Đại đức Thích Tâm Hải chia sẻ về kỹ năng thực hiện truyền thông Phật giáo

Nhân dịp Hệ phái Khất sĩ tổ chức khóa học Bồi dưỡng trụ trì lần thứ 14 được tổ chức tại Pháp viện Minh Đăng Quang (Quận 2) từ ngày 12/05/2017 - 18/05/2017 (17/04 - 23/04 Đinh Dậu), nhận lời mời của Ban Tổ chức, Đại đức Thích Tâm Hải (Thư ký Tòa soạn báo Giác Ngộ) đã đến giảng dạy các kỹ năng cơ bản về tác nghiệp truyền thông Phật giáo cho Tăng, Ni, Phật tử có mong muốn truyền tải các thông tin Phật sự cũng như hoằng truyền giáo pháp đến muôn nơi.

BD TTTT 8

Buổi học các kỹ năng truyền thông PG được chia làm ba phần:

Thứ Sáu: 12/05/2017 (17/04 Đinh Dậu)

Tiết học đầu tiên, ĐĐ.Thích Tâm Hải giới thiệu sự ra đời của báo chí trên thế giới, giai đoạn hình thành báo chí tại Việt Nam và báo chí Phật giáo Việt Nam được sáng lập qua các giai đoạn cũng như sự phát triển vượt bậc về công nghệ truyền thông đa phương tiện trong bối cảnh xã hội hiện nay chưa có nhận thức đúng đắn chuẩn mực về các thông tin trái ngược thất thiệt đã gây ra hoang mang trong lòng dư luận…

Báo chí gồm có: Báo viết, nói, hình, điện tử và đa phương tiện. Với thời đại công nghệ số, chúng ta tự hỏi vì sao tham gia mạng xã hội, những chiếc smartphone trung bình đến cao cấp đều có các ứng dụng truyền thông góp phần dễ dàng sản xuất các tin tức, vô hình trung những tác động nhỏ gây ra khủng khoảng truyền thông?

Câu hỏi đặt ra: “Vì sao bạn muốn đi xe, bạn biết đi xe để làm gì, bạn đã nắm rõ và chấp hành luật lệ giao thông, ứng xử và xử lý tình huống như thế nào khi gặp sự cố…”.

Hiện nay, các thông tin thời sự trong và ngoài nước đều phản ánh các thực trạng đa chiều…, sự nhận thức của mỗi người dân khi đọc tin nhanh trên các báo online đang báo động đòi hỏi đạo đức - lương tâm nghề nghiệp của người làm thông tin truyền thông đặt ở đâu?

Chủ Nhật: 14/05/2017 (19/04 Đinh Dậu)

Tiết học thứ hai: Hướng dẫn chi tiết về quy trình viết bản tin.

Đa phần các tin ngắn dài chưa nắm rõ quy trình viết: Đủ - Đúng - Chính Xác - Hay. Bố cục trình bày văn phong còn lệch lạc, mơ hồ, cách truyền tải thông tin nhằm câu view…

Chúng ta hay mắc phải lỗi trầm trọng khi đăng các bản tin Phật giáo: Viết chức danh của các vị giáo phẩm quá dài, chưa biết cách sắp xếp thứ tự chức sắc - cấp bậc của các lãnh đạo, ban ngành đoàn thể, các bức ảnh chưa được xử lý tốt về các góc độ trang nghiêm cũng như sự trùng lặp giữa các ảnh cách nhau vài giây, nội dung nghèo nàn, tự đưa ra nhận xét cá nhân để kết thúc bản tin, tả cảnh thiên nhiên hòa cùng cảm xúc v.v.

Quy trình đúng để sản xuất bản tin bao gồm: Sự kiện - phóng viên - tòa soạn - biên tập viên xử lý - sản xuất - trình bày - sản phẩm - cộng đồng - phản ảnh (view, mail, phone …).

Ý niệm của báo chí thường đặt ra: CÁI GÌ MỚI?

Về cơ bản để viết một bản tin tốt, chúng ta áp dụng công thức: 4W + 1H

4W: Who (ai); Where (ở đâu); When (khi nào); Why (tại sao) + 1H: How (thế nào) = một thông điệp cốt lõi - chìa khóa - viết câu đơn (≤ 60 chữ), dùng từ phổ thông để quần chúng dễ hiểu, viết đúng chính tả, không lạm dụng dấu “", !, ...,?, nhờ người kiểm tra kĩ trước khi đăng.

