Chư vị Đại đức trong Ban quản chúng chia sẻ với hành giả khóa “Bồi Dưỡng Đạo Hạnh” lần 2

Sáng, ngày 04/07/Bính Thân (nhằm ngày 06/08/2016) tại giảng đường Pháp viện Minh Đăng Quang, thành phố Hồ Chí Minh, ĐĐ. Minh Viên, ĐĐ. Minh Khải, ĐĐ. Minh Điệp đã chia sẻ với hội chúng khóa Bồi Dưỡng Đạo Hạnh lần thứ 2.

Đại đức Minh Khải chia sẻ về lời dạy của đức Tổ sư qua phần “Nói” trong phần Thập Lục Hạnh: “Nói rất ít, ngậm miệng cắn răng, tìm cách tránh nói, cực chẳng đã nói với ai năm sáu câu trở lại thôi. Nên tập nói pháp, chớ nói thế sự, chiến tranh, tôn giáo, chê bai bói khoa, khoe khoang, nói dối, đâm thọc, rủa sả, nói giễu cợt lời vô ích… Nên khen người mà chớ a dua nịnh bợ, nên luận đạo mà chớ tranh cãi chớ nói việc ai ai. Nói pháp không quá một giờ đồng hồ, đọc kinh thầm nho nhỏ, mỗi lần nửa giờ thôi.”

sadiHP 5

Lời nói là tối quan trọng trong cuộc sống giao tiếp hàng ngày, chính vì thấy rõ nên Cổ đức dạy rằng: “Họa tùng khẩu xuất, bệnh tùng khẩu nhập”, và đức Tổ sư dạy trong bài kệ Khẩu:

“Họa tai vì miệng mà nên

Bịnh căn vì miệng mà rên phù trầm.”

Và không chỉ mang lấy khổ sầu ở hiện tại mà lời nói xấu, quấy, ác đưa chúng sanh luân hồi trong sáu nẻo. Vì vậy, thế nhân cũng nhắc chúng ta “uốn lưỡi bảy lần trước khi nói”, và đức Tổ khuyên ta nên phải cân nhắc trước khi mở lời:

“Mở lời trước phải xét suy

Rằng ta cất tiếng, ích chi chăng là?”

Còn đối với đức Phật, Ngài dạy cụ thể hơn qua bài kinh Ví Dụ Cái Cưa (Trung Bộ kinh số 21): “Chư Tỷ-kheo, khi nói với các người khác, các Ông có thể nói đúng thời hay phi thời. Chư Tỷ-kheo, khi nói với các người khác, các Ông có thể nói lời chơn thực hay nói lời không chơn thực. Chư Tỷ-kheo, khi nói với các người khác, các Ông có thể nói lời nhu nhuyễn hay nói lời thô bạo. Chư Tỷ-kheo, khi nói với các người khác, các Ông có thể nói lời lợi ích hay nói lời không lợi ích. Chư Tỷ-kheo, khi nói với các người khác, các Ông có thể nói với từ tâm hay với sân tâm.”

Người xuất gia thì phải nói đúng thời, nói lời chơn thực, nhu nhuyễn, lợi ích, từ tâm để mang đến an lạc cho bản thân và tha nhân.

sadiHP 6

Đại đức Minh Điệp hướng dẫn bài kinh Bộc Lưu trong Tương Ưng bộ kinh cho hội chúng hành giả khóa tu. Đại đức đã định nghĩa bộc lưu là thác nước chảy xiết (bộc: thác nước, lưu: dòng nước chảy). Và có ý nghĩa sâu sắc hơn là dòng thác cuộc đời xô đẩy chúng sanh tạo nghiệp luân hồi khổ đau không biết lúc dừng nghỉ.

Tiếp theo Đại đức phân tích rõ về dòng thác dục vọng, dòng thác hành nghiệp, dòng thác của sanh, lão, bệnh, tử và phương hướng đoạn trừ, cũng như vượt qua những dòng thác hiểm nguy đó.

