Đặc trưng ngôn ngữ Hệ phái Khất sĩ

Vào năm 1944, tại miền Nam Việt Nam, Đức Tổ sư Minh Đăng Quang với chí nguyện “Nối truyền Thích Ca Chánh Pháp” đã sáng lập Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam, nay là Hệ phái Phật giáo Khất sĩ Việt Nam, là một trong chín tổ chức Phật giáo tham gia thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam hiện nay.

nn1

Đức Tổ sư Minh Đăng Quang
1923-1954

Đức Tổ sư với sự chứng ngộ của bản thân, đã kết hợp tinh hoa tư tưởng của hai Hệ phái lớn là Phật giáo Nam tông và Phật giáo Bắc tông hình thành Đạo Phật Khất sĩ Việt Nam với tôn chỉ “Việt Nam Đạo Phật không phân thừa”,([1]) là sự tiếp thu một cách có chọn lọc những tinh hoa giáo lý, giới luật, kinh điển và cách hành sự Tăng đoàn giữa hai trường phái Nam và Bắc truyền để nhằm tôn vinh đời sống tuệ giác của Đức Từ Phụ Bổn sư cách đây đã hơn 25 thế kỷ. ([2])

Vào những thập niên 50, Đức Tổ sư dẫn đoàn Du Tăng y vàng thanh thoát, tay ôm bình bát đất, khất thực hóa duyên vốn là hình ảnh đoàn Du Tăng Khất sĩ đầu tiên của Phật giáo Việt Nam trong thời kỳ này. Sau khi Đức Tổ Sư vắng bóng, các Đức Thầy hướng dẫn đoàn Du Tăng, quý Ni trưởng hướng dẫn đoàn Ni chúng kế thừa hạnh nguyện của Đức Tổ sư, du hành khắp các tỉnh thành Nam Trung nước Việt Nam. Điều này chỉ được thể hiện ở Phật giáo Khất Sĩ Việt Nam.

nn2

Đức Tổ sư Minh Đăng Quang dẫn đoàn tư tăng đi hành đạo tại đồng bằng sông Cửu Long

nn3

nn4

nn5

Ni trưởng Huỳnh Liên dẫn đoàn Ni giới Khất sĩ

Đức Tổ sư đã hình thành một hệ tư tưởng mang đậm tính dân tộc với hình thức kiến trúc, pháp phục, phương pháp tu học, hành trì, đọc tụng, nghi lễ mang bản chất đặc thù của người Việt Nam, đây là một đặc điểm nổi bật nhất và cũng là niềm tự hào của cả Hệ phái Khất sĩ.

Chính vì vậy, nên chỉ trong một thời gian ngắn, từ ngày Đức Tổ sư xuất gia tầm chân lý (1944) đến ngày Đức Tổ sư vắng bóng (1954), tính ra vừa tròn 10 năm, môn đồ đệ tử Tăng, Ni của Ngài đã lên đến 100 vị, tịnh xá dựng lập được khoảng hơn 20 ngôi. Sau khi Đức Tổ sư vắng bóng, chư Tôn đức Tăng Ni hàng đệ tử của Ngài, trải qua hơn 10 năm du hành khắp các tỉnh thành 2 miền Nam và Trung Việt Nam, đã thành lập được 3 Giáo hội là Giáo hội Tăng già Khất sĩ Việt Nam (bao gồm Giáo đoàn I đến Giáo đoàn V), Giáo hội Khất sĩ Việt Nam (tức giáo đoàn VI) và Giáo hội Khất sĩ Ni giới Việt Nam. ([3]) Cho tới ngày nay, xuyên suốt hơn 60 năm tiếp tục tông chỉ nối truyền Thích Ca Chánh pháp, Hệ phái Khất sĩ với số lượng Tăng Ni đã có hơn 3.000 Tăng sĩ và xây dựng trên 500 ngôi Tịnh xá. ([4])

Bài tham luận hôm nay xin đóng góp với chủ đề ĐẶC TRƯNG NGÔN NGỮ HỆ PHÁI KHẤT SĨ với 3 nội dung như sau:

I. NGÔN NGỮ KINH TỤNG

Đức Tổ Sư Minh Đăng Quang tuy đã vắng bóng hơn 60 năm nhưng giáo lý của Ngài do chính kim khẩu Ngài tuyên thuyết được ghi lại trong bộ Chơn Lý, bao gồm nội dung cả ba tạng kinh, luật, luận; đây cũng chính là kho tàng pháp bảo vô giá của Ngài để lại cho hàng môn đồ tứ chúng đệ tử.

Chơn lý trọn bộ 69 quyển, trong đó gồm có 9 quyển nói về giới luật và pháp học dành cho giới Tăng Ni xuất gia, còn lại 60 quyển, mỗi quyển là một đề tài liên quan đến các vấn đề Phật học. Ngoài giáo lý căn bản như Ngũ uẩn, Lục căn, Thập nhị nhơn duyên, Bát chánh đạo, Có và không, Thiền định, Giới định huệ, Tứ đế..., còn có các tư tưởng Phật học hàm ẩn những triết lý trong nhiều kinh điển Đại thừa phát triển như Kinh Pháp hoa, Kinh A Di Đà, Kinh Phổ Môn, Kinh Địa Tạng, Kinh Vu Lan, Kinh Vô Lượng Thọ, Kinh Quán Vô Lượng Thọ, Kinh Đại Bi, Kinh Hoa Nghiêm, Kinh Kim Cang, Bát nhã Tâm kinh, Kinh Lăng Nghiêm, Kinh Di Giáo...

Đức Tổ sư đã truyền tải giáo lý bằng ngôn ngữ giản dị rõ ràng cụ thể, thích hợp với tâm lý và tính cách mộc mạc, giản dị của người dân Nam bộ thời bấy giờ, cho nên người dân Nam bộ dễ dàng hiểu được lời đức Phật giáo huấn thông qua sự truyền đạt của Tổ sư. Ví dụ: “Nên tập sống chung tu học, cái sống là phải sống chung, cái biết là phải học chung, cái linh là phải tu chung”,( [5] ) hoặc Mục đích của sống là biết, biết là học. Cái sống là xin. Tất cả chúng sanh là đang xin lẫn nhau; tiến ra từ trong cái ác, cái bất công, cái mê muội”.( [6])

Tiến sĩ Nguyễn Quốc Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tôn giáo nhấn mạnh, thành tựu của Hệ phái Khất sĩ phần lớn tập trung trong bộ Chơn lý của Đức Tổ sư Minh Đăng Quang. Trong bộ Chơn lý khởi thủy này bằng chữ quốc ngữ và được soạn theo cách nhìn rất khoa học. Từ đó, cho thấy sự thông tuệ và tư tưởng vận hành Phật giáo kết hợp giữa Bắc truyền và Nam truyền sủa Đức Tổ sư, đã tạo nên một Hệ phái Phật giáo hòa nhập mạnh mẽ vào văn hóa, tín ngưỡng của dân tộc. “Tôi rất ấn tượng với cách hoằng pháp của Ngài. Ngay cả GHPGVN hiện nay cũng chủ trương Việt hóa các kinh điển Phật giáo từ tiếng Pali, tiếng Hán,… sang tiếng Việt. Đây cũng là một cách để lý giải vì sao Hệ phái Khất sĩ nói riêng và Phật giáo nói chung lại có sức lan tỏa mạnh mẽ ở nước ta như vậy”.

