Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam: Ánh đạo vàng lan tỏa

TSMDQ027Vào thập niên 40 của thế kỷ XX, một giai đoạn hết sức phức tạp trong dòng lịch sử dân tộc, Đạo Phật Khất Sĩ đã xuất hiện từ chí nguyện “Nối truyền Thích-ca Chánh pháp” của ngài Minh Đăng Quang (1923-1954), một vị du Tăng được người đời sau kính ngưỡng như một bậc Thánh. Đạo Phật Khất Sĩ có mặt trước hết ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, đến gần cuối thế kỷ XX đã trở thành một hệ phái biệt truyền của Phật giáo Việt Nam. Bài tham luận này trình bày những đóng góp của Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam đối với Phật giáo Việt Nam, với tính cách một cành nhánh lan tỏa từ ánh đạo vàng, cội nguồn của Phật pháp.

I. BỐI CẢNH XUẤT HIỆN CỦA ĐẠO PHẬT KHẤT SĨ

Đầu thế kỷ XX, Việt Nam hoàn toàn bị Pháp thống trị, Nam kỳ là xứ thuộc địa, Trung và Bắc kỳ hưởng quy chế bảo hộ; nhưng những nỗ lực khôi phục chủ quyền vẫn âm ỉ trên cả ba kỳ. Phật giáo du nhập Việt Nam từ hơn 2.000 năm qua, đã có nhiều dấu hiệu sa sút, nay nỗ lực chấn hưng, mong góp phần nâng cao dân trí và chờ thời cơ giành độc lập. Trong lúc ấy, Đảng Cộng sản Đông Dương ra đời vào năm 1930 và từng bước dựng lập ngọn cờ lãnh đạo kháng chiến.

Tình hình loạn lạc thúc đẩy con người tìm chỗ dựa tâm linh. Nhiều tôn giáo bản địa xuất hiện trong vùng đồng bằng sông Cửu Long. Đạo Phật Khất Sĩ là một trong những tổ chức thuần túy tôn giáo, tuy xuất hiện khá muộn nhưng đã cắm rễ khá sâu trong lòng người vùng đồng bằng sông Cửu Long và dần dần phát triển thành một Hệ phái biệt truyền của Phật giáo Việt Nam. 

1. Tình hình chính trị trên cả nước

Vào năm 1940, Nhật mở rộng ảnh hưởng ở Đông Nam Á và khống chế Pháp tại Đông Dương. Năm 1945, Nhật đảo chính Pháp để nắm quyền, sau đó tuyên bố trao trả độc lập cho Việt Nam dựng lên một chính phủ thân Nhật. Ngày 19-8, phong trào Việt Minh tổ chức tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Khi Nhật đầu hàng Đồng Minh, Pháp tìm cách trở lại Việt Nam và tranh chấp với chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vừa thành lập. Cuộc kháng chiến chống Pháp diễn ra, kéo dài đến năm 1954 thì chiến tranh kết thúc bằng một chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ và một Hiệp định đình chiến với kết quả là đất nước Việt Nam tạm thời bị chia đôi.

2. Hoàn cảnh xã hội ở đồng bằng sông Cửu Long

Đồng bằng sông Cửu Long – một phần của Nam Bộ, được sáp nhập lãnh thổ của Việt Nam trong vòng hơn 300 năm qua do sự khai phá của những lưu dân người Việt từ miền Bắc và miền Trung là chính, kết hợp với một số người Minh Hương, Thanh Hà… cùng những người bản địa thuộc các tộc Chăm, Khmer và các tộc ở Tây Nguyên. Ngay từ đầu, văn hóa ở vùng đồng bằng sông Cửu Long đã có sự giao thoa giữa nhiều dân tộc khác nhau.

Từ năm 1862, người Pháp bắt đầu cai trị Nam Bộ bằng chính sách đồng hóa triệt để. Người Nam Bộ vừa sớm tiếp thu những cái mới, vừa kiên trì chống lại sự đồng hóa của người Pháp.

Đến năm 1945, dưới sự lãnh đạo của Mặt trận Việt Minh mà nòng cốt là Đảng Cộng sản, Nam Bộ đứng dậy kháng chiến chống Pháp. Với đặc điểm Nam Bộ, cuộc kháng chiến trong vùng đồng bằng sông Cửu Long cũng có nhiều nét khác biệt, đó là sự tham dự của nhiều thế lực quân sự cát cứ, nhiều xu hướng chính trị khác nhau cùng tranh giành ảnh hưởng.

