Câu chuyện về một nhà sư "lặng lẽ" tại Charlotte

Ký sự vòng quanh nước Mỹ - Thiền viện Minh Đăng Quang

Từ San Diego – California bay đến tiểu bang Charlotte của hãng Frontier cũng mất khoảng 8 giờ đồng hồ chưa tính thời gian quá cảnh ở sân bay Denver hơn 1 giờ nữa với mục đích đến thăm các miền tịnh xá, đảnh lễ chư tôn đức và thăm chư huynh đệ đồng môn tại Hoa Kỳ. Cho nên làm gì làm cũng chuẩn bị cho mình những quyển sách nhỏ mang theo để đọc mỗi khi bắt buộc phải sử dụng thời gian để ngồi chờ cái gì đó nhất là trên xe hoặc máy bay, lần này thì tôi mang theo quyển Hư Hư Lục của Ni sư Như Thủy để có người bầu bạn, thủ thỉ ở những chặng đường xa khi một mình một bóng vác ba-lô lên để đi như thế này.

Đang ngồi đọc câu chuyện kể về Chùm nho mơ ước: “Có một con cáo đi ngang qua vườn nho của người. Thấy một chùm nho chín mọng, treo lơ lửng. Cáo thèm rỏ dãi, cố đứng trên hai chân sau với hai chân trước để hái. Loay hoay hì hục mãi, cáo mệt bở hơi tai, thở hồng hộc mà vẫn chưa nếm được trái nào. Cuối cùng cáo liếm mép bỏ đi. Cho đỡ tức, cáo ta tự an ủi: “còn xanh lắm”. (chuyện ngụ ngôn của Lev Stoloi).

Đọc đến đây thì tự nhiên tôi thấm ý cười hoài một mình câu nói của cáo: “còn xanh lắm”. Rồi tự nhủ với lòng có khi nào chúng ta cũng đã từng như cáo ta khi làm cái gì không được, không xong, mơ không tới thì cứ kiếm cái gì đó để tự an ủi với lòng như thế miết, đang suy nghĩ vẩn vơ thì cô tiếp viên cũng mang nước uống đến mời, thấy trong bụng còn hơi đói mà ngồi bên cạnh tôi là một người Tây cao-to-lớn-bự đang ngồi nhai bánh snack ngon lành, thấy thế tôi cũng rón rén hỏi mua một gói để nhai cùng với chú cho vui – thấy tôi có ý muốn mua bánh nên chắc chú cũng thầm hiểu ý nên vội ra hiệu cho cô tiếp viên là trả luôn phần tiền của tôi, thấy thế tôi cũng ngơ ngác trước lòng tốt này mà thầm nghĩ: “có khi nào chú là Phật tử nên biết phát tâm cúng dường không ta – hay trong tâm chú chỉ nghĩ mình như những ông thầy thiếu lâm tự trong mấy bộ phim võ thuật Trung Quốc mà chú thường được xem trên phim ảnh, truyền hình – trong đầu vừa ưu tư suy nghĩ mà miệng thì vừa nhai đến khi nhìn xuống lại cái bịch snack thì hỡi ôi! Không còn một cái”.

Nhai xong tôi thấy chú nhắm mắt lại và hướng miệng lên trời để hứng lấy những luồng gió lạnh đang từ từ thổi vào hồn chú để đưa chú vào giấc ngủ bình an, được một lúc bắt đầu miệng chú từ từ mở ra thật to một cách tự nhiên và thật nhẹ trông thật dễ thương mà bình dị làm sao và rồi cái gì đến thì cũng sẽ đến chú bắt đầu cất cao giọng khò khò - vang vọng khắp trời. Kiểu này lát nữa tỉnh dậy là khô cả cổ họng ngơ ngác hỏi: nước đâu – nước đâu.

Chân thành và mộc mạc

Đến sân bay Charlotte cũng là 4 giờ 45 phút sáng, tôi vội lấy hành lý ký gửi xong và bước ra để tìm người đến đón, đợi một hồi thì Thượng tọa Minh Nguyên, cũng vừa kịp đến để đưa tôi về thăm viếng ngôi thiền viện mà Thượng tọa đang dày công xây cất. Nghĩ cái tình, cái nghĩa trong đạo thật quý biết bao khi mới tờ mờ sáng để ra đón tôi như thế này thì Thượng tọa cũng phải thức dậy vào lúc 3 giờ hoặc hơn để chuẩn bị.

Chặn đường về Thiền viện Minh Đăng Quang (4310 W.Sugar Creek Road, Charlotte, NC 28269, Tel: 980.422.5136) cũng khá xa và đường thì cũng hơi tối vì thiếu đèn, hai bên là cả một màng đêm bao phủ với những con đường nhỏ gọn đưa thẳng vào trong khu ngoại ô nên ít người sinh sống.

Nói một chút về nơi đây thì khí hậu khá tươi mát và trong lành với tổng diện tích 7.56 AC (khoảng 3 mẫu Việt Nam), được biết ngôi thiền viện này do HT. Pháp chủ Thích Giác Nhiên sáng lập vào năm 2006 nhân dịp Pháp sư về đây thuyết giảng và được Phật tử trong vùng thỉnh ý xây dựng một ngôi thiền viện cho Phật tử có nơi nương tựa tu học, đến năm 2009 thì Thượng tọa (sư) Minh Nguyên về đây tiếp quản trụ trì, sư là một người khá đặc biệt khi chỉ vừa lên 3 tháng tuổi là đã được vào chùa tu học dưới sự dìu dắt của một vị sư bà lớn tuổi và sư phát nguyện xuất gia từ lúc thiếu thời, với bản tánh hiền lành chất phác của người cao nguyên trung phần hòa với tâm tánh của một nhà sư ở đạo, ít nói, ham tu đã giúp cho đông đảo người Việt tại đây yêu mến và yểm trợ cho sư trước những công việc Phật sự và tổ chức các chương trình nhằm xây dựng ngôi chánh điện trong tương lai.

