Chìa khóa thiền tập

Tài liệu phổ biến trong khóa tu truyền thống lần thứ 21 tại Tịnh xá Ngọc Quang – Gò Công từ 07/10 – 14/10/Ất Mùi (nhằm ngày 18/11 – 25/11/2015) do Ni giới Hệ phái Khất sĩtổ chức

                                                    

I. Bàn về vai trò quyết định của công năng “Kiến tánh và phương pháp Tri vọng” trên lộ trình tu tập

Tu là một khái niệm có nội dung và ý nghĩa rất rộng, bao gồm cả hai lĩnh vực thân và tâm, đời và đạo.

Từ việc rèn tâm luyện chí đến việc trau dồi tư cách, chỉnh đốn tác phong, sửa đổi oai nghi, trang nghiêm giới tướng… tất cả đều được gọi là tu cả.

Tuy nhiên, trong tám vạn bốn ngàn trần lao có một điểm then chốt nhất mà người tu (hành giả) nếu nắm được, nhận thức được thì việc tu tập sẽ trở nên đơn giản, nhẹ nhàng, không phải gắng sức, khổ công, tiêu hao năng lượng. Ví như người đi tìm kho báu mà trong tay có sẵn bản đồ và chìa khóa kho thì niềm tin sẽ được kiên định, mỗi bước chân là mỗi thâu ngắn hành trình, hành giả sẽ thấy phấn chấn tinh thần, gia tăng nỗ lực, tiền đồ mỗi ngày một xán lạn, không đợi đến đích mà hỷ lạc có mặt ngay trên lộ trình, dầu gặp phải bao chướng ngại hành giả không bao giờ thối thất Bồ-đề tâm.

Giác ngộ, giải thoát là mục tiêu tối hậu của người tu, cũng như kho báu là mục đích duy nhất của người đi tìm châu báu, muốn đạt được mục đích hành giả phải hội đủ những điều kiện sau đây:

Tự tin, Quyết chí và Nỗ lực

Người tu muốn đạt được đạo quả giác ngộ, trước tiên phải tin chắc rằng mình vốn sẵn có hạt nhân giác ngộ. Tiếp theo niềm tin là quyết chí tạo thắng duyên cho hạt giác ấy có điều kiện nảy mầm, lên cây, cuối cùng nỗ lực xới đất gieo hạt, bảo vệ hạt giống, và đến khi hạt đã thành cây, người tu vẫn phải chuyên cần vun phân, tưới nước, giữ gìn, phòng tránh sâu rầy cho cây từ non dại đến lớn già, đủ thời gian cần thiết để đơm hoa, kết quả.

Như vậy, điều kiện quyết định đối với người tu là phải tin chắc vào Phật tánh sẵn có của chính mình. Phật dạy: “Nhất thiết chúng sanh giai hữu Phật tánh” (tất cả chúng sanh đều có giác tánh).

1. Vấn đề Kiến tánh (thấy tánh)

Phật là dịch âm của chữ Buddha của Ấn Độ, người Trung Hoa dịch là Giác, Việt Nam ta dịch là Biết. Giác tánh là tánh biết.

Giác tánh này sẵn có ở trong mỗi chúng sanh như Phật đã khẳng định. Ở trong chúng sanh, giác tánh này chỉ mới là hạt mầm nhỏ bé. Tuy nhỏ bé nhưng là hạt chắc, hạt khô, hạt bất hoại, mang sẵn tiềm năng phát triển đến vô biên, tương lai sẽ trở thành cây giác, cho ra những quả giác thơm ngon, là nguồn thực phẩm bổ dưỡng và thiết yếu, nuôi thân và tâm linh của người tu.

