trung thiên,

Đăng nguyệt huỳnh huê chiếu diệu huyền,

Quang huệ tuyên lưu toàn thế giới,

Hiện thân thuyết pháp độ chân nguyên.

(Kệ “Tán tụng công đức Giáo chủ”)

Dịch thoát là:

Trời mai mặt nhật hiện phương Đông,

Vượt khỏi non cao chiếu sắc hồng,

Phóng ánh hào quang soi thế giới,

Đến đi qua lại biết bao vòng.

Sáng như mặt nhật giữa trời thanh,

Tỏ tựa đèn trăng chiếu sắc huỳnh,

Phổ ánh hào quang soi vạn vật,

Hiện thân thuyết pháp độ nhân sinh.

Những lời tán thán trên hàm ý rằng Đức Tổ sư là mặt trời trí tuệ rực rỡ, xuất hiện và soi sáng cuộc đời tối tăm. Các chữ “Minh Đăng Quang” trong bài kệ âm Hán Việt ở đầu ba câu thơ là nhắc đến pháp hiệu đặc biệt của Đức Tổ sư. Đồng thời, chúng cũng đã gợi lên những ẩn ý phi thường khi đề cập đến mặt trời, mặt trăng và trí tuệ siêu tuyệt của chư Phật. Từ thuở nào, “Minh đăng” đã thường soi sáng cho cuộc đời và hôm nay “Minh đăng” lại hiện thân thật sự, trong hình thức một con người, tỏa hào quang rực rỡ!… Chúng ta sẽ tìm lại nguồn cội, để cùng chiêm ngưỡng sự vĩ đại của những bậc Đạo sư, đặc biệt là Đức Tổ sư Minh Đăng Quang, bậc Đạo sư khai sáng Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam.

Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam đã hình thành và phát triển hơn 60 năm nay, thế nhưng, Hệ phái chưa có được một bản tiểu sử đầy đủ và rõ ràng về Đức Tổ sư khai sơn. Mỗi năm, nhân dịp lễ Tưởng niệm Tổ sư vắng bóng, đại chúng Khất sĩ tại Tịnh xá Trung Tâm – trụ sở Hệ phái lại cung tuyên tiểu sử Tổ sư Minh Đăng Quang như trong quyển Ánh Minh Quang. Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh năm 2009, trong hai môn Quản lý tự viện Phật giáo (phần Phật giáo Khất sĩ, do HT. Giác Toàn phụ trách) và Danh Tăng Việt Nam (do NS. Tín Liên phụ trách), tiểu sử Tổ sư Minh Đăng Quang đã được đưa vào giảng dạy và có cung cấp tài liệu cho các sinh viên khóa VI (bài của Ni sư Tín Liên chỉ là dàn bài chi tiết). Trong tác phẩm Tiểu sử danh Tăng Việt Nam thế kỷ XX do thầy Đồng Bổn chủ biên, bài giới thiệu về Tổ sư Minh Đăng Quang có phần hạn chế. Còn trong tập văn về Đại lễ Tưởng niệm 53 năm Tổ sư Minh Đăng Quang vắng bóng, bài “Lược sử Đức Tổ sư Minh Đăng Quang…” do Tịnh xá Ngọc Cẩm biên tập có phần đặc sắc, nhưng không hay bằng bài trong Ánh Minh Quang và vẫn chưa phải là một bài tiểu sử hoàn chỉnh. Công tâm mà nói, cả năm bài tiểu sử trên đều không đầy đủ so với những gì Hàn Ôn cung cấp trong Minh Đăng Quang pháp giáo. Từ năm 1956, Hàn Ôn đã có thiện chí ghi khắc lại giai đoạn đầu tiên của Đạo Phật Khất Sĩ trong tác phẩm Minh Đăng Quang pháp giáo cho mọi người tham khảo. Trong tác phẩm đó, Hàn Ôn đã cho ta nhiều chi tiết, nhưng lại mang nét tạp, thiếu sự sáng tỏ.

Đồng thời, có ít nhất ba công trình nghiên cứu về Phật giáo Khất sĩ của ba vị Cử nhân Phật học ở Học viện Phật giáo Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh: Sư Giác Trí viết luận văn tốt nghiệp “Sự hình thành và phát triển của Hệ phái Khất sĩ” vào năm 2001, thầy Hạnh Thành viết sách Tìm hiểu Phật giáo Khất sĩ ở Nam Bộ Việt Nam (trong thế kỷ XX) vào năm 2005 và Sư cô Thánh Hưng viết luận văn tốt nghiệp “Hệ phái Khất sĩ và Văn hóa Nam Bộ” cũng vào năm 2005. Trong ba công trình này, phần tiểu sử Tổ sư Minh Đăng Quang vẫn chưa thuyết phục lắm, về sự chính xác của những sự kiện và những nhận định tóm tắt về Tổ sư.

Nhận ra những hạn chế trên, chúng tôi cố gắng viết một bài thật đầy đủ và rõ ràng về cuộc đời và hành trạng của Đức Tổ sư Minh Đăng Quang, ước mong phần nào xứng với công đức khai tông lập Đạo của Ngài. Với hai phạm vi cuộc đời và hành trạng, bài viết sẽ mang tính cách một bài tiểu sử, nên thật không tiện để đưa ra những chứng minh nhằm làm sáng tỏ các sự kiện, vì thế sẽ có một vài bài riêng cho phần sử luận.

Với sự cố gắng của người viết, mong sao mọi người có thể hiểu nhiều và đúng hơn về Tổ sư Minh Đăng Quang. Với sự thừa kế tất yếu, chắc rằng bài viết này sẽ hoàn chỉnh hơn những bài tiểu sử về Tổ sư hiện đang có. Tuy có phần lạc quan, nhưng chúng tôi vẫn không dám chủ quan. Xin các bậc thức giả niệm tình chỉ giáo những điều chưa đúng nào mà bài viết này còn vấp phải. Chúng tôi xin thành thật tri ân.

II. CUỘC ĐỜI VÀ HÀNH TRẠNG CỦA ĐỨC TỔ SƯ MINH ĐĂNG QUANG

Đức Tổ sư Minh Đăng Quang tại thế chỉ có 30 năm rưỡi, từ tháng 11/1923 – tháng 5/1954, nên cách hay nhất để trình bày về cuộc đời và hành trạng của Ngài là nói theo mốc thời gian hơn là nói theo các giai đoạn cuộc đời.

