Cơn mưa mùa hạ

Một năm trôi qua với bốn mùa xuân, hạ, thu, đông; trong đó, mỗi một mùa đều để lại trong ta nhiều ký ức hoài niệm, có lúc hân hoan, nhưng cũng có lúc đâu đấy một nỗi buồn len lỏi. Nhiều người thích mùa xuân, bởi mùa xuân trăm hoa đua nở, mọi người có cơ hội thăm viếng nhau, cầu chúc cho nhau những lời chúc tốt đẹp. Tôi cũng đã từng thích mùa xuân như thế, bởi mùa xuân có những cơn mưa lất phất; được đi trong mưa, tôi thấy lòng thanh thản, nhẹ nhàng đến lạ. Bây giờ thì khác, tôi thích mùa hạ, bởi đó là quãng thời gian đẹp nhất của hàng Tăng sĩ chúng tôi.

Mỗi năm ba tháng hạ về,

Chư Ni khắp tỉnh tựu tề nơi đây.

Huynh huynh đệ đệ sum vầy,

An cư kiết hạ vui thay Phật truyền !

Mùa hạ, ở Sài Gòn trời chợt mưa chợt nắng. Cái nắng xuyên qua từng kẽ lá, cái nắng như thiêu đốt từng thớ thịt. Mỗi cơn gió cũng mang theo hơi nóng đến tận hang cùng ngõ hẻm. Nóng là thế, nhưng lại có những cơn mưa bất chợt như trút nước, mưa ngập sân chùa, mưa ngập phố xá; nước mưa như trửng giỡn nô đùa, nó cuốn trôi đi những thứ rác rưởi bụi bặm, trả lại sự trong lành cho thành phố.

Nhìn cảnh tượng này làm tôi liên tưởng đến những cơn mưa vào thời đức Phật mấy ngàn năm về trước. Tại Ấn Độ, ba tháng hạ trời mưa lớn, nước mưa ẩm ướt dường như có mặt khắp mọi nẻo đường, khiến cho việc tu tập đạo nghiệp và hành trình du phương hoằng hóa của Tăng đoàn đức Phật vô cùng khó khăn.

Trong luật Tứ phần[1] ghi nhận, đức Phật chế định pháp An cư cho chúng Tỳ-kheo bởi sự than phiền của các cư sĩ đối với nhóm Tỳ-kheo sáu người. Sự kiện này được xảy ra khi Ngài đang lưu trú tại vườn ông Cấp Cô Độc, nước Xá-vệ. Nhóm Tỳ-kheo này thường du hành trong nhân gian bất kể mùa nào. Mùa mưa đến, họ đội mưa đi với những bộ y phục ướt sủng nặng nề, lại dẫm đạp chết vô số côn trùng, chẳng có một chút oai nghi tế hạnh của Tăng đoàn thanh tịnh gì cả. Quần chúng cư sĩ chê bai rằng: tu sĩ ngoại đạo còn có thời gian lưu trú trong mùa mưa; ngay các cả những loài cầm thú còn có chỗ trú ẩn khi mùa mưa đến, còn Sa-môn dòng họ Thích không có thời gian dừng chân, cứ đi mãi trong mưa nắng.

tangdoan

Chuyện này đến tai đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn quở trách nhóm Tỳ-kheo sáu người và quyết định cho phép chư Tỳ-kheo An cư ba tháng hạ - mùa mưa. Ngoài ra, việc An cư còn có một ý nghĩa vô cùng quan trọng khác nữa, đó là biểu hiện đời sống cộng đồng của các Tỳ-kheo (Tăng đoàn) trên tinh thần hòa hợp và thanh tịnh trong một trú xứ. Trú xứ An cư trong sự thanh tịnh và hòa hợp này được phân định thông qua yết-ma kết cương giới; phân định rõ phạm vi sống và sinh hoạt của Tăng đoàn. Thời gian là ba tháng mùa mưa. Trong thời gian này, các Tỳ-kheo ở trong trú xứ với đời sống hòa hợp thánh thiện cao cả, cùng giáo giới, cùng sách tấn lẫn nhau tu học trên con đường giải thoát, như nước với sữa, đó là sinh mệnh của Tăng đoàn. Thực sự, giáo pháp đức Thế Tôn giảng dạy đã được cụ thể hóa trong đời sống Tăng đoàn thanh tịnh và hòa hợp này. Đó cũng là nơi nương tựa tinh thần vững chắc và niềm hy vọng lớn lao của những người tại gia hộ trì Phật pháp sống giữa cuộc đời hỗn tạp, đầy những hận thù và tranh chấp.