Kinh Bát Nhã diễn tả giác tánh này bằng hàng loạt danh từ phủ định, hùng tráng như: “Bất sanh, bất diệt, bất cấu, bất tịnh, bất tăng, bất giảm … vô khổ, tập, diệt, đạo v.v…”

Giác tánh này còn có những cái tên mang giá trị tuyệt đối và vô cùng biểu cảm như: “Bản thể chơn như, bản lai diện mục, bản tâm thanh tịnh, bản giác viên mãn, tự tánh niết bàn, chơn tánh, pháp thân, chủ nhân ông …”

Lục Tổ Huệ Năng khi nhận ra giác tánh này, Ngài ngạc nhiên nói lớn: “Chẳng ngờ tánh mình vốn sẵn thanh tịnh, chẳng ngờ tánh mình vốn sẵn đủ cả, chẳng ngờ tánh mình vốn không động lay, chẳng ngờ tánh mình hay sanh muôn pháp”.

Người tu, khi nhận biết giác tánh của chính mình rồi (trong nhà Thiền gọi là KIẾN TÁNH) như người đi tìm kho báu có được bản đồ trong tay và có luôn cả chìa khóa để mở kho báu ấy. Hòa thượng Thanh Từ nói:

Kiến tánh khởi tu, dụng công ít mà kết quả nhiều. Chưa kiến tánh mà tu, dụng công nhiều mà kết quả rất ít”.

Bởi vì, chưa kiến tánh mà tu, có khác nào người đi tìm kho báu mà không có bản đồ, không biết chính xác địa điểm của kho báu thì khả năng đi lạc là rất có thể. Và dầu cho có hao tốn rất nhiều tâm lực để đến được bảo sở nhưng không có chìa khóa thì cũng không thể nào mở kho hầu sở hữu bảo vật, chỉ đứng ngoài nhịn thèm.

Thế cho nên, kiến tánh là chìa khóa để người tu mở kho tàng Tuệ giác. Biết chắc chắn rằng hiện tại mình đã có sẵn hạt giác mới dám kỳ vọng quả giác ở ngày mai, không phải mơ mộng hão huyền. Từ cơ sở này, hành giả đủ niềm tin, nỗ lực phấn đấu thực hành Bát chánh đạo để đạt cho được mục đích mà mình đã thiết tha mong mỏi, theo đuổi suốt cả cuộc đời.

Tuy nói phấn đấu nhưng không phải nhọc nhằn, gắng gượng, bởi vì, tất cả việc làm hữu vi là của Ngũ uẩn, do sự điều động của Hành uẩn. Hòa thượng Thiện Hoa nói: “Bồ-tát mượn huyễn thân, tu huyễn pháp môn, độ huyễn hữu tình, chứng huyễn Thánh quả” (Phật học Phổ thông).

Giáo lý Tứ diệu đế mà Đức Phật đã khám phá ra rất thực tế, vén mở cho ta bốn sự thật vĩnh cửu của cuộc sống. Đạo đế (Bát chánh đạo) được thiết lập trên nền tảng khoa học, hoàn toàn không có bóng dáng của ảo tưởng, hoang đường.

2. Phương pháp thiền TRI VỌNG

VỌNG đối lập với CHƠN, là cái được kết hợp bởi nhiều bộ phận riêng lẻ, không có thực thể, không có tự tính, không có cốt lõi.

Về mặt thân, gọi là Giả (huyễn thân), về mặt tâm gọi là Vọng (vọng tưởng).

Đứng từ góc độ CHƠN mà nhìn thì thân chúng ta đây là huyễn hóa, là sự vay mượn từ bên ngoài, là sự tập hợp của nhiều yếu tố. Trong Kinh Vô ngã tướng, Đức Phật phân tích rất chi ly, chỉ dạy rất tường tận về thân con người.

(Xin đọc kinh Vô ngã tướng do Minh Đức Triều Tâm Ảnh dịch)

Đức Phật chia thân này ra làm 2 phần: Phần vật chất và phần tinh thần. Phần vật chất Phật gọi là SẮC, phần tinh thần Phật gọi là DANH.

Phần vật chất (SẮC), Đức Phật chia thành 4 loại:

Œ Đất                       : Loại cứng, mềm.

 Nước        : Loại lỏng, ướt.

Ž Lửa                       : Loại nóng, lạnh

 Gió                       : Loại chuyển động, không khí.

Bốn loại vật chất này được gọi chung là SẮC UẨN.

