Câu chuyện cổ tích về tiền thân của Bồ-Tát Quán Thế Âm

Thưa Thầy,

Con có đọc một câu truyện cổ tích về Phật và nhân vật chính trong câu chuyện làm những việc rất là cao cả. Con chỉ muốn hỏi vậy mình có thể cho nhân vật đó giống như là đức Phật hay không? Con có kèm theo câu chuyện để cho Thầy đọc để trả lời câu hỏi của con. Xin Thầy phân tích rõ ràng cho con biết.

Con xin cảm ơn Thầy nhiều.

Không Tánh.

Câu chuyện như sau

Ngày xưa, có một ông vua sinh ra liên tiếp hai người con gái đầu lòng. Không có con trai, vua lo lắng không kẻ nối ngôi, ngày đêm cầu khẩn Trời Phật cho hoàng hậu sinh ra hoàng nam. Nhưng đến khi đứa con thứ ba ra đời, cũng vẫn là con gái. Vua lấy tên thứ ba mà đặt cho công chúa út, giận cho các đấng thiêng liêng đã không phù trợ giúp mình đạt được ý nguyện. Tuổi thọ đã cao, vua muốn cho công chúa thứ ba lấy chồng, định sẽ truyền ngôi cho vị phò mã.

Trái hẳn với hai chị là Diệu Thanh và Diệu Âm, công chúa Ba không đắm mình trong cung vàng điện ngọc mà say mê theo tiếng kệ câu kinh. Nàng nhất quyết không chịu lấy chồng khiến vua và hoàng hậu nổi giận, bắt giam nàng ở riêng tại vườn sau hoàng cung.

Một hôm vua cùng hoàng hậu ngự ra ngoài, công chúa Ba chạy đến đón xa giá thăm hỏi. Vua lại phán bảo nàng bỏ ý định tu hành để tính việc trăm năm song nàng vẫn một mực từ chối, và xin phép vua cha xuất gia đầu Phật. Vua giả vờ chiều theo ý con, cho nàng đến tu ở chùa Bạch Tước, đồng thời ra lệnh cho các nhà sư bị mua chuộc phải khuyên nhủ công chúa Ba trở về cung để lấy chồng. Nếu việc không thành thì chùa sẽ bị thiêu cháy và tất cả nhà sư cùng Ni Cô đều bị chém đầu.

Các nhà sư sợ hãi tìm đủ mọi cách để làm cho công chúa xiêu lòng mà hồi tục, nhưng đều vô hiệu. Vua hay tin liền nổi cơn thịnh nộ ra lệnh đốt chùa để giết luôn công chúa không tuân lệnh vua cha, nhưng ngọn lửa vừa ùn ùn nổi lên bao vây cả bốn phía chùa thì trời đang tạnh ráo bỗng tuôn mưa xối xả dập tắt ngay. Vua bèn cho bắt công chúa Ba để xử tử, nhưng trời lại nổi bão táp dữ dội, sét đánh văng xa lưỡi đao của đao phủ nhắm bổ vào cổ công chúa. Vua vẫn không nguôi giận, lại ra lệnh xử giảo nàng. Quân lính đang sửa soạn dây để treo cổ nàng lên thì bỗng đâu một con cọp lớn phóng qua hàng rào binh sĩ bao vây cướp mất công chúa Ba, cõng nàng đưa đến chùa Hương Tích.

Chùa Hương Tích ở về xã Phù Lưu, thuộc tỉnh Hà Đông, dựng lên vào thời Chính Hòa nhà Lê (1687) do hai bà vợ chúa Trịnh, hai chị em Đào Thị Cư và Đào Thị Niên cùng nằm mộng thấy Phật Bà Quan Âm rồi xây cất lên. Đời Hồng Đức, vua Lê Thánh Tôn cho khắc ngay trên cửa vào Hương Tích là Nam Thiên Đệ Nhất Động. Giữa chốn lâm tuyền này, qua Bến Đục Đò Suối, rải rác các ngôi chùa Ngoài Thiên Chủ, chùa Giải Oan, chùa Cửa Võng, chùa Tiên, chùa Trong, cùng nhiều hang động thạch nhũ, hang Phật Tích, động Tuyết Quỳnh, đồi Không Lộ của Thần Trụ Trời, núi Gà, núi Tượng, núi Trống, núi Chiêng, núi Các Cô, núi Các Cậu cho các bà không con đến cầu tự, các cửa Võng, cửa Vương, cửa Chấn Song, lối xuống âm phủ, đường đi lên trời... Tương truyền trong động có một Lẫm Thóc vô tận trời sinh để nuôi các nhà sư tu hành ở Hương Tích, cùng Kho Tiền, Nhà Tầm Tiên, Chuồng Lợn Tiên, Phòng Sách Tiên, Quần Áo Tiên, ngày nay đã hóa thành đá.

Chùa Hương Tích thờ Phật Bà Quan Âm một ngàn tay một ngàn mắt (thiên thủ thiên nhãn), cọp cõng công chúa Ba đến đây ở tu hành. Các thú dữ trong rừng núi được cảm hóa đến nghe kinh, rồi chia nhau chim hái trái, nai lấy nước, cọp bổ củi, khỉ vo gạo, rồng thổi lửa nấu cơm... giúp đỡ trong công việc hàng ngày.

Trong khi ấy, ở triều, vua cha bị phát bệnh hủi (phong) ghê gớm. Các vị danh y được mời đến đều bó tay trước chứng bệnh nan y. Da thịt vua sần sùi lở lói, các ngón tay chân dần dần rơi rụng, mất cả hai bàn tay rồi mù cả hai mắt. Công chúa Ba tu đến thời kỳ gần đắc đạo, khoác lốt Ni Cô về thăm nhà, thấy vua cha bị bệnh thê thảm, liền tự moi lấy hai mắt trong sáng của mình, và chặt cả hai tay để tháp chữa cứu cho cha được lành mạnh trở lại. Sau đó, công chúa hóa về Niết Bàn, rồi sau lại độ cho vua, hoàng hậu cùng hai chị được thành Phật.

