Cuộc đời và đạo nghiệp của Tổ sư Minh Đăng Quang

Hthao 5Chư Tôn đức, quan khách lắng nghe tham luận

Dẫn nhập

Trải qua hơn 25 thế kỷ, đạo Phật tồn tại đến ngày nay bởi do sự truyền thừa từ Đức Phật đến chư Tổ, “Tổ Tổ tương truyền” tiếp diễn từ đời này sang đời khác. Sự truyền thừa được thể hiện qua hai phương diện giáo lý và thực hành. Về phần giáo lý thì mỗi tông phái đều sáng lập giáo nghĩa, tông chỉ riêng biệt và đều lấy kinh điển của Phật làm nền tảng căn bản. Về phần thực hành hay phận sự có khác nhau là tùy theo sự giải thích giáo nghĩa và tư tưởng của mỗi tông phái. Mỗi tông phái đều có sự truyền bá và xiển dương pháp môn trọng điểm của mình trong tông môn và quần chúng Phật tử. Mỗi tông phái của đạo Phật được ví như mỗi loài hoa trong vườn hoa Phật pháp. Mỗi loài hoa có nét đẹp và hương thơm riêng biệt, để tỏa hương khoe sắc cho đời, nhưng tất cả nằm trong vườn hoa đại thể. Giáo lý Hệ phái Khất sĩ cũng không ngoài ý nghĩa ấy. Đạo Phật Khất Sĩ bắt nguồn từ miền Tây Nam Bộ, vùng đất thiêng đã nuôi nấng bậc vĩ nhân kỳ tài. Với tôn chỉ “Nối truyền Thích-ca Chánh pháp”, Phật giáo Khất sĩ đã ảnh hưởng sâu đậm trong nếp sống tình cảm và tư tưởng của người dân miền Tây Nam Bộ. Từ đó, Phật giáo Khất sĩ đã phát triển một cách mau lẹ, trở thành một Hệ phái mang bản sắc riêng của người dân Việt. Đây cũng chính là mốc son lịch sử đáng ghi nhớ.

Thật vậy, Phật giáo Khất sĩ không chỉ hình thành và phát triển ở nội địa, mà còn truyền bá ra các nước trên thế giới. Giáo lý Khất sĩ tuy chưa được xem là một kho tàng phong phú nhất của nền tư tưởng Phật giáo Á Đông, nhưng đã đóng góp một phần tài bảo vô cùng quý giá, đã thắp lên ngọn đèn chân lý chánh pháp tại quê hương Việt Nam, do một bậc Đạo sư người Việt khai sáng. Bởi lẽ, kho tàng giáo lý ấy được kết tinh bởi sự dung hòa giữa hai nguồn giáo lý Nam - Bắc truyền đúc kết nên bộ Chơn lý với ngôn ngữ thuần Việt, giải thích rõ ràng. Nhưng muốn hiểu về Phật giáo Khất sĩ, trước hết chúng ta cần phải tìm hiểu qua cuộc đời hoằng pháp và tư tưởng Phật học của Ngài. Chính vì thế, phạm vi bài viết này xin trình bày về “Cuộc đời và đạo nghiệp của Tổ sư Minh Đăng Quangđể giới thiệu về một vị Tổ sư khai sáng Hệ phái Khất sĩ ở miền Tây Nam Bộ.

I. SƠ LƯỢC VỀ TIỂU SỬ CỦA TỔ SƯ

Về thân thế Tổ sư xin được trích dẫn sơ lược như sau: Đức Tổ sư Minh Đăng Quang, vị Tổ sư khai sáng Giáo hội Tăng-già Khất sĩ Việt Nam, thế danh là Nguyễn Thành Đạt, tự Lý Huờn, sinh ngày 26 tháng 9 năm Quý Hợi (tức ngày 4 tháng 11 năm 1923), tại làng Phú Hậu, tổng Bình Phú, quận Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long. Ngài xuất thân từ gia đình có truyền thống trọng Nho kính Phật. Thân sinh là cụ ông Nguyễn Tồn Hiếu và cụ bà Phạm Thị Tỵ. Khi Ngài tròn 10 tháng tuổi, cụ bà lâm trọng bệnh và lìa đời, được người cô và bà nội nuôi dưỡng, sau đến kế mẫu Hà Thị Song giáo dưỡng cho ăn học đến lúc trưởng thành.