3. Không khí tôn giáo trong vùng Tây Nam Bộ

Nam Bộ là vùng đất non trẻ có sự pha trộn của nhiều dòng chảy văn hóa khác nhau, có sự đa tạp của tín ngưỡng và tôn giáo. Tín ngưỡng chủ đạo ở cư dân Nam Bộ gồm tục thờ ông bà, tư tưởng Khổng Mạnh còn sót lại nhưng đã bị biến thể, và tư tưởng Phật giáo Đại thừa có những yếu tố thần bí của Lão giáo và các hình thức bùa ngải xâm nhập. Kế đó là Phật giáo Nguyên thủy vốn là tôn giáo chính của đồng bào gốc Khmer và Hồi giáo là tôn giáo chính của đồng bào Chăm. Ngoài ra, một bộ phận cư dân đồng bằng sông Cửu Long đã tiếp nhận Thiên Chúa giáo. Bên cạnh đó, các hình thái tín ngưỡng đa thần, bái vật… của đồng bào thuộc các tộc người Tây Nguyên cũng đã tác động đến nếp sống tâm linh của những người tiên phong mở đất, luôn phải đối phó với những điều bất ngờ của vùng đất mới đầy lạ lẫm.

Hoàn cảnh đặc biệt của miền Nam đã khiến cư dân Nam Bộ hình thành nên tinh thần khoan dung, phóng khoáng, giản dị, vị tha, bộc trực, biết yêu thương đùm bọc lẫn nhau, yêu tự do, yêu quê hương đất nước, sẵn sàng xả thân vì nghĩa, sẵn sàng chống áp bức cường quyền và rất cần đến những chỗ dựa tâm linh. Với những đặc trưng đó, cư dân vùng đồng bằng sông Cửu Long đã sớm phát triển những hệ thống tôn giáo bản địa.

3.1. Bửu Sơn Kỳ Hương và các ông Đạo

Phong trào Bửu Sơn Kỳ Hương do ngài Đoàn Minh Huyên thành lập vào năm 1849 ở vùng chợ Mới An Giang. Ngài rao giảng đạo Phật với những phương pháp hành trì đơn giản, phổ biến giáo lý Tứ ân, khuyến khích dân chúng khai hoang, hình thành các trung tâm dinh điền trong vùng Đồng Tháp và Châu Đốc. Ngài được tôn xưng là Phật Thầy Tây An.

Một số vị khác tự cho mình có khả năng đặc biệt: chữa bệnh bằng bùa chú, tiếp cận được thần linh, thấy được các cảnh giới khác, có những hành vi lạ… xưng là ông Đạo, cũng phổ biến các đường lối tâm linh khác nhau. Các nhà nghiên cứu cho rằng hiện tượng ông Đạo phần nào phản ánh sự đối kháng của người nông dân Nam Bộ trước chính quyền thực dân. 

3.2. Đạo Cao Đài

Khoảng thập niên 1920, các vị Ngô Văn Chiêu, Lê Văn Trung, Phạm Công Tắc, Cao Hoài Sang… nương theo nhân duyên, thành lập đạo Cao Đài và được chính quyền đương thời công nhận. Năm 1926, đạo Cao Đài xây dựng Tòa Thánh Tây Ninh làm cơ sở hành đạo. Giáo lý Cao Đài dung hợp tư tưởng của các tôn giáo lớn là Phật giáo, Đạo giáo, Nho giáo và Ki-tô giáo; khuyên tín đồ không sát sinh, sống lương thiện, làm lành lánh dữ, giúp đỡ mọi người, cầu nguyện, thờ cúng tổ tiên và ăn chay để thể hiện tình thương vạn loại. Đáp ứng được khát vọng tâm linh của dân chúng, đạo Cao Đài nhanh chóng phát triển cả về tín đồ và cơ sở. Các tài liệu nghiên cứu về đạo Cao Đài cho rằng thời kỳ đầu Đạo này có khuynh hướng chống Pháp một cách kín đáo.

3.3. Phật giáo Hòa Hảo

Nối tiếp khuynh hướng Bửu Sơn Kỳ Hương là Phật giáo Hòa Hảo được ngài Huỳnh Phú Sổ sáng lập vào năm 1939 tại An Giang. Căn bản giáo lý của Phật giáo Hòa Hảo là học Phật tu nhân và thực hành Tứ Ân hiếu nghĩa. Tín đồ Phật giáo Hòa Hảo là các cư sĩ tại gia. Là một tôn giáo cách tân có xu hướng nhập thế nên Phật giáo Hòa Hảo rất coi trọng các hoạt động từ thiện xã hội. Tín đồ Phật giáo Hòa Hảo đại đa số là nông dân sinh sống tại các tỉnh thành phía Nam nhưng tập trung đông nhất trong vùng Tây Nam Bộ.

