Chơn lý "Tánh thủy" với con đường giáo dục Phật giáo

Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Kính bạch chư Tôn Giáo phẩm lãnh đạo Hệ phái

Kính bạch chư Tôn Hòa thượng, chư Thượng tọa, chư Đại đức Tăng,

Kính bạch quý Ni trưởng, quý Ni sư, Sư cô,

Kính thưa chư vị khách quý, quý nam nữ Phật tử, cùng toàn thể đạo tràng,

Hòa chung niềm hoan hỷ của Phật giáo cả nước nhân Đại lễ Kỷ niệm 35 năm thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam (1981 - 2016), chư Tôn đức lãnh đạo Hệ phái đã tổ chức buổi họp mặt trong Hệ phái để chào mừng, đồng thời đánh giá, rút kinh nghiệm từ các Phật sự đã qua và định hướng cho các Phật sự trong tương lai. Chúng con, thay lời Ni chúng Phân đoàn 1 – Giáo đoàn IV, thành kính đảnh lễ chư Tôn Giáo phẩm Hệ phái, chư Tôn đức chứng minh; thành kính gởi đến quý Ngài và toàn thể đạo tràng lời kính chúc sức khỏe và lời chào mừng trân trọng nhất. Kính chúc Đại lễ Kỷ niệm 35 năm thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam được thành tựu mỹ mãn.

35 hp 6

Kính bạch chư Tôn đức Tăng, chư Tôn đức Ni,

Kính thưa toàn thể đại chúng,

Ba mươi lăm năm trôi qua kể từ ngày chín tổ chức Phật giáo trên đất nước Việt Nam được thống nhất trong ngôi nhà chung của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Hệ phái Khất sĩ - một thành viên trong chín tổ chức Phật giáo cũng đã hòa mình theo dòng chảy của Giáo hội, trải qua những thăng trầm vừa thuận lợi vừa khó khăn, cùng Giáo hội Phật giáo Việt Nam phát triển không ngừng và đã đạt được những thành tựu khả quan. Khi nói đến những thành tựu của Hệ phái không thể không nhắc đến lời dạy của Tổ Thầy còn lưu lại trong bộ Chơn lý.

Nói theo lời Hòa thượng Trụ trì Pháp viện (HT. Giác Toàn), bộ Chơn lý của Tổ sư chính “là hiện thân, là dấu ấn, là Pháp bảo cao quý Tổ sư lưu lại cho hàng môn đồ tứ chúng đệ tử Hệ phái Khất sĩ[1] Những lời Tổ sư dạy trong bộ Chơn lý có thể xem là đường hướng giáo dục hoàn thiện hay con đường đưa đến giác ngộ giải thoát, đặt nền tảng trên cơ sở nuôi dưỡng và phát triển Giới đức, Tâm đức và Tuệ đức của mỗi cá nhân trên lộ trình đi đến bến giác. Trong phạm vi bài viết này, chúng con chỉ bàn về những đặc tính của Nước được Tổ sư nói đến trong Chơn lý “Tánh thủy”, cũng như giá trị giáo dục trong quá trình tu tập từ những tư tưởng này.

