Cố Ni trưởng Huỳnh Liên - vị lãnh đạo Ni giới HPKS

Hôm nay, nhân Hội nghị Phụ nữ Phật giáo Thế giới lần thứ 11 tổ chức tại Việt Nam, chúng tôi chọn đề tài tham luận là NỮ GIỚI PHẬT GIÁO VÀ SỰ LÃNH ÐẠO. Ðối với Ni giới Hệ phái Khất sĩ, vị lãnh đạo mà chúng tôi luôn tôn kính và muốn giới thiệu với Hội nghị là Cố Ni trưởng THÍCH NỮ HUỲNH LIÊN, Ðệ nhứt Trưởng Ni giới Hệ phái Khất sĩ.

I. THÂN THẾ

Cố Ni trưởng Thích nữ Huỳnh Liên, thế danh Nguyễn Thị Trừ, sinh nãm 1923 tại làng Phú Mỹ, Thị xã Mỹ Tho, tỉnh Ðịnh Tường (nay là Tiền Giang).

Vốn mang tâm Niệm ưa thích việc tu trì nên khi Ðức Tôn sư Minh Ðăng Quang - Tổ sư khai sáng Hệ phái Khất sĩ về Mỹ Tho hoằng truyền giáo pháp, sau khi nghe pháp, cô Trừ đã xin phép Tổ sư được xuất gia.

Ðức Tổ sư hỏi:

Tín nữ xuất gia với hạnh nguyện gì ?

Ni trưởng thưa: Bạch Ðức thầy, con xin xuất gia với hạnh nguyện “Làm chiếc thuyền chở chuyên phái nữ”.

Ðức Tổ sư khen: Ðó là hạnh nguyện của Bồ tát. Chỉ có Bồ tát mới có hạnh nguyện rộng lớn như thế!

Ðức Tổ sư đã thọ ký cho cô Trừ được làm lễ xuất gia vào ngày mùng 01 tháng 04 năm 1947, đặt pháp danh là Huỳnh Liên, là Trưởng tử Ni của Ðức Tổ sư.

Từ đó, Ni trưởng được trực tiếp học đạo, nghe pháp với Ðức Tổ sư, được trui rèn bằng những thử thách gay go trên đường hành đạo, trau giồi phẩm hạnh hầu khai thị pháp thân, nối truyền huệ mạng tuyên lưu giáo pháp Phật Ðà.

II. SỰ NGHIỆP HOẰNG PHÁP ÐỘ SANH

Buổi đầu mới xuất gia, Ni trưởng vừa theo Tổ sư học đạo, vừa được ủy thác của Tổ sư tiếp chúng độ Ni.

Ðến năm 1954, đức Tổ sư Minh Ðăng Quang thọ nạn và vắng bóng, Ni trưởng kế tục sự nghiệp Tổ Thầy, cùng Tăng đoàn hoàn thành sứ mạng truyền bá đạo Phật Khất sĩ Việt Nam.

Với cương vị Trưởng Ni giới, bằng hạnh nguyện làm chiếc thuyền chở chuyên phái nữ, với sứ mạng nối truyền Thích Ca chánh pháp do Đức Tổ sư Minh Ðăng Quang trao truyền, Ni trưởng đã hướng dẫn Ni giới Khất sĩ vân du khắp hai miền Nam - Trung: Thuyết pháp giảng kinh, tạo lập đạo tràng, tiếp độ chư Ni, mở lớp giáo lý, dạy Ni chúng tu học, nuôi dạy trẻ mồ côi, giúp đỡ người nghèo khó. Từ đó, Ni trưởng đã hun đúc cho những cánh hoa tâm linh tươi đẹp nở rộ từ Tổ đình Ngọc Phương tỏa đến khắp các tỉnh, thành hội Phật giáo trong cả nước, để phụng sự cho nhơn sanh xã hội.

Trong suốt 40 năm tu học và hành đạo (1947 - 1987), Ni trưởng đã nỗ lực đưa Giáo hội Ni giới Hệ phái Khất sĩ, song song với con thuyền Giáo hội Tăng già, truyền thừa Phật pháp rộng sâu trong quần chúng nhân dân, trên khắp mọi miền đất nước. Nhờ bi nguyện độ sanh, đức độ từ hòa, sức tinh tấn kiên trì, Ni trưởng đã hội nhập lòng người, tiếp độ Ni chúng và biết bao tín đồ Phật tử tu học theo chánh pháp. Ðây có phải là tài lãnh đạo của một nhà tu nữ trong sự nghiệp hoằng dương chánh pháp và báo ân Thầy Tổ.

