Chương trình và nội dung tu học trong khóa bồi dưỡng đạo hạnh cho Sa-di lần thứ 10

IMG 3399

Trên tinh thần “Truyền đăng tục diệm, Kế vãng khai lai, Báo Phật ân đức”, đức cố Hòa thượng Giác Dũng cùng chư Tôn đức lãnh đạo Giáo đoàn đã vì sự nghiệp của Tăng đoàn, vì tương lai của những mần non trong giáo pháp, các ngài đã khai lập khóa bồi dưỡng đạo hạnh dành cho Sa-di, Sa-di-ni và Tập sự nam nữ để nuôi và dưỡng những hạt bồ đề mới nảy nở này. Và năm nay nhân dịp tưởng niệm ngày đại tường của cố Hòa thượng Đệ tứ Trưởng giáo đoàn, chư tôn đức giáo phẩm lãnh đạo đã đồng thuận và chỉ dạy cho đạo tràng Tịnh xá Ngọc Chánh tổ chức khóa bồi dưỡng đạo hạnh lần thứ mười từ ngày 13/2 đến ngày 23/2/ Ất Mùi, nhằm chỉ dạy cho lớp hậu học tri ân bằng cách lấy công năng việc tu tập qua khóa bồi dưỡng để tưởng nhớ và dâng cúng lên đức cố hòa thượng.

Kính bạch quý ngài,

Về căn bản trong khóa tu lần này cũng như 9 khóa trước về nội quy, thời khóa tu học và thức chúng từ lúc 3h30 và kết thúc vào 21h30, chỉ có chút điều chỉnh là tăng thêm giờ trùng tuyên lại lời dạy của đức Tổ sư, sau giờ tụng kinh và trước giờ sám hối, bằng cách đọc thuộc lòng các quyển Chơn Lý do đức Tổ sư biên soạn. Đây là một sự nỗ lực rất lớn trong việc tu học của hành giả tham dự khóa tu. Đặc biệt hơn những vị trùng tuyên lại có rất nhiều vị mới xuất gia cho đến các điệu (2 điệu và 8 mỹ) còn khá nhỏ tuổi đời. Và trong khóa này cũng nhận được sự quan tâm giúp đỡ và chia sẻ về chính sách pháp lệnh của nhà nước đối với Tôn giáo của Sở nội vụ tỉnh Đaklak.

Về phần chương trình tu học:

Đêm trước khi khai mạc khóa tu, các hành giả đã tập trung để được nghe lời sách tấn giáo huấn của Hòa thượng Giác Thuận, Tri sự trưởng của giáo đoàn. Hòa thượng đã nhắc lại ân đức và mục đích mà cố Hòa thượng Giác Dũng cùng chư Tôn đức lãnh đạo Giáo đoàn đã khai lập khóa bồi dưỡng đạo hạnh để khuyến tấn sự tu học của hội chúng, và nhằm đáp đền thâm ân của cố Hòa thượng nhân ngày lễ đại tường của Ngài. Sau đó Hòa thượng khuyên nhắc các hành giả cố gắng đem những lời dạy của chư tôn đức giáo thọ sư cũng như những bài học học Sa-di, những câu chú nguyện…vào ngay trong cuộc sống thường nhật để phát triển chánh niệm và hoàn thiện đời sống phạm hạnh.

Sau giờ khai mạc khóa bồi dưỡng đạo hạnh, Hòa thượng Giác Chí, UV HĐTS, Phó Thường trực BTS GHPGVN tỉnh Đăk Lăk, trú trì Tịnh xá Ngọc Thạnh đã chứng minh và sách tấn chư hành giả tham dự khóa tu nên cố gắng tinh chuyên hành trì Giới Định Huệ mà chư tôn đức lãnh đạo đã truyền trao để thăng tiến tâm hành trên đạo lộ giải thoát và hoàn thiện đời sống giới hạnh của vị Sa-môn Thích tử.

