Con nhà tông

IMG 7472Kính gởi: Các tịnh xá Ni giới Khất sĩ thuộc Tổ đình Ngọc Phương

Chư vị trụ trì Ni giới HPKS,

Để thực thi tâm nguyện “Nối truyền Thích-ca Chánh pháp” của Tổ sư Minh Đăng Quang, đồng thời cũng để cân bằng giữa Pháp học và Pháp hành hầu bảo trì Giới Định Huệ vốn có của tông môn, các bậc Tôn túc trong hàng giáo phẩm của Hệ phái Khất Sĩ đã đề xướng phục hồi truyền thống, liên tục tổ chức những khóa tu truyền thống Giới - Định - Huệ tại các tịnh xá đăng cai, trên khắp đất nước Việt Nam. Kể từ năm 2011 đến nay 2015, ngót 4 năm, Ni giới Khất sĩ thuộc Tổ đình TX. Ngọc Phương đã thực hiện được 19 khóa. Khóa thứ nhất tại Tổ đình Ngọc Phương, từ mồng 10 đến 16/06/Tân Mão (2011). Khóa 19 cũng tại Tổ đình Ngọc Phương từ 17 – 23/4/Ất Mùi (2015).

Trọng tâm của khóa tu là thực hành Thiền “Số Tức Quan” của Tổ sư Minh Đăng Quang cùng kết hợp với pháp “Niệm tâm”, đều là Thiền Tứ Niệm Xứ của Phật Thích Ca. Mỗi khóa tu qua là những bài học kinh nghiệm thực tiễn, nên Ban Hướng dẫn đã cải tiến từng bước một, và đem lại những kết quả thật khả quan (Pháp hành từng bước chỉ bày, Như trao ngọc báu tận tay từng người – thơ Nhật Huy). Đa số hành giả nắm được pháp tu, có chánh niệm tỉnh giác cao, dẫn tâm vào được an tịnh sâu lắng và đạt được hỷ lạc sung mãn.

Tuy nhiên, về tinh thần tham gia của quý Ni sư trong Hệ phái vẫn chưa được đồng đều, nhiều vị còn bàng quan nên không hưởng ứng, vì chưa ý thức được tầm quan trọng của đạo lộ Bát chánh: Giới, Định, Huệ. Cho nên có những vị trụ trì, đã ngót 20 khóa tu rồi mà chưa có một lần tham gia, thử nghiệm.

Thậm chí, mỗi năm, Hệ phái tổ chức khóa “Bồi dưỡng trụ trì” 7 ngày tại TX. Trung Tâm, từ 18 – 24/04/ÂL, nhằm kiểm điểm lại Phật sự năm qua và bổ sung, hoàn chỉnh Phật sự năm sắp tới; vậy mà có những vị trụ trì luôn vắng mặt. Đó là hiện tượng tiêu cực thiếu tinh thần lục hòa.

Khất sĩ đúng nghĩa như Tổ sư MĐQ dạy là người đang đi trên đường tiến đến Vô Thượng Sĩ. Thế nên, trước khi chính thức trở thành Khất sĩ (Tỳ-khưu), giới tử phải hội đủ 2 điều kiện là “Trọn lễ hầu thầy và tu thiền có ấn chứng” (Luật Nghi Khất Sĩ).

Nhưng hiện nay, từ sau ngày giải phóng, một số lớn những vị thọ giới đàn, chưa hội đủ 2 điều kiện trên, nhất là tu “Thiền ấn chứng”. Bởi vì tu sĩ hiện nay chuyên vào pháp học để lấy bằng cấp từ các trường Phật học do Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức, cho nên coi nhẹ pháp hành Giới, Định; thậm chí Thập giới Sa-di cũng chưa hành trì đầy đủ còn nói chi đến giới Cụ túc Tỳ-khưu. Tu mà thiếu Giới, Định là có khuynh hướng thế tục hóa, tuy hình thức xuất gia nhưng nếp sinh hoạt không khác mấy người thế gian. Đó là dấu hiệu suy thoái của Phật giáo.

Ý thức được nguy cơ đó, các bậc tôn túc trong Hệ phái đã khẩn trương tổ chức những khóa thiền tích cực, nhằm phục hồi truyền thống Giới Định Huệ vốn có của Hệ phái và bảo trì phẩm chất cao đẹp mà Tổ, Thầy đã dày công dựng lập.

Hiện nay vẫn còn có vị trụ trì quan niệm rằng: khóa tu truyền thống Giới Định Huệ do Hệ phái tổ chức là để thúc liễm cho hàng sơ cơ, còn quý vị ấy đã tu lâu rồi thì không cần thiết nữa. Quan niệm như vậy là không đúng. Về phương diện tâm linh là phải nắm vững Tuệ học, rốt ráo Tuệ hành mới đến được Tuệ thành, là giác ngộ giải thoát, bởi “nhơn vô thập toàn” và giác ngộ thì không bao giờ dư thừa.

