Chuyện nhà tôi

me2Bất cứ ai trên đời đều mong muốn có được một gia đình êm ấm và hạnh phúc. Nhưng "Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh", đối với tôi ước muốn có một gia đình hòa thuận là một điều quá xa xỉ. Chúng ta đến với thế giới này, không có bất kì ai có thể lựa chọn bố mẹ hay ông bà, anh chị em để đầu thai được. Đó là định mệnh đã gắn kết những người được gọi là máu mủ ruột rà lại với nhau, dù cho vật đổi sao dời cũng không thể thay đổi quan hệ huyết thống khăng khít. Gia đình là một tế bào của xã hội, là cái nôi nuôi dưỡng tâm hồn của mỗi con người. Nhưng nếu cái nôi ấy chỉ nuôi dưỡng những bi kịch, thương đau thì quả là bất hạnh cho cả một gia đình nhiều thế hệ như chuyện nhà của tôi.

Mẹ của tôi năm nay 49 tuổi, còn Ba 53. Họ kết hôn với nhau khi Mẹ tôi 19, đã 30 năm trôi qua và thành quả của cuộc hôn nhân đó chính là bốn anh chị em của tôi. Ba Mẹ tôi đã từng có những năm tháng thật hạnh phúc, có lẽ nếu mãi được như thế thì tốt biết mấy. Nhưng sự đời mấy ai học hết chữ ngờ. Lúc tôi còn là cô bé 6 tuổi, tôi luôn ao ước có được một đứa em gái để ẵm bồng, vui đùa trong khi Ba Má đều không muốn sinh vì đã có 3 đứa con. Cứ đợi có khách đến nhà lại ra làm nũng, kéo tay, ôm chân của Má một mực sinh em bé. Và rồi tôi được như ý nguyện, Mẹ tôi mang thai. Mọi bi kịch cũng bắt đầu từ ngày đó, khi bà đang bụng mang dạ chửa đứa em út, cũng là lúc Ba tôi bắt đầu đi bồ bịch, cờ bạc, ăn nhậu nhiều hơn, bỏ bê công việc, những tiếng cãi vã mỗi ngày đã in sâu trong tiềm thức của mỗi thành viên trong gia đình.

Ba tôi dần dần rơi vào con đường tội lỗi, hết lần này đến lần khác phản bội Mẹ tôi. Chưa dừng ở đó, tài sản của cải bắt đầu bán dần đi mất. Cuộc đời của Mẹ có thể nói là một người phụ nữ bất hạnh nhất trên thế giới này khi có một người chồng cứ chờ đến lúc heo lớn, bò lớn lại đem xe máy đi thế chấp, sau nhiều lần mẹ giận nên bán đi; một người chồng mà mỗi đêm đều tra tấn lỗ tai của bà vì những chuyện ngoài xã hội và những câu như thương Mẹ tôi nhất, mấy cô bồ đó nhì. Đặc biệt là Mẹ làm dâu của ông nội tôi, mà phải nói khó tính gấp 10 lần những bà mẹ chồng khó tính nhất trên đời. Ông nội luôn chửi mắng, có lúc lấy cây đánh Mẹ vì tội để hở cơ chỗ giấu tiền để Ba chôm đi cờ bạc. Ngày xưa, tôi chỉ là một đứa trẻ ngây thơ, non nớt làm sao có thể hiểu được nỗi khổ tâm của một người mẹ, một người vợ, một người con dâu khi phải gánh vác bao nhiêu việc, chịu bao nhiêu thiệt thòi.

