Chênh vênh giữa dòng đời (Phần 11)

PDang p11

“Thích nghi để tồn tại” và chú tiểu Pháp Đăng sẽ bắt đầu thích nghi với một môi trường mới tại một ngôi chùa mới ngay giữa lòng Sài Gòn với biết bao bỡ ngỡ đầu đời trong từng ý niệm quá đỗi thơ ngây, rồi sẽ định hình cho nhân cách của một con người đang chuẩn bị chuyển tiếp sang giai đoạn trưởng thành thật sự.

Pháp Đăng đã nỗ lực hết mình trong trạng thái của một người đang quan sát, thắc mắc và tìm tòi những điều mới lạ ở một vùng đất mới mà người ta gọi là lãnh địa của những người giàu có.

Pháp Đăng đã không được phép mặc những bộ đồ nâu cũ kỹ theo kiểu vạt hò bạc màu, mà thay vào đó là những bộ đồ nhật bình được ủi láng mượt và trên tay thì lúc nào cũng phải cầm những sợ dây chuỗi đắt tiền, Pháp Đăng cũng không còn được mang đôi dép tổ ong đứt quai đầy bụi đất mà phải thay vào đó là một đôi giày theo kiểu dành cho các tu sĩ Trung Quốc và ba cái chóp trên đầu Pháp Đăng chỉ còn một cái ngay giữa theo yêu cầu của thân chủ.

Nhìn Pháp Đăng bây giờ đã ra vẻ của một vị thầy trẻ đầy “sạch sẽ” ưa nhìn, để mới “xứng tầm” khi sống tại một ngôi chùa lớn ngay giữa trung tâm thành phố và mới đủ tiêu chuẩn để được làm thị giả cho thầy Đạo (thầy trụ trì) khi đi đến những gia đình Phật tử sang trọng, hay những tòa nhà cao tầng, công ty,... thân cận của thầy.

Vậy cũng đã hơn một tháng kể từ ngày Pháp Đăng tạm biệt mái chùa quê của mình, cũng đủ để cho Pháp Đăng thay đổi và làm mới chính mình theo một phong cách khác mà người ta thường gọi vui: “Tu sĩ thời hiện đại”.

Nhưng đổi lại là những phút giây mệt mỏi, ưu tư và không còn thời giờ để nhìn lại chính mình mà Pháp Đăng đã hằng mong mỏi và ước mơ “thay đổi số phận” theo những gì mà thầy trụ trì (dưới quê) hằng chỉ dạy cho Pháp Đăng về mục đích của người tu là phải giác ngộ giải thoát cho mình, cho người trên tinh thần hoằng dương đạo pháp, cứu độ chúng sanh, Pháp Đăng cảm thấy những điều đó quá xa lạ với cuộc sống hiện tại mà mình đang sống.

Vừa về tới cổng chùa là nghe tiếng của bầy chó phốc sủa inh ỏi, Pháp Đăng vội đặt nhẹ cái giỏ xách xuống và nằm bệt trên chiếc giường đơn để thở phào nhẹ nhõm sau một ngày phải “chạy show” cho những công việc được lặp đi lặp lại như một lập trình có trình tự như: Đi đám tang, cúng khai trương, coi nhà đất, bốc mộ cũ, khai địa tạng, cúng tân gia, xem phong thủy, thỉnh thoảng thì còn đi trị bùa ém, kiêm luôn bắt ma.

Pháp Đăng đã bắt đầu chợp mắt thì được chú Nguyên – người hơi cao và ốm, nước da trắng hồng và khuôn mặt đầy góc cạnh, chạy đến thổ nhẹ vào vai Pháp Đăng bảo:

- Pháp Đăng! Hôm nay đi được mấy đám vậy chú, có kha khá không, công nhận từ ngày có chú tôi đỡ biết bao nhiêu.

Pháp Đăng thở dài đáp:

- Dạ, sáng nay đệ đi được hai đám, một đám ở quận 7, một đám ở quận 3.

- Chú được bao nhiêu? Chú Nguyên hỏi tiếp.

- Dạ, thì Phật tử cúng dường cho thầy thôi, chứ đệ còn nhỏ mà đi theo phụ thầy thì ai mà để ý cúng gì đâu huynh.

