Dakini - Trí tuệ từ mặt nữ tính của chúng ta

Ánh Sáng Mật Tông

►Lời đầu sách

►Chương 1: Ba bánh xe pháp

►Chương 2: PG hướng sang Tây Tạng

►Chương 3: Bốn bộ phái Tây Tạng

Chương 4: Tiếng nói thời hiện đại

►Chương 5: Công cụ để chứng Chánh giác

►Chương 6: Âm thanh của Chánh giác

►Chương 7: Tâm thức ở tầng cao

      với pháp quán ảnh tượng

►Chương 8: Trí tuệ từ mặt nữ tính của chúng ta

►Chương 9: Sinh, Tử, và Cảnh trung ấm

►Chương 10: Suối Nguồn của Từ Bi và Trí Tuệ

Chương 8: Dakini - Trí Tuệ Từ Mặt Nữ Tính Của Chúng Ta

 

 Ta phải tu tập sùng kính nữ nhân

Cho đến khi nào ta đạt được tinh yếu của chánh giác

____ Candamaharosana Tantra

 

Phụ nữ[1] luôn luôn có một vai trò nổi trội trong Phật giáo Tây Tạng. Mặc dầu Tây Tạng thiên về người nam, Phật giáo Tây Tạng vẫn xem nữ tính là một thành tố thiết yếu trên con đường giác ngộ. Phụ nữ vừa giữ vai trò trần tục, hiện thực, làm bạn song hành nữ phối trong lúc hạ thủ công phu; vừa giữ vai trò mang tính biểu tượng, làm vị thần thủ hộ giữ gìn trí tuệ chánh giác. Cả người nam lẫn người nữ được xem là đều có khả năng như nhau về phương diện giác ngộ, và có thể tu tập chung với nhau để đạt đạo.

Dakini, những người phụ nữ giác ngộ

Phụ nữ giữ một vai trò mang tính biểu tượng trong hệ thống thần thánh của Phật giáo Tây Tạng và được gọi là những vị dakini. Từ dakini có nghĩa là “vị du hành trên không,” tức là một phụ nữ bay[2]. Vì bầu trời biểu trưng cho cõi không nên một vị dakini có thể được xem là một vị du hành trong cõi không. Cõi không là cảnh giới giác ngộ và vị du hành trong cõi không tức là vị đã giác ngộ. Trong nền văn học Phật giáo Tây Tạng, nhiều nơi những vị dakini được xem là những phụ nữ có trí tuệ lớn mà người ta cần gặp trên con đường tìm cầu trí tuệ và sự hiểu biết.

Những vị Dakini giữ nhiều vai trò quan trọng khác nhau trong Phật giáo Tây Tạng. Người ta thường nói rằng phía sau lưng mỗi một người nam vĩ đại là một người phụ nữ vĩ đại. Phật giáo Tây Tạng kể cho chúng ta nghe nhiều câu chuyện về những người nam được một vị phụ nữ đã chứng ngộ hướng dẫn trên con đường tu tập. Có câu chuyện nỗi tiếng kể về một hành giả nhiệt tâm tên Saraha đang hạ thủ công phu để được giác ngộ. Saraha nghĩ rằng cách tốt nhất để thực hành thiền định miên mật là tìm kiếm một nơi yên lặng tuyệt đối, lánh xa mọi người, buông bỏ mọi trần duyên. Bỗng một vị dakini lớn tiếng chỉ trích Saraha về việc tìm cầu giác ngộ nằm ngoài thế gian này và nói: “Chẳng nên ngồi tại nhà, cũng chẳng nên đi vào rừng rậm. Chỉ cần nhận ra cái tâm dù đang ở bất cứ nơi nào!” Nghe được những lời trên, Saraha nhận thức được rằng dakini nói đúng và theo đó mà thay đổi cách tu tập. Lời khuyên này rất giống với giáo lý của Thiền tông: mọi hành vi như đang đi, đang ngủ, đang ăn đều là cơ hội cho chúng ta thiền định và có nhận thức sáng suốt.