Mẹ tôi có một đức tính ít người phụ nữ có được, đó là khi biết được tình nhân của Ba, Mẹ không hề làm ầm lên để giữ hạnh phúc gia đình mà chỉ đi tìm họ nói chuyện một cách nhẹ nhàng khuyên giải. Nhưng bản chất của một người đàn ông đào hoa, thích tỏ ra sành sỏi mọi thứ thì sự tha thứ và nhượng bộ chỉ khiến họ càng được nước lấn tới. Con người ta ai cũng có điểm yếu, và điểm yếu chí mạng của Mẹ lại là muốn gia đình được hòa thuận nên chỉ có thể ngậm đắng nuốt cay, nhịn nhục sống vì con. Có nhiều lúc tôi tự hỏi có phải do chính tôi là người đã góp phần tạo nên tấn bi kịch ấy kéo dài cho đến tận bây giờ hay không? Vì em trai tôi tuổi Dần, trong khi nhà tôi cộng lại nữa được gọi là "Tứ hành xung", nên có lẽ tôi chính là nguyên nhân đã mang đến bao nhiêu nước mắt, tổn thương cho mọi người trong nhà.

Lúc tôi vừa mới lọt lòng, ông nội liền phán “Con bé là đồ canh cô mồ mả, anh em tan rã, cha mẹ Bắc Nam”. Mà ngẫm lại thật là đúng. Nếu ngày ấy tôi không một mực năn nỉ Mẹ sinh em bé, chắc giờ này cuộc sống thật êm đềm, bình yên chứ không phải là những cơn sóng gió ập đến làm tiêu tan cả một gia đình. Tôi tự dằn vặt mình, cảm thấy đau lòng vì nghe được em trai tôi nói “Nếu như không phải tại chị đòi Mẹ sinh, có lẽ nó đã được sinh ra ở một gia đình khác sung sướng, hạnh phúc hơn nhiều”. Rồi cho đến một ngày, tức nước vỡ bờ, bao nhiêu uất hận, Ba tôi vẫn chứng nào tật nấy, phá phách, trai gái, Mẹ tuyệt vọng đi tìm đến cái chết. Mẹ mua thuốc ngủ rồi uống nhưng thật may, ông Trời thương xót nên uống trúng thuốc giả, nếu không những đứa con thơ mồ côi mẹ. Cuộc sống không khác gì địa ngục trần gian đã khiến cho chúng tôi, ai cũng muốn bỏ nhà ra đi và đôi lúc đau buồn quá lại tự tìm đến cái chết.

Người ta thường nói "Sau cơn mưa trời lại sáng". Nhưng chưa hẳn là như thế, đối với nhà tôi, những con sóng sau lại đẩy những con sóng trước dồn dập hơn. Mọi thứ chỉ là bắt đầu và cũng không bao giờ xác định được hồi kết. Hồi nhỏ thật sự tôi thương Ba hơn thương Mẹ rất nhiều. Vì đơn giản tâm lý của trẻ con vốn rất ngây thơ, ai hay cho quà hay dỗ ngọt, ít la mắng, nó sẽ thương người đó nhiều hơn. Mẹ vì chịu đựng người cha chồng, và người chồng khó tính như thế cũng khiến bà trở nên khó chịu trong việc chi tiêu tiền bạc, hay la rầy con cái.

Có một lần Mẹ sai tôi đi gọi Ba về Mẹ biểu, đương nhiên với một cô bé lớp 2 sẽ nhắc lại nguyên si lời. Nghe câu đó trong lúc đang hăng cờ bạc và trước mặt đám đông, Ba tức giận lôi tôi về rồi bỏ vào bao mì cầm lơ lửng trên tay treo lên một cái giếng, phía dưới toàn là đá bàng và nước. Mẹ và chị cầu xin tha cho tôi, tôi gào khóc sợ hãi, vì chỉ cần một cái thả tay, sinh mạng của tôi kết thúc. Cuối cùng, Ba thả tôi ra, bỏ về phòng đi ngủ, Mẹ la tôi mau đi tắm rửa rồi đi ngủ. “Mà ai bảo mầy ngu quá chi, lại nói về Má biểu”. Trái tim thơ ngây, mong manh của tôi dường như tan nát. Tại sao lại đối xử với tôi vô tình như thế? Nỗi đau thể xác chẳng là cái gì so với nỗi đau về tinh thần. Kể từ ngày đó, một khoảng cách vô hình đã tồn tại chia cắt hai mẹ con càng ngày càng xa. Nó đã trở thành một vết thương lòng không thể nào xóa nhòa. Tôi trở nên khép kín hơn, không hề làm nũng như những đứa con gái khác. Vì dù có sợ hãi hay đau đớn thế nào, liệu có được một lời ngọt ngào quan tâm hay không? Hay chỉ là những câu mắng nhiếc vô tình làm tổn thương con trẻ. Tôi không hề ghét Mẹ nhưng thật sự tôi sợ Mẹ, sợ mỗi lần làm sai, mỗi lần làm nũng chỉ nhận được lời mắng. Dần dần tôi trở nên trầm cảm, cho đến cái tuổi 18 mới biết rằng do bệnh basedow gây ra. Từ khi sinh ra cho đến tận bây giờ, tôi vẫn chưa bao giờ mở miệng hay viết câu "Con thương Mẹ nhiều lắm". Vì thật sự như có cái gì đó chặn ở cuống họng không thể thốt ra thành lời.