Phần tinh thần (DANH), Đức Phật cũng chia thành 4 nhóm:

Œ Nhóm Cảm thọ (Thọ uẩn)

 Nhóm Tư tưởng (Tưởng uẩn)

Ž Nhóm Tâm hành (Hành uẩn)

 Nhóm Nhận thức (Thức uẩn)

Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức: Ngũ uẩn (5 nhóm).

Phần vật chất, đầu tiên hình thành thai nhi do từ tinh huyết của cha mẹ. Khi ra khỏi bào thai, hài nhi được nuôi lớn bằng vật ăn, thức uống và môi trường thiên nhiên (khí hậu).

Phần tinh thần, những hiểu biết, những kiến thức có được là do học hỏi nơi cha mẹ, thầy giáo, bạn bè và môi trường xã hội. Người lanh lợi, siêng năng thì thu gom được nhiều cho nên hiểu rộng, biết xa. Người chậm chạp, biếng lười thì thu nhặt ít ỏi, do đó sự hiểu biết cũng cạn cợt, thua sút bạn bè. Nhưng chung quy đều là của vay mượn, không phải tự mình có. Thiền sư nói: “Tùng môn đắc nhập phi thị gia trân” (của cải từ ngoài cổng vào là không phải của báu nhà mình). Mà phàm cái gì vay mượn, cái đó phải trả, không thể chiếm dụng luôn được. Đây là sự thật tột cùng của cuộc sống mà đệ tử của Đấng Toàn Giác phải liễu tri.

Vọng tưởng rõ nét nhất là lúc hành thiền, hành giả đang chánh niệm trên đề mục, nhưng vọng tưởng cứ phát khởi lên, nhớ lại những chuyện đã qua; chẳng hạn như hôm qua có người đã khen ngợi mình hoặc xúc phạm mình, hiện tại chuyện ấy không còn nữa, hoàn toàn không có thật, không có con người thật (sắc trần), không có lời nói thật (thinh trần) mà chỉ là bóng dáng của sắc, của thinh. Bản chất của sắc tướng, âm thinh đã là không thật, đã là duyên hợp (tục đế), huống nữa là bóng dáng của thinh, sắc ấy. Vậy mà, vì vô minh không biết minh sát trên sự thật ấy, còn để cho bóng dáng của giả, huyễn khống chế, điều động… Nhớ lại những lời khen hôm qua mà thấy thích thú là tham tâm hoạt động, nhớ lại lời chê hôm qua mà cảm thấy bực bội là sân tâm hoạt động, lại còn để cho tham, sân lôi kéo tâm mình ra khỏi đề mục, thất bại thời công phu. Duy thức học gọi vọng tưởng này là “lạc tạ ảnh tử”, tức là bóng dáng của sáu trần rơi rớt trong tàng thức của mình. Tất cả vọng tưởng, bóng dáng của lục trần này có cái tên chung là “pháp trần”.

Có người nhận lầm tàng thức này là Như Lai tàng. Như Lai tàng là pháp thân, là bản giác bất sanh bất diệt, còn tàng thức là kho chứa pháp trần (lạc tạ ảnh tử). Tàng thức thuộc phạm trù Tục đế, Như Lai tàng thuộc phạm trù Chơn đế. Học sinh của các trường Trung cấp Phật học đều nắm vững môn Duy thức học và vai trò, vị trí của tàng thức này. Khi tu tập đã chứng đắc thì thức chuyển thành trí. Tiền ngũ thức: nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý, chuyển thành “Thành sở tác trí”. Ý thức (thức thứ sáu) chuyển thành “Diệu quán sát trí”. Mạt-na thức (thức thứ bảy) chuyển thành “Bình đẳng tánh trí”, còn Tàng thức (A-lại-da) chuyển thành “Đại viên cảnh trí”, phẩm chất đồng với Như Lai Tàng.

