Chớ lo lắng - Hãy sống an lạc (Phần 9)

Phóng sanh chim bị phê phán

慈邱育(Từ Khâu Dục), phóng viên thời báo Đài Bắc.

Ngày 3 tháng 11 năm 2004

phongsanh

Việc làm độc ác: Thói quen phóng sanh chim là một việc làm tốt. Thế nhưng, việc làm này đã tạo ra ngày càng nhiều những người hung bạo và thiếu tính người của một bộ phận làm nghề bắt giữ chim.

Người theo đạo Phật và đạo Lão từ lâu đã có thói quen phóng thích chim chóc và các loài động vật với niềm tin rằng làm như thế sẽ tích lũy được nghiệp tốt. Thế nhưng ở Đài Loan, các nhà hoạt động tranh đấu quyền động vật vừa phát biểu hôm qua rằng, hành động này trở thành thương mại hóa và như thế, đã dẫn đến cái chết khổ không cần thiết của khoảng 600 ngàn con chim mỗi năm.

Trong hai năm qua, những tình nguyện viên của Hội bảo vệ môi trường và động vật ở Đài Loan và Hội giáo viên ở Cao Hùng thuộc Trung tâm giáo dục sinh thái đã đến thăm 155 quầy bán chim ở Đài Bắc, Đài Trung và Cao Hùng. Những người bán chim này nói rằng 60 % số chim họ bán được là do Phật tử mua để phóng sanh vì người Phật tử tin rằng để các nghiệp xấu được đoạn trừ, họ cần phải phóng sanh. Một cuộc hội thảo tổ chức tại Đài Bắc hôm qua, có trình bày một tài liệu đã được đăng tải trên thông tin truyền thông về tội ác của việc bắt giữ chim và đưa về bán cho các cửa tiệm. Nhiều chim bị phơi nắng đến khô hoặc bị bỏ đói đến chết vì người bắt chim không kiểm tra lưới thường xuyên. Tài liệu ấy cũng nói rằng chim bị nhử mồi và bị bẫy bằng một cái lưới lớn. Một khi bị mắc lưới, chim vùng vẫy để thoát thân nên một số đã chết vì nguyên nhân này. Số chim sống sót phải trải qua một chặng đường dài trong quá trình vận chuyển đến nơi bán. Thước phim ấy cũng cho thấy chim bị nhồi nhét chật như nêm cối vào trong các chiếc lồng bình thường rồi được vận chuyển bằng tàu đến cho khách hàng, thường là những vị trụ trì các tu viện.

Các nhà hoạt động xã hội cho rằng chim bắt để bán cho người ta phóng sanh gồm có nhiều loại. Người ta thấy nhiều cửa tiệm có bán chim cu gáy, chim bông lau, chim ri, chim Nhật Bản mắt trắng, chim sẻ và chim bồ câu. Giá mỗi loại khác nhau từ 10 Đài tệ đến 300 Đài tệ một con. Có loại chim đắt hơn rất nhiều như chiền chiện hay chim vẹt lớn nhập khẩu, giá từ 1 ngàn đến 6 ngàn Đài tệ một con. Ngay cả các loại chim quý đang được bảo tồn như chim trĩ thiên hoàng, chim họa mi, chim vẹt xanh, cũng bị bắt bán với giá cao hơn.

Những nhà hoạt động xã hội đoán rằng có khoảng 10 % số chim bị bắt thật sự may mắn được phóng thích bởi những tín đồ tôn giáo. Những người này cũng thường phát tâm đóng góp tiền cho các nhà tổ chức sự kiện. Cả nước, có khoảng 500 nhóm tín đồ hay làm những việc như thế. Ông Wu Hung, chủ tịch Hội EAST phát biểu rằng, “chúng ta không đổ thừa cho các tín đồ mù quáng khi làm việc này, nhưng trách nhiệm là ở một số người lãnh đạo tôn giáo không chân chánh. Những Phật tử này không ý thức được rằng phóng sanh theo tín ngưỡng của họ góp phần thúc đẩy hoạt động thương mại bắt và bán chim”. Theo ông Wu Hung những người không tôn trọng mạng sống của chim, không có lòng thương cảm động vật và làm những việc như vậy mối nguy hại tạo nên sự mất cân bằng của môi trường sinh thái quốc gia. Điều này đưa đến nguy cơ tiềm ẩn về sức khỏe. Ông Wu Hung còn nói rằng “nhiều giống chim khác loài trộn lẫn vào nhau trong quá trình vận chuyển làm tăng nguy cơ bệnh dịch như cúm gia cầm”.

Những nhà bảo vệ chim nói rằng các loài chim hoang dã, một khi bị bắt nhốt, dễ chết hơn chim cảnh được nuôi vì chim hoang dã rất nhát, khi bị bắt, do quá sợ mà không chịu ăn uống. Đồng thời, ngày hôm qua đây, ông Yuan, phía lập pháp, đã thông qua bản chỉnh sửa điều luật thứ 10 của Luật bảo vệ động vật với chi tiết mới thêm vào là không được tự do bắt giữ động vật.