Vào buổi chiều Đại đức Giác Phổ đã giảng về “Trụ xứ và Hành xứ” của người xuất gia. Đại đức đã dẫn chứng bài kinh Mã Ấp trong Trung A-hàm để phân tích cho hội chúng thấy được trụ xứ và hành xứ của người tu theo lời Phật dạy. Con đường ấy được phải được đặt trên căn bản của Giới, để từ đó đưa đến sự hoàn thiện giới hạnh và phạm hạnh. Và con đường này được hỗ trợ qua phương pháp phòng hộ lục căn. Điều này được Đại đức minh chứng bằng ví dụ con chim cút trong kinh tạng để hành giả ý thức rõ sự thiếu phòng hộ sẽ dẫn đến hậu quả ra sao, và để từ đó đi đến sự thanh tịnh nơi tam nghiệp. Đồng thời chính việc sống trong giáo pháp mới là trụ xứ của người xuất gia, và hoạt dụng của thân khẩu ý thanh tịnh không tỳ vết chính là hành xứ của người xuất gia. Đây chính là đạo lộ căn bản để hoàn thiện đời sống phậm hạnh Sa-môn mà Đại đức đã gửi đến với đại chúng.

Đến ngày thứ 2, buổi sáng Ni trưởng Hiệp Liên đã chia sẻ với Ni chúng về nhân duyên hình thành Ni chúng xuất gia và tinh thần lợi ích của việc hành trì Bát kỉnh pháp. Sau đó Ni trưởng đã gửi đến hội chúng pháp tinh tấn trong việc tu học. Ni trưởng đã triển khai từ Duy thức đến Bát chánh đạo nhằm minh họa và làm rõ tinh thần tinh tấn. Đồng thời Ni trưởng đã trích dẫn những ví dụ được đức Phật chỉ dạy trong kinh tạng cũng như câu chuyện thực tế trong đời sống tu học mà Ni trưởng đã chứng kiến để giúp cho hành giả thấy rõ và ý thức hơn về nghiệp lực, cũng như củng cố thêm niềm tin nơi giáo pháp, nhằm thăng tiến trên con đường tu học.

Cũng trong buổi sáng này, Hòa thượng Giác Toàn, giáo phẩm thường trực Hệ phái đã viếng thăm và sách tấn đại chúng tu học trong khoảng 1 tiếng đồng hồ. Ngài đã truyền trao cho đại chúng phương pháp làm sạch vườn tâm để làm tốt giai đoạn chuẩn bị cho chuyến hành trình vượt qua 3 vị ma vương đầy gian khó. Hòa thượng đã nhấn mạnh đến con đường Giới Định Tuệ để làm sạch và đẩy lùi tham sân si cùng đạo quân thất tình lục dục của ma vương. Sau đó Hòa thượng đã dẫn chứng những hình ảnh cụ thể để minh họa cho hội chúng thấy rõ vấn đề, nhằm sách tấn và nâng cao tinh thần tu học nơi mỗi hành giả.

Buổi chiều Hòa thượng lại đến với hội chúng bằng bài pháp về truyền thống người Khất sĩ qua hai bài kệ Thân và Khẩu được đức Tổ sư biên soạn cho chúng đệ tử nương vào đó mà tu học. Hòa thượng đã dùng kinh nghiệm tu tập của mình để phân tích và làm rõ những ý pháp trong hai bài kệ đó để giúp hành giả ý thức và nhận rõ hơn về con đường quán chiếu ngang qua tự thân mà bài kệ đã chỉ dạy. Ngài nhấn mạnh mỗi lời mỗi câu trong bài kệ đều có ích, và là pháp quán chiếu để nhận chân bản chất của sự sống, cũng là lộ trình chứng nghiệm của tự thân.

Đến ngày thứ 3, Hòa thượng Giác Phương đã phân tích và triển khai truyền trao cho hội chúng những ý pháp trong bài “Thọ bát” và “Lục hòa” đã được đức Tổ sư biên soạn cho chư đệ tử hành trì thời độ ngọ. Hòa thượng nhấn mạnh đến thâm ân của đàn na tín chủ để hội chúng thấy rõ mà nỗ lực tu học nhằm báo đáp tứ trọng ân. Đồng thời cũng là sự khuyến tấn chư hành giả tham dự nỗ lực hoàn thiện đời sống phạm hạnh Sa-môn, để khỏi cô phụ thâm ân của Tổ Thầy khai sáng và vun bồi. Cuối cùng Hòa thượng chỉ dạy cho pháp hành sống hòa hợp thông qua bài Lục hòa để thực hiện tinh thần sống chung tu học như Tổ sư đã truyền trao.