Thông thường khi nói đến giáo dục người ta thường đề cập đến học đường, đến giáo án, đến phương pháp truyền đạt, v.v… Giáo dục Phật giáo theo nghĩa rốt ráo không giới hạn nơi học đường hay sách vở mà tất cả mọi sự, mọi việc xảy ra trong cuộc sống hằng ngày đều là những bài học để chúng ta trải nghiệm lời Phật, lời Tổ dạy. Nói cách khác, khi nói đến giáo dục Phật giáo là nói đến con đường Tu và Học thông qua Giới, Định và Tuệ. Nếu nhìn từ góc độ này, những lời dạy của Tổ sư trình bày trong Chơn lý “Tánh thủy” nói riêng và trọn bộ Chơn lý nói chung chính là con đường giáo dục chứ không phải là phương pháp. Vì nếu là phương pháp thì có thể thích hợp với người này nhưng không thích hợp với người kia, thích hợp vào thời điểm này nhưng không thích hợp vào thời điểm khác, nên phương pháp còn mang tính giới hạn. Con đường thì trái lại, ai cũng phải trải qua và mọi lúc mọi nơi đều có thể sử dụng con đường ấy. Thông qua con đường chư Phật, chư Tổ đã đi qua, chúng ta có thể thấy được thực tánh của các pháp và như vậy chúng ta sẽ ít khổ, ít sầu bi hơn bởi những thăng trầm trong cuộc sống. Con đường giáo dục Phật giáo trên bình diện rốt ráo đã áp dụng đúng nguyên nghĩa của từ ‘giáo dục’, vì ‘giáo dục’ nghĩa đen là ‘sinh ra’ hay là ‘mang đến’; ngụ ý rằng nhiệm vụ thật sự của giáo dục Phật giáo là khơi dậy trong tâm người học tiềm năng bẩm sinh cho sự hiểu biết và nhận thức thấu đáo vấn đề.[2] Tổ sư với phương châm “Nối truyền Thích-ca Chánh pháp” đã thắp sáng lên ngọn đuốc tuệ mà Đức Thế Tôn đã khơi nguồn hơn 2.600 năm. Ngài mở ra một chân trời mới thông qua những ảnh dụ về Nước rất gần gũi và rất thực tế trong cuộc sống hằng ngày.

Mui Nai 03w

1. Tính thanh lọc của nước và bản tâm thanh tịnh

Hình ảnh dòng nước có ảnh hưởng khá lớn trong quá trình thành tựu đạo quả của Tổ sư. Đầu tiên tại đầu gành bãi biển Mũi Nai, nhìn cảnh biển trời bao la, sóng biển vào ra, bọt nước tụ tán, Tổ sư đã ngộ lý vô thường, đầy vơi, còn mất, có không của cuộc đời. Sau đó, trong bộ Chơn lý, Tổ sư đã dành trọn một quyển Chơn lý “Tánh thủy” để nói về đặc tính của nước, cụ thể hóa hoạt tính của nước qua những ví dụ thực tế và liên hệ đến phẩm chất tu tập của một vị xuất gia. Tổ sư giải thích: “Người ta giặt rửa cái dơ vào trong nước, thì với sự yên lặng, cái dơ lóng xuống đáy, hay cùng có sóng gió là cái dơ ấy bị tạt phải lên bờ. Sự điềm tĩnh của người tu cũng y như vậy, hạ bỏ tất cả phiền não xuống tận đáy lòng, cùng khi nói làm xô dẹp qua một bên, mà tánh người tu vốn thường trong sạch và yên lặng. Nước dơ thì nó tự rửa lấy nó bằng sự yên lặng chớ chẳng nhờ ai”. [3] Một lần nữa để nhấn mạnh tính thanh lọc cố nhiên của nước, Tổ sư nói: “Những khi bão tố nước đục dâng lên, tràn vào ao nước trong cao ráo, khi đến đó rồi là ở yên đó và lần hồi phải tự lóng trong, theo như chất nước ao trong .[4]

Cả hai lời dạy trên, Tổ sư đều đề cập đến tính chất thanh lọc của nước, nước bị đục là do vấy bùn, khi bùn lóng xuống thì nước tự nhiên trong. Tâm thanh tịnh lặng yên được Tổ sư ví như nước trong, và các phiền não chính là những bùn dơ, cáu bẩn. Nước có khả năng tự thanh lọc vì bản chất của nó vốn là trong sạch, chỉ vì bị những cái dơ bên ngoài khuấy động nên nước bị đục, nếu để yên bùn dơ và cáu bẩn lóng xuống, nước sẽ trở lại sạch trong mà không cần phải nhờ ai giúp sức.