3.4. Tác động của phong trào Chấn hưng Phật giáo

Phong trào Chấn hưng Phật giáo ở Việt Nam xuất hiện trong thập niên 1920 đã ảnh hưởng đến không khí tôn giáo ở Nam Bộ. Ban đầu, Hội Nghiên cứu Phật học Nam kỳ ở Sài Gòn, Lưỡng Xuyên Phật học hội ở Trà Vinh… đã xuất bản các tạp chí Phật học để truyền bá Phật pháp và làm cho không khí tìm hiểu Phật học ở Nam Bộ thêm khởi sắc. Từ đó, nhiều tổ chức Phật giáo khác ra đời, nghiên cứu kinh điển Bắc tông, phát triển Thiền tông và Tịnh độ tông. Các chùa và các nhóm Phật tử Nam Bộ tiếp tục liên kết với nhau thành lập các hội đoàn Phật giáo hoạt động khá sôi nổi.

3.5. Tịnh độ Cư sĩ Phật hội Việt Nam

Một nét đặc biệt trong những ảnh hưởng của phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam ở Nam Bộ là sự thành lập Tịnh độ Cư sĩ Phật hội Việt Nam, một tổ chức Phật giáo xuất phát từ Sa Đéc, Đồng Tháp, chỉ quy tụ các cư sĩ cùng nhau nghiên cứu và ứng dụng giáo lý của Đức Phật, do ngài Tông sư Minh Trí chủ trương, được chính phủ đương thời chính thức công nhận vào năm 1934. Tịnh độ Cư sĩ Phật hội Việt Nam đề xướng Phước Huệ song tu. Tu Phước là đóng góp công sức, trí tuệ và tài vật để phát triển ngành y dược học dân tộc làm phương tiện tạo cơ hội cho quần chúng đến với đạo. Tu Huệ là học Kinh-Luật-Luận của Phật giáo để nâng cao sự hiểu biết về bản chất cuộc đời nhằm đạt tới cuộc sống giải thoát yên vui. Tịnh độ Cư sĩ Phật hội Việt Nam phát triển chung quanh các Hội quán là trụ sở ở cấp địa phương, nơi có đặt các phòng thuốc nam phước thiện chữa bệnh miễn phí theo y học cổ truyền.   

3.6. Phật giáo Nam tông (Nguyên thủy)

Trước đây, Phật giáo Nam tông ở Việt Nam chỉ thịnh hành trong cộng đồng người Khmer. Khoảng năm 1940, người Việt bắt đầu tiếp nhận truyền thống Phật giáo Nam tông do các ngài Hộ Tông, Thiện Luật… du học ở Nam Vang truyền về. Ban đầu, Phật giáo Nam tông Việt Nam xây dựng chùa Bửu Quang ở Gò Dưa, Thủ Đức để làm cơ sở hoằng pháp. Đến năm 1957, khi nhân sự đã vững vàng và cơ sở hành đạo đã phát triển, Tổng hội Cư sĩ và Tăng-già Nguyên thủy Việt Nam đã được thành lập tại chùa Kỳ Viên ở Sài Gòn.

4. Tình hình Phật giáo các nước trong tiểu vùng sông Mê-kông

Mê-kông là con sông xuyên biên giới quốc gia trong vùng Đông Nam Á phát nguyên từ Tây Tạng, chảy qua tỉnh Vân Nam Trung Quốc và các nước Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia rồi đổ vào Việt Nam trước khi ra biển Đông. Các quốc gia nằm trong lưu vực con sông này có thời gian coi Phật giáo là Quốc giáo. Phật giáo thịnh hành ở những xứ này là Phật giáo Nguyên thủy, khác với Việt Nam và Trung Quốc theo truyền thống Đại thừa.

II. SỰ RA ĐỜI CỦA ĐẠO PHẬT KHẤT SĨ

Đạo Phật Khất Sĩ chính thức ra đời vào năm 1947 trong vùng đồng bằng sông Cửu Long, cụ thể là xuất phát tại Mỹ Tho, trong một môi trường ở đó các tổ chức tôn giáo chính đã có cơ sở vững vàng bên cạnh những hình thái tôn giáo khác cũng đang tích cực phổ biến giáo lý, thu hút tín đồ. Mặc dù xuất hiện khá muộn nhưng Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam vẫn phát triển và hiện nay đã trở thành một hệ phái Phật giáo có tầm vóc không chỉ ở Việt Nam mà còn vươn ra có mặt ở hải ngoại.