Thời gian An cư được ấn định thành hai giai đoạn, đó là Tiền An cưHậu An cư. Nguyên thủy chỉ có Tiền An cư nhưng do hoàn cảnh và sự việc xảy ra ngoài ý muốn, đức Phật cho phép thêm Hậu An cư. Như vậy, Tiền An cư vào ngày 16 tháng 4. Hậu An cư cho phép trong vòng một tháng, từ ngày 17 thàng 4 cho đến ngày 16 tháng 5 (trong vòng một tháng này, vào ngày nào cũng được). Nếu Tiền An cư thì đến hết ngày 15 tháng 7 là chấm dứt kỳ hạn An cư. Hậu An cư bắt đầu từ ngày 17 tháng 4 thì chấm dứt vào ngày 16 tháng 7. Cứ tuần tự như thế mà tính, cho đến, nếu Hậu An cư vào ngày 16 tháng 5 thì đến hết ngày 15 tháng 8 mới kết thúc kỳ hạn An cư. Nói cách khác, kỳ hạn An cư nhất định phải đủ ba tháng (90 ngày).

Như vậy, chúng ta thấy rằng, pháp An cư rất đơn giản và thiết thực nhưng có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với sự hòa hợp của Tăng-già. Hễ Tăng-già thanh tịnh hòa hợp, chánh pháp cửu trụ thế gian. Từ đó, An cư kiết Hạ được tồn tại và trở thành truyền thống vô cùng cao đẹp và đầy ý nghĩa của Phật giáo, dù là hệ Bắc truyền, Nam truyền hay Khất sĩ.

Với nhịp sống hối hả của một xã hội tiên tiến, nó kéo theo biết bao nhiêu nhiễu nhương hệ lụy và bất trắc. Đời sống Tăng Ni chúng ta cũng không ngoại lệ. Thêm vào đó, Phật giáo có quá nhiều tông phái, tông môn, giữa chùa chiền với nhau lại có sự chia cắt gần như đã trở thành truyền thống, đời sống riêng tư hầu như đã quá phổ biến. Chính vì vậy, tinh thần tập thể, đời sống tương thân tương ái đã vô tình nhường chỗ cho lối sống vị kỷ, hẹp hòi toan tính. Đời sống Tăng đoàn thanh tịnh và hòa hợp phải chăng chỉ còn trong ký ức và hoài niệm của mỗi Tăng Ni, hay ở tận mãi trong những tòa kinh các uy nghiêm với bao lớp bụi phủ mờ?

Và lúc này, đời sống Tăng đoàn thanh tịnh và hòa hợp rất cần hơn bao giờ hết. Nó được thể hiện rõ ngay trong ba tháng An cư kiết Hạ. Nhờ có An cư, chúng ta dứt các ngoại duyên để chuyên chú quán sát thân và tâm của mình, được đại chúng bảo hộ. Nhìn đại chúng tinh tấn tu tập, ta đâu dám giải đãi buông lung. Ta không được sống theo ý riêng của mình, ấy chính là chúng ta đang thể hiện tinh thần hòa hiệp chúng. Một yếu tố cần thiết để Tăng đoàn tồn tại và phát triển. Bên cạnh đó, việc cùng An cư sẽ giúp chư Tỳ-kheo có cơ hội học hỏi kinh nghiệm tu học lẫn nhau, phát triển và thắt chặt tình huynh đệ. Và đây cũng là thời gian tốt nhất cho các cư sĩ thân cận tu học, cũng như có cơ hội gieo duyên lành đến ngôi Tam bảo. Nhờ đó, khoảng cách giữa người xuất gia và cư sĩ được rút ngắn lại, hỗ trợ nhau trong việc phát triển tâm linh, xây dựng một giáo hội vững chãi, bền vững.

