Con đường tạo nên sức mạnh

 Chúng ta xuất gia, từ bỏ đời sống thế thường và tất cả mọi thứ mà chúng được xem là những kẻ đối đầu của chúng ta và của thiện pháp. Đó là nguyên nhân tại sao chúng ta đã bước vào con đường xuất gia: Có nghĩa là chúng ta lánh xa. “Lánh xa” ở đây còn có nghĩa là tự điều phục đối với mọi sự phương hại cho chính mình. Một khi đã xuất gia, bổn phận chúng ta là lánh xa những điều mê muội và tu tập phát triển trí tuệ, hiểu giáo pháp, thực hiện tốt bổn phận mãi đến khi nào chúng ta có đủ khả năng chuyển hóa toàn bộ những não phiền trong quá khứ, đó là một khối khổ đau rất lớn.

Hiện tại tất cả chúng ta đều ý thức được mình đã xuất gia. Thế giới gọi chúng ta là “những người xuất gia”, nên lúc nào bạn cũng phải ý thức vai trò của mình và mọi động thái trong tư tưởng, lời nói và việc làm. Bạn được thọ giới trong đạo Phật và những lời Đức Thế Tôn dạy chính là hướng đạo sư. Lời dạy của Ngài có hai loại, một bên là hàng rào chắn giữ và một bên là con đường mở thênh thang. Hàng rào chắn là Giới luật, thực thi hình phạt khi chúng ta phạm tội - tội lớn, vừa và nhỏ. Đây là hàng rào đóng bít các đường không thích hợp để chúng ta không đi lạc vào đó. Và con đường mở thênh thang là chánh đạo, là giáo pháp để chúng ta có thể theo đó đi đến đích mong muốn. Giới luật là hàng rào cho cả hai bên con đường. Nếu chúng ta đi lạc có nghĩa là chúng ta đã đi trật đường. Nếu chỉ lạc lối một chút, chúng ta sai lầm chỉ một chút. Nếu đi lạc xa quá rồi, chúng ta đã quá sai lầm. Và nếu đã đi lạc xa quá, chúng ta không thể nào quay trở lại đường cũ, thế là chúng ta đã hoàn toàn sai. Điều này cũng giống như một người đi lạc đường: Nếu mới đi lạc một đoạn ngắn, anh ta có thể quay trở lại con đường chính nhanh thôi. Nhưng nếu lạc quá xa, anh phải mất nhiều thời gian mới trở lại được đường cũ. Nếu thật sự lạc mất đường cũ, anh sẽ không còn cơ hội để về đến đích mong muốn. Cũng thế, Giới luật giống hàng rào để ngăn chận không cho người xuất gia đi sai đường. Hàng rào này có nhiều tầng bậc khác nhau tùy theo cấp độ của người cư sĩ tại gia và người thọ giới. Đối với chúng ta thọ giới pháp, mới bắt đầu thọ năm giới, rồi đến tám giới, mười giới và rồi 227 giới.

Trong giáo pháp, đó là con đường để mọi người bước theo giáo huấn của Đức Thế Tôn, ở đây niềm tin được xem như là nền tảng căn bản, nói cách khác, đó là niềm tin vào con đường thực tập thành tựu kết quả viên mãn - và kiên trì miệt mài tinh tấn thực tập theo con đường này. Chánh niệm là những gì hướng dẫn sự tinh cần của chúng ta một khi đã quyết đi theo con đường thực tập. Định là bản tâm vững chắc không lay động khi bước đi trên con đường, ngoài ra còn là lương thực cho suốt hành trình - nói khác hơn là sự an bình và thanh thản trong tâm ngay lúc còn đang trên hành trình trước khi chúng ta đạt đến mục tiêu. Và tuệ là sự thận trọng từng bước bước đi trên con đường từ lúc bắt đầu cho đến lúc kết thúc. Những đặc tính này truyền sức mạnh và khuyến khích chúng ta vững bước đi trên con đường đúng đắn. Khi năm đặc tính - tín, tấn, niệm, định tuệ luôn có mặt trong chúng ta, không còn nghi ngờ gì nữa rằng kết quả sẽ xuất hiện như là phần thưởng cho chúng ta, tâm thanh tịnh cùng với sự dõng mãnh và nhiều khả năng. Nếu phát triển năm yếu tố này để chúng mạnh mẽ hơn trong tâm chúng ta, những thành tựu mà Đức Thế Tôn tuyên bố như là nơi dừng nghỉ ở cuối con đường, đó là sự giải thoát khỏi sầu muộn và Niết-bàn sẽ không thể nào vuột khỏi chúng ta, bởi vì tất cả những đặc tính trên đều nhắm đến kết quả tối thượng này.

Thế nên tôi mong các bạn - những thiền sinh đang nuôi dưỡng niềm tin trong giáo pháp và sở hữu nhiều khả năng tiềm tàng trong tự thân, hãy làm cho sự tinh cần, kiên trì của bạn sung mãn trong việc thực tập. Định lực sẽ tự nhiên xuất hiện như một kết quả tất yếu, vậy nên cố gắng làm cho các yếu tố này hỗ trợ cho nhau và xem chánh niệm và trí tuệ là những người bảo vệ trung thành của các bạn. Thành quả sẽ đến làm thỏa chí nguyện của bạn. Bạn không phải lo âu về con đường, về kết quả và Niết-bàn ở đâu. Cố gắng nuôi dưỡng những nhân ban đầu tôi đã giải thích ở đây và thực thiện chúng cho tốt. Không có gì có thể ngăn cản kết quả có mặt do các nhân đã tạo cả.

Năm đặc tính này hay năm nguyên tắc trong khi bước đi trên con đường còn được gọi là năm lực (bala hay indriya). “Indriya” có nghĩa là yếu tố vượt trội. ‘Bala’ có nghĩa là sức mạnh. Trong Giới luật, nó là hàng rào bảo vệ cả hai phía của con đường, giữ cho chúng ta khỏi phải lạc lối con đường mà bạn đang hướng tới Đạo, Quả và Niết-bàn. Đức Thế Tôn khép cả hai bên và mở ra một con đường, đó là chỉ ra năm nguồn lực giúp cho chúng ta thực tập trong khả năng của mình.