Một vị Dakini khác khuyên nhủ một hành giả đáng thương tên là Kantali. Kantali kiếm sống qua ngày bằng việc lượm vãi vụn, kết thành xâu đem bán. Vị dakini khuyên:

Hãy quán chiếu những miếng rác mà ông góp nhặt chỉ là hư không. Hãy thấy cây kim là chánh niệm và nhận thức. Hãy xỏ sợi chỉ vào cây kim từ ái và đan kết thành hàng lụa mới dành tặng cho tất cả sinh linh trong 3 cõi. (Shaw 1994, 57)

Vajrayogini: vị Dakini Linh Thiêng

Phật giáo Tây Tạng loại bỏ những biên giới ngăn cách giữa cái linh thiêng và cái trần tục. Những vị dakini cũng không ngoại lệ. Vajrayogini là tên của vị thánh Dakini tối sơ xuất hiện trong nhiều biểu tượng của Phật giáo Tây Tạng. Vajrayogini thường hiện thân thành một người phụ nữ xinh đẹp, nước da màu đỏ, tóc dài và đen huyền. Vị thánh nữ uốn lượn trên không trung, tay cầm một chiếc cốc sọ người đựng nước bất tử, dáng điệu của một người say mê phóng đãng.

Vajrayogini là biểu tượng của những phẩm chất cao nhất của nữ tính. Thánh nữ Vajrayogini khích lệ phụ nữ hãy hợp nhất với mình để khám phá ra những phẩm chất linh thánh của họ. Trong Tantra Candamaharosana, một tác phẩm nói về những vai trò và tính cách của nữ giới, Thánh nữ giải thích cách thức mà mình cộng thông với tất cả phụ nữ và mạnh mẽ bảo vệ tầm quan trọng của nữ tính trên con đường giác ngộ của Phật giáo. Thánh nữ tin rằng lòng tự trọng có nguồn gốc rất sâu thẩm bên trong. Nhân cách mạnh mẽ và năng động của Thánh nữ là một thể hiện của sức mạnh nữ tính, cho chúng ta thấy rằng bằng thân của người nữ ngay tại kiếp này chúng ta có thể chứng được tuệ giác.

Đôi khi Vajrayogini hiện tướng của một mụ đàn bà xấu xí. Naropa, vị tổ sư nỗi tiếng của phái Kagyu, qua một cuộc hội kiến với Vajrayogini mà thay đổi cả cuộc đời. Câu chuyện kể rằng Naropa đang quay lưng vừa sưởi nắng vừa đọc sách. Thình lình một bóng đen u ám trông phát khiếp chụp xuống. Naropa quay lại thì thấy một mụ đàn bà đáng sợ mà không biết rằng đó là Thánh nữ Vajrayogini. Thánh nữ hỏi:

-- Ông đang học cái gì đó?

-- Tôi đang học ngữ pháp, triết học, luận lý học, và giới luật.

-- Ông có hiểu văn tự và ý nghĩa của văn tự không?

-- Tôi hiểu được văn tự.

Thánh nữ cười lớn, vừa múa vừa hét thật vui vẻ. Naropa nghĩ rằng mình có thể làm cho mụ này vui hơn nữa nên nói tiếp:

-- Tôi còn biết được ý nghĩa nữa!

Tức khắc, thái độ của Thánh nữ thay đổi hoàn toàn: vừa khóc vừa hét to. Naropa chết trân, nói:

-- Tại sao? Tại sao thình lình bà lại trở nên thảm thiết quá vậy.

-- Ta thỏa thích vì một học giả vĩ đại như ông lại có đủ lòng trung thực để thừa nhận rằng mình chỉ hiểu được văn tự. Nhưng khi ông tuyên bố mình còn biết được ý nghĩa nữa thì ta nhận ra ông cũng chỉ là một kẻ gian dối.

Nhận ra mụ ta nói đúng, Naropa bày tỏ mong ước chân thành được học hỏi sâu xa hơn nữa. Thánh nữ khuyên Naropa hãy theo học với người anh của Thánh nữ, một vị am tường cả văn tự và ý nghĩa sâu thẩm của văn tự rồi biến mất như cầu vồng.

Trong cuộc hội kiến này, Vajrayogini đã dùng ‘thủ thuật’ thất thường để hất tung Naropa ra khỏi lối mòn nhận thức thường nhật. Nhất thời, giật nẩy và kinh ngạc cắt đứt đi dòng suy nghĩ hằng ngày. Khoảng cắt đứt nhất thời này tạo ra một khoảng trống, một cơ hội sáng tạo, cơ hội biết được một cái gì đó tinh khôi, lấp vào, và hoàn thiện. Thầy thôi miên Milton H. Erickson thường sử dụng cú giật nẩy kinh ngạc để giúp bệnh nhân xuyên phá những lề lối xơ cứng, ngỏ hầu có những cách ứng xử mới mẽ, tích cực, và uyển chuyển hơn, một cơ hội để vượt lên. Suốt dòng văn học Tây Tạng, Dakini thường hành xử dị thường, cứ như là thách đố, hay làm rối óc và ngạc nhiên những người mà Dakini muốn khai thị. Những hành hoạt cổ quái lạ lùng này thật ra là những phương pháp giúp cho người thọ học tiến bộ.