Tục truyền rằng công chúa Ba vốn là Phật Bà Quan Âm hiện thân xuống thế. Sự tích trên đây được giới tu hành truyền tụng thành kinh chữ Nôm cho thiện nam tín nữ nhắc nhở đến trong lúc trẩy hội chùa Hương vào tiết đầu xuân hàng năm, từ mồng mười tháng giêng đến cuối tháng ba. 

******* 

Xin chào Phật tử Không Tánh,

Theo Thầy nghĩ, câu chuyển cổ tích về Bồ-tát Quán Thế Âm mà Phật tử đánh máy lại ở trên vốn xuất phát từ Trung Quốc. Không biết tự lúc nào ngưòi Việt Nam đã biến câu chuyện từ bên Tàu thành câu chuyện của người Việt. Câu chuyện này Đài Loan đã dựng thành phim, mang tựa đề Quán Thế Âm Truyện Kỳ. Thầy có nhân duyên xem hết bộ phim bằng tiếng Tàu này, dĩ nhiên đó là câu chuyện truyền thuyết, nhân vật được hư cấu dựa theo một hai sự kiện thật nào đó trong đời thường, nhưng tính cách của các tuyến nhân vật thật cảm động. Đại khái chuyện kể ngày xưa có một ông vua tên là Sở Trang Vương sinh được 2 người con gái, sau nhiều lần cầu trời khẩn Phật để sanh một hoàng nam nối dõi ngôi cửu trùng, nhưng cuối cùng sanh ra một cô công chúa nữa, nhà vua và mẫu hậu rất đỗi mến thương, nhưng khốn nỗi Hoàng Thái Hậu cực kỳ tàn ác, không chấp nhận đứa cháu gái bất hạnh đó, và buộc phải quăng bỏ. Trước lúc bảo mẫu mang đi trốn, nhà vua đứt ruột cắn máu đặt tên cho công chúa là Diệu Thiện. Chuyện dài lắm… đại khái nàng hiếu thảo với cha mẹ nuôi. Rồi một ngày kia trong một cơn ngất xỉu vì đã cắt máu để bổ thuốc cho mẹ nuôi đang bị bệnh, nàng xuất thần lên yết kiến đảnh lễ đức Phật. Nhờ đức Phật vận thần thông cho nàng thấy những gì đang xảy ra ở dương trần từ thuở nàng mới lọt lòng đến ngày nay. Sau đó, nàng cũng chữa bệnh cho cha mẹ nhưng không phải như trong truyện ở Việt Nam, cha mẹ nàng vì nỗi tiếc nuối hối hận nhớ con mà sanh bệnh tâm thần. Các danh y trong nước đều bó tay. Nàng hay được liền xin vào cung, dùng nhân điện và cầu nguyện chư Phật gia hộ mà trị bệnh cho cha mẹ, v.v… Sau đó, công chúa bị đánh lừa vô chùa, nhưng thực chất là giam lỏng và bị hành hạ, nhưng công chúa nhẫn nhục, chịu đựng. Sau một trận huyết chiến giữa hai thế lực thiện và ác trong triều, công chúa độ được song thân, hai người chị, nhiều cận thần cùng dân chúng. Sau đó, công chúa được trân trọng mời về ngồi trên tòa sen để mọi người đảnh lễ thì… tự nhiên biến mất, trên không trung thấy công chúa đi về cảnh giới của chư Phật. Câu chuyện đại khái như vậy, xem phim có nhiều tình tiết thật cảm động.

Trở lại vấn đề, nhân vật đó trong truyện Trung Quốc là công chúa Diệu Thiện, trong câu chuyện Việt Nam là công chúa Ba. Cả hai đều cho rằng nàng công chúa Ba hoặc công chúa Diệu Thiện là tiền thân của Bồ-tát Quán Thế Âm, trong một tiền kiếp khi chưa chứng quả Thánh phải chịu những nghiệp báo như vậy. Các vị cổ đức xưa cũng như các bậc cao Tăng ngày nay đều có những hạnh đặc biệt không khác gì trong truyện của hai nước.

Hình ảnh đó là hình ảnh của một vị đang tu tập, hướng đến giác ngộ tối thượng, chứ chưa có thể được xem là ngang bằng với đức Phật toàn giác được. Chúng ta nên kính ngưỡng vị đó là một vị Phật sẽ thành, vì công hạnh của một đức Phật toàn giác rất lớn, có thể nói là không thể nghĩ bàn.

Nhân tiện, Thầy có lời khen ngợi đến với Phật tử. Vì một Phật tử phát khởi được niềm hân hoan, niềm kính ngưỡng, hay một thiện tâm khi đọc được một câu chuyện hay, hoặc ngưỡng mộ công hạnh của một nhân vật làm nhiều điều diệu như công chúa Ba ở trên là điều rất quý. Theo luật nhân quả, kính trọng Thầy mới được làm Thầy, tương tự kính trọng chư Bồ-tát hoặc Phật thì mình mới có thể thành Bồ-tát, thành Phật được. Thuật ngữ Phật giáo gọi là có “chánh báo” rồi sẽ có “y báo” là vậy, nghĩa là mình có tâm nguyện, có ước vọng, có gieo hạt giống đó vào trong tâm, thì một ngày kia các nghiệp thiện tích luỹ sẽ thúc đẩy mình đến cảnh giới đó.

Cầu chúc Phật tử luôn an lạc và tinh tấn làm nhiều thiện sự để vun bồi thiện tâm của mình.