“Giáo pháp xương minh do Tăng-già hòa hợp,

Tùng lâm hưng thịnh do đàn việt phát tâm”.

Trong mùa Hạ An cư, đại chúng đa số đều tinh tấn tu hành. Thế nhưng, ta cũng thấy có vị bề ngoài nỗ lực tu hành, nhưng thực chất đi ngược lại với ý Phật xưa. Sống trong chúng nhưng cứ xa lìa chúng, tự mình tu tập theo pháp môn của mình. Ta nghĩ ta tu là phải như thế nhưng thực chất ta đã thiếu đi tinh thần hòa hợp chúng. Có nhiều vị thực hành phép im lặng, cố gắng để tâm mình không tán loạn khi hạn chế tiếp xúc với đại chúng. Vậy mà, tâm ta ngấm ngầm như con sóng ngoài biển khơi, có lúc êm đềm, nhưng cũng có lúc giận giữ dâng trào. Khi xưa, trong Tăng đoàn của đức Thế Tôn cũng đã xảy ra điều tương tự như vậy.

Trong luật Tứ phần ghi: Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn đang lưu trú tại vườn Cấp Cô Độc, thành Xá-vệ, thuộc nước Câu-tất-la, có số đông Tỳ-kheo vì muốn có đời sống an lạc trong mùa an cứ nên lập thêm quy định chung với nhau trong trụ xứ này, ngoài quy định của đức Thế Tôn. Họ quy định rằng, chúng ta không được nói chuyện, không được lễ bái cũng không được thăm hỏi nhau, ai nấy tự chuyên lo tu học. Nếu cần nhờ chuyện gì thì ra dấu, tuyệt đối không được nói chuyện. Sau khi an cư xong, chư Tỳ-kheo quay về đảnh lễ đức Phật và trình bày về phương pháp tu tập khiến cho tâm được an lạc, hạnh phúc và hy vọng sẽ được đức Phật khen ngợi. Nào ngờ lại bị đức Thế Tôn quở trách: “Các ông thật là si mê, tự cho mình được an lạc, nhưng thật sự là khổ não. Các ông thật là những kẻ si mê, cùng sống chung tu học mà giống như oan gia. Vì sao như vậy? Bởi vì ta dùng vô số phương tiện dạy các ông nên chỉ bảo lẫn nhau, nên lắng nghe nhau, cùng nhau thăng tiến trên con đường giác ngộ”.

Thật sự như vậy, vì chúng ta đâu phải dễ dàng được gần gũi nhau, mỗi vị một trú xứ, có vị ở tận miền Trung xa xôi, có vị ở nơi Cao nguyên lạnh lẽo; tại sao không quan tâm nhau, cùng chia sẻ những gút mắt trên con đường tu tập. Nhiều khi chúng ta ngại tâm sự với thầy nhưng chúng ta có thể dễ dàng trình bày với huynh đệ đồng tu. Cho nên, trong ba tháng An cư chúng ta đã sống cùng nhau thì hãy mạnh dạn chia sẻ những hiểu biết của mình cho huynh đệ. Đối với những vị mới xuất gia, An cư càng có ý nghĩa hơn, bởi họ có cơ hội học hỏi từ các bậc Tôn túc có nhiều kinh nghiệm, để biết được sự hành trì của mình đúng hay sai. Nói tóm lại, An cư để tăng trưởng sự thanh tịnh của Tăng đoàn. Được như vậy mới thể hiện được tinh thần An cư.