1. Sơ lược tiểu sử ngài Minh Đăng Quang

Sáng lập Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam là ngài Minh Đăng Quang, được người đời sau tôn xưng là Tổ sư Minh Đăng Quang. Ngài có thế danh là Nguyễn Thành Đạt, sanh năm 1923 tại quận Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long, là con út của cụ ông Nguyễn Tồn Hiếu (1894-1968) và cụ bà Phạm Thị Tỵ, tự Nhàn (1892-1924). Từ nhỏ, Ngài đã sớm biết chuyên tâm niệm hương cúng Phật hàng ngày, và ăn chay mỗi tháng 10 ngày theo gương cha.

Khi đi học, Ngài lấy tên Lý Huờn. Tốt nghiệp bằng Sơ học của Pháp năm 13 tuổi, Ngài không muốn học tiếp mà xin gia đình cho đi tu nhưng không được chấp thuận.

Năm 1937, Ngài tự ý rời nhà tìm thầy học đạo trên đất Campuchia. Ở đó, Ngài được giới thiệu đến các chùa theo Phật giáo Nguyên thủy để học tiếng Khmer và đọc kinh Phật.

Cuối năm 1941, Ngài trở về Vĩnh Long rồi lên Sài Gòn làm việc. Ngài lập gia đình vào năm 1942, có được một người con gái, nhưng cả người bạn đời và con gái Ngài đều bị bệnh và sớm lần lượt qua đời.

Vào năm 1943, Ngài quyết chí lên vùng núi Thất Sơn ẩn tu. Trong năm 1944, Ngài đến Mũi Nai ở Hà Tiên nhập định miên mật trong bảy ngày đêm và ngộ đạo tại nơi đây.

2. Việc mở mang mối đạo (khai sơn phá thạch)

Trong hai năm, từ 1944 đến 1946, Ngài được một thiện nam thỉnh về ẩn tu tại chùa Linh Bửu ở làng Phú Mỹ tỉnh Mỹ Tho.

Sau mùa an cư đầu tiên, Ngài bắt đầu hướng dẫn các đệ tử hành đạo quanh vùng. Ngài thu nhận đệ tử rất chọn lọc. Trong năm 1947, Ngài chỉ thu nhận bốn vị Tăng, sáu vị Ni và một chú điệu khoảng 10 tuổi. Từ năm 1948 trở đi, Ngài thu nhận thêm nhiều người xuất gia; chư Tăng được Ngài giáo huấn rất kỹ càng. Trong năm 1948, Ngài hướng dẫn một đoàn Khất sĩ du hành về Sài Gòn, tạo một dấu ấn nơi thủ phủ miền Nam lúc bấy giờ, rồi lại quay về hành đạo trong khu vực giữa hai nhánh sông Cửu Long, đẩy mạnh việc phát triển nền đạo.    

Để mở rộng việc truyền bá tư tưởng, Ngài soạn bộ Chơn lý gồm 69 tập, mở ra nhà in Pháp Ấn đặt tại Tịnh xá Ngọc Viên ở Vĩnh Long chuyên in các tập Chơn lý do chính Ngài sáng tác.

Trong tập Chơn lý “Đạo Phật Khất sĩ” (phần Nguồn Khất sĩ Nam Việt), Ngài đã viết về hành trạng của mình như sau: “Minh Đăng Quang Khất sĩ xuất gia 1944 tại Vĩnh Long, đi tu tìm học nơi hai giáo lý Đại thừa và Nguyên thủy của Việt Nam và Campuchia… Sau khi về lại Nam Việt, Ngài phát đại nguyện ‘Nối truyền Thích-ca Chánh pháp’, tự mình thật hành giới luật Tăng đồ tại tỉnh Mỹ Tho, hành đạo ra Long An, xuống Mỹ Tho, Gò Công, Bến Tre… rồi trở lại Long An, Thủ Thừa cho đến cuối năm 1946. Đầu năm 1948, Ngài đưa giáo pháp Khất sĩ đến Sài Gòn, ánh sáng của lá y vàng phất phơ thổi mạnh làm bật tung cánh cửa các ngôi chùa tông giáo, kêu gọi Tăng chúng tản cư khắp xứ, kéo nhau quay về kỷ luật. Năm 1950 huỳnh y trở gió bay về hướng nam Hậu Giang, nổi lên lố nhố những núi vàng, pháp tháp... Nổi bật nhất là ở tại sông Cửu Long trung giang, bửu tháp vượt cao hơn hết, năm Quý Tỵ - 1953”.

