Đặc tính của đạo Phật và giáo pháp Khất sĩ

NgocChon ToaDam CopyNói tới đạo Phật, có lẽ trên hành tinh này đã lắm người biết đến, dù là những cái biết ấy có nhiều dị biệt. Có người biết đạo Phật với một tinh thần lành mạnh, cao cả, siêu việt. Cũng lắm kẻ biết qua sự đánh giá nông cạn, một chiều nên cho đạo Phật là mê tín dị đoan, chán đời, trốn tránh trách nhiệm. Nhưng trên thực tế, nếu không phải vì muốn san bằng một xã hội đầy giai cấp, bất công, lật đổ quan niệm thần quyền của các tôn giáo thần quyền, soi rọi ánh sáng chơn lý, ban rải suối nước từ bi, mở màn cho nhân loại nói chung và nhân dân Ấn Độ thời bấy giờ nói riêng một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của nhân cách, nhân phẩm, nhân đạo, nhân vị, nhân quyền,... đang bị chà đạp giữa con người với con người, thì đạo Phật đã không hiện hữu trên thế giới này. Xa hơn nữa, nếu không vì muốn đưa mình và mọi người thoát khỏi nỗi khổ sanh-già-bệnh-chết thì cách đây trên 25 thế kỷ, thái tử Tất-đạt-đa đã không trải qua 11 năm dấn thân tìm chân lý để trở thành bậc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, khai vẹt lại con đường của chư Phật đã đi.

Đạo Phật ngang qua Kinh, Luật, Luận, với tám vạn bốn ngàn phương pháp tu hành thiết thực đã giúp con người trên khắp năm châu bốn biển, không phân biệt chủng tộc màu da, tháo gỡ được mọi xích xiềng khổ luỵ trong cuộc đời. Được sự hướng dẫn của đạo Phật, nền đạo đức trong xã hội được thăng hoa, tinh thần con người lành mạnh, cao vượt, thánh thiện, đây là mục đích gần nhất của đạo Phật. Nếu nói xa hơn, đạo Phật còn đưa con người thoát khỏi nỗi khổ sanh-già-bệnh-chết, đứng ngoài vòng cương toả của sinh tử luân hồi.

Hơn hai nghìn năm đạo Phật du nhập vào Việt Nam đã thấm sâu vào nền văn hoá đời sống mỗi vùng miền. Dưới thời Lý - Trần, đạo Phật được xem như quốc giáo. Tuy nhiên, đạo Phật không vượt ngoài qui luật biến thiên nên cũng có lúc thịnh suy thăng trầm. Vào nửa đầu thế kỷ XX, nhiều tôn giáo xuất hiện ở Việt Nam. Năm 1944, tại Vĩnh Long sau khi chứng đạo tại Mũi Nai - Hà Tiên, Đức Tổ sư Minh Đăng Quang đã sáng lập Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam, nay là Hệ phái Khất sĩ, một tổ chức trong lòng Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

TSMDQ016

Xuyên suốt mười năm, trong quá trình tu tập và hoằng pháp, thực hiện sứ mạng khai sáng Đạo Phật Khất Sĩ tại Việt Nam, Tổ sư Minh Đăng Quang đã vạch ra một trình tự truyền bá tư tưởng rõ ràng. Để khêu sáng ngọn đuốc “Nối truyền Thích-ca Chánh pháp”, Tổ sư đã khéo trình bày chơn lý qua nhiều vấn đề, dẫn dụ bằng nhiều cách khác nhau để chỉ cho chúng ta thấy con đường tiến hoá của chúng sanh từ thấp đến cao, từ ác đến thiện. Con đường tiến hoá này được Ngài nhắc nhiều lần trong bộ Chơn lý.

Trong Chơn lý “Võ trụ quan”, Tổ sư nêu rõ: "Chúng sanh là tiến hoá, từ địa ngục đến Niết-bàn do nhơn duyên chuyền níu sanh ra. Từ nơi không sanh ra có, nhỏ tới lớn, có rồi có mãi, không hết không rồi: mượn vật chất làm thân để nuôi tâm, còn thân trả lại tứ đại; đời kiếp không dư thiếu.

Chúng sanh chẳng phải lưng, Phật Thánh chẳng phải đầy, dầu đến bao lâu, xem ra cũng vậy. Thật là võ trụ mênh mông, mà như tuồng sắp đặt. Người mà giác ngộ chơn lý mới biết đường đi, đi tới cảnh cao siêu tốt đẹp của tâm hồn, vĩnh viễn, chắc thiệt yên vui; mới gọi ta, của ta, mới có lý nghĩa, mới là ích lợi, hết mê lầm, không loạn vọng, không sở chấp chi nữa hết”.