Kaya-viveka có nghĩa là sự ẩn dật của thân hay thân viễn ly, nơi chúng ta đang trú ngay lúc này chính là mang ý nghĩa này. Citta-viveka nghĩa là sự ẩn dật của tâm hay tâm viễn ly, trong các bạn, những ai đang hướng tâm an trú vào các tầng định tức là đã đạt được nghĩa này. Nhiều vị trong các bạn chỉ vừa mới bắt đầu, có vị tâm không có chút yên tĩnh nào, hãy nên cố gắng nuôi dưỡng năm nguồn lực này sẽ làm chúng ta vững chãi thêm lên và nội tâm sẽ trở nên vắng lặng dần. Một số trong các bạn đã đạt được nội tâm vắng lặng, hãy cố gắng làm cho tâm vắng lặng này càng lúc càng trở nên thanh tịnh, đồng thời tu tập trí tuệ hoặc thận trọng cảnh giác đối với sự vắng lặng đang hiện hữu nơi bạn. Đối với những vị trong số các bạn tu tập ở tầng bậc cao hơn, các bạn cần phải thực tập kết hợp sự tinh tấn và trí tuệ một cách nhu nhuyến và đúng mực, sẽ đạt được kết quả còn gọi là upadhi-viveka, khi ấy tâm vắng lặng hoàn toàn, không còn chút dư âm phiền não nào nữa.

Thân viễn ly có nghĩa là tìm thấy bình an ở những nơi vắng vẻ. Bạn không bị phiền nhiễu bởi những chuyện bên ngoài. Bạn cũng không bám vào công việc làm cho thân thể bận rộn mỏi mệt đến nỗi lấy nơi ở tạm thời của bạn thành một nhà máy, xem công việc tay chân như cái nền của đạo và nghề nghiệp của bạn là một vị Tăng, giống như chúng ta đã thấy tình trạng này đã từng xảy ra, đến mức bạn chẳng còn hứng thú gì đến việc nỗ lực thực tập cho nội tâm; thực tập thân viễn ly đó là bổn phận đúng đắn nhất của một vị Tăng. Tâm viễn ly chỉ cho sự an lạc nội tâm cùng với nhiệt huyết tu tập tràn đầy giữ cho tâm luôn bình an mặc dù những chuyện bất an bên ngoài luôn muốn tiếp cận nhiễu loạn. Lúc nào bạn cũng phải quán sát kỹ và thu thúc thân tâm để giữ được tâm an lạc ấy. Bản chất của tâm an lạc ở tầng bậc này đó là tuy những thứ bên ngoài không thể tạo ra phiền toái gì song bên trong tâm vẫn còn những mối bận tâm chướng ngại đang ẩn náu. Đây là nguyên nhân tại sao tầng bậc này được gọi một cách giản dị là sự viễn ly về mặt tinh thần, viễn ly ở đây chính là tách ly được từ sự nhiễu loạn của các đối tượng bên ngoài.

Đối với sự viễn ly phiền não, điều này chỉ cho sự an lạc đối với các trần cảnh bên ngoài như sắc, thanh, hương, và vị cũng như sự an lạc đối với những bất an bên trong, tất cả chúng đều là đối thủ đặc biệt của tâm. Nói cách khác, bạn có thể tự do thoát khỏi cả hai đối phương bên ngoài và bên trong. Đấy là sự viễn ly tuyệt đối từ các phiền não, ngay cả một chút xíu phiền não cũng không xen được vào tâm. Lúc nào tâm cũng ở trong trạng thái này. Mặc dù có rất nhiều chuyện xảy ra và tìm cách nhiễu loạn tâm, hoặc các uẩn có thể thực thi bổn phận của chúng hòng gây tạo đủ loại khó khăn, nhưng tất cả vẫn không thể nào thấm vào tâm được.

Đây là những kết quả của sự viễn ly về mặt vật lý và tinh thần. Ba đặc trưng – thân viễn ly, tâm viễn ly và viễn ly phiền não – là những đặc tính mà tất cả các bạn – các thiền sinh nên nỗ lực hết sức mình để tu tập. Không có gì cản trở con đường bạn đi cả. Tất cả những gì tôi mong mỏi đó là bạn đừng đáng mất tâm tinh tấn của bạn. Hãy can đảm và nhiệt tình trong việc truy tìm những nơi chốn yên bình, biệt lập, đó là những nơi bạn có thể quăng bỏ khối ngu si của bạn một lần và mãi mãi. Đấy là con đường mà Đức Phật và chư Thánh đệ tử của Ngài đã đi qua trước khi đặt chân lên vùng đất Niết-bàn, vì vậy làm thế nào những nơi này có thể biến thành đối phương của chúng ta, những người đang noi theo gương của Đức Phật? Đừng lo lắng rằng bạn sẽ mất đi cuộc đời mình ở những nơi như vậy. Nếu có trường hợp đó, Đức Phật cũng phải thay đổi giáo huấn căn bản của Ngài đối với chúng ta sau khi thọ giới rukkhamula-senasanam – hạnh sống trong rừng – đối với thế giới xung quanh trong việc tu tập lòng từ bi đối với tất cả chúng sinh, con người và chư thiên. Nếu sống một mình ở những nơi vắng vẻ, phải tập hạnh tinh tấn noi theo tấm gương của Đức Phật còn mang lại nhiều kết quả khác chứ không chỉ trong giáo lý Đức Phật dạy, Ngài cũng phải linh động sửa đổi lời dạy của Ngài đa dạng để phù hợp với nhu cầu của thời gian và không gian. 37 pháp trợ Bồ-đề đạo – những lời dạy từ trái tim của Đức Phật cho chúng ta rất đúng đắn cũng sẽ được thay đổi hoàn toàn.

Nhưng những chân lý này bất biến, kiên định. Đức Phật không bao giờ sửa đổi chúng. Những thiền sinh như chúng ta đây nên thay đổi suy nghĩ, lời nói và việc làm của mình để phù hợp với giáo pháp này. Việc thay đổi giáo pháp để cho phù hợp với tâm tánh đầy phiền não của chúng ta là chuyện hoàn toàn không đúng. Nếu cố làm như vậy, chúng ta sẽ trở thành Đề-bà-đạt-đa trong suy nghĩ, lời nói và việc làm và vị Thầy của chúng ta – những lời dạy chân chánh của Đức Phật sẽ mất đi mà chúng ta không nhận ra được điều đó.

Vì vậy, hãy kiên trì thực tập đúng như lời Đức Phật dạy. Hãy anh dũng trong cuộc chiến với kẻ nghịch trong tâm, cả hai kẻ thù trong tâm và từ bên ngoài, cùng những kết quả mà chúng mang lại. Luôn luôn quán sát cẩn thận nơi nào khổ đau bất an xuất hiện và chúng khởi sinh như thế nào. Đừng từ bỏ hay cảm thấy nhàm chán đối với việc quán sát này. Cố gắng nhận biết nhân và quả của mọi việc tiếp cận hay có liên quan với tâm để thấy rõ chúng làm cho tâm bất an ra sao cho đến khi bạn có thể thấy biết tận tường nguồn gốc và cùng lúc đó, bạn cũng sẽ hiểu được kết quả một cách rõ ràng.