Đặc biệt với chủ trương sử dụng nghi thức tụng niệm thuần Việt, nên những bài kinh, kệ tụng được Đức Tổ sư dùng thể thơ lục bát, song thất lục bát, thất ngôn… thuộc loại thơ kệ rất dễ hiểu, dễ học và dễ hành trì… Hơn nữa, thể loại thơ kệ gần như câu ca dao mang đậm tính dân tộc, làm cho người Phật tử khi đọc đến cảm thấy thích thú, quen thuộc trong lúc ngâm nga, đọc tụng, như bài “Thân”:

Thân này chưa biết ra chi,

Của kia lại có chắc gì mà ham.

Bao nhiêu cho thỏa lòng tham,

Càng thâu càng đắm, càng làm càng say.

Tiếc cho tháng rộng năm dài,

Chung quy hoang phí về tay đồng tiền.

Bài “Khẩu”:

Trăm năm vật đổi người dời,

Một câu quý giá muôn đời còn ghi.

Mở lời trước phải xét suy,

Rằng ta cất tiếng, ích chi chăng là?

Bằng như lời ấy thốt ra,

Làm buồn kẻ khác thì ta xin đừng.

Bài “Ý”:

Con người cái ý vốn hai,

Khi mừng, khi giận đổi thay không lường.

Vội vàng khi ghét, khi thương,

Khi vui vui ngất, khi buồn buồn hiu!

Muốn ưa, tạo sắm đủ điều,

Rồi khi chê chán bỏ liều như chơi!

Bài “Lễ Phật”:

“Kính lạy Phật từ bi cứu thế,

Đem đạo lành phổ tế chúng sanh,

Trần gian biết nẻo tu hành,

Nhờ đèn trí huệ quang minh soi đường”.

Bài “Lễ Pháp”:

Kính lạy Pháp là phương giải thoát,

Gốc chơn truyền Y bát từ xưa,

Pháp tu chứng đắc kịp giờ,

Độ người qua đến bến bờ bên kia.

Các bài thơ kệ trích dẫn ở trên đều là thể thơ song thất lục bát hoặc lục bát, đây là thể thơ đặc biệt của dân tộc Việt Nam rất được người dân ưa chuộng, đã được Đức Tổ sư sử dụng rất nhiều để chuyển tải giáo lý đến người nghe, giúp họ dễ hiểu, dễ thuộc, dễ nhớ, dễ tiếp thu ý pháp nhiệm mầu.

Thượng tọa Thích Nhật Từ khi nghiên cứu về “Nghi thức tụng niệm” của Hệ phái Khất sĩ tại Việt Nam đã nói: “Nếu các Nghi thức Bắc tông có khuynh hướng sử dụng âm Hán Việt, trong khi các Nghi thức Phật giáo Nguyên thủy sử dụng Pali – Việt thì các nghi thức tụng niệm của Hệ phái Khất sĩ sử dụng tiếng Việt, chủ yếu là thi ca với các thể loại song thất lục bát (chiếm đại đa số), lục bát, thất ngôn tứ tuyệt và ngũ ngôn. Nhờ sử dụng thi ca diễn dịch kinh điển và kệ tụng, Nghi thức Khất sĩ dễ nhớ, dễ thuộc và dễ truyền bá. Đây là điểm mạnh của Hệ phái Khất sĩ, nhờ đó, quần chúng Phật tử, nhất là giới bình dân ở miền Nam dễ dàng chấp nhận Hệ phái Khất sĩ hơn”. ([7])

Còn đứng về mặt học thuật, thể loại thơ ca vốn là một trong những hình thức mang đậm tính nghệ thuật văn học, do vậy đối với giới văn nhân, tất nhiên khi tiếp cận sẽ giúp họ thấy gần gũi, say mê và dễ thâm nhập hơn.

Hòa thượng Thích Thanh Từ khi chuyển ngữ “Bát Nhã Tâm Kinh” và Nghi thức Sám hối của vua Trần Thái Tông để làm Nghi thức tụng kinh được trì tụng tại Thiền viện Trúc Lâm - Đà Lạt và các thiền viện trong tông môn, đã phát biểu: “Điều đó giúp người đọc và người nghe dễ hiểu, dễ thâm nhập... Trong sự chuyển dịch buổi đầu không tránh khỏi chói tai người nghe (vì chưa quen tai) và còn nhiều thiếu sót, song chúng tôi bạo dạn tạo một cái nhơn nhỏ, mong sau này sẽ đâm chồi, nảy tược nhiều hơn... Chúng tôi cố làm sống lại những cái hay, cái đẹp của tổ tiên mình, đồng thời Việt hóa nghi thức tu hành để tránh cái lỗi tha hóa lâu nay chúng ta vấp phải”. ([8])

Vào những thập niên 90 mà Việt hóa kinh điển còn e ngại chói tai người nghe, huống chi cách đó 40 năm, lúc mà mọi người đều thần thánh chữ Hán, dù “tụng kinh bằng âm Hán Việt, người nghe không hiểu, người tụng cũng không thấu rõ tường tận nội dung”, ([9]) nhưng họ vẫn luôn cho rằng tụng kinh chữ Hán mới linh thiêng, mới được thần thánh, Phật – Tổ gia hộ, tai qua nạn khỏi… Việc lệ thuộc văn hóa nước ngoài thời đó quá nặng nề, mà Đức Tổ sư đã mạnh dạn Việt hóa trong việc truyền bá chánh pháp, thật là một việc rất đáng trân trọng. “Có thể nói Đức Tổ Sư là người đi tiên phong trong việc sử dụng ngôn ngữ thuần Việt thông qua tụng kinh bái sám hằng ngày cho tất cả các tín đồ”. ([10])

Thượng tọa Thích Thiện Thống trong bài “Sự bình thường vĩ đại của Ngài Minh Đăng Quang đã viết: “Văn hóa dân gian – thơ lục bát đã được Ngài Minh Đăng Quang dùng để diễn đạt giáo lý khi truyền đạo và hành đạo, là một minh chứng sống động về sức sống, sức lan tỏa của văn hóa Việt, cho dù trình độ dân trí của người dân Nam Bộ có khác nhau, đều cảm nhận được giáo lý Phật giáo bằng thơ lục bát hoặc diễn đạt Kinh điển Phật giáo hoàn toàn bằng ngôn ngữ thuần Việt của Ngài Minh Đăng Quang một cách không hạn chế, một sự kết hợp hài hòa giữa văn hóa Phật giáo và văn hóa dân tộc. Như vậy, giáo lý của Ngài Minh Đăng Quang vừa đậm nét bác học, vừa đậm chất dân gian. Đây chính là sự bình thường nhưng vĩ đại của Ngài Minh Đăng Quang”. ([11])