Babu trong quyển Cuộc sống - một điều bí ẩn kể lại câu chuyện liên quan đến tính thanh lọc của nước. Ngày nọ, Đức Phật cùng các vị đệ tử trên đường du hóa, khi đi qua một hồ nước, Đức Phật và các vị đệ tử dừng lại nghỉ chân, khi ấy Đức Phật nói với một trong các đệ tử: “Ta thấy khát rồi, con hãy lấy một ít nước từ hồ lên cho ta uống”. Vị đệ tử đi đến hồ nước nhưng chẳng may có một chiếc xe bò vừa mới đi ngang nên nước trong hồ bị vấy bùn rất đục. Vị đệ tử nghĩ thầm: “Làm sao ta có thể lấy chỗ nước có bùn này cho Ngài uống được”. Vì vậy, vị ấy trở lại chỗ Đức Phật và thưa: “Kính bạch Thế Tôn, nước trong hồ đó rất đục, con không nghĩ là Ngài có thể uống được”. Nửa tiếng sau, Đức Phật lại nói vị đệ tử ấy hãy quay lại hồ lấy ít nước cho Ngài uống. Lần này cũng vậy, nước vẫn đục nên vị đệ tử quay trở lại và nói với Đức Phật giống như trước. Lần thứ ba, Đức Phật lại bảo vị ấy đi lấy nước, lần này nước hoàn toàn trong sạch vì bùn đã lắng xuống, vị ấy lấy một ít nước vào bình và mang đến dâng Đức Phật. Nhìn bình nước sạch trên tay vị đệ tử, Đức Phật dạy: “Nước bị vẫn đục là do bùn, nếu để yên cho bùn lóng xuống thì nước sẽ tự nhiên trong mà không cần phải dụng công, không cần phải nỗ lực. Bản chất của tâm cũng vậy, luôn thanh tịnh và trong sáng. Nên khi tâm phiền muộn, lo lắng hay bất an, đừng cố gắng, đừng nỗ lực loại bỏ các phiền não mà hãy học cách nhìn và quan sát, và cần có thời gian các phiền não sẽ tự lắng dịu và ổn định, như nước đục lóng bùn sẽ tự trong ”.[5]

Trong cuộc sống hằng ngày khi đối duyên tiếp cảnh tâm chúng ta thường phản ứng, thường chạy theo những cái thích ý vừa lòng và loại trừ những cái mình không ưa, không thích. Trong tu tập thì mong loại bỏ các phiền não, cố gắng hết sức để loại bỏ nó, và mong đạt được trạng thái tâm an tịnh. Thái độ tu tập này không đúng với lời dạy của Tổ sư, Ngài ví phiền não như bùn, tâm an tịnh ví như nước trong. Muốn có nước trong chúng ta không thể bỏ nước đục ấy, cũng không thể vớt bùn ra khỏi nước, cái có thể làm là biết nước bị đục vì bùn nên cứ để cho nước lặng yên, tự nó sẽ trong. Đối với phiền não cũng vậy, cố gắng muốn dẹp bỏ phiền não đồng nghĩa với sân, mong đạt được trạng thái yên tịnh đồng nghĩa với tham, vì tu không phải là đạt được mà là thấy ra được thực tánh của các pháp. Tại đây, nếu không khéo chúng ta sẽ đối diện với cái tham và sân mà không thấy được thực tánh pháp trong hiện tại, và như vậy chúng ta sẽ không bao giờ có được ‘hồ nước trong’ như lời Tổ sư đã dạy.

2. Đặc tính kết dính của nước và sự hòa hợp dung thông

Trong nhiều bài kinh Đức Phật giải thích nước là một trong bốn đại (đất, nước, lửa, gió) hay là bốn yếu tố chính yếu tạo nên cơ thể vật lý của một chúng sanh. Theo Vi diệu pháp, đặc tính của nước là sự kết dính và chính nhờ đặc tính này mà mọi vật được kết giữ lại với nhau thành một khối gọi là cơ thể, là nhà, là bàn, ghế, v.v... Trong thực tế, chúng ta không thể dùng tay chạm vào đặc tính của nước mà chỉ có thể biết được đặc tính này thông qua suy luận từ sự kết dính của các vật chất xung quanh.[6] Tính kết dính của nước hiện hữu trong tất cả các vật chất từ lớn cho đến cực nhỏ, và điều đặc biệt là trong đất, trong lửa và trong gió đều có đặt tính của nước. Cả bốn yếu tố vật chất này hỗ tương với nhau để tồn tại và phát triển. Tổ sư viết: “Nước là một chất lỏng chan hòa với tất cả các chất, cũng như sự không xan tham, chan sớt sống chung cùng với chúng sanh ”, và “nước không có hột phân tách, cũng như lòng sống chung từ bi bác ái, đại đồng, bình đẳng của nhà đạo đức, không chia rẽ phân biệt, ích kỷ riêng tư”.[7]