Vốn có căn lành gieo trồng nhiều kiếp, nhiều lần Ngài tha thiết xin phép thân phụ xuất gia học đạo nhưng thân phụ nhất định không cho. Cuối cùng, Ngài đành quyết chí cắt đứt tình thân, rời bỏ quê hương lên đường học đạo, đến Campuchia vào năm 15 tuổi. Nơi xứ lạ quê người, Ngài đã ngày đêm tinh tấn thọ học và vượt qua những thử thách của thầy Lục Tà Keo và được thầy hết lời khen ngợi, tin tưởng giao hết gia sản cho Ngài trông nom. Trong thời gian 4 năm, Ngài vừa trông nom công việc vừa nghiên cứu Kinh tạng và đường lối Y bát chơn truyền của Phật Tăng xưa. Sau đó, vì không tìm được lẽ đạo sau những ngày tháng khổ công, Ngài về lại Việt Nam. Năm 1942, Ngài vì chữ hiếu, lập gia đình với cô Kim Huê và một năm sau, Kim Huê hạ sanh một bé gái, nhưng vô thường đã cướp đi sanh mạng của cả hai người. Bấy giờ, Thành Đạt không còn là một cậu thanh niên tầm thường, chỉ biết tìm vui tận hưởng những khoái lạc trần gian, mà đã trở thành một người có nguyện vọng tầm cầu chơn lý, cứu khổ nhân sanh.

Sau bảy ngày đêm tham thiền tĩnh tọa nơi cảnh biển núi vắng lặng, trước cảnh yên tịnh, Ngài suy nghiệm về bao nỗi thăng trầm của kiếp sống nhân sinh và bừng sáng con đường thoát ly khổ hải. Năm 1944, Ngài chứng ngộ lý pháp nhiệm mầu: “Thuyền Bát-nhã” ngược dòng rẽ sóng cứu vớt chúng sanh. Ngài đã tỏ sáng dấu chân Chánh pháp của ba đời chư Phật, liễu ngộ Chánh pháp Phật-đà và phát nguyện “Nối truyền Thích-ca Chánh pháp”. Từ đó, Ngài trở thành Tổ sư khai sáng Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam với pháp hiệu “Minh Đăng Quang” và cũng từ đó, bước chân của Ngài đi đến đâu, nơi đó người người thấm nhuần dòng sữa pháp thanh lương ngọt ngào như cam lồ pháp vị tưới khắp thế gian. Ngài đi đến đâu, nơi ấy mọc lên những ngôi đạo tràng tịnh xá; Tăng Ni cùng thiện nam tín nữ quy y và xuất gia tu học theo Ngài ngày càng đông.

Muôn sự vạn vật có hợp tất phải có tan là lẽ thường tình. Ngày 30 tháng Giêng năm 1954, Ngài tập hợp chúng Tỳ-kheo, thuyết pháp khuyến tu như thường lệ. Trước khi ra đi, Ngài dặn dò những điều tâm huyết về chuyến đi tu tịnh của Ngài tại “núi lửa”. Hôm sau, Tổ sư thọ nạn và vắng bóng tới nay. Năm ấy, Ngài vừa tròn 32 tuổi. Sự ra đi của Đức Tổ sư đã để lại trong lòng đệ tử xuất gia Tăng Ni và nam nữ cư sĩ chịu ơn đức giáo hóa của Ngài cảm xúc đau buồn vô hạn (lược trích Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam khảo cứu, tr. 23 - 30).