Chính vì đặc tính giản dị, mộc mạc, nhưng thanh thoát đậm đà lời Phật dạy, Đức Tổ sư Minh Đăng Quang đã khéo léo vận dụng kinh văn trong lễ tụng của Hệ phái sao cho gần gũi người nghe, nhằm dễ dàng giáo hóa người dân đương thời, nên Hệ phái Khất sĩ đã phát triển nhanh trong cộng đồng Nam Bộ, lan rộng khắp các tỉnh thành miền Trung, cao nguyên và ngày nay đã có một vài ngôi tịnh xá ở miền Bắc và lưu truyền đến hàng chục quốc gia trên thế giới như Mỹ, Canada, Úc, Pháp…

Sau khi Tổ sư vắng bóng, quý Trưởng lão Đức Thầy đã kế thừa truyền thống thi hóa kinh điển, sáng tác thơ kệ để truyền bá giáo pháp đến cho người dân khi đoàn Du Tăng đi hành đạo tại miền Nam, miền Trung và Cao nguyên. Như Tứ kệ tỉnh tâm do Hòa thượng Pháp sư Giác Nhiên biên soạn và xuất bản vào năm 1966, trong đó biên tập thơ kệ của Tăng Ni Khất sĩ và có một số thi kệ do Hòa thượng sáng tác, như bài Lời Thầy dạy được rất nhiều Tăng Ni, Phật tử đọc tụng, thậm chí thuộc lòng:

Này đồ đệ lắng nghe Thầy chỉ dạy,

Việc tu hành cố gắng hỡi này con.

Con muốn tu cho đạo quả vuông tròn,

Hãy vâng giữ, y lời Thầy dạy bảo…

nn6

Đại lão Hòa thượng Pháp sư Thích Giác Nhiên
(1923 – 2015)

Trong bài “Phật pháp cứu đời tôi”, Thượng tọa Thích Chân Tính đã nói: “Tôi say mê tìm đọc những sách có sẵn ở nhà như cuốn Tứ Kệ Tĩnh Tâm, Ánh Nhiên Đăng của Pháp sư Giác Nhiên, cuốn Dưới Mái Nhà Xưa của Pháp sư Giác Tường, cuốn Giác Huệ Thi Tập của Pháp sư Giác Huệ, v.v… Những cuốn sách này đã nằm im trong tủ gần 6 năm, bây giờ được tôi đem ra đọc một cách trân trọng và mới biết là quý giá. Đúng là pháp bảo. Của báu để trong nhà từ lâu mà không biết xài. Nhất là khi đọc bài “Lời Thầy Dạy” của Pháp sư Giác Nhiên trong cuốn Ánh Nhiên Đăng, cứ như Ngài thúc giục tôi mau mau xuất gia”. ([12])

nn7

Thời gian gần đây, Hòa thượng Giác Toàn đã thi hóa Kinh Pháp Cú, và đặc biệt tác phẩm Hương Thiền ngàn năm của Hòa thượng với bút danh Trần Quê Hương gồm 2.783 câu thơ lục bát được chuyển thể từ 120 bài thi kệ, phú, tản văn của 37 thiền sư thời Lý - Trần như: Vạn Hạnh, Thiền Lão, Viên Chiếu, Mãn Giác, Không Lộ, … Tác phẩm đã được Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục “Người chuyển thể thơ văn các thiền sư Lý - Trần sang thơ lục bát nhiều nhất” và trong buổi giới thiệu cuốn sách tại TP.HCM vào sáng ngày 18.9.2010, Trung tâm đã trao tặng giấy xác lập và Kỷ niệm chương lưu niệm kỷ lục cho Hòa thượng.

nn8

nn9

Một vài bài phổ thơ như bài tứ tuyệt Ngôn hoài của Thiền sư Không Lộ: Nguyên tác như sau:

Trạch đắc long xà địa khả cư,

Dã tình chung nhật lạc vô dư.

Hữu thời trực thướng cô phong đỉnh,

Trường khiếu nhất thanh hàn thái hư.

Bản dịch của Hòa thượng:

Chọn nơi linh địa an cư

Ngày ngày vui thú hương từ tình quê.

Chiều nhàn hướng đỉnh sơn khê,

Ngân dài một tiếng tái tê đất trời.

Một bài thơ khác của Thiền sư Huyền Quang - Tặng sĩ đồ đệ tử (tặng con em làm quan):

Phú quý phù vân trì vị đáo,

Quang âm lưu thủy cấp tương thôi.

Hà như tiểu ẩm lâm tuyền hạ,

Nhất tháp tùng phong, trà nhất bôi.

Bản dịch thơ:

Giàu sang như áng mây trời,

Tháng ngày lặng lẽ cuộc đời qua nhanh.

Chi bằng rừng suối ẩn danh,

Giường thiền mát mẻ, trà thanh ấm lòng. ([13] )

Qua phần giới thiệu trên cho thấy, chư Tôn đức Tăng đã sáng tác rất nhiều thơ kệ. Riêng chư Tôn đức Ni, đặc biệt là Ni trưởng Huỳnh Liên, trưởng tử Ni của Đức Tổ sư, với sở trường văn thơ kiệt xuất, đã dùng thơ văn của mình trong việc truyền bá giáo pháp, dẫn dắt hậu lai. Chủ trương của Ni trưởng là “Dĩ văn tải đạo” (lấy văn chở đạo), dùng thơ văn đánh thức đạo tâm con người:

“Văn có Đạo, cội nguồn cây tốt,

Đạo nương văn, ý tột lý mầu .

Lá cành sầm uất bền lâu,

Văn chương, đạo đức cùng nhau độ đời”. ([14])

Ni trưởng Huỳnh Liên buổi đầu mới xuất gia, vừa theo Tổ sư học đạo, vừa được sự ủy thác của Tổ sư tiếp chúng độ Ni. Đến năm 1954, đức Tổ sư MINH ĐĂNG QUANG thọ nạn vắng bóng. Ni trưởng kế tục sự nghiệp Tổ thầy, trực tiếp lãnh đạo hàng Ni chúng Khất sĩ trong phận sự trưởng tử Ni từ năm 1947 đến năm 1987, tròn 40 năm. ([15])

nn10

Sau khi Đức Tổ sư vắng bóng, Ni trưởng Huỳnh Liên lãnh đạo Ni giới tiếp tục hành đạo, Ni trưởng đứng ra thành lập Giáo hội Khất sĩ Ni giới Việt Nam, được duyệt y theo Nghị định số 7/BNV/NA/P5 ngày 11.1.1958 của Bộ Nội vụ. Đây là Giáo hội độc lập về mặt tổ chức, có pháp nhân, pháp lý. Trụ sở của Giáo hội đặt tại Tổ đình Tịnh xá Ngọc Phương (nay là số 498/1 đường Lê Quang Định, phường 1, quận Gò Vấp, TP. Hồ Chí Minh), Ni giới Khất sĩ đã chính thức sinh hoạt trong lòng dân tộc cùng với các Giáo hội và tông phái Phật giáo khác.