Những điểm quan trọng nhất, tôi nói cho bạn rõ đó là chánh niệm - tuệ tri và chúng nằm gần tâm tôi đây. Hai đặc tính này quả thật rất quan trọng. Nếu bạn thiếu chánh niệm và tuệ tri, kết quả thực tập của bạn sẽ rất chông chênh. Tiến trình tu tập bạn bỏ ra bao công sức sẽ bị đứt quãng và không nhận được kết quả cân xứng. Các biện pháp từ trí thông minh của bạn dùng để đoạn dứt phiền não sẽ bị thiếu và kết quả an lạc, thanh thản chỉ loáng thoáng qua tâm. Nếu chánh niệm và tuệ tri bị gián đoạn, bạn nên biết rằng tất cả sự cố gắng thực tập của bạn cũng sẽ bị gián đoạn ngay. Thế nên tôi mong mỗi bạn nhận thức rõ điều này. Mỗi lần thuyết giảng giáo pháp, tôi không bao giờ bỏ quên đề tài chánh niệm và tuệ tri. Hầu hết các bạn đều có thể cho rằng tôi đã mang đến cho bạn điều đáng lưu tâm hơn bất cứ chủ đề nào khác, vì tôi tin chắc trong khả năng của mình, điều tâm đắc nhất kể từ lúc tôi mới bắt đầu thực tập cho tới bây giờ, và tôi chưa từng thấy bất cứ đặc tính nào cao siêu hơn là chánh niệm và tuệ tri có thể làm sáng tỏ mọi điều từ nội tâm đến bên ngoài để tâm thấy rõ tất cả. Vì nguyên nhân này, tôi truyền lại cho các bạn hai đặc tính này để các bạn biết rõ: Nếu là thân cây thì chúng chính là lõi cây hay là rễ cây. Trong giáo pháp, chúng là cội rễ, là dụng cụ chủ yếu để đoạn dứt mọi phiền não và chi nhánh (asava) của chúng, từ mức độ thô cho đến vi tế vô cùng, một lần cho mãi mãi.

Nếu thiếu chánh niệm, bạn không có thể nào tu tập định được. Nếu thiếu tuệ, định lực của bạn sẽ lạc vào tà định, thuật ngữ “định” là một thuật ngữ từ trung tính. Định sẽ trở nên ra sao, thật không chắc chắn chút nào. Nếu thiếu tuệ, đó như một vệ sĩ, chắc chắn bạn sẽ rơi vào định xa rời với các nguyên lý đạo đức của giáo pháp vì thiếu nhận biết đúng đắn. Có nhiều loại tà định, tất cả có mặt rất tự nhiên trên đời cũng như các tầng bậc vi tế và trung gian vậy, nhưng ở đây tôi sẽ chỉ bàn đến một số hình thức tà định có thể xuất hiện trong chúng ta, trong phạm vi thực tập mà không có sự nhận biết rõ ràng.

Ví dụ, khi chúng ta bắt đầu tập trung tư tưởng, tâm có thể quay trở về và nghỉ ngơi giây lát hoặc trong thời gian dài, nhưng khi xả thiền rồi, chúng ta vẫn còn lưu luyến với trạng thái định khi nãy và không quan tâm đến việc phát triển sự nhận biết. Chúng ta có thể cảm thấy rằng định sẽ dẫn dắt đến Đạo, Quả, và Niết-bàn, hoặc kết quả gì gì khác nữa, chúng ta đã nghiện mất cái trạng thái định ấy và muốn tâm ở mãi nơi đó thật lâu hoặc mãi mãi. Đôi khi, sau khi tâm tập trung, dừng nghỉ lại một nơi, sau đó nó lén trốn đi một chút, đi ra ngoài gặp gỡ đủ loại vọng tưởng, rồi nó tiếp xúc và liền dính mắc, rồi mải mê với những ảo ảnh ấy. Đôi khi, nó thoát ra khỏi cơ thể lang thang đến các cảnh giới Phạm Thiên, các cõi trời, địa ngục và cả thế giới của loài ngạ quỷ mà không có chút hay biết đúng sai là gì vì chúng ta đã chìm đắm trong những ảo tưởng và khả năng ấy, xem chúng như là Đạo, Quả và Niết-bàn, hay là những kết quả tâm linh. Khi điều này xảy đến, nếu có người thiện xảo và có kinh nghiệm trong lĩnh vực này đến cảnh báo cho, chúng ta cũng sẽ không sẵn lòng đón nghe bất cứ điều gì. Tất cả những ảo tưởng này còn được gọi là tà định mà chúng ta không nhận ra chúng sái quấy thôi.

Thế thì, chánh định là gì và bạn thực tập như thế nào mới là chân chánh? Có một vài dấu hiệu khác biệt nằm ở đây. Khi toạ thiền, tâm bạn quay về và dừng nghỉ, bất kể là tu tập ở tầng bậc định gì, an trú trong trạng thái định bao lâu, đó tuỳ thuộc vào sức mạnh đặc biệt của mỗi cấp bậc định vậy. Hãy để cho tâm dừng nghỉ tuỳ theo tầng bậc của định. Không cần buộc nó phải gián đoạn. Hãy để nó dừng nghỉ bao lâu nó muốn và rồi nó sẽ trở về với chính nó. Một khi nó thoát ra khỏi trạng thái ấy, hãy cố gắng luyện cho mình bằng trí tuệ nhận diện rõ mọi việc. Dù cứ ở tầng bậc tuệ nào tương xứng với tầng bậc định, hãy vận dụng nó để quán sát và tư duy những yếu tố thuộc thân thể vật lý (dhatu) và các uẩn (khandhas). Cho dù bạn quán sát những đối tượng trong thân và ngoài thân này không phải là một vấn đề quan trọng. Tất cả những gì được yêu cầu là bạn thực tập quán chiếu vì mục đích để biết rõ nhân và quả, vì mục đích chữa bệnh và giải thoát cho chính mình: Chỉ cần bấy nhiêu đó là những gì thực tập chân chánh. Dùng trí tuệ quán chiếu các pháp (sabhava dhamma) ở nội thân và ngoại thân thô, hoặc ở nội thân và ngoại thân phần vi tế. Hãy tư duy chúng theo một trong ba Tướng (ti-lakkhana) cho đến khi bạn có kinh nghiệm và thiện xảo, cho đến khi bạn có thể tìm thấy những khe hở nhờ đó mà bạn có thể giải thoát mình từng bước. Khi quán chiếu đến một lúc bạn cảm thấy mệt mỏi, và tâm muốn nghỉ ngơi trong ngôi nhà định tĩnh của mình, hãy để tâm nghỉ ngơi tuỳ nó muốn. Cho dù thời gian nghỉ ngơi kéo dài hoặc ngắn ngủi không thành vấn đề. Hãy để nó nghỉ ngơi cho đến khi tự nó quay trở lại. Ngay sau khi quay trở lại, bạn hãy tiếp tục quán chiếu các hiện tượng trên cơ thể như trước đây.