Tít (Title: tựa) nên ngắn, rõ, ấn tượng. Subtitle (phụ tít).

Ảnh: Tập trung nhân vật chính mà quên biểu tượng Phật (cắt ngang đầu), vì xử lý ảnh báo chí nói lên ý nghĩa sự kiện, đồng thời nói lên trình độ cũng như tác phong của phóng viên.

Tài liệu: Xin giấy phát biểu của lãnh đạo, vì đó là tiếng nói chính, bên cạnh đó biết chắt lọc cũng như đúc kết ý chính nhấn mạnh tầm quan trọng từ tài liệu đã nhận.

Thứ hai: 15/05/2017 (20/04 Đinh Dậu)

Xử lý khủng hoảng truyền thông Phật giáo

Chúng ta hay bị ngoại cảnh chi phối, vì vậy tư tưởng chỉ nảy sinh trong tham thoại. Khi cập nhật tin sự kiện quốc tế, chúng ta phải nắm rõ chính sách quốc gia, vùng lãnh thổ, chốt câu nói quan trọng dưới góc nhìn tinh tế, điều này đòi hỏi phóng viên phải có kỹ năng vững vàng đã được tích lũy qua nhiều lần tác nghiệp, tư tưởng phản biện xác thực các vấn nạn xã hội, không nhầm lẫn quan điểm với các lĩnh vực chuyên môn, không hiểu gì thì bỏ qua, không nên diễn giải, dùng từ cốt lõi.

Tố chất của người làm truyền thông là phải biết đặt câu hỏi, chắt lọc điều cần thiết vào bản tin và thận trọng.

Mười một điều lưu ý khi làm truyền thông:

1. Đúng, trong thời gian nhanh nhất

2. Làm bài tập

3. Xác định viết tin cho ai đọc, ai xem, thông điệp cốt lõi, văn phong phải trong sáng, quan sát thực tế, có mặt trực tiếp tại sự kiện

4. Sử dụng phương tiện nhanh nhất, vì khoảnh khắc đẹp hay ấn tượng chỉ diễn ra một lần

5. Không ngại đặt và khai thác vấn đề, chất vấn

6. Mối quan hệ hỗ trợ hữu hiệu

7. Ghi chép thành văn bản nhanh nhất

8. Viết bố cục, thứ tự trước sau (bài bản)

9. Không đuợc tưởng tượng, đánh giá theo ý kiến chủ quan

10. Trau chuốt, đọc kĩ, rà soát, lỗi chính tả, cân nhắc trước khi đăng.

11. Luôn đón nhận phản hồi, góp ý từ mọi người để rút kinh nghiệm và điều chỉnh tốt hơn.

* Xử lý khủng hoảng truyền thông: Sự kiện không như ý của mọi người thì xảy ra sự cố ngoài ý muốn, gây ra thiệt hại cho tổ chức. Chúng ta tiếp nhận và xử lý chân thành chân thật, không né tránh, có phương pháp đúng, xử lý có ý thức.

Mười yếu tố căn bản để xử lý khủng hoảng truyền thông được áp dụng hiệu quả:

1. Bình tĩnh, sáng suốt

2. Khoanh vùng, xác nhận sự việc cụ thể

3. Điều tra (why)

4. Ảnh hưởng trong dư luận

5. Lắng nghe chuyên môn, cơ quan chức năng, nhân chứng

6. Xác định lập trường đối với vụ việc đó (không được tránh)

7. Đưa ra thông điệp truyền thông mạnh của tôn giáo

8. Phát ngôn chính thống (người có thể hồi đáp tốt)

9. Theo dõi phản hồi

10. Rút bài học kinh nghiệm (không đi vào vết xe đổ).

Kết thúc ba tiết học về khóa học kỹ năng truyền thông Phật giáo, ĐĐ.Thích Tâm Hải mong tứ chúng phát tâm làm truyền thông Phật giáo phải nắm vững các bước cơ bản để tác nghiệp tốt và bản tin có giá trị hoằng pháp lợi sinh.

Nguồn: phatgiao.org.vn