II. TƯ TƯỞNG CHỦ ĐẠO

1. Nối truyền Thích-ca Chánh pháp

Trong bộ Chơn lý, Đức Tổ sư Minh Đăng Quang đã khẳng định: “Khất sĩ chúng tôi nối truyền Chánh pháp của Phật Thích-ca Mưu-ni, xuất hiện nơi xứ Việt Nam này, với mục đích cố gắng noi y gương Phật, thay Phật đền ơn và để đáp nghĩa chúng sanh trong muôn một...”. Tự thân Tổ sư tu học nương tựa nơi con thuyền Chánh pháp của đấng Như Lai để thành tựu đạo quả. Ngài từng tham vấn nhiều nhà sư lỗi lạc đương thời để học đạo. Với trí tuệ siêu việt, Ngài đã đúc kết những tinh hoa bí yếu của hai nguồn tư tưởng Nam và Bắc truyền lập nên một lối đi riêng, trên con đường Trung đạo không thái quá, không bất cập, y vào tư tưởng Phật-đà hoằng dương giáo pháp. Tổ sư muốn mở ra cánh cửa giải thoát, để cho ánh sáng Chánh pháp được lan tỏa khắp chốn cùng nơi nên Tổ sư cố công khai sáng, mở mang mối đạo, với tông chỉ là “Nối truyền Thích-ca Chánh pháp, Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam”.

2. Tu Giới - Định - Tuệ, hành Tứ y pháp Trung đạo

Tư tưởng chủ đạo của Tổ không ngoài Tam vô lậu học làm nơi y cứ tu hành. Ngày nay do vì cách Phật, xa Tổ, không ai tìm thấy chơn đạo, mà vật chất thì mỗi ngày một thạnh hành. Do vậy, con người càng lún sâu vào hố tội lỗi, bị cuốn hút vào mùi danh bả lợi ngũ dục của thế gian. Đối với người tu cũng thế, pháp thế gian lúc nào cũng làm cho tâm tham ái dấy khởi quên mất ý chí, nghị lực, hùng dũng. Thực hành nơi giáo lý của Tổ giúp chúng ta trở về bản tánh thanh tịnh, chơn tâm sáng suốt, thấu triệt lẽ vô thường của thế gian. Tam vô lậu học gọi đủ là Giới học, Định học và Tuệ học, tức là ba môn học về giới luật, thiền định và trí tuệ. Ba môn học này giúp người tu tập vượt khỏi sự trói buộc của phiền não, giải thoát mọi lậu hoặc, không còn rơi rớt trong ba cõi mà còn chứng nhập quả vị giải thoát hoàn toàn nên gọi là Vô lậu. Theo quan niệm trên, chúng ta thấy Tam vô lậu học“nhân Giới sanh Định, nhân Định phát Tuệ”. Cũng vậy, dầu có người tu hành muốn được đắc Định, đắc Tuệ mà không có Giới thì cũng chỉ là hoài công vô ích mà thôi.

Ngoài ra, Ngài còn chủ trương thực hành Tứ y pháp là pháp hành không thể thiếu của người Khất sĩ. Theo cái nhìn của Tổ sư: “Ai hành đúng Tứ y pháp là đúng Chánh pháp của chư Phật mười phương ba đời, là giáo lý y bát chơn truyền” (Chơn lý Chánh Pháp” số 25). Trong Chơn lý “Chánh đẳng Chánh giác”, Tổ cũng bảo: “Khi xưa chư A-la-hán có vị đắc quả bằng Tứ y pháp, mà trọn đời không nghe Phật thuyết pháp, giảng dạy một câu. Ấy vậy, ai hành đúng theo Tứ y pháp tức là đúng theo Chánh pháp của chư Phật ba đời, là giáo lý y bát chơn truyền vậy”. Thế nên, Tổ tán thán hạnh trì bình khất thực, đời sống du phương, hành trì Tứ y pháp để làm gương giáo hóa chúng sinh, để cho người tập hạnh bố thí, vừa diệt trừ bản ngã, tham sân si của chính mình, gieo duyên cùng mọi người, tự lợi, lợi tha, tự giác, giác tha. Đây là một hạnh cao quý, là truyền thống của chư Phật ba đời, cần phải duy trì và phát huy. Rồi Ngài khai mở con đường Chánh pháp đó lan tỏa khắp nơi cùng chốn đều được thấm nhuần, biết được lối sống của Phật Tăng xưa như thế nào là đúng Chánh pháp. Tứ y pháp là pháp Chánh đẳng Chánh giác, không thái quá bất cập, nhờ đó mà chư Phật mới đắc tâm chơn thành Phật. Tổ đã trải thân nghiên cứu giữa hai hệ tư tưởng rồi Ngài rút ra một pháp tu riêng cho mình, khai mở mối đạo là “Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam” dung hợp tất cả chỉ còn có một Phật thừa, đi thật sát đúng với con đường Trung đạo mà Đức Phật đã đi qua.