Như đã nói ở trên, thân ngũ uẩn (5 nhóm) nầy từ Sắc đến Danh, đều là vật vay mượn, không có gì là TA hay của TA cả, là sự kết hợp của nhiều bộ phận không có thực thể. Cũng như ngôi nhà có ra là do sự kết hợp của những bộ phận: rui, mè, kèo, cột, đòn tay, đòn dông, mái lá… Nếu tháo rời từng bộ phận ấy ra thì ngôi nhà không còn nữa. Cái ta mà lâu nay thế gian chấp thủ, ái luyến tôn vinh là do hiểu sai sự thật, hiểu sai chân lý. Chính do từ sự hiểu biết sai lầm ấy, con người mới dính mắc vào thân, tâm, cho đến khi xác thân hết hạn sử dụng, mục rã mà tâm bám níu vẫn không buông, vẫn tìm mọi cách để tạo tác một sắc thân khác, để được hiện hữu trở lại ở thế gian này (luân hồi).

“Này chư Tỳ-khưu, chính do uẩn, do ái ấy mà sinh các khổ. Đã vậy còn chưa đủ, còn chấp rằng ngũ uẩn ấy là ta, là của ta, thọ uẩn ấy là ta, là của ta, chính ngũ uẩn ấy là nguyên nhân bao hàm tất thảy khổ mà người tu tập nội quán, minh sát cần phải thấy rõ” (Kinh Vô ngã tướng, Minh Đức Triều Tâm Ảnh dịch).

Chia chẻ thân ngũ uẩn này ra là Đức Phật làm cái công việc tháo rời từng bộ phận của ngôi nhà Ngũ uẩn, không còn bản ngã kiên cố để sở y, để luyến ái, dính mắc nữa và đó chính là giải thoát, Niết-bàn, mục tiêu tối hậu của Sa-môn hạnh.

“Chiếu kiến ngũ uẩn giai không độ nhất thiết khổ ách” (Kinh Bát Nhã).

“Thấy ra năm uẩn đều không,

Bao nhiêu khổ ách khốn cùng vượt qua”.

(Bát Nhã tâm kinh, Nghi thức tụng niệm HPKS)

Giáo pháp Vô ngã tướng của Như Lai được thiết lập là để tu tập, để nhìn vào bên trong nội quán, minh sát, để chấm dứt khổ (dukkha). Từ lâu các tư tưởng truyền thống cũng như quan niệm của phần đông đều cho rằng có một cái ngã, một thực hữu, một tự tánh, một linh hồn ở nơi sắc, thọ, tưởng, hành, thức này, nơi ngũ uẩn này. Từ nhận thức sai lầm ấy, biết bao nhiêu đau thương, thống khổ, trầm luân, tử sinh cũng khởi từ cái ngã và ngã sở ấy cả (Kinh Vô ngã tướng, Minh Đức Triều Tâm Ảnh dịch).

Biết được cái Giả, cái Vọng (ngũ uẩn) đồng thời cũng biết luôn được cái chơn, cái thật (giác tánh, pháp thân) là cái vô vi, không màu sắc, tướng mạo, hữu vi như thân năm uẩn nhưng lại rất mầu nhiệm “hay sanh muôn pháp” như Lục Tổ nói. Dầu giác tánh vô vi, không tướng mạo, cũng như hư không, không tướng mạo nhưng không phải không có. Ví như điện, không thấy được nhưng vẫn hằng hữu và hoạt động rất đắc lực. Cắm vào quạt, quạt quay, cắm vào máy, máy hát. Quạt hư, máy hư không hoạt động được nhưng điện không mất. Bản giác cũng vậy, chẳng những hằng hữu mà còn rất nhiệm mầu (hay sanh muôn pháp).

Phật nói con người có ba thân: 1) Pháp thân như đã bàn luận. 2) Báo thân là thân năm uẩn có đầy đủ thiện và bất thiện nghiệp. 3) Ứng hóa thân là diệu dụng của pháp thân (hay sanh muôn pháp). Như mọi sự tiến bộ văn minh khoa học, hoặc mọi Phật sự lợi tha, bao gồm thần thông của các nhà đạo sĩ đều nằm trong Ứng hóa thân này. Tuy nhiên, tác dụng của Ứng hóa thân là hai chiều, và tùy theo dụng tâm của tác nhân mà sự ứng hóa ấy trở nên thăng hoa hay bại hoại.