1. Sơ lược cuộc đời Tổ sư Minh Đăng Quang từ năm 1923 đến năm 1947

Tổ sư Minh Đăng Quang có tục danh là Nguyễn Thành Đạt. Ngài sanh ngày 4 tháng 11 năm 1923 (nhằm ngày 26 tháng 9 năm Quý Hợi)[1]. Cha Ngài là cụ Nguyễn Tồn Hiếu (1894 - 1968) và mẹ là bà Phạm Thị Tỵ (còn gọi là Nhàn, 1892 - 1924). Ngài là con út, trên Ngài còn có bốn anh chị. Gia đình Ngài cư ngụ tại làng Phú Hậu, tổng Bình Phú, quận Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long. Từ năm 1929, gia đình Ngài chuyển lên sống tại xóm cầu Kinh Cụt, thị xã Vĩnh Long.

Sau khi lên thị xã, Ngài được gởi vào học trường Tống Phước Hiệp (nay là trường Lưu Văn Liệt). Chăm chỉ học tập đến năm 13 tuổi, Ngài tốt nghiệp bằng Sơ học của Pháp (nay là Tiểu học)[2] với giấy khai sanh tạm mượn của chú bé Lý Huờn người Hoa vừa mất[3]. Trong giai đoạn này, Ngài theo gương cha mỗi tối niệm hương cúng Phật và ăn chay một tháng 10 ngày. Dưới ảnh hưởng của sự tu tập này, lại do ơn trên đã một lần hiển mộng nhắc nhở, nên Ngài đã quyết tâm từ bỏ sự học của thế gian để chuyên tâm học đạo giải thoát của chư Phật, mặc dù gia đình đã ép buộc Ngài phải học tiếp...

Sau vài lần xin phép đi tu mà không được, năm 1937, Ngài đã trốn thân phụ và gia đình, rời quê hương sang chỗ ông Keo ở vùng Sóc Mẹt[4], thuộc xứ Cao Miên, để học đạo cứu nhân độ thế. Trước đó, Ngài đã từng biết ông Keo qua mấy lần ông đến nhà cha Ngài quyên góp làm tượng Phật. Ông Keo là một người mang hai dòng máu Hoa – Miên, họ Dương, thuở nhỏ từng xuất gia trong chùa Miên, sau hoàn tục nên gọi là “Lục Tà Keo”. Ông Keo nổi danh có nhiều bùa phép linh dị, được rất nhiều người Việt tín ngưỡng và kính gọi là “Sư Ông”, dù ông có vợ con[5], ngay cả hàng Hoàng thân của Miên cũng quỳ lạy mỗi khi gặp ông Keo.

Tại Sóc Mẹt, ông được chính quyền Pháp cho khai thác các núi đá vôi để làm vôi. Đây là một vùng rừng thiêng nước độc, người Pháp đã từng xây 10 lò vôi lớn mà không đưa người vào ở được. Khi Pháp để lại các lò vôi và cho khai thác, ông Keo đã huy động những tín đồ của mình đến ở, theo ông tập tu và khai thác vôi. Cũng có rất đông nam nữ thanh niên ở miền Nam Việt Nam tìm đến đây để trốn lính. Không bao lâu, lò vôi của ông Keo đã hoạt động mạnh.

Có lẽ đoán biết mạng của người học trò nhỏ nên ông Keo không dạy gì, chỉ sai Thành Đạt bửa củi, coi rẫy, đào giếng… và sắp xếp cho vô chùa các sư học kinh Phật mỗi ngày. Ở Sóc Mẹt, Thành Đạt có quen biết cô Kim Huê, con gái nuôi của ông Hội đồng Võ Văn Nhiều ở Chợ Lớn (nay là Thành phố Hồ Chí Minh), đến lò vôi làm thư ký cho ông Keo theo đề nghị của ông. Mấy năm trôi qua mà mộng cứu nhân độ thế chưa thành, Thành Đạt tạm biệt thầy về lại quê hương.

Năm 1941, Thành Đạt về lại Việt Nam. Rời gia đình, Ngài lên Sài Gòn sống và làm thư ký cho nhà hàng Nguyễn Văn Trận, sau đó làm cho hãng xà bông của ông Hội đồng Nhiều. Bấy giờ, ông Nhiều đang lo lắng cho Kim Huê đang bị một người đàn ông lớn tuổi đã có nhiều vợ chú ý. Biết Thành Đạt và Kim Huê đã quen nhau từ bên Miên, ông đề nghị gả con cho Thành Đạt, một chàng trai trẻ tuổi, thông minh, trung hậu.

Ngày 27 tháng 2 năm 1943, Thành Đạt và Kim Huê có một con gái đầu lòng, đặt tên là Kim Liên. Đứa bé khó nuôi nên được một tháng tuổi đã phải mang về quê gởi cho bên nội chăm sóc. Mấy tháng sau, Kim Huê mất. Trước nỗi mất mát này, Ngài thôi việc trở về quê. Quãng đường dài sáu năm kể từ khi Ngài rời khỏi sự bảo bọc của gia đình để dấn bước vào cuộc đời, đến lúc này ắt đã chất chứa vào lòng Ngài nhiều kinh nghiệm sâu sắc về hai chữ “Nhân sanh”…

Mùa hè năm 1943, Ngài lên lại Chợ Lớn, xin phép gia đình bên vợ cho được tập tu bá nhật tịnh khẩu[6] ngay tại ngôi nhà nơi đất thổ mộ của gia đình cha vợ ở Bình Thới (TP. HCM) mà hai vợ chồng đã ở. Tuy e rằng con rể nhất thời nông nổi nhưng ông Hội đồng Nhiều vẫn đồng ý, dặn các con nhỏ không được quấy rầy “anh Bảy lớn”, để xem Ngài tu có nổi không.

Đến hơn một năm sau thì Kim Liên cũng từ giã cuộc đời (ba tuổi ta, 13 tháng tuổi trở lên). Vợ con đều đã mất, duyên đời như thế âu cũng phải lúc cho Đại sĩ nhẹ bước xuất trần, gánh vác những sứ mạng lớn lao cho chúng sanh vạn loại.

Ấy ai gan thép chí đồng,

Lửa thiêng tam-muội cháy hồng tim ta!