nn11

Năm 1980, Ni trưởng Huỳnh Liên là một thành viên trong đoàn đại biểu vận động thống nhất Phật giáo Việt Nam. Năm 1981, thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam bao gồm chín tổ chức Phật giáo, trong đó có Hệ phái Khất sĩ (gồm Giáo hội Tăng già Khất sĩ Việt Nam và Giáo hội Khất sĩ Ni giới Việt Nam) đã thống nhất, hòa hợp chung trong ngôi nhà Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Sau khi thành lập Giáo hội Khất sĩ Ni giới vào năm 1958, Ni trưởng đã để nhiều thời gian chuyển ngữ một số kinh nhật tụng từ Hán tạng, Pali tạng sang tiếng Việt như Kinh A Di Đà, Phổ Môn, Sám Hối Hồng Danh, Vu Lan, Báo Hiếu, Kinh Di Giáo, Kinh Tứ Thập Nhị Chương, Kinh Pháp Cú, Bát Nhã Tâm Kinh, Quy Sơn Cảnh Sách (Hán tạng); Kinh Vô Ngã Tướng, Ma Kiến Đề, Sa Môn Quả, Kinh Cầu An, Cầu Phước, Cầu Chúc, Cầu Nguyện, Dâng Y Ca Sa, Phóng Sanh, Cầu Nguyện Khi Thiền Định, … (Pali tạng).

Trong đó, Ni trưởng dùng nhiều thể loại thơ để thi hóa các kinh nhật tụng này, từ các thể thơ dân tộc như thơ lục bát, song thất lục bát, đến thể thơ ngũ ngôn, thất ngôn Đường luật, thơ mới, bài nào cũng xuất sắc, có vần điệu, dễ nhớ, dễ thuộc nhưng vẫn lưu giữ được giá trị cốt lõi của kinh điển.

Về phần kệ, Ni trưởng cũng sáng tác rất nhiều: Kệ trích lục, Kệ Chơn lý, Sử Phật Thích Ca, Phật đản, Nhớ ơn Phật, Nguyện về cõi Phật, Thuyền trí huệ, Phóng sanh, Giới sát, Bốn nghiệp miệng, Cuộc nhân thế, Nhìn thế cuộc, Thảm đất vàng, Đèn Chơn lý, Bồ Đề, Hoa Bồ Đề, Tỉnh mộng, Xuất gia, Ly gia, Cát ái, Khuyến nhẫn, Khuyến tu, Bố thí, Công đức Sư Trưởng, Trăng Đạo, Lạc mẹ, Nhớ ơn Thầy, Cầu nguyện Tôn sư, Đường giải thoát, Vui mà sống, Bàn tay đẹp… bằng thể loại lục bát, song thất lục bát, ngũ ngôn … đậm đà bản sắc dân tộc, dạt dào tình đời ý đạo, khiến người đọc dầu ở vào trình độ nào cũng thông hiểu, lãnh hội và cảm thông được.

Những sáng tác của Ni trưởng được lưu lại cho đời gồm hơn 3 ngàn bài thơ, bài kệ, hàng ngàn bản văn xuôi, đa dạng về thể loại, phong phú về đề tài; trong đó nội dung phần lớn ca ngợi cái hay, cái đẹp của con người, sách tấn Ni chúng cũng như giới Phật tử tại gia nỗ lực tiến tu đạo nghiệp.

Theo cảm niệm của Giáo sư Hoàng Như Mai: “Thơ đạo của Ni trưởng, phát xuất từ những cảm hứng đề tài rất bình thường. Đấy là những cụm hoa không phải kén chọn, ương trồng, chăm sóc với những công phu dành riêng cho các loài hoa quý hiếm trong các nơi thượng uyển, mà là hoa đồng, hương quê rất mộc mạc, thân mật với chúng sanh; Ai cũng có thể và nếu ưa thích thì dễ dàng hái lấy để cài lên mái tóc hay đem về cắm ở nhà, không bị ngăn cấm gì hết vì là của chung, của mọi người, mang trong người, để trong nhà, hương thơm lan toả khắp nơi, ai đến gần cũng được thơm lây. Đó là cái cách Ni trưởng đem Đạo pháp đến cho mọi người… Ni trưởng Huỳnh Liên xứng đáng là bông sen vàng trước Phật đài. Ni trưởng đã viên tịch, nhưng tư tưởng, tình cảm, hành động, tất cả con người của Ni trưởng vẫn còn lại trong những vần thơ cao đẹp”.( [16])

Sau khi Ni trưởng viên tịch (1987), hàng đệ tử đã biên tập lại những tác phẩm thơ kệ của Ni trưởng và xuất bản đầu tiên vào năm 1995, lần xuất bản thứ 2 vào năm 2012, với tựa đề Đóa sen thiêng, để dâng lên cúng dường Giác linh Ni trưởng nhân Lễ tưởng niệm 25 năm ngày viên tịch (18 tháng 3 âm lịch nhằm ngày 8 tháng 4 năm 2012) của cố Ni trưởng (1987 – 2012). Tập thơ này đã được Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục “Tập thơ chuyển Đạo vào đời được viết theo nhiều thể loại thơ nhất”. Tập thơ gồm có: 46 bài lục bát, 50 bài song thất lục bát, 37 bài song thất biến thể, 202 bài thất ngôn bát cú, 70 bài thất ngôn tứ cú, 5 bài phú, 17 bài văn tế, 18 bài thi điếu, 8 bài tự tự, 28 bài ngũ ngôn...

Tập thơ do Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh xuất bản và phát hành với số lượng 5.000 cuốn, dày 720 trang, khổ 16x24cm, tập hợp 481 bài thơ, phú, văn tế mang đậm ý vị chuyển đạo vào đời của cố Ni trưởng được viết từ năm 1947-1987.

nn12a

Hiện nay, Hệ phái dưới sự chỉ đạo của chư Tôn đức Giáo phẩm lãnh đạo, đang có kế hoạch phiên dịch chọn lọc một số kinh điển Pali tạng và Hán tạng cho Tăng Ni Hệ phái tụng đọc. Các Tăng Ni Hệ phái Khất sĩ sau khi du học Ấn Độ, Trung Quốc và Đài Loan về có thể đảm nhiệm công tác này, đóng góp một phần công sức nhỏ vào công trình phiên dịch Đại tạng kinh Việt Nam nói chung và đề án định hướng đặc trưng ngôn ngữ Ban văn hóa trung ương nói riêng.

Các nước như Trung Quốc, Mông Cổ, Tây Tạng, Nhật Bản, Thái Lan đã có Đại tạng Phật giáo bằng quốc ngữ từ lâu, thậm chí các nước bạn chung quanh ta như Lào, Campuchia cũng đã có Đại tạng kinh bằng tiếng của nước họ. Hy vọng dưới sự chỉ đạo của Hội đồng Trị sự, sự đồng tâm hiệp sức của các Ban, Viện trung ương, Đại tạng kinh tiếng Việt sẽ hoàn thành trong thời gian ngắn nhất.