III. ĐẠO NGHIỆP HOẰNG PHÁP

1. Giáo lý căn bản

Hệ thống giáo lý được Tổ sư Minh Đăng Quang xây dựng trên nền tảng Kinh-Luật-Luận, kết hợp với sự chứng đắc của bản thân trong quá trình tu tập. Bộ Chơn lý gồm cả Kinh-Luật-Luận được xem là Pháp bảo của Hệ phái gồm 69 đề tài (hay 69 bài giảng). Trong đó, có 9 quyển thuộc phần Luật kết tập thành quyển Luật nghi Khất sĩ.

Về tu tập, Tổ sư chủ trương hành trì thiền định, giảng Chơn lý mỗi buổi chiều, lấy đó làm kinh pháp giảng dạy cho Phật tử. Tư tưởng xuyên suốt của Chơn lý là đề cao vai trò của người xuất gia giải thoát. Đây là con đường duy nhất đến với quả vị Phật.

Ngài dung hợp Nam truyền và Bắc truyền, ứng dụng vào lĩnh vực pháp hành cũng như hệ thống học thuyết.

Về Kinh, Tổ dạy về Ngũ uẩn, Lục căn, Thập nhị nhân duyên, Bát chánh đạo, Khất sĩ, Y bát chơn truyền, Phật tánh, Pháp Tạng, Quan Thế Âm, Địa Tạng, Pháp Hoa, Chơn như… Như vậy, Tổ đã kế thừa có chọn lọc kinh điển của hai trường phái Bắc tông và Nam tông. Bên cạnh đó là những kiến giải rất đặc biệt, như qua bài Võ trụ quan “Con đường tiến hóa của chúng sanh từ thấp đến cao”.

Bắc truyền: Tiếp thu và hành trì theo Giới bổn Tỳ-kheo 250 giới, Tỳ-kheo-ni 348 giới. Thọ dụng thức ăn chay theo truyền thống Phật giáo Bắc truyền. Đây là điểm ưu việt của truyền thống Phật giáo này.

Về giáo lý, giảng Chơn như, Phật tánh: Kinh Pháp Hoa, Kinh Hoa Nghiêm; về Tây phương Tịnh độ: Kinh A-di-đà; về tinh thần nhập thế: Tư tưởng Quán Thế Âm Bồ-tát.

Nam truyền: Chủ trương hành trì giống y như thời Phật tại thế, qua việc:

- Duy trì hạnh trì bình khất thực, đắp y, mang bát.

- Sống tập thể thành đoàn du Tăng qua thực hành Tứ pháp y “ngủ dưới gốc cây, ăn ngày một buổi, đắp y phấn tảo, dùng lá cây làm thuốc”.

- Tin tưởng và hành trì con đường Giới - Định - Huệ theo lời Phật dạy trong Pali tạng đã được Phật giáo Nam truyền gìn giữ và lưu truyền cho đến ngày hôm nay.

Nội dung giáo lý không ngoài: “Giáo lý Khất sĩ, một là dứt các điều ác, hai là làm các điều lành tùy theo nhân duyên cảnh ngộ, không cố chấp, vì lẽ không có thì giờ dư dả, cũng biết rằng: các việc lành là để trau dồi tâm, vì tâm mà làm sự phải, chớ không ngó xem nơi việc làm kết quả, ba là cốt yếu giữ lòng trong sạch” (Chơn lý, tr. 880). Điểm đặc biệt là nghi thức tụng niệm của Hệ phái Khất sĩ được Việt hóa dưới dạng thi kệ, lời văn giản dị, dễ hiểu.