"Mối quan hệ giữa cung và cầu đã tạo nên thương mại giữa những người bắt chim không lương thiện, người môi giới và người mua”. Lu Po-chi, luật sư đảng dân chủ tiến bộ, người khởi đầu dự luật, hôm qua phát biểu như vậy. Ông Lu nói ông sẽ sớm cùng với những nhà lập pháp khác chỉnh sửa các điều luật để ngăn chặn những việc làm tạo điều kiện cho nghề kinh doanh độc ác này phát sinh.

Lời tác giả: Điều này không có nghĩa rằng chúng ta không nên bảo vệ và phóng thích động vật. Tuy nhiên, chúng ta nên hành động thận trọng theo một cách thức phù hợp có trí tuệtừ bi.

Trị liệu liên quan đến các kiếp sống quá khứ

Một trong những khám phá vĩ đại nhất của đức Phật là Ngài chủ trương có tái sinh qua nhiều kiếp sống. Giáo sư Ian Stevenson, một nhà khoa học đã dành ngót ba thập kỷ qua để nghiên cứu và tích lũy nhiều chứng cứ ủng hộ sự khám phá của đức Phật. Nhiều nhà tâm lý trị liệu ngày nay đã giúp nhiều bệnh nhân theo cách nhìn toàn diện, với quan niệm con người không chỉ có một kiếp sống này. Một trong số những người nổi bật nhất nghiên cứu về lãnh vực này là tiến sĩ Brian Weiss, nguyên chủ tịch khoa Tâm thần học ở trung tâm y khoa Sinai tại Miami. Ông đã thực hành trị liệu trên cơ sở nhìn lui về các kiếp sống trước để giúp bệnh nhân chữa lành bệnh về thân và bệnh về tâm.

Với cách giúp cho các bệnh nhân nhớ lại các kiếp sống trước bằng phép thôi miên, ông đã làm cho bệnh nhân có thể giải tỏa những mâu thuẫn trong kiếp sống quá khứ vẫn còn tồn tại đến bây giờ. Câu chuyện sau đây trích từ cuốn sách “Xuyên dòng thời gian để trị bệnh”, một cuốn sách đề cập đến nhiều trường hợp, bệnh nhân có khả năng chữa lành bệnh nhờ vào trị liệu nhớ lại các kiếp sống quá khứ. Một lần, có một người phụ nữ bị chứng ho mãn tính mà không tìm được nguyên nhân và thuốc gì chữa cũng không khỏi. Trong y khoa, một khi đã áp dụng tất cả các phương thức chữa trị đặc biệt mà các triệu chứng bệnh vẫn không thuyên giảm thì bác sĩ sẽ khuyên bạn đến chuyên gia tâm thần học để xác định nguyên nhân tâm lý của các triệu chứng bệnh. Trường hợp này tương tự như vậy. Khi bệnh nhân được hướng dẫn để có thể nhìn lui lại thời thơ ấu và cả khi mới sinh ra, cô ta không thấy gì ảnh hưởng đến những triệu chứng cô đang chịu đựng cả. Một hôm, bác sĩ Brian quá mệt mỏi, bèn bảo cô ta “hãy nhìn lui về nguồn gốc của bệnh cô xem sao.” Thế là người phụ nữ ấy nhìn lui về 4 ngàn năm trước. Cô ta thấy trong một kiếp sống nọ, cô ta bị đâm vào cổ họng và chết. Sau khi nhớ lại từ trong ký ức như vậy, bệnh cô trở nên thuyên giảm dần. Bằng cách nhớ lui lại các kiếp sống trước, cô ta đã hoàn toàn bình phục từ căn bệnh của mình.

Nước mắt chúng ta trong vòng luân hồi nhiều như nước biển (Đức Phật).

Tám nguyên nhân gây bệnh

(Tương ưng bộ kinh)

- Mật

- Đờm dãi

- Gió

- Sự tích tụ thể dịch trong cơ thể

- Thời tiết thay đổi

- Tâm lý sang chấn

- Bị tấn công bất ngờ từ bên ngoài

- Nghiệp

Một điều quan trọng cần ghi nhớ là không phải tất cả các loại bệnh đều do nghiệp. Có bốn quy luật tự nhiên khác (Niyamas) tương tác với quy luật về nghiệp gây nên bệnh:

1. Utu Niyama (trật tự bên ngoài cơ thể), ví dụ hiện tượng mưa gió thay đổi theo mùa.

2. Bija Niyama (trật tự bên trong cơ thể) ví dụ các học thuyết khoa học về tế bào và gien

3. Dharma Niyama (trật tự các nguyên tắc) ví dụ luật vạn vật hấp dẫn và các định luật vật lý khác.

4. Citta Niyama (trật tự của tâm hay luật về phương diện tâm thần) ví dụ sự vận hành tâm thức, thần giao cách cảm, khả năng dự cảm và thần thông.

Một điều quan trọng không kém cần ghi nhớ rằng đây là các luật tự nhiên chứ không có ai, Thượng đế chẳng hạn, là người sáng tạo ra các luật này. Theo quan điểm của Phật giáo, bệnh tật phát sinh không có sự can thiệp của Thượng đế. Bệnh phát sinh do một số điều kiện. Nó chỉ khởi lên khi các điều kiện này chín muồi. Do đó, chúng ta có thể ngăn ngừa bệnh bằng cách can thiệp vào một số điều kiện vốn là nguyên nhân gây bệnh. Ví dụ, bỏ hút thuốc.

Nguồn: https://hang-nhu.blogspot.com