Con đường hoàn thiện

 Xã hội loài người luôn tồn tại song song hai mặt tích cực và tiêu cực. Ngay trong mỗi con người cũng tồn tại hai mặt thiện và ác. Khi cái ác xuất hiện thì những qui định, những chế tài hay còn gọi là hệ thống pháp luật cũng xuất hiện, nhằm để răn đe ngăn chặn những cái xấu ác, tệ nạn đó.

Xã hội càng phát triển, tội ác ngày càng tinh vi, mà ngay cả hệ thống pháp luật của những siêu cường quốc cũng không thể kiểm soát hết được. Tại sao vậy? Vì xã hội không được phát triển từ nền tảng của trí tuệ đạo đức, mà đặt trên nền tảng của sự tham lam, ích kỷ…

Cách đây hơn 2.600 năm, với trí tuệ siêu việt của một bậc Đại giác ngộ, Đức Phật Thích-ca Mâu-ni đã thấy rõ cái khổ, cái xấu của thế gian này và Ngài đã tìm ra, trao truyền lại phương pháp để diệt trừ tận gốc cái xấu ác đó ngang qua Tám con đường chân chánh, gọi là Bát chánh đạo. Đây là nền tảng đạo đức, tư duy và trí tuệ của nhân loại, phù hợp với mọi thời đại, mọi phương sở, mọi căn cơ, mọi chủng tộc, mọi màu da. Nếu con người áp dụng đúng thì phiền não không còn, khổ đau không có; được tự tại, an lạc và giải thoát. Tám con đường đó là: chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định.

Chánh kiến là sự thấy biết chân chính, thấy nghe hay biết một cách ngay thẳng, đúng với sự thật khách quan, không đổi trắng thay đen; không bị tập quán, văn hóa, tôn giáo, hay dục vọng làm cho sai lạc.

Chánh tư duy là sự suy nghĩ chân chánh, đúng với chân lý; thấy rõ những lỗi lầm, những ý nghĩ xấu để mà sám hối, chừa bỏ. Muốn vậy, ta phải tinh tấn tu tập để đạt được vô lậu trí, dứt trừ mọi mê mờ.

Chánh ngữ là lời nói chân thật, công bình, ngay thẳng và hợp lý. Không nói những điều ác như nói dối, nói lời chia rẽ, nói thô tục, nói thêu dệt v.v…

Chánh nghiệp là việc làm chân chánh, đúng với lẽ phải, có lợi ích cho người cho vật và cho mình. Hành động chân chánh của thân là không sát sinh, không trộm cướp, không tà hạnh. Hành động chân chánh của miệng là chánh ngữ. Hành động chân chánh của ý là đừng tham, đừng sân, v.v… Nếu con người dùng cái thấy cái nghe đúng sự thật hay dùng trí để quán sát những điều chân chánh cũng được gọi là chánh nghiệp.

Chánh mạng là sinh sống bằng những nghề nghiệp lương thiện trong sạch. Người cư sĩ tại gia không nuôi sống mình bằng sự tham lam, không làm giàu trên mồ hôi nước mắt của người khác, không làm cho người hay vật phải khổ đau, không mê tín dị đoan. Còn người xuất gia không theo các thứ tà mạng như làm kỳ hình dị tướng để có nhiều sự cúng dường, chưa chứng mà khoe đã chứng đạo để được cúng dường; không coi sao giải hạn hay bói toán xin xăm để nuôi thân. Người thực hành theo chánh mạng lấy giới luật làm đầu, lấy trí tuệ làm mạng, luôn an trú trong Chánh pháp.

Chánh tinh tấn là chuyên cần, siêng năng, làm việc chánh nghĩa, dũng cảm thẳng tiến trên con đường chánh đạo, không vì một lý do gì mà thối lui. Người theo đúng chánh tinh tấn quyết tạo được nhiều phước vô lậu xuất thế, lấy trí tuệ làm sức mạnh, lấy sự thanh tịnh làm nơi an trú, một lòng không thay đổi.

Chánh niệm là nhớ nghĩ chân chánh, tâm trí luôn nghĩ đến chánh đạo và các pháp lành trợ đạo, không để một niệm tà, niệm ác nào chen lẫn vào; dù ở đâu, làm gì cũng luôn nghĩ nhớ đến quả vô lậu, quả xuất thế giải thoát; dù trải qua bao nhiêu kiếp cũng không thối tâm xao lãng.

Chánh định là tập trung tư tưởng vào một vấn đề chánh đáng, đúng chân lý, có lợi cho mình cho người; xa lìa các pháp thiền thế gian, ngoại đạo.

Con đường tám nhánh này liên kết chặt chẽ với nhau. Khi ta hành trì một pháp tức là ta đang hành trì cả 8 pháp, vì mỗi pháp vừa là nhân cũng vừa là quả. Ví dụ, ta tu tập chánh kiến là thấy nghe đúng chân lý, thấy đúng nhân quả, khi ấy ta sẽ có cái thấy nghe đúng chân lý, đúng nhân quả. Cái suy nghĩ đúng này quay trở lại củng cố cho cái thấy nghe chắc thật kiên cố hơn, từ đó ta có hành động, việc làm, lời nói, suy tư đúng với Chánh pháp, đúng với nhân quả.

Tóm lại, 8 con đường này là 8 phương pháp giáo dục giúp con người có đầy đủ đức tánh chân, thiện, mỹ. Đi đúng con đường này sẽ cải thiện được tự thân từ xấu, quấy, ác, mê mờ trong dục vọng, đảo điên trong trong vọng tưởng, hành vi sai trái… trở thành thiện lành, lợi lạc cho đời cho người, và cho tự thân. Một quốc gia, xã hội, mà mọi người đồng thực hành đúng theo 8 con đường này thì quốc gia, xã hội đó luôn trong cảnh cực lạc an bình, không có sự xâu xé giết hại lẫn nhau.

Đi đúng Bát chánh đạo sẽ chứng được quả Bồ-đề, vì hiện tại tạo nhân an lạc thanh tịnh, thì cái quả thanh tịnh an lạc sẽ đến trong tương lai, sẽ có đầy đủ 4 đức tánh của bậc Thánh, đó là thường, lạc, ngã, tịnh.