Siêu nhiên quyết vượt ái hà,

Một đi, lìa cửa lìa nhà lên non…

(Trụ Vũ, “Thi hóa Tiểu sử Tổ sư”)

Năm 1944, Ngài cất cốc ở chòm mả gần nhà thân phụ để tu. Lúc này, giặc Pháp hay ruồng bố bắt người, khó ở tu nên Ngài muốn đi nơi khác. Ngài nói với chị Ba là định đi Phú Quốc, chừng nào đắc đạo mới về. Lo lắng con đi không về nữa nên thân phụ cùng kế mẫu Hà Thị Song theo xuống ghe bắt lại, năm lần bảy lượt đi không được. Kế mẫu bảo: “Nhà mình không phải nghèo, con ở nhà muốn gì được nấy, muốn ăn chay, Năm cũng lo cho con đầy đủ, con đi làm gì cho cực khổ cái thân?”. Ngài thưa: Năm thương con nói vậy, chớ Năm nuôi cho con ăn đầy đủ rồi nằm một chỗ có khác gì con heo, không có ích lợi gì cho ai. Chi bằng Năm để con ra đi tìm phương cứu khổ cho chúng sanh thì cuộc sống của con mới có ý nghĩa!”. Ngài phân tích phải trái mãi rồi ông bà cụ cũng xiêu lòng cho đi.

Rời Vĩnh Long, Ngài đi tu, tìm học theo 2 nền giáo lý của Phật giáo Cao Miên và Việt Nam. Ít lâu sau, Ngài ra Hà Tiên, định đi Phú Quốc rồi đi luôn ra nước ngoài hành đạo, nhưng gặp lúc không có chuyến tàu nào nên Ngài tìm nơi thanh vắng ở bờ biển Hà Tiên để tu thiền định. Trải qua bảy ngày tham thiền nhập định ở Mũi Nai, vào một buổi chiều, Ngài đã ngộ đạo ngay sau khi thấy những chiếc thuyền đánh cá băng vượt trên muôn ngàn sóng biển. Sau này, khi thuyết pháp cho tín đồ, Ngài đã gợi lại hình ảnh những chiếc thuyền giữa biển cả cuộc đời qua pháp thoại Thuyền trí huệ:

Thuyền trí huệ ngược dòng rẽ sóng,

Đèn quang minh rạng bóng soi đời,

Ai người trồi hụp chơi vơi,

Khá mau bám níu vào nơi mé bờ!

Biển trần thế đục nhơ đã lắm…

(Kệ “Thuyền trí huệ”)

Cũng trong năm 1944 đó, trong hình thức một ông đạo, cạo tóc và mặc đồ nâu sồng, Ngài đã về nhà thăm phụ thân. Đến nhà, Ngài chắp tay chào vị đại thí chủ của mình rồi thông báo cho ông cụ tin vui: “Tôi đã đắc đạo rồi!”. Qua mấy hôm tạm trú tại nhà, Ngài lại lên đường về miền Thất Sơn.

Đầu năm 1946, Ngài theo ghe ông Bảy Tam và ghe ông Tư Nhu về làng Phú Mỹ, tỉnh Mỹ Tho. Nguyên các nhà thiện tâm này đều là hàng tín đồ của ông Keo, họ làm nghề buôn tấm đệm, một đặc sản của Phú Mỹ, vùng đất phèn có nhiều cây bàng, cây lát mọc khắp nơi. Mỗi năm nhiều lần họ chở đệm qua Sóc Mẹt bán, sau đó vào thăm Sư Ông và ở lại tập tu.

Ngài về Phú Mỹ trong hình thức một ông đạo, đội nón lá, mặc đồ đen bình dân. Quý trọng Ngài là đệ tử của Sư Ông[7], ông Tư Nhu mời Ngài ở tạm sau vườn nhà, nay ở sát phía sau Tịnh xá Mộc Chơn cũ. Buổi đầu, mọi người gọi Ngài là chú Sáu, sau trọng là người tu nên gọi là Thầy Sáu. Ở đây không lâu, Thầy Sáu đã xin bà con tìm cho ít vải trắng để nhuộm làm y, và hái cho một trái dừa già thật lớn để cắt ra làm bát, thực hành Tứ y pháp, ngày ăn một bữa[8]... Thầy Sáu hay nói chuyện đạo cho bà con nghe. Đến khi Ngài giảng những bài Võ trụ quan, Lục căn, ngũ uẩn… thì thật ít ai hiểu hết, chỉ có cảm nhận chung là hay quá! Từ khi Thầy về đó, nhà ông bà Tư Nhu lúc nào cũng có khách đến nghe chuyện đạo.

Bấy giờ ở Phú Mỹ có chùa Linh Bửu do ông Đoàn Ngọc Đê lập vào năm 1929 và làm Thủ tọa. Ông Đoàn Ngọc Đê tu Tịnh Độ theo thầy giáo Trần Phong Sắc ở Tân An. Thầy Trần Phong Sắc là một nhà giáo mẫu mực, một nhà dịch thuật và sáng tác tài ba, đồng thời cũng là một Phật tử thuần thành đã tu đắc pháp niệm Phật, lưu lại đời tác phẩm Lão nhơn đắc ngộ. Chùa Linh Bửu được ông Đoàn Ngọc Đê kiến thiết đầy đủ theo phong cách Nam Bộ, được dùng làm nơi tụng niệm, bái sám và cúng kiến cho Phật tử trong xã. Chùa ở bìa rừng, hơi xa nhà dân. Hay tin Thầy Sáu giỏi nói chuyện đạo, ông Thủ tọa Đê đã nhờ người mời Thầy lên chùa trao đổi mấy lần. Và ông cố ý giữ Thầy Sáu ở lại quá 12 giờ trưa, để bà Tư Nhu theo dõi xem Thầy có ăn gì nữa không![9]

Tháng 2 âm lịch năm 1946, ông Đê bị một cơn bệnh lạ, đến ngày 29 ông tạ thế, hưởng lộc trời 52 năm. Sau khi Thủ tọa Đê mất, gia đình và bà con trong đạo mới bàn nhau đưa Thầy Sáu lên trụ trì Linh Bửu tự. Đáp lời bà con, Thầy Sáu nói: “Tôi phải hoằng hóa chúng sanh, cần ở chỗ có người. Trên đó không có ai, tôi ở làm gì?”. Tuy không nhận trách nhiệm trụ trì nhưng Tổ vẫn lên Linh Bửu tự thuyết pháp khi có người mời, và ở một thời gian khi đã có đệ tử xuất gia[10].

