Có một ngôi tịnh xá khất sĩ ngay tại thủ đô nước Mỹ

Ký sự vòng quanh - Tịnh xá Giác Ngộ

Từ tiểu bang Atlanta bay đến tiểu bang Washington D.C cũng mất khoảng 01 giờ 40 phút, nếu ai lần đầu đặt chân đến hai phi trường này - Atlanta (ATL) và Washington (IAD) thì ít nhiều gì cũng có những bỡ ngỡ nhất định về mức độ rộng lớn và vĩ đại của nó, bởi đây là hai phi trường quốc tế nên sức chứa và lượng hành khách ra vào luôn tấp nập, nhộn nhịp và hoạt động liên tục.

Tôi cũng rất khó khăn lắm mới tìm được lối ra (exit) khi số lượng cổng ra vào tương đối nhiều, chúng được nối kết nhau như một màng nhện mà mỗi hành khách phải tự thân mày mò nếu không có người hướng dẫn đi cùng, từ nơi trạm đáp máy bay xuống bạn phải tìm đến tàu điện ngầm để chuyển ra trạm Terminal chính của sân bay thì mới có lối thoát ra. Vì thế nếu ai lần đầu tiên đến đây sẽ ít nhiều gì gặp những khó khăn nhất định nếu không chủ động hỏi thêm thông tin hướng dẫn từ nhân viên sân bay.

Cuối cùng sau một thời gian loay hoay, bỡ ngỡ tôi cũng tìm được lối thoát ra bên ngoài nhưng vẫn không đúng, thế là tôi đứng im một chỗ để gọi điện cho người đến đón vào lúc 11 giờ 40 phút trưa, khí hậu tại đây rất mát mẻ và gió lạnh làm con người ta thật sảng khoái như khí hậu Đà Lạt vào xuân.

Thế là tôi đứng hít thở thật sâu với khí trời trong lành và êm dịu làm sao nơi thủ đô của nước Mỹ, nơi mà những ai khi đặt chân đến xứ cờ hoa này cũng muốn một lần được ghi dấu chân mình trên những cung đường, quảng trường nổi tiếng trong những thời khắc tuyên thệ nhậm chức của các đời tổng thống Hoa Kỳ đầy hùng vĩ mang đậm dấu ấn lịch sử quanh khu vực National Mall như: Nhà Trắng (White House), tòa nhà Quốc hội (Điện Capitol), Tháp bút chì, Lầu năm góc, Đài tưởng niệm Martin Luther King Jr., Đài tưởng niệm Lincoln, và các công trình bảo tàng quốc gia khác…

GiacNgo 2

Có một ngôi tịnh xá khất sĩ nằm ngay thủ đô nước Mỹ

Thế là tôi được Phật tử đón từ sân bay Washington D.C về chùa cũng mất khoảng 20 phút, tại đây là một tịnh xá nhỏ nằm phía sau lưng ngôi nhà thờ Tin Lành với tên Giác Ngộ do sư cô Trúc Liên trụ trì, tôi đến đây cũng là nhân duyên được sư cô mời chia sẻ trong một buổi pháp thoại cũng như thăm viếng vào buổi tối nhân dịp Tết Trung thu (2017) do sư cô tổ chức cho quý Phật tử tại trú xứ có dịp được hội ngộ về chùa học pháp và chung vui bên tách trà, cái bánh nhân ngày lễ hội trăng tròn truyền thống của dân tộc Việt Nam, nhất là những người Việt tha phương thì mỗi ngày lễ trong năm là dịp quan trọng nhất để họ có thể trở về và ngồi lại bên nhau thăm viếng, chung vui và cười nói bên những bữa ăn thắm đượm tình người nơi xa xứ, từ đó mái chùa nơi xứ người cũng dần trở thành điểm tựa tâm linh hết sức quan trọng để sưởi ấm, dưỡng nuôi và tiếp nối cho biết bao thế hệ người Việt đang định cư và làm việc tại đây.

