Chân dung Mẹ

Mấy hôm nay trời mưa to, giông sấm liên hồi, cây lao xao gãy đổ… Mấy cây non thật bé bỏng làm sao, đung đưa nghiêng ngả trước những làn gió hung hãn. Thương làm sao! Cây chị gãy đoản ngang thân, cây em tíu tít quây quanh cây mẹ tróc chân đổ ngã cũng lã chã khóc than thảm thiết. Chúng bám vào mẹ, vào chị, ấy thế mà cũng không khỏi… tơi tả thân cành! Khung cảnh ấy bất giác bảo con nhấc máy gọi Mẹ. Chuông điện thoại cứ reo từng hồi dài mãi, rồi im phăng phắc. Con gọi liền mấy bận, bỗng nghe xa xăm, lạc lõng, tiếng được tiếng mất: Mẹ… Mẹ… đây!

Mừng và lo, con hỏi dồn Mẹ, như cố muốn hỏi hết những gì con lo sợ nãy giờ. Tim con cứ như nhảy múa nhiều cung bậc. Mẹ bệnh! Trở trời trái gió mấy hôm nay, Mẹ như chịu đựng sự chi phối của vũ trụ vận hành, biến thiên theo mùa. Mẹ rã rời chao nghiêng! Biết thân Mẹ có mặt ở cõi nhân gian là giả hợp, sanh già bệnh chết là qui luật muôn đời của tự nhiên, nhưng ai trong đời có mẹ mà không xót xa và buồn đau khi biết mẹ thân chẳng an, tâm chẳng bình?

Mẹ có mặt trong gia đình nhỏ bé này từ cơ duyên thương thầm nhớ trộm anh trai làng bảnh bao mới đi bộ đội về là Ba. Lúc bấy giờ ông nội được người dân gọi cho cái tên: Ông Liễn, như là cán bộ xã hiện nay. Gia đình của Mẹ thời ấy, ông ngoại là võ sư Huỳnh Cư khét vùng giỏi giang của huyện An Thái. Ba Mẹ yêu nhau, trầu cau bổ đôi. Mẹ về Tuy Phước làm dâu trong sự ậm ừ bên nội. Có lẽ khi ấy Mẹ đẹp nên gia đình bên nội và Ba không còn sánh ví môn đăng. Ngoài cái đẹp sắc diện, người ta còn bắt gặp ở Mẹ sự chịu khó học hỏi, cố gắng vươn lên, nhạy bén thời cuộc, chăm chỉ siêng năng,… Có ai ngờ cô gái An Thái mồ côi cả cha lẫn mẹ từ tấm bé đã được gia tộc họ Võ tôn vinh từ hai chữ “duyên phận”.

Nhưng rồi, Ba Mẹ như cây đời giữa giông bão. Chữ duyên phận ngả nghiêng, Ba Mẹ ra riêng với hai bàn tay trắng. Những chồi non chào đời đã cho Mẹ năng lượng vô hình, vượt cạn bao lần mà không cần bàn tay chị y tá hay cô bác sĩ. Ba chính là mụ đỡ cùng người hàng xóm tốt bụng mà sau này chúng con lớn quen gọi là “vú nuôi”. Mẹ không như những phụ nữ khác “đi biển mồ côi” mà luôn có đôi. Chín người con đã ra đời từ hình hài Mẹ. Mẹ lại vất vả lao vào cuộc mưu sinh kiếm tìm sự sống cho chúng con, từ việc cấy cày, đồng áng cho đến việc buôn bán…

Gạt nước mắt dâu bể từ nhà chồng, Mẹ mang hết cả tình thương nuôi dưỡng các con hầu mong ngày sau các con nên người và có tương lai hơn Mẹ Ba. Mẹ không muốn nhìn thấy chiếc cối xay lúa, cái chày giã gạo, hay bữa cơm thường ngày được nấu bằng những búi rơm ngùn ngụt lửa chan cả nước mắt nước mũi… Mẹ đã nuôi con lớn không chỉ có vật chất nuôi thân! Ấy vậy mà đến tận hôm nay, con chỉ mới hiểu được cạn xợt rằng đó là một lẽ hiển nhiên. Cái hiển nhiên như là bầu trời này không thể thiếu một vầng trăng, một ánh ban mai, một bài ca tuyệt tác, một sợi chỉ khâu, và… một bầu sữa mẹ.