Quân Bình Giữa Nam Tính Và Nữ Tính

Dakini cũng biểu trưng cho những phẩm chất người nữ trong tất cả mọi người, biểu trưng cho mặt nữ tính trong nhất-thể-nam-nữ. Hùng tính và thư tính được xem như hai phương diện của tâm lý mà chúng ta nên tiếp nhận. Điều này được vị hành giả thực tập trong tâm của mình.

Mỗi người chúng ta đều có cả hai tính nam và tính nữ trong nội thân. Khi một người phụ nữ đứng dậy đối mặt với trở lực, người nữ ấy đang thể hiện mặt nam tính của mình. Khi một người nam tỏ ra mềm mỏng với một đứa trẻ, người nam ấy đang thể hiện mặt nữ tính của mình. Những hành vi như vậy là tự nhiên. Chỉ khi nào mà chúng ta cảm thấy thoải mái với cả hai phương diện này của mình thì lúc đó chúng ta mới hiển lộ nhân tính một cách đầy đủ. Carl Jung nói rằng:

Chúng ta có thể yên tâm khẳng quyết rằng cả hai mặt nam và nữ có tính phỗ quát như người nam và người nữ có mặt khắp nơi. Dựa trên sự thật này chúng ta có thể kết luận rằng trí tưởng tượng của một người nam bị buộc chặt với chủ đề nam nữ nên cứ đem chủ đề đó ra phóng chiếu hết lần này đến lần khác, mọi lúc, mọi nơi. (Jung 1980, 59 - 60)

Nền văn học Tây Tạng tạo ra hình tướng những vị thánh nam song song với những vị thánh nữ tương ứng theo từng đôi. Những hình tượng này biểu trưng cho chất liệu tâm hồn của mỗi một cá nhân, hãy nhận ra hai dạng chất liệu (nam nữ đối nghịch nhau) đó đang hòa tấu trong mỗi một con người. Chúng ta nên đồng điệu với hai dạng sức mạnh đối nghịch này trong nội thân và nhận ra sự hợp nhất viên mãn của chúng khi chứng đạt tuệ giác.

Những pháp tu tập của Phật giáo Tây Tạng giúp cho người ta biết chấp nhận cả hai mặt (đối nghịch nhau) của mình và dẫn dắt chúng đến trạng thái cân bằng. “Dakini là phần bù đấp thiết yếu để đưa chúng ta (dù là người nam hay người nữ) trở về trạng thái hoàn bị” (Willis 1995, 73).

Những mối quan hệ giữa nam tính và nữ tính

Cả nam tính và nữ tính đều quan trọng trong việc chứng đạt tuệ giác. Những vị Dakini là phần bồi đắp cần thiết cho những người nam. “Thánh nữ là cái đang thiếu, sự thiếu kém này ngăn trở, khiến cho chúng ta không đạt được tuệ giác viên mãn” (Willis 1995, 73).

Vì cả hai nam tính và nữ tính đều là những điện cực quan trọng trong một đơn thể. Thông qua một mối quan hệ thân thiết và tương kính mà những người nam và những người nữ đối đãi với nhau thì có thể đạt được sự nhận thức sâu thẳm hơn. “Pháp thiền song hành có mục đích đạt được một phẩm chất trong mối quan hệ mà mỗi một người có thể hoàn toàn hòa nhập vào phẩm chất đó với mục đích cả hai đều được chứng đạt giải thoát cùng một lúc” (Shaw 1994b, 22).

Nền văn học tantra khích lệ nam giới cùng tiến tu với nữ giới, tăng cường cho nhau, và xem đó là phương pháp hiệu quả để đạt đến chánh giác. Nam giới Phật giáo Tây Tạng nhận thấy rằng những điều mà nữ giới biết, theo nguyên lý phải truyền dạy cho nam giới cũng nhiều không kém những điều mà nam giới biết, theo nguyên lý phải truyền dạy cho nữ giới. Mọi người cùng tiến bước trên con đường đạo.