Mục đích của Tổ sư không phải trình bày những đạo lý huyền bí còn ẩn chứa bên trong vũ trụ mà các nhà khoa học chưa khám phá được. Ở đây, Ngài chỉ mượn hình ảnh vũ trụ để trình bày nấc thang tiến hoá của nhân loại. Đặc biệt, Tổ sư dựa theo lý duyên sinh vô ngã, chỉ cho chúng ta thấy sự hình thành và phát triển của chúng sanh là do các duyên dung hợp, phù hợp với lời dạy của Đức Phật.

Nguồn giáo lý của đạo Phật về sau được kết tập trong ba tạng Kinh, Luật và Luận. Kinh là những lời thuyết giáo của Phật đối với đệ tử xuất gia và tại gia, nhằm chỉ dạy các phương pháp tu hành thiết thực, để thanh lọc nội tâm, chuyển hoá lậu hoặc, kiến tạo một cuộc sống an lành, hạnh phúc ngay trong cõi đời này và hướng đến giải thoát, giác ngộ. Luật là những điều răn cấm Phật chế tác cho hai giới đệ tử xuất gia và tại gia, mục đích giúp họ ngăn ngừa ác nghiệp, phát huy thiện nghiệp, giữ tâm ý trong sạch, thanh tịnh hầu hoàn thiện nhân cách con người, làm mô phạm đạo đức cho đời và thăng hoa sự nghiệp tu tập, đạt đến định tuệ viên mãn. Luận là những lời giảng giải về nghĩa lý sâu xa, ẩn dụ khó hiểu trong Kinh, Luật do chư vị Thánh đệ tử biên soạn, nhằm giúp cho mọi người thấu triệt chân lý.

Ba tạng giáo điển trên đây thích ứng đủ mọi căn cơ trình độ thấp cao, sâu cạn của con người và về sau được các vị cao Tăng, thạc đức triển khai thành hai hệ tư tưởng Nguyên thuỷ và Đại thừa, lưu bố khắp Ấn Độ, và truyền rộng ra các nước. Đặc biệt, vào thế kỷ thứ 3 trước Tây lịch, vua A - dục, một Đại đế của Ấn Độ là người có công nhất trong lịch sử truyền bá Phật giáo trong cũng như ngoài nước.

Không ai có thể phủ nhận rằng đạo Phật với 84.000 pháp môn thiết thực nhất, hữu hiệu nhất giúp chúng sanh tu tập thoát khổ được vui. Hơn 2500 năm sau, khi Đạo Phật Khất Sĩ ra đời với chí nguyện “Nối truyền Thích-ca Chánh pháp”, Tổ sư Minh Đăng Quang đã mang đến xã hội cận đại ánh sáng chơn lý đại đồng. Qua bộ Chơn lý, Ngài chỉ cho chúng ta con đường tiến hóa của chúng sanh từ thấp đến cao, từ ác đến thiện.

Khảo sát tổng quát nội dung bộ Chơn lý, chúng ta thấy dù điều kiện khách quan rất hạn chế, nhất là Kinh-Luật-Luận thời bấy giờ phần nhiều còn nguyên trong cổ ngữ Sanskrit, Pali và chữ Hán, vả lại thời gian tìm tòi nghiên cứu của Tổ sư không lâu, thế mà Ngài đã hệ thống và hình thành được những phạm trù căn bản, giới thiệu được tư tưởng giáo lý nền tảng của đạo Phật đến quần chúng.

Tính khế lý khế cơ

Đi ngược thời gian hơn 60 năm trước, trở về với bối cảnh lịch sử khi Tổ sư trình bày các bài pháp này chúng ta sẽ thấy gì ở đó? Một nơi xa xôi hẻo lánh, đường sá chật hẹp, lầy lội. Có thể là một căn nhà tranh, không điện, không quạt máy, không có máy phóng thanh, không có bàn ghế, mọi người ngồi xếp bằng dưới đất để lắng nghe pháp. Đối tượng Tổ sư trình bày là những người nông dân, buôn bán, làm thuê, ít học, có thể có nhiều người không biết chữ quốc ngữ. Trong hoàn cảnh như thế, tại sao Tổ sư lại trình bày vấn đề vượt quá mức hiểu biết của người nghe? Chúng ta có thể xác định rằng Tổ sư chỉ mượn hình ảnh vũ trụ để trình bày con đường tiến hoá của chúng sanh, chỉ cho chúng ta thấy lộ trình chúng ta đã đi qua, vị trí đang đứng và phương hướng sẽ đi tới. Qua đây Tổ sư trình bày mối quan hệ giữa con người với con người, giữa con người và vạn vật chung quanh. Sau khi giới thiệu tổng quát về vũ trụ và con đường tiến hoá của chúng sanh, tiếp theo đó Tổ sư xác lập ý pháp, chỉ cho chúng ta con đường đi tới, xây dựng một cuộc sống yên vui tốt đẹp đúng với chơn lý vũ trụ.