3. Giáo lý của đức Phật Thích-ca trong Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam

Với phương châm “Nối truyền Thích-ca Chánh pháp”, Tổ sư Minh Đăng Quang gìn giữ truyền thống mà đức Phật Thích-ca Mâu-ni đã vạch. Ngài dung hợp mọi tinh hoa của Phật giáo Nam tông và Phật giáo Bắc tông. Ngài đã thành tựu và lưu truyền cho hậu thế một dòng truyền thừa với ba pháp yếu quan trọng sau đây:

1. Tinh thần viễn ly trong hạnh xuất gia: Thể hiện đúng tinh thần tu tập giải thoát theo giáo lý của đức Phật, yếu chỉ đầu tiên trong hạnh nguyện tu tập của người Khất sĩ là tư tưởng viễn ly; người Khất sĩ thực hiện việc xuất gia để sống cuộc sống thoát trần.

2. Sự tinh tấn trong tu tập: Học tập gương cầu đạo của đức Phật trong suốt sáu năm khổ hạnh, người Khất sĩ luôn luôn tinh tấn trong việc tu tập, không lúc nào giải đãi, cho đến lúc thân chứng giải thoát và an trú trong đạo quả.

3. Tinh thần hoằng hóa độ sinh: Khi chứng đạt đạo quả rồi thì người Khất sĩ tích cực hoằng hóa độ sinh; coi đó là một sứ mạng thiêng liêng, không ngại gian lao, không từ khó nhọc. Người làm đạo phải có đủ nhẫn lực và tư duy lực, đồng thời xem sự kham nhẫn như là niềm vui giải thoát trên con đường tác Như Lai sứ, hành Như Lai sự.

Giáo pháp của Khất sĩ nêu cao việc quay về với nguồn cội tâm linh, quyết tâm thực hành Giới - Định - Tuệ. Đối với đời sống cộng đồng, người Khất sĩ cộng trú tu học trong những ngôi già-lam tịnh xá. Tổ sư nêu lên phương châm: “Nên tập sống chung tu học: Cái SỐNG là phải sống chung, cái BIẾT là phải học chung, cái LINH là phải tu chung”. Sống chung tu học để nung đúc, rèn luyện, tăng trưởng cái sống, cái biết, cái linh; chính là cụ thể hóa tinh thần “Tam tụ Lục hòa” mà chư Phật đã giáo huấn tự ngàn xưa.

Khi chọn Hoa sen và Ngọn đèn chơn lý làm biểu tượng cho dòng pháp “Nối truyền Thích-ca Chánh pháp - Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam”, Tổ sư Minh Đăng Quang đã bày tỏ chí hướng đem chánh pháp thanh tịnh như hoa sen của chư Phật để soi đường dẫn lối cho người hữu duyên bằng ngọn đèn chơn lý. Đó là cách phụng thờ chánh pháp tốt đẹp nhất.

Bằng những hình ảnh ẩn dụ, trong quyển Chơn lý “Trên mặt nước”, Tổ sư Minh Đăng Quang nói đến lá sen, hoa sen và gương sen đều có chân gốc trong bùn nhưng đã vươn lên khỏi mặt nước và chẳng hề dính bùn. Bùn nặng nề, dơ bẩn, rã rời nên chìm xuống đáy, tượng trưng cho sự xấu ác, tội lỗi của con người vị kỷ. Nước trôi chảy, tượng trưng cho xã hội thanh thoát tùy duyên. Sen vượt lên cao tượng trưng bậc xuất gia, người Khất sĩ… có hành động như lá sen, có lời nói như hoa sen, có tư tưởng như gương sen. Gốc sen còn ở trong bùn, tượng trưng người tu còn phải nương nhờ trần thế, xin ăn xin mặc để nuôi thân tu học, nhưng tâm trí đã vượt lên trên sự xấu ác. Sen nhờ bùn nuôi dưỡng, sen cũng trả ơn bằng cách hứng chịu nắng mưa, sương gió che chở cho nước và đất trước những động chạm từ bên ngoài. Người tu cũng đền trả cho đời bằng sự hiền lương trong lời nói thuần hòa, việc làm hiền thiện, tư tưởng trong sạch; đóng góp vào việc tạo nên nền tảng đạo đức cho xã hội.

Tương tự những ẩn dụ trong kinh “Khởi thế nhơn bổn” thuộc Trường bộ, Tổ sư cũng nhìn lại quá trình tiến hóa của quả địa cầu, thấy rằng thuở ban sơ, nhân loại ít người nên còn hồn nhiên, đến lúc đông đúc thì phân chia chủng tộc, giai cấp, có ta có người, chen lấn giành giật; Ngài cho rằng trần thế chẳng khác gì bãi đất bùn. Nhưng Ngài cũng chỉ cho thấy chính bãi đất bùn đó có tác dụng nuôi sống sen, là hột giống giác ngộ. Cũng nhờ sự xấu ác của tầng đáy mà có sự thanh thoát của tầng cao; có tội lỗi khổ sở của đời mà có đạo đức của kẻ hành đạo; và kẻ biết đến đạo đức cũng sẽ biết đến hạnh viễn ly, không trở lại với cái xấu ác nữa. Ngài cho rằng đời là cái hồ có đất có nước để ươm hạt giống sen, và ai ai rồi cũng là sen hết.