Những người bạn song tu nổi tiếng

Nhiều thiền giả Tây Tạng vĩ đại -- Naropa, Marpa, và Tiloka -- thiền tập với người bạn song tu, thường là suốt đời. Một trong những mối thân hữu song tu nổi tiếng nhất là Yeshe Tsogyel (người phụ nữ nổi tiếng nhất của tông Ninh Mã) và bạn song tu của bà là ngài Liên Hoa Sinh (Padmasambhava), một trong những vị đạo sư Ấn Độ đầu tiên truyền bá Phật giáo Kim cang thừa sang Tây Tạng.

Nhiều câu chuyện cổ tích xoay quanh thân thế và cuộc đời của Yeshe Tsogyel (ngày nay người ta thờ phụng bà như một không hành nữ - Dakini). Từ thời thơ ấu bà đã cảm giác được một tiếng gọi tâm linh và mong muốn theo đuổi con đường giác ngộ của đạo Phật. Lúc đầu không có cơ hội nào cả, bà xinh đẹp đến nỗi những vị vua địa phương đánh nhau để được độc quyền đón bà về làm hoàng hậu. Chẳng những bà không cảm thấy thích thú với hôn nhân phàm tục mà còn cảm thấy buồn thấm thía đối với những cuộc hận thù chém giết mang danh nghĩa của mình. Vị hoàng đế nghe được nét đẹp tuyệt trần nên cho đón bà về làm hoàng hậu. Mặc dầu việc này khiến binh đao chấm dứt nhưng Yeshe Tsogyel (có nghĩa là nàng công chúa của hồ trí tuệ) vẫn cảm thấy tâm nguyện chưa tròn. Vị hoàng đế bất ngờ thấy thích học hỏi Phật pháp và đem bà dâng cho đạo sư Liên Hoa Sanh làm lễ phẩm để được học đạo.

Thế là Tsogyel từ đó được tự do theo đuổi con đường tu học theo Phật giáo Mật tông. Đạo sư Liên Hoa Sanh khuyên bà đi tìm một người bạn song tu để thể nghiệm sự mầu nhiệm của mật pháp. Bà làm theo lời khuyên và phát triển một nhận thức đối với khoái lạc hòa nhập với tánh không. Khi bà trở về, đạo sư Liên Hoa Sanh thấy rằng bà đã học được rất nhiều, nói:

Này vị nữ thiền giả, vị đã làm chủ mật pháp. Thân thể con người là nơi của trí tuệ viên mãn. Vàthân thể nam cũng như nữ đều thích hợp như nhau. Nhưng nếu một người nữ có tâm nguyện dũng mãnh thì người nữ ấy nội hàm một sức lực mạnh hơn. (Willis 1995, 17)

Tsogyel và đạo sư Liên Hoa Sanh từ đó có mối quan hệ bình đẳng, cả hai đều hết lòng với đời sống tâm linh. Hai vị cũng trở thành bạn tính giao, chia sẽ những khoái lạc nhục thể như là con đường dẫn đến trí tuệ và nhận thức sâu sắc hơn nữa.

Tsogyel dâng hiến quãng đời còn lại của mình cho việc giúp đỡ người nghèo khó, bệnh hoạn, và cơ nhỡ. Là một phần của thần thoại Tây Tạng, Tsogyel hoàn thành tâm nguyện của mình, phóng hiện ra nhiều thân tướng khác nhau. Cụ thể, đối với những cặp vợ chồng hiếm muộn, Tsogyel phóng hiện một đứa bé trai hay bé gái, đối với nam giới đang mong cầu nữ giới, Tsogyel phóng hiện ra một người con gái dễ thương. Bất cứ nơi nào người dân đang gặp cảnh đau khỗ, Tsogyel hiện thân ra tìm giải pháp mang đến phúc lạc.

Kết Luận

Phật giáo Tây Tạng có một cách nhìn nối kết, trùm chứa tất cả phương diện của cảm xúc và nhân thể. Mỗi và mọi phẩm tính cần phải được tiếp nhận để đạt được chánh giác. Điều này có nghĩa là những cảm giác và bản năng của chúng ta đều có góp phần, kể cả những biểu hiện của nam tính và nữ tính. Không giống những pháp môn khác, pháp môn Mật thừa vận dụng các cảm xúc, những bản năng tính giao, và những trạng thái nhiệt huyết kết hợp với nhận thức để làm thành con đường dẫn đến trí tuệ. Tuệ giác ở tại nơi thân thể này, ngay bây giờ. Làm thế nào chúng ta có thể đạt được chánh giác khi chúng ta đang là những sinh linh nhiệt huyết, thông minh, và có tính dục, cái mà chúng ta đang là?

 

[1] nên có một phụ lục để đưa cả chương này vao.

[2] Không hành nữ.