2. Giảng pháp, độ chúng

Sau khi tự thân học hỏi và tu chứng, Ngài đắp y mang bát vào làng trì bình khất thực hóa duyên. Vào buổi chiều, Ngài giảng kinh thuyết pháp, khuyên Phật tử tu tập. Với hạnh tu vô cùng giản dị và gần gũi này, không bao lâu, Ngài đã gây tiếng vang đến dân làng Phú Mỹ và lan dần rộng khắp mọi nơi, khiến nhiều người sanh lòng quy ngưỡng. Vào đầu năm 1947, Ngài đã tiếp độ cả hai chúng thiện nam tín nữ cư sĩ và hai chúng xuất gia Tăng Ni Khất sĩ. Những thời pháp của Ngài thuyết còn ghi lại trong bộ Chơn lý. Ngài đã khéo léo vận dụng và dung hợp tư tưởng giáo lý của hai truyền thống Phật giáo đưa ra con đường Trung đạo, Chánh đẳng Chánh giác, giúp cho mọi tầng lớp trong xã hội nhận được chân giá trị của đạo Phật. Cũng trong thời gian này, Ngài soạn thảo nghi thức tụng niệm, lễ cúng, chương trình tu học, hành đạo cơ bản cho Tăng Ni và cư sĩ. Ngài quan tâm đến việc giáo dưỡng, xây dựng cơ bản cho hai chúng Tăng Ni, chủ yếu về đạo hạnh và nắm bắt vững vàng Phật pháp. Đầu năm 1948, nhân duyên hội đủ, Đức Tổ sư rời làng Phú Mỹ, bắt đầu chuyến du hành do Ngài hướng dẫn có hơn 10 Tăng Ni trực chỉ vùng Sài Gòn, Gia Định, Chợ Lớn. Cũng với phương tiện khất thực hóa duyên và thuyết giảng kinh pháp khuyến tu nêu trên, đoàn Du tăng Khất sĩ do Ngài hướng dẫn đã đi sâu vào lòng đại đa số quần chúng trong vùng, nhiều người đã phát tâm hiến cúng cơ sở cho Ngài thành lập tịnh xá để cho đoàn có nơi nương ở tu học. Sau đó, đoàn xoay hướng hành đạo về vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Ánh Đạo Vàng do Đức Tổ sư nối truyền đã nhanh chóng lan tỏa khắp các tỉnh sông Tiền, sông Hậu. Chỉ trong vòng những tháng cuối năm 1948, các đạo tràng tịnh xá như Pháp Vân, Trúc Viên (ngày nay đổi thành “Ngọc Thuận”) và Ngọc Viên tại trung tâm thị xã Vĩnh Long được thành lập. Cũng với hạnh nguyện này, nền đạo Khất sĩ lan rộng đến các tỉnh miền Đông, nhất là vùng Sài Gòn, Gia Định, Chợ Lớn. Những thành tựu đáng kể nêu trên đều nhờ ân đức cao trọng và tôn chỉ mục đích theo đúng Chơn lý “Chánh pháp” của Tổ. Ngoài ra, Ngài còn khéo léo ứng dụng phương tiện truyền thông và cơ giới hiện đại đương thời vào công việc hoằng pháp.

IV. CẢM NHẬN CỦA HẬU SANH

Để nhận định một vấn đề, trước tiên chúng ta cần đứng trên quan điểm lập trường khách quan để nhìn nhận. Cũng thế, Đạo Phật Khất Sĩ là một trong những Hệ phái rất được nhiều người dân trí thức lẫn bình dân quan tâm. Đây cũng là bước ngoặt chứng minh sự tồn vong, hưng thịnh theo thời gian, làm cho Hệ phái này càng được nâng cao giá trị đích thực của mình. Riêng về cảm nhận của người viết, thì bất luận một tôn giáo nào, hay một hệ phái nào, hình thành rồi phát triển, được quần chúng công nhận và tồn tại lâu dài, tất nhiên tôn giáo hay hệ phái ấy phải thực sự đem lại lợi ích cho nhân sanh. Giá trị tư tưởng ấy phải được nghiệm chứng qua trí tuệ siêu việt. Chỉ 10 năm hành đạo, một thời gian khá ngắn ngủi nhưng Ngài đã để lại cho hậu thế gia tài pháp bảo to lớn. Thế mới biết, chỉ có bậc vĩ nhân thượng sĩ mới có thể hoàn thành sứ mạng một cách trọn vẹn lớn lao như thế. Hiện nay, các ngôi đạo tràng tịnh xá khắp nơi trên mọi miền đất nước đã được xây dựng quy mô, số lượng Tăng Ni Phật tử ngày càng gia tăng đáng được ghi nhận.