Biểu tượng Hoa sen và Ngọn đèn chơn lý chính là lý tưởng của Tổ sư về một quốc độ có một cuộc sống an vui thuần thiện của tất cả mọi người; trong đó người tu phải thể hiện một đời sống nghiêm tịnh thanh thoát, thắp lên ngọn đèn chơn lý phụng hiến cho đời.

Tổ sư Minh Đăng Quang còn nêu lên một điều rất đặc biệt mà ít người lưu ý, rằng “Việt Nam Đạo Phật không có phân thừa”. Chính vì thế, giáo pháp của Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam thể hiện rõ tư tưởng Đại thừa trong khi xiển dương việc thực hành một phần công hạnh của Phật giáo Nguyên thủy. Khác với Phật giáo Nam tông thay vì dùng Tam tịnh nhục, Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam chủ trương ăn chay, mở rộng tinh thần từ bi và sử dụng kinh điển Đại thừa như các kinh Kim Cang, Hoa Nghiêm, Bát-nhã, Pháp Hoa, Đại Tạng… trong việc truyền bá giáo lý của đức Phật.

Xuất thân ở Nam Bộ, ngài Minh Đăng Quang có phương pháp truyền đạo phù hợp với tâm lý người Nam Bộ, thuyết giảng Phật pháp bằng những hình ảnh sống động, sử dụng những ngôn từ dễ hiểu, đi thẳng vào lòng người. Tuy sử dụng ngôn ngữ bình dân nhưng Ngài vẫn có những lập luận sâu sắc, thể hiện một trình độ chứng ngộ cao vời, khiến ngay cả những vị trí thức lớn tuổi cũng tâm cảm đón nhận quy kính. 

4. Những đóng góp đầu tiên cho Phật giáo đồng bằng sông Cửu Long

4.1. Hình thành đoàn Du Tăng Khất Sĩ đầu tiên

Rằm tháng bảy năm Mậu Tý (1948), Tổ sư Minh Đăng Quang thành lập đoàn Du Tăng Khất Sĩ đầu tiên, gồm có 21 vị sư, xuất phát từ Vĩnh Long đi hành đạo lên vùng Sài Gòn-Gia Định-Chợ Lớn (nay là TP.HCM) và miền Đông Nam Bộ. Chuyến hành đạo này đã để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp trong lòng người ở các nơi mà đoàn Du Tăng Khất Sĩ đã đi qua. Lần đầu tiên xuất hiện trong suốt 2.000 năm lịch sử Phật giáo Việt Nam, đoàn Du Tăng Khất Sĩ là một đường lối hoằng pháp độc đáo của Tổ sư Minh Đăng Quang. Mô hình đoàn du Tăng này cũng là một bản sao của đoàn du Tăng thời Đức Phật.

4.2. Những ngôi tịnh xá đầu tiên

Hình ảnh các vị Khất sĩ khiêm cung đi xin ăn tu học đã khắc sâu vào lòng người dân niềm kính phục khiến họ quy ngưỡng. Từ đó, những ngôi tịnh xá hình bát giác lần lượt được dựng lên bởi các vị đệ tử tại gia của Tổ sư Minh Đăng Quang để các vị Khất sĩ có nơi tạm lưu trú hành đạo khắp các tỉnh thành Nam Bộ. Ngay trong năm 1947, ở thị xã Vĩnh Long, Ngài cho dựng tại cầu Kinh Cụt ngôi tịnh xá đặt tên là Pháp Vân. Cũng trong tỉnh Vĩnh Long, Ngài đã chứng minh cho việc xây dựng Tịnh xá Trúc Viên, sau này đổi tên là Ngọc Thuận. Tính đến hết năm 1953, đã có tới hơn hai mươi ngôi tịnh xá, hoặc do chính Tổ sư Minh Đăng Quang đích thân sáng lập hay chứng minh việc xây dựng, hoặc được dựng lên theo chủ trương của các vị đại đệ tử của Ngài ở nhiều tỉnh thành miền Nam, như Bình Dương, Vĩnh Long, Cần Thơ, Sa Đéc, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Long An, Tây Ninh, Sài Gòn, Trà Vinh, Mỹ Tho, Gia Định… Đặc biệt, có cả một ngôi tịnh xá đã được xây dựng tại Bình Thuận thuộc Nam Trung phần. Điều này cho thấy sự phát triển rất mạnh của Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam ngay trong buổi đầu mở đạo.