Có thể thấy, Đạo Phật Khất Sĩ hoà nhập vào dòng đời trên suốt 60 năm qua trải rộng ra nhiều châu lục, hoằng dương Chánh pháp bằng kinh điển được Việt hoá rõ ràng, dễ đọc tụng lại dễ hiểu, gần gũi với mọi tầng lớp. Nguồn giáo lý của Đạo Phật Khất Sĩ dạy con người sống quên mình vì người khác thể hiện một cách thiết thực qua việc bố thí, cúng dường, chánh nghiệp, chánh ngữ, chánh mạng, tuân thủ các điều cấm giới …

Trong đời ai cũng phải ăn mà sống. Nhưng bởi có cái sống trước, vậy thì muốn sống là chớ sát sanh, muốn ăn thì không nên trộm cắp. Mạng người quý báu. Chúng ta nên phải biết rằng, cái sống khó tìm, khi chết đi đâu còn sống lại; chớ của cải trước sau mau chậm, có ngày ta kiếm được. Vậy thì chúng ta muốn sống là phải làm cho mọi người được sống. Ta muốn ăn là phải làm cho mọi người có ăn” (Chơn lý “Ăn và sống”).

Nhờ biết giữ giới mà phẩm chất đạo đức con người nâng cao, thiết lập gia đình an lạc, hạnh phúc, góp phần không nhỏ trong việc xây dựng một xã hội văn minh, lành mạnh và thanh bình. Xa hơn nữa, đạo Phật còn hướng dẫn con người tu tập đạt đến giải thoát giác ngộ. Trên tinh thần chơn lý đại đồng, Tổ sư chỉ rõ đạo Phật không hề gây đau khổ hay đổ máu cho một ai; cũng không hề gây chiến tranh, tang tóc cho một dân tộc nào, luôn chủ trương lấy nước từ bi tưới tắt lửa hận thù; lấy đức khoan dung, hỷ xả tha thứ cho kẻ tội lỗi. Ở đâu có đau khổ, nơi đó có sứ giả tình thương của đạo Phật mang chất liệu an vui đến. Vì vậy, đạo Phật được tôn vinh là đạo từ bi hay đạo của hoà bình.

hoa binh

Tính tự do tư tưởng

Đạo Phật không có hệ thống tín điều, không lấy tín điều làm căn bản như hầu hết các tôn giáo khác. Đạo Phật, mặc dù có những điều răn cấm dành riêng cho đệ tử tại gia và xuất gia để ngăn ác, hành thiện, nhưng đặt trên cơ sở tự nguyện, tự giác thay vì giáo quyền. Đức tin của đạo Phật luôn đi đôi với cái “thấy”. Chính Đức Phật cũng đã nói: “Pháp của ta là đến để mà thấy, chứ không phải đến để mà tin”. Lời Đức Phật dạy cho dân chúng Kàlama được các học giả phương Tây xem là Bản Tuyên ngôn về Tự do tư tưởng: “Này các Kàlama đừng để bị dẫn dắt bởi những báo cáo, hay bởi truyền thống hay bởi tin đồn. Đừng để bị dẫn dắt bởi thẩm quyền kinh điển, hay bởi lý luận suông hay bởi suy lý, hay bởi sự xét đoán bề ngoài, hay bởi vì thích thú trong những lý luận, hay bởi những điều dường như có thể xảy ra hay bởi ý nghĩ đây là bậc Đạo sư của chúng ta. Nhưng này các Kàlama, khi nào các ông biết chắc rằng những điều ấy là thiện, là tốt hãy chấp nhận và làm theo chúng” (Kinh Tăng Chi I).

Trong Chơn lý, Đức Tổ sư thường nhấn mạnh rằng con đường thực hành của đạo Phật, trước hết là chánh kiến. Nhờ chánh kiến mà người con Phật thẳng bước trên lộ trình dẫn đến giải thoát giác ngộ, không sợ lạc lối sa chân vào tà kiến, đưa đến mê tín dị đoan, cuồng tín hay đức tin mù quáng, gây tai họa cho loài người.

Người tà kiến thì đi sâu vào trong chốn khổ mịt mờ đen tối, nếu quay trở lại chánh kiến tức nhiên giải thoát, xán lạn vui tươi. Đạo chánh là bởi thiện lành, không ác quấy. Ấn chứng của đạo là sự vui tươi, không khổ nhọc. Có giữ giới vạn vật mới tốt đẹp, có thiền định chúng sanh mới sống đời, có trí huệ các pháp mới trọn lành trong sạch” (Chơn lý “Bát chánh đạo”).