Khi đã nhận ra được giác tánh thì vọng tưởng không còn khả năng thao túng nữa. Cũng như khi chủ nhà xuất hiện thì khách chẳng còn quyền hạn gì trong ngôi nhà ấy nữa (viễn ly điên đảo mộng tưởng cứu cánh Niết-bàn – Kinh Bát Nhã).

Tóm lại: Kiến tánh hay Tri vọng là chìa khóa để mở kho tàng Tuệ giác. Về mặt Tuệ học, kiến tánh là nắm vững lý thuyết do thấy giác tánh trực tiếp hoặc qua kinh nghiệm bản thân, cơ sở căn bản cho việc tu tập, thực hiện Niết-bàn.

Về mặt Tuệ hành, cần phải Tri vọng, dõng mãnh loại trừ những tư tưởng sai lầm truyền thống, những định kiến, thành kiến che mờ chân lý, bóp méo sự thật, cản trở hành trình tâm linh; và đây là giai đoạn thực hiện Bát chánh đạo một cách đắc lực.

Như vậy, Kiến tánh và Tri vọng có một mối quan hệ biện chứng với nhau.

Về mặt Tuệ thành là minh sát vô ngã, vô thường thành công và ứng dụng Tuệ giác ấy vào cuộc sống thường nhật một cách hiệu quả. Bởi vì, Tuệ giác KIẾN TÁNH, TRI VỌNG thừa sức đốt cháy vọng tưởng, giải thể ngũ uẩn. Không thực hiện được là do tập khí sâu dày, do thói quen cố hũu, do tâm tham ngoan cố, chứ không phải do không hiểu ra.

* Bài kệ Khải hoàn, Đức Phật đọc lên sau khi chứng ngộ đã thuyết minh hùng hồn về khả năng vô hiệu hóa vai trò tạo tác của Tập đế.

Hỏi: Tánh giác thuộc phạm trù chân đế không phải tục đế tương đối thì làm sao diễn tả, so sánh, nhận biết và hình dung ra?

Trả lời: Câu hỏi rất hay! Đúng vậy! Lý trí con người chỉ hiểu biết những gì thuộc phạm trù thế gian, trong cuộc sống tương quan của tục đế. Tánh giác là thuộc tánh của bản giác chơn tâm, không thể suy nghĩ hay lý giải (bất khả tư nghì, bất khả xưng thuyết). Nhưng có thể nhận biết qua trực giác (biết thẳng) của 6 căn và qua pháp môn thiền định, thiền sinh nhạy bén sẽ dễ dàng nhận ra thâm tín lời Phật dạy: “Ta là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành”.

Xin nêu ra đây vài ví dụ cụ thể để làm sáng tỏ vấn đề:

Ví dụ: Chúng ta đang đi bộ, vì lơ đãng không để ý dưới bước chân, thình lình chúng ta giẫm nhầm một vật gì mềm mềm, có vẻ như con rắn, phản xạ tức thời của chúng ta là nhảy vọt lên, không cần suy nghĩ nên nhảy tới hay nhảy lui, nhảy sang trái hay nhảy sang phải. Cái phản ứng trực tiếp ấy là trực giác hằng hữu từ bản giác chơn tâm biểu hiện ra, không đợi lý trí can thiệp, tính toán.

Một ví dụ nữa: Chúng ta đang ngồi đây, có ai đó cầm cây nhang đang cháy châm vào sau lưng ta, hoặc châm nơi đầu, hoặc châm nơi chân, bất cứ nơi nào trên thân thể chúng ta cũng đều có xúc giác trực tiếp, thì đâu cần lý trí xen vào và cũng không có kẽ hở để thời gian góp mặt, bởi vì, vừa chạm là ta đã giật thót người. Tánh biết ấy chẳng những trực tiếp đơn thuần (trực giác) mà còn biến mãn khắp thế gian (thân người là một thế giới thu nhỏ và cùng chất liệu cấu trúc như vũ trụ). Trực giác hay tánh giác ấy không chỉ dành riêng cho xúc giác mà biến mãn khắp toàn thân cho cả 5 căn: thị giác (mắt), thính giác (tai), khứu giác (mũi), vị giác (lưỡi), xúc giác (thân). Và không chỉ riêng cho loài người mà bình đẳng cho tất cả chúng sanh như: trâu, bò, gà, vịt, chó, mèo, cá, tôm, sâu, bọ (hễ chạm vào chúng là chúng cũng phản ứng liền) … Tánh giác lại còn là cơ sở căn bản để phát triển quả giác (Phật) trong tương lai (Ta là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành).