II. TIẾP TỤC ĐÓNG GÓP CHO PHẬT GIÁO ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG SAU NGÀY TỔ SƯ VẮNG BÓNG

1. Sự vắng bóng của ngài Minh Đăng Quang

Ngày rằm tháng Giêng năm Giáp Ngọ (1954), Tổ sư Minh Đăng Quang tập trung chúng Tăng về Tịnh xá Ngọc Quang ở Sa Đéc để chỉ dạy việc tu tập. Sau đó, Ngài lên đường viếng các tịnh xá ở miền Đông và miền Tây Nam Bộ, ghé thăm Núi Cấm rồi về lại Tịnh xá Ngọc Quang tụng giới và cúng hội vào ngày 30 tháng Giêng. Sáng ngày mùng 1 tháng 2 năm Giáp Ngọ (5/3/1954), Tổ sư Minh Đăng Quang đi Vĩnh Long và Cần Thơ. Khi đến bến phà Cái Vồn, Ngài được mời gặp tướng Năm Lửa - Trần Văn Soái. Kể từ đó, hầu như không ai còn được thấy hành tung của Ngài.

Như vậy, ngài Minh Đăng Quang đã có mặt ở trần thế 32 năm, hành đạo suốt 10 năm (từ 1944 đến 1954) và nỗ lực nối truyền chánh pháp của Phật Thích-ca được 7 năm (1947-1954). Về sau hàng môn đồ đã chọn ngày mùng 1 tháng hai âm lịch để tưởng niệm sự kiện Ân sư vắng bóng. Tuy thời gian hành đạo và hoằng pháp của Ngài quá ngắn nhưng đã để lại cho đời hơn 100 vị Tăng Ni đệ tử tiếp nhận chân truyền tư tưởng của Đạo Phật Khất Sĩ cùng với hơn hai chục ngôi tịnh xá rải rác khắp miền Nam Việt Nam làm cơ sở hành đạo và một bộ Chơn lý gồm 69 bài luận thuyết minh giáo pháp.

2. Các đệ tử của Ngài tiếp tục phát triển nền đạo

Sự vắng bóng đột ngột của Tổ sư Minh Đăng Quang đã tạo nên một sự hụt hẫng trong lòng giáo chúng và các đệ tử của Ngài. Tuy nhiên, khi nhớ lại việc Tổ sư phó chúc việc lãnh đạo Giáo đoàn vào ngày Rằm tháng Bảy năm Quý Tỵ (1953) tại Tịnh xá Ngọc Viên và lời Ngài căn dặn chư đệ tử chiều ngày 30 tháng Giêng năm Giáp Ngọ (1954) tại Tịnh xá Ngọc Quang là “sẽ đi tu tịnh tại núi Lửa”, các vị đại đệ tử của Ngài hiểu rằng Tổ sư Minh Đăng Quang đã biết trước và đã sắp đặt mọi việc trước ngày đi xa. Vì thế, chư vị yên tâm mạnh dạn tiếp nối hạnh nguyện của Thầy. Thi hành lời dạy của Tổ sư, chư Tăng Ni Khất sĩ thượng thủ phân công nhau tiếp tục việc hoằng đạo, tạo nên một thời kỳ phát triển mới cho Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam.

Theo phó chúc của Tổ sư, các vị Giác Chánh, Giác Tánh và Giác Như điều hành giáo đoàn. Các ngài hướng dẫn đoàn Du Tăng đi ra miền Trung dọc theo vùng duyên hải (1956-1957) rồi sau đó trở lại miền Nam vào sâu các làng mạc xa xôi thuộc một số tỉnh ở miền Đông và miền Tây Nam Bộ. Trong lúc ngài Giác Chánh lãnh đạo cuộc du phương hành hóa thì ngài Giác Như có nhiệm vụ duy trì sự hoạt động ở các tịnh xá đã thành lập. Trong quá trình du phương hành đạo này, các ngài tiếp nhận thêm đệ tử xuất gia và tại gia, mở rộng Giáo đoàn.