Đây là chánh định. Hãy nhớ điều này, định chỉ là một nơi nghỉ ngơi tạm thời dung dị. Khi quán chiếu chuyên chú trong vòng cương toả của trí tuệ và cảm thấy tinh thần khá mệt, bạn cần nghỉ ngơi trong định. Khi tâm mạnh mẽ trở lại, nó thoát ra khỏi trạng thái này ngay. Nếu tâm đủ sức quán chiếu thì bạn hãy quán chiếu tiếp tục. Hãy giữ cách thực tập này liên tục. Sức tập trung nơi bạn sẽ trở nên nhuần nhuyễn và trí tuệ sẽ luôn rất nhạy bén. Mọi việc sẽ diễn ra bình thường cả hai phạm vi trong định và trí tuệ bởi vì định có ích lợi trong phương diện này và trí tuệ có ích lợi ở phương diện khác. Nếu chỉ thực tập theo con đường của tuệ, bạn sẽ đi lạc ngay bởi vì bạn sẽ không có định như một trợ thủ đắc lực. Nếu chỉ thực tập theo con đường của định, bạn sẽ càng đi lạc xa hơn con đường chỉ tu tập tuệ.

Tóm lại: Cả hai đặc tính này cũng giống như hai cánh tay trái và mặt, chân trái và chân mặt. Bất cứ người nào bước đi hoặc làm việc gì, anh ta đều cần cả hai tay và hai chân. Định và tuệ cả hai đều rất cần thiết như vậy. Nếu cảm thấy rằng định quan trọng hơn tuệ hay tuệ quan trọng hơn định, thế bạn chỉ nên có một tay hay một chân, đừng có hai tay và hai chân giống như mọi người khác. Nói cách khác, bạn không giống với con người trên thế giới này. Bất cứ người nào không phù hợp trong giáo pháp của Đức Thế Tôn, nhận xét phê bình tuệ và tán tụng định hoặc là phê bình định, ca ngợi tuệ cũng giống như loại người này vậy.

Pháp gì đúng đắn khi bạn tu tập định, bạn phải làm tròn bổn phận trong phạm vi của định và thật sự nhận ra giá trị của định. Khi tu tập tuệ, bạn phải làm tròn bổn phận trong phạm vi tuệ và thật sự thấy giá trị của tuệ. Hãy tu tập từng bên đúng thời điểm. Đừng tu tập bằng cách sát nhập chúng lại với nhau. Cũng như khi bạn bước đi: Khi chân phải bước, chân trái của bạn phải dừng lại. Khi chân trái bước, chân phải của bạn phải dừng lại. Cả hai không thể bước cùng một lúc. Cũng như vậy, định và tuệ có lợi ích riêng của chúng. Khi chánh niệm và tuệ cùng bước, chuyện đó không xảy ra được mà chúng luôn thay phiên nhau bước, cũng thế tay phải và tay trái của bạn làm việc cùng với nhau.

đây, chúng ta bàn đến mối quan hệ giữa định và tuệ đối với những thiền sinh có ý muốn thực tập định trước, những vị thường gặp phải khó khăn trong khi tu định mà không nhận ra tuệ cũng là một lĩnh vực cần thực tập. Nếu đấy là một lĩnh vực tu tập cần thiết, bạn nên thực tập nó khi đúng thời điểm thích hợp. Còn đối với những vị có khuynh hướng rằng tuệ bổ sung ủng hộ cho định, tâm của họ không đạt được trạng thái tĩnh lặng bằng năng lượng tu tập định thuần tuý. Họ cần phải dùng tuệ để chế phục tâm đang luôn hiếu động và chạy nhảy như con thú hoang kia với những pháp đã định sẵn, đó là quán sát thật kỹ tâm lao xao không chịu dừng để nhận ra nguyên nhân tại sao nó thường động đậy và điều gì khiến nó bất an như thế. Tuệ phải truy tầm cho ra những nguyên nhân quá đa dạng mà tâm đang dính mắc đa sự cho đến khi nào tâm quy thuận với tuệ và có thể bước vào trạng thái tĩnh lặng. Trạng thái tâm tĩnh lặng này còn được gọi là sự tĩnh lặng nhờ tu tập tuệ.

Một số vị khi tâm đạt được trạng thái tĩnh lặng có thể ngay lúc đó vận dụng tuệ để quán chiếu và hình thành những tư tưởng mà không phải là đối thủ của tâm tĩnh lặng. Có lẽ bạn sẽ suy nghĩ rằng “nếu tâm đã định rồi, làm thế nào còn khởi sinh hình thành tư tưởng nữa?” và rồi bạn hoài nghi về trạng thái định mới đạt được. Điều này được gọi là chưa hiểu biết về khuynh hướng của tự thân mình. Những nghi vấn này có mặt rất bình thường đối với những vị không có kinh nghiệm và không biết vì không có ai chỉ dạy cho họ phương hướng nào để họ có thể am hiểu tường tận, vì vậy họ có thể lưỡng lự về phương pháp thực tập khi loại nghi ngờ này khởi lên trong tâm. Thế nên, ở đây tôi muốn nhân cơ hội này để giải thích cho rõ ràng: Khi tâm đạt đến trạng thái tĩnh lặng ngang qua phương pháp thực tập ứng dụng tuệ như một trợ thủ đắc lực, có thể tiếp tục sẽ có tiến trình tư tưởng phát sinh trong một tầng bậc định, nhưng khi chúng ta đạt đến trình độ thanh lọc hoàn toàn, định được nuôi dưỡng, không còn vấn đề gì phát sinh trên con đường này, lúc bấy giờ các hành đều sẽ đoạn dứt. Tất cả tên gọi của vạn pháp sẽ bị bỏ lại sau lưng khi hành giả ở trong trạng thái định thanh tịnh hoàn toàn, không còn bất cứ hành hay nhận thức về các pháp xuất hiện nữa.

Tóm lại: Đối với những vị đạt đến tầng bậc định trung bình, tâm của họ tập trung khá dễ dàng, những vị bắt đầu thực tập định sẽ không có tiến trình tư tưởng nào, bởi vì giây phút các tư tưởng hình thành, tâm của họ bắt đầu xuất ra khỏi định dần. Định đạt được ngang qua năng lực của trợ thủ đắc lực tuệ mặc dù có thể vẫn có hình thành những tư tưởng khởi lên trong khi tâm còn trong trạng thái định, và cả hai dạng định này đều cần có chánh niệm tỉnh sáng khi chúng đồng hướng vào nội tâm.