- Ừ! Bởi vậy, ở đây mấy chú chỉ muốn đi đám riêng thôi. Chứ ít ai muốn đi chung với thầy trụ trì lắm. Nên mấy chú mới đùn đẩy cho chú đi đó, thôi! sáng nay tôi đi cúng đám ở gần đây được 500 ngàn, tôi cho chú 100 ngàn để hờ bỏ túi, có thèm gì mua ăn.

- Dạ, thôi cảm ơn huynh, đệ không sài vào việc gì đâu. Pháp Đăng nhỏ nhẹ trả lời.

- Ừ! Thấy chú cực vậy tôi cũng thương, nhưng thôi, ở đây là vậy chú à, chú nào xin đi học thầy cũng không cho, thầy bảo đi tu là phải đi cúng kiếng, đi đám, và ở chùa tụng kinh, chứ đi học sau này làm cái giống gì? nên mấy chú ở đây đi cúng có tiền là để dành lỡ sau này bị thầy trụ trì đuổi thì còn có tiền trong người, cũng có mấy chú lúc trước ở đây bị đuổi xong là có sẵn tiền để xin đi học lại đó. Cái giường mà chú đang nằm lúc trước là của chú Phong, chú đó có giọng tụng kinh hay và nghi lễ giỏi lắm nên để dành được một ít tiền, khi vừa bị thầy đuổi đi là chú đó có sẵn tiền nên xin thi tuyển vào Học viện Phật giáo luôn.

- Học viện Phật giáo là sao? Pháp Đăng hỏi.

- Thì học viện Phật giáo là trường Đại học Phật giáo đó, nhưng mình phải có bằng tốt nghiệp Phổ thông 12/12 thì mới xin vào thi tuyển được, học xong ai muốn có hoài bão lớn hơn thì đi du học nước ngoài nữa. Tu sĩ trẻ như tôi và chú thì phải đi học Phật học để sau này mới có kiến thức Phật pháp mà hướng dẫn cho Phật tử tu học, chứ ở đây chỉ có đi cúng kiếng suốt ngày thì có mà dốt đặc đó chú ạ. Nhưng tuổi cỡ như chú thì vào học cơ cấp Phật học là được rồi.

Pháp Đăng nhớ lại lời thầy trụ trì của mình dưới quê đã từng nói về điều này, rồi Pháp Đăng hỏi tiếp:

- Vậy chú Phong bây giờ sống ở đâu?

- Thì ở nhà trọ chứ ở đâu, ai thỉnh, thì đi cúng kiếm tiền đóng tiền nhà và học phí. Nhưng chú đó cũng may mắn hơn tôi là được đi học Phật học, tuy chịu khổ cực một thời gian nhưng sau này có tương lai, giúp ích cho đời, cho đạo còn tôi thì lủi thủi ở đây miết thì làm gì có tương lai ra hồn hả chú, nhưng tôi cũng sẽ cố gắng để dành ít tiền để sau này khi bị thầy đuổi thì tôi cũng kiếm chỗ để xin đi học lại.

Chú Nguyên thở dài nói tiếp:

- Tôi cố gắng lắm mới trụ được đó, còn mấy chú ở đây cũng ráng ở cầm chừng thôi nên không để tâm mấy đến người khác là vậy, ra đi thì tôi cũng không biết phải đi đâu trong lúc này. Chú cố gắng nha, có gì thì cứ chia sẻ với tôi.

Pháp Đăng cảm thấy mình như đang bị chênh vênh giữa dòng đời, không biết rằng quyết định ra đi của mình đúng hay sai và cuộc sống hiện tại của mình là sai hay đúng. Nghĩ vậy một hồi, Pháp Đăng nghe tiếng bà Hiền – bà là người nấu bếp của chùa hơn 40 tuổi, tóc xoăn, xăm chân mày đậm và thân hình cân đối, bà kêu to:

- Chú Pháp Đăng đâu rồi, xuống đây đi mua giùm tôi một ít thịt bầm về nấu cho mấy con chó phốc ăn, nó không chịu ăn chay nè.

Pháp Đăng lại thở dài mệt mỏi với câu nói quen thuộc hằng ngày của bà Hiền, có lần chú từ chối không muốn đi vì ngại, bị bà Hiền mách lại thầy Đạo, kết quả là Pháp Đăng hứng đủ một trận la hét tơi bời.

