Công ơn cha mẹ qua lời dạy của đức Thế Tôn

Trong Kinh Tăng Chi tập 1, Đức Phật có dạy: “Này chư Tỳ-kheo, Ta nói trên đời có hai hạng người mà chúng ta không thể nào trả ơn được. Thế nào là hai? đó là mẹ và cha. Một bên vai cõng mẹ, một bên vai cõng cha cứ như vậy suốt trăm năm đến trăm tuổi hay thoa xức, đấm bóp, thoa gội và dầu tại đấy. Dẫu cho cha mẹ có đại tiện, tiểu tiện thì Ta nói cũng chưa làm đủ và chưa đủ để trả ơn cho cha mẹ. Lại nữa, này các Tỳ-kheo nếu chúng ta có an trú cha mẹ nơi quốc độ có tối thượng uy lực, có đầy đủ bảy báo thì cũng chưa làm đủ và chưa đủ để trả ơn cho cha mẹ. Vì cớ sao? Vì rằng cha mẹ đã hy sinh và làm nhiều cho con cái, nuôi nấng, nuôi dưỡng chúng trưởng thành và giới thiệu chúng vào trong cuộc đời này”[1].

Như lời dạy của Phật thì công ơn Cha và Mẹ là không thể báo đền trọn vẹn được. Nhưng để phần nào cụ thể hóa về công ơn cha mẹ đã làm cho ta và chỉ rõ cho chúng ta cách đáp đền một phần nào công to lớn ấy khi hai đấng sanh thành còn hiện diện trên cuộc đời này, Đức Phật tạm đưa năm việc mà con cái cần làm đối với cha mẹ và năm việc mà cha mẹ đã làm cho con cái. Những mối quan hệ này được trình bày rõ trong Kinh Trường Bộ tập 2, bài kinh Giáo thọ Thi-ca-la-việt.[2]

Năm việc con cái cần làm đối với cha mẹ

“Được nuôi dưỡng, tôi sẽ nuôi dưỡng lại cha mẹ”: Khi còn sanh thời, cha mẹ vì chúng ta mà không ngại gian lao, chẳng từ khó nhọc để cho các con sống an lành hạnh phúc trên cõi đời này. Cũng có khi vì tương lai của con mà cha mẹ chẳng từ bất kì một việc khó khăn nào, đôi khi những việc ấy có thể gây ra tội lỗi, nghiệp chướng, oan trái với người, với vật… thậm chí cha mẹ vì cuộc sống của con cái có thể hy sinh cả tánh mạng của mình.

“Tôi sẽ làm bổn phận đối với cha mẹ”: Ngoài phụng dưỡng cha mẹ ra chúng ta còn có bổn phận gì với cha mẹ? Đó là trong gia đình, anh em phải sống hòa thuận, thương yêu giúp đỡ lẫn nhau về vật chất lẫn tinh thần. Hành xử tốt với những người chung quanh, thể hiện tinh thần hòa đồng với mọi người. Chúng ta phải tạo điều kiện thuận lợi cho cha mẹ trên con đường đạo đức, thiện lành.

Giữ gìn gia đình và truyền thống”: Trong gia đình có nhiều thành viên mà mỗi thành viên thì có một ý khác nhau, muốn thực hiện điều này đòi hỏi các thành viên trong gia đình phải đồng lòng với nhau, đặc biệt là việc giữ gìn truyền thống. Ở đây đề cập đến những truyền thống tốt đẹp và giá trị cao quý mà truyền thống đó mang lại. Đồng thời, chúng ta phải hiểu rằng chẳng những chỉ giữ gìn thôi mà chúng ta phải phát huy và làm sáng lên, sáng hơn truyền thống cao đẹp đó.

Bảo vệ tài sản thừa tự”: Nếu là người con có hiếu thì không những bảo vệ tài sản thừa tự mà còn làm cho tài sản của cha mẹ để lại phải ngày càng sinh sôi nảy nở ra thêm. Vì sao? Vì cha mẹ đã phải lao động vất vả mới có được tài sản đó, cho nên chúng ta phải biết trân quý gìn giữ và sử dụng đúng những nguồn tài sản mà cha mẹ để lại. Đồng thời, chúng ta phải chăm chỉ làm ăn để phát làm giàu thêm số tài sản mà cha mẹ để lại, nếu không là chúng ta đã phụ tấm lòng của cha mẹ vậy.

Làm tang lễ khi cha mẹ qua đời”: Lễ này được mọi người làm rất trân trọng coi như là bổn phận cuối cùng của con cái đối với cha mẹ khi còn ở dương gian. Và từ đây, chúng ta là hiện thân của cha và mẹ, cuộc sống bắt đầu tiếp nối theo dòng thời gian vô tận, nhưng chúng ta đang mang một hình hài của cha và mẹ ban tặng, và chúng tiếp tục thực hiện những hoài bảo mà cha mẹ có thể chưa làm được. Phải sống và sống tốt đó là đáp đền công ơn cha mẹ vậy.

Sống đẹp!

Như mẹ, như cha,

Yêu thương đùm bọc chan hòa.

Gìn giữ!

Gia phong, truyền thống

Trên kính dưới nhường lề lối.