“Trong Kinh Lăng nghiêm, Đức Phật dạy: “Từ nhất minh tinh sinh lục hòa hợp”. Nghĩa là từ một cái trong sáng sinh ra sáu cái hòa hợp. Thí dụ như có một ngôi nhà nhỏ, trong nhà có một ngọn đèn neon đang cháy sáng. Nhà ấy có sáu cửa, mỗi cửa đều mở toang ra. Ban đêm có người đứng ngoài tối biết trong nhà có đèn hay không, phải nhìn vào các cửa, nếu thấy ánh sáng từ các cửa phát ra thì biết trong nhà có ngọn đèn. Thật sự chúng ta chưa thấy được ngọn đèn, chỉ thấy được ánh sáng của ngọn đèn phát ra từ sáu cửa.

Nhất minh tinh sinh sáu hòa hợp tức là sáu căn: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Nơi sáu căn đều có mang ánh sáng của tinh minh đó”.

(Thiền sư Việt Nam cuối thế kỷ XX của HT.Thanh Từ)

Như vậy, thị giác (mắt), thính giác (tai) v.v… đều từ bản giác mà ra. Nhận được một giác là nhận được toàn giác hay Như Lai tàng.

Có câu chuyện thiền rất thâm thúy:

Tướng quốc Bùi Hưu đến thăm thiền viện. Ông cũng thuộc hàng thiền gia. Vào khách đường, ông thấy trên vách có treo tấm hình của một cao Tăng, ông hỏi vị Tăng tri khách:

- Hình ảnh cao Tăng đây mà cao Tăng ở đâu?

Vị Tăng tri khách không trả lời được. Tướng quốc hỏi:

- Trong chùa có thiền sư nào không?

- Có một vị Tăng mới đến, trông có vẻ thiền sư lắm.

- Cho tôi được gặp vị ấy.

- Khi thiền sư ra (Thiền sư Hoàng Bá), tướng quốc đặt lại câu hỏi:

- Hình ảnh cao Tăng đây mà cao Tăng ở đâu?

Thiền sư trả lời bằng tiếng kêu to như hét:

- Bùi Hưu!

- Dạ

- Ở đâu?

Bị kêu tên mình đột ngột, tướng quốc không kịp đề phòng, chỉ dạ theo phản xạ tự nhiên. Thiền sư lại bồi thêm câu hỏi thứ hai: “Ở đâu?” Tức thời tướng quốc trực nhận ra con người thật của chính mình, nghĩa là không phải thân ngũ uẩn tướng quốc sinh hoạt hàng ngày, mà đó chính là bản giác viên dung hay bản lai diện mục, biểu hiện qua thính giác; cũng như ông chủ, không phải là ngôi nhà.

Những buồn, vui, thương, ghét trong ta cũng vậy, tất cả phiền não ấy đều do duyên sinh và luôn luôn vô thường, biến đổi. Vì thiếu tuệ minh sát, chúng ta mới rước khách về làm chủ, lâu ngày thành thói quen (tập khí) để rồi ta mất hết chủ quyền và trở thành nô lệ cho thất tình lục dục.

“Đem thân làm kẻ tội đày,

Cho bao vật chất nó cai trị mình.

Để tâm làm vật hy sinh,

Suốt đời theo lịnh dục tình dắt lôi”.

(Kệ"Thân", Luật nghi Khất sĩ)

Phải hiểu cho đúng đắn rằng cái gì còn mãi đó, không mất mới là chủ. Tánh giác là hằng hữu lúc nào cũng có, như thính giác kêu thì nghe liền, xúc giác chạm thì biết liền v.v… Bình thường giác tánh ấy tiềm ẩn nhưng khi đụng đến là có ngay. Còn buồn, vui, thương, ghét thì khi có khi không, và phải có điều kiện thì buồn, hoặc vui … mới sinh khởi. Như vậy, phiền não là khách vãng lai, còn giác tánh là chủ nhà thường trú.

