Đạo đức của người làm báo Phật giáo

I. TỔNG LUẬN VỀ BÁO CHÍ PHẬT GIÁO VIỆT NAM

 A. Nhìn lại lịch sử báo chí Phật giáo Việt Nam

 Báo chí Phật giáo Việt Nam ra đời trong phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam, lúc nền báo chí chữ quốc ngữ ở xứ ta đã bước vào thời kỳ phát triển, được dấy lên bởi những vị cao Tăng có thực học và nặng lòng với Phật giáo trước sự suy đồi của nền Phật học trong nước, những người mới bước đầu tiếp xúc với Tây học, không có kinh nghiệm về nghề làm báo nhưng đã nhận thức đúng đắn rằng báo chí là phương tiện thích đáng cho công cuộc vận động của mình.

 Lịch sử báo chí Phật giáo Việt Nam thời kỳ 1923-1951 cho thấy các vị lãnh đạo phong trào chấn hưng Phật giáo ở nước ta có viễn kiến, đã cổ vũ được nhiệt tâm của những bậc thức giả khắp nước. Giai đoạn lịch sử ấy cũng xác nhận vai trò quan trọng của báo chí Phật giáo trong việc đem lại sự thống nhất bước đầu của Phật giáo nước ta. Tiếc rằng hoàn cảnh chính trị trong nước ở giai đoạn tiếp sau đã không cho phép báo chí Phật giáo Việt Nam phát triển đúng với năng lực của những người đã đặt định được nền tảng cho một nền văn học báo chí Phật giáo rất riêng đó.

 Khi đất nước bị chia đôi vào năm 1954, miền Bắc tiếp tục dốc toàn lực vào việc thống nhất đất nước, báo chí Phật giáo không có lý do để tồn tại; trong lúc đó, báo chí Phật giáo miền Nam chịu sự áp chế nặng nề kéo dài suốt 9 năm dưới thời Đệ nhất Cộng hòa (1954-1963) nên không thể phát triển. Tuy vậy, sau 1963, báo chí Phật giáo ở miền Nam bước đầu hồi sinh và đã tự đặt định cho mình nhiệm vụ hoằng pháp bên cạnh việc khơi gợi nhu cầu nghiên cứu sâu hơn về Phật học và lịch sử Phật giáo nước nhà. Do bầu không khí phân rã tư tưởng của thời chiến và sự chia rẽ ngay trong nội bộ của Phật giáo miền Nam, nhìn chung, báo chí Phật giáo thời ấy thiếu định hướng. Những thành quả đạt được lúc bấy giờ, nếu có, là do sự cố gắng của những nhóm nhỏ hoạt động riêng rẽ, đứng ngoài những tranh chấp bè phái. Trong điều kiện ấy, báo chí Phật giáo miền Nam vẫn cố sức giành lấy những thuận lợi nho nhỏ trong lúc chiến tranh ngày một ác liệt và các thế lực phi Phật giáo vẫn chiếm ưu thế, cũng đã có những đóng góp khiêm tốn trong việc tham gia xây dựng một nền văn học Phật giáo và một không khí nghiên cứu Phật học khá sôi nổi ở miền Nam. Cần lưu ý rằng Phân khoa báo chí thuộc Đại học Vạn Hạnh khai giảng khóa đầu tiên vào năm 1968 là một trong những cơ sở đào tạo về báo chí ở trình độ đại học xuất hiện khá sớm ở nước ta. Dù sao thì những hoạt động ấy cũng đem lại một cái nhìn mới về Phật giáo cho người dân trong nước và cũng có một số tiếng vang ở nước ngoài. Hoạt động báo chí Phật giáo miền Nam thời kỳ ấy cũng là một thành tố góp phần vào việc làm chấm dứt cuộc chiến Nam Bắc kéo dài nhiều năm.

 Sau khi đất nước thống nhất, báo chí Phật giáo Việt Nam lại tiếp tục có mặt, ban đầu trong một không khí còn nghi kỵ, nhưng sau đó đã từng bước giành được sự chấp nhận của xã hội. Từ khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam ra đời vào năm 1981, hoạt động báo chí Phật giáo dần khởi sắc nhưng vẫn thiếu định hướng. Tuy báo chí Phật giáo Việt Nam là một bộ phận nhỏ trong cơ cấu hoạt động của Giáo hội Phật giáo Việt Nam; và trong số những người lãnh đạo hoạt động báo chí Phật giáo Việt Nam có nhiều vị đã trưởng thành trong hoạt động báo chí nói chung, trong việc đóng góp vào nền văn học báo chí Phật giáo Việt Nam nói riêng, đại đa số những người làm báo Phật giáo Việt Nam chưa nhận được sự đào tạo của Giáo hội, chỉ có khả năng viết lách và được định hướng cá nhân bằng giới luật của nhà Phật.

 B. Thử đặt định vị ví và vai trò báo chí Phật giáo trong nền văn hóa dân tộc

 Sau hơn ba mươi năm hoạt động, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã thực sự phát triển và có nhiều đóng góp cho đất nước về các mặt văn hóa, tư tưởng và học thuật; nhưng nhìn chung, hoạt động báo chí Phật giáo vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Giáo hội cần có kế hoạch xây dựng báo chí Phật giáo thành một ngành hoạt động có thực lực để góp phần mở rộng hoạt động hoằng pháp, đưa lối sống của nhà Phật vào cuộc đời, kịp thời thông tin về những hoạt động của những cộng đồng Phật tử hoặc những hoạt động hướng về đạo Phật trong việc nâng cao nhận thức xã hội, cổ vũ lối sống hòa hợp giữa người với người cũng như giữa người với môi trường xã hội và thiên nhiên, xây dựng một xã hội hiền thiện, hòa bình trước hết cho dân tộc Việt Nam và sau đó cho khu vực, cho thế giới. Để đạt được những mục tiêu đó, trước hết, ta thử đặt định vị trí và vai trò của báo chí Phật giáo trong nền văn hóa của dân tộc.

 1. Vị trí của báo chí Phật giáo

 Ngày nay, báo chí được hiểu là tất cả những bài viết có chuẩn bị kỹ lưỡng nhằm cung cấp chính xác và kịp thời cho quần chúng những thông tin, các nhận định hoặc các lời bình luận về những sự kiện mang tính tin tức thuộc mọi lãnh vực hoạt động của con người ở khắp mọi nơi, được phát hành thông qua các phương tiện ấn loát, được phát trên sóng truyền thanh truyền hình hoặc trên mạng kỹ thuật số theo định kỳ… Báo chí khác với sách và các trang blog cá nhân ở chỗ sách và trang blog cá nhân thường không thể hiện các sự kiện mang tính tin tức, không đáp ứng kịp thời nhu cầu được thông tin của quần chúng và không xuất hiện theo định kỳ. Như vậy, báo chí ngày nay có một phạm vi hoạt động rất rộng lớn. Tuy nhiên, mỗi đơn vị báo chí thường tập trung vào một lĩnh vực chuyên biệt, vì như thế thì mới có thể thu thập được những tin tức cập nhật và chính xác, mới đưa ra được những nhận định hoặc bình luận sắc sảo trong phạm vi chuyên môn của mình. Báo chí Phật giáo là những đơn vị báo chí tập trung vào những thông tin liên quan đến mọi hoạt động của Phật giáo hoặc có tính cách Phật giáo. Tất nhiên, những vấn đề có sự quan hệ hỗ tương giữa nhiều lĩnh vực khác nhau cũng có được sự quan tâm của những đơn vị báo chí chuyên về một lĩnh vực. Do vậy, báo chí Phật giáo cũng cần phải giới thiệu với công chúng những sự kiện có quan hệ tương tác với Phật giáo. Trong thế giới đương đại, Phật giáo là một tôn giáo được nhiều người trên thế giới khát khao nghiên cứu khi họ cảm nhận được những đóng góp thiết thực đối với cuộc sống của loài người mà giáo lý của Đức Phật Thích-ca có thể mang lại. Ngay trong đất nước ta, ngày càng có nhiều người cố công tìm hiểu về đạo Phật để điều chỉnh lối sống của mình, của gia đình mình với mục đích có được sự an lạc ngay trong cuộc sống hiện tại. Khi thực sự là người đưa tin xác thực và cung cấp những nhận định đúng mực về Phật giáo và các hoạt động Phật giáo, báo chí Phật giáo sẽ có thể đạt tới vị trí góp phần dẫn đạo về văn hóa và tư tưởng của xã hội; vì lẽ trong mọi xã hội, cho đến nay báo chí vẫn là phương tiện hướng dẫn dư luận chính yếu trên tất cả mọi lĩnh vực.

 2. Vai trò của báo chí Phật giáo

 Nếu được sắp xếp có hệ thống, được xây dựng để có những phương tiện hành nghề thích hợp, được đào tạo để có đội ngũ những người làm báo chuyên nghiệp, báo chí Phật giáo Việt Nam có thể cung cấp những thông tin xác thực mang tính thuyết phục về kết quả an lạc ở những cộng đồng biết áp dụng lối sống của Phật giáo, cung cấp những tài liệu có giá trị về Phật học cho những người có mong muốn học hỏi về Phật pháp, làm cầu nối cho những vị thí chủ muốn thực hiện hạnh bố thí đối với những người cần được giúp đỡ về mọi mặt; qua đó, báo chí Phật giáo góp phần đưa đạo Phật vào cuộc sống hàng ngày của mọi người, mọi cộng đồng. Khi cần, báo chí Phật giáo là phương tiện phủ bác những thông tin sai lạc về cộng đồng Phật tử do những nguồn ác ý nêu ra, nhưng mặt khác, báo chí Phật giáo cũng phải là tiếng còi hiệu sớm phát hiện những lầm lạc trong sinh hoạt Phật giáo để các bậc tôn túc có biện pháp uốn nắn kịp thời. Báo chí Phật giáo cũng bày tỏ nguyện vọng của các cộng đồng Phật tử trước các hoạt động Phật sự có liên quan, mặt khác, cũng là phương tiện hướng dẫn các hoạt động theo chủ trương chung của Giáo hội. Trong một số trường hợp, báo chí Phật giáo là phương tiện trao đổi kiến giải giữa những người có quan tâm về những vấn đề liên quan đến Phật giáo. Nói chung, báo chí Phật giáo vừa là một diễn đàn, vừa là người quan sát, vừa làm trung gian cho tất cả những ai mong muốn đóng góp vào việc xây dựng ngôi nhà Phật pháp bền vững. Ngoài ra, trong việc diễn đạt, báo chí Phật giáo cũng luôn chú trọng đến việc gìn giữ tính trong sáng của ngôn ngữ, làm mới văn phong trong phạm vi cho phép; và như vậy, báo chí Phật giáo cũng có một vai trò nho nhỏ trong việc phát triển ngôn ngữ dân tộc. Tất nhiên, báo chí Phật giáo là một phương tiện hoằng pháp quan trọng, nhưng không nhằm mục đích mở rộng số lượng tín đồ, mà nhắm đến việc quảng bá lối sống của người con Phật.