Buổi chiều Hòa thượng đã gửi đến hội chúng đoạn đầu của Kinh Phước Thí trong Luật Nghi Khất Sĩ. Hòa thượng đã phân tích ý pháp thành kính và quên mình trong hai câu đầu của bài kinh. Ngài phân tích cho hội chúng thấy yếu tố thành kính có giá trị ra sao đối với con đường tu học và làm nền tảng cho pháp tu quên mình. Kế đó Hòa thượng triển khai tinh thần quên mình để là cội phước.

Sáng ngày thứ 4, Đại đức Giác Hành đã đến với hội chúng bằng đề tài “Nét đẹp của người tu sĩ qua oai nghi tế hạnh”. Đây là những bài học căn bản cho con đường tu học. Đại đức đã sử dụng những bài học Sa-di trong Luật Nghi Khất Sĩ như Sa di thờ thầy, Vào chúng ăn, Đi khất thực… để nhắc nhở và khơi lại những ý pháp mà Tổ sư đã chỉ dạy nhằm làm nổi bậc lên những nét đẹp của oai nghi. Đồng thời Đại đức dẫn chứng bằng những ví dụ cụ thể trong cuộc sống thực tế để giúp cho hành giả ý thức rõ hơn về con đường hoàn thiện nhân cách giới hạnh của người xuất gia và cảm nhận được cái đẹp của oai nghi qua thân hành.

Đến ngày thứ 5, Đại đức Giác Nhường đã chia sẻ với hội chúng về tinh thần tu học và con đường hoàn thiện đời sống phạm hạnh qua lời dạy của đức Tổ sư trong quyển Chơn Lý Đi Tu: “Tài học sao cho bằng đức hạnh. Đức hạnh mới được bền dài cao quý. Thế thì chúng ta phải tu, tu trước đã. Hãy xét ngó tâm mình, đừng ngó việc người. Hạnh phúc của ta ở nơi tâm ta. Sự nghiệp của ta lớn nhỏ là tùy nơi tâm ta lớn nhỏ.” Đại đức đã mượn lời dạy của Tổ để khẳng định con đường tu là phải lấy đức làm trọng chứ không phải lấy tài. Và con đường đó là phải biết đoạn trừ sự phóng dật giãi đãi, đặc biệt là hãy quán chiếu lại nơi thân tâm mình để hoàn thiện sự nghiệp giải thoát, và không đừng nên nhìn lỗi người để đoạn trừ sự giãi đãi dể duôi cống cao ngã mạn như đức Phật Ca La Tôn Đại đã dạy trong Luật Nghi Khất Sĩ: “Ở chung trong giáo hội, chớ nên làm nặng lòng ai hết. Chớ xem coi họ có làm hoặc không làm, mà phải lo lấy mình, xét coi đạo hạnh của mình có vẹn toàn hay không”.

Đến chiều ngày thứ 6, Ni trưởng Cảnh Liên đã chia sẻ với hội chúng bằng mẫu chuyện nói về cuộc đàm thoại giữa đức Thế Tôn với Tôn giả A-nan về những thửa ruộng khi đứng trên đỉnh núi linh thứu, và là nhân duyên để hình thành phước điền Y như trong Luật tạng đã đề cập. Qua mẫu đàm thoại Ni trưởng đã gửi đến hội chúng những đức tính cần có của một người khoát lên mình chiếc phước điền Y như giới hạnh đoan nghiêm, thực hành đời sống viễn ly, sống phòng hộ, thanh tịnh tâm….và sau đó Ni trưởng liên hệ đến những kinh nghiệm tu tập thực tế để giúp cho hội chúng thấy được giá trị của việc tu tập và ý thức được việc mình đang khoát chiếc huỳnh y hay là ruộng phước của chúng sanh, nhằm khơi lại ý thức về việc hoàn thiện đời sống giới hạnh, để xứng đáng là ruộng phước của thế nhân.

Qua ngày thứ 7, Đại đức Giác Kiến đã đến với hội chúng thông qua hai bài kinh: Kinh Ratthapàla và kinh Đại thí dụ lõi cây. Qua đó Đại đức chia sẻ cho đại chúng thấy hình ảnh, mục đích của người xuất gia như hình ảnh của Tôn giả Ratthapàla thà chết để được xuất gia chứ không theo con đường thế nhân, để từ đó giúp cho hàng xuất gia tân học ý thức hơn về con đường mà mình đã chọn, và đồng thời nâng cao nhận thức về giá trị của việc xuất gia. Kế đó Đại đức trình bày về lộ trình tu học để đạt đến mục đích giải thoát tối hậu thông qua bài kinh lõi cây, một tiến trình tu tập ngang qua Giới Định Tuệ để đạt đến phạm hạnh viên mãn. Đồng thời nêu lên tinh thần không nên bám níu tự mãn và dừng lại trên lợi dưỡng hay bất kỳ một cấp bậc nào của lộ trình tu học mà phải tinh chuyên để đạt đến sự giải thoát.