Sau khi tìm hiểu tôi được biết tiểu bang này với tổng số người Việt sinh sống và làm việc chỉ khoảng trên 20.000 người nếu so với tiểu bang California thì lên đến 500.000 người thì đó là một sự chênh lệch khá cao, vì thế để duy trì sinh hoạt, tồn tại và phát triển của một ngôi chùa Việt tại đây thì đòi hỏi rất lớn ở sự nỗ lực cá nhân của vị trụ trì về phương diện linh hoạt, đức độ và lẫn sự hy sinh trong khiêm nhẫn hết mức có thể thì mới đủ sức phục hưng và gìn giữ.

Tâm hạnh của một nhà sư

Sáng hôm sau, tôi được sư đưa đi tham quan một số nơi tại tiểu bang thì được biết tại đây cũng không có nhiều điểm tham quan và thắng cảnh ngoài việc đến viếng một số ngôi chùa Việt Nam như: Tu viện Viên Quang do HT Tâm Châu sáng lập và chùa Pháp Hoa,…sau đó lại trở về chùa “nhà” để nghỉ ngơi và để dùng tách trà đạo bên câu chuyện đêm khuya.

Tôi với sư ngồi nhìn nhau cười, rồi kể cho nhau nghe những câu chuyện vui buồn trên bước đường học tu mà tôi có dịp được đồng điệu, được hoài niệm và được lắng nghe những ưu tư lẫn những ước mong cho đời – cho đạo mà sư đang từng ngày lặng lẽ vượt qua. Tôi chợt nhìn thấy trong sư là cả một sự hy sinh vô cùng lớn khi đã dành trọn tuổi thanh xuân của cuộc đời mình để âm thầm sống và vượt qua trong sự cô đơn tế nhị của một nhà sư.

Và thế là tôi thầm hiểu, sự hiện diện của mình đã là món quà thật quý để sư được có dịp trải lòng như một người anh lớn lâu ngày gặp lại người em trai dễ thương, dễ mến để cùng nó đi bộ, ngồi im và thủ thỉ bên nhau trong những câu chuyện, những cảm xúc nhất thời.

Tôi nhẹ nhàng hỏi: “Sư huynh nè! Ở một mình tại nơi hẻo lánh vắng vẻ thế này có khi nào huynh cảm thấy cô đơn không”.

Huynh cười trong vẻ ngường ngùng đáp: “Ở riết rồi quen” – nói xong tôi thấy huynh như cười ngượng và lặng lẽ đưa mắt nhìn về hướng xa xăm vô định.

Đúng là thương – là kính làm sao những nơi mà tôi đã đi qua, những con người xuất sĩ âm thầm và mạnh mẽ mà tôi đã gặp – các vị như những vì sao lặng lẽ trên khung trời đêm mênh mông, rộng lớn đầy ấp những ngôi sao lấp lánh và tuyệt đẹp làm sao, nhưng mà ai rồi cũng phải để mắt ngắm ngía những ngôi sao sáng và đẹp nhất trên bầu trời kia! nhưng còn đâu đó vẫn có những vì sao cô đơn đang âm thầm lặng lẽ cống hiến những ánh sáng nhỏ nhoi và sự hiện hữu để tô điểm cho bầu trời đêm lấp lánh.

Ngày mai (29/09/2017) tôi phải tiếp tục lên đường đến Atlanta và nói lời tạm biệt để kết thúc bên ni – bắt đầu cho bên nớ, cho cuộc hành trình một mình vòng quanh nước Mỹ theo kiểu nói an ủi cho vui của riêng mình để tự tìm và tự đến những nơi mà tôi chưa có dịp được biết qua và chắc rằng đâu đó tôi sẽ học được những bài học đạo đời bằng thân giáo thật đáng quý từ những con người âm thầm đáng kính để giúp tôi thêm vững mạnh, thêm đức tin và thêm cả sự mạnh mẽ của riêng mình để tiếp tục bước đi trên cuộc hành trình lẻ bóng của một nhà sư bụi.

Tạm biệt sư huynh đệ đi nhé! Nhớ ở lại mạnh khỏe nhé huynh…huynh nè! Nơi đây cộng đồng người Việt cần huynh, cần một nơi tâm linh để quay về nương tựa - Lau nước mắt đi kìa…lêu lêu.

 

Ngày 28/09/2017. Lưu bút tại tiểu bang Charlotte.

Kính thương: Quý vị nếu có dịp đến đây có thể thăm viếng thiền viện. Được biết hiện nay Thượng tọa đang xây dựng công trình chánh điện, quý vị nào muốn phát tâm yểm trợ thì có thể liên hệ về: Thiền viện Minh Đăng Quang, 4310 W. Sugar Creek Road – Charlotte, NC 28269. ĐT: 980-422-5136.

Ảnh: Tại Thiền Viện

TV MDQ My 1

TV MDQ My 2

TV MDQ My 5

TV MDQ My 7

TV MDQ My 3

TV MDQ My 4

TV MDQ My 6