 Để có thể có được vị trí và vai trò như vậy, báo chí Phật giáo cần phải được tổ chức chu đáo, những người làm việc trong ngành báo chí Phật giáo phải được huấn luyện cặn kẽ để hiểu rõ nhiệm vụ của mình trong hệ thống báo chí Phật giáo. Trên hết, những người hoạt động trong lĩnh vực báo chí Phật giáo phải khẳng định tinh thần phụng sự cộng đồng. Kinh điển vẫn nhắc nhở, “phụng sự chúng sinh là cúng dường chư Phật,” do vậy, phụng sự cộng đồng một cách không vụ lợi chính là phụng sự Tam Bảo. Với tinh thần đó, việc nghiên cứu về những tiêu chuẩn của hoạt động báo chí và đạo đức của người làm báo là điều hết sức cần thiết.

 II. ĐẠO ĐỨC BÁO CHÍ

 Như đã nêu, báo chí có một vai trò vô cùng quan trọng trong việc định hướng dư luận. Tuy nhiên, trong thế giới toàn cầu hóa ngày nay, sự hội nhập giữa các xã hội từ xưa vẫn có ngăn cách đang càng lúc càng mở rộng đến độ mọi biên giới có thể xóa nhòa, thông tin có thể đến từ nhiều nguồn mà quần chúng, nghĩa là những người đọc, luôn luôn có thể kiểm chứng tính xác thực của chúng một cách dễ dàng. Chính vì thế mà Tony Burman, cựu tổng biên tập của một hãng tin lớn trên thế giới là CBC News, đã phát biểu, “Mọi tổ chức báo chí đều chỉ có thể dựa vào danh tiếng và sự được tín nhiệm của chính mình.”

 Báo chí là một hoạt động văn hóa phát triển trước hết ở phương tây với lịch sử vài trăm năm, đã kết tập được nhiều kinh nghiệm, đã đúc kết nhiều pho sách về đạo đức báo chí; do đó, chắc chắn các nền báo chí mới phát triển sau này có thể học hỏi được nhiều từ quan điểm đạo đức báo chí của các quốc gia Âu Mỹ. Vì vậy, trước khi bàn về đạo đức của người làm báo Phật giáo Việt Nam, việc tìm hiểu đạo đức báo chí phương tây là điều cần thiết.

 A. Quan điểm đạo đức báo chí của phương tây

 1. Một chút lịch sử

 Những tờ báo in đầu tiên của loài người xuất hiện trong thế kỷ thứ 17 ở châu Âu. Đó là những tờ công báo, do chính quyền bảo trợ xuất bản để phục vụ mục đích tuyên truyền chính sách, giải thích những quyết định của chính phủ. Ở Pháp có tờ La Gazette do Théophraste Renaudot làm chủ bút phát hành số đầu tiên vào khoảng tháng 5-1631, được bảo trợ bởi Hồng y Richelieu là thủ tướng của vua Pháp Louis XIII. Ở Anh là tờ Oxford Gazette phát hành số đầu tiên khoảng tháng 11-1665, sau đó đổi tên thành London Gazette, được hoàng gia Anh dưới triều đại Charles đệ nhị bảo trợ. Thế kỷ thứ 17 ở châu Âu là thời kỳ diễn ra cuộc cách mạng khoa học, là lúc chương trình khai thác các thuộc địa ở châu Mỹ bắt đầu có những thành quả thấy được, là lần đầu tiên người dân châu Âu biết đến tình trạng đại khủng hoảng với cuộc chiến tranh ba mươi năm (1618-1648) giữa những người Tin lành và những người Thiên chúa giáo La Mã, cuộc chiến tranh của Liên minh Thần thánh (1667-1683) giữa người Thổ Nhĩ Kỳ với tàn dư của đế quốc La Mã. Trong bối cảnh đó, nhu cầu thông tin của quẩn chúng ngày càng tăng, những tờ công báo không đáp ứng được, chính quyền phải nhân nhượng cho phép tư nhân ra báo nhưng đặt dưới sự kiểm soát chặt chẽ bằng những biện pháp cấp phép khó khăn và có sự kiểm duyệt gắt gao; vì lẽ ngay từ bấy giờ báo chí đã bắt đầu quan tâm đến đời sống người dân, tấn công sự hủ bại của chính quyền và giai cấp tăng lữ Thiên chúa giáo ở thượng tầng kiến trúc của xã hội. Mặc dù bị kiểm soát gắt gao, chính trong giai đoạn này, những hình thức báo chí mới mẻ như phóng sự bắt đầu có mặt trên các trang báo.

 Thế kỷ thứ 18 được mệnh danh là thế kỷ ánh sáng ở phương tây, giai đoạn mà triết học và khoa học nở rộ với nhiều phát minh mới và những tư tưởng nhân bản được phục hồi. Nhiều triết gia đã mơ ước một thời kỳ tươi đẹp cho nhân loại. Sự khai thác thuộc địa ở châu Mỹ đã đem lại cho châu Âu một giai cấp trung lưu mới, giàu có, tự tin và khao khát hưởng thụ mọi dục lạc. Trong thời gian này, xuất hiện loại báo chí có mục đích đem lại sự thư giãn cho công chúng cùng với loại tiểu thuyết đăng từng kỳ trên mặt báo. Ở Anh xuất hiện những tờ báo như The Spectator (1711) và The Gentleman’s Magazine (1731) với tôn chỉ hướng dẫn công chúng cách ứng xử trong thời đại mới thu hút giai cấp trung lưu. Đặc biệt, The Female Spectator (1744) là tờ báo đầu tiên do phụ nữ xuất bản viết về phụ nữ được hưởng ứng nhiệt liệt. Ở Thụy Sĩ có tờ Feuille d’Avis de Neuchâtel là tờ nhật báo đầu tiên viết bằng tiếng Pháp xuất hiện năm 1738 và phát hành liên tục đến tận ngày nay dưới tên L’Express. Ở Pháp, mãi đến năm 1777 mới có tờ nhật báo đầu tiên là tờ Journal de Paris. Tờ báo này đã đem lại những tin tức mới nhất cho công chúng khi xảy ra cuộc cách mạng Pháp năm 1789. Trong vùng New England quy tụ 13 thuộc địa của Anh ở châu Mỹ, mặc dù máy in đã có mặt từ thế kỷ 17 nhưng phải đến năm 1704 mới có một dạng thư-bản tin (news-letter) được phát hành ở Boston. Năm 1721, James Franklin phát hành tờ New England Courant, đăng tải những điều mà người đọc cần và gợi hứng cho người đọc chứ không chỉ những gì được chính quyền thực dân cho phép. Tờ báo của Franklin tấn công thẳng các nhà cầm quyền chính trị và tôn giáo, do đó chỉ hai năm sau tờ báo của ông bị cấm. Năm 1728, người em của Franklin là Benjamin Franklin cho ra đời tờ Pennsylvania Gazette, nhanh chóng trở thành tờ báo có số phát hành rộng rãi. Sự thành công của Franklin kích thích nhiều người tham gia làm báo và những tờ báo của họ đã góp phần thúc đẩy cuộc chiến tranh cách mạng Hoa Kỳ (1775-1783). Năm 1776, bản Tuyên ngôn độc lập của Hiệp chủng quốc Mỹ châu ra đời khẳng định quyết tâm giành độc lập cho thuộc địa châu Mỹ của người Anh; và năm 1783, với hiệp ước Paris, người Anh buộc phải công nhận sự độc lập của Hoa Kỳ, một quốc gia mới có một chính thể mới, chính thể dân chủ tự do với các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp thuộc về ba cơ quan khác nhau để tránh tình trạng độc tài.

 Tin tức báo chí nói về sự thắng lợi của cách mạng Hoa Kỳ đã góp phần đẩy nhanh cuộc cách mạng tư sản dân quyền ở Pháp 1789 và cách mạng Pháp cũng đưa ra một bản tuyên bố về nhân quyền và dân quyền. Các văn kiện cách mạng này đều khẳng định con người có các quyền tự do trong đó có tự do tín ngưỡng, tự do tư tưởng, tự do ngôn luận và tự do báo chí. Hiến pháp Hoa Kỳ được chấp thuật vào năm 1787 và được ban bố vào năm 1789 được coi là bản hiến pháp dân chủ đầu tiên của loài người. Hai năm sau (1791), cơ quan lập pháp Hoa Kỳ lại phê chuẩn 10 tu chính án của Hiến pháp, trong đó tu chính án đầu tiên khẳng định ngành lập pháp Hoa Kỳ không bao giờ ban bố bất kỳ một đạo luật nào có thể hạn chế quyền tự do ngôn luận.

Báo chí ở Tây Âu và Bắc Mỹ trong thế kỷ thứ 18 đã góp phần truyền bá tư tưởng nhân bản, tranh đấu cho nhân quyền và góp phần xây dựng nên một chế độ chính trị hoàn toàn mới cho đến bấy giờ, chế độ dân chủ tự do tôn trọng quyền con người. Tuy nhiên, giới nghiên cứu cho rằng cũng chính trong giai đoạn này, báo chí đã bắt đầu xuất hiện những khuynh hướng đồi trụy.

Thế kỷ thứ 19 và thế kỷ thứ 20 chứng kiến sự lên ngôi của báo chí. Với quyền tự do, báo chí trở thành một quyền lực, quyền thứ tư đứng sau các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Và sự lên ngôi của báo chí đã kéo theo những tệ nạn của báo giới với sự xuất hiện của những tờ báo chú trọng đến lãnh vực thương mại. Nhờ khai thác thuộc địa, mở mang thương mại, tiến bộ kỹ thuật… các nước đế quốc đã tích tụ được những khối tài sản khổng lồ, hình thành những tầng lớp có của khao khát hưởng thụ. Để thu hút độc giả, đã xuất hiện những tờ báo thương mại chú ý đến việc kích thích thị hiếu tầm thường của giới giầu có. Trong lúc những tờ báo chuyên nghiệp mở rộng hoạt động bằng những tin tức xác thực và nóng bỏng về những vấn đề chính trị, quân sự, xã hội và những bài bình luận sắc sảo về thời cuộc, thì những tờ báo thương mại chú ý đến việc khai thác những chuyện dung tục, tầm thường và tìm cách gây sửng sốt cho độc giả bằng những tin tức bị bóp méo. Điển hình cho loại báo chí này là tờ News of the World phát hành số đầu tiên vào năm 1843 ở Anh, một tờ báo bán rẻ nhất thời bấy giờ và nhắm đến khối độc giả bình dân là giai cấp công nhân mới biết đọc biết viết. News of the World nhanh chóng được biết đến như là kẻ cung cấp hàng đầu những tin tức về tội hình sự, những điều gây sửng sốt và kích động. Hầu hết nguồn tài liệu để viết bài đưa tin của tờ báo này là từ những hồ sơ công tố, những biên bản lập vi bằng của cảnh sát về những loại tội phạm mô tả những nơi bị kết luận là nhà chứa, những kẻ vô gia cư, những người phụ nữ “vô đạo đức”… Để có tin tức, các nhà báo của News of the World không bỏ qua thủ đoạn nào, từ nghe lén điện thoại đến mua chuộc cảnh sát và gài bẫy các nạn nhân. Năm 2006, tờ báo bị kết tội nghe lén điện thoại và hàng loạt biên tập viên của báo bị câu lưu. Gần đây vụ bê bối liên quan đến cô bé Milly Dowler đã khiến công chúng Anh nổi giận và cuối cùng tờ báo phải tự đình bản vào ngày 7-7-2011.