Phải thấy sự nguy hiểm của phiền não mà viễn ly, và phải thấy giác tánh bất sanh bất diệt mà quay về nương tựa (phản quan tự kỷ), đó là Đạo đế dẫn đến Diệt đế Niết-bàn.

Chỉ thẳng là diệu thuật mà các thiền sư thường sử dụng để khai thị môn đồ và người được hỏi, nếu nhạy bén sẽ nhận được giác tánh qua 6 căn.

Ngộ thì liền tức khắc (đốn), nhưng tu thì phải dần dần (tiệm). Cũng như thấy có cơm đã dọn sẵn thì biết mình sẽ không bị đói nữa, nhưng để được no bụng phải ăn dần dần từng miếng một thì mới giải quyết được yêu cầu của bao tử.

CHƠN, VỌNG là hai mặt của một thực tại. Thiền sư dạy: “Đốn ngộ tuy đồng, Phật đa sanh tập khí thâm. Phong đình ba thương dũng, lý hiện niệm dư xâm”. Nghĩa là hiểu tuy bằng Phật nhưng chưa thực hành được, hiểu thì liền tức khắc cũng bằng với Phật, nhưng vì nhiều kiếp sanh thân tập khí (thói quen) ăn sâu trong tâm, cho nên gió dừng mà sóng vẫn còn mạnh, chân lý thì rõ ràng nhưng vọng niệm cứ xâm nhập mãi khiến tâm không được an. Vừa dấy niệm là mất chơn, niệm lặng chơn mới hiện. Cho nên, muốn thấy được giác tánh, tuyệt đối không nên khởi niệm, công phu tu thiền là ở chỗ đó. Vai trò của lý trí ở đây là không thích hợp. Hễ lý trí hoạt động thì chơn tâm bị che mờ, cũng như bóng tối và ánh sáng không thể đồng khởi, đồng hành, đồng tồn tại.

Huyễn thân, vọng tưởng là cái sinh diệt, vô thường, vô ngã là cái che mờ giác tánh, hậu quả là khổ đau. Chơn như, Niết-bàn là cái hằng hữu, là cái bản lai thanh tịnh, vô lậu, không phiền não. Người tu nên sáng suốt lựa chọn cho mình cái nào, và viễn ly cái nào hầu hoàn thiện mục tiêu tối hậu là giác ngộ, giải thoát.

Qua những dẫn chứng trên, quý vị đã nắm được chưa? Nghĩa là đã kiến tánh chưa? Tự tin rằng mình có khả năng thực hiện Giác hạnh viên mãn chưa? Nếu chưa thì hãy chiêm nghiệm (chánh tư duy) và nỗ lực hành thiền. Gió yên thì sóng lặng, mặt biển bình an xanh biếc sẽ dần dần hiện ra, còn lại chỉ là vấn đề thời gian.

Thiền sư Trần Tôn Túc nói: “Việc lớn chưa sáng như đưa đám ma mẹ, việc lớn sáng rồi cũng như đưa đám ma mẹ”. Nghĩa là khi chưa giác ngộ phải tu khẩn trương để được giác ngộ. Khi giác ngộ rồi, cũng phải tu tích cực để ứng dụng tuệ giác ấy vào cuộc sống hằng ngày thì mới được tự tại an vui.

Kiến tánh là chìa khóa vạn năng để mở kho tàng Giác hạnh viên mãn.

Kho tàng Giác hạnh viên mãn vốn sẵn có nơi chính mình. Kiến tánh là từ kinh nghiệm trực tiếp, là thầm hội, diệu hội, không thể do người khác dạy bảo được. Thiền sư chỉ dùng mẹo để khai thị cho thiền sinh vậy thôi. Phật, Tổ có cho ta được thì cũng đều là bánh vẽ, không thể giải quyết được cơn đói xé lòng nếu mình không nhận ra yếu chỉ.

Cầu chúc quý vị nói riêng (nhóm trình pháp), thiền đường đại chúng nói chung tất cả đều KIẾN TÁNH.