Dục vọng là điều ham muốn của con người về 5 món dục: sắc, tài, danh, thực, thùy (ngũ dục). Hành nghiệp dựa trên thân nghiệp, khẩu nghiệp, ý nghiệp (tam nghiệp). Còn về sanh, già, bịnh, chết là quy luật tự nhiên không chừa một ai trên thế gian này, hễ có sanh thì cái chết phải kéo tới. Muốn thoát ra khỏi những dòng thác khổ đau này thì chư vị hành giả phải nỗ lực tu tập để đạt đến trí tuệ như thật, như đức Thế Tôn đáp lại câu hỏi của vị Tiên: “Thưa Tôn giả, làm sao Ngài vượt khỏi bộc lưu?

- Này Hiền giả, không đứng lại, không bước tới, Ta vượt khỏi bộc lưu.

- Thưa Tôn giả, làm sao không đứng lại, không bước tới, Ngài vượt khỏi bộc lưu?

- Này Hiền giả, khi Ta đứng lại, thời Ta chìm xuống. Này Hiền giả, khi Ta bước tới, thời Ta trôi giạt; do vậy, này Hiền giả, không đứng lại, không bước tới, Ta vượt khỏi bộc lưu.”

Đối với đức Thế Tôn đã giác ngộ hoàn toàn các lậu hoặc, phiền não khổ đau nên Ngài không còn ý niệm gì về quá khứ, tương lại mà chỉ sống tĩnh lặng, sáng suốt trong giây phút hiện tại. Vì vậy, đức Thế Tôn vượt khỏi vòng xoáy của ngũ dục, nghiệp lực, sanh tử.

Chúng ta là những người tu theo pháp của đức Phật thì phải tinh cần, tinh tấn công phu để thoát khỏi bộc lưu nguy hiểm này.

sadiHP 4

Cuối cùng, Đại đức Minh Viên thuật lại câu chuyện Liêm Pha và Lạn Tương Như:

Lạn Tương Như sau đi gặp vua Tần và thành công trở về thì được vua Triệu cất nhắc, địa vị của ông ở trên võ tướng Liêm Pha. Vì thế Liêm Pha rất bất mãn rồi tìm mọi cách quyết làm nhục Lạn Tương Như. Khi Tương Như biết vậy, ông tìm mọi cách để tránh mặt Liêm Pha.

“Một hôm, Tương Như đi ra trông thấy Liêm Pha, Tương Như quay xe tránh. Những người môn hạ bèn cùng nhau nói:

Chúng tôi sở dĩ bỏ thân thích đến thờ ngài chỉ vì mến nghĩa của ngài. Nay ngài và Liêm Pha cùng ngang hàng, Liêm Pha thì rêu rao nói xấu mà ngài lại sợ trốn tránh ông ta, sợ sệt quá đáng, người thường còn lấy làm xấu hổ, huống hồ là bậc tướng quốc, tướng quân! Bọn chúng tôi bất tài, xin từ giã về.

Tương Như cố cản lại, nói:

Các ông xem Liêm tướng quân có bằng vua Tần không?

Không bằng.

Oai như vua Tần mà Tương Như dám gào thét ở giữa triều đình, làm nhục cả quần thần. Tương Như tuy hèn nhát há sợ Liêm tướng quân sao? Nhưng ta nghĩ rằng nước Tần sở dĩ mạnh, không đem binh lính đánh Triệu vì có ta cùng Liêm tướng quân. Nay hai con hổ đánh nhau, thế nào cũng không sống được cả, cho nên ta phải làm như thế, vì nghĩ đến việc cấp bách của nước nhà trước mà gác việc thù riêng đó thôi.

Liêm Pha nghe lời mọi người thuật lại như vậy, tự biết mình có lỗi, bèn cởi trần mang roi nhờ tân khách đưa đến cửa nhà Lạn Tương Như tạ tội.

Từ đó hai người cùng nhau vui vẻ làm bạn sống chết có nhau. Nước Triệu có hai tướng văn võ phò trợ nên được vững mạnh, không bị Tần lấn chiếm.”

Qua câu chuyện trên, Đại đức muốn gởi gấm đến chư huynh đệ tân học phải tinh cần tu tập vì lý tưởng cao thượng, lớn lao mà dẹp bỏ đi cái tâm nhỏ nhặt, tị hiềm. Có như thế thì tâm đạo của người xuất gia mới được tăng trưởng về lòng từ, tri kiến và giải thoát .

sadiHP 1

sadiHP 3

sadiHP 2