Pháp Đăng vội chạy xuống dắt chiếc xe đạp martin màu đen ra, lấy tiền và chạy thật nhanh ra chợ đến chỗ quầy thịt mà nhờ mấy cô bán cho một ít nạc để mang về cho chó. Lần đầu tiên khi Pháp Đăng ngượng ngùng đi mua, kết quả là bị cô bán thịt chửi cho một trận rồi không bán:

- Chú mua về ăn thì nói đại đi, ở đó mà cho chó, cho mèo. Thầy gì mà đi mua thịt, mua cá. Bà bán thịt cầm dao chỉ trỏ la to.

Đứng giữa đám đông với bộ đồ nâu tu sĩ ngay giữa chợ, ai cũng nhìn Pháp Đăng với ánh mắt khinh bỉ, cười chê và xì xầm như người ngoài hành tinh mới xuất hiện. Riết rồi quen, nên phải “ngậm bồ hòn làm ngọt”, vì đi về tay không thì còn gặp phải một đối thủ nặng ký hơn đang đợi ở nhà. Nên Pháp Đăng phải chạy từ quán này đến quán khác để mua cho bằng được mang về.

Giữa cái nắng chang chang như đốt cháy da thịt, Pháp Đăng đạp xe hổn hển trong vẻ buồn bực mà thầm trách “người gì mà muốn như trời muốn, nghĩ sao lại đi bắt chú tiểu đi mua thịt, có ngon thì tự mà đi” rồi chạy thật nhanh để kịp mang về cho bà Hiền, coi như đã thoát khỏi một chướng ngại trong ngày.

Gần đây, chùa tối nào cũng có một vài thanh niên khoảng ba chú về chùa tụng kinh hằng đêm, nghe đâu cũng là những Phật tử thuần thành nhưng bận công việc bỏ chùa thời gian nay quay lại. Nhưng Pháp Đăng đã nhiều lần thắc mắc chẳng hiểu sao mà các chú thanh niên lại xưng hô với nhau bằng: Mấy má!

Đêm nào cũng vậy, tối nay các chú lại đến chùa vào đúng 6 giờ để công phu (tụng kinh). Vừa bước tới cổng chùa thấy Pháp Đăng là các chú đã hô to ghẹo chọc:

- Chú tiểu thiên thần của tôi ơi! Người gì mà dễ thương quá vậy, rồi đến gần nựng vào má Pháp Đăng mà cười thích thú.

Riêng có chú Tùng khoảng hơn 25 tuổi, thân hình vạm vỡ cân đối, nước da đen, chú là một trong ba người đó đàng hoàng nhất, vì chú luôn thường ngăn chặn những lần chọc ghẹo quá đà và thường hỏi thăm Pháp Đăng về cuộc sống ở chùa, hay Pháp Đăng cần gì thì chú mua cúng dường, nhưng lần nào Pháp Đăng cũng từ chối vì ngại. Còn chú Tánh, chú Điệp khoảng 30 tuổi, nước da trắng trẻo, đeo đầy trang sức, thì lúc nào đứng trước mặt Pháp Đăng cũng ỏng ẹo và tìm mọi cách để tiếp cận.

Chú Tánh nói trong giọng ỏng ẹo:

- Tôi xin thầy trụ trì rồi đó, ngày mai đúng 7 giờ, tôi qua rước một mình chú đến nhà tôi để tụng kinh cầu an cho tôi. Nói rồi chú bỏ ra về.

Pháp Đăng ngơ ngác nhìn chú Tánh trong vẻ ngượng ngùng và không hiểu tại sao thầy trụ trì lại đồng ý cho mình đi đến nhà chú Tánh để tụng kinh cầu an gì đó, mà còn đi một mình.

Ngơ ngác một hồi chờ chú Tùng dắt xe ra cổng Pháp Đăng chạy theo hỏi:

- Chú Tùng nè! Chú Tánh mới bảo Pháp Đăng sáng mai phải tới nhà chú tụng kinh cho chú mà còn bảo là thầy trụ trì đã đồng ý.

Chú Tùng lật đật dắt chiếc xe vào một góc mà bảo Pháp Đăng đợi một chút, rồi chú lấy trong túi ra chiếc điện thoại đứng nép một góc tường để gọi cho ai đó, mà Pháp Đăng đoán chắc là chú Tánh.