Hôm nay tôi đã giải thích sự khác biệt giữa tà định và chánh định đủ để cho các thiền sinh như các bạn hiểu rõ và nương theo đó như một sự hướng dẫn. Tôi đã nhấn mạnh rằng chánh niệm và tuệ tri là những yếu tố rất quan trọng. Tất cả các bạn đang thực tập chánh niệm đừng nên chờ đến lúc ngồi thiền mới thực tập chánh niệm. Các bạn phải thực tập nó trong mọi thời. Bất cứ bạn đi đâu, làm việc gì, phải đều trong chánh niệm. Luôn giữ vững ý chí kiên định trong việc thực tập của mình. Khi bạn có chánh niệm cũng sẽ có luôn sự tỉnh giác (sampajañña) bởi vì sự tự tỉnh sáng được phát sinh từ chánh niệm. Nếu thiếu chánh niệm sẽ không có tỉnh giác. Vì vậy hãy cố gắng thực tập chánh niệm bước đầu cho kiên cố đến khi nào sự tỉnh giác có đủ khả năng và sức mạnh làm cho chánh niệm này tương hợp với tâm tinh tấn thực tập. Vì vậy, cố gắng phát triển chánh niệm cơ bản của bạn cho đến khi nó có khả năng và đủ mạnh trở thành nguồn lực chánh niệm tương xứng trong việc tinh tấn thực tập của tâm. Từ nơi đây, nó sẽ trở thành siêu chánh niệm bởi vì bạn liên tục nuôi dưỡng nó, duy trì nó.

Điều này cũng tương tự với tuệ. Hãy quán chiếu mọi trần cảnh tiếp xúc với tâm: cảnh vật, âm thanh, mùi hương, vị, cảm thọ từ xúc chạm và tư tưởng khởi lên đặc biệt trong nội tâm. Bạn phải khám phá tất cả những điều này, phát hiện cho được nguyên nhân phát sinh cho đến khi nào bạn tìm thấy thói quen của nó để quán chiếu và suy tư. Khi cấp độ tuệ tri mạnh dần lên, nó tiếp tục vươn đến trình độ cao hơn và bạn có thể vận dụng cấp độ tuệ cao vượt này để quán chiếu những nghi ngờ phát sinh trong tâm. Bạn có thể nhìn thấy các pháp một cách rõ ràng và cắt bỏ nghi ngờ ngang qua năng lực của tuệ, với tuệ bạn phải thực tập siêng năng trong cách này để nó trở thành siêu tuệ, giống như siêu chánh niệm vậy. Tôi chưa bao giờ thấy ở đâu hay bất cứ ai không bắt đầu thực tập tuệ theo cách này mà bất thình lình đạt được kết quả siêu tuệ. Ngay cả những vị được gọi là khippabhiñña - vị Kiến đạo cũng khởi hành thực tập từ tuệ thô, việc thực tập tiến bộ rất nhanh, và dần tiến đến đến thành tựu trạng thái Tĩnh giác trước sự chứng minh của Đức Phật như chúng ta học trong kinh điển. Vì vậy khi chúng ta thực tập chánh niệm và tuệ tri trong từng hành động, không có tư tưởng gì khởi lên hoặc là lúc chúng ta đang thực tập thiền hay không thực tập thiền, chỉ đơn thuần giữ được trạng thái thiền định này trong mọi khoảnh khắc, như thế không có gì trở ngại, tâm chúng ta sẽ đi vào tĩnh lặng và trí tuệ bắt đầu có mặt.

Đặc biệt, đối với chúng ta - hàng Tăng sĩ hay các hành giả chỉ chú tâm vào một việc thực tập vì mục đích an lạc tâm và thoát khỏi khổ đau bất an, chánh niệm và tuệ tri càng trở nên cần thiết hơn. Khi cố gắng thực tập chánh niệm và tuệ tri cho thật thuần thục, chúng ta phải luôn cẩn trọng, nên khi sống với đời sống bên ngoài, chúng ta sẽ trở nên sáng suốt thông minh. Khi thực tập sống với nội quán trên thân, cảm thọ, tâm và các pháp, chúng ta sẽ càng trở nên thiện xảo hơn. Khi quán sát sắc, thọ, tưởng hành và thức, chúng ta sẽ thực tập không mệt mỏi các phương thức làm đoạn dứt phiền não. Chánh niệm đặc biệt rất quan trọng. Nếu thiếu chánh niệm, cũng giống như thiếu hàng rào bảo vệ trong mọi lúc, cái biết đơn giản sẽ quay trở lại danh tướng vỏ bọc bên ngoài mà bạn không hề nhận ra điều đó. Thế thì chánh niệm là một đặc tính hết sức vững chắc giúp cho tuệ tri trở nên thiện xảo, nhu nhuyến và chánh trực. Sức mạnh của chánh niệm đóng vai trò như bờ sông, giữ cho sự nhận biết không đi ra ngoài giới hạn. Sự nhận biết vượt ra ngoài giới hạn liền hội nhập với những danh tướng vẻ ngoài. Nếu đó thật sự là tuệ, nó đã không ra ngoài giới hạn bởi vì nó có chánh niệm thường trực hộ vệ.

Nếu bạn sử dụng tuệ tri quán chiếu thân, mọi cử chỉ hành động sẽ dần dần nắm lấy được sự tập trung của bạn. Sự thay đổi (anicca), khổ (dukkha) và vô ngã (anatta), một trong ba đặc tính này chắc chắn sẽ xuất hiện bởi vì tất cả chúng luôn hiện diện trong bản tánh tự nhiên của thân. Khi chánh niệm và tuệ tri đạt đến trình độ này, tâm và các đối tượng của nó sẽ đều có mặt trong hiện tại. Bạn nên biết rằng không có giáo pháp nào có mặt vì những việc tương lai hay quá khứ cả. Nó chỉ duy nhất có mặt vì việc trong hiện tại mà thôi. Ngay cả khi bạn quán chiếu những vấn đề của quá khứ hay của tương lai, bạn phải mang tất cả chúng về trong cương giới của thời điểm hiện tại nếu bạn mong có được lợi ích gì từ chúng. Ví dụ, nếu thấy ai đó chết, bạn liền tự phản tỉnh mình: “Một ngày nào đó, tôi cũng sẽ phải chết như vậy”. Ngay khi chữ “tôi” xuất hiện, mọi thứ trở về với bạn và xuất hiện trong hiện tại. Những chuyện trong quá khứ và tương lai, nếu muốn chúng hữu dụng, bạn phải mang tất cả chúng về hiện tại. Ví dụ, “hôm qua anh ấy đã chết. Hôm nay và ngày mai biết đâu tôi cũng sẽ chết giống như vậy”. Với ý tưởng “tôi”, ngay lập tức bạn đang quay về với hiện tại. Những chuyện bên ngoài phải mang vào trong, những chuyện trước và sau đều phải mang về hiện tại nếu chúng có ý nghĩa thiết thực. Nếu bạn luôn dùng chánh niệm và trí tuệ để quán chiếu các điều kiện tự nhiên như thân thể chẳng hạn, tất cả những hiện tượng xung quanh, thật không khó khăn gì, các pháp không nằm ngoài tầm tay của bạn. Bạn sẽ nhận thức chúng một cách rõ ràng.