Khẳng định sự đóng góp của Hệ phái về mặt sử dụng thơ ca trong nghi thức tụng niệm, Hòa thượng Thích Trí Quảng, Phó chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN, đã nói: “Đóng góp mới của Nghi thức tụng niệm Hệ phái Khất sĩ là bổ sung Nghi thức cúng dường, Nghi thức cúng cửu huyền, Nghi thức thọ trì và các kệ tụng. Sử dụng thi ca trong Nghi thức tụng niệm của Hệ phái Khất sĩ đã giúp cho Hệ phái này được quần chúng tiếp nhận mà không bị bất kỳ rào cản nào về ngôn ngữ Hán-Việt như trong nghi thức Đại thừa, hay văn tự Pali Việt như trong nghi thức Phật giáo Nguyên thủy”.([17])

II. NGÔN NGỮ NGHI LỄ

"Thời Phật còn tại thế, khái niệm về nghi lễ đơn thuần chỉ là cung cách hành xử giữa chư Tỳ-kheo với đức Phật, cách hành xử trong Tăng chúng và hàng cư sĩ đối với chư Tăng. Điều mà Tăng đoàn thời bấy giờ chú trọng đó là thực hành theo sự hướng dẫn của đức Phật, tấn tu tam vô lậu học để hướng đến mục tiêu thành tựu giác ngộ, giải thoát; hàng cư sĩ tại gia thì tin tưởng và y cứ vào lời dạy của đức Phật mà hành trì, ngõ hầu thành tựu các thiện nghiệp về thân, miệng, ý để được an lạc, lợi ích hiện đời cũng như đời sau. Do nhờ học hỏi và hành trì lời Phật dạy mà thành tựu sự thấy biết như thật cũng như cảm nghiệm được niềm tịnh lạc hiện tiền nên dân chúng phát khởi niềm tịnh tín cũng như trở thành Phật tử ngày càng đông. Vì thế cho nên, vào thời bấy giờ, khái niệm nghi lễ với công năng hoằng pháp hay như là một phương tiện dẫn dắt người ta đến với đạo Phật, hay đưa đạo Phật tiếp cận với xã hội chưa hề có. Chỉ đến khi, Phật giáo truyền bá rộng rãi ra các nước, nhất là các nước Phật giáo Bắc truyền, vì phương tiện độ sanh, chư Tổ đã tùy theo phong tục, tập quán của mỗi dân tộc mà chế tác ra nghi lễ để dễ bề cảm hóa nhân dân bản xứ. Đặc biệt là tại Tây Tạng, Trung Hoa, những quốc gia có nền văn minh lâu đời, lễ nhạc phong phú, Phật giáo muốn nhiếp phục được các nhà tri thức và giới thượng lưu hay đi vào lòng quần chúng, đương nhiên phải làm cho phần nghi lễ trở nên thiêng liêng huyền bí. Vì vậy, Nghi lễ Phật giáo từng bước được hình thành, ngày càng phong phú về loại hình và phát triển mạnh mẽ… Nghi lễ giai đoạn này đã cho thấy tính thiết thực và hiệu quả trong công cuộc truyền bá Chánh pháp. Tuy nhiên, với trí tuệ và tâm huyết xiển dương giáo lý Phật-đà, chư vị Tổ sư tiền bối vẫn thường nhấn mạnh rằng: “Nghi lễ dù quan trọng vẫn chỉ là phương tiện dẫn dắt chúng sinh vào đạo, chứ không phải là con đường thật sự đạt đến giác ngộ”( [18]) để hàng đệ tử hậu học phân định được đâu là hóa thành, đâu là bảo sở”. ( [19])

Nghi lễ của Hệ phái Khất sĩ đơn giản, tụng kinh không dùng các loại pháp khí như mõ, khánh, chiêng trống, đờn kèn; chỉ sử dụng tiếng chuông để cho đại chúng kỉnh lễ, hướng tâm về chánh niệm. Tụng kinh không lên giọng, xuống giọng, trầm bổng, ngân nga, tán, xướng, không kéo dài âm từ cuối đoạn. Tụng kinh theo nghi thức Khất sĩ thì hòa âm tụng đọc rõ ràng từng câu chữ trong Kinh, không nhanh quá cũng không chậm quá, để người nghe dễ hiểu, dễ dàng chuyển hóa thân tâm. Nghi thức tụng niệm có câu: “Khi trì tụng chỉ đọc thường. Chậm rãi, điều hòa nghe cho dễ hiểu đặng hành theo. Chớ nên dùng sắc tướng, âm thinh trầm bổng, du dương làm sai ý nghĩa kinh pháp. Khi đọc dứt một đoạn có chữ O thì đánh 1 tiếng chuông và lễ 1 lạy. Các nghi thức tùy theo trường hợp có thể linh động đọc nhiều hay ít cũng được (tùy theo thời giờ)”.

Các khóa lễ của Khất sĩ tuy không sử dụng nhiều pháp khí, nhưng trong các khóa lễ vẫn được cử hành trang nghiêm và thể hiện đầy đủ ý nghĩa giá trị tinh thần. Trong Nghi thức tụng niệm của Hệ phái Khất Sĩ ghi rõ: “TỤNG là đọc tụng, đọc kinh có cách điệu riêng của giáo pháp Khất sĩ; NIỆM là suy nghĩ, nhớ tưởng trong khi tụng kinh và hành đạo. Tụng niệm là miệng đọc, tâm tưởng nhớ, suy nghĩ. Miệng và Tâm đều phải tịnh thanh, chuyên chú, hòa hiệp trong câu kệ, lời kinh, tiếng Pháp… Chúng ta nên tụng niệm đúng cách: giữ thân, khẩu, ý trang nghiêm; nhiếp tâm lực mình trong lời Kinh, câu Kệ; tụng chậm rãi đều đều, tránh ồn ào phức tạp…”( [20])

Hệ phái Khất Sĩ hiện nay có 2 nghi thức tụng niệm, Tăng chúng thì tụng theo Nghi thức tụng niệm, Ni chúng thì tụng Kinh Tam bảoTinh hoa bí yếu. Tuy có hai nghi thức nhưng nếu đối chiếu Nghi thức tụng niệm của Tăng Khất sĩ và Kinh Tam Bảo do Ni trưởng Huỳnh Liên biên soạn, chúng ta sẽ thấy, những kinh tụng cơ bản đều giống nhau, như: Nghi thức Cúng dường Tam Bảo, Nghi thức cúng Cửu Huyền, Nghi thức Thọ trì (gồm Dâng Hương, Lễ Phật, Lễ Pháp, Lễ Tăng, Xưng Tụng Phật Bảo, Xưng Tụng Pháp Bảo, Xưng Tụng Tăng Bảo, Quy Y Tam Bảo, Thọ Trì Ngũ Giới, Sám Hối Tam Bảo, Sám Hối Tam Nghiệp), Nghi thức Sám hối, Kinh Phổ môn, Hồng danh bửu sám, Kinh Vô Ngã Tướng, Kinh Từ Bi…

Chỉ khác kinh Di Đà, Vu Lan, Báo hiếu Phụ mẫu. Các bản kinh này, khi Hòa thượng Giác Nhiên trên bước đường du hành có nhân duyên được thọ học và đọc tụng các bản kinh thường nhật do Hòa thượng Huệ Đăng (Bà Rịa – Vũng Tàu) phiên dịch và phổ thơ nên xin phép chư Tôn đức đương thời được sử dụng làm kinh tụng cho Hệ phái. Các bản kinh này đều dùng thể thơ song thất lục bát.