Không chỉ những tờ báo thương mại mới có những biện pháp lấy tin vi phạm đời tư các cá nhân mà ngay cả những người làm báo thiếu cẩn trọng vì nôn nóng phát hiện vụ việc hoặc khao khát giải thưởng làm báo cũng có lúc đi quá phận sự của người làm báo. Nhận thấy những hành vi của một số người làm báo là không thỏa đáng, các định chế báo chí đứng đắn đã đặt ra những quy tắc đạo đức của nghề báo và của người làm báo. Mặt khác, các quốc gia Tây Âu và Bắc Mỹ cũng ban hành nhiều luật lệ nhằm ngăn ngừa sự vi phạm của người làm báo trong lúc hành nghề. Tuy nhiên, vì quan niệm báo chí là quyền lực thứ tư, việc ngăn chận sự vi phạm của người làm báo vẫn không ảnh hưởng đến quyền tự do báo chí.

2. Đạo đức báo chí theo quan điểm phương tây

a. Tổng quan

Tháng 12 năm 1948, Liên hiệp quốc thông qua một bản tuyên ngôn về nhân quyền nêu rõ mọi người sinh ra đều tự do và bình đẳng về phẩm giá và về các quyền của con người, trong đó ở điều thứ 19 có nêu rõ mọi người có quyền tự do có ý kiến riêng và phát biểu ý kiến đó. Trên tinh thần các cuộc vận động cách mạng dân chủ tư sản ở Mỹ và ở Pháp, các quốc gia dân chủ phương tây diễn dịch các quyền này thành quyền tự do về báo chí, hầu hết được nêu trong hiến pháp của mỗi nước. Tuy không can thiệp vào hoạt động báo chí, nhưng luật pháp của các quốc gia đều có những quy định nhằm ngăn chận sự lạm quyền của báo chí; chẳng hạn, về các thông tin của chính phủ, mọi chính phủ đều phân biệt những thông tin nào được phép phổ biến cho công chúng và những thông tin nào thuộc loại phổ biến hạn chế hay tuyệt mật không thể tiết lộ với mục đích bảo vệ lợi ích quốc gia. Hầu hết các tổ chức làm báo của phương tây đều tự đưa ra những quy định của tổ chức mình và yêu cầu những người thuộc tổ chức phải tuân thủ. Các tổ chức báo chí cũng họp thành những hiệp hội báo chí để bảo vệ quyền người làm báo, và những hiệp hội này cũng nêu ra các quy định về đạo đức nghề nghiệp.

b. Ủy ban Hutchins và Hiệp hội Nhà báo Chuyên nghiệp Hoa Kỳ

Mặc dù báo chí dân chủ phương tây có quyền tự do nhưng xã hội phương tây cũng tôn trọng quyền tự do cá nhân và báo chí không có quyền làm phương hại đến lợi ích quốc gia, lợi ích xã hội, lợi ích cộng đồng và lợi ích cá nhân. Do đó, nền báo chí dân chủ phương tây tự đặt ra cho họ những tiêu chuẩn của việc hành nghề gọi là hệ thống đạo đức báo chí.

Trong thời gian xảy ra thế chiến thứ hai, vị chủ báo của nhật báo Times và tạp chí ảnh Life (Hoa Kỳ) là Henry Luce có đề nghị với Giáo sư Robert Hutchins là Viện trưởng Viện đại học Chicago lúc bấy giờ giúp tuyển mộ một ủy ban thực hiện việc tìm hiểu về chức năng thích đáng của hoạt động truyền thông trong một nền dân chủ hiện đại. Sau hơn bốn năm cân nhắc, mãi đến năm 1947, Ủy ban này mới đưa ra một bản hướng dẫn tổng quát gồm 7 điều:

1. Bất kỳ ai được hưởng một phạm vi tự do đặc biệt, như một nhà báo chuyên nghiệp chẳng hạn, đều có một nghĩa vụ đối với xã hội trong việc sử dụng quyền hạn và tự do của mình một cách có trách nhiệm.

  2. Phúc lợi của xã hội là tối cao, quan trọng hơn hẳn sự nghiệp của từng cá nhân hoặc kể cả những quyền cá nhân.

3. Báo chí phải trình bày những tin tức có ý nghĩa, chính xác, và tách biệt với ý kiến riêng.

4. Báo chí phải phục vụ như một diễn đàn cho việc trao đổi những bình luận, phê phán và để mở rộng việc tiếp cận những quan điểm khác biệt.

5. Báo chí phải hướng đến một hình ảnh có tính cách đại diện cho mọi cộng đồng họp thành xã hội bằng cách tránh những định kiến và phải kể đến những cộng đồng thiểu số.

6.Báo chí phải làm sáng tỏ những mục tiêu và những giá trị của xã hội; hàm ý là một lời kêu gọi tránh việc làm thỏa mãn cho nhóm thuộc mẫu số chung nhỏ nhất.

7.Báo chí phải mang lại một sự đưa tin rộng rãi về những gì được biết liên quan đến xã hội.

Tất cả những điều hướng dẫn tổng quát trên đều quan trọng vì báo chí cần phải giữ một quan điểm trung tính, chỉ cung cấp những sự thật căn bản và cho phép độc giả hình thành quan điểm riêng của họ dựa trên những thông tin nhận được. Báo chí không áp đặt quan điểm của mình hay của nhóm mình đối với người đọc.

Bản hướng dẫn tổng quát của Ủy ban Hutchins đã gợi ý cho Hiệp hội nhà báo Chuyên nghiệp Hoa Kỳ (Society of Professional Journalists) đưa ra một bản quy tắc đạo đức của người làm báo, ngoài những điều khoản có tính cách cụ thể hóa và chi tiết hóa những hướng dẫn tổng quát trên dưới đề mục chung là Tìm kiếm sự thật để tường thuật, có đưa thêm ba đề mục chính là: Giảm đến mức tối thiểu sự tác hại; Hành động một cách độc lập;Có trách nhiệm.

c. Nghị quyết của nghị viện châu Âu

Đặc biệt, vào năm 1993, Nghị viện Liên hiệp châu Âu (European Parliament) thông qua nghị quyết số 1003 nói về đạo đức của báo chí, là một trong những văn bản hiếm có của giới lãnh đạo chính trị phương tây bàn về vấn đề này. Bản nghị quyết này gồm 6 mục với 38 điều. Mục thứ nhất nêu sự phân biệt giữa tin tức và ý kiến riêng; mục thứ hai xác định quyền được thông tin là một quyền căn bản của con người và phân biệt chức trách vai trò giữa người sở hữu cơ sở báo chí, người chịu trách nhiệm về cơ sở báo chí và người thực hành việc làm báo với tư cách nhà báo chuyên nghiệp; mục thứ ba nêu rõ chức năng báo chí và nêu rõ như thế nào là các hoạt động mang tính đạo đức của báo chí; mục thứ tư chỉ có một điều nói về những luật lệ quản trị đối với ban biên tập; mục thứ năm nói về những tình huống có tranh chấp và những trường hợp cần bảo vệ đặc biệt; và mục cuối cùng nói về đạo đức tổng quát cùng với việc tự đặt ra điều luật phải theo của các cơ sở báo chí.

 d. Các bản quy tắc đạo đức do những cơ sở báo chí phương tây tự đặt ra cho chính mình

 Giới báo chí của các nước dân chủ phương tây đều tập hợp chung quanh các hội nhà báo của quốc gia mình, là một hình thức hội nghề nghiệp. Một quốc gia có thể có nhiều hội nhà báo khác nhau quy tụ những người làm báo theo các khuynh hướng hoặc mối quan tâm khác nhau; và mỗi hội nhà báo ấy đều có những bộ quy tắc hành nghề của mình. Bên cạnh đó, hầu như mỗi cơ sở báo chí cũng có những bộ quy tắc hành nghề của riêng cơ sở ấy. Có những bản quy tắc chỉ nêu những điều mục có tính cách hướng dẫn, nhưng cũng có những bản quy tắc như của Công ty quản trị tờ New York Times chứa đựng 139 điều, quy định hết sức chi tiết về hành vi của người làm báo, kể cả việc người làm báo nhận quà từ những đối tác của mình hoặc được đối tác cung cấp phương tiện ăn ở và đi lại trong lúc hành nghề ở nơi cách xa trú quán. Có thể dẫn thêm về những bản quy tắc hành nghề báo chí của tổ hợp truyền thông Anh Quốc British Broadcasting Corporation (BBC) hay Công ty điều hành truyền thông Pháp Quốc Le Monde. Nói chung, tất cả những bản quy tắc đạo đức của người làm báo đều có tính chất chung là một bản triển khai chi tiết bảy quy tắc của Ủy ban Hutchins như nói ở trên.

 3. Một bản quy tắc đạo đức làm mẫu

 Để hiểu rõ các quy tắc đạo đức của người làm báo phương tây, giáo trình này giới thiệu bản quy tắc đạo đức của Hiệp hội Nhà báo Chuyên nghiệp Hoa Kỳ (Society of Professional Journalists), được dịch từ nguyên văn tiếng Anh.

 Lời nói đầu

 Thành viên của Hiệp hội Nhà báo Chuyên nghiệp tin rằng sự sáng suốt của công chúng là nguyên mẫu của công lý và là nền tảng của dân chủ. Nhiệm vụ của người làm báo là đẩy mạnh những mục đích ấy bằng cách tìm kiếm sự thật để đưa ra một bản mô tả đầy đủ và ngay thẳng về những sự kiện và những vấn đề. Những nhà báo tận tâm của mọi ngành truyền thông đều cố gắng phục vụ công chúng với sự chu đáo và tính trung thực. Sự chính trực nghề nghiệp là hòn đá tảng cho sự đáng tin cậy của một người làm báo. Thành viên của Hiệp hội chia sẻ một quyết tâm về hành vi đạo đức và chấp nhận bản quy tắc này để công bố những nguyên tắc và tiêu chuẩn hành nghề của Hiệp hội.

 TÌM KIẾM SỰ THẬT ĐỂ TƯỜNG THUẬT

 Nhà báo phải trung thực, công bằng và can đảm trong việc thu thập, tường thuật và diễn giải thông tin

 + Nhà báo phải:

 - Kiểm chứng tính xác thực của thông tin từ mọi nguồn và cẩn thận tránh mọi nhầm lẫn không cố ý. Sự cố ý bóp méo sự thật là điều không thể tha thứ.

 - Sốt sắng tìm kiếm nhân vật chính trong bản tin để cho họ có cơ hội trả lời trước những cáo buộc về hành vi sai trái.

 - Nhận diện nguồn tin bất cứ khi nào có thể thực hiện được. Công chúng được quyền có được càng nhiều thông tin càng tốt từ những nguồn tin đáng tin cậy.

 - Luôn hỏi rõ động cơ của người đưa tin trước khi hứa không cung cấp nhân thân người đưa tin. Nêu rõ những điều kiện kèm theo lời hứa giữ kín tên người đưa tin. Giữ lời hứa.