Khi quán sát thế giới hiện tượng, chẳng hạn thân thể, phân tích chúng ra thành từng phần cùng các khía cạnh của chúng và dùng trí tuệ quán chiếu cho đến khi chúng trở nên thật rõ ràng. Đừng để những tư tưởng hay ám chỉ kéo bạn ra khỏi các hiện tượng đang quán chiếu trừ khi bạn dùng tư tưởng như một tiêu chuẩn cho việc nhận biết khi nó không đủ sức mạnh để quán chiếu. Giữ chánh niệm kiên định ở một chỗ như hàng rào bảo vệ và bạn sẽ hiểu rõ mọi điều một cách rõ ràng mà trước đây bạn chưa từng hiểu, bởi vì các điều kiện tự nhiên lúc nào cũng thế, đã có mặt sẵn đó. Bạn cũng không cần tìm kiếm vô thường, khổ, vô ngã ở đâu cả. Những đặc tính ấy lúc nào cũng có mặt trong thân tâm bạn. Chỉ một điều là chánh niệm và tuệ tri chưa truy tầm ra và biến chúng thành của riêng. Nhưng nếu bạn lập chí thực tập quán chiếu chúng cẩn mật ngày cũng như đêm, không cần nhớ bạn đã thực tập quán sát bao nhiêu lần trong một ngày đêm, tuệ tri của bạn sẽ trở nên nhạy bén, thiện xảo như một tiêu chuẩn của bạn vậy, giữ chánh niệm như một dòng chảy ổn định trong hiện tại và tỏa sáng trí tuệ đến tất cả mọi thứ xung quanh bạn, bất cứ điều gì di chuyển theo hướng nào, chánh niệm và trí tuệ sẽ dõi theo sát ngay sau chúng. Khi chúng ta thực tập chánh niệm và trí tuệ đến giai đoạn tạm đủ để cưu mang công việc như thế, làm thế nào đối phương của chúng có thể chịu đựng nổi chúng? Sau hết, chúng ta không có chủ ý cổ vũ cho những tâm trạng như bất an, mất tập trung. Chúng ta lúc nào cũng cố gắng thực tập giáo pháp, phương tiện để ngăn chặn những trạng thái như vậy, để theo kịp động tĩnh của bọn cướp, bọn chúng luôn nằm chờ để cướp của chúng ta bất cứ lúc nào.

Do đó, chúng ta phải hối thúc tâm quán chiếu trong phương thức mà chúng ta đã đề cập. Khám phá từng phần trên cơ thể để thấy chúng một cách rõ ràng, từ bên ngoài vào bên trong, hoặc chỉ quán chiếu phần bên trong và mang nó ra soi xét cẩn thận. Nhìn trước, nhìn sau, nhìn trên, nhìn dưới, chia chẻ thân thể thành từng phần nhỏ. Bạn có thể tưởng tượng ngọn lửa cháy bùng đang thiêu đốt nó thành tro, bụi hoặc quán tưởng nó bị phân hủy ra thành từng mảnh nhỏ hoặc bất kỳ cách quán tưởng nào tùy theo mà bạn cảm thấy dễ cho mình thực tập. Tất cả những phương thức này đều có trí tuệ góp phần giúp tâm nhạy bén và thiện xảo. Khi sự thực tập tiến bộ nhiều, bạn trở nên sáng suốt nhận biết rõ mọi thứ và chúng phơi bày rõ trước tâm của bạn mà không cần phải hỏi thăm ai để biết về chúng cả.

Càng quán chiếu cơ thể của mình cho đến khi nào biết nó thật rõ ràng, bạn càng nhận biết rõ ràng hơn đối với các cảm thọ, tâm thức và các pháp hoặc các cảm thọ, tưởng, hành và thức, bởi vì tất cả những điều này đều là viên đá mài để trí truệ nhạy bén dần lên. Cũng như thế đó, khi chúng ta tát nước ở một hồ cá, nước càng tát ra ngoài, chúng ta càng thấy cá rõ hơn. Hay khi khai phá rừng, chúng ta càng cắt dọn thảm thực vật, chúng ta càng có khoảng không gian rộng rãi hơn. Những điều tôi vừa mới đề cập đều là những yếu tố che khuất tâm khiến chúng ta không thể thấy rõ dòng chảy tâm thức bắt nguồn từ tâm chảy đến những nơi ưu tư bất an đang có mặt sẵn. Khi chúng ta dùng trí tuệ để quán chiếu theo cách này, dòng chảy tâm thức sẽ trong suốt, rõ ràng. Bạn sẽ nhìn thấy những gợn sóng tâm rõ ràng ngay giây phút nó khởi lên và cái tâm tự nó sẽ trở nên lắng trong, bởi vì chánh niệm đang rất mạnh và trí tuệ rất nhạy bén. Khi ấy, các gợn sóng tâm, chánh niệm trí tuệ cùng có mặt một chỗ, sẽ có thể quán chiếu liên tục và chuyển hóa nó đúng thời. Nhưng lưu ý rằng trong việc quán chiếu năm uẩn (khandhas) hay Tứ niệm xứ (Satipatthana), chúng ta không cố gắng thực tập hết tất cả những phương thức xem chúng như là Đạo, Quả và Niết-bàn của chúng ta. Chúng ta cố gắng để tách chúng ra để thấy rõ một cách chính xác bản chất của cái tên gọi cá là gì, cũng như quán chiếu cái tâm hiện tại đang gồm chứa đủ loại phiền não.

Liên tục quán chiếu, bạn không cần tính đếm bao nhiêu lần bạn đã thực tập điều đó trong một ngày. Tập trung tâm thay vì làm cho tâm trở nên thuần thục, nhanh nhẹn đó là những gì bạn có thể huân tập cho tâm khi quán chiếu. Càng quán chiếu và càng thiện xảo, bạn có được kết quả ngay lúc quán chiếu, trí tuệ của bạn càng tinh tế, nhạy bén vô cùng, nó lóe sáng và sắc sảo quán chiếu tự thân bạn và tất cả nhân duyên tự nhiên xảy ra xung quanh bạn, trí tuệ ấy sẽ tiếp tục thăng hoa cho đến khi không còn giới hạn. Sau cùng bạn sẽ có sự hiểu biết và khả năng để nhận ra rằng các nhân duyên tự nhiên mà bạn đã quán chiếu qua nhiều giai tầng, từ lúc bắt đầu với cảnh sắc, âm thanh, mùi, vị, xúc chạm, từ trong vũ trụ và quay trở về trên thân thể của chính mình, thọ, tưởng, hành và thức, tất cả không phải là phiền não, tham ái hay những nhánh sông tâm thức hay gì gì khác. Duy chỉ có tâm là cưu mang phiền não, tham ái, và những chi nhánh tâm thức mà tự làm cho chính mình mù lòa. Không có khác gì sức mạnh chạm được trái tim này để rồi làm nó mù lòa cả. Từ chính trái tim vô minh quờ quạng đây lại đi phăng tìm xiềng xích đang cột trói chính nó và nhen nhúm ngọn lửa ảo tưởng tự thiêu cháy chính mình mà không hề hay biết mục đích gì, không có dấu vết kẻ thù đối với một trái tim không có nơi nào nương tựa. Chúng ta có thể so sánh điều này với con dao, một dụng cụ mang lại lợi ích cho người khôn ngoan, nhưng một người ngốc nghếch giựt nắm con dao giết chết chính mình và rồi cáo buộc con dao là kẻ thù của mình. Có tiền lệ nào lại đặt ra sự buộc tội như vậy? Tất cả các nhân duyên tự nhiên nói chung cũng giống như những dụng cụ hữu ích nhưng người ngu túm lấy giữ lại để ràng buộc chính mình và sau đó tuyên bố rằng các nhân duyên tự nhiên trên thế giới này chụm đầu lại nói xấu anh ta. Ai có thể quyết định giùm cho trường hợp như vậy? Vì nguyên đơn đã tự sát mất rồi. Nếu chúng ta quyết định rằng dụng cụ làm chết người làm hại cái chết của nguyên đơn, vậy chứng minh thế nào đây để làm cho nguyên đơn nguôi ngoai vừa lòng?

