Chư tôn đức lãnh đạo Hệ phái thăm Hạ trường TX. Ngọc Viên

Với sứ mệnh của vị “Sứ giả Như Lai” nên vào ngày 19/05/Ất Mùi (2015), chư Tôn đức lãnh đạo Hệ phái đã không ngại gian lao, không nề khó nhọc, các ngài đã quang lâm đến trường hạ Tổ đình Tịnh xá Ngọc Viên để viếng thăm và có những lời pháp nhũ khuyến tấn chư Tăng Ni hành giả đang nỗ lực tu tập để giữ tròn lý tưởng xuất gia cao thượng và đoạn trừ những tham sân, phiền não nhằm tiến đến con đường giải thoát cho tự thân cũng như làm mô phạm cho chúng sanh nương tựa.

Quang lâm về Hạ trường có Hòa thượng Giác Toàn – Phó Chủ tịch HĐTS TWGHPGVN, Phó Trưởng ban giáo dục Tăng Ni Trung Ương, Thường trực lãnh đạo Hệ phái Khất sĩ, Trụ trì Pháp viện Minh Đăng Quang – TP. HCM; cùng viếng thăm đạo tràng an cư có Hòa thượng Giác Pháp - Ủy viên thường trực trung ương GHPGVN, Phó ban nghi lễ Trung ương, Chánh thư ký Hệ phái Khất sĩ, trụ trì Tịnh xá Ngọc Hiệp – Tiền Giang.

01

02

03

Trong buổi viếng thăm, Hòa thượng Giác Toàn đã sách tấn chư hành giả qua 2 bài kinh trong hệ thống kinh A Hàm. Qua bài kinh Luyện Kim (Tạp A Hàm), Hòa thượng đã nhắc nhở Tăng Ni không chỉ cạo đi mái tóc bên ngoài là đủ mà phải phủi đi tơ lòng quấn chặt, nghiệp ác bất thiện, những tà kiến bên trong mỗi người, cũng giống như người luyện kim giỏi là phải loại bỏ đi đá vụn, đất rắn, cát sạn thô, bụi bặm, cát mịn, đất đen cho đến loại bỏ đi cáu bợn có màu như vàng ròng để trở thành thuần tịnh, nhu nhuyễn và dễ sử dụng để làm nên đồ trang sức quý báu. Cũng vậy, người tu cần phải lọc hết những cáu bợn phiền não ẩn sâu bên trong từ nhiều đời nhièu kiếp để được an lạc trong hiện đời và giải thoát trong tương lai.

Và qua bài kinh Mã Ấp (II) – Trung A Hàm, Hòa thượng nêu lên vai trò của người tu phạm hạnh phải làm như thế nào cho đúng với tên gọi của mình. Người xuất gia phải học đạo hạnh của người xuất gia, phải đình chỉ, xa lìa, tắm rửa sạch các ác pháp, các pháp bất thiện, các lậu ô uế, các gốc rễ phiền não khổ đau thì mới xứng với tên gọi là Sa-môn Thích tử.

Sau đó Hòa thượng Giác Pháp đã hướng dẫn cho Tăng Ni thấy rõ con đường xuất gia giải thoát cao thượng qua chủ đề “Lý tưởng của người xuất gia”. Chủ đề có ba phần chính mà chư hành giả cần quan tâm, 1/ ý nghĩa sự xuất gia, 2/ lý tưởng của người xuất gia, 3/ nguyên nhân xói mòn và chất liệu nuôi dưỡng tâm Bồ-đề.

04

05

06

Trong buổi nói chuyện đầu tiên, Hòa thượng đã khẳng định con đường xuất gia thật là thanh thoát nhẹ nhàng “phóng khoáng như hư không”, vì người xuất gia đã khước từ cuộc sống phiền trược của thế gian để sống đời sống thanh cao giải thoát. Bằng những hình ảnh sinh động như đức Phật hướng dẫn cho Nan đà xuất ly những trói buộc của tham ái khổ đau, hay hình ảnh Tôn giả Ratthapala ra khỏi ngôi nhà phiền não của thế gian. Cũng như Tổ Quy Sơn: Phù xuất gia giả, phát túc siêu phương, tâm hình dị tục, thiệu long Thánh chủng, chấn nhiếp ma quân, dụng báo tứ ân, bạt tế tam hữu”. Và kế đến Hòa thượng đã mượn hình ảnh cây sen qua bài Chơn lý “Trên mặt nước” để khuyến tấn Tăng Ni tu học phải vượt lên những thứ tầm thường trong cuộc sống để xứng đáng là người xuất gia phạm hạnh. Sen vượt lên trên cao không trung, là bậc xuất gia giải thoát, khất sĩ, nhà sư. Lời nói của người tu ví như hoa sen, việc làm của người tu ví như lá sen, ý niệm của người tu ví như gương sen. Cả thảy các pháp đều ở trên cao không trung, và không còn phải ô nhiễm nước bùn theo thế sự”.

Qua một ngày tu học, chư hành giả rất hoan hỷ và cảm nhận được sự may mắn khi được tắm mình trong dòng sữa pháp ngọt ngào của chư Tôn đức giảng dạy. Và chính đây cũng là nguồn động lực cho người xuất gia tiến đến mục tiêu phạm hạnh, như đức Tổ sư đã dạy: “Bất thoái chuyển đạo là đắc đạo”.

07

08