Công ơn Sư trưởng

 

Có thể nói, mỗi người chúng ta đều đã thọ nhận rất nhiều ơn nghĩa, như là: ân Tam bảo, ân cha mẹ, ân Sư trưởng... Trong các kinh, Đức Phật đã từng khuyên rằng: "Này các Tỳ-kheo, hãy nên nhớ nghĩ đến những người như cha mẹ, Thầy Tổ đã từng sanh ra và nuôi dạy chúng ta nên người, hai công ơn đó rất lớn"([1]). Thật vậy, chúng con tự nghĩ rằng mình có thiện duyên lớn mới được xuất gia quay về với Tam bảo, được học hỏi Phật pháp, được Thầy trao truyền giới thân huệ mạng, kiến thức và dạy dỗ con nên người, như con thuyền đưa con từ sông mê sang bến giác… Thâm ân ấy, con nguyện ghi tạc trong lòng:

“Ơn giáo dưỡng một đời nên huệ mạng

Nghĩa ân sư muôn kiếp khó đáp đền”.

Như chúng ta đã biết, cha mẹ tuy sinh dưỡng thân ta, nhưng nếu không có bậc Thầy thế gian thì không biết lễ nghĩa, không có bậc Thầy xuất thế thì không hiểu Phật pháp. Lễ nghĩa không biết thì chẳng khác gì muôn vật, Phật pháp không hiểu thì nào khác người phàm phu. Nay ta được biết về lễ nghĩa, được hiểu sơ lược về Phật pháp, hết thảy đều nhờ công ơn bậc Thầy thế gian và xuất thế gian mà có được.

Đối với thế học, Thầy là người khai sáng, mở mang trí năng cho mình, người trang bị kiến thức cho chúng ta vào đời. Trong truyền thống văn hoá Việt nam, dù với hình thức nào, thì chúng ta vẫn tôn thờ người Thầy của mình trên tinh thần: “Tôn Sư trọng đạo”, luôn luôn canh cánh bên lòng với câu: “Tiên học lễ, hậu học văn”. Và chúng ta khẳng định rằng: Tài năng của một người được xuất phát từ người Thầy – “Không Thầy đố mày làm nên”. “Nhất tự vi Sư, bán tự vi Sư” là câu thành ngữ luôn nhắc nhở chúng ta lúc nào cũng phải nhớ công ơn Thầy Cô đã dìu dắt chúng ta trên đường đời. Đó cũng là tình cảm thiêng liêng, tình cảm Thầy – Trò, một tình cảm mà ai trải qua trong quãng đời học sinh luôn luôn khắc ghi trong lòng. Nhờ Thầy ta mới tiếp cận với tri thức loài người, mới hoà nhập với đời sống văn minh, mới có nghề nghiệp ổn định,… Ở thời đại hiện nay, con người càng xích lại gần nhau hơn nhờ những phương tiện truyền thông và giao thông tiên tiến, thì tri thức lại càng cần thiết để bắt kịp và thích nghi với đà phát triển của xã hội. Do vậy, vai trò của Thầy Cô càng trở nên quan trọng.

20-11 là ngày mà bao thế hệ học trò Việt Nam đã nhớ lại và tìm cách đáp đền những ân tình, ân nghĩa mà quý Thầy Cô đã cưu mang, đùm bọc, dạy dỗ, giáo dưỡng mình nên người. Nhiều em nhỏ đã biểu hiện tấm chân tình ấy bằng những đoá hoa tươi thắm, hay những món quà bé xinh xắn của lứa tuổi thần tiên. Cao đẹp hơn là những điểm tốt bằng cách nỗ lực học tập hay là các em hát tặng Thầy Cô những bài hát thật ngây thơ: "Em trồng giàn bông trước cửa nhà em, em dành một cây tặng cô giáo hiền,... cây bông hồng, tấm lòng em đó, dâng lên tặng Cô..." ([2]).