Theo ý kiến của Ni trưởng Minh Liên (viện chủ TX. Ngọc Tâm, tỉnh Long An), tham dự những khóa tu truyền thống Giới Định Huệ đắc lợi cả 2 mặt: Tự lợi và lợi tha, nghĩa là:

1 – Bản thân hành giả được học hỏi thêm những pháp mới do quá trình tu tập đem lại (tự lợi).

2 – Có cơ hội chia sẻ những kiến thức mà mình đã tích lũy qua bề dày tu tập đến với pháp lữ, và cho đoàn hậu lai (lợi tha).

Một ý nghĩa lớn lao và có tầm vóc Giáo hội, đó là hoan hỷ hưởng ứng một Phật sự quan trọng để làm sống lại nếp sinh hoạt của Hệ phái mà Tổ, Thầy khi còn sinh tiền đã đóng góp vào sự nghiệp Nối truyền Chánh pháp một cách thiết thực, cụ thể.

Lại có những quan niệm cho rằng trình độ bản thân mình còn thấp kém, chỉ thích hợp với những thiện pháp như bố thí, cúng dường, tụng kinh, niệm Phật và hướng dẫn tín đồ tu thiện, không đủ khả năng phát triển con đường tâm linh. Quan niệm như vậy là vô cùng lệch lạc, nhất là quan niệm đó xuất phát từ những vị trụ trì.

Khất sĩ trụ trì là Khất sĩ ưu tú, Phước Huệ đầy đủ, làm tất cả những thiện pháp (phước), nhưng căn bản vẫn là con đường tâm linh (huệ), và mục tiêu tối hậu là giác ngộ giải thoát. Nếu trong hiện tại vị trụ trì chưa có được trình độ về tâm linh thì phải tích cực vươn lên, phải tinh tấn tu tập để cho khả năng được tương xứng với địa vị.

Trong Luật Nghi Khất Sĩ Tổ sư có dạy: “Cấm người xuất gia mà không tu thiền định”, và Tổ còn khẳng định: “Khất sĩ mà không tu thiền định là khất cái”. Mà khất cái thì đâu có vị trí trong chùa?

Khất sĩ trụ trì là người khất sĩ cao trỗi trong hàng ngũ Khất sĩ; nếu trong thực tế, chúng ta chưa hoàn thiện được giới hạnh, chưa đủ thiền lực để thanh lọc phiền não, thì những khóa tu Giới - Định - Huệ như thế này là cơ hội tốt nhất để chúng ta tu tập cho thuần thục, hầu kiện toàn phẩm hạnh xuất gia và xứng đáng là thạch trụ cho ngôi nhà Tam Bảo (Phật pháp đống lương).

Cố NT. Huỳnh Liên có dạy:

Dẫu bề nào cũng một kiếp công phu,

Tu dồi luyện phẩm tu cho đáng giá”.

                           (Nếp sống vân du – thơ NT. Huỳnh Liên)

Các bậc tôn túc trong Hệ phái vì tiền đồ Khất sĩ, vì thương tưởng đến đoàn hậu lai, không nệ hà tuổi già sức yếu, cố gắng tổ chức cũng như nỗ lực tham dự những khóa tu, sát cánh với chư thiền sinh để làm gương tinh tấn. Hiện tại các vị trụ trì, không tham gia tu tập, không tiếp bước các bậc tôn túc, rồi mai đây vô thường chắn lộ, ai là người thay thế hàng Giáo phẩm để hướng dẫn đoàn hậu lai. Nếu bất cập quý vị phải đứng ra gánh vác mà không có kinh nghiệm tự thân thì lấy gì để hướng dẫn?

Nếu “tùy hỷ” là công đức lớn, ngang tầm với công đức bố thí, trì giới, vậy “bàng quan” sẽ có tác dụng ngược lại.

Là thành viên của Hệ phái, mang nặng thâm ân của Tổ Thầy, chúng ta càng phải hưởng ứng những Phật sự do Hệ phái tổ chức. Hệ phái có phát triển tốt đẹp, có duy trì được dài lâu là nhờ sự đóng góp tận tình cả về tinh thần lẫn vật chất của từng thành viên trong Hệ phái; nhờ vậy, Hệ phái mới có thể sống còn và phát triển được. Nếu Hệ phái suy sụp, trụ trì nương vào đâu để mà tồn tại? Có tồn tại chăng chỉ là hình thức, chứ còn nội dung đã ngoại hóa từ lâu.

Vài dòng tâm huyết, mong chư Pháp lữ nhận thức kịp thời và xử lý thích hợp.

 Nam Mô Thường Hoan Hỷ Bồ Tát Ma Ha Tát

Ngọc Phương, mùa Phật Đản PL. 2559

Hàng Giáo phẩm Ni giới Khất Sĩ

thuộc Tổ đình Ngọc Phương