Qua cuộc đời và đạo nghiệp của Tổ sư Minh Đăng Quang, chúng ta cảm nhận được rằng người Khất sĩ không phải là người tầm thường mà đòi hỏi phải là người thực học, thực tu, đầy đủ đức hạnh, có chơn tâm mới được gọi đúng danh từ Khất sĩ. Do đó, là tu sĩ, người mang hình thức thay Phật tuyên dương Chánh pháp, chúng ta không sống cầu kỳ xa hoa, ăn mặc thanh bần đơn giản mới xứng đáng người tu giải thoát, hiển lộ đạo hạnh thanh khiết, khiến cho tín đồ nhìn vào người tu sĩ, họ sanh tâm tùy hỷ. Trong Chơn lý, Tổ đã dạy rằng: “Cái sống là phải sống chung, cái biết là phải học chung, cái linh là phải tu chung”.

Đồng thời là tu sĩ cần phải có ý chí cương quyết, dám nói dám làm như Tổ. Đức Tổ sư với trí tuệ cao siêu đã chắt lọc những điểm tinh yếu trong Phật pháp, hướng dẫn người có duyên cùng tu học. Người xuất gia tinh tấn thực tập không ngoài mục đích mong cầu hạnh phúc, nhưng hạnh phúc của người xuất gia là loại hạnh phúc vĩnh cửu trong sự thanh tịnh và giải thoát, không còn các cấu nhiễm thế gian. Muốn được giải thoát giác ngộ, chúng ta không thể không hành trì Giới - Định - Tuệ. Tiến trình này có thể nói là con đường độc nhất để đi đến Niết-bàn. Qua đó, chúng ta thấy tinh thần giải thoát của Tổ rất gần gũi, rất cần thiết đối với người tại gia hay xuất gia. Nếu chúng ta thực hành đúng theo lời Đức Phật dạy: “Người học đạo phải nên kiên tâm, trì chí, tinh tấn, dũng mãnh, không sợ cảnh khổ trước mắt, phá diệt tà tâm, đạt thành đạo quả(Kinh Trung Bộ, 129), thì chắc hẳn sẽ được an vui giải thoát ngay cuộc đời này.

Cuộc đời của Tổ sư là tấm gương sáng, Ngài đã tận hiến cuộc đời mình cho sự nghiệp hoằng pháp làm lợi ích quần sinh. Tấm lòng ấy, tấm gương ấy đáng kính biết bao và đáng noi gương biết bao. Công lao của Ngài đối với Phật giáo Việt Nam rất xứng đáng được trân trọng ghi nhớ.