Đó cũng chính là lý do mà ngôi tịnh xá Giác Ngộ (3723 Old Lee Hwy, FAIRFAX, Virginia 22030-1805) với tổng diện tích khiêm tốn là 270 square feet (hơn nửa mẫu Việt Nam) cũng dần được hình thành vào đầu năm 2013 được “cải gia quy tự” từ một ngôi nhà do vợ chồng người Mỹ lớn tuổi bán lại với tổng chi phí là 450 ngàn đô thời bấy giờ nhưng với tâm nguyện thiết lập đạo tràng, kiến tạo Phật gia để có nơi cho Phật tử, đồng hương có nơi nương tựa tu học dẫu chỉ có 10 ngàn đô cho ngày khởi đầu lập đạo nhưng sư cô cũng đã quyết tâm gầy dựng đến nay đã trả được phần nào nhưng vẫn còn nợ lại đến 350 ngàn đô được chi trả hàng tháng.

Có thể nói đây là một trong những hoàn cảnh, khó khăn chung của những vị Tăng –Ni đang hành đạo và kiến lập đạo tràng tại quốc độ Hoa Kỳ, các vị phải mang trên mình một trọng trách nặng nề với sự quyết tâm cao độ, lẫn một ý chí mạnh mẽ, kiên cường và thêm một chút dũng cảm thì mới có thể trụ và gìn giữ được ngôi đạo tràng mà mình đang trú xứ hành đạo để Phật tử, đồng hương có nơi lui tới tu học.

Có đến, có thấy thì mới có thể hiểu và thương biết dường nào những tâm nguyện lành của những vị xuất sĩ tại đây đang từng ngày vun trồng, chăm sóc và gồng gánh để những cội Bồ đề to – nhỏ được ngày càng đơm hoa kết trái, rồi cũng từ những cội Bồ đề khô héo ngày nào nay đã dần trở nên tươi tốt và đủ sức để muôn chim về làm tổ, về ẩn náu trong những lần giông bão, rồi có ai biết chăng đâu đó vẫn mãi lặng lẽ một mình của những con người trong hình dáng hóa thân của một người nông phu mệt nhòa chịu thương, chịu khó để vun vén một chút gì đó nhỏ - to cho đời, cho đạo.

Nói về địa lý thì đây là một tịnh xá khá tốt và thuận tiện từ khí hậu trong lành quanh năm đến việc đi lại cũng khá tiện lợi khi chỉ mất 20 phút đi xe là có thể đến được khu vực trung tâm hành chánh của Mỹ (Nhà trắng, Tòa nhà quốc hội…), 20 phút là đến sân bay quốc tế Washinhton. Còn về trụ xứ thì nơi đây được nằm ngay trong khu rừng cây yên tĩnh, phía sau là một dòng suối nhỏ với nhiều loại chim quý đang sinh sống và đặc biệt là khu đậu xe (Parking) khá rộng rãi được xài ké từ sân bãi của ngôi nhà thờ Tin Lành phía trước mặt nên rất dễ dàng trong việc sinh hoạt, hội họp đông người. Có thể nói đây là nơi khá lý tưởng về mọi mặt để phát triển và hình thành nên một ngôi tịnh xá khất sĩ trang nghiêm có đầy đủ phương tiện “nơi ăn - chốn ở” và hoằng pháp sau này nếu có đủ điều kiện, đủ duyên để phát triển.

GiacNgo 1

Ảnh: Sư cô Trúc Liên trụ trì tịnh xá Giác Ngộ

Từ tấm lòng của một sư cô trẻ

Sư cô Trúc Liên (trụ trì) là người quê ở Ninh Thuận, vào Nam xuất gia tu học tại Tịnh xá Ngọc Đức (Thủ Đức) năm lên 13 tuổi với Ni trưởng Mai Liên (Hệ phái Khất sĩ) làm thầy tế độ. Được xuất gia tu học từ nhỏ nên sư cô cũng đã trải qua quá trình làm điệu đầy kham khổ, thử thách để rèn luyện ý chí quyết đoán trong công việc, khiêm cung trong đức hạnh vốn có của một người xuất sĩ cần có trên bước đường hành đạo, nên từ năm 2000 sư cô được cử về tịnh xá Ngọc Cát tại Vũng Tàu để tiếp nối và kiến lập xây dựng cùng với một người sư chị nay là Ni sư Lâm Liên. Có thể nói thêm về sự đặc biệt của gia đình sư cô Trúc Liên có đến 5 người thân xuất gia tu học trong đó có mẹ và 4 anh chị em trong gia đình 8 người con.