3. Hình thành các Giáo đoàn tiếp theo

Khi đoàn Du tăng trở về miền Nam, một số vị có duyên đã trụ lại miền Trung để tiếp tục hoằng pháp. Trong các năm 1957 và 1958, hai vị Trưởng lão Giác Tánh và Giác Tịnh thành lập Giáo đoàn II, hành đạo ở vùng duyên hải miền Trung từ Bình Thuận ra đến Quảng Trị; Trưởng lão Giác An thành lập Giáo đoàn III, nỗ lực truyền pháp ở một phần duyên hải miền Trung và đi ngược lên Tây Nguyên. Khi trở về Nam, Pháp sư Giác Nhiên thành lập Giáo đoàn IV vào năm 1957, Trưởng lão Giác Lý thành lập Giáo đoàn V vào năm 1960 và Hòa thượng Giác Huệ, Hòa thượng Giác Đức thành lập Giáo đoàn VI vào năm 1962, tập trung giáo hóa ở vùng Đông và Tây Nam Bộ. Các vị Ni trưởng cũng tích cực hoằng pháp, thành lập Giáo hội Ni giới Khất sĩ Việt Nam lấy Tịnh xá Ngọc Phương ở quận Gò Vấp, Gia Định (nay thuộc quận Gò Vấp, TP.HCM) làm trụ sở chính.

Vào tháng 5/1966, một kỳ đại hội được tổ chức để thành lập Giáo hội Tăng-già Khất sĩ Việt Nam. Đến năm 1971, Giáo hội Tăng-già Khất sĩ thành lập hai viện: Viện Chỉ đạo cung thỉnh chư trưởng lão Tôn túc chứng minh, Viện Hành đạo quy tụ chư Thượng tọa, Đại đức có năng lực đảm đương Phật sự. Hai viện này đã hoạt động liên tục đến ngày đất nước thống nhất vào năm 1975.

Sau ngày 30/4/1975, chư Tăng Ni Khất sĩ về an trú tại những ngôi tịnh xá để tinh tấn tu hành theo giáo huấn của Tổ sư. Một số vị nương theo thời duyên di chuyển đến các xứ Âu, Mỹ, Úc để phát triển mối đạo. Từ năm 1980, ánh đạo Y Bát chơn truyền của Tổ sư Minh Đăng Quang đã có mặt ở nhiều nơi trên thế giới.

Theo báo cáo Tổng kết công tác Phật sự năm 2014 của Giáo hội Phật giáo Việt Nam biên soạn ngày 20/01/2015, hiện nay, trên cả nước, kể cả ở một số tỉnh thành phía Bắc, Hệ phái Khất sĩ Việt Nam có 1.395 vị Tăng và 1.863 vị Ni đang tu học, góp phần làm Phật sự tại 550 tịnh xá. Ngoài ra, ở hải ngoại, chủ yếu là tại Hoa Kỳ, Canada, Pháp, Úc… hiện có trên 50 tịnh xá, tịnh thất với khoảng hơn 100 Tăng Ni tu học và hành đạo.

4. Thực hiện tinh thần “nên tập sống chung tu học” theo giáo hóa của Tổ sư

Đầu năm 1980, Giáo hội Tăng-già Khất sĩ Việt Nam và Giáo hội Ni giới Khất sĩ Việt Nam cùng tích cực tham gia Ban Vận động Thống nhất Phật giáo Việt Nam. Trên tinh thần hòa hợp, hai Giáo hội Tăng Ni Khất sĩ đã cử 6 đại biểu tham dự Hội nghị đại biểu thống nhất thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam vào tháng 11 năm 1981 tại chùa Quán Sứ, Thành phố Hà Nội; để rồi trở thành một trong chín tổ chức Phật giáo sáng lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Từ đây, các tổ chức Phật giáo Khất sĩ dùng chung một danh xưng mới là Hệ phái Khất sĩ Việt Nam.

III. NÉT ĐẶC THÙ TRONG NHỮNG ĐÓNG GÓP CỦA HỆ PHÁI KHẤT SĨ CHO PHẬT GIÁO VÙNG ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG

Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam là một hiện tượng tôn giáo đặc biệt của vùng đồng bằng sông Cửu Long với chủ trương rõ rệt là “Nối truyền Thích-ca Chánh pháp”, và “Đạo Phật Việt Nam không phân thừa”, đi sát với giáo lý nguyên thủy của đức Phật, thọ nhận hành trì những đặc điểm tinh hoa của Phật giáo Nam tông và Bắc tông. Dựa vào sự sáng tạo của vị Tổ sư và sự tận tụy của các vị đại đệ tử đã nhận được chân truyền, những đóng góp của Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam cho Phật giáo nơi này có nhiều nét đặc thù.

1. Làm sống lại hình ảnh các vị Tỳ-kheo thời đức Phật

Một đóng góp rất quan trọng của Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam là làm sống lại hình ảnh các vị Tỳ-kheo thời đức Phật. Bóng dáng những con người đầu trần chân đất đắp y vàng bá nạp ôm bình bát, bình thản chậm rãi bước đi khất thực để giáo hóa chúng sanh trên mọi nẻo đường đã gieo những ấn tượng sâu sắc trong lòng quần chúng đang