Thấy Thầy Sáu từ chối trụ trì Linh Bửu tự, bà con mộ đạo mới cất cốc thỉnh Thầy đến tu. Lần lượt ở các xã Tân Hòa Thành, Tân Hội Đông và Tân Lý Đông kế bên xã Phú Mỹ, hướng ra Tân Hiệp, đã cất lên 3 cốc lá cúng dường Ngài. Cảm niệm công đức của người mộ đạo, mỗi cốc Thầy Sáu đều đến ở một vài tháng, hàng ngày đi trì bình, tọa thiền, hễ có dịp lại thuyết pháp cho bà con địa phương nghe.

Tại Phú Mỹ, Thầy Sáu nghiêm trì đời sống Tứ y pháp như Giới bổn Tỳ-kheo đã quy định[11]. Thỉnh thoảng Ngài cũng vân du đây đó như hạc nội mây ngàn. Bấy giờ, miền làng quê nghèo Phú Mỹ đã trở nên đẹp hơn vì sự xuất hiện của một vị Khất sĩ với nếp sống Tứ y pháp, một nếp sống truyền thống của ba đời chư Phật.

Y Khất sĩ bức họa đồ thế giới,

Vẽ muôn ngàn đường lối bước vân du.

Bát Khất sĩ bầu càn khôn vũ trụ,

Chứa muôn loài vạn vật một tình thương.

Đầu tiên trên bước du phương,

Lẻ loi chỉ có một mình, đường xa…

Cuối năm 1946, Thầy Sáu nhập tịnh 100 ngày trong một cốc lá bà con đã cất lên cúng dường Ngài[12]. Bà con tò mò xem Thầy tu như thế nào, lén nhìn qua vách lá, họ thấy Ngài ngày đêm đều ngồi trên một cái ghế vuông, trong một cái mùng trùm lên ghế. Đến rằm tháng Giêng năm 1947, khi anh thợ mộc Tạ Văn Phụng (sau này là Đức Thầy Từ Huệ) từ xã Tân Hương vô Phú Mỹ tìm Thầy Sáu lần đầu tiên, lúc đó Thầy Sáu vừa ra tịnh mấy ngày. So với 7 ngày tham thiền nhập định tại Mũi Nai – Hà Tiên vào năm 1944, thì 100 ngày nhập tịnh này của Ngài thật là khó lường. Hậu thế chí thành kính ngưỡng:

Mãn khai vô thượng liên đài,

Trang nghiêm thị hiện Như Lai tọa thiền!

(Thi hóa Tiểu sử Tổ sư Minh Đăng Quang, Trụ Vũ)

Đầu năm 1947, Thầy Sáu bắt đầu lấy pháp danh Minh Đăng Quang do Đức Phật A-di-đà ban cho[13], gánh vác sứ mạng Tổ sư, tham gia chấn hưng Phật giáo, chỉnh đốn Tăng-già theo xu hướng của thời đại.

2. Bảy năm hoằng pháp của Tổ sư Minh Đăng Quang (1947 – 1954)

Qua năm 1947, Tổ sư Minh Đăng Quang đã thâu nhận đệ tử Tăng, Ni và bắt đầu sáng lập Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam. Nêu cao tôn chỉ Nối truyền Thích-ca Chánh pháp, Tổ sư đã dung hợp mọi tinh hoa của Nam tông và Bắc tông Phật giáo, phá vỡ sự đối lập của hai nền tư tưởng Phật giáo căn bản trên thế giới. Sự dung hợp của Tổ sư thật khéo léo, lại thêm được thuyết minh bởi tư tưởng Khất sĩ uyên thâm, thấu đạt chánh lý, nên nền Đạo Phật Khất Sĩ chẳng mấy chốc đã được tô đắp vững chãi và rộng lớn.

Đầu tiên, Ngài nhận đệ tử bên Tăng gồm chú Huệ Ngạn (khoảng 10 tuổi), các Sư Nhựt Quang, Nguyệt Minh, Từ Huệ, Giác Tịnh (lúc đầu tên Huệ Tịnh); kế đến nhận bên Ni gồm các vị Huỳnh Liên, Bạch Liên, Thanh Liên, Bửu Liên (mất năm 1952), Kim Liên, Ngân Liên. Từ năm 1948 trở đi, Tổ sư Minh Đăng Quang thâu nhận nhiều đệ tử xuất gia như các vị Giác Tánh (lúc đầu tên Huệ Tánh), Giác Chánh, Giác Như, Giác Hải, Giác Nhơn, Giác Thần, Giác Hòa… và Chơn Liên, Quang Liên, Tạng Liên, Trí Liên, Đức Liên, Thiện Liên…

Năm đầu lập đạo, thầy trò Ngài an cư tại Phú Mỹ, có ông Sáu Dành phát tâm cúng dường suốt mùa An cư. Ngài và chư Tăng ở tại Linh Bửu tự, chư Ni ở tạm tại vườn nhà người dì của Sư cô Huỳnh Liên, đến ngày sám hối lại về Linh Bửu tự để Tổ sư nhắc nhở, chỉ dạy. Qua mùa An cư đầu tiên, Ngài bắt đầu dẫn các đệ tử đi du phương hành đạo, đi lần ra Tân An rồi đến các nơi. Kể từ đó:

Một cành mà nở trăm hoa,

Bóng y bát đẹp quê ta tự rày,

Chơn truyền Khất sĩ là đây,

Bóng xưa với lại hình này dặm không….

(Trụ Vũ, Thi hóa Tiểu sử Tổ sư Minh Đăng Quang)

Theo bước chân Tổ sư, chư Tăng Ni Khất sĩ đã du phương hành đạo từ làng này sang làng khác trong khắp vùng Nam Bộ. Hạnh tam y nhất bát được thực hành hài hòa theo Niết-bàn thời khắc biểu:

Mỗi người áo vá một manh,

Một bình bát đất du hành khắp nơi.

Sáng ra khuyến giáo độ đời,

Trưa về thọ thực, xế thời thuyết kinh.