Năm 1960, Ni trưởng Huỳnh Liên đã phiên dịch các bản kinh này thành tiếng Việt và thi hóa Kinh Di Đà thành thơ 4 chữ, Kinh Vu Lan và Kinh báo hiếu thành thơ lục bát, Kinh Phổ môn thành thơ song thất lục bát, phần kệ, thơ 5 chữ, Hồng danh Bửu sám thơ song thất lục bát, cho Ni chúng tụng đọc hàng ngày. Kinh Phổ môn, Hồng danh Bửu sám, Kinh Vô ngã tướng… do Ni trưởng thi hóa cũng được chọn làm kinh tụng trong Nghi thức tụng niệm. Do đây mà trong phần Nghi thức tụng niệm của Tăng và Ni trong Hệ phái Khất sĩ có vài phần khác nhau là kinh Di Đà, Vu Lan, Báo hiếu phụ mẫu.

Riêng các kinh kệ được tụng đọc từ thời Tổ sư không có gì thay đổi, như các bài kinh kệ trong Chơn lý: Kinh cúng dường, Kinh phước thí, Cầu nguyện trai tăng, Thân, Khẩu, Ý, Huệ, Nhẫn, Giới…

Nghi thức tụng niệm của Khất sĩ đơn giản nhưng trang nghiêm. Tăng/ Ni y vàng trang nghiêm đối trước Tam bảo dâng hương, lễ Phật, lễ Pháp, Lễ Tăng, khai kinh, tụng kinh theo nội dung Nghi thức tụng niệm/ Kinh Tam Bảo, Bát nhã và hồi hướng, đảnh lễ Phật, đảnh lễ Sư Tổ, đảnh lễ quý Đức Thầy.

Ni chúng sau khi đảnh lễ Sư Tổ thì đảnh lễ Ni trưởng Đệ Nhất Huỳnh Liên, quý Ni trưởng đã viên tịch.

nn13

III. NGÔN NGỮ DANH XƯNG

Nơi trú xứ của Hệ phái phần đông gọi là “tịnh xá” như Phật giáo Ấn Độ từ thời Đức Phật còn tại thế.

“Tịnh xá là dịch nghĩa của chữ Phạn “Vihāra”, vốn có nghĩa là một trú xứ thanh tịnh, u tịch; là nơi ở của các vị Sa-môn, Bà-la-môn đang tu tập để giải thoát, giác ngộ, không phân biệt đó là truyền thống nào. Chữ Vihāra này, cả văn hệ Pali và Sanskrit đều dùng chung. Nó được các dịch giả Trung Hoa dịch là “tinh xá” và Hòa thượng Thích Minh Châu, dịch Đại tạng kinh Pali sang tiếng Việt cũng dùng từ “tinh xá”, như Tinh xá Trúc Lâm, Tinh xá Kỳ Hoàn, v.v… Một số bản kinh Đại thừa dịch từ Hán sang Việt ngữ, một vài dịch giả cũng dịch là “tinh xá” hoặc “tịnh xá”. Điều này thiết nghĩ không có gì quan trọng, mà vốn chỉ là dụng ngữ của từng dịch giả. Tổ Sư Minh Đăng Quang dùng từ “tịnh xá”, thiết nghĩ, nghe gần gũi và dễ hiểu hơn đối với quần chúng và điều đó cũng là một phần thể hiện quan điểm của Ngài tại sao phải Việt hóa kinh điển. Rõ ràng khi nói đến sự trong sạch, chúng ta dùng chữ “thanh tịnh” chứ không dùng chữ “thanh tinh” nên cách dùng từ “tịnh” gần gũi với quần chúng hơn. Mặc dầu chữ “tinh” ở đây có nghĩa là tinh khiết, trong sạch, đồng nghĩa với chữ “tịnh” nhưng vì quần chúng ít dùng, nên Tổ không dùng. Ngoài nghĩa trong sạch, chữ tịnh còn có nghĩa là tịnh lặng, tịch tĩnh, để hàm ý nơi trú ngụ của chư Tăng Ni phải là nơi tịnh lặng, trang nghiêm. Nói tóm lại, tịnh xá là nơi thanh tịnh, yên lặng, trú xứ dành cho chư Tăng Ni tu hành, tham thiền, nhập định” .([21] )

Tên tịnh xá thường có hai từ, chữ NGỌC đứng đầu, dụ cho các ngôi đạo tràng tịnh xá là nơi hoằng hóa đạo đức, lợi lạc quần sanh, có giá trị như là những viên ngọc quý trong thế gian; chữ NGỌC tượng trưng ngọc ma ni như ý, dụ cho pháp tánh thanh tịnh vô nhiễm, nhiệm mầu bất sanh bất diệt. Từ sau là tên của địa phương đó tượng trưng tình cảm thân thương của quê hương thân yêu, nơi chôn nhau cắt rốn của con người. ([22] ) Ví dụ Tịnh xá Ngọc An – Dĩ An; Tịnh xá Ngọc An – Long An; Tịnh xá Ngọc Bình – Bình Dương; Tịnh xá Ngọc Châu – phường Châu Văn Liêm; Tịnh xá Ngọc Đức – Thủ Đức; Tịnh xá Ngọc Hiệp – Phụng Hiệp; Tịnh xá Ngọc Long, Tịnh xá Ngọc Khánh ở Long Khánh; Tịnh xá Ngọc Long – Long Xuyên; Tịnh xá Ngọc Vinh – Trà Vinh, Tịnh xá Ngọc Tâm – Bình Tâm; …

Một trường hợp khác là Tổ sư và quý Trưởng lão Tăng Ni cũng dùng một từ liên hệ đến giáo pháp, hoặc diễn tả được quan điểm đạo đức, hoài bão hay chí nguyện của người khai sáng, hay tâm nguyện chung của đồng bào Phật tử địa phương. Còn nhiều tịnh xá đã được đặt tên liên hệ với pháp như: Ngọc Pháp, Ngọc Tâm, Ngọc Thiền, Ngọc Viên, Ngọc Quang, Ngọc Đăng, Ngọc Liên, Ngọc Phương, v.v… Ngoài ra, có một vài tịnh xá, tịnh thất không đặt tên theo hai cách trên mà đặt tên theo ý nghĩa nhân duyên của trụ xứ hoặc tên nói lên chức năng của một ngôi tịnh xá, hoặc là các phương danh tịnh xá ở Ấn Độ thời Phật, hoặc là tên của một bộ kinh, tên của chư Tổ, như: Tịnh xá Mộc Chơn (Tịnh xá đầu tiên của Đạo Phật Khất Sĩ), Tịnh xá Trung Tâm (trụ sở Hệ phái), Tịnh xá Kỳ Viên (GĐ V), Tịnh xá Trúc Lâm (GĐ II), Tịnh xá Lộc Uyển (GĐ VI), Tịnh thất An Lạc (GĐ I), Tịnh thất Hoa Nghiêm (GĐ IV)… ([23] )

Tổ sư đã sử dụng từ Chơn lý thay vì "chân lý", dùng "võ trụ" thay vì "vũ trụ", "nhơn duyên" thay vì "nhân duyên", "nhơn quả" thay vì "nhân quả". Đây là những phương ngữ của người Nam Bộ, thể hiện được tính phổ biến, gần gũi với người dân địa phương Nam Bộ, nên bước đầu tiên hành đạo và truyền đạo tại miền Nam nước Việt đã gặt hái được sự thành công rất lớn.

