Công hạnh của chư Ni trưởng lãnh đạo tiền bối

Sáng 7-6, ngày cuối cùng của khóa Bồi dưỡng trụ trì, đại diện chư Ni Hệ phái Khất sĩ lần lượt trình bày những bài tham luận nghiên cứu về công hạnh của chư Ni trưởng tiền bối - những bậc Thầy mô phạm của Ni chúng. Cụ thể như:

- Ni trưởng Ánh Liên (Tịnh xá Ngọc Châu – Quảng Nam): “Sơ lược hành trạng Cố Đệ nhị Ni trưởng Bạch Liên

Nhìn thấy những thành quả tốt đẹp và tiền đồ rạng rỡ của Giáo hội Ni giới Khất sĩ ngày nay, qua bài tham luận, không ai có thể phủ nhận những công lao và sự đóng góp to lớn của cố Ni trưởng Bạch Liên. Những cống hiến to lớn, sự tận tụy, tinh thần dũng cảm vượt khó đối với sự nghiệp hoằng pháp độ sinh của Đệ nhị Ni trưởng luôn là tấm gương cho hậu thế.

- Ni sư Tuyết Liên (Tịnh xá Ngọc Hiệp, Tiền Giang): “Công hạnh của Ni trưởng Trí Liên”

Cố Ni trưởng đến với cuộc đời 84 năm. Với 48 năm trả nghiệp hồng trần, 36 năm dâng đời cho cõi đạo nhiệm mầu, viên mãn kết tụ 84 năm “một cuộc đời đến đi tùy duyên vô ngại”. Đạo nghiệp và công đức của cố Ni trưởng được kết tinh bằng Giới đức, Tâm đức và Tuệ đức, là một tấm gương đức hạnh chốn thiền môn, lưu mãi hậu thế cho hàng hậu học noi theo.

- Ni trưởng Mai Liên (Tịnh xá Ngọc Lâm, Long Hải): “Công hạnh của Cố Ni trưởng Ngân Liên”

Cuộc đời và đạo nghiệp của Cố Ni trưởng Ngân Liên là một tấm gương sáng ngời về đạo đức cũng như giới hạnh, trong suốt lộ trình tu học hành đạo, mặc dù trải qua không biết bao nhiêu thăng trầm, nguy biến của dòng đời, thế nhưng Ni trưởng vẫn bình tâm kiên định, một lòng hướng Phật, giữ bền chí nguyện, tiếp nối Tổ Thầy hoằng dương chánh pháp, với hạnh khiêm cung, từ ái, sống trong thế gian nhưng chẳng nhuốm bụi trần, luôn biết tùy duyên, tùy thời mà đưa đẩy con thuyền giáo lý, hành đạo đến giây phút cuối đời. Có thể nói Cố Ni trưởng Ngân Liên xứng danh là bậc mô phạm trong giáo pháp, là tấm gương phẩm hạnh tròn đầy cho hàng Ni giới Hệ phái Khất sĩ noi theo.

- Ni trưởng Khiêm Liên (Tịnh xá Nhật Huy, Đồng Nai): “Ni trưởng Huỳnh Liên - Đóa sen vàng từ miền Cực lạc”

Suốt 40 năm dài lãnh đạo Giáo hội Liên Hoa (GHLH), Đệ Nhất Ni trưởng đã tỏ ra xứng đáng là bậc Thầy mô phạm cho cả chư Ni Hệ phái Khất sĩ và hàng Phật tử. Ni trưởng vận dụng thân giáo, khẩu giáo, ý giáo để truyền bá giáo lý Phật đà và nối truyền chơn lý Thầy Tổ. Qua 40 năm gánh vác trọng trách và phát huy sự nghiệp Tổ Thầy, sự hiện hữu của Ni giới Khất sĩ hiện tại trên toàn lãnh thổ Việt Nam, và cả nước ngoài là một bằng chứng cụ thể. Ni trưởng đã viên tịch nhưng tư tưởng, tình cảm, hành động, tất cả con người của Ni trưởng vẫn còn lại trong những vần thơ cao đẹp.

Các bài nghiên cứu tham luận trên đã nhắc nhớ lại về công lao to lớn của các bậc tiền bối, dù ca ngợi bao nhiêu cũng không đủ, làm cho hàng đại chúng hậu học không giấu được niềm cảm động, hoan hỉ, và lòng cảm phục công hạnh của người xưa. Tự nhìn nhận - phản chiếu bản thân, để không ngừng học hỏi, nối tiếp, và làm rạng danh Chánh pháp sau này.

Sau cùng, Hòa thượng Giác Pháp đã đúc kết 4 bài tham luận trong buổi sáng hôm nay, cũng như tán thán và góp ý những điểm mạnh, điểm yếu cần được phát huy – tránh sửa. Những lời dạy dỗ, sách tấn vô cùng gần gũi của Hòa thượng làm cho chư Tăng Ni hiểu rõ hơn những thiếu sót của bản thân, cũng như biết cách phát triển thế mạnh mỗi cá nhân, tập thể.

Nhìn vào những công hạnh lớn lao và cao đẹp ấy, tóm lại, người trụ trì phải trang bị cho mình đầy đủ “huệ” và “đức”, có huệ mà không có đức thì mọi người chẳng kính, có đức mà không có huệ thì khó hướng dẫn đàn hậu lai. Vị trụ trì phải lấy đức làm cho huệ càng ngày càng tỏa sáng. Có huệ và đức thì mới có khả năng kế thừa và tiếp nối sự nghiệp các bậc tiền nhân. Tăng Ni ngày nay có vị hiện đang trụ trì, hoặc có vị tương lai sẽ trụ trì, nên vấn đề nghiên cứu kiến thức trụ trì cũng như kiến thức về cách điều hành quản lý một ngôi tịnh xá là một việc làm vô cùng cần thiết, không nói quá là vô cùng cấp bách.

Tự thân mỗi người đều đọng lại vô vàn những cảm xúc, suy tư khác nhau, nhưng nhìn chung, có lẽ tất cả đều cùng hướng về một mục đích, là làm trụ trì bằng tất cả tấm lòng “hoằng pháp vi gia vụ, lợi sanh vi bổn hoài”, noi gương công hạnh của các bậc đi trước, nối truyền Thích-ca Chánh pháp, đem lợi lạc đến cho tha nhân, cho chúng sanh muôn loài.