- Bảo đảm rằng những tựa bài, phần nhập đề của bản tin và các tài liệu quảng cáo, hình ảnh, tài liệu audio, video, biểu đồ, những đoạn ghi âm và những lời trích dẫn không bị trình bày sai lạc. Những chi tiết (hoặc tài liệu) này không được phép khiến cho những tình tiết phụ trở nên bị giản lược quá mức hoặc được nhấn mạnh.

- Không bao giờ làm biến dạng nội dung của những hình ảnh hay các đoạn video tin tức. Việc làm nổi bật hình ảnh để làm rõ về mặt kỹ thuật là điều được chấp nhận. Hãy ghi chú những đoạn ảnh lắp ghép hoặc hình ảnh minh họa.

- Tránh gây ấn tượng cho những sự kiện được nhắc lại hay những tin tức dàn dựng là các sự kiện. Nếu việc nhắc lại các sự kiện là điều cần thiết để tường thuật một bản tin mới thì phải nói rõ ra.

- Tránh những phương pháp dùng tay trong (nội gián) hay những phương pháp gian dối khác trong việc thu thập tin tức trừ trường hợp những phương pháp công khai truyền thống sẽ không thể mang lại những thông tin có tính cách sống còn đối với công chúng. Việc sử dụng những phương pháp đó cần phải giải thích trong khi tường thuật thông tin.

- Không bao giờ được đạo văn.

- Tường thuật một cách cụ thể về tính đa dạng và mức độ quan trọng của những kinh nghiệm của loài người, ngay cả khi đó là những điều không phổ biến.

Kiểm tra những giá trị văn hóa của chính mình mà tránh áp đặt những giá trị đó lên người khác.

Tránh định kiến về chủng tộc, giới tính, tuổi tác, tôn giáo, địa lý, khuynh hướng tình dục, tình trạng khuyết tật, diện mạo bên ngoài hoặc địa vị xã hội.

- Ủng hộ việc công khai trao đổi quan điểm, kể cả những quan điểm mà người làm báo không ưa.

- Dành tiếng nói cho những người không có điều kiện phát biểu; những nguồn thông tin chính thức và không chính thức có thể có giá trị như nhau.

- Phân biệt giữa sự biện hộ với việc tường thuật tin tức. Những điều mang tính phân tích và bình luận phải được nêu rõ và không để bóp méo sự thật hay bối cảnh.

- Phân biệt tin tức với quảng cáo và tránh việc làm lẫn lộn khiến ranh giới giữa tin tức và quảng cáo bị nhòa đi.

- Nhận biết một nghĩa vụ đặc biệt để bảo đảm rằng dịch vụ công ích được quản lý công khai và những báo cáo của chính phủ được mở rộng cho việc thanh tra.

GIẢM ĐẾN MỨC TỐI THIỂU SỰ TÁC HẠI

Nhà báo có đạo đức đối xử với những nguồn cung cấp thông tin, với chủ thể của nguồn tin và các đồng nghiệp như những con người cần được kính trọng.

+ Nhà báo phải:

- Thể hiện lòng trắc ẩn với những người có thể chịu những ảnh hưởng bất lợi vì bản tin được tường thuật. Có thái độ thông cảm đặc biệt trong lúc hành nghề có liên quan đến trẻ em và những nguồn cung cấp thông tin hay những chủ thể của nguồn tin thiếu kinh nghiệm.

 - Có thái độ thông cảm trong lúc tìm kiếm tin tức hoặc phỏng vấn, chụp ảnh những người bị ảnh hưởng bởi thảm họa hay đang có sự đau buồn.

Nhận thức rằng việc thu thập và tường thuật thông tin có thể gây hại hoặc tạo nên sự bất tiện. Theo đuổi tin tức không phải là một giấy phép cho sự ngạo mạn. 

Nhận thức rằng con người cá nhân có một quyền lớn hơn trong việc kiểm soát thông tin đời tư của mình so với những viên chức công cộng hay những người tìm kiếm quyền lực, ảnh hưởng hoặc sự chú ý. Chỉ khi nào nhu cầu của công chúng vượt quá thì mới có thể bào chữa cho việc xâm nhập vào đời tư của một người nào đó.

Thể hiện thái độ đúng mực. Tránh việc thỏa mãn sự tò mò quá đáng.

Cẩn thận trong việc nhận diện những kẻ tình nghi, những nạn nhân hay những tội phạm tình dục vị thành niên.

Cân nhắc trong việc nêu tên những kẻ tình nghi phạm tội trước khi hồ sơ khởi tố được đưa ra.

Cân bằng quyền được xét xử một cách công bình của kẻ tình nghi phạm tội với quyền của công chúng được thông tin.

HÀNH ĐỘNG MỘT CÁCH ĐỘC LẬP

Nhà báo hoàn toàn tự do trước mọi nghĩa vụ đối với bất kỳ một lợi ích nào ngoài quyền được biết của công chúng.

+ Nhà báo phải:

Tránh mọi sự mâu thuẫn về quyền lợi, có thật hay do cảm nhận.

 Giữ gìn sự tự do trong giao thiệp và hành động có thể làm tổn hại đến sự chính trực hay phá vỡ sự đáng tin cậy.

Từ chối mọi quà tặng, thù lao, việc đối đãi đặc biệt và miễn phí đi lại, đồng thời tránh một công việc thứ hai, sự dính líu đến chính trị, chức vụ công cộng hay hoạt động cộng đồng… nếu những điều đó làm tổn hại đến sự chính trực của người làm báo.

Phơi bày mọi mâu thuẫn không thể tránh được.

Cảnh giác và can đảm đối với tài sản cá nhân của những người có quyền lực có trách nhiệm.

Từ chối sự đối xử có ân huệ từ các nhà quảng cáo và đối với các lợi ích đặc biệt; cự tuyệt mọi áp lực của họ để không ảnh hưởng tới việc tường thuật tin tức.

Thận trọng với những nguồn cung cấp thông tin với mong muốn được trả tiền; tránh việc đấu giá để có thông tin.

CÓ TRÁCH NHIỆM

Nhà báo có trách nhiệm với độc giả, thính giả, khán giả và có trách nhiệm với nhau

+ Nhà báo phải:

- Làm rõ và giải thích việc tường thuật thông tin và đề nghị đối thoại với công chúng về hạnh kiểm của người làm báo.

- Khuyến khích công chúng lên tiếng về những bất bình liên quan đến giới truyền thông.

Tránh nhầm lẫn và cải chính kịp thời.

- Phơi bày những kiểu hành nghề vô đạo đức của các nhà báo và của giới truyền thông.

- Trung thành với những tiêu chuẩn hành nghề này cũng như tin tưởng rằng người khác cũng trung thành như chính mình.

Ghi nhận rằng Hiệp hội Nhà báo Chuyên nghiệp Hoa Kỳ là một tổ chức tự nguyện được thành lập từ năm 1909 bởi một nhóm ái hữu các nhà báo được biết đến với tên gọi là Sigma Delta Chi tại DePauw University thuộc thành phố Greencastle bang Indiana Hoa Kỳ; năm 1988 tổ chức này chính thức đổi tên thành Society of Professional Journalists (SPJ). Vào năm 1926, nhóm ái hữu Sigma Delta Chi chấp nhận bản quy tắc đạo đức của American Society Newspaper Editors làm nền tảng cho hoạt động của các thành viên thuộc nhóm. Vào năm 1973, nhóm tự soạn thảo một bản quy tắc đạo đức khác, đã được sửa đổi nhiều lần. Bản quy tắc đạo đức nói trên được Hiệp hội thông qua vào năm 1996 sau nhiều tháng nghiên cứu và thảo luận giữa các thành viên. Hiện nay, SPJ quy tụ hơn chín ngàn nhà báo nổi tiếng trên khắp nước Mỹ.

B. Đạo đức báo chí ở Việt Nam

1. Quan điểm đạo đức báo chí của nhà nước Việt Nam

Hiện tại ở Việt Nam không có báo chí tư nhân. Luật báo chí ban hành ngày 28 tháng 12 năm 1989 đã được sửa đổi bởi Luật số 12/1999/QH10 về việc sửa đổi bổ sung một số điều của luật báo chí 1989 được ban hành vào năm 1999 vẫn khẳng định ở điều 1 rằng Báo chí ở nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam là phương tiện thong tin đại chúng thiết yếu đối với đời sống xã hội; là cơ quan ngôn luận của các tổ chức của đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội (trong luật được gọi chung là tổ chức); là diễn đàn của nhân dân. Về phần Dự án Luật báo chí nghe nói sắp ban hành, các thông tin cũng cho biết sẽ không có thay đổi về vấn đề này.

Ở đây, có thể thấy các nhà lập pháp Việt Nam sử dụng luận điểm dẫn xuất từ điều 2 trong bản hướng dẫn tổng quát về đạo đức nghề báo của Ủy ban Hutchins, rằng “Phúc lợi của xã hội là tối cao, quan trọng hơn hẳn sự nghiệp của từng cá nhân hoặc kể cả những quyền cá nhân.” Quyền cá nhân được quy định trong Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền bao gồm quyền được có ý kiến riêng và phát biểu ý kiến đó. Xuất phát từ quan điểm quyền cá nhân phải phục tùng phúc lợi xã hội, việc phát biểu ý kiến riêng của người dân được nhà nước Việt Nam tôn trọng bằng cách giao cho các cơ quan báo chí của các tổ chức đóng thêm vai trò là một diễn đàn của nhân dân.

Về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo, có thể thấy luật báo chí có nêu một cách chung chung ở các điều từ 6 đến 10. Điều 6 luật báo chí 1999 quy định những nhiệm vụ và quyền hạn của báo chí:

     1.Thông tin trung thực về tình hình trong nước và thế giới phù hợp với lợi ích của đất nước và của nhân dân;

    2.Tuyên truyền, phổ biến, góp phần xây dựng và bảo vệ đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, thành tựu của đất nước và thế giới theo tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí; góp phần ổn định chính trị, nâng cao dân trí, đáp ứng nhu cầu văn hoá lành mạnh của nhân dân, bảo vệ và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, xây dựng và phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, tăng cường khối đoàn kết toàn dân, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa;

     3. Phản ánh và hướng dẫn dư luận xã hội; làm diễn đàn thực hiện quyền tự do ngôn luận của nhân dân;

    4. Phát hiện, nêu gương người tốt, việc tốt, nhân tố mới; đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật và các hiện tượng tiêu cực xã hội khác;

     5. Góp phần giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, tiếng các dân tộc thiểu số Việt Nam;

     6. Mở rộng sự hiểu biết lẫn nhau giữa các nước và các dân tộc, tham gia vào sự nghiệp của nhân dân thế giới vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội’.

Các điều 7, 8 và 9 nói về việc cung cấp thông tin, trả lời trên báo chí và cải chánh trên báo chí. Điều 10 quy định những điều không được thông tin trên báo chí, gồm có:

     1. Không được kích động nhân dân chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, phá hoại khối đoàn kết toàn dân.

    2. Không được kích động bạo lực, tuyên truyền chiến tranh xâm lược, gây hận thù giữa các dân tộc và nhân dân các nước, kích động dâm ô, đồi trụy, tội ác.