Kết luận

Với sự truyền thừa mạng mạch Phật pháp qua bước chân Tổ sư, chúng ta thấy Tổ đi đến đâu, Phật pháp nở hoa đến đó; nơi đâu có bước chân Tổ đến, nơi đó có đạo tràng tịnh xá mọc lên... Ngài đã hoằng dương Chánh pháp âm thầm nhưng sâu lắng, đã đánh thức bao tâm hồn đang chìm đắm trong bể ái trầm luân. Qua giáo huấn của Ngài, họ đã thoát ly mọi khổ ải. Ngài đã giúp đỡ tinh thần cho những người dân chưa hiểu đạo. Tổ đã thực hiện đúng y lời Phật dạy: “Này các Tỳ-kheo, hãy ra đi vì hạnh phúc của số đông, vì lòng thương tưởng cho đời, vì an lạc, hạnh phúc của chư thiên và loài người(Kinh Tương Ưng, tập I, 129) . Với sứ mạng cao cả đó, Ngài đã vân du hoằng hóa để hướng dẫn mọi người kiến tạo một đời sống an lạc trên nền tảng của trí tuệ và từ bi tiến đến chân thiện mỹ. Ngài phụng hành Phật pháp, từ bi giáo hóa, bên ngoài tướng mạo đoan nghiêm, bên trong ẩn chứa lòng từ bi vô lượng và trí tuệ siêu việt đáng được xếp vào hàng kiệt xuất danh Tăng Việt Nam. Những bài thuyết pháp của Ngài đã ghi lại thành bộ Chơn lý nổi tiếng lưu hành đến ngày nay; ý pháp vẫn luôn tỏa sáng được nhiều học giả công nhận trí tuệ tu chứng của Ngài. Bộ Chơn lý này còn làm cho đạo mạch Phật giáo Khất sĩ được trường lưu. Tìm hiểu về Ngài là tìm hiểu về con người và sự nghiệp tu hành hoằng truyền Chánh pháp của Ngài. Giá trị lịch sử của Ngài còn ảnh hưởng trực tiếp đến muôn người khác đúng lời Phật dạy: “Nếu người nào tự làm lợi ích, cũng làm lợi ích cho người khác, làm lợi ích cho mọi người, xót thương thế gian, cầu nghĩa lý, lợi ích, an ổn và khoái lạc cho trời và người, người ấy là bậc nhất, là tuyệt diệu giữa mọi người" (Trung A Hàm, tr.17 ). Thật vậy, Ngài là một bậc Thầy sáng ngời đạo hạnh từ thế hệ này sang thế hệ khác. Thật hy hữu! Ngài là một vị Tổ sư đã khai hóa một tông phái mang sắc thái riêng, đã làm cho chúng sinh nhận chân những giá trị tâm linh bất diệt của đạo Phật.

Như vậy, tìm hiểu về Đức Tổ sư là để chúng ta trở về với nguồn gốc của chính mình và cũng hiểu được một con người dâng trọn cuộc đời mình cho đạo pháp, sống quên mình vì đạo. Qua đó, chúng ta định hướng lại mục đích tu tập của chính mình, đồng thời làm cho Phật giáo ngày một phát triển hơn. Ngọn đuốc Chánh pháp hoàn toàn trao về tay hàng Tăng bảo thường trụ, nếu Tăng Ni chúng ta không còn giữ hạnh thanh tịnh, không trở thành một hình tượng mẫu mực, thì làm sao chúng sanh lạc lầm trong đêm tối dám tin tưởng ngọn đuốc ấy sẽ dẫn dắt họ ra tới con đường sáng trở về nhà. Con thuyền phải vững chắc lành lặn, người lái thuyền phải biết rõ hướng đi và thật sự khỏe mạnh thì người đang lênh đênh trong biển mê kia mới tin tưởng phó thác sanh mạng nương thuyền trở về bến giác. Thế nên, để hoàn thành sứ mệnh hoằng dương Chánh pháp, Tăng Ni cần hoàn thiện chính mình, đồng thời cũng cần có phương hướng hoằng pháp hữu hiệu. Được như vậy đạo Phật mới phát triển vững mạnh, đi sâu vào cuộc đời, mang lợi ích và niềm vui đến với mọi loài nhiều hơn nữa.

Tìm hiểu về cuộc đời và đạo nghiệp của Đức Tổ sư Minh Đăng Quang, chúng ta thật kính ngưỡng trước công hạnh của Ngài. Chánh pháp của chư Phật được Ngài thể ngộ, giảng giải, hướng dẫn cho hậu thế thật uyển chuyển vi diệu. Người đời sau đều kính phục và ca ngợi ý chí cầu pháp, xiển dương giáo pháp thiện xảo của Ngài. Bất cứ ai tín thành thực tập áp dụng lời Ngài dạy đều xa lìa điều ác, không còn trôi lăn trong cuộc sống khổ đau, dần bước ra khỏi vòng luân hồi sinh tử hướng về quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Tổ sư Minh Đăng Quang, Chơn lý, tập II, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, 2009.

2. HT. Thích Minh Châu (dịch), Kinh Tương Ưng, tập I, Viện Nghiên c ứu Phật học Việt Nam, TP. HCM, 1993.

3. HT. Thích Hoàn Quan (dịch), Phật Tổ Ngũ Kinh, Nxb. Tôn giáo, TP.HCM, 2005.

4. HT. Thích Minh Châu (dịch), Kinh Trung Bộ, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, TP. HCM, 1992 .