Chiều, khuya quán tưởng lặng thinh,

Nửa đêm nhập định điển linh ngưng thần.

Người tự giác ngộ độ thân,

Giác tha, độ thế dạy dân tu trì…

Hình ảnh những vị Khất sĩ khiêm cung xin ăn tu học đã khắc sâu vào lòng dân chúng niềm kính phục và quy ngưỡng. Do đó, những ngôi tịnh xá hình bát giác lần lượt được bá tánh góp công góp của dựng lên cho chư Tăng Ni Khất sĩ tạm trú hành đạo ở khắp các tỉnh thành Nam Bộ. Đầu tiên là Tịnh xá Pháp Vân ở thị xã Vĩnh Long, kế đến là Tịnh xá Trúc Viên (sau đổi tên Ngọc Thuận), và Tịnh xá Ngọc Viên. Từ Ngọc Viên, các tịnh xá sau đều lót chữ Ngọc. Riêng tại xã Phú Mỹ, nơi kỷ niệm Tổ sư Minh Đăng Quang lập Đạo Phật Khất Sĩ, giữa năm 1952 các Phật tử đã cất lên Tịnh xá Mộc Chơn ngay kế miếng đất ban đầu Ngài đã ở. Danh hiệu Mộc Chơn được Tổ sư định nghĩa là “Gốc cây Đạo”, gốc cây Đạo của Ngài được trồng tại đây, không phải ở Linh Bửu tự.

Pháp âm của Đạo Phật Khất Sĩ vang vọng khắp các giới quần chúng Phật tử, lại thêm gương sáng chân tu thật học của chư Tăng Ni Khất sĩ, nên rất nhiều người đã phát tâm xuất gia, theo chân Tổ sư Minh Đăng Quang tiến bước trên con đường giải thoát. Theo con đường đó, có ba giáo pháp Khất sĩ Thanh Văn, Khất sĩ Duyên Giác và Khất sĩ Bồ-tát cho mỗi người lựa chọn. Thế nên, mọi căn cơ đều được Tổ sư Minh Đăng Quang tiếp độ, làm cho Giáo hội Khất sĩ của Ngài trở thành một nơi ngọa hổ tàng long.

Qua mỗi tỉnh thành, Tổ sư Minh Đăng Quang đều gặp gỡ giới trí thức Phật giáo đương thời tại địa phương ấy, để trao đổi và bổ sung về sở học, sở tu cho nhau. Việc làm này đã để lại nhiều thiện cảm trong các tổ chức tôn giáo đương thời. Cũng trong tinh thần xây dựng Tăng-già, không phân chia tông phái, Tổ sư Minh Đăng Quang thường kêu gọi Tăng chúng hãy tập sống chung tu học theo Pháp bảo của chư Phật.

Tuy Tổ sư cũng cho phép đệ tử tu hạnh Độc giác:

Nhất bát thiên gia phạn

Cô thân vạn lý du

Dục cùng sanh tử lộ

Khất hóa độ xuân thu.

Dịch thơ:

Một bát cơm ngàn nhà

Một mình muôn dặm qua

Muốn hết đường sanh tử

Khất thực tháng ngày qua…

Nhưng đây không phải tinh thần phổ biến mà Ngài khuyến cáo đến toàn thể đại chúng Khất sĩ. Tổ sư thường cảnh giác người xuất gia không nên lìa đoàn thể và Ngài yêu cầu Giáo hội phải xem xét kỹ lưỡng rồi mới cho phép những ai muốn tách riêng tìm chỗ vắng tu tịnh. Đối với quần chúng, những người còn mang nặng nhiều trách nhiệm thế tục, Ngài khuyến dạy họ rằng:

Mỗi người phải biết chữ.

Mỗi người phải thuộc giới.

Mỗi người phải tránh ác.

Mỗi người phải học đạo.[14]

Tổ sư thường nhấn mạnh về mục đích giải thoát sanh tử đối với mọi giới Phật tử xuất gia và tại gia. Ngài phá bỏ những rào cản tông, phái, giáo, vật sở hữu… cho những ai đang muốn đi theo chân chư Phật về chốn an vui. Một điều đặc biệt là Ngài đã lưu ý mà mọi người ít quan tâm là “Việt Nam đạo Phật không có phân thừa”. Quả thật, phải là bậc thấu triệt chân lý, giác ngộ sâu xa rằng chỉ có một pháp giới chân thật trùm khắp mười phương ba cõi, mới hiểu được cái lẽ “Một” của vũ trụ nhân sanh… Chính cái Một đó đã thành tất cả những gì Đức Tổ sư đã làm: Khai sáng dòng đạo Khất sĩ, tiếp Tăng độ chúng, hoằng pháp lợi sanh, kiến lập đạo tràng, trùng hưng giới luật, cho đến lập nhà in Pháp Ấn để in ấn Chơn Lý, lái xe phục vụ cho Tăng đoàn…

Rằm tháng 7 năm 1953, Tổ sư Minh Đăng Quang thành lập đoàn Du tăng Khất sĩ đầu tiên, gồm 21 vị sư, xuất phát từ Vĩnh Long đi hành đạo lên vùng Sài Gòn - Gia Định - Chợ Lớn (TP. Hồ Chí Minh) và miền Đông Nam Bộ. Chuyến hành đạo này đã để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp trong lòng người ở các nơi mà đoàn Du tăng Khất sĩ đi qua. Thiền sư Minh Trực ở chùa Phật Bửu, ông Mai Thọ Truyền, chư Hòa thượng ở Giác Nguyên Phật học đường, chư Hòa thượng ở chùa Ấn Quang, Ngài Hộ pháp Phạm Công Tắc ở Tòa Thánh Tây Ninh… đều tán dương sự tinh tấn hoằng pháp của phái đoàn.

Lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam trong suốt 2000 năm lịch sử Phật giáo Việt Nam, đoàn Du tăng Khất sĩ là một đường lối hoằng pháp độc đáo của Tổ sư Minh Đăng Quang. Đồng thời, mô hình này cũng là một bản sao của đoàn Du tăng thời Đức Phật. Đến mùa xuân năm 1954, đoàn Du tăng Khất sĩ đã trở lại miền Tây Nam Bộ. Những năm sau đó, đoàn lại khởi hành ra miền Trung Việt Nam…

Từ ngày rằm tháng Giêng năm 1954, tại Tịnh xá Ngọc Quang ở Sa Đéc, Tổ sư Minh Đăng Quang đã tập trung chúng Tăng về để chỉ dạy thêm sự tu tập. Sau đó, Tổ sư lên đường đi viếng hết các tịnh xá ở miền Đông và miền Tây Nam Bộ, ghé thăm Núi Cấm lần cuối rồi về lại Tịnh xá Ngọc Quang tụng giới và cúng hội vào ngày 30 tháng Giêng. Hôm sau, Tổ sư lên đường sang Cần Thơ để trả nghiệp và để bảo vệ Giáo hội non trẻ của Ngài trước sự chú ý của chính quyền Pháp ở Đông Dương. Sự ra đi này đã được Ngài nói trước với các đệ tử kề cận trong những ngày cuối là Ngài “đi tu tịnh ở núi lửa một thời gian”.

Sáng thứ Sáu, ngày mùng 1 tháng 2 năm Giáp Ngọ, Tổ sư Minh Đăng Quang đi Vĩnh Long và Cần Thơ trên một chiếc xe 4 chỗ, hiệu Rờ-nôn do một thiện nam (sau này là Sư Giác Nghĩa) lái. Lúc xe ghé Tịnh xá Ngọc Viên lấy Chơn lý có Sư cụ Giác Thủy (79 tuổi) xin đi nhờ xe về Cần Thơ và chú tập sự Giác Pháp (14 tuổi) theo hầu Tổ sư. Cùng đi còn có một xe nhỏ khác của các thiện tín ở Sài Gòn. Khi đến bến phà Cái Vồn để sang Cần Thơ, cả hai xe đã được mời về căn cứ Cái Vồn để gặp Tổng Tư lệnh Trần Văn Soái có việc. Đương thời, mọi người thường gọi vị Tổng Tư lệnh này là ông Năm Lửa. Khi đến nơi, Tổ sư đã bị bắt giam hơn 2 tháng và từ đấy hàng đệ tử cùng tín đồ không còn được gặp Ngài nữa. Từ khi bị bắt đến bốn ngày sau, hai xe và các cư sĩ lần lượt được thả ra. Riêng Sư Giác Thủy và Giác Pháp thì hai tháng sau, ngày 30 tháng 3 âm lịch mới được thả. Còn 8 vị Sư đi tìm thầy: Giác Tôn, Giác Hoằng, Giác Lập, Giác Nguyên, Giác An, Giác Thường, Giác Duyên, Giác Giới đã bị bắt giam chung trong trại, hàng ngày làm lao công, đến mùng 8 tháng 5 âm lịch mới được cho về.[15]

Sau 7 năm hoằng đạo (nếu kể cả thời gian tu học là 10 năm hành đạo), ngày 5 tháng 3 năm 1954 (nhằm ngày mùng 1 tháng 2 năm Giáp Ngọ) Đức Tổ sư Minh Đăng Quang đã tùy duyên tiêu cựu nghiệp. Về sau, hàng môn đồ đã chọn ngày mùng 1 tháng 2 để làm ngày tưởng niệm Tổ sư vắng bóng. Giáo pháp Khất sĩ do Đức Tổ sư Minh Đăng Quang triển khai đã được Ngài viết thành bộ Chơn lý. Bộ Chơn lý gồm có 69 bài, thuyết minh rộng và sâu sắc về tư tưởng Khất sĩ, về mọi mặt tôn giáo, xã hội, tín ngưỡng, Phật pháp… Đến đầu thập niên 1970, bộ sách này đã được tách ra thành hai là Chơn lý gồm 60 bài và Luật nghi Khất sĩ gồm có 9 bài thiết yếu cho sự hành trì hàng ngày của chư Tăng Ni Khất sĩ.

Vào thời điểm Tổ sư vắng bóng, Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam có số Tăng Ni khoảng 100 vị, tịnh xá có hơn 20 ngôi. Đến khoảng 20 năm sau, mối đạo này đã mau chóng phát triển thành cả chục Giáo đoàn, phân hóa thành mấy Giáo hội, truyền bá khắp các tỉnh thành trong 2 miền Nam và Trung Bộ. Hiện nay, pháp nhân của Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam là Hệ phái Khất sĩ, một trong 3 hệ phái Phật giáo lớn trực thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

3. Ngưỡng vọng người xưa

Mượn lốt nhân sanh xuống cõi trần,

Học hạnh Sĩ Đạt dứt tình thân,

Linh căn Thích đạo duyên ngàn trước,

Noi dấu Ta-bà giáo hóa dân.

Hơn 30 năm xuất hiện trong cuộc đời, Tổ sư Minh Đăng Quang đã làm nên một sự nghiệp vẻ vang và kỳ diệu là dựng lập thành công nền Đạo Phật Khất Sĩ. Dấu xương Ngài để lại cho đời là bộ Chơn lý. Cảnh huy hoàng của thời Chánh pháp do Ngài mang lại là Giáo hội Tăng-già Khất sĩ. Cực lạc Tịnh độ là Giới luật Tăng-già. Tháp vàng núi báu xuất hiện khắp nơi là đạo tràng tịnh xá. Và các đoàn Du tăng Khất sĩ chính là những chiếc thuyền trí huệ ngược dòng đời cứu độ chúng sanh…

Sanh trong đời mạt pháp, thật hữu duyên đa phước cho những ai gặp được Giáo pháp Khất sĩ do Tổ sư Minh Đăng Quang khai sáng, tắm mình trong dòng Chánh pháp mà Đức Tổ sư đã khơi nguồn, được thừa hưởng những đạo vị thanh cao từ ân đức của Pháp bảo, người con Phật sẽ mãi mãi khắc ghi trong tâm những niềm tri ân sâu xa. Thấm nhuần ân đức ấy, mỗi Phật tử sẽ nhận ra rằng: Đức Minh Đăng Quang chính là hiện thân của Chánh pháp!

Minh Đăng Quang bóng an bình,

Minh Đăng Quang ngọn đèn linh ta-bà!