Điều đáng ghi nhận nơi đây là vào thập niên 1940 - 1950, Kinh-Luật-Luận của cả hai trường phái Nam truyền và Bắc truyền phần nhiều còn nguyên chữ Pāli và Hán. Vả lại thời gian học đạo và hành đạo của Tổ sư cũng không dài lắm, thế mà Tổ sư đã hệ thống và trình bày một số phạm trù giáo lý căn bản liên hệ đến Vi diệu pháp bằng những ngôn từ rất giản dị, dễ hiểu, giới thiệu giáo pháp đến mọi tầng lớp quần chúng một cách hết sức khoa học. Từ tính chất kết dính, chan hòa của nước, Tổ sư liên hệ đến tâm từ bi bác ai, đại đồng, bình đẳng của nhà đạo đức và các mối quan hệ trong cuộc sống, quan hệ giữa người với người, giữa quốc gia này với quốc gia khác, Ngài dạy: “Tuy nước ao này, ao kia cách khoảng, nhưng nó cũng có hang mạch thông đồng; cũng như xứ đạo đức bên này, nước quân tử bên kia, tuy xa cách nhưng lý trí điển lành lúc nào cũng dung hợp làm một, không ai ngăn cản được”.[8]

Có thể nói một trong những đặc tính làm nên sức mạnh của nước chính là tính kết dính không phân rã và khả năng dung nạp rất lớn của nó. Sự gắn kết như một động lực để chan hòa và cộng hưởng. Tổ sư giải thích: “Nước bao giờ cũng thấm nhuần trong đất làm cho đất dính liền không đến nỗi phải khô khan ra bụi. Cũng như giáo lý thánh hiền lúc nào cũng từ bi thương xót kẻ lợi danh ác quấy, ban bố dạy khuyên. Cảm hóa lần lần, chớ không nỡ để cho họ chia rẽ tương tàn sát hại lẫn nhau”.[9] Nếu con đường giáo dục Phật giáo đặt nền tảng trên sự cộng hưởng và thẩm thấu như đặc tính của nước mà Tổ sư đã trình bày thì sẽ xóa bỏ được vách ngăn giữa các dòng tư tưởng, tông môn, hệ phái theo đúng tinh thần hòa hợp cộng trụ của Phật giáo.

3. Tính thích nghi của nước và sự tùy duyên thuận pháp

Một điều rất dễ thấy ở nước là tính thích nghi. Dù tồn tại ở bất cứ môi trường nào, nước luôn tương thích với vật chứa, dù cho vật chứa đó là tự nhiên hay do nhân tạo, như chai nước, chén nước, thùng nước, lu nước, vòi nước, hồ nước, vũng nước, ao nước, v.v... Đây không phải là cách ứng xử ba phải, mà là khả năng thích ứng vô hạn của nước, và chính điều này đã làm nên sức mạnh vô song của nước. Dựa vào đặc tính này, Tổ sư liên hệ đến cách ứng xử tùy duyên thuận pháp, vô ngã vị tha của người đạt ngộ. Tổ sư nói: “Nước tuy dẻo dai mềm yếu nho nhã nhu hòa chan sớt theo hình lớn nhỏ, mà lại bền bỉ mạnh cứng to lớn…Tuy mềm yếu lỏng nhẹ trôi chảy chiều chuộng như sợ sệt, ai muốn sao theo vậy, cũng như không ta, không tự chủ, không nhứt định, là cái sống của chúng sanh, sống theo nhân duyên, mà như thế mới là một sức mạnh, to lớn, ích lợi bền dài sống mãi”.[10]