Cái tâm đó bị chính mình và những điều liên quan đến tự thân lừa dối hoàn lại như trước kia. Như thế, khi trí tuệ bắt đầu thể nhập vào cái biết đối với các nhân duyên tự nhiên, bắt đầu với thân này, nó sẽ phải thể nhập vào đầu mối nguyên nhân. Với trí tuệ, nó sẽ nhận biết rõ các đối tượng mà tâm tập trung phát đi những sóng thức và còn biết rõ sự mạnh yếu, nhiều ít của các sóng thức ấy. Nó nhận thức được tất cả những đối tượng mà nó sử dụng để ngộ ra vấn đề lâu nay được xem là đối thủ thì giờ đây chúng thật sự không phải là đối thủ gì hết. Đây là nhờ bởi năng lực của tuệ, nhờ có tuệ mới quán chiếu mọi việc thận trọng và chính xác. Đồng thời, nó cũng sẽ quay lại để nhận biết sự tỉnh sáng bên trong tự thân như đối tượng của chính mình vậy. Đây là nhờ bởi năng lực của tuệ mới thấy rõ và thể hội được, buông xả, đi qua từng giai đoạn, không còn cố chấp nắm giữ các pháp thêm nữa. Đấy là nguyên nhân tại sao sự hiểu biết rõ ràng ngang qua tuệ, một khi nó nhận chân được sắc, thinh, hương, v.v…, trong thân thể, thọ, tưởng, hành, thức không phải là kẻ đối nghịch, phải buông xả để chúng lần lượt trôi qua cho đến khi chúng không còn lưu lại chút gì trong tâm nữa.

Đối với cái biết tự nhiên này: Trước đây, chúng ta không thể nào nói chuyện đó có lợi hay có hại, đó là lý do tại sao chúng ta đóng nhãn vào mọi thứ trong khắp vũ trụ như tốt hay xấu, đẹp hay không đẹp, đáng yêu hay thù ghét, điều quá tuyệt vời làm cho chúng ta có cảm giác nổi trôi bồng bềnh hay điều quá buồn thương khiến chúng ta đau đớn mất ngủ bởi nỗi buồn thảm ấy: tóm lại, chúng làm cho chúng ta vui vẻ, buồn bực, và khổ đau triền miên mà chúng ta không hề nhận ra chúng. Nguyên nhân làm cho tâm trí như một bánh xe quay tròn quanh chính nó tạo nên ngọn lửa tham đắm, sân hận, si mê, đốt cháy tự thân không ngừng ấy là gì? Khi trí tuệ quán chiếu các pháp cho đến khi chúng trở nên rõ ràng, tất cả nhân duyên tự nhiên bên trong, và bên ngoài sẽ được soi sáng bộc lộ rõ những đặc tính tương tự nhau. Không ai trong chúng là kẻ thù với bất cứ ai cả. Bạn sẽ nhận ra giây phút trí tuệ xóa sạch những thứ che khuất nó, lỗi lầm duy nhất là ở chỗ cái biết tự nhiên đây. Tại thời điểm này, khi cái biết chuyển động hay lăn tăn gợn sóng – tách! một tiếng nổ bất ngờ, ngay tức khắc bạn sẽ nhận biết bánh xe trong tâm đang vận hành. Đây là kẻ gây phiền hà, chất chồng thêm đống khổ đau. Đấy là nguyên nhân trực tiếp của khổ đau và bất an. Ngoài cái biết tự nhiên này, không còn nguyên nhân gây khổ đau và bất an nào nữa trên thế giới này.

Khi chúng ta đạt đến trình độ này, chỉ tỉnh thức, một sự tỉnh thức trọn vẹn nhận ra nguyên nhân của khổ đau. Khi sự kiện này trở nên rõ ràng đối với tâm ngang qua trí tuệ, ai sẽ là người sẵn sàng nắm lấy kẻ biết này – bánh xe này – như tự thân anh ta hay cô ta? Đây là trí tuệ vi tế, tự động trong nguyên tắc tự nhiên, nó đã được tôi luyện do bởi sự thu thúc của chúng ta trong giai đoạn thực tập ban đầu. Kết quả hiện tại có mặt chính sự khéo léo thông minh đủ khả năng để làm nhiệm vụ. Thật không có gì sai khi gọi nó là siêu tuệ cả. Ngoài việc biết được cái tâm xoay vòng quanh ấy là nguyên nhân của bất an, trí tuệ này quay trở vào trong để biết lý do tại sao tâm lại là nguyên nhân của bất an và làm thế nào. Tập trung vào cái biết này, nó quán sát thật kỹ đằng sau những nguyên nhân để làm lộ rõ chính mình.

Nhưng phần lớn khi chúng ta đạt đến trình độ này, nếu trí tuệ không thực sự thực tập quán chiếu thận trọng và trọn vẹn, chắc chắn chúng ta sẽ gặp khó khăn với nhận thức xoay vòng vòng này, bởi vì nó là nguyên nhân đỉnh điểm của chu trình quay vòng – quá lừa dối và quá hấp dẫn mà những thiền sinh như chúng ta không nhận ra được tâm tham ái của chúng ta đối với nó. Ngoài chuyện bị nó lừa dối và lôi cuốn theo mà chúng ta không nhận biết gì hết, thậm chí chúng ta có thể làm lan tỏa rộng dòng ảo tưởng tinh tế này do vì sự hiểu lầm của chúng ta và còn đánh lừa nhiều người khác nữa.