Trên phương diện xuất thế gian, Thầy là người dạy ta những phương pháp tu hành để trở thành người đạo đức, được thăng hoa đời sống tâm linh. Nếu ta biết ơn Cha Mẹ và Thầy Cô ngoài đời vì công sinh thành, dưỡng nuôi và giáo dục ta trong một đời, thì ta càng phải nhớ Thầy dạy đạo gấp nhiều lần hơn, vì Thầy nuôi lớn giới thân huệ mạng bất sinh bất diệt của ta, dìu dắt ta trên lộ trình giác ngộ giải thoát. Thầy là người luôn kề vai sát cánh chúng ta, dõi theo từng bước chân mềm mỏng của con chim non đang tập bay; luôn ươm mầm, tưới nước cho hạt giống mình gieo trồng phát triển xanh tươi. Công ơn của quý Ngài cao vợi vời, làm sao ngôn từ nào có thể nói hết được! Khi Thầy khả kính không còn nữa, thì người đệ tử:

“Một mình đứng giữa cuộc đời

Một mình con với một trời quạnh hiu”. ([3])

Dẫu với người thế gian hay xuất thế gian, Thầy là người chỉ đường dẫn lối cho ta, là người truyền trao sự thánh thiện cho mình. Thật vậy, “Một chữ “Thầy” đã bao hàm hai bên đời - đạo, một tiếng ân gói trọn những thâm tình ([4]). Công ơn của Thầy lớn lao vô kể, khó có thể đền đáp cho vừa. Chỉ có tu học và phụng sự với tất cả chí nguyện của mình, ta mới có thể nói câu đền đáp thâm ân trong muôn một. Các bạn chớ có quên:

“Một buổi chiều ta về bên bến nước

Người lái đò vẫn đợi khách sang sông”

Khoảnh khắc ấy đẹp biết bao trong tâm khảm người con Phật chúng ta. Hạnh phúc thay, khi chúng con tu học thành tựu mỹ mãn, được quay về chùa xưa, được thấy hình bóng từ hoà của Thầy bên hiên chùa – nơi mà chúng con được trưởng dưỡng ươm mầm cho sự sống để đâm chồi nảy lộc, đơm bông kết trái cho đời và đạo. Hàng đệ tử chúng con nguyện đời đời khắc cốt ghi tâm, nỗ lực tu học để đáp đền thâm ân của Thầy trong hiện tại, và tự lòng mình thầm mơ ước:

“Ước muốn làm sao nối chí Thầy

Hoằng dương chánh pháp khắp Đông Tây

Oai nghi gìn giữ từng năm tháng

Hạnh kiểm trau dồi mỗi phút giây

Kinh kệ thuộc lòng thông diệu lý

Văn chương điêu luyện, luyện lời hay

Tham thiền nhập đạo bừng tâm trí

Ước muốn làm sao nối chí Thầy”.

(Nối Chí Thầy - Thơ Ni Trưởng Huỳnh Liên)

Có như vậy mới mong xứng đáng là con dòng họ Thích, làm cho ngọn đèn chánh pháp được lưu truyền mãi mãi trong nhân gian.

Chúng con xin thành kính tri ân vô hạn đến các bậc Ni trưởng và vị Thầy khả kính của con – những kỹ sư tâm hồn trọn đời hy sinh vì sự nghiệp “trồng người - đào tạo sứ giả Như Lai” cao quý. Các Ngài đã vì tiền đồ của Hệ phái mà tạo điều kiện cho chúng con rất nhiều trong ăn, mặc, ở, bệnh đầy đủ; từ tinh thần lẫn vật chất để nuôi mầm trí tuệ chúng con. Công ơn vô tận đó con không bút mực nào để nói hết. Con chỉ biết cố gắng tu học để khỏi phụ lòng của Thầy và Quý Ngài.

Con thành tâm kính chúc các Ngài phước thọ khang an, vô lượng kiết tường; mãi mãi là tàng cây đại thọ che chở cho chúng con suốt lộ trình tìm cầu chân lý. Bởi hàng đệ tử chúng con luôn hằng tâm niệm:

“Thời gian dẫu bạc mái đầu

Tim trò vẫn tạc ân sâu của Thầy”.

(TX. Ngọc Long – Căn cứ 3 – Đồng Nai)


[1]Phật Pháp cho mọi người, nhiều tác giả, Nxb Văn Hóa Sài Gòn, tr. 240, năm 2009.

[2] Bài hát Bông hồng tặng Cô, nhạc Sĩ Vũ Ngọc Toản sáng tác.

[3] Bài thơ “Vắng Thầy”, Tuyển tập thơ của Trưởng lão Từ Huệ, Nội san của Hệ phái Khất Sĩ Việt Nam.

[4] Hai chữ Ân Thầy, trang Đạo Phật Ngày Nay.