Nước nói riêng và mọi sự vật trên thế gian nói chung này luôn luôn biến đổi theo nguyên lý tự nhiên của nó hoặc theo tiến trình nhân quả sanh diệt. Như nước sông, nước biển, nóng thì bốc hơi bay lên không trung thành mây, mây gặp điều kiện lạnh ngưng tụ lại và tạo thành mưa, mưa rơi trở lại sông ngòi, biển cả. Đây là sự tương giao hòa quyện của nước cũng như của mọi sự vật trên thế gian, nếu biết được nguyên lý này chúng ta sẽ dễ dàng sống thuận theo sự vận hành của pháp chứ không sống theo ý tư riêng của mình. Ai sống thuận theo pháp sẽ an vui, thuận theo ý riêng hay thuận theo bản ngã sẽ mãi khổ đau, phiền lụy. Thế nên, Tổ sư khẳng định “ai muốn sao theo vậy, cũng như không ta (không có tự ngã), và đó chính là cái sống của chúng sanh, sống theo nhân duyên, mà như thế mới là một sức mạnh, to lớn, ích lợi bền dài sống mãi”.

Lời dạy của Tổ sư về cách sống thuận theo nhân duyên, sống không chấp trước vào hình thức bên ngoài, có thể xem là đồng tư tưởng với câu nói cốt lõi trong Kinh Kim CangƯng vô sở trụ, nhi sanh kỳ tâm” (nên không có chỗ trụ mà sanh tâm). Sống theo sự vận hành của pháp, sống theo sự việc xảy ra trong hiện tại mà không bám víu vào bất cứ một hình thái nào, vì không bám víu là tự tại giải thoát; bám víu là ao tù và là tự cô lập mình. Có thể nói “ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” hay “sống theo nhân duyên” là chìa khóa để mở cánh cửa tâm an tịnh, giúp chúng ta sống trong trần mà không bị trần lôi kéo, vẫn thấy sắc, nghe tiếng, ngửi mùi, nếm vị, thân xúc chạm nhưng tâm vẫn không đắm nhiễm, vẫn an nhiên tự tại. Cũng chính nhờ cách sống này, chúng ta có thể giữ tâm thăng bằng giữa những thăng trầm của cuộc sống. Giống như nước, một mặt có thể uốn cong theo mọi ngõ ngách, uyển chuyển theo địa hình, nhưng mặt khác bao giờ cũng vươn tới thế cân bằng. Nói cách khác, cân bằng là thế tồn tại ổn định của nước. Dựa vào đặc điểm này, Tổ sư đã đưa ra cách hành xử tuyệt vời giúp người hành pháp có thể sống thong dong tự tại giữa đời thường. Ngày nọ, Đức Phật đang ngự tại Tịnh xá Kỳ Viên. Khi đêm gần mãn, có một vị chư thiên đến bạch hỏi Đức Phật về phúc lành cao thượng, Đức Phật dạy: “Khi xúc chạm việc đời, tâm không động không sầu, tự tại và vô nhiễm, là phúc lành cao thượng”.[11]

Đường đời muôn vạn nẻo, các pháp sanh khởi cũng muôn ngàn sai biệt, nếu chúng ta cứ áp dụng một bài học duy nhất hoặc cứ rập khuôn theo quan điểm của riêng mình, muốn sự việc hay muốn những người xung quanh mình phải như thế này hay phải như thế kia…, chúng ta sẽ không bao giờ thấy được thực tánh của các pháp. Thế nên, phải biết tuỳ duyên, nói theo lời Tổ sư là “sống theo nhân duyên”, phải biết thích nghi như nước “ở bầu thì tròn, ở ống thì dài’. Có như vậy, chúng ta mới có thể trải nghiệm được những vui buồn trong cuộc sống và có thể vượt qua chính mình.