Pháp danh: Tăng chúng mới xuất gia chưa thọ giới Sa di thì dùng Thiện, hay Huệ. Khi thọ giới Sa-di thì dùng Giác. Nay có một vài Giáo đoàn dùng Minh, hoặc Giác Minh.

Ni chúng mới vào xuất gia, chưa thọ giới Sa-di-ni thì dùng chữ "Tịnh" đứng trước, nhỏ thì dùng chữ "Tiểu" hoặc "Mỹ"; sau khi thọ giới Sa-di-ni, Thức-xoa ma-na-ni thì dùng chữ "Liên", như Liên Tuệ. Ni chúng sau khi thọ giới Tỳ- kheo-ni đều có pháp danh với từ cuối là Liên, ví dụ Tuệ Liên.

Phật tử nam thì dùng pháp danh chữ đầu là "Thiện" như Thiện Minh, Thiện Quang; dưới 16 tuổi thì dùng pháp danh chữa đầu là "Huệ". Phật tử nữ thì dùng "Ngọc"; dưới 16 tuổi thì dùng chữ "Mỹ".

Đối với quý thiện nam tín nữ quy y Tam bảo, để nhắc nhở người Phật tử tu tập trong đời sống thường nhật, đồng thời giúp họ có dấu ấn sâu sắc và thâm hiểu về ý nghĩa pháp danh của mình, Ni trưởng Huỳnh Liên đã làm ra những bài kệ pháp danh để tặng cho Phật tử mới quy y, như Ngọc Diệu thì có bài thơ:

NGỌC DIỆU tâm tư lý diệu mầu,

Sưu tầm kinh luật nghĩa cao sâu.

Từ bi bố thí gieo duyên phước,

Trí tuệ chơn không diệt khổ sầu.([24])

Về phần đối liễn hoành phi trong Hệ phái, đặc biệt chỉ thuần dùng tiếng Việt, như sử dụng một số câu kinh đã được thi hóa, Chơn lý hoặc các bài thơ kệ:

“Nên tập sống chung tu học”. ([25])

nn14

“Hoa sen thanh khiết thơm tho,

Mọc lên giữa chốn bùn nhơ ao tù.

Con người trí, dũng, bi, từ,

Hiện ra giữa chốn phàm phu tục trần”. ([26])

Thân trong sạch ấy là xứ Phật,

Miệng trong sạch ấy là pháp Phật,

Ý trong sạch ấy là con Phật,

Tâm trong sạch tức là Đức Phật. ( [27])

“Mỗi người mỗi nước mỗi non,

Bước vào cửa đạo như con một nhà”. ([28])

“Giới giữ cho thân sạch lỗi lầm,

Cho tâm như ngọc luyện dồi tâm,

Cho hoa Trí huệ tươi ngàn kiếp,

Cho quả Từ bi đẹp bội phần”. ([29])

“Lá y quả bát đạo chơn truyền,

Phương tiện du hành hạnh hóa duyên.

Phát nguyện cúng dường gieo phước đức,

An tâm tri túc dễ tham thiền”. ([30])

“Khất thực hóa duyên bình bát chứa chan lòng bác ái

Sĩ hành độ chúng lá y nhuận đượm ý từ bi”. ([31])

nn15

nn16

Trên đây là một số nội dung về ngôn ngữ của Hệ phái Khất sĩ kính trình lên chư Tôn đức chứng minh. Và nhân dịp trong buổi hội thảo "Định hướng đặc trưng văn hóa Việt Nam" hôm nay, xin có một số kiến nghị kính trình lên chư Tôn đức như sau:

- Kinh tụng cần nên Việt hóa; cần đầy đủ kinh tụng của Phật giáo Bắc tông, Nam tông và Khất sĩ.

- Khi biên soạn kinh tụng chung của Giáo hội cần có sự hoà hợp thống nhất giữa các Hệ phái Bắc tông, Nam tông, Khất sĩ.

- Khi cử hành các nghi lễ chung của Giáo hội, cần có đủ nghi lễ kinh tụng của 3 Hệ phái.

- Ngoài các kinh cầu an, cầu siêu, sám hối, nên bổ sung một số kinh tụng hướng dẫn nếp sống đạo đức, để đưa người tiến đến sự giác ngộ, an lạc và hạnh phúc.

Trên đây là một số đặc trưng văn hóa ngôn ngữ của Hệ phái Khất sĩ, và một số kiến nghị kính trình bày trong buổi hội thảo, kính mong được sự quan tâm đóng góp ý kiến bổ sung của chư Tôn đức và quý quan khách, các nhà nghiên cứu cùng chư học giả.

NS.TS. Tuệ Liên

Ủy viên HĐTS GHPGVN

Phó khoa Trung văn Học viện PGVN tại TP. HCM

Thư ký Ni giới Hệ phái Khất sĩ


TÀI LIỆU THAM KHẢO

- Tổ sư Minh Đăng Quang, Chơn lý, Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM, 2016.

- Tổ sư Minh Đăng Quang, Luật nghi Khất sĩ, Nhà xuất bản Tổng hợp, 2012.

- Hòa thượng Giác Toàn, “Hệ thống Tịnh xá của Hệ phái Khất sĩ”, http://www.daophatkhatsi.vn.

- Hòa thượng Giác Toàn, Hương thiền ngàn năm, Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM, 2010.

- Hệ phái Khất sĩ, Nghi thức tụng niệm, Nhà xuất bản Tôn giáo, 2012.

- Ni trưởng Huỳnh Liên, Đóa sen thiêng, Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM, 2012.

- Ni trưởng Huỳnh Liên, Kinh Tam Bảo, (ấn bản kỳ 14) Nhà xuất bản Tôn giáo, 2014.

- Ni trưởng Huỳnh Liên, Tinh hoa bí yếu, Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM, 2014.

- Ni trưởng Huỳnh Liên, Phú kệ pháp danh, lưu hành nội bộ.

- Ni giới Hệ phái Khất sĩ, Kỷ yếu Ni trưởng Huỳnh Liên, Nhà xuất bản TP.HCM, 1994.