     3. Không được tiết lộ bí mật nhà nước, bí mật quân sự, an ninh, kinh tế, đối ngoại và các bí mật khác do pháp luật quy định.

     4. Không được đưa tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống nhằm xúc phạm danh dự của tổ chức, danh dự, nhân phẩm của công dân.

 Bổ sung cho những quy định của luật, ngày 13 tháng 8 năm 2005, Hội Nhà báo Việt Nam đã đưa ra một bản quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam, nêu ra 9 điều với nội dung như sau:

     1. Tuyệt đối trung thành với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Ttổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của đảng Cộng sản Việt Nam.

     2. Luôn gắn bó với nhân dân, hết lòng phục vụ nhân dân.

     3. Hành nghề trung thực, khách quan, tôn trọng sự thật.

     4. Sống lành mạnh, trong sáng, không lợi dụng nghề nghiệp để vụ lợi và làm trái pháp luật.

     5. Gương mẫu chấp hành pháp luật, làm tròn nghĩa vụ công dân, làm tốt trách nhiệm xã hội.

     6. Bảo vệ bí mật quốc gia, nguồn tin và giữ bí mật cho người cung cấp thông tin.

     7. Tôn trọng, đoàn kết, hợp tác giúp đỡ đồng nghiệp trong hoạt động nghề nghiệp

     8. Thường xuyên học tập, nâng cao trình độ chính trị, văn hóa, nghiệp vụ, khiêm tốn cầu tiến bộ.

     9. Giữ gìn và phát huy văn hóa dân tộc đồng thời tiếp thu có chọn lọc các nền văn hóa khác.

 Có thể thấy những quy định này quá tổng quát trong khi hoạt động báo chí ngày càng phức tạp trước quá trình hội nhập. Lại nữa, các quy định của Hội Nhà báo mang tính quy ước mà không có những biện pháp chế tài thành ra tác dụng không lớn.

 2. Hiện trạng vi phạm đạo đức báo chí ở Việt Nam

 Chính vì sự thiếu cụ thể trong các quy định của luật pháp cũng như trong quy ước của hội nghề nghiệp mà thời gian qua đã xuất hiện nhiều biểu hiện vi phạm đạo đức nghề báo, đã được tác giả Nguyễn Thị Trường Giang nêu ra trong tập chuyên khảo về Đạo đức nghề nghiệp của Nhà báo phát hành hồi tháng 6-2011. Tác giả đã thống kê tỉ mỉ và phân loại nhiều hình thức vi phạm đạo đức nghề nghiệp của người làm báo, từ việc chạy theo những thông tin tiêu cực đến việc lợi dụng tư cách người làm báo để trục lợi. Phần thống kê được ghi nhận tỉ mỉ như sau:

 a. Chạy theo những thông tin tiêu cực: Về điều này, tác giả liệt kê những hình thức vi phạm chính như sau:

 a1. Đăng tải quá nhiều về các vụ án mạng và mặt trái của xã hội: Trên mặt báo quá nhiều thông tin về án mạng và các hành vi phạm pháp xấu xa với chi tiết tỉ mỉ không cần thiết; tạo sự hoang mang trong dư luận

 a2. Lợi dụng đưa tin, bài về đề tài giới tính, tình yêu, hôn nhân, tình dục nhằm câu khách, khêu gợi trí tò mò, kích dục: Khai thác quá sâu những điều dung tục, những chuyện liên quan đến đời tư của những người phục vụ công nghệ giải trí, những kẻ sa đọa nước ngoài, không hợp với thầun phong mỹ tục.

 a3 Khai thác các thông tin, đề tài mê tín dị đoan, trong đó “đời sống tâm linh” của con người được bàn luận, đề cập nhiều nhất: Đưa ra những vấn đề không được kiểm chứng về đời sống tâm linh, góp phần tuyên truyền mê tín dị đoan và các hủ tục lạc hậu

 a4. “Chạy” quảng cáo, quảng cáo thiếu trung thực: Không quan tâm đến tính xác thực của thông tin quảng cáo, tiếp tay cho việc làm hàng gian, hàng giả, hàng nhái, hàng xấu; kích động tâm lý tiêu thụ.

 b. Xa rời nguyên tắc khách quan, chân thật của báo chí: Tác giả đưa ra những hành vi liên quan, bao gồm:

 b1. Viết sai sự thật, gây hậu quả nghiêm trọng; chẳng hạn, thông tin sai gây tổn hại đến đời sống và hoạt động sản xuất của nhân dân; gây hoang mang trong dư luận như những thông tin liên quan đến giá lúa, đến kháng sinh, hoá chất trong thuỷ sản, thực phẩm, lương thực; thông tin về rau nhiễm độc, về bưởi, sầu riêng gây ung thư; về tăng giá xăng dầu... đưa những thông tin thiếu căn cứ dựa vào suy diễn làm tổn hại đến uy tín, lợi ích của tổ chức, doanh nghiệp; cố tình tô đậm mặt trái bằng tựa bài không thích hợp với nội dung tin; đưa thông tin xâm phạm bí mật đời tư của các nhân hoặc bóp méo sự việc gây tổn hại đến danh dự, nhân phẩm cá nhân

 b2. Viết sai không cải chính: Nhiều cơ quan báo chí đưa tin bài sai sự thật mà cố tình lờ đi và khi buộc phải cải chính thì tìm chỗ khuất nhất trên mặt báo để cải chính.

b3. Quay lưng với sự thật: Nhà báo đóng bút trước những bức xúc của cuộc sống, bất chấp lợi ích chung của cộng đồng nhằm bảo vệ an toàn cho bản thân.

b.4. Sử dụng tin, bài, ảnh của người khác mà không xin phép: từ việc dịch tin, bài tràn lan từ các báo nước ngoài mà không nêu nguồn gốc của tác phẩm đến là tình trạng sao chép tin, bài, ảnh của các báo trong nước mà không xin phép, không ghi rõ nguồn gốc, không trả nhuận bút.

c. Thiếu tính nhân văn, vô cảm

Tác giả cho rằng có không ít những bài báo phản ánh thiên lệch xã hội, nhìn xã hội toàn một màu đen gây ra tâm lý bi quan, hoài nghi; mô tả chi tiết, tỉ mỉ những hành vi tội ác, dâm ô, “bạo lực”, làm ô nhiễm tâm hồn lớp trẻ, làm tội phạm có thể bắt chuớc; nhìn xã hội một cách hằn học, thiếu tính xây dựng; cổ vũ cho thị hiếu không lành mạnh, khuyến khích bệnh “sùng ngoại”, nô lệ “mốt”, khuyến khích tiêu dùng quá mức, xa xỉ khi đất nước còn nghèo nàn, nhân dân còn khổ…

d. Thiếu trách nhiệm xã hội: Tác giả trình bày bốn trường hợp đưa thông tin thiếu trách nhiệm, bao gồm:

d1. Khi thông tin về những vấn đề hệ trọng của đất nước và về tham nhũng, tiêu cực: phản ánh không trung thực, thiếu tinh thần xây dựng, mang tính định kiến, có thái độ quá khích đi tới xâm hại danh dự của cá nhân, tổ chức, đến mức làm lộ bí mật của Nhà nước.  

d2. Khi thông tin về các vụ tranh chấp, khiếu kiện: thiếu cân nhắc góp phần làm tăng thêm sự phức tạp của các vấn đề vốn đã nhiều phức tạp.

d3. Khi thông tin về kinh tế: không xác định đúng thời điểm đưa tin khiến dân chúng hoang mang.

d4. Khi thông tin về các vấn đề quốc tế : khai thác thông tin từ nguồn nước ngoài mà không tham khảo quan điểm trong nước dẫn đến thông tin một chiều, thiếu thận trọng khi đề cập, bình luận những vấn đề liên quan đến nội bộ của nước khác, đến các điểm nóng, các điểm xung đột… gây nên những hiểu nhầm, thù hằn, kích động, bất lợi cho quan hệ đối ngoại.

e. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn của nhà báo, cơ quan báo chí để trục lợi: Trong nhóm hành vi này có nhiều hình thức tinh vi ma mãnh được tác giả nêu rõ

e1. Tống tiền: Sau khi thu thập được những chứng cứ, tài liệu quan trọng trong việc điều tra, thay vì công bố các thông tin này, nhà báo đến “thăm” gợi ý các đơn vị sai phạm, tống tiền và nhận hối lộ để không đăng những thông tin trên.

e2. Nhận hối lộ, bảo kê cho thế lực xấu: có nhà báo uốn bút trở thành “đệ tử” cho những đại gia, thế lực đen, viết bài bênh vực, bao che tội ác, tung hoả mù vào dư luận làm công chúng không phân biệt được đúng sai, làm tấm bình phong che chắn bằng công luận hết sức hữu hiệu cho hàng loạt những hành vi sai trái, tội lỗi.

e3. Lợi dụng danh nghĩa nhà báo phục vụ các mục đích cá nhân : một số nhà báo đã lợi dụng danh nghĩa để chạy quảng cáo, ép doanh nghiệp phải quảng cáo, chi tiền cho quảng cáo, buôn lậu, tham nhũng, mang thư bạn đọc đi đe doạ người bị tố cáo... Thậm chí, họ còn biến ngòi bút của mình trở thành công cụ cho phe, nhóm trong những cuộc tranh giành, đấu đá với mục đích trục lợi.

3. Nhận định về tình trạng đạo đức báo chí Việt Nam hiện tại

Người làm báo cần biết rằng những nhà báo trung thực, dũng cảm, có tinh thần phụng sự, biết cân nhắc ngòi bút của mình, chấp nhận cuộc sống bình dị và những gian khổ của nghề báo để mang lại cho xã hội nhưng tin tức xác thực, cần thiết thì không phải lúc nào cũng được người đời biết đến; may ra, họ được đồng sự và đồng nghiệp kính trọng. Tuy nhiên, chính những con người đó làm nên vai trò và vị trí của báo chí trong đời sống xã hội, khiến cho báo chí làm được công việc định hướng chân thiện mỹ cho xã hội. Trong khi đó, chỉ cần một người vi phạm đạo đức nghề báo thì chẳng những đương sự có thể bị trách phạt từ phê bình đến buộc thôi việc vả cả bị truy tố, mà còn khiến cho công chúng không tin vào tờ báo có đương sự tham gia, tệ hơn nữa, cả giới báo chí bị mang tiếng. Về đại thể, cần thấy rằng đa số nhà báo vẫn giữ được phẩm cách của người làm báo. Vấn đề là sự xuê xoa của giới quản lý truyền thông đã khiến cho điều xấu có lúc hoành hành, gây nản chí cho những nhà báo chân chính. Gần đây, một số cố gắng trong việc lập lại trật tự báo chí sau vụ tranh luận về báo lá cải cũng mang lại cho người làm báo chân chính nhiều tin tưởng hơn.

Trong bối cảnh đó, người làm báo Phật giáo Việt Nam cần phải được hướng dẫn một cách cụ thể để giữ được phẩm cách của người Phật tử tham gia vào hoạt động truyền thông với mục đích hoằng pháp trên tinh thần giới thiệu lối sống nhà Phật.