4. Khả năng dung chứa của nước và thái độ sống chấp nhận

Mở đầu Chơn lý “Tánh thủy”, Tổ sư giải thích nghĩa của từ ‘quân tử’ và sau đó Tổ sư so sánh tâm của người quân tử giống như nước, nên gọi là “Tâm thủy, trôi bay khắp cùng thiên hạ, do đó mà được chỗ hơn người”.[12] Tổ sư dạy tiếp: “Người quân tử thắng được cái ý của mình, thắng được cái thô lỗ, cộc cằn, thắng được cái tự đắc, tự cao, kiêu hãnh, ngã mạn chấp ta, nên gọi là cái thắng hay, ít ai làm được mới là quý”.[13] Mỗi người sanh ra đều mang những đặc tính gần giống nhau, tuy nhiên trong quá trình tồn tại và phát triển mỗi người lại tự trang bị cho mình một thái độ sống khác nhau. Chính điều này đã tạo nên sự khác biệt lớn trong xã hội, nên có người được gọi là quân tử và có người bị nói là tiểu nhân… Nắm rõ nguyên lý này, Tổ sư giải thích rõ ràng những hoạt tính của nước, qua đó Tổ sư liên hệ đến cách sống, cách cư xử cần phải có của một người đệ tử Phật, Ngài dạy: “Nước bao giờ cũng mát, dầu phải bị đốt nấu đi nữa, thì sau đó nó cũng mát trở lại tánh cũ. Cũng như người quân tử không bao giờ sân giận, dầu phải bị ai gây gổ khêu chọc”;[14] và cũng “không ai chém giết đánh đập được nước, dầu sau cơn bị động rồi thì nước vẫn trở lại bằng phẳng như nhiên, như không có chi hề hấn. Người quân tử cũng vậy, chẳng bất bình ai cả, chẳng chi làm tổn hại xao xuyến tâm người”.

Trong Kinh Đại giáo giới La-hầu-la,[15] Đức Phật dạy La-hầu-la hãy học cách ứng xử như nước, dù cho người ta có đổ vào nước những thứ sạch sẽ, thơm tho… hay giặt, rửa trong nước những thứ bất tịnh, hôi hám…, nước cũng không vì thế mà đầy vơi hay dậy sóng. Vì sao? Vì nước có dung tích rộng lớn, có khả năng lưu chuyển, có thể tiếp nhận và chuyển hoá tất cả những gì đã tiếp nhận. Chính vì thế nên Tổ sư dạy: “Nước bao giờ cũng mát và có khả năng dung chứa tất cả, nếu tâm ai rộng lớn bao la, khoan dung độ lượng như nước, thì cũng có thể tiếp nhận và chuyển hoá tất cả mọi bất công, oan ức… và những thứ ấy sẽ không thể làm cho người ấy đau khổ hay phiền lụy được”.

Có thể nói một trong những nguyên nhân chính làm cho cuộc sống của con người vốn đã khổ lại càng khổ thêm đó là thái độ không chấp nhận hay là dễ dàng phản ứng với những việc trái ý. Thông thường khi những việc vừa ý, vừa lòng xảy ra, hầu như ai cũng dễ dàng chấp nhận, nhưng khi đối diện với những việc trái ý nghịch lòng thì không dễ gì chấp nhận được. Thế nên người ta thường có những thái độ phản ứng theo chiều hướng tiêu cực như bực mình, sân giận…, và khi phản ứng tức là bản ngã sanh khởi, có bản ngã thì có khổ đau. Một giai thoại Thiền kể lại câu chuyện Thiền sư Bạch Ẩn bị người ta vu oan và bồng đứa bé đến giao cho Ngài. Dù là việc không có, nhưng Thiền sư không tranh cãi, không phản ứng mà chỉ đáp vỏn vẹn hai tiếng “Thế à”. Rồi sau đó đương sự cảm thấy lòng ray rứt nên đến xin lỗi Thiền sư và bồng đứa trẻ về. Giao đứa trẻ cho người nhà, Ngài cũng chỉ thốt lên hai tiếng “Thế à”. Chuyện tốt hay xấu, khen hay chê, được người tán thán hay bị mất danh dự, đối với Thiền sư chỉ là sự vận hành của pháp, nên Thiền sư đã chấp nhận để sống thuận theo pháp, sống thuận theo “Tâm thủy” của người quân tử.