Vì vậy, để giúp cho bạn nhận ra được cái biết tự nhiên này, về tính kỳ diệu của nó là điều tuyệt vời hơn bất cứ điều gì khác. Về vẻ đẹp trong sáng, nó còn sáng rỡ hơn bất cứ điều gì khác, đó là lý do tại sao chúng ta nên gọi nó là hố than đang âm ỉ cháy, bí mật nằm chờ trong chúng ta. Song không hề gì, cái biết tự nhiên này không thể trụ vững mãi trước trí tuệ đó là cuộc chiến tinh tế của nó. Chắc chắn chúng ta học được sự thật từ trí tuệ của chúng ta rằng cái biết tự nhiên là nguyên nhân quan trọng đầu tiên nhất của khổ đau và bất an. Khi chúng ta nhận thức được điều này, bản chất này sẽ không thể đứng vững nữa. Nó sẽ phải tan rã ngay lập tức giống như khi con người ta dùng thanh sắt đập vỡ một vật rắn thành từng mảnh nhỏ vậy.

Khi bản chất này tan rã sau khi bị trí tuệ hủy diệt, thì bản chất kỳ diệu tự nhiên thù thắng vượt xa bất cứ thực tại quy ước nào sẽ xuất hiện tròn đầy. Ngay giây phút này, chúng ta sẽ thấy rõ sự tai hại của những gì gây tai hại và thấy rõ sự lợi ích của những gì mang lại lợi ích. Giác ngộ giải thoát sẽ xuất hiện như dhammo padipo - ánh sáng giáo pháp tỏa sáng rực rỡ như mặt trời, mây không thể che khuất để thế giới đón nhận trọn vẹn nguồn sáng của nó. Kết quả chính là sự giác ngộ giải thoát xuất hiện rõ ràng trong tâm của thiền giả, giây phút mê muội hoàn toàn đã bị xua tan.

Đấy là kết quả. Nguyên nhân là gì, tôi đã giải thích cho các bạn rồi, đó là niềm tin, kiên trì, chánh niệm, định và tuệ. Đây là con đường đúng đắn dẫn tới kết quả này. Nó không đưa bạn đến bất cứ nơi nào khác. Hoặc là bạn sống tại gia đình, trong tự viện, hay trong rừng, hoặc bạn là nữ hay nam, đã xuất gia thọ giới hay là không, nếu đầy đủ năm đức tính này luôn đồng hành cùng bạn, đó là bạn đang hướng tới kết quả này. Nói cách khác, tất cả chúng ta có đầy đủ khả năng như nhau trong việc thực tập và trong kết quả chúng ta sẽ nhận được.

Vì vậy tôi mong tất cả các bạn - những thiền sinh hãy nhận thức cho rõ rằng các bạn đang là những thiền sinh, cũng có nghĩa là những người từ bỏ, tôi mong rằng các bạn thực tập để tu chỉnh suy nghĩ, lời nói, việc làm và từ bỏ hoàn toàn những thứ được coi là kẻ đối nghịch của mình cho đến khi nào các bạn đạt đến mục tiêu là giải thoát Niết-bàn như tôi đã giải thích. Không có đặc tính nào ngoài những đặc tính này - chánh niệm, tuệ tri và tinh tấn không ngừng nghỉ của bạn. Đấy là lời dạy của Đức Thế Tôn đã ban cho chúng ta, đấy là thiện pháp (svakkhata-dhamma). Nói cách khác, Đức Thế Tôn đã dạy con đường thực tập đúng đắn để chúng ta hành theo. Ngài bảo rằng tà đạo đúng là tà, và chánh đạo đúng là chánh. Và những kết quả đạt được đó là giải thoát và Niết-bàn, kết quả này đến từ việc thực tập theo con chánh đạo này: Vấn đề là chúng ta sẽ thật sự thực tập nghiêm túc hay không mà thôi? Nếu chúng ta thực tập theo đúng những gì Đức Thế Tôn dạy, những kết quả này chắc chắn sẽ xuất hiện, đó là giải thoát hoàn toàn từ các phiền não và dây mơ rễ má của chúng (sammadeva asavehi vimuccati).

Thế nên, chính vì lý do này các bạn nên tinh tấn thực tập chánh niệm và tuệ tri của mình trong từng giây phút và không chỉ trong một tư thế đặc biệt mà thôi. Đừng nghĩ rằng như vậy là đã cố gắng quá nhiều rồi. Càng hiểu biết sâu sắc, các bạn càng trở nên tinh ý thiện xảo hơn, các bạn càng dọn sạch phiền não hơn, các bạn càng giải thoát khỏi khổ đau và bất an. Đấy là những kết quả mà tất cả chúng ta từng bước đạt được cho đến lúc chúng ta thật sự thành tựu giải thoát, không còn lưu lại gì nữa. Nói cách khác, chúng ta thành tựu giải thoát trong khi chúng ta ý thức được và tỉnh giác trong đời sống hiện tại này, trong khi quán sát năm thủ uẩn này. Đây là giáo pháp chắc chắn nhất bởi vì thuật ngữ svakkhata-dhamma, hàm nghĩa là lời pháp chân xác của Đức Thế Tôn, nó không mang ý nghĩa là nó đúng chỉ sau khi chúng ta đã qua đời. Nó cũng đúng trong khi chúng ta đang thực tập và những kết quả đạt được tùy theo sức tinh tấn của chúng ta, xuất hiện rõ ràng trong tâm của thiền giả trong khi tất cả mọi thiền giả đang còn sống.

Tất cả phương pháp hoặc kỹ thuật bạn sử dụng để luyện tâm, tôi mong các bạn hãy thông minh và thiện xảo vận dụng chúng trong khi đang tinh tấn thực tập. Bạn phải lưu ý, tư thế rất quan trọng trong việc thực tập. Đừng chỉ ngồi một cách đơn giản hay cứ ngồi mãi, hay đi và luôn thực tập thiền hành. Bạn cũng phải nhớ lưu ý những kết quả và lợi ích gì bạn có được từ nỗ lực của mình bởi vì nhiều người nhận biết rõ chính mình nhiều hay ít tùy hợp với bốn tư thế ngồi, đứng, đi và nằm.

Hôm nay tôi đã giảng giải giáo pháp cho tất cả các bạn từ lúc bắt đầu cho đến điểm cuối cùng trong khả năng của tôi, tôi cảm thấy rằng, cho đến giờ phút hiện tại đây bài pháp này là viên mãn. Tôi mong mỗi người trong các bạn hãy tiếp thu giáo pháp mà tôi đã giải thích hôm nay và các bạn còn phải chạm trán thử thách trong quá trình thực tập của mình, hãy chế tạo chúng thành vật thực để nuôi tâm hay chuyển hóa chúng thành bạn lữ hành trên con đường thực tập. Những kết quả bạn sẽ đón nhận sẽ không thể nào lệch hướng ra khỏi những lời giảng hôm nay.

Xin được dừng ở đây.

Evam

 

(Nguyên bản: The Path of Strength của Thiền sư Maha Boowa Ñanasampanno,
Thượng tọa Thanissaro dịch từ tiếng Thái sang tiếng Anh).