III. ĐẠO ĐỨC CỦA NGƯỜI LÀM BÁO PHẬT GIÁO VIỆT NAM

Qua việc tìm hiểu về quan điểm đạo đức báo chí của phương tây và ở nước ta, sau khi xét qua hiện trạng đạo đức báo chí cũng như đã biết đến những cố gắng xây dựng một hệ thống đạo đức báo chí ở mọi nền báo chí trên khắp thế giới, có thể khẳng định rằng đạo đức Phật giáo hoàn toàn đáp ứng ngay cả những tiêu chuẩn hành nghề khắt khe nhất của nghề báo trên khắp thế giới. Khi đã hiểu được ý nghĩa của vô ngã, vô thường và tính không, được trang bị đầy đủ về những giáo hạnh cơ bản của Đức Phật Thích-ca, biết cách vận dụng những giáo lý giáo hạnh ấy vào cuộc sống hàng ngày, lại có ý thức phụng sự cộng đồng và mong muốn phụng sự cộng đồng bằng con đường truyền thông báo chí, một người có năng lực trình bày lưu loát ý kiến của mình bằng ngôn ngữ hoàn toàn có thể trở thành một nhà báo chân chính trong lĩnh vực báo chí Phật giáo.

A. Ý thức phụng sự của người làm báo Phật giáo

Người làm báo Phật giáo Việt Nam là nhà báo hoạt động trên đất nước Việt Nam, vì thế phải là trung thành với tổ quốc và dân tộc Việt Nam ở tư cách của một công dân, chịu sự điều chỉnh của luật báo chí và tôn trọng những quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo do Hội Nhà báo Việt Nam đề xuất do tính chất nghề nghiệp của mình. Bên cạnh đó, người làm báo Phật giáo Việt Nam còn là một Phật tử, do đó, người làm báo Phật giáo Việt Nam còn biết giữ gìn giới luật nhà Phật theo đúng tư cách của một cư sĩ hoạt động trong lãnh vực truyền thông Phật giáo.

Trước hết, người làm báo Phật giáo Việt Nam phải khẳng định tinh thần phụng sự, tâm niệm rằng phụng sự chúng sinh là cúng dường chư Phật.

Tiếp theo, với nhận thức của người Phật tử, người làm báo Phật giáo hiểu rõ làm báo có nghĩa là thể hiện tư tưởng, quan điểm, nhận định của người con Phật trong cuộc sống xã hội. Đó là loại công việc liên quan đến ngôn ngữ, nghĩa là liên quan đến hành vi của lời nói, mà theo thuật ngữ nhà Phật thì đó là khẩu nghiệp. Tất nhiên, khi hành nghề, người làm báo sử dụng cả hành vi về thân và về ý, nhưng tất cả những hành vi về thân và ý đó đều phục vụ cho kết quả cuối cùng là một hành vi về khẩu. Vì vậy, cần nhận thức ngay rằng làm báo là thực hiện một hệ thống các hành vi liên quan đến khẩu nghiệp, chịu sự điều chỉnh của giới không nói dối trong năm giới của người Phật tử tại gia. Việc giữ giới không nói dối của người Phật tử hoàn toàn thích hợp với một tiêu chuẩn hành nghề căn bản của người làm báo, đó là tìm hiểu sự thật và tường thuật sự thật.

B. Nhân cách của người làm báo Phật giáo

Như đã biết, báo chí là một phương tiện hữu hiệu để hoằng truyền chánh pháp của Đức Phật. Người làm báo Phật giáo Việt Nam cũng tâm niệm rằng hoạt động báo chí của mình có mục tiêu giúp mở rộng sự hiểu biết về Phật pháp cho mọi người và giúp mở rộng số người hiểu biết về Phật pháp; và mục đích của việc hiểu biết về Phật pháp là để mọi người có thể tự điều chỉnh lối sống của mình sao cho có thể mang lại an lạc và hạnh phúc ngay trong cuộc đời này. Như vậy, công chúng của người làm báo Phật giáo Việt nam không chỉ là những Phật tử Việt Nam. Đây là một định ý để thấy rằng nhiệm vụ của người làm báo Phật giáo không phải là để mở rộng số tín đồ theo Phật, nhưng là mở rộng những người biết cách sống theo giáo pháp của Phật, vì thế, viết báo không phải để tuyên truyền, mà chỉ đưa thông tin, gợi ý, hướng dẫn để tự người đọc có quyết định cuối cùng. Người làm báo Phật giáo luôn tự nhắc nhở mình về lời Phật dạy trong kinh Kalama để mài bén những phương pháp hướng dẫn lối sống của người con Phật trong lúc quảng bá tư tưởng nhà Phật trên mặt báo hay trên các loại sóng truyền thanh, truyền hình, kỹ thuật số.

Lịch sử hình thành những quy tắc đạo đức nghề báo của phương tây như đã được nêu rõ ở đoạn 2, mục A, phần II Đạo đức báo chí theo quan điểm phương tây, cho thấy hầu như mọi bản quy tắc hành nghề của các nhà báo phương tây đều dựa trên bản hướng dẫn tổng quát có bảy điều của Ủy ban Hutchins và những quy tắc đó đã được cô đọng thành bốn đề mục chính gồm: 1. Tìm kiếm sự thật để tường thuật; 2. Giảm đến mức tối thiểu sự tác hại; 3. Hành động một cách độc lập; và 4. Có trách nhiệm. Có thể nói rằng ngay cả những bản hướng dẫn chi tiết nhất cũng chỉ là các trường hợp cụ thể hóa những đề mục chính của đạo đức báo chí như nêu trên. Và cũng có thể khẳng định mà không sợ nhầm lẫn rằng tất cả những đề mmục đó đều được gói trọn trong lối sống đạo đức của người biết thực hành giáo lý của Đức Phật Thích-ca. Ta hãy xét việc ứng dụng giáo lý của Đức Phật trong việc tôn trọng những đề mục trên của đạo đức báo chí.

Lối sống được hướng dẫn bởi giáo lý của Đức Phật là lối sống thể hiện từ bi và trí tuệ. Với trí tuệ, nhà báo Phật giáo luôn tìm cách nhận biết thực tướng của mọi sự việc diễn ra trong cuộc sống. Nhà báo Phật giáo không dựa vào cảm tính để nhìn nhận một sự việc, trái lại, sẽ nhìn nhận một vấn đề theo nhiều chiều kích khác nhau, qua những lăng kính khác nhau. Như vậy, nhà báo Phật giáo sẽ xử lý một thông tin với tất cả trách nhiệm của một người muốn tìm hiểu cặn kẽ mọi khía cạnh của sự việc mà thông tin đó nêu lên, không bị lôi dẫn bởi bất kỳ một sự tư tâm tư ý nào. Tuy vậy, không phải thông tin sau khi được tìm hiểu cặn kẽ sẽ được trình bày ngay. Thay vào đó, với lòng từ bi, nhà báo Phật giáo phải quán chiếu để biết một thông tin đưa ra sẽ có những tác động như thế nào, mang lại lợi ích cho những ai và có thể xâm hại vào lợi ích của những ai. Ở đây, nhà báo nhắc lại nguyên tắc thứ hai do Ủy ban Hutchins nêu ra, rằng Phúc lợi của xã hội là tối cao, quan trọng hơn hẳn sự nghiệp của từng cá nhân hoặc kể cả những quyền cá nhân. Tuy nhiên, Phật giáo không quan niệm phải hy sinh lợi ích của đơn vị cho toàn thể, do đó, nhà báo Phật giáo phải cân nhắc, trình bày vấn đề thế nào để bảo vệ lợi ích của quốc gia, dân tộc, xã hội, cộng đồng… nhưng không làm phương hại đến lợi ích của cá nhân hoặc những tập thể yếu đuối không có khả năng cất lên tiếng nói của chính họ. Đứng trước những hoàn cảnh có sự mâu thuẫn về lợi ích, nhà báo Phật giáo phải quán chiếu triệt để vấn đề trước khi xác định một phương hướng đưa tin thích hợp nhất, mang lại sự hài hòa cho xã hội, thể hiện tính nhân bản cao nhất.

Trên tinh thần vô ngã, hiểu rõ lẽ vô thường, nhà báo Phật giáo làm báo để phục vụ cộng đồng và xã hội, phụng sự quốc gia dân tộc và mang lại lợi lạc cho mọi chúng sinh; nhà báo Phật giáo không làm việc vì cá nhân mình, không xây dựng danh vị cho bản thân mình, nhờ vậy nhà báo Phật giáo có thể hành động một cách hoàn toàn độc lập, không bị chi phối bởi bất kỳ thế lực chính trị, kinh tế, tài chánh nào, cũng không bị suy động bởi danh dự cá nhân, không cầu tìm các giải thưởng hay lời khen. Nhà báo Phật giáo không chạy theo những tin tức sốt dẻo nóng hổi, vì những tin tức ấy đã có cả một hệ thống báo chí của xã hội cung cấp cho công chúng. Nhà báo Phật giáo chỉ bình tâm chọn lựa đưa những thông tin thật sự cần thiết cho việc nêu cao giá trị giáo lý nhà Phật, nâng cao những giá trị văn hóa mà loài người đã mất cả nhiều ngàn năm mới tích tụ được, có khả năng khơi gợi cho con người ưa thích nếp sống hiền thiện, hài hòa, giúp gìn giữ an ninh và hòa bình cho đất nước và cho cả loài người.

Trước những sự kiện chưa đủ xác thực, nhà báo Phật giáo không nên đề cập. Khi nắm được thông tin, nhà báo Phật giáo cần tìm hiểu cặn kẽ trước khi trình bày cho công chúng. Nhà báo Phật giáo cũng không chạy theo những danh vị hão huyền để có thể nhẫn tâm dùng ngòi bút mê hoặc công chúng. Nhà báo Phật giáo tuyệt đối không nêu những thông tin bạo lực, kích động hận thù, khơi gợi lối sống đọa lạc, kích thích tiêu thụ, mời gọi sự xa hoa, khuyến khích việc sử dụng các chất gây nghiện, các hình thức đỏ đen, những điều dễ làm con người tha hóa. Khi bị chỉ trích, nhà báo Phật giáo trước hết tự xét mình, và trong nhiều trường hợp, nhà báo Phật giáo không nhất thiết phải tự bào chữa. Đặc biệt, khi có những người ác ý tấn công vào giáo lý nhà Phật hoặc các nghi thức hành trì của Phật giáo, nhà báo Phật giáo cũng không cần thiết phải tranh luận với những lời lẽ hùng biện mà chỉ cần phân tích phải trái trên tinh thần ái ngữ. Thái độ của Đức Phật khi có hai thầy trò người Bà-la-môn đi cùng đường, thầy chỉ trích Phật mà trò ca tụng Phật, được ghi lại ở đầu kinh Phạm võng nên được các nhà báo Phật giáo tự mang ra để nhắc nhở mình trước những hoạt động có tính khiêu khích trong giới báo chí hay trong xã hội.

Với việc thường xuyên trau dồi từ bi và trí tuệ, nhà báo Phật giáo biết cách đối xử với mọi người mọi giới bằng lòng thương cảm thật sự, không bao giờ khai thác những điều đau lòng của bất kỳ ai để mời gọi độc giả. Hơn hết, nhà báo Phật giáo luôn xét nét mọi sự kiện xuất hiện trong cuộc đời bằng cái nhìn của tính không và tinh thần vô ngã để trình bày với công chúng sao cho mọi sự kiện được đưa trên mặt báo hay phát trên sóng đều không gây hoang mang cho xã hội.