William James - nhà triết học, tâm lý học lừng danh người Mỹ đã phát hiện ra rằng con người có thể thay đổi cuộc đời bằng cách điều chỉnh thái độ sống của mình. Mac Anderson trong quyển Điều kỳ diệu của thái độ sống[16] cũng đồng quan điểm trên, ông cho rằng thái độ sống là yếu tố vô cùng quan trọng đối với cuộc sống và công việc của mỗi người, bởi lẽ thái độ sống không chỉ ảnh hưởng đến hạnh phúc hay sự thành tựu của riêng mình, mà còn tác động đến người thân, đến bạn bè, đến những người cộng sự, những đồng nghiệp, và những người quanh mình. Thế nên, trong cuộc sống hằng ngày cho dù chúng ta sống với thái độ như thế nào khi tiếp xúc với ngoại cảnh, chúng ta vẫn có thể lựa chọn và hoàn toàn làm chủ thái độ sống của mình. Chúng ta không thể thay đổi quá khứ, không thể thay đổi người khác, cũng không thể làm thay đổi được những sự việc đã xảy ra hay sẽ xảy ra. Điều duy nhất chúng ta có thể làm được đó chính là thay đổi thái độ sống của mình.

Có thể nói, toàn bộ ý pháp trong Chơn lý “Tánh Thủy” là con đường giáo dục tâm, là bài học giữ tâm ý trong sạch và cao thượng mà Tổ sư muốn gửi đến những người học đạo - phải luôn trau dồi tâm thủy, tánh thủy, học tập đạo thủy để mà tu tâm và hành đạo vì “nước là đạo, là pháp, nước là thiện, là lành . . . Nước là quân tử, là Phật, mà các bậc đại hiền muốn cho tất cả đều tu và chỉ đạo cho ngó thấy, lấy nước mà so sánh dễ hiểu, mong cho cõi đời trở nên xứ Phật, xứ đạo đức, xứ hiền lương, chớ nào có bảo việc hơn thua tranh lợi”.[17] Các pháp thế gian luôn xoay vần biến đổi được mất hơn thua…, và chính nhờ những thăng trầm này mà đời sống của mỗi người được tồn tại, nếu nghiêng về một phía sẽ bị đỗ vỡ. Điều này đã được Tổ sư chỉ rõ với sự liên hệ đến đặc tánh của bốn đại trong phần kết luận Chơn lý “Tánh Thủy”: “Sự nóng, lạnh, mát, nguội phải dung hòa, đừng cái nào nhiều ít mà mang khổ. Hay cũng như là ở đời phải có lỏng, có đặc, có hơi, có nóng, đều đủ mới không tai nạn. Nên nhớ rằng: thái quá bất cập, nếu thiếu một pháp thì ba pháp kia cũng khó đặng bình yên đứng vững”.[18]

35 hp 7

Lời kết

Tiếp nối sự nghiệp của Tổ Thầy, hôm nay nhân buổi họp mặt Hệ phái chào mừng Đại lễ Kỷ niệm 35 năm thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam, chúng con mạo muội trình bày một vài ý pháp Tổ sư đã dạy trong Chơn lý “Tánh Thủy” để nhắc nhở tự thân cùng tất cả Ni chúng Phân đoàn 1 lấy đó làm hành trang, làm tư lương tiếp bước Tổ Thầy, làm cho Phật Pháp mãi sáng ngời giữa dòng đời. Mong mỗi tự viện, mỗi tịnh xá mãi là nơi hướng dẫn đời sống tâm linh cho những người hữu duyên. Được vậy, có thể nói Giáo hội Phật giáo Việt Nam luôn đồng hành cùng dân tộc, luôn làm tốt đạo đẹp đời.