Noi gương Đức Tổ sư và các bậc Thầy, chúng ta gìn giữ giáo pháp của Tổ Thầy, để tô điểm cho tâm hồn, để giúp bao kẻ hữu duyên đều được giải thoát. Bóng y vàng làm đẹp cho những nẻo đường quê hương, lại càng đẹp hơn do chính sự thanh tịnh và trang nghiêm của người khoác tấm y đó. Bình bát đất nối liền những khoảng cách của lòng người, sẽ đem đến sự khiêm cung và thân thiện cho cả chính người cho và kẻ nhận, mà như thế, Tổ sư sẽ sống mãi trong đạo hạnh của mỗi vị Khất sĩ…

Từ ngàn trước bao người dong ruổi,

Nay chốn này đến buổi chúng ta,

Con dòng hưởng lấy tài gia,

Đoái nhìn sự nghiệp, thương cha công trình…

Đức Tổ sư Minh Đăng Quang đã nối truyền Thích-ca Chánh pháp trong một đời hoằng pháp độ sanh của Ngài, chư Khất sĩ thừa kế sự nghiệp của Tổ Thầy, ngày nay lại tiếp bước con đường mà chư Phật mười phương ba đời đã đi. Đây là điều cuối cùng cho chúng ta ghi nhận, sau khi đã tìm hiểu về cuộc đời và hành trạng của Đức Tổ sư Minh Đăng Quang.

III. KẾT LUẬN

Kính thưa đại chúng.

Đến đây, bài viết thứ 10 như đã được biết về tiểu sử Tổ sư Minh Đăng Quang đã tạm hoàn thành. Công trình viết sử cho Phật giáo Khất sĩ thật không phải là đơn giản, mà hiện nay, vấn đề này đang trở thành khẩn thiết để góp phần làm trong sáng cho giáo pháp Khất sĩ, một khi Hệ phái này đang phát triển mạnh về lượng song có phần thiếu hụt về chất.

Qua bài viết này, có những vấn đề mới nêu ra hoặc đã được đính chính so với những bài trước:

– Ông Keo không phải là Bổn sư của Đức Minh Đăng Quang. Ông có cha người Hoa, mẹ người Campuchia, sinh năm 1910, tử năm 1970, giỏi bùa phép, có vợ con.

– Đức Minh Đăng Quang từ Sóc Mẹt về Phú Mỹ trên chuyến đò của ông Bảy Tam. Lúc đó chẳng có trang hiền nhân nào lên Thất Sơn thỉnh Ngài về trụ trì Linh Bửu tự gì cả.

– Đức Minh Đăng Quang đi Campuchia ít nhất là 2 lần.

– Giữa Thành Đạt và Kim Huê thật không có chuyện cứu tử, đây là Hàn Ôn tiểu thuyết hóa để thần tượng thầy mình, vô tình làm giảm giá trị lịch sử của Minh Đăng Quang pháp giáo.

– Thầy Sáu không có phát nguyện thọ giới (Sa-di và Tỳ-kheo) tại Linh Bửu tự.

– Linh Bửu tự là nơi kỷ niệm xuất gia và theo Thầy buổi đầu của một nhóm đệ tử của Tổ sư.

– Thành Đạt tập tu 100 ngày không nói ở khu mộ của nhà ông Hội đồng Võ Văn Nhiều vào năm 1943.

– Đức Tổ sư nhập tịnh 100 ngày trước khi thâu nhận đệ tử và dùng pháp danh Minh Đăng Quang. Nếu xác định được nơi đó, có nên chăng về xây một bảo tháp để kỷ niệm?

– Giải thích được lý do Tổ sư dùng tên Lý Huờn khi ký tên.

– Mùa An cư đầu tiên của thầy trò Tổ sư Minh Đăng Quang diễn ra tại Phú Mỹ, không phải tại Kỳ Viên tự ở TP. Hồ Chí Minh. Người hộ pháp trong mùa An cư đó là ông Sáu Dành.

– Xác định bài “Nhất bát thiên gia phạn / Cô thân vạn lý du…” không phải là tư tưởng căn bản của Đức Tổ sư. Tổ sư xem trọng tinh thần sống chung tu học của Tăng-già hơn là cô thân hành đạo.

– Mộc Chơn được Tổ sư định nghĩa là “Gốc cây Đạo”, Linh Bửu tự không thể được xem là nơi trồng cây Đạo của Ngài.

… Và còn nhiều điều nữa, mong mọi người ghi nhận khách quan, với tinh thần “Tham luận là tham cứu luận bàn để khẳng định một cái gì đó”. Chúng tôi mạnh dạn viết bản tiểu sử này từ những cơ sở mới tìm hiểu được, để tập thể xem xét khảo duyệt. Cuối cùng, xin chân thành cám ơn đại chúng đã lắng nghe và thảo luận. Qua cuộc hội thảo, bài tiểu sử hoàn chỉnh về Đức Tổ sư Minh Đăng Quang sẽ là công trình chung của tất cả mọi người.

***

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Tổ sư Minh Đăng Quang, Chơn lý , Thành hội Phật giáo TP. Hồ Chí Minh, 1993.

2. Tổ sư Minh Đăng Quang, Luật nghi Khất sĩ, “Luật Khất sĩ”, Giáo hội Tăng-già Khất sĩ Việt Nam, Sài Gòn, 1973.

3. Tổ sư Minh Đăng Quang, Bồ-tát giáo, Tịnh xá Ngọc Viên ấn hành, 1962.

4. Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ánh Minh Quang, Nxb. TP. Hồ Chí Minh, 2004.

5. Hàn Ôn, Minh Đăng Quang pháp giáo , Chúng Minh Đăng Quang ấn hành, TP. HCM, 2001.

6. HT. Thích Giác Toàn, “Hệ thống tự viện (tịnh xá) Hệ phái Khất sĩ Việt Nam & vai trò trụ trì quản lý ngôi tịnh xá ”, chuyên đề, TP. HCM, Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP. HCM, 8/10/2007.

7. NS. Tín Liên, “Tìm hiểu Hệ phái Khất sĩ của Tổ sư Minh Đăng Quang ”, chuyên đề, TP. HCM, Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP. HCM, 07/04/2009.

8. Thích Đồng Bổn (chủ biên ), Tiểu sdanh Tăng Việt Nam thế kỷ XX , tập I, TP. HCM, Thành hội Phật giáo TP. Hồ Chí Minh ấn hành, 1995.

9. Thích Giác Trí, “Sự hình thành và phát triển của Hệ phái Khất sĩ”, luận văn tốt nghiệp, TP. HCM, Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP. HCM, 2001.