Ni trưởng vốn có tài văn thơ, nên thường dạy Ni chúng học và sáng tác thơ văn. Trong sự nghiệp văn chương, Ni trưởng đã lưu lại cho đời những tác phẩm thi ca đậm đà bản sắc quê hương dân tộc và đạo pháp. Ni trưởng đã chủ trương dân tộc hóa kinh điển Phật giáo, theo biệt truyền của hệ phái, bằng cách diễn dịch thành văn vần, với nhiều thể loại khác nhau, để cho người tu tập dễ hiểu, dễ tụng, dễ nhớ và không sai chánh pháp. Ðó chính là cách Ni trưởng đem đạo vào đời bằng chính trái tim, tâm hồn của người con Phật.

“Nghiêng vai gánh đạo vào đời,

Cho đời tỏ đạo, ta - người đồng tu”.

Ðể nâng cao trình độ của Ni chúng, góp phần làm rạng rỡ pháp môn, Ni trưởng luôn tạo môi trường thuận tiện cho Ni chúng học Ðại học, học trường Cao cấp Phật học, hoặc xuất ngoại nghiên cứu Phật học với chủ trương:

“Tu có học mới rạng ngời chánh pháp,

Học có tu mới lợi đạo, ích đời”.

Hoài bão đào tạo Ni tài của cố Ni trưởng đã trở thành hiện thực, khi rất nhiều Ni cô đã tốt nghiệp Trung cấp - Cao cấp Phật học; Cử nhân Phật học và triết học Ðông phương; cử nhân Ngữ văn, Sinh ngữ, Hán Nôm; nhận học bổng nghiên cứu Phật học tại Ấn Ðộ…

III. CÁC HOẠT ÐỘNG XÃ HỘI

Bên cạnh sự xả thân cầu đạo, tiếp dẫn hậu lai, báo Phật ân đức, Ni trưởng đã hướng đến mục tiêu thiết thực của con người là tìm cầu an lạc lợi ích cho mọi người, cho quê hương đất nước, trong giai đoạn chiến tranh. Với tinh thần vì dân, vì nước, Ni trưởng đã hướng dẫn Ni chúng và tín đồ tham gia các hoạt động yêu nước như tham gia các phong trào đấu tranh đòi tự do tín ngưỡng và dân chủ, hòa bình.

Với tinh thần nhập thế, Ni trưởng đặc biệt hướng về các hoạt động từ thiện xã hội như cứu trợ thiên tai, cứu trợ nạn nhân chiến tranh, lập Cô nhi viện (Nhất Chi Mai) và một số Cô - Ký nhi viện khác trong khuôn viên Tịnh xá các tỉnh, thành (trước năm 1975).

Sau ngày hòa bình, Ni trưởng lại tích cực vận động tín đồ đóng góp dài hạn để thực hiện tốt hơn các hoạt động xã hội tại các bệnh viện, trại phong, nhà nuôi người già, trường nuôi dạy thiếu niên…

Cho đến lúc nằm trên giường bệnh, Ni trưởng còn gom góp tịnh tài do tín đồ từ các Tịnh xá kính dâng cho Người uống thuốc để sắm một ti vi màu tặng bệnh nhân Quân Y Viện 175.

Thế rồi, khi hạnh nguyện độ sanh đã viên thành, Ta-bà mãn nguyện, Ni trưởng xả báo thân, thu thần thị tịch lúc 16 giờ 20 phút ngày 16.04.1987 (19.03. Ðinh Mão), thọ 65 tuổi, trong niềm kính tiếc khôn nguôi của Ni giới Hệ phái Khất sĩ và tất cả những ai đã có dịp hội kiến cùng Ni trưởng.

Ni trưởng đã có lời nguyện:

“Nguyện xin hiến trọn đời mình,

Cho nguồn đạo pháp, cho tình quê hương”.

Chúng tôi, những tu sĩ nữ được vinh hạnh ở trong Ni chúng của cố Ni trưởng, xin tiếp bước Ni trưởng thực hiện những hạnh nguyện của Người trong công tác Phật sự để cho:

“Quê hương sen báu nở hoa,

Muôn đời giáo pháp Phật-đà ngát thơm”.

Chúng tôi, xin được giới thiệu đến Hội nghị, công hạnh của một bậc chân tu thạc đức, xứng đáng để chúng ta tán dương. Chúng tôi mong rằng, qua Hội nghị lần này, nhiều nơi trên thế giới cùng biết đến Nữ giới Phật giáo Việt Nam và những điều Nữ giới chúng tôi thực hiện được trên bước đường hành đạo, giúp đời.

Ni trưởng Liễu Liên – Trụ trì Tịnh xá Ngọc Hải, Rạch Giá