Với lối sống biết đủ và ít ham muốn, với lòng khiêm cung, nhà báo Phật giáo sẵn có định lực để chống lại mọi cám dỗ đến từ mọi ngõ ngách của xã hội; nhà báo Phật giáo hiểu việc làm báo không phải là một vinh dự mà là một trọng trách; nhà báo Phật giáo cũng luôn trau giồi giới đức để không lưu lại tỳ vết xấu trong nhân cách; do đó nhà báo Phật giáo không kiêu ngạo mà cũng không khuất phục khi tiếp xúc với mọi thành phần xã hội trong lúc hành nghề. Biết giữ gìn năm giới, nhà báo Phật giáo không bao giờ lấy của không cho, không gợi ý để có lợi dưỡng, như vậy, nhà báo Phật giáo không thể vướng vào lỗi đạo văn hay lợi dụng danh nghĩa của nhà báo để trục lợi.

Nhưng nhà báo Phật giáo cũng là một con người, và khi chưa thực sự đạt tới sự giác ngộ thì vẫn có những lúc bị chao đảo bởi những cám dỗ về vật chất hay danh dự. Vì thế, trong quá trình hành nghề, người làm báo Phật giáo luôn kiểm soát tâm thức của mình, sao cho khi những tâm sở bất thiện sinh khởi thì đều nhận thức được ngay để tìm cách đối trị. Nhà báo Phật giáo khẳng định mục tiêu của mình là đưa giáo lý của nhà Phật vào đời sống hàng ngày, sao cho có thể góp phần xây dựng một xã hội hiền thiện. Với những điều tâm niệm đó, nhà báo Phật giáo hoàn toàn đáp ứng được các yêu cầu về việc Tìm kiếm sự thật để tường thuật; Giảm đến mức tối thiểu sự tác hại; Hành động một cách độc lập Có trách nhiệm mà quan điểm đạo đức báo chí phương tây đã đúc kết.

Tóm lại, người làm báo Phật giáo, với đặc điểm của người Phật tử, rất dễ dàng trở thành nhà báo chân chính trong môi trường truyền thông báo chí. Tuy nhiên, trong quá trình hành nghề, nhà báo Phật giáo cũng nên tham khảo những bản quy tắc đạo đức hành nghề của các đơn vị báo chí phương tây, có những bản đã liệt kê thật chi tiết với tính cách hướng dẫn từng hành vi của người làm báo trong những hoàn cảnh thật cụ thể. Đây là điều cần thiết, vì lẽ giáo lý nhà Phật là những điều định hướng; trong khi đó, cuộc sống ngày càng đa dạng và phức tạp, người làm báo Phật giáo cần phải cập nhật kiến thức để đáp ứng những trường hợp chưa từng gặp phải. Để có thể thực hiện được những điều cơ bản nêu trên, ngoài việc giỏi nghiệp vụ, nhà báo Phật giáo phải thường xuyên học tập từ kinh điển để nắm vững Phật pháp, để ngày càng nhận thức được thực tính của cuộc sống, từ đó mới có thể có những bài viết thực sự có giá trị, có thể lay động lòng người hướng về điều thiện. Có như thế, nhà báo Phật giáo mới đóng góp được những giá trị chân thực của Phật pháp cho cuộc đời.

IV. KẾT LUẬN

Trong một tương lai không xa, báo chí Phật giáo Việt nam bắt buộc phải được tổ chức có quy củ để đóng góp được những giá trị của đạo Phật cho xã hội, một xu hướng đang lên trên toàn cầu. Trong trường hợp đó, đạo đức của người làm báo Phật giáo phải được hình thành và củng cố ngay từ bây giờ. Giáo trình này chỉ nêu những điều cơ bản và hy vọng rằng các vị Tăng sinh sẽ giúp sức cùng hoàn thiện một hệ thống đạo đức báo chí Phật giáo có thể áp dụng ngay được, giúp báo chí Phật giáo Việt Nam phát triển xứng đáng với công lao của các vị trưởng lão và những nhà báo tiên phong trong thời chấn hưng Phật giáo.

                                                                                                   HVPGVN – TP. HCM, 10/2012

 

GHI CHÚ

 1. Tony Burman: Sinh năm 1948, người Canada, hiện là Giáo sư giảng dạy về những mối quan hệ tiến triển giữa các nhà báo và các nhà chính trị tại Phân khoa Báo chí thuộc Đại học Ryerson, Canada. Là một nhà nghiên cứu cẩn trọng, Burman quan tâm đến những vấn đề của công nghệ truyền thông hiện đại, bao gồm việc công nghệ ảnh hưởng đến sự hiểu biết về tin tức của con người như thế nào cũng như việc tin tức được thu thập và truyền tải như thế nào. Ông là cố vấn chiến lược cho công ty truyền thông Al Jazeera của nhà nước Qatar trong thời gian từ 2010 đến 2011. Trước đó, từ 2008 đến 2010, ông là Trưởng ban biên tập phần tiếng Anh của công ty truyền thông này sau khi từ nhiệm chức vụ Tổng biên tập của CBC News, một vị trí mà ông đảm nhận từ 2002 đến 2007. Tháng 10-2007, ông được trao giải thưởng Gordon Sinclair của Học viện Điện Ảnh và Truyền hình Canada. Tháng 10-2009, ông được giới truyền thông Ả-rập vinh danh là người thứ hai không phải dân Ả-rập có ảnh hưởng nhiều nhất đến thế giới Ả-rập.

 2. CBC News: là một bộ phận của Tập đoàn truyền thông phát sóng Canada (Canadian Broadcasting Corporation) có trách nhiệm thu thập tin tức, biên tập, và phát sóng trên các kênh truyền thanh, truyền hình và mạng kỹ thuật số của Canada, được thành lập vào năm 1941; một trong những cơ quan phát sóng tin tức địa phương, khu vực, quốc gia và quốc tế của Canada.

 3. Théophraste Renaudot (1586-1653): Bác sĩ, nhà hoạt động từ thiện và nhà báo lỗi lạc người Pháp, sinh ra ở Loudun, một thị trấn cổ thuộc một tỉnh ở miền tây nước Pháp, thuộc một gia đình theo Tin lành, học Y khoa ở Đại học Montpellier, cải đạo trở lại Thiên chúa giáo sau khi tiếp xúc với Hồng y Richelieu và theo Richelieu lên thủ đô Paris rồi trở thành bác sĩ riêng của vua Pháp Louis XIII. Năm 1631, với sự ủng hộ của Hồng y Richelieu, ông sáng lập tờ Gazette là tờ công báo của chính phủ Pháp. Được bổ nhiệm làm Tổng Quản đốc Bần dân trong chính phủ của Richelieu, ông sáng lập hệ thống khám bệnh miễn phí cho người nghèo vào năm 1640. Ông viết tập sách về chẩn đoán y khoa đầu tiên của nền y học Pháp. Ông mất tại Paris khi đang là sử gia riêng của Louis XIV.

 5. Hồng y Richelieu (1585-1642) là một nhà tu Thiên chúa giáo người Pháp thuộc dòng dõi quý tộc, một chính khách lỗi lạc Pháp. Thụ phong Giám mục vào năm 1608, ông tham gia vào hoạt động chính trị, được bổ nhiệm làm Quốc vụ khanh vào năm 1616 và nhanh chóng nổi lên cả trong giáo hội lẫn trong chính phủ Pháp. Năm 1622 được phong Hồng y. Năm 1624 được phong làm Thủ tướng Pháp dưới triều Louis XIII. Ông được coi là người đầu tiên trên thế giới được phong làm Thủ tướng theo nghĩa hiện đại, nghĩa là người đứng đầu một nội các gồm nhiều tổng bộ trưởng. Ông củng cố vương quyền Pháp biến Pháp thành một quốc gia tập quyền. Ông được coi là một chính khách quỷ quyệt, sẵn sàng liên minh với kẻ thù miễn thành tựu được mục đích. Ông là người thành lập Hàn lâm viện Pháp quốc, một cơ quan văn hóa có trách nhiệm về những vấn đề liên quan đến ngôn ngữ Pháp. Ông là nhân vật chính trong truyện Ba chàng Ngự lâm pháp thủ của Alexandre Dumas.

 6. Cuộc Chiến tranh 30 năm (1618-1648) là một chuỗi những cuộc chiến tranh xảy ra ở Trung tâm châu Âu, liên quan đến hầu hết các quốc gia châu Âu thời đó, những cuộc tranh chấp dai dẳng và có sự tàn phá nặng nề nhất trong lịch sử châu Âu. Dẫn xuất từ những tranh chấp liên quan đến tôn giáo giữa những người Tin lành và Thiên chúa giáo trong Đế quốc La Mã Thần thánh, lần lần trở thành những tranh chấp dính líu đến hết thảy các quyền lực quân sự và chính trị trong vùng. Vào giai đoạn đã lan rộng, vấn đề tôn giáo trở nên bớt quan trọng mà cuộc tranh chấp trở thành cuộc đối đầu giữa hai dòng Bourbon và Habsburg, đưa tới chiến tranh giữa một bên là Pháp và bên kia là những vương quốc German. Hậu quả của cuộc chiến tranh này rất tàn khốc, gây nên nạn đói và bệnh dịch khắp các xứ thuộc Đức, vùng Boheme, Italy, các xứ nay thuộc Bỉ, Hòa Lan và Luxembourg. Các quốc gia tham chiến đều kiệt quệ.

 7. Vua Louis XIII (1601-1643) thuộc dòng Bourbon là vua nước Pháp và xứ Navarre trong thời gian từ 1610 đến 1643, lên ngôi lúc mới 9 tuổi, mẹ là người Ý thuộc dòng Medici. Bà này liên kết với những kẻ đồng hương thao túng chính quyền Pháp khiến Louis XII phải tìm cách nắm quyền lực vào năm 1617 bằng cách đầy mẹ về Ý, diệt những quyền thần. Đa nghi và kín đáo, Louis XIII dựa vào Hồng y Richelieu trong việc cai trị, được coi là một vị vua công chính. Dưới thời Louis XIII, tháng lợi của Pháp trong các cuộc chiến tranh với dòng Habsburg và Tây Ban Nha đã củng cố vị trí của Pháp ở châu Âu, làm suy yếu quyền lực Tây Ban Nha trước đó vẫn có nhiều ảnh hưởng ở châu Âu.

 8. Vua Louis XIV (1638-1715) thuộc dòng Bourbon, con của Louis XIII, là ông vua cai trị suốt 72 năm, được coi là có thời gian trị vì dài nhất trong lịch sử nước Pháp và cả lịch sử châu Âu. Louis XIV tận dụng lý thuyết “quyền lực thiêng liêng của nhà vua” để đẩy mạnh việc xây dựng một nhà nước trung ương tập quyền và trở thành vị vua có quyền lực nhất trong lịch sử nước Pháp. Dưới thời Louis XIV, nước Pháp phát triển về nhiều mặt dưới sự cai trị tuyệt đối của quyền lực hoàng gia, và đó cũng là một trong những nguyên nhân xa dẫn đến cuộc cách mạng tư sản dân quyền ở Pháp vào năm 1789.

 9. Cuộc chiến tranh của Liên minh Thần thánh (War of the Holy League) cũng là một chuỗi những cuộc tranh chấp giữa một bên là đế quốc Ottoman do Thổ Nhĩ Kỳ lãnh đạo và một bên là Liên minh Thần thánh, là những trung tâm quyền lực châu Âu đương thời kết hợp lại. Ban đầu đế quốc Ottoman tấn công đế quốc Habsburg và hầu như đã có thể chiếm được thành phố Vienna. Trước tình hình đó, Giáo hoàng Inncocent XI hô hào thành lập Liên minh Thần thánh, bao gồm đế quốc La mã Thần thánh mà chủ lực là dòng Habsburg ở Austria, liên minh Lithuania và Poland, Cộng hòa Venetia, sau cùng là Nga cũng tham gia, để phản công. Người Thổ Nhĩ Kỳ bị vây hãm ở đông nam châu Âu nhưng tháng lợi ở mặt trận Ba Lan. Kết quả của cuộc chiến tranh này là đế quốc Ottoman phải nhường các vùng Hungary, Transylvania và Slavonia cho đế quốc Habsburg. Cuộc chiến tranh diễn ra trong hai thập niên cuối của thế kỷ 17 và kéo dài đến tận 1718.

 10. Charles II (1630-1685), người thừa kế Charles I làm vua xứ Anh, Tô Cách Lan và Ái Nhĩ Lan (England, Scotland và Ireland). Dưới thời Charles I, nước Anh rơi vào nội chiến khi Charles I tranh giành quyền lực với Nghị viện Anh. Năm 1649, Charles I bị tử hình. Năm 1650, Nghị viện Tô Cách Lan ủng hộ Charles II làm vua nhưng Nghị viện Anh không đồng ý, Liên minh Anh, Tô Cách Lan và Ái Nhĩ Lan rơi vào khủng hoảng lãnh đạo và theo thực tế tự động trở thành một xứ cộng hòa dưới quyền cai trị của một chánh khách là Oliver Cromwell. Cromwell đánh bại Charles II khiến ông này phải lưu vong sang châu Âu. Cromwell trở thành một nhà độc tài và chết vào năm 1658 khiến liên minh lại gặp khủng hoảng khiến nền quân chủ ở Anh được phục hồi. năm 1660, Charles II được mời về xứ và được đưa lên ngôi. Charles II được coi là một vị vua dễ chịu, cố gắng ban bố nền tự do tôn giáo giữa Tin lành và Thiên chúa giáo nhưng Nghị viện Anh, vốn ủng hộ Tin lành, chống lại. Dưới thời Charles II, chính trị ở Anh hình thành hai đảng, đảng Whig ủng hộ việc loại bỏ Thiên chúa giáo ra khỏi chính trường, đảng Tory chống lại chính sách ấy, được Charles II ủng hộ và được đa số dân chúng tán thành. Cuối cùng, Charles II giải tán Nghị viện Anh để tự mình cai trị. Thời gian trị vì của Charles II được đánh giá là có sự cởi mở.

 11. New England là một vùng ở góc phía đông bắc Hoa Kỳ bao gồm sáu bang, Maine, New Hampshire, Vermont, Massachusetts, Rhode Island và Connecticut. Là một trong những thuộc địa đầu tiên của Anh ở châu Mỹ, vùng New England là nơi khởi phát những cuộc tranh đấu giành quyền độc lập nhằm tách rời mẫu quốc. New England cũng là nơi khởi phát những phong trào văn chương, triết học và giáo dục của Hoa Kỳ, đóng một vai trò quan trọng trong phong trào đấu tranh xóa bỏ chế độ nô lệ. New England là một vùng đất không lớn nhưng có một vai trò hết sức quan trọng trong toàn thể sinh hoạt chính trị văn hóa xã hội và kinh tế của Hoa Kỳ.

 12. Benjamin Franklin (1706-1790) là một trong những người khai sinh ra Hiệp chủng quốc Mỹ Châu còn được gọi là Hoa Kỳ. Là một học giả bách khoa nổi tiếng, Benjamin Franklin hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau và lĩnh vực nào cũng để lại những thành tựu xuất sắc. Ông nghiên cứu khoa học, sáng chế cột thu lôi, kính hai tròng, lò sưởi có van chỉnh hướng khói và nhiệt, đồng hồ đo khoảng đường di chuyển của xe…; là nhà lý thuyết chính trị và là chính trị gia, là người làm báo, là người hoạt động dân chủ, là nhạc sĩ, là nhà ngoại giao… Xuất thân trong một gia đình lao động ở thành phố Boston bang Massachusetts, Benjamin Franklin chỉ được đến trường học có hai năm, nhưng ông đã hình thành sự nghiệp của mình nhờ việc đọc rất nhiều và đọc với tinh thần phê phán, không lệ thuộc vào người viết. Năm 12 tuổi, ông phụ việc cho người anh ruột, James Franklin, có một nhà in và đã ra một tờ báo đầu tiên của người Mỹ, tờ New England Courrant. Trong lúc phụ việc, ông viết bài gửi cho báo, để bút danh nên anh ruột của ông không biết. Về sau, ông ra riêng cho mình một tờ báo, tờ Pennsylvania Gazette, một trong những tờ báo thành công ở Hoa Kỳ. Ông nổi tiếng thế giới với tư ácch một nhà khoa học, góp phần tích cực trong việc xây dựng trường University of Pennsylvania và được bầu làm chủ tịch đầu tiên của Hiệp hội Triết học Hoa Kỳ (American Philosophical Society). Ông là thống đốc bang Pennsylvania trong thời gian 1785-1788. Trong phong trào đấu tranh giành độc lập cho Hoa Kỳ, ông là một gương mặt nổi bật, được người Hoa Kỳ tưởng nhớ nhiều nhất trong số những người tham gia vào việc khai sinh nước Mỹ.

 13. Hiến pháp của Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ là văn bản luật cao cấp nhất của nước Mỹ. Toàn văn bản Hiến pháp có một lời nói đầu, 7 điều chính và 27 tu chính án. Ba điều đầu tiên của bản Hiến pháp này quy định những luật lệ nhằm tách rời các quyền Hành pháp, Lập pháp và Tư pháp của chính quyền Liên bang. Hiến pháp Hoa Kỳ quy định một hệ thống Lập pháp có hai viện, một hệ thống hành pháp do Tổng thống lãnh đạo, một hệ thống Tư pháp do Tối cao Pháp viện điều hành; ba ngành hoạt động này không được xâm phạm lẫn nhau. Bốn điều kế tiếp của Hiến pháp đặt định cái khung nguyên lý cho hệ thống liên bang, xác định quan hệ giữa chính quyền liên bang với chính quyền của các bang. Sau khi được biểu quyết chấp nhận vào năm 1787, hiến pháp lần lượt được 11 bang phê chuẩn và thực sự có hiệu lực vào tháng ba năm 1789. Từ đó, đã có 27 tu chính án ra đời, trong số đó, 10 tu chính án đầu tiên họp thành một bản tuyên ngôn về quyền con người và quyền công dân của Hoa Kỳ. Đây là bản hiến pháp thành văn cổ nhất của loài người được áp dụng liên tục từ khi được ban bố.

 14. Vụ bê bối Milly Dowler, Amanda Jane “Milly” Dowler là một bé gái 13 tuổi người Anh bị bắt cóc vào ngày 21-3-2002 trên đường về nhà từ trường học của em ở Walton-on-Thames, một thị trấn thuộc thành phố Elmbridge, tỉnh Surry, đông nam nước Anh; sau đó em bị giết chết. Đến 18-9-2002, thi thể của em mới được phát hiện. ngày 23-6-2011, tội trạng của kẻ sát nhân là Levi Bellfield được xác nhận và y bị kết án tù chung thân. Sau khi em chết, cha mẹ em thành lập một quỹ từ thiện lấy tên là quỹ Milly với mục đích đẩy mạnh sự an toàn công cộng, nhất là bảo vệ trẻ em và những người trẻ tuổi. Vụ án mạng của Dowler liên can đến vụ bê bối mà tạp chí News of the World dính líu. Trong năm 2011, người ta phát giác rằng các phóng viên của News of the World đã tiếp cận được với hộp thư thoại (voicemail inbox) của Dowler trong lúc em đang mất tích bằng cách xâm nhập trái phép, sau đó kẻ tiếp cận lại xóa một số thông tin trên hộp thư thoại này khiến cảnh sát và gia đình Dowler cứ nghĩ rằng em còn sống. Điều này gây trở ngại cho việc kết tội kẻ giết Dowler, đã bị câu lưu. Vụ bê bối này khiến News of the World phải đóng cửa sau đó.

 15. Tạp chí Life Ban đầu là một tạp chí trào phúng xuất bản từ 1883 đến 1936. Vào năm 1936, người chủ tạp chí Time là Henry Luce mua lại biến nó thành một tạp chí hình ảnh. Life ra hàng tuần là tạp chí hình ảnh đầu tiên của thế giới, chuyên đăng tải những hình ảnh mang tính phóng sự. Có những bức ảnh trong thời đệ nhị thế chiến đã ghi nhận những sự kiện rất cảm động. Life hoạt động đến năm 1972 thì tạm đóng cửa. Năm 1978 Life xuất hiện trở lại ở dạng nguyệt san, hoạt động đến năm 2007.

 16. Tạp chí Times là một tuần báo tin tức hàng đầu của Mỹ phát hành tại New York và có phiên bản trên khắp thế giới. Times được coi là tạp chí được phổ biến rộng rãi nhất trong lịch sử.

 17. Robert Maynard Hutchins (1899-1977) là một nhà triết lý giáo dục nổi tiếng, khoa trưởng trường Luật của Đại học Yale, Viện trưởng Viện đại học Chicago. Theo yêu cầu của Henry Luce, ông đã thành lập một ủy ban nghiên cứu về đạo đức nhà báo.

 18. Henry Robinson Luce (1898-1967) nhà báo được coi là công dân có ảnh hưởng nhất đối với xã hội Hoa Kỳ trong thời của mình. Ông sáng lập tờ Times và chăm chỉ kiểm soát mọi hoạt động của tờ báo, giữ đúng tôn chỉ mục đích của người làm báo là tôn trọng sự thật. Luce sinh tại Trung Hoa, con của một nhà truyền giáo.

 

Tài liệu Tham khảo:

1. Tài liệu trên mạng:

- Code of Ethics in Media, Wikipedia

- Journalism Ethics and Standards, Wikipedia

- Media Code of Ethics, Encyclopedia

- Media Ethics, Press Council of India

- Ethics Codes, Project for Excellence in Journalism, PEW Research Center.

- History of Journalism, Wikipedia

- History of American Journalism, shmoop.com

2. Đạo đức Nghề nghiệp của Nhà báo Việt Nam hiện nay, Nguyễn Thị Trường Giang, Học viện Báo chí Truyền thông

3. Luật Báo Chí, Luật số 12/1999/QH10

4. Quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam.