Đạo hạnh người giảng sư

 

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Kính bạch Hòa thượng Trưởng ban Thường trực Hệ phái,

Kính bạch Hòa thượng chủ tọa buổi họp,

Kính bạch chư Tôn Hòa thượng, Thượng tọa,

Kính bạch Ni trưởng Đương kim Trưởng Ni giới,

Kính bạch chư Ni trưởng, Ni sư, cTôn đức Tăng Ni,

Kính bạch quý ngài !

Công tác hoằng pháp đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong sự nghiệp duy trì Phật pháp. Điều này không thể phủ nhận, đồng thời nó cũng nêu lên vai trò và trách nhiệm của người xuất gia.

Nói đến bổn phận của người xuất gia đối với việc đưa đạo vào đời thì đương nhiên là không thể thiếu yếu tố trí tuệ. Muốn truyền trao Chánh pháp, trước hết phải am hiểu giáo pháp. Đó là hành trang, là chất liệu chủ yếu của vị tu sĩ cần truyền đến cho mọi người.

Tuy nhiên, trong cộng đồng Tăng lữ, muốn cho Tăng đoàn hoạt động nhịp nhàng, Phật pháp phát triển vững mạnh, thì cơ cấu của Giáo hội phải có nhiều ban ngành và các tu sĩ mỗi vị đảm nhiệm mỗi Phật sự khác nhau. Trong đó, giảng sư là những người có tri thức về Phật học và có khả năng nói chuyện trước quần chúng, điều này không phải ai cũng có thể làm được. Do vậy, đội ngũ giảng sư bao giờ cũng ít hơn các bộ phận nhân sự khác trong tổ chức Phật giáo.

Là giảng sư, ai cũng đều mang chung tâm nguyện muốn cho mọi người đều hiểu được Chánh pháp, ứng dụng vào cuộc sống để chuyển hóa thân tâm. Thế nhưng, đâu phải dễ dàng, đâu phải muốn là được. Vì vậy, trước tiên người xuất gia phải tạo nên sức thuyết phục từ bản thân mình, phải tạo cho thính chúng có niềm tin về người truyền thừa mạng mạch Phật pháp, tạo cho họ lòng mong muốn đến với chúng ta để tìm hiểu giáo lý Phậtà. Sức thuyết phục ấy được biểu hiện rõ nét nhất qua phong cách, đạo hạnh của một vị giảng sư. Đây là yếu tố đầu tiên mà người làm công tác giảng dạy cần phải có. Do đó, muốn hoằng pháp lợi sanh, trước hết người hoằng pháp, dù trong thời đại nào, cũng phải kiện toàn những phẩm chất đạo đức và kinh nghiệm tu tập của mình, phải có được ít nhiều chất liệu giải thoát và an lạc thực sự.

1. Đạo hạnh là gì ?

- Đạo: là đạo đức; Hạnh: là tính nết. Đạo hạnh là hành vi có đạo đức và tính nết tốt (Từ điển Hán Việt từ nguyên, Bửu Kế, NXB Thuận Hóa, 1999, tr 524).

- Đạo hạnh (danh từ): Phẩm chất và tư cách tốt đẹp của con người (thường là người theo tôn giáo nào đó). Ví dụ, một nhà Nho đạo hạnh (Tự điển tiếng Việt, Hoàng Phê chủ biên, NXB Đà Nẵng, 2010, trang 385).

- Đạo hạnh cũng gọi là đạo nghiệp, nghĩa là tu hành Phật đạo (Huệ Quang tự điển, Hòa thượng Minh Cảnh chủ biên: Tập 2, mục 5185, trang 1409).

- Giảng sư: Người truyền đạt kiến thức nói chung và vị thầy giảng dạy cho mọi người hiểu rõ về kiến thức Phật pháp nói riêng.

Như vậy, Đạo hạnh của giảng sư là người xuất gia tu hành theo Phật đạo, đã hoàn thiện phẩm chất đạo đức của mình và đủ tư cách, đủ kiến thức đứng trên pháp tòa truyền đạt kiến thức Phật pháp cho mọi người.

2. Yếu tố cần và đủ của vị giảng sư

Người xuất gia muốn hoàn thành sứ mạng hoằng pháp, muốn phát huy quang đại trên lộ trình đi đến mục đích tự lợi lợi tha, không thể thiếu yếu tố: thân giáo, khẩu giáo và ý giáo; phải thông suốt Tam tạng kinh điển, đạo hạnh được sáng ngời, giới luật trang nghiêm, lấy trí tuệ làm sự nghiệp, từ bi bình đẳng làm phương châm tiến thủ. Ngoài những công hạnh đó, những pháp thế gian, chẳng hạn như bằng cấp, học vị không nên đặt nặng mà mất đi tinh hoa của đạo pháp.

Ba yếu tố cần và đủ của một vị giảng sư phải có niềm tin sâu sắc đối với Tam bảo; kế đến rèn luyện tự thân, tu tập trau giồi đức hạnh; và cuối cùng đem lợi ích an vui đến cho mọi người.

2.1. Chánh tín Tam bảo

a. Kính tin Tam bảo:

Pháp này cần được phát huy sâu rộng trong suốt quá trình tu tập của chúng ta cho đến ngày đạt quả vị Niết-bàn, bởi niềm tịnh tín Tam bảo là nhân tố quan trọng để làm nền tảng cho sự tu tập, hướng thiện. Trước nhất, người tu sĩ cần xây dựng niềm tin căn bản trên ngôi Phật bảo. Vì nếu Đức Phật không hiện hữu trên cuộc đời này, thì Pháp và Tăng cũng không có, đạo Phật chẳng nương đâu mà phát và chúng ta cũng không là đệ tử Phật.

Tin Ðức Phật, bậc tìm ra con đường giải thoát, vượt thoát ra khỏi mọi hình thức khổ não của kiếp sống triền miên luân hồi trong sinh tử. Với lòng từ bi vô lượng, Ngài đã chỉ dạy rõ ràng cho chúng sinh về con đường đó. Tin Pháp bảo là con đường, là những lời dạy quý báu của Ngài. Tin Tăng bảo là những vị đã có niềm tin nơi Ðức Phật, lắng nghe và thông hiểu lời dạy, nỗ lực hành trì và chứng đắc các đạo quả cao thượng. Điều quan trọng là tin tưởng nhưng không bao giờ quên chiêm nghiệm, thực chứng những điều đã học được. Và nhất là tin tưởng ở chính mình, ở khả năng tự giác của mình. 

b.   Ước nguyện:

Khi đã có niềm tin Tam bảo và tin vào khả năng tự giác của mình, chúng ta phải hình thành ước nguyện nơi mình. Đó là hoài bão “Thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sanh”, lấy giáo pháp của Đức Phật để rèn luyện chính mình, trang nghiêm tự thân; lấy chúng sanh làm đối tượng để hóa độ. Chúng ta phải thấy rõ tiêu chí mà mình nhắm đến và luôn trung thành với nó cho đến trọn đời. Không nên đánh mất lý tưởng của mình, để rồi sai lạc vào cơm áo, danh dự, lợi dưỡng... mà phải ước nguyện đoạn trừ các kiết sử, thoát ly sanh tử luân hồi.

Người tu Phật có ý chí mạnh mẽ với mục tiêu đạt được Niết-bàn thì lẽ cố nhiên dù làm việc gì, suy nghĩ điều gì hay mong mỏi sự gì đều không được rời xa mục tiêu giải thoát. Trong đời sống thường nhật của người xuất gia, chúng ta không nên có ước muốn đi lệch với tiến trình giải thoát giác ngộ, tiệm cận với phiền não nhiễm ô. Vì như thế, chúng ta sẽ bị thối đọa, chắc chắn sẽ trở lui về đời sống thế tục. Chúng ta chỉ nên ước muốn việc gì hợp chánh pháp và hướng đến mục đích tối thượng.

Một khi đã xây dựng cho mình một lý tưởng cao đẹp, thì vấn đề còn lại chỉ là thời gian mau hay chậm mà thôi. Điều này tùy thuộc vào sự nỗ lực tinh tấn tu tập của mỗi cá nhân.

2.2. Rèn luyện tự thân

a. Học Phật pháp:

Trong việc hoằng pháp, người xuất gia không thể xem nhẹ “Phật học”. Sự thực hành giáo pháp bao giờ cũng phải nương vào việc học Phật pháp, bao giờ Phật pháp thông suốt, bấy giờ sự hành trì mới tỏa sáng và con đường Thánh đạo mới hiển lộ.

Này Tỷ-kheo ! Có năm pháp đưa đến diệu pháp an trú, không hỗn loạn, không biến mất. Thế nào là năm?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, các Tỷ-kheo thuộc lòng kinh điển được nắm gi tốt đẹp, với những văn cú được phối trí chân chánh, và ý nghĩa được hướng dẫn chân chánh. Đây là pháp thứ nhất, này các Tỷ-kheo đưa đến diệu pháp an trú, không hỗn loạn(Tăng chi Kinh 3, tr.177).

Mặt khác, người giảng sư muốn kiện toàn tự thân, trước nhất cần phải có chánh kiến hay nói cách khác, phải thấy biết một cách chơn chánh về đường lối tu học của mình. Đồng thời cũng nên trang bị kiến thức thế học một cách căn bản, cần cập nhật hóa ngôn từ cùng những thông tin đại chúng. Nhờ có kiến thức thế học giúp chúng ta có tầm nhìn sâu, rộng và nghiên cứu học tập giáo lý dễ dàng hơn. Điều quan trọng là luôn giữ được “gốc Phật lý”. Ở đây, chúng ta học vì mục đích làm giàu tri thức, để có sự hiểu biết vững vàng hỗ trợ cho sự tu học, chứ không vì học vị hay bằng cấp. Người xuất gia chân chính hay người xuất gia đúng nghĩa phải là người thật tu, thật học.

b. Nội tâm tu tập:

Có thể nói rằng, đây là phẩm chất quan trọng nhất đối với một tu sĩ Phật giáo nói chung, và giảng sư nói riêng. Nội lực này là thành quả của một quá trình học tập và ứng dụng giáo lý của đức Phật vào trong đời sống hàng ngày ngang qua ba nghiệp thân khẩu ý. Sự tu tập ở đây lấy Giới – Định – Tuệ làm nền tảng.

Trong Trường Bộ Kinh tập I, kinh Đại Bát Niết bàn số 16, Tụng phẩm VI, có đoạn ghi: Lúc Đức Phật sắp nhập diệt, Tôn giả Ananda bạch Phật, sau khi Như Lai Niết-bàn, Tăng đoàn sẽ lấy ai làm thầy, Đức Phật dạy: “Này Ananda, chớ có những tư tưởng như vậy. Này Ananda, Pháp và Luật, Ta đã giảng dạy và trình bày, sau khi Ta diệt độ, chính Pháp và Luật ấy sẽ là Ðạo Sư của các ngươi”.

Đối với người xuất gia, yếu tố đầu tiên trên bước đường tu không thể thiếu đó là hành trì giới luật. Giới luật như khuôn vàng thước ngọc để thẩm định, phân biệt hành động đúng sai, đặc điểm tốt xấu của con người. Nhờ giữ giới mà tu sĩ mới có những phẩm hạnh đáng kính, mới tạo nên tố chất đạo đức của vị chơn tu.

Cũng trong Kinh Đại Niết Bàn thuộc Trường Bộ Kinh, Đức Phật đã khích lệ như sau:

Đây là giới, đây là định, đây là tuệ. Định khi được tu tập viên mãn dựa trên giới sẽ đem lại quả lớn, lợi ích lớn. Tuệ khi được tu tập viên mãn dựa trên định sẽ đem lại quả lớn, lợi ích lớn. Tâm khi được tu tập viên mãn với trí tuệ sẽ hoàn toàn giải thoát khỏi dục lậu, hữu lậu, kiến lậu và vô minh lậu.”

Tất cả chúng ta ai cũng có tâm. Nếu chúng ta có thể kiểm soát được tâm mình, dựa trên giới, thì sức mạnh của tâm có định ấy sẽ vô cùng kỳ diệu. Thế nên, việc gìn giữ giới luật để nhiếp phục thân, khẩu, ý cần phải được tiến hành một cách miên mật trong bốn oai nghi: Đi, đứng, ngồi và nằm. Đúng như lời các bậc cổ đức thường dạy: “Đi cũng thiền, nằm cũng thiền - Động tịnh nói nín thảy an nhiên”. Mỗi bước đi của người xuất gia đều nhẹ nhàng, khoan thai, thảnh thơi và tự tại. Trong lúc ngồi thì an ổn, vững chãi như núi Tu-di. Khi đứng thì đoan nghiêm, tề chỉnh và lúc nằm thì kín đáo, thanh tao. Như vậy, chính đời sống đạo hạnh, khéo hộ trì thân khẩu ý trong bốn oai nghi, mà thân và tâm của nguời xuất gia luôn được thuần tịnh, an lạc và giải thoát.

Giảng sư là người thay Phật tuyên dương Chánh pháp, vì thế đòi hỏi bậc mẫu mực không thể khuyết phạm về đạo hạnh. Nếu cuộc sống phạm hạnh của vị giảng sư khiếm khuyết thì sẽ ảnh hưởng tiêu cực vô cùng đến tín tâm của Phật tử và uy tín của Tăng đoàn. Một sự “sụp đổ thần tượng” sẽ kéo theo sự thất vọng, thoái tâm, thậm chí bất mãn của các Phật tử, tín đồ. Trái lại, nếu tư cách của một tu sĩ Phật giáo biểu mẫu về đạo đức và trí tuệ, thể hiện tính chất “tri hành hợp nhất”, nói sao làm vậy, làm sao nói vậy từ cuộc sống của những nhân cách này, sẽ khiến cho niềm tin của tín đồ, quần chúng trở nên kiên cố đối với Tam bảo. Đây chính là sức mạnh của nội tâm mà bất cứ người xuất gia nào nói chung, người giảng sư nói riêng, cũng cần phải nỗ lực trau giồi cho được vẹn toàn.

2.3. Hạnh nguyện độ sanh

Sau khi chúng ta trải qua quá trình tu học, kiện toàn giới-định-tuệ, trở thành bậc mô phạm như trong Kinh Pháp Cú câu 54:

Hương các loài hoa thơm,

Không ngược bay chiều gió,

Nhưng hương người đức hạnh,

Ngược gió khắp tung bay,

Chỉ có bậc chân nhân,

Tỏa khắp mọi phương trời.”

Có lẽ đây là những phẩm chất mà nhân loại đang cần, và cũng là ưu điểm của những tu sĩ chân chính của Phật giáo có thể đóng góp cho cuộc đời.

Hoàn tất bước thứ nhất “Thượng cầu Phật đạo”. Đến đây chúng ta tiến thêm bước nữa “Hạ hóa chúng sanh”, thực hiện nghĩa vụ thiêng liêng đem đạo vào đời của người con Phật. Bởi vì, hoài vọng của đức Phật “vì lợi ích cho số đông, vì lòng thương tưởng cho đời, vì hạnh phúc và an lạc cho chư thiên và loài người”. Giáo pháp của Ngài là phương pháp sống thực tiễn, không thể tách rời con người. Và chính những tu sĩ là người thực thi phần việc “Nghiêng vai gánh đạo vào đời, cho đời tỏ đạo ta người đồng tu”. Thực hiện được điều này, phần nào chúng ta đã đền được ơn Phật, ơn Tổ, ơn Thầy trong muôn một. Cố Ni trưởng Huỳnh Liên có dạy:

Ta đã là người của chúng sanh

Người nuôi ta để học gương lành

Sống đây ta sống cho muôn loại

Ta có quyền đâu sống lấy mình,...

Hơn bao giờ hết, người xuất gia hiểu rất rõ, chúng ta là người của vạn loại, sống nhờ sự dưỡng nuôi của đàn na tín chủ để học theo hạnh đức của chư Phật, làm theo những gì Phật làm, nói những gì Phật nói và đi theo con đường đức Phật đã đi. Là Sứ giả của Như Lai phải làm nhiệm vụ là gạch nối để đem pháp Phật đi vào lòng quần chúng. Do đó, ta không được quyền sống vị kỷ, sống cho riêng mình, vì như thế không đúng nghĩa của bậc Thích tử.

Chúng ta biết rằng, cuộc đời này luôn tăm tối, đau khổ, luôn cần ánh sáng.  Ánh sáng không phải từ những ngọn đèn, từ trăng, từ sao, từ mặt trời mà từ trái tim của những người hoằng pháp, đây mới là ánh sáng để soi vào thế gian này. Bao thế hệ đã đi qua, từng ánh sáng đã đến với trần thế rồi vụt tắt. Vì vậy mỗi người trong chúng ta đều phải thắp lên trong tim mình hạnh nguyện mang ánh sáng giác ngộ đó đến cho trần gian. Chúng ta sẽ tiếp bước những bậc Thánh để thắp lại ánh sáng dường như đã tắt, ta sẽ thay thế những tiền nhân đã ra đi khỏi cuộc đời để đứng vào vị trí đó, tiếp tục thắp lên ngọn đèn chánh pháp cho thế gian này.