Tính khoa học thực tiễn

Đạo Phật còn được gọi là đạo “sống”, là phương thức sống, lẽ sống, lối sống. Giáo lý của đạo Phật là để ứng dụng chứ không phải để trang trí cho toà lâu đài tư tưởng triết lý suông. Người con Phật không hề ngồi đó chờ đợi sự ban cho hay ỷ lại vào đức Giáo chủ của mình, mà trải thân thực nghiệm chân lý như người bịnh tự nguyện uống thuốc. Thật vậy, nếu chúng ta thực hiện được giới “không sát sanh”, một trong 5 giới của người cư sĩ sẽ không làm tổn hại mạng người, không giết hại sinh mạng loài vật. Như vậy, chúng ta có dư tinh thần nhân ái, nhân bản, nhân quyền lại còn khỏi gây thù kết oán, không bị mắc các chứng bịnh nan y bất trị, không bị thọ mạng ngắn ngủi, v.v… Nếu không tham đắm của cải vật chất, tiền tài, danh vọng, địa vị… chúng ta sẽ không khổ vì phải tìm phương nầy, kế kia để kiếm cho ra rồi bám giữ lấy nó, chấp thủ nó. Nếu đừng nuối tiếc quá khứ, đừng mơ tưởng, kỳ vọng tương lai, cứ sống với những gì đang có, đang là ngay phút giây hiện tại này, chắc chắn không có nỗi khổ nào hành hạ chúng ta cả.

“Không truy tìm quá khứ,

Không tưởng tới tương lai.

Quá khứ đã không còn,

Tương lai lại chưa đến.

Chỉ có pháp hiện tại

Tuệ quán chính ở đây”

(Trung Bộ Kinh).

Thực hiện lời Phật dạy được chừng nào, ta được sự an vui, giải thoát chừng nấy, ngay trong cuộc đời này, hiện tại hôm nay, chứ không chờ đến kiếp sau, đó là một sự thật, một sự thật rất khoa học. “Người cư sĩ thuở xưa thờ phượng chư Phật Thánh là bằng đức tin tư tưởng và bằng giáo lý trí huệ. Nếu tâm càng tự cao, giải đãi dễ duôi, là tức thì sa địa ngục trọn vẹn, vì địa vị càng cao là tánh mạng càng nguy hiểm, cũng như người trèo núi, càng lên cao là đáy hố sẽ càng xa sâu thêm mãi. Nếu thái quá thì có ngày bất cập, sao cho bằng sự thường bền là tốt hay hơn hết. Đạo là mực trung, lợi ích cho cả ta và người mới phải. Đạo Phật khi hẹp thì phải mở rộng, và khi rộng là phải thu hẹp, rộng hẹp phải biết tuỳ duyên mới gọi là phương tiện thiện xảo của trí huệ Phật (Chơn lý “Thờ phượng”) .

Tính không chấp thủ

Lý tưởng tối hậu của đạo Phật là đạt đến giải thoát, giác ngộ nên đạo Phật chủ trương sống không chấp thủ. Trong Kinh Kim Cang, Đức Phật dạy: “Pháp còn phải bỏ huống là phi pháp”. Pháp là những phương pháp tu tập dẫn đến giải thoát, giác ngộ. Nhưng khi đạt đến giải thoát, giác ngộ rồi, thì những phương pháp ấy còn phải bỏ, huống nữa là phi pháp, tức là những điều không tốt, không chánh đáng, có hại cho mình, cho người. Người con Phật không chấp thủ vào “cái tôi” để khỏi đau khổ về mọi đòi hỏi của nó, mọi đổi thay sinh diệt của nó. Không chấp thủ vào “cái của tôi” như vợ con, của cải, vật chất, tiền tài, danh vọng, địa vị v.v… để khỏi khổ vì sự được thua, còn mất của nó. Không chấp thủ về quan điểm, lập trường, lý tưởng v.v… để khỏi khổ vì trái ý, nghịch lòng, sân si… do sự bất đồng quan điểm, ý kiến…

Tinh thần không chấp thủ của đạo Phật luôn được hàng đệ tử áp dụng tu tập thực tiễn. Cấp độ áp dụng tu tập càng cao, càng giải toả được nhiều áp lực, ức chế của đời sống tâm lý. Càng có thái độ cởi mở, rộng rãi, bao dung, càng được thoải mái, khinh an, tự do, giải thoát. Thiếu tinh thần không chấp thủ, không thể đạt đến giải thoát, giác ngộ. “Phật là giác chơn, là cái biết thật tự nhiên, là nghĩa lý của tiếng Phật, mục đích của cái biết nơi mình, chớ không phải mê tín mờ quáng, mà tự trói mình trong chữ Phật, tiếng đạo, hay tông giáo riêng biệt”. (Chơn lý “Đạo Phật Khất Sĩ”)

Tính trí tuệ

Phương châm của đạo Phật là: “Duy tuệ thị nghiệp”, nghĩa là chỉ có trí tuệ mới là sự nghiệp của người tu. Điều đó cho chúng ta thấy, trí tuệ đối với đạo Phật quan trọng thế nào. Tuy nhiên, chúng ta cần phải phân biệt hai loại trí tuệ.