Trước khi chuẩn bị hành trang lên đường, ai trong chúng ta cũng phát tâm dõng mãnh tu tập tinh tấn, chuyên cần. Thế nhưng, mỗi con người là mỗi hoàn cảnh khác nhau. Rồi duyên sự lại đến, có người phải tạm rời xa Hạ trường vài ngày, có vị cả tuần, hoặc hơn nữa. Việc này cũng được đức Thế Tôn quy định rõ ràng. Y cứ theo Luật Căn bổn: “Nếu vị nào có duyên sự đúng pháp, thì cho phép đi từ một đến bảy ngày, chỉ cần thưa một người. Còn quá bảy ngày đến bốn mươi ngày thì phải tác bạch trước Tăng chúng. Nếu đi quá bốn mươi ngày thì xem như mất Hạ, trừ trường hợp gặp nạn duyên”. Rõ ràng, những quy chế trong pháp An cư nói riêng hay toàn bộ hệ thống giới luật nói chung đều thể hiện rõ tinh thần từ bi bình đẳng của đức Phật, hợp tình hợp lý để hỗ trợ đệ tử Ngài trên con đường tu tập Thánh đạo giải thoát; chứ không phải là những giáo điều khô cứng hay những bức tường thành nguy nga tráng lệ, khiến người ta chỉ dám đứng nhìn từ xa.

Trong xã hội ngày nay, nhiều thứ có thể đánh đổi bằng tiền bạc, nhưng người ta lại dần dần quên đi niềm hạnh phúc của xã hội chính là sự quan tâm, yêu thương lẫn nhau. Cũng vì vắng bóng tình thương nên cuộc sống con người hóa thành những con đường đầy sỏi đá, một mầm cây yêu thương cũng không có cơ hội tồn tại. Sự yêu thương cũng đồng nghĩa với sự sống hòa hợp, bởi lẽ yêu thương nhau mới có thể cùng làm việc với nhau, cùng chia sẻ nhau…

Như vậy, chúng ta có thể thấy rằng ba tháng An cư là môi trường hết sức cần thiết để nâng cao sự thanh tịnh và hòa hợp trong Tăng chúng. Trong thời gian này, nội tâm chúng ta được củng cố một cách vững chắc. Nếu có hành động nào sai trái, đi ngược với giới luật, Tăng chúng sẽ tiến hành yết-ma để trả lại sự thanh tịnh hòa hiệp trong chúng. Bản thân người phạm cũng được thanh thản khi không còn phải ôm mãi những điều sai trái của mình. Nhờ đó mà sự thanh tịnh của đại chúng càng được tăng trưởng.

Trước khi kết thúc An cư phải tiến hành pháp Tự tứ. Pháp thức của Tự tứ cũng như Bố-tát, nhưng Bố-tát thông qua giới luật để thấy lỗi lầm của mình; còn Tự tứ là cầu người khác chỉ lỗi cho mình thông qua ba trường hợp: thấy, nghe và nghi. Người được thỉnh cầu sẽ nói lên những lỗi lầm của người thỉnh cầu trong tinh thần xây dựng; đó là thể hiện tính hòa hợp. Người được chỉ lỗi sẽ y theo pháp mà sám hối, đó là thể hiện tính thanh tịnh. Như vậy, thanh tịnh hòa hợp và sách tấn lẫn nhau được thể hiện xuyên suốt trong thời gian An cư và đó mới chính là ý nghĩa đích thực của An cư.

Vậy là ba tháng hạ đã trôi qua, hình ảnh thân quen của Ni chúng mỗi ngày trong giờ tụng kinh, thính pháp, thọ thực, kinh hành, tọa thiền v.v… như tái hiện hình ảnh Tăng đoàn thời đức Phật còn tại thế mãi, nó đi vào trong tâm thức của mỗi hành giả về tận trú xứ của mình. Đó chính là hình ảnh của sự thanh tịnh và hòa hợp đầy ý nghĩa và giá trị vô cùng.

Con dừng ý nghĩ cũng là lúc mùa Vu Lan thấp thoáng bên thềm; và những người con hiếu thảo rạo rực được dâng lên hai đấng sanh thành những đóa hoa hiếu hạnh. Cúi lạy đức Thế Tôn, cúi lạy mười phương Tăng-già ! Con xin được vọng về kinh thành Xá-vệ thuở xưa thành kính dâng lên Người và Thánh chúng đóa hoa Thánh giới thanh tịnh bất diệt !

(Tịnh xá Ngọc Phú)


[1] Tứ Phần luật, q.37, Kiền độ An cư, Đại Chánh Tạng, tập. 22, tr. 830b.