Tháng nối dần năm. Mái tóc bồng bềnh, gò má hồng thắm, dáng điệu yêu kiều, nước da trắng ngần,… của cô gái năm xưa tạo nên sức hút vô hình với chàng bộ đội ngày nào đã thay bằng mái đầu ánh kim trắng phau, trắng như đời Mẹ. Bao xuân sắc của Mẹ đã gửi vào các con, để hôm nay Mẹ còm cõi với dáng xiêu vẹo, đôi chân bước cao bước thấp, đôi tay gầy gò dò dẫm từng bước đi, mày mò từng bữa ăn run run…

Ai đã từng làm mẹ, đang làm mẹ, sẽ thấu hiểu Mẹ là tất cả, nhưng tất cả không thể là mẹ! Người ta có thể thấy sự hao mòn của một tảng đá to dưới làn nước róc rách quanh năm nhưng có mấy ai thấy sự hao mòn đời mẹ dưới sự sống và tồn tại cho các con? Mẹ dám đổi mạng sống của mình để con được sống, nuôi mầm tương lai xán lạn… và mẹ có thể trở nên man dại, điên loạn cũng vì con.

Chỉ vỏn vẹn hai ký tự mà kết nên một từ MẸ thiên thu mỹ lệ, hào hoa, lộng lẫy. Mẹ đi vào văn học hiển nhiên như một tất yếu. Từ câu chuyện cổ xa xưa “Thoại Khanh Châu Tuấn”, vở kịch dân gian “Lá sầu riêng” hay “Gia tài của Mẹ”, cùng những bà mẹ trong những câu chuyện sống động thời hiện đại như “Xương Thủy Tinh”, “Bàn tay của Mẹ”, hay “Ô cửa bầu trời trong mắt con”… Mẹ dần hiện lên sáng ngời đức hy sinh cao cả và tình thương không cùng. Ngẫm để thấu hơn, gió có thể rít lên cơn cuồng giận xé toạc những chiếc lá xanh non vô tư và hồn nhiên, nhưng rồi sau đó người ta vẫn thấy lành lại và mơn mởn những lùm xanh xum xuê. Nhựa sống là tình yêu thương chỉ có từ Mẹ. Từ đôi quang gánh tạm bợ, Mẹ nối liền con đường dài cho con vào ngưỡng cửa đại học. Từ cái rá cái toi, Mẹ soi cho con tia sáng hòa nhập với nhân loại toàn cầu. Từ những bữa cơm tận cùng của sự thiếu thốn, Mẹ ấp ủ ước mơ của con thành hiện thực. Mẹ thật sự là quả đất, là bầu trời và chất ngất một tình thương.

Cái gánh đời oằn trên đôi vai Mẹ, nhưng không làm Mẹ than van hay tủi hờn. Mẹ mạnh mẽ hơn thế, dám hy sinh núm ruột yêu quý của mình để hiến dâng cho đất nước, tìm lẽ sống cho mọi người chứ không riêng cho Mẹ. Mẹ dám cúng dường người con yêu dấu của mình cho Phật để mong ngày con thành Phật mà nào cầu riêng gì cho Mẹ. Cứ ngỡ trong cái vỡ òa kia là mong manh, là dễ vỡ, xong Mẹ cứ lặng thầm, can trường như tay chèo vượt sóng to gió lớn đưa con qua bến bờ vui. Phật giáo đã khoác lên mình Mẹ chiếc áo từ bi, Mẹ như lành hẳn mọi vết thương của thế thái nhân tình. Mẹ bước tiếp chặng đường co hẹp cuối đời trên lý duyên sinh và nhân quả muôn đời. Sự giác ngộ ấy giúp Mẹ tìm vui trong câu kệ lời kinh, nuôi hạnh phúc nhỏ bé bên con cháu, an trú trong cái đủ hiện thời. Mẹ sống những ngày của Tịnh Độ an vui.

Tạm biệt Mẹ nhé! Con không thể ở lâu hơn nữa với Mẹ. Con là con của Phật rồi! Hơn ai hết, con và những ai là con Phật sẽ vẫn là người thương yêu Mẹ nhiều nhất. Sự yêu thương này vượt qua lằn ranh của ái biệt. Mẹ sẽ được che chở bởi chính phước báu hữu lậu và vô lậu mà Mẹ đã tạo ra. Mẹ đã có một gia tài phước báu lớn. Mẹ à! Mẹ hãy an trú và hãy an trú như ngày xưa Mẹ lao thân vì con mà không chút suy tư hay nghĩ gì khác xung quanh. Nếu được xưng danh Mẹ tôn vinh lên một nơi cao nhất, thì con vẫn muốn gọi Mẹ là bà đại thí chủ và nâng Mẹ trên bục tôn vinh chân dung bậc Mẫu từ.