Ở thế gian những người thông minh lịch lãm, hiểu rộng, tài cao, trong tay có nhiều bằng cấp, như các nhà nghiên cứu, bác học, khoa học, triết học, học giả thế học và đạo học v.v… cũng được gọi là người trí tuệ. Nhờ có trí tuệ của họ mà nền văn minh nhân loại ngày được nâng cao, con người biết sử dụng các công nghệ thông tin hiện đại, các thiết bị kỹ thuật tối tân, các phương tiện giao thông siêu tốc. Các nghiên cứu khoa học có giá trị bất hủ phục vụ đời sống vật chất con người đầy đủ tiện nghi, sung sướng, sang trọng. Nhưng mặt trái của nó cũng có quá nhiều sản phẩm độc hại như vũ khí giết người hàng loạt, các chất gây say nghiện, các phim ảnh, sách báo đồi trụy v.v… đã lôi cuốn giới trẻ lún sâu vào con đường sa đoạ, tội lỗi. Với một thứ trí tuệ còn tương đối như thế, cộng thêm người sở hữu nó vẫn còn nhiều đau khổ bởi tham, sân si, mạn, nghi, ác kiến nên những người ấy vẫn mãi trôi lăn trong đường sanh tử.

Trí tuệ của đạo Phật không phải là thứ trí tuệ thế gian này mà là trí tuệ Bát-nhã được lưu xuất từ Phật tâm của chúng ta, có công năng thấu rõ tánh tướng như thật các pháp. Nó là nhân tố thiết yếu đưa hành giả đến giải thoát, giác ngộ. Thấu rõ tánh tướng như thật của các pháp là thế nào? Là thấu hiểu một cách tận tường, sâu sắc về vạn sự vạn vật nói chung và con người nói riêng đều do duyên hợp. Nó không có chủ thể, không có tự tánh nên gọi là vô ngã; nó không thường hằng, luôn luôn đổi dời, sinh diệt theo chu trình thành, trụ, hoại, không, nên gọi là vô thường. Đây là bản chất cố hữu của các pháp, không ai có thể phủ nhận.

Người có trí tuệ Bát-nhã là người nhìn hiện tượng sự vật dưới lăng kính duyên sinh giả hợp, không có tự tánh, thấy rõ khổ, nguyên nhân của khổ, và con đường chấm dứt khổ. Trong Chơn lý “Thập nhị nhơn duyên”, Tổ sư trình bày: “Vậy muốn dứt luân hồi khổ hắc ám, thì chúng ta phải học, tầm tòi quán xét cho rõ nhơn duyên, dùng trí huệ ấy cắt đứt ái dục tình, đi ngay nẻo phải, đem ánh sáng dẹp bóng vô minh, phá tan hành ác; để cho cái thức được tỉnh táo, đi theo Bát chánh đạo hưởng yên vui thiệt thọ. Trí huệ thì hành thiện, thức thiện, danh sắc thiện, lục nhập thiện, xúc thiện, thọ thiện, ái thiện, thủ thiện, hữu thiện, sanh thiện, tử thiện là Niết bàn. Còn vô minh là hành ác, thức ác, danh sắc ác, lục nhập ác, xúc ác, thọ ác, ái ác, thủ ác, hữu ác, sanh ác, tử ác là luân hồi hay tiêu diệt.

Khởi đầu tại vô minh hay trí huệ, rồi thì nó kéo dài mãi mãi, một trong hai đường. Vậy trí huệ là sự hiểu trắng, sáng suốt. Trí huệ thì không có hành, không hành đâu có thức, không thức đâu có danh sắc, không danh sắc đâu có lục nhập, không lục nhập đâu có xúc, không xúc đâu có thọ, không thọ đâu có ái, không ái đâu có thủ, không thủ đâu có hữu, không hữu đâu có sanh, không sanh đâu có tử, không tử đâu có vô minh luân hồi khổ.

Lại nữa chúng sanh từ khi đã có biết rồi, vì sợ tử mới tham sanh, muốn sanh phải chấp hữu, giữ hữu là phải thủ, lấy thủ là phải ái, muốn ái phải thọ, muốn thọ phải xúc, muốn xúc phải lục nhập, muốn lục nhập phải nương danh sắc, muốn có danh sắc phải tập thức, muốn có thức phải hành, muốn có hành phải vô minh, giả bộ mắt ngơ tai điếc, làm tuồng ngu dại dốt nát ngây khờ, không cần đen trắng miễn sống tạm qua ngày, no bụng sướng miệng thì thôi, chẳng phân chia phải quấy, làm như sâu mọt đục phá cây trần.

Mười hai nhơn duyên do sự tập lần mà có, nên gọi là nhơn duyên tập, tự nơi sự tấn hoá của mỗi người; kẻ bắt dưới đi lên, người bắt đầu trên đi xuống. Mười hai nhơn duyên ấy tức là một cái vòng tròn, hay cũng là một con đường dài đến Niết-bàn, hay đến địa ngục cũng gọi chiếc thang mười hai nấc, để lên lầu cao, hay xuống hố thẩm, là sự còn mất, khổ vui của chúng sanh ”.