10. Thích Hạnh Thành, Tìm hiểu Phật giáo Khất sĩ ở Nam Bộ Việt Nam (trong thế kỷ XX), Nxb. Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, 2007.

11. Thích Nữ Thánh Hưng, “Hệ phái Khất sĩ và Văn hóa Nam Bộ”, luận văn tốt nghiệp, TP. HCM, Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP. HCM, 2005.

12. Tịnh xá Ngọc Cẩm, “Lễ tưởng niệm 53 năm Tổ sư Minh Đăng Quang vắng bóng và khánh thành Tịnh xá Ngọc Cẩm”, tập văn lưu hành nội bộ, 2007.

13. Hành Vân, Trung Giang ký sự, 30 kỳ đã đăng trên website Ánh Nhiên Đăng.

 


[1] Về ngày sanh và ngày vắng bóng của Đức Tổ sư, người viết đã tra cứu Lịch vạn niên để lấy theo lịch Tây cho dễ phổ biến.

[2] Thuở ấy trẻ em Việt Nam 7 tuổi mới được vào học lớp đầu tiên của bậc Tiểu học. Lớp này tên là lớp Đồng ấu, trong bậc Tiểu học có 6 lớp. Như vậy 7 tuổi đến trường, cấn qua 8 tuổi thì xong lớp đầu. Đến lớp cuối là 12 – 13 tuổi. Tính theo dương lịch là 13 tuổi, âm lịch là 14 tuổi, đúng như lời ông Nguyễn Tồn Hiếu đã kể lại và Hàn Ôn ghi vào sách Minh Đăng Quang pháp giáo.

[3] Năm trước, anh kế của Thành Đạt thi rớt Tiểu học, nên gia đình cho lấy khai sanh của anh Ngài để đi học lại. Phải nêu thông tin này ra để giải thích được vì sao trong các đơn từ, chứng điệp… Ngài Minh Đăng Quang ký tên là Lý Huờn chứ không phải là Nguyễn Thành Đạt.

[4]Người Miên gọi là xã Tuk Meas (đọc là Tục-mia), thuộc tỉnh Kampot ở miền Nam Campuchia ngày nay, cách cửa khẩu Tịnh Biên khoảng 60km.

[5] Người vợ thứ và người con trai, con dâu, cháu nội… của ông đang sống tại Quận 6, TP. HCM; ở Phú Mỹ cũng còn một số tín đồ của ông.

[6] Tu 100 ngày và không nói, một dạng nhập thất chuyên tu.

[7] Mối quan hệ thầy trò của ông Keo và thầy Sáu thật tế nhị. Xưng theo thế gian thì ông Keo là thầy, còn trong đường đạo đức thì không hẳn vậy.

[8] Thời đó Việt Nam nghèo khổ, vải phải mua theo tem phiếu. Lúc đầu Ngài xin, bà Tư Nhu bảo giữ con giúp để bà đi chợ mua cho, nhưng rồi bà đã thất hứa, về sau cứ ân hận mãi… Chính 2 m u chuyện xin y bát này giúp chúng ta xác định được Tổ sư Minh Đăng Quang bắt đầu hành Y bát từ lúc nào khi đã về Phú Mỹ. Như vậy, Hàn Ôn bảo Tổ sư Minh Đăng Quang phát nguyện thọ giới tại Linh Bửu tự là hoàn toàn không đúng.

[9] Việc này diễn ra suốt 3, 4 ngày, thầy Sáu phải nhịn đói. Có lẽ vì xúc phạm một bậc đạt đạo mà ông Đê phải ra đi sớm. Riêng bà Tư Nhu sau quy y Tổ sư Minh Đăng Quang, được pháp danh là Chơn Ngọc. Bà Chơn Ngọc đã rất ăn năn mỗi khi kể lại chuyện này.

[10] Ông Sáu Tầm, con ông Đoàn Ngọc Đê kể: khi Tổ sư Minh Đăng Quang lên Linh Bửu ở, Ngài có dẫn theo 2 đệ tử…

[11] Bậc Thánh nhân mặc nhiên đã có giới thể, chỉ vì độ sanh nên thọ giới pháp của chư Phật để làm gương.

[12] Chuyện Tổ sư Minh Đăng Quang nhập tịnh 100 ngày chỉ có các đệ tử thầy Từ Huệ kể lại, cánh Phật tử ở gần Mộc Chơn không nhắc đến, còn con ông Đoàn Ngọc Đê chỉ kể khi Tổ sư Minh Đăng Quang lên chùa ở thì có 2 đệ tử đi theo, thầy ở một bên ông Hộ pháp, 2 trò ở một bên kia. Vậy chúng ta xác định được là Ngài nhập tịnh tại một trong 3 cốc lá ở các xã Tân Hòa Thành, Tân Hội Đông và Tân Lý Đông ở kế bên xã Phú Mỹ, hướng ra Tân Hiệp.

[13] Về sau Tổ sư có kể với các đệ tử xuất gia việc Phật A-di-đà ban cho Ngài pháp danh Minh Đăng Quang. Còn người ở Phú Mỹ mãi đến khi Ngài quay về làm đơn xin cất Tịnh xá Mộc Chơn mới biết pháp danh của Ngài do tên ký ở cuối đơn là “Đại đức Minh Đăng Quang”. Trong chứng điệp cấp cho người đệ tử thứ 2 là Sư Nhựt Quang, được Tổ sư ký ngày 30 tháng 2 năm Đinh Hợi 1947 tại Ngọc Lâm tự ở Phú Lâm, Chợ Lớn, có đóng dấu tròn đỏ to “KHẤT SĨ Minh Đăng Quang PHẬT ĐẠO”. Đây là bằng chứng xưa nhất xác định thời điểm Tổ sư bắt đầu dùng pháp danh Minh Đăng Quang.

[14] Tổ sư Minh Đăng Quang, Chơn lý , TP. HCM, Thành hội Phật giáo TP. Hồ Chí Minh, 1993, tr. 249.

[15] Các Sư đều về đến Ngọc Viên vào đúng ngày cúng hội. Nay sư Giác Tôn và sư Giác Pháp còn sống. Sư Giác Tôn ở TX. Lộc Uyển – Q.6 – TP . HCM, sư Giác Pháp ở California – nước Mỹ.