Pháp Đăng ráng nghe chú Tùng nói trong điện thoại với những câu nói đại loại như:

- Người ta là chú tiểu, còn nhỏ mà “mấy má” cũng không tha hả. Cầu an cái gì, có thỉnh thì thỉnh thầy trụ trì, chứ mắc mớ gì đi thỉnh chú tiểu nhỏ xíu qua cầu an.

Chú Tùng đứng nói trong vẻ giận dữ làm Pháp Đăng cũng giật mình, nói chuyện một hoài thì chú Tùng đến lại gần Pháp Đăng nói trong vẻ còn hơi giận:

- Ngày mai chú không phải đi đâu cả, tôi nói chuyện với “con nhỏ” đó rồi. Chú mà đi là tiêu đời chú á. Rồi chú Tùng lặng lẽ dắt xe ra về.

Khi những người Phật tử sau cùng đã ra về, Pháp Đăng đứng một mình trước sân chùa mà ngơ ngác trước mọi thứ đang diễn ra quanh mình, Pháp Đăng như muốn dừng thở để cảm thấy mình đang bị bó chặt đến choáng ngợp bởi một sợi dây vô hình nào đó.

Rồi Pháp Đăng đưa mắt nhìn lên ngôi chùa cao chót vót đầy đồ sộ được ốp đầy đá hoa cương sang trọng, nhìn ra trước là những ánh đèn đường chớp tắt mờ mờ ảo ảo với từng dòng xe thay nhau chạy qua lại trong đêm và nhìn lại mình trên bộ đồ nâu mượt mà, đôi giày thời trang, cái vòng đeo tay bằng cẩm thạch và sợi chuỗi bằng xà cừ quý giá đeo trên người của thầy Đạo đưa cho và bắt phải luôn mang theo khi đi theo thầy và khi ở chùa. Pháp Đăng cảm thấy hình như mình đã đánh mất đi thứ gì đó thật quan trọng giữa hình ảnh của một chú tiểu Pháp Đăng ngây thơ hồn nhiên, bình dị của ngày nào, vậy mà mới đây thôi mọi thứ đều thay đổi một cách choáng ngộp.

Pháp Đăng nhẹ nhàng tiến lại gần tôn tượng Bồ-tát Quán Âm lộ thiêng bằng đá non nước phía trước chùa và ngồi xuống trong tư thế bán già, Pháp Đăng đưa mắt nhìn lên khuôn mặt từ hòa của Bồ-tát mà trong lòng cảm thấy ấm áp vô cùng như đang đón nhận một nguồn năng lượng của sự đồng cảm, an ủi, và thấu hiểu nỗi lòng của một người con đang bơ vơ lạc lối giữa chốn đô thành đầy tấp nập.

Nhưng rồi, những dòng suy nghĩ cứ tuôn trào trong hình ảnh so sánh của Pháp Đăng khi nhớ lại giữa những người mà mình đã gặp trong đời như chú Nguyên và sư đệ Pháp Bảo, bà Hiền và bà Năm Lựu già, thầy Đạo và thầy trụ trì, Pháp Đăng cảm thấy nhớ họ vô cùng, như muốn chạy một mạch về lại mái chùa xưa để được nhìn thầy nở cụ cười hoan hỷ tha thứ cho một lần lầm lỡ và dại khờ của đệ tử, hay cái ôm thật chặt trong nước mắt của sư đệ Pháp Bảo khi gặp lại sư huynh Pháp Đăng, và được nhìn cái miệng ăn trầu móm mém của bà Năm Lựu đang quây quanh các chú tiểu kể cho nghe những câu chuyện tích về Đức Phật. Pháp Đăng nghĩ đến đó thì những giọt nước mắt ướt đẫm trên khoé mi tuôn trào.

Bỗng nhiên, tiếng thầy Đạo hô to vọng ra từ bên trong chùa:

- Làm gì ngoài đó mà giờ này vẫn chưa tắt đèn, đóng cổng chùa, hả tiểu.

- Dạ,... dạ, con làm liền. Rồi Pháp Đăng vội gạt đi dòng nước mắt mà chạy đi.

CÒN TIẾP PHẦN 12: ĐÂY LÀ ĐÂU?