Sư cô được duyên qua Mỹ hành đạo năm 2007 đến nay đã tròn 10 năm có mặt trên đất nước Hoa Kỳ, với phẩm chất vốn có từ sự kham nhẫn được un đúc trong thời xuất gia tập sự sống chung với chư Ni và đại chúng, dẫu là trên thân tướng của một người nữ nhưng với ý chí và hành động của sư cô đã thể hiện được phần nào sự mạnh mẽ của một người thích tử “dám nghĩ – dám làm” mà tôi đã có duyên được nhiều lần trò chuyện, tiếp xúc và lắng nghe những nỗi niềm từ sư cô gửi gắm, tâm sự bên tách trà đêm trong cái se se lạnh của miền đông bắc Hoa Kỳ.

Đến khi trời vừa hừng sáng tôi đã thấy sư cô cặm cụi bỏ vào trong bọc những hộp thức ăn chay để đi đến khu cộng đồng người Việt để gửi nhờ vào trong các tủ chứa thức ăn cho khách thập phương cũng như là phần thu nhập chính yếu tại đây. Được đi cùng với sư cô, tôi cảm thấy lòng mình như thổn thức, như đồng điệu và thương kính biết bao nhiêu sự chịu thương, chịu khó và lẫn đâu đó là sự nhẫn nại vì một lý tưởng cao vời mà sư cô đang ấp ủ, đang đợi chờ.

Tôi vội mở lòng chia sẻ: “Sư cô ơi! Sao thấy sư cô cực quá”, cô nhẹ nhàng đáp: “Đời tu là vậy đó! Có đôi lúc cũng thấy nghẹn lòng, tủi thân nhưng cũng ráng vượt qua và tự mình đứng dậy” nói rồi tôi thấy hai mắt sư cô như ứa lệ, như được trút bỏ nỗi lòng mình vậy.

Nghe đến đây tôi cũng như nghẹn lại trong lòng, như được thấy hình ảnh của một người sư chị thương kính trong từng hộp đồ chay do tận tay mình làm ra như để gìn giữ, để gửi gắm từng tâm nguyện, từng ước mong trong sự hy sinh tuổi đời con gái của mình vì lý tưởng, vì mục đích sống mà sư cô thầm nghĩ tới.

GiacNgo 3

Con đường phía trước

Do mới thành lập nên số lượng Phật tử trở về sinh hoạt tương đối ít và mới mẻ nên cũng là những khó khăn ban đầu và thêm đó là diện tích khu chánh điện tương đối nhỏ nên chỉ đủ với hơn 30 người có thể cùng ngồi lại nên phần nào cũng tạo nên sự hạn chế nhất định mỗi khi có dịp lễ lớn mà Phật tử về đông sinh hoạt, vì thế tâm nguyện của sư cô cũng như bao ngôi chùa, ngôi tịnh xá khác là được mở rộng thêm khu vực chánh điện, giảng đường để có thêm diện tích sinh hoạt, và trở thành điểm hẹn tâm linh, dừng chân của những ai có duyên tìm tới.

Qua câu chuyện đạo đời của một sư cô tại một ngôi tịnh xá nhỏ tại vùng thủ đô Washington D.C – Hoa Kỳ, như một lời tâm sự, gửi gắm những ai có duyên biết đến để cùng sẻ chia một lời câu nguyện, chút ân tình cho sư cô sẽ mãi “chân cứng – đá mềm” để từng ngày vững bước và vươn lên như loài chim phụng hoàng vỗ tung đôi cánh bay cao trên bầu trời xanh thẳm.

Và cũng hy vọng rằng nếu ai có duyên đến với vùng đất thủ đô nước Mỹ, cũng có thể dừng chân ghé lại thăm viếng hoặc yểm trợ sư cô thực hiện những tâm nguyện giản đơn đang từng ngày, từng giờ theo bước sư cô trong từng giọt mồ hôi, từng hộp đồ chay lang thang, lặng thầm mãi trong từng bước chân trên mọi nẻo đường tuyết trắng - lạnh buốt đến tê người.

Giác Minh Luật

Lưu bút tại thủ đô Washington D.C, ngày 06/10/2017.

Kính thương: Mọi thông tin liên hệ tìm hiểu, thăm viếng và sự đóng góp xây dựng công trình chánh điện, giảng đường quý vị có thể liên hệ về: Tịnh xá Giác Ngộ, 3723 Old Lee Hwy, FAIRFAX, Virginia 22030-1805. ĐT: Sư cô Trúc Liên trụ trì: (571) 217-9931.