Đến ngày thứ 8, Thượng tọa Giác Minh đã đến thăm và sách tấn hội chúng tu tập, để giúp cho đại chúng vững niềm tin nơi Tam bảo và giáo pháp Khất sĩ. Sau đó Thượng tọa đã giảng dạy cho đại chúng về tinh thần và ý nghĩa của bài “Giáo hội Tăng già Khất sĩ” trong Luật Nghi Khất Sĩ để thấy được nguyên tắc, tinh thần và trách nhiệm của người xuất gia, đây cũng chính là giáo lý muôn năm để đến với sự nghiệp trí tuệ và hoàn thành đời sống phạm hạnh. Đặc biệt qua đây nhấn mạnh đến mục đích của việc xuất gia, tôn chỉ của đạo, và tại sao mình lìa bỏ cảnh thế? Đến cuối ngày, Thượng tọa còn bi mẫn chứng minh cho hội chúng sám hối những lỗi lầm, những thiếu sót trong sự tu tập của hành giả, và qua đó chỉ dạy cho hàng xuất gia tân học những kinh nghiệm sống thực tế trong con đường tu học cũng như hành đạo.

Đến chiều ngày thứ 9, Thượng tọa Giác Duyên đã chia sẻ với hội chúng tư tưởng Phật học qua quyển Võ Trụ Quan trong bộ Chơn Lý do đức Tổ sư biên soạn. Qua đây Thượng tọa phân tích làm rõ tinh thần nhân duyên và thấy được tính chất tương đãi của vạn vật, hai mặt có không, lý sự để đi đến bản chất của các pháp và nhận chân Tánh không trong chúng.

Cuối khóa Hòa thượng Giác Tần đã viếng thăm và sách tấn hội chúng về đời sống tu tập của người xuất gia qua môi trường sống chung tu học và phương pháp chuyển hóa những bất thiện pháp qua tư tưởng “huân tập” của duy thức. Môi trường sống chung của khóa tu chính là điều kiện tốt lành để huân tập những yếu tố hình thành nên đời sống giới hạnh của vị Sa-môn, để rồi đẩy lùi những tập khí đã được huân tập trong thời gian lăn lộn với cuộc sống thế nhân, và cũng là nơi nuôi dưỡng, phát triển bồ đề tâm mà hành giả đã phát khởi khi xuất gia tu Phật, nhằm hoàn thành chí nguyện xuất trần để đáp đền tứ trọng ân.

Cuối cùng Đại đức Giác Hoàng đã đồng hành cùng tu tập với hội chúng. Đại đức đã nương vào thân hành của đại chúng mà chỉ bày cho các vị xuất gia tân học thấy được những khiếm khuyết nơi thân hành từ oai nghi cho đến việc lễ lạy tụng niệm.... ở đây Đại đức đã sử dụng bài kinh xóm ngựa trong tạng Nikaya để nhấn mạnh đến yếu tố giới cụ túc mà một người xuất gia cần phải hoàn thiện trên bước đường tu tập nhằm hỗ trợ cho sự phát triển tâm định và tuệ. Đồng thời chính sự tỉnh thức trên những oai nghi như đi đứng nằm ngồi đó sẽ giúp cho hành giả hoàn thiện yếu tố giới hạnh, và đặc biệt là bước đệm căn bản cho sự phát triển tâm chánh niệm và sự tỉnh thức trên mọi thân hành. Đồng thời Đại đức đã trích dẫn bài kinh Niệm Xứ để làm rõ con đường tu tập và 4 phương pháp để phát triển tâm chánh niệm ngay trong mọi thân hành của cuộc sống thường nhật.

Kính bạch quý ngài, trên đây là nội dung và chương trình tu học của khóa bồi dưỡng đạo hạnh dành cho hàng Sa-di, Sa-di-ni và nam nữ tập sự lần thứ 10 này, giờ đây chúng con xin kính trình lên để quý ngài liễu tri và chứng minh cho thành quả của khóa tu.