Năm việc mà cha mẹ đã làm đối với con cái

Ngăn chặn con làm điều ác”: Đối với cha mẹ ngoài công ơn sanh thành, công ơn dưỡng dục còn cao và nặng hơn nhiều. Đây là một trong những trách nhiệm ban đầu của cha mẹ đối với con cái. Và trách nhiệm này phải thực hiện từ lúc ban đầu, để chúng ta biết đâu là nên hư, phải quấy, thế nào là tốt đẹp, xấu ác, việc nào là thiện lành hay bất thiện…

Khuyến khích con làm những điều thiện”: Bên cạnh ngăn chặn con làm điều ác thì trách nhiệm của cha mẹ là khuyến khích con làm các điều thiện lành. Vì tâm con người thường không tự chủ được trước những cám dỗ của cuộc đời. Thiện và ác mong manh hơn sợi chỉ mành, nếu tâm thiện không thuần thục thì dễ bị những điều xấu ác xâm chiếm. Cái bất thiện thường dễ lôi cuốn và hấp dẫn con người hơn là cái thiện. Do đó, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi con làm điều thiện là một việc rất cần thiết của các bậc làm cha, làm mẹ.

Dạy nghề cho con”: Đây là một trong những mong muốn của cha mẹ, ai cũng muốn con cái tiếp nối truyền thống gia đình. Vì dù cha mẹ có để lại cho con cái tiền muôn bạc vạn nhưng những đứa con không biết một chút gì nghề nghiệp thì chắc chắc một ngày nào đó của cải của cha mẹ cũng sẽ tiêu tan. Chúng ta trao lại tiền bạc cho con, không bằng chúng ta tạo điều kiện cho chúng nó học một cái nghề vững chắc. Nếu có biến cố gì xảy ra trong cuộc đời, tài sản có thể mất, nhưng có nghề nghiệp trong tay thì vẫn có thể sống được, và cũng có thể tạo lập lại sự nghiệp của gia đình. Ngược lại, khi chúng ta chỉ biết cho con của cải, sự giàu có mà không tạo điều kiện cho con học một cái nghề tốt đẹp thì chỉ vài biến cố nhỏ trong cuộc đời, thì của cải bị mất mát và con cái không có chỗ dựa để đứng lên lập lại cơ nghiệp.

Cưới vợ xứng đáng cho con”: Dựng vợ gã chồng được coi như là những trách nhiệm quan trọng của cha mẹ. Cha mẹ sẽ chọn cho chúng ta người sống chung đến cuối cuộc đời. Nếu cưới một người con gái lười biếng, không đoan chánh, thiếu tư cách đạo đức, không biết nội trợ, hay gặp một người chồng say sưa chè rượu, bài bạc hút xách thì con gái của họ sẽ phải khổ cả đời. Vì vậy việc cân nhắc kỹ càng trong việc dựng vợ gả chồng cho con cái là điều rất hiển nhiên.Điều này có hợp với xã hội hiện đại ngày nay không? Trả lời câu hỏi này, chúng ta cần nhìn nhận, Đức Phật dạy là chọn vợ xứng đáng cho con, chớ không có nói là ép con cưới vợ theo cách của cha mẹ. Nếu cha mẹ thấy hợp, đứa con thấy hợp thì là tốt rồi. Còn cha mẹ thấy hợp, muốn điều tốt cho con, nhưng vì lý do nào đó mà con không đồng ý cách chọn lựa của cha mẹ, sau này nếu con cái không có hạnh phúc trong cuộc sống gia đình thì đó không phải là lỗi của cha mẹ, vì cha mẹ đã làm tròn bổn phận rồi.

Đúng thời trao của thừa tự cho con”: Đây là của cải vật chất do cha mẹ hoặc ông bà để lại cho các con. Tại sao đúng thời mới giao lại cho các con? Đúng thời có hai ý nghĩa: Một là, lúc ấy tuổi của các người con đã trưởng thành, được tin tưởng và đủ kinh nghiệm để nhận trọng trách được giao; Hai là, lúc ấy cha mẹ cũng đã có tuổi, sức khoẻ không cho phép làm tiếp tục việc này nữa. Đã có rất nhiều trường hợp thương tâm xảy ra cũng vì chuyện gia tài. Ví dụ như trường hợp cha mẹ qua đời đột ngột chưa kịp di chúc lại cho con cái. Do lòng tham, người nào cũng muốn phần nhiều nên xảy ra xung đột, anh em bất hòa, có lúc dẫn đến án mạng. Cũng có trường hợp cha mẹ chia gia tài không đồng đều mà những người con cũng không đồng ý với nhau về quyết định của cha mẹ, rồi có những hành động không kiềm chế được bản thân và những điều không nên xảy ra cũng đã xảy ra.

Qua đó cho chúng ta thấy rằng mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình là một sự quan tâm lẫn nhau giữa các cá thể cùng huyết thống trong gia đình. Điều cốt yếu mà Phật muốn cho mỗi cá nhân thấy đó là nghĩa vụ và bổn phận của các thành viên phải tương quan với nhau. Cha mẹ lo cho con cái, con cái phụng dưỡng cho cha mẹ đây là mối tương quan bình đẳng giữa người và người trong cuộc sống của chúng ta mà thôi.


[1] HT. Thích Minh Châu (dịch), Kinh Tăng Chi, tập 1, “Phẩm Tâm thăng bằng”, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, 1996, trang 119.

[2] HT. Thích Minh Châu (dịch), Kinh Trường Bộ, tập 2, ‘Kinh Giáo thọ Thi-ca-la-việt’, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam ấn hành, 1991, trang 529- 548.