Tính vô ngã

Ngang qua lăng kính Bát-nhã (trí tuệ), đạo Phật nhìn hiện tượng sự vật giai không (tất cả đều không) hay nói một cách khác tất cả đều không có tự tánh. Không ở đây không có nghĩa là không có sự hiện diện của sự vật, mà nó nói lên bản chất thật của mọi sự vật; đó là tính duyên sinh y tha khởi của các pháp. Như khi phân tích một con người, ta thấy có hai thành phần kết hợp: thể xác và tinh thần. Thiếu một trong 2 thành phần ấy, không thể có con người. Không có tính chủ thể là như vậy, tức không có cái nào là chủ của thân. Nếu tiếp tục phân tích thân xác con người, đạo Phật khẳng định nó do 4 thứ: đất (chất rắn), nước (chất lỏng), gió (hơi thở), lửa (nhiệt độ) duyên hợp hình thành, thiếu một trong bốn thứ này, không thể có thân xác con người được. Nói chung, tất cả vạn vật trên hành tinh nầy đều không có tự tánh.

Thẩm thấu được tính vô ngã của sự vật hiện tượng như thế, người con Phật sẽ không còn đam mê ngũ dục, đoạn trừ được tham ái, chấp thủ về “tôi”, “vật của tôi” một cách dễ dàng và sử dụng vật chất chỉ như là phương tiện sống. Nhờ vậy mọi nỗi khổ đều được dứt trừ, con đường an vui, giải thoát được thiết lập ngay trong cuộc đời hiện tại này, không cần chờ đến kiếp sau.

“Thấy tánh thành Phật! Mà thấy tánh là thấy cái chơn như, không vọng động, thấy cái giải thoát các pháp, các sở chấp, do sự giác ngộ trí huệ là Phật của mình; chớ chẳng phải thấy bằng nói, nghe, chữ viết, suy gẫm tưởng tượng” (Chơn lý “Phật tánh”).

Tính tự giác

Với chủ trương nhân quả – nghiệp báo, đạo Phật không thừa nhận bất cứ mặc khải nào, mà cho rằng con người có trách nhiệm trước khổ đau hay hạnh phúc của chính mình. Phật dạy: “Chính ta là kẻ thừa kế hành động của ta, là người mang theo với mình hành động của chính mình” (Tạp A Hàm). Ngài còn nói: “Như Lai chỉ là người chỉ đường, mỗi người phải tự đi đến, không ai đi thế cho ai được” và “Này các Tỳ-kheo! Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi, thắp lên ngọn đuốc Chánh pháp… Hãy tự mình làm chỗ nương tựa cho chính mình, nương tựa với Chánh pháp, đừng nương tựa với bất cứ pháp nào” (Trường Bộ Kinh I). Vì vậy người con Phật không ỷ lại vào Đức Từ Phụ của mình ban ân sủng, mà luôn tự mình áp dụng các phương pháp tu tập thiết thực để đoạn tận tham ái, chấp thủ; chuyển hoá phiền não tham, sân, si bằng nỗ lực tinh tấn của chính mình.

Đạo là con đường của tất cả chúng sanh, mỗi người tự đi, chớ không có tên đạo gì cả; giáo là sự dạy học để tu hành, chớ không có phải tôn giáo gì cả; và phái là sự làm việc giúp ích lợi chung cho nhau, chớ không phải phái gì cả (Chơn lý “Trường đạo lý”).

Nhưng vốn dĩ chúng sanh mang nhiều thân bệnh cũng như tâm bệnh, mỗi khi trái gió trở trời, đối cảnh thuận nghịch, nó phát sinh hành hạ con người, gây tai hại nghiêm trọng cho chính mình, tha nhân, gia đình và xã hội. Nó là tham lam, sân hận, si mê; là ngã mạn, ác kiến, tham dục, chấp thủ v.v… Nói chung có tới 84.000 căn bịnh nặng nhẹ khác nhau, nhưng bản chất không ngoài tính di hại, đau khổ. Những chứng bịnh tiêm nhiễm lâu đời trở thành mãn tính rất khó trị, khó trừ. Nó lại còn là nguyên nhân khiến con người lòng vòng trong ba cõi, sáu đường và là tác nhân của mọi sai biệt cho đời sống khổ vui, đẹp xấu, sang hèn, thông minh hay dốt nát v.v… của chúng sanh trong Dục giới. Đức Phật, sau khi giác ngộ đã tự nguyện làm vị lương y, trị tâm bịnh cho chúng sanh. Chúng sanh bịnh gì Ngài cho thuốc đặc trị bịnh nấy. Nếu bệnh tham lam Ngài cho uống thuốc vô thường, bố thí; nếu sân hận, Ngài cho uống thuốc từ ái, khoan dung; nếu si mê, dùng uống thuốc chánh kiến, trí tuệ; ngã mạn, dùng thuốc cung kính, khiêm hạ; chấp thủ dùng thuốc buông xả, vô ngã; ái dục dùng thuốc quán bất tịnh, 12 nhân duyên; loạn động dùng thuốc quán sổ tức, trụ tâm vào một đối tượng, v.v… Đức Thế Tôn có 84.000 phương thuốc đặc trị cho 84.000 tâm bịnh của chúng sanh. Thuốc của Ngài vô cùng hiệu lực, nếu chúng ta chịu uống, nhất định chóng chầy gì cũng hết, cũng sẽ phục hồi lại con người chân, thiện, mỹ. Cao hơn nữa là đạt đến đạo đức của các bậc Thánh, được giác ngộ, giải thoát.

