Đại học Nalanda được đánh giá là có tiềm năng trở thành Di sản Văn hóa Thế giới

N1

Bảo tháp Tôn giả Xá-lợi-phất tại Đại học Nalanda. From: veda.wikidot.com

Đại học Nalanda, chiếc nôi học thuật Phật giáo cổ thuộc bang Bihar, cách Patna khoảng 100 km, miền đông Ấn Độ đang chuyển mình trở thành Di sản Văn hóa Thế giới, các viên chức chính phủ bang đã phát biểu vào tuần trước. Nhiều nhân viên của UNESCO và Hội đồng Di tích Di sản Quốc tế (ICOMOS) tại Paris đã có mặt tại khu di tích để giám định phải chăng khu di tích đáp ứng đầy đủ điều kiện của các tiêu chí cần thiết. 

Đại học Nalanda cổ bước gần hơn để trở thành Di sản Văn hóa Thế giới tại bang Bihar, đứng thứ hai sau Tháp Đại Giác – nơi Đức Phật Thích-ca Mâu-ni thành đạo tại Bồ-đề Đạo tràng, một viên chức ở Nalanda cho biết. (Theo The Times of India)

Được xem là một trong những Đại học lâu đời nhất trên thế giới, Đại học Nalanda là một đại tự viện Phật giáo và còn là một trung tâm học thuật ở Ma-kiệt-đà, một trong 16 vương quốc của Ấn Độ cổ đại. Nó được thành lập vào thế kỷ thứ 5 và là nơi sinh hoạt, tu học của hơn 2000 giáo sư và hơn 10000 sinh viên, thu hút nhiều học giả và sinh viên từ những đất nước xa xôi như Trung Hoa, Indonesia, Hàn Quốc, Persia, Tây Tạng, và Turkey….  

Ngài Huyền Tráng, một vị Tăng nổi tiếng của Trung Hoa (602 – 624) trải qua nhiều năm mới đến được Ấn Độ để chiêm bái hành hương. Ngài đã viếng thăm Đại học Nalanda lần đầu tiên vào năm 637, sau đó là vào năm 642 và ở lại đấy khoảng 2 năm. Ngài đã tham dự các khóa học về ngữ pháp, logic, cổ ngữ Sanskrit và môn Triết học Phật giáo trường phái Yogacara. Ngài có viết lại hồi ký miêu tả cặn kẽ về trường đại học, quần thể chùa tháp, điện thờ, thiền đường… ở đây.

N2

Bảo Tháp tại Đại học Nalanda. From: arounddeglobe.com

Vào thế kỷ 12, Đại học Nalanda bị đội quân xâm lược từ Thổ Nhĩ Kỳ do tướng Bakhtiar Khilji (d. 1206) chỉ huy tàn phá thảm khốc. Tham khảo các tài liệu văn học cho biết, cả Đại học Nalanda và Đại học Vikramshila đều bị nạn cướp phá vào năm 1193. Trong biên niên sử của ông Minhaj-i-Siraj - nhà sử học Ba Tư về thế giới Hồi giáo Tabaqat-i-Nasiri, có đoạn tường thuật rằng: “Hàng ngàn chư Tăng bị thiêu sống và hàng ngàn chư Tăng bị chém đầu vì Khilji tìm cách nhổ tận gốc Phật giáo ra khỏi đất nước này. Các thư viện của trường đại học bị đốt, lửa cháy kéo dài nhiều tháng trường và khói từ kinh sách, bản thảo bị đốt bốc lên không trung như chiếc màn đen treo lơ lửng trên những ngọn đồi thấp”. 

Nhóm nghiên cứu của UNESCO-ICOMOS đã kiểm duyệt các kiến trúc còn lưu lại trong khu di tích bao gồm tường gạch, hành lang, nền nhà…. Các viên chức ở bang Bihar đã trình bày chi tiết với nhóm nghiên cứu và người dân địa phương về truyền thống và đời sống sinh hoạt của trường đại học lúc bấy giờ. 

Chuyên gia Masaya Masui của ICOMOS đã kiểm tra kỹ di tích Nalanda để kiểm chứng những chi tiết mà chúng tôi đề cập trong hồ sơ đề cử. Ông dò lại và đánh giá di tích đối chiếu với tiêu chuẩn Di sản Văn hóa Thế giới”, ông H. A. Naik – Chuyên viên Khảo cổ điều hành của Cục Nghiên cứu Khảo cổ học Ấn Độ khu vực Patna nói. (The Hindu)

Khu di tích Nalanda đã khai quật rộng khoảng 1600 feet từ bắc đến nam và khoảng 800 feet từ đông sang tây. Việc khai quật đã phát hiện 11 tự viện và 6 điện thờ lớn bằng gạch. Hầu hết các cấu trúc cho thấy việc xây dựng trải qua nhiều giai đoạn, nhiều cấu trúc mới bên cạnh các cấu trúc sớm hơn. Nhiều chỗ còn lưu lại dấu vết của lửa thiêu cháy.

Nalanda là biểu tượng của chủ đề phục hưng năm 2014 khi trường đại học mới có tên là Đại học Nalanda được thành lập gần thành Vương Xá gồm có chương trình học tiến sĩ và hậu tiến sĩ theo lời đề nghị của Cố Cựu Tổng thống Ấn Độ - A. P. J. Abdul Kalam vào năm 2006. Niên khóa đầu tiên bắt đầu vào ngày 1 tháng 9 năm 2014 chỉ với 15 sinh viên. Theo dự kiến, một đại học Nalanda hiện đại sẽ hoàn tất vào năm 2020.

(Theo Craig Lewis, Buddhistdoor  News,  2015/08/31)