Cái vết thương lòng của ngày ấy cũng lành sẹo. Tôi càng ngày càng thương Mẹ nhiều hơn, vì lớn lên con người ta trở chín chắn hơn để nhận ra cái gì là đúng là sai, nhận ra được nỗi khổ tâm của một người đàn bà bất hạnh. Khi chị gái mới nghỉ hè năm thứ nhất Cao đẳng cũng là lúc Ba vỡ nợ chồng chất. Khi nghe tin như sét đánh giữa trời quang vì có bao giờ Ba đưa tiền cho Má đâu, và cũng là lúc tôi biết được mình mắc căn bệnh ấy rất nặng. Chị đòi nghỉ học nhưng Mẹ không cho, bảo cứ yên tâm để Mẹ cùng anh trai và tôi làm trả nợ và nuôi chị, em trai ăn học cùng ông nội. Mẹ vì sợ để người ta biết chuyện Ba vỡ nợ nên im lặng không cho mọi người biết vì sợ sau này anh chị em tôi sẽ không thể lấy vợ, có chồng. Ba Mẹ con làm việc bán sống bán chết mỗi ngày 15, 16 tiếng đồng hồ , thậm chí những hôm mưa đá, bão táp, sấm sét đùng đùng vẫn đi làm như thường. Còn Ba ư? Ba sau khi bỏ trốn một thời gian trở về nhà, sau đó ngựa quen đường cũ, tiếp tục bồ bịch, ăn chơi hết quán này đến quán kia, không làm gì nhưng cứ mỗi lần ăn cơm tối lại hay chửi trong mâm. Đống nợ cứ như niêu cơm Thạch Sanh vơi rồi lại đầy. Lại tức nước vỡ bờ, Ba Mẹ tôi đã ly hôn năm 2012. Nhưng mọi sóng gió chưa từng một ngày lắng xuống, bão tố vẫn đày đọa. Bản thân tôi đã trở thành một con người bất hiếu với Ba bởi luôn bảo vệ Mẹ nên thường hay cãi lại ông.

Chỉ có tôi là người duy nhất có thể bảo vệ cho Mẹ trước tất cả mọi người. Nhưng con chưa bao giờ dám nói lên một câu nói: “Mẹ ơi con yêu Mẹ". Có lẽ con đã sai khi nghĩ, “nên dùng hành động thiết thực, để chứng minh tình yêu đối với bậc sinh thành, thay vì những câu nói ngọt như đường”. Mẹ vẫn cần những lời nói ngọt ngào từ con tim đúng không Mẹ? Mẹ ơi, nay mùa Vu Lan lại đến, con trẻ với tấc lòng thành, mong cho Mẹ luôn khỏe mạnh kiên cường, đủ sức vượt qua những khó khăn của cuộc đời. Bông hoa hồng hôm nay con hạnh phúc cài lên áo, như nhắc nhở rằng: “Con vẫn là người hạnh phúc nhất trần gian, vì con còn có đủ Cha, Mẹ ở trên đời”. Và con muốn nói với mẹ một câu nói mà con chưa hề nói: “Mẹ ơi, con yêu mẹ nhất trên đời”.