Chúng con xin thành kính kỉnh trọng ân đức chứng minh của chư Tôn đức Giáo phẩm lãnh đạo Hệ phái, kỉnh trọng ân đức chư Tôn Thiền đức Tăng, Thiền đức Ni. Xin chân thành cảm niệm công đức toàn thể đạo tràng. Kính chúc chư Tôn Thiền đức “Pháp thể kinh an, chúng sanh dị độ”. Kính chúc toàn thể đạo tràng “Vô lượng an lạc, cát tường như ý”. Nguyện cầu Tam Bảo gia hộ cho thế giới hòa bình, quốc gia hưng thịnh và tất cả chúng sanh đều được an vui hạnh phúc. Một lần nữa, kính chúc Đại lễ Kỷ niệm 35 năm thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam được thành tựu mỹ mãn.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Ni trưởng Thông Liên

Trưởng Phân đoàn 1 Ni – GĐ IV

Trụ trì Tịnh xá Ngọc Bình, Dĩ An

Tài liệu tham khảo

Tổ sư Minh Đăng Quang. Chơn lý, tập 1. Hà Nội: Nxb. Tôn giáo, 2009.

HT. Thích Minh Châu dịch. Trường Bộ Kinh. Viện Nghiên Cứu Phật Học VN ấn hành, 1991.

HT. Thích Minh Châu dịch. Trung Bộ Kinh. Viện Nghiên Cứu Phật Học VN ấn hành, 1992.

HT. Giác Toàn. Lời Cẩn bạch Chơn Lý, tập 1. Hà Nội: Nxb Tôn giáo, 2009.

HT. Viên Minh. Sách học Kinh Tụng Pāḷi. Chùa Huyền Không ấn hành.

Bhikkhu Bodhi. A Comprehensive Manual of Abhidhamma. Sri Lanka: Buddhist Publication Society, 1993.

Bhikkhu Bodhi. Aims of Buddhist Education (Mục tiêu của Giáo dục Phật giáo). Sri Lanka: Buddhist Publication Society, 1997.

Babu. Life - A Mystery (Cuộc sống - Một điều bí ẩn). New Delhi: Education Publishing, 2011.

Mac Anderson. Điều kỳ diệu của thái độ sống. Nxb tp. Hồ Chí Minh, 2013.

 


[1] HT. Giác Toàn, Lời cẩn bạch Chơn Lý, tập 1 (Hà Nội: Nxb. Tôn giáo, 2009), tr. ix.

[2] Bhikkhu Bodhi, Aims of Buddhist Education (Sri Lanka: BPS, 1997), Newsletter Essay No. 35.

[3] Tổ Sư Minh Đăng Quang, Chơn Lý, tập 1 (Hà Nội: Nxb Tôn giáo, 2009), tr. 436-437.

[4] Sđd, tr. 439

[5]Babu, Life- A Mystery (New Delhi: Education Publishing, 2011), tr. 126.

Kinh Đại Bát Niết-bàn (HT. Thích Minh Châu dịch, Trường Bộ Kinh, Viện Nghiên Cứu PHVN, 1991 , tr. 134-135) có nói đến việc Đức Phật dạy Tôn giả A-nan đi lấy nước cho Ngài uống, Tôn giả A-nan cũng đi lấy đến lần thứ ba mới có nước trong cho Phật uống, nhưng bài kinh này không đề cập đến lời Phật dạy sau khi có nước trong.

[6] Bhikkhu Bodhi, A Comprehensive Manual of Abhidhamma (Sri Lanka: BPS, 1993), tr. 238.

[7] Tổ Sư Minh Đăng Quang, Chơn lý, Tập 1 (Hà Nội: Nxb Tôn giáo, 2009), tr. 430, 431.

[8] Sđd, tr. 432.

[9] Sđd

[10] Sđd, tr. 433-434.

[11] HT. Viên Minh, Sách học kinh tụng Pāi (Chùa Huyền Không ấn hành), tr. 52.

[12] Tổ Sư Minh Đăng Quang, Chơn Lý, tập 1 (Hà Nội: Nxb Tôn giáo, 2009), tr. 429.

[13] Sđd, tr. 434.

[14] Sđd, tr. 430-431.

[15] HT. Thích Minh Châu dịch, Trung Bộ Kinh (Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam ấn hành, 1992), tr. 129.

[16] Mac Anderson, Điều kỳ diệu của thái độ sống (Nxb TP. Hồ Chí Minh, 2013), tr. 6.

[17] Tổ Sư Minh Đăng Quang, Chơn Lý, tập 1 (Hà Nội: Nxb. Tôn giáo, 2009), tr. 436.

[18] Sđd, tr. 447.