Ngày nay, tuy Đức Phật đã nhập Niết-bàn hơn 25 thế kỷ, Đức Tổ sư đã vắng bóng tròn sáu thập niên, nhưng kho tàng giáo điển của Đức Phật, Chơn lý của Tổ sư là cả một kho thần đơn diệu dược, nên muốn hết bịnh, hết khổ chúng ta phải tuỳ tâm bịnh của mình mà tự giác chọn thuốc uống lấy. Hay nói đúng hơn là nương vào các phương pháp của Phật Tổ Thầy ứng dụng tu tập, điều phục nội tâm, chuyển hoá lậu hoặc để đạt đến chí thiện, giải thoát khỏi vòng sanh tử luân hồi.

Muốn đạt được như vậy người cư sĩ chúng ta cần phải tu học như thế nào? Giáo lý sơ đẳng của đạo Phật dạy phương thức sống, lẽ sống rất thực tế để hoàn thiện đạo đức của người Phật tử tại gia, cũng là đạo đức của một con người trong xã hội. Phương thức sống ấy là:

“Không sát sanh.

Không trộm cắp.

Không tà dâm.

Không nói dối, thêu dệt, đâm thọc, hung ác.

Không uống rượu và sử dụng ma tuý” .

Và:

“Tránh tất cả điều ác,

Làm tất cả điều lành,

Giữ tâm ý trong sạch,

Ấy là lời Phật dạy”.

Dầu người Phật tử hay không phải Phật tử nếu biết ứng dụng những điều trên đây vào cuộc sống đời thường đều nhất định gặt hái nhiều lợi ích, đạo đức nhân phẩm hoàn thiện, đời sống thăng hoa. Đây là nền tảng thành công của mọi cá nhân trên trường đời và thiết lập một cuộc sống gia đình đầy hạnh phúc, an vui, đồng thời là nhân tố quan trọng để cấu tạo một xã hội trật tự, thanh bình, chân thiện mỹ.

Giải thoát giác ngộ

Giải thoát là ra khỏi mọi ràng buộc, bám níu và mê muội về hai phương diện vật chất lẫn tinh thần. Vật chất tức sự trói buộc vào “cái tôi” và “cái của tôi”, tinh thần tức sự sai sử của mười kiết sử: tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến, những trở lực làm con người trôi lăn trong vòng sanh tử. Giác ngộ là thấu triệt cội nguồn sanh tử và thoát ly khỏi vòng trầm luân khổ hải đó, đồng thời dắt dẫn chúng sanh đều lìa sanh tử như mình. Đức Phật Thích-ca trải qua 11 năm tầm sư học đạo cũng chỉ vì mục đích duy nhất này. Với tất cả nỗ lực của tự thân, cuối cùng Ngài đạt đến mục đích. Từ đó cho tới 49 năm sau, Ngài thuyết pháp khắp nơi cũng chỉ vì muốn chúng sanh được “khai, thị, ngộ, nhập Phật tri kiến”, tức là cũng được giải thoát, giác ngộ như Ngài. Cho nên, giải thoát giác ngộ là mục tiêu tối hậu của đạo Phật và người tu theo hạnh Phật.

Phương pháp ứng dụng tu tập để đoạn tận tham ái, chấp thủ về “tôi” và “của tôi”, chuyển hoá 84.000 phiền não, hướng đến giải thoát giác ngộ là tu tập theo Giới, Định, Tuệ. Cố nhiên trong quá trình thực tập, không thể một sớm một chiều thành tựu được. Vì vậy người con Phật phải kiên nhẫn, phải từng bước tháo gỡ trói buộc và hàng phục tham, sân, si… Sự tháo gỡ, hàng phục đó thực hiện được chừng nào, kết quả hạnh phúc, an lạc, giải thoát đến với chúng ta chừng nấy và tất nhiên là đến ngay trong cuộc sống thực tại này.

Kết luận

Tóm lại, trong bất cứ thời đại nào, đạo Phật luôn được tôn vinh là đạo của con người, phục vụ cho con người. Dù ảnh hưởng của đạo Phật đến hết thảy chúng sanh, nhưng con người vẫn là trung tâm điểm. Trải dài theo dòng thời gian sáu thập niên, tuy Đức Tổ sư vắng bóng, Đạo Phật Khất Sĩ vẫn được truyền bá khắp mọi nơi, từ Nam ra Bắc, từ trong nước đến ngoài nước. Đến đâu màu huỳnh y cũng hoà mình vào lòng dân tộc và mọi người nơi đó làm cho nền đạo đức con người, xã hội ngày càng thăng hoa, xán lạn.

Làm người Phật tử cư sĩ áo trắng hàng ngày được thừa tự giáo lý Khất sĩ, chúng ta cần nỗ lực tu tập để hoàn thiện nhân cách con người, trang bị cho gia đình lối sống hạnh phúc, an vui, góp phần xây dựng một xã hội lành mạnh, chân thiện. Xa hơn nữa, nếu muốn vượt khỏi bờ sanh bến tử, người con Phật còn phải hàng phục bản năng dục vọng, tham ái, chấp thủ, chuyển hoá toàn bộ phiền não tham, sân, si… một cách triệt để. Đây chẳng phải đạo Phật là một đạo sống, chỉ bày phương thức sống cho con người đó sao?!

Hỡi quí đạo hữu đồng tu!

Ngày giờ qua như câu chữ, năm tháng như hàng trương, mỗi kiếp sống là một quyển tập. Võ trụ như một kho tàng Pháp bảo, mỗi quả địa cầu là một quyển sách to. Chúng sanh như những học trò, xung quanh là bạn lữ, kẻ dạy dỗ ví những ông thầy; chúng sanh chết đi sống lại, như thay thầy đổi bạn, lên lớp xuống lớp lăng xăng; vạn vật biến hình như sửa tập, các pháp thấp cao, sai khác không như một, là bài vở (Chơn lý “Đi học”).

Người Phật tử cư sĩ phát nguyện và giữ trọn vẹn năm giới căn bản, đó là góp phần làm đẹp cuộc đời. Đặc biệt trong giới thứ tư, chúng ta thực tập không nói gian dối, không nói lời gạt gẫm, không nói lời đường mật, chụp mũ, thị phi, không nói lời độc ác, chia rẽ và đấu tranh, đó là nguyên tắc quán chiếu sâu sắc nhất góp phần tái lập hoà bình. Không những thế, người Phật tử cư sĩ phải phát nguyện thực tập tỉnh thức liên tục, bền bỉ để phát triển hạt giống hiểu biết, yêu thương, thanh tịnh và hoà hợp nơi tự thân. Ngày đầu nhập đạo, phát khởi tín tâm quy y Tam Bảo người Phật tử cư sĩ tự tuyên thệ: “Con xin nguyện trọn đời nương tựa nơi tự tánh Phật bảo”. Tự tánh Phật bảo là tự quy y nơi tánh giác của mình để tìm hạnh phúc, chứ không tìm cầu một nơi nào khác. Quán chiếu nội thân trong nội thân là trong thân Phật có thân ta, trong thân ta có thân Phật. Nhận biết, “tánh Phật và tánh chúng sanh vốn bình đẳng”, đó là niềm tin chơn chánh, niềm tin có tuệ giác của người Phật tử cư sĩ. Thọ giới và thực hành giới pháp là bước đầu công phu tu tập thiền quán của người Phật tử cư sĩ. Bước thứ hai, người Phật tử cư sĩ phải lưu ý thực tập pháp môn tham thiền trong đời sống để có sự tỉnh giác thường xuyên. Tham thiền để an tâm. Mỗi ngày ta ăn cơm để nuôi thân, thì mỗi ngày ta cũng phải thọ “Thiền duyệt thực” để nuôi tâm. Thiền duyệt thực là thực tập thiền để nuôi lớn sự tỉnh thức và niềm vui trong tâm hồn, thành tựu được trí tuệ viên mãn. Nhìn vào cách sống, biểu tướng qua lời nói, và hành xử của một người, ta có thể biết được người ấy có thực tập hay không thực tập lời Phật dạy. Một người học Phật, tập tu thế nhưng không chuyển hoá được tri giác sai lầm, không thay đổi được tập khí giận hờn, hấp tấp, nóng nảy, ganh ghét, ích kỷ, đố kỵ, tham chấp, háo thắng, tỵ hiềm, nhỏ mọn, hệ luỵ và đau khổ chắc chắn vị ấy đang đi sai đường. Hãy trầm tĩnh quán chiếu trở lại để tu chỉnh việc học Phật và công phu hành trì của chính mình.

Học Phật để quán chiếu,

Tỏ ngộ lý chân như,

Chuyển hoá nhân đau khổ,

Đạt tới cõi Niết-bàn,

Ba nghiệp hằng thanh tịnh,

Giới, định, tuệ viên dung,

Vượt qua bờ sinh tử.

Rộng độ khắp muôn loài.

----------------------

TÀI LIỆU THAM KHẢO

- Bộ Phật học Phổ thông (HT. Thích Thiện Hoa).

- Bộ Chơn lý (Tổ sư Minh Đăng Quang).

- Trung Bộ Kinh, Trường Bộ Kinh (bản dịch của HT. Thích Minh Châu).