- HT. Thích Trí Quảng, HT. Thích Giác Toàn, Nguyễn Quốc Tuấn (Đồng chủ biên), Kỷ yếu Hội thảo Hệ phái Khất sĩ: Quá trình hình thành, phát triển và hội nhập, Nhà xuất bản Hồng Đức, 2016.

- Ni trưởng Khiêm Liên, Ni trưởng Huỳnh Liên - Cuộc đời và Đạo nghiệp, Nhà xuất bản Hồng Đức, 2014.

- Nguyên Ðạo Lại Như Bằng, “Việt hóa Nghi lễ: Đường còn xa vời vợi”, www.quangduc.com.

- Thượng tọa Thích Chân Tính, Phật pháp cứu đời tôi, Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM.

 


[1]. Tổ sư Minh Đăng Quang, Chơn lý. Câu không phân thừa và các câu dẫn chứng có ý nghĩa tương tự được các nhà học giả sử dụng rất nhiều trong bài tham luận Kỷ yếu Hội thảo Hệ phái Khất sĩ: quá trình hình thành, phát triển và hội nhập, như trong bài tham luận của TS. Nguyễn Quốc Tuấn, “Vài nét về lịch sử và đặc điểm của Hệ phái Khất sĩ Việt Nam", tr. 764; TT. Minh Thành, "Giới thiệu tổng quan, tr.XXXVI; Lê Đàn, Tổ Sư Minh Đăng Quang nối truyền Thích Ca chánh pháp, tr.51; NS.TS. Tín Liên, "Con đường đưa đến toàn giác không có phân thừa", tr.215; HT. Minh Hồi, "Tinh thần Bồ tát đạo của Tổ Sư Minh Đăng Quang", tr.429; TS. Bùi Hữu Dược, Hệ phái Khất sĩ góp phần xây dựng đất nước và Giáo hội Phật giáo Việt Nam, tr.921…

[2]. Thượng tọa Thích Huệ Thông,  “Tư tưởng Phật học của Tổ sư Minh Đăng Quang trong bộ Chơn lý", Kỷ yếu Hội thảo Hệ phái Khất sĩ: quá trình hình thành, phát triển và hội nhập, tr. 386.

[3]. Giáo hội Tăng già Khất sĩ Việt Nam thành lập ngày 22 tháng 4 năm 1966; Giáo hội Khất sĩ Việt Nam thành lập năm 1971; Giáo hội Khất sĩ Ni giới Việt Nam thành lập ngày 11.1.1958.

[4]. Tăng Khất sĩ hiện nay chia làm 6 giáo đoàn, từ Giáo đoàn I đến Giáo đoàn VI; Ni giới Khất sĩ không chia giáo đoàn, vì có một số Ni chúng trực thuộc Tăng, nên gọi là Ni giới của Giáo đoàn Tăng. Hiện có Ni chúng của Giáo đoàn I, Giáo đoàn III, Giáo đoàn IV. Ni chúng Giáo đoàn IV thì lại chia ra Phân đoàn 1, Phân đoàn 2, nhóm cố Ni trưởng Ngân Liên do NT. Mai Liên lãnh đạo.

[5]. Tổ sư Minh Đăng Quang, Chơn lý.

[6]. Sđd.

[7]. Thượng tọa Thích Nhật Từ, “Nghi thức tụng niệm của Hệ phái Khất sĩ tại Việt Nam", Kỷ yếu Hội thảo Hệ phái Khất sĩ: quá trình hình thành, phát triển và hội nhập, tr. 480.

[8]. Hòa thượng Thích Thanh Từ - Diễn văn khai mạc lễ khánh thành Thiền viện Trúc Lâm Ðà Lạt - 1994. (Lê Trọng Cường: "Dịch, tụng, giảng kinh và tiến hành nghi lễ Phật giáo bằng tiếng Việt: Một cuộc cách mạng lớn lao và bức thiết", Phật giáo trong thế kỷ mới, Tuyển tập I, trang 149, NXB. Giao Ðiểm, Hoa Kỳ,1996).

[9]. Nguyên Ðạo Lại Như Bằng, "Việt hóa Nghi lễ: Đường còn xa vời vợi".

[10]. ThS. Nguyễn Trung Toàn, "Nghi lễ Khất sĩ và truyền thống Phật giáo", Kỷ yếu Hội thảo Hệ phái Khất sĩ: Quá trình hình thành, phát triển và hội nhập, tr. 490 – 491.

[11]. TT. Thích Thiện Thống, "Sự bình thường vĩ đại của Ngài Minh Đăng Quang", Kỷ yếu Hội thảo Hệ phái Khất sĩ: Quá trình hình thành, phát triển và hội nhập, tr. 18 -19.

[12]. Thượng tọa Thích Chân Tính, Phật pháp cứu đời tôi.

[13]. Đây là những bài thơ được PGS. Trần Hữu Tá trích dẫn trong bài "Vài dòng cảm nghĩ về “Hương Thiền ngàn năm", www.giacngo.vn.

[14]. Ni trưởng Huỳnh Liên, "Văn với Đạo".

[15]. Ni giới Hệ phái Khất sĩ, Kỷ yếu Ni trưởng Huỳnh Liên.

[16]. Giáo sư Hoàng Như Mai, "Đọc thơ của Ni trưởng Huỳnh Liên".

[17]. Hòa thượng Thích Trí Quảng, bài "Phát biểu chào mừng Hội thảo Khoa học", Hệ phái Khất sĩ: Quá trình hình thành, phát triển và hội nhập", nhân ngày Lễ Tưởng niệm 60 năm Tổ sư Minh Đăng Quang vắng bóng.

[18]. Thích Viên Giác, "Ý nghĩa nghi lễ Phật giáo", http://www.tuvienquangduc.com.

[19]. Hòa thượng Giác Thuận, "Vài nét về nghi lễ của Hệ phái Khất sĩ", Kỷ yếu Hội thảo Hệ phái Khất sĩ: quá trình hình thành, phát triển và hội nhập, tr. 460 – 461.

[20]. Ni trưởng Huỳnh Liên, Kinh Tam bảo.

[21]. Hòa thượng Giác Toàn, "Hệ thống tịnh xá của Hệ phái Khất sĩ".

[22]. Ni trưởng Khiêm Liên, Ni trưởng Huỳnh Liên cuộc đời và đạo nghiệp, tr. 61.

[23]. Hòa thượng Giác Toàn, "Hệ thống tịnh xá của Hệ phái Khất sĩ".

[24]. Ni trưởng Huỳnh Liên, Phú kệ pháp danh.

[25]. Tổ sư Minh Đăng Quang, Chơn lý.

[26]. Kinh Pháp cú, câu 58-59, Ni trưởng Huỳnh Liên thi hóa.

[27]. Tổ sư Minh Đăng Quang, Chơn lý.

[28]. Thơ Ni trưởng Huỳnh Liên.

[29]. Ni trưởng Huỳnh Liên, Kệ "Chơn lý".

[30]. Sđd.

[31]. Câu đối hai bên cổng Tịnh xá Ngọc Phương.