3. Vai trò của vị giảng sư trong xã hội

3.1. Đóng góp cho xã hội

Xã hội ngày nay với những tiến bộ nhiều mặt của thời đại, nhưng kèm theo là sự tha hóa lối sống, băng hoại đạo đức xã hội. Vị giảng sư đứng trước khủng hoảng xã hội về môi trường sinh thái, bệnh dịch HIV/AIDS, bệnh đồng tính luyến ái, nạn mại dâm, chiến tranh, bạo động, khủng bố, tình yêu, tình dục và hôn nhân… không những cần nắm bắt thấu đáo về các tình huống xã hội và tính khí con người, mà còn phải khéo léo thực hiện, làm thế nào để giảm bớt nỗi khổ đau và khủng hoảng xã hội.

Chẳng hạn, trong những buổi thuyết giảng cho hội chúng tu tập, chúng ta cần triển khai sâu về năm nguyên tắc đạo đức, con người cần thiết lập để hướng thiện, hướng thượng và cũng chính từ đây có thể dẫn đến Phật hóa gia đình. Đồng thời nên đưa vào những đề tài giải thích súc tích và hợp lý cho con người thấy được giá trị và tầm quan trọng thực tế môi trường sinh thái, giảng giải cho họ hiểu rõ ràng về ý nghĩa và nguyên nhân bệnh dịch HIV/AIDS. Mặc khác khuyến khích hướng dẫn họ tu tập lòng từ và sự đồng cảm vì hòa bình, hạnh phúc và an lạc thật sự cho mình và cho tất cả chúng sanh để tránh tác nhân gây chiến tranh, bạo động và khủng bố, làm giảm tai họa cho con người và xã hội. Bên cạnh đó cũng cần thực hiện các công tác từ thiện phần nào giúp ổn định an sinh xã hội, đem lại hạnh phúc an lạc cho mọi người.

3.2. Hưng thịnh đạo pháp

Như đã nói, việc bảo vệ Phật pháp trường tồn có công đức rất lớn, là sự đền ân chân chính đối với Phật hay đối với tứ trọng ân và cũng là trách nhiệm của những người tu sĩ Phật giáo. Nếu không có những người xuất gia tu hành chân chính, chắc chắn Phật pháp sẽ mai một. Có một số quốc gia, khi Phật pháp suy tàn, không còn nhiều người hiểu Phật pháp thì đạo Phật biến mất giữa thế gian. Chính vì thế, vị giảng sư sau khi tu học, thực hành rất nhiều đạo lý Phật dạy, vị ấy phải tích cực đi vào cuộc đời, đứng giữa cuộc đời để đem ánh sáng đạo lý đó tưới tẩm cho bao tâm hồn đang bị hệ lụy khổ đau. Cho nên, một người tu sĩ sống thanh tịnh đạm bạc là những viên ngọc quý, họ giữ được ánh sáng đạo lý để soi sáng cho thế gian này, để thắp sáng cái ước mơ, cái lý tưởng, đức hạnh về sự giác ngộ giải thoát vào trái tim của bao nhiêu con người khác. Chính những người xuất gia tu hành chân chính là những người bảo vệ làm cho Phật pháp được trường tồn.

Tóm lại, người giảng sư muốn truyền bá Chánh pháp dễ dàng thì việc học rộng, hiểu nhiều chưa phải là đủ. Điều đầu tiên là tự bản thân vị giảng sư phải biểu hiện được nét đẹp phong cách qua tấm lòng vị tha, khoan dung, nhu nhuyến, hài hòa, hùng mạnh và tinh khiết thì mới tạo nên niềm tin vững chắc cho tha nhân. Nét đẹp ấy sẽ từng bước đưa người giảng sư gần gũi với mọi người, dắt dẫn bao người tiến trên lộ trình giải thoát,  thành tựu được hoài bão duy nhất mà người giảng sư luôn ấp ủ trong lòng.

Một vị sứ giả Như Lai trên pháp tòa, ban mưa pháp nhưng trong lòng vẫn tỏa ra một sự thanh thoát, biểu hiện qua phong cách trang nghiêm, khiến mọi người chỉ cần nhìn vào là sanh lòng cảm mến và đó là động lực đưa mọi người đến với đạo, tu tập theo giáo pháp. Đây chính là nét đẹp thoát tục quan yếu nhất của người giảng sư.

Kính chúc chư tôn Hòa thượng, Thượng tọa, chư Ni trưởng, Ni sư, chư Đại đức Tăng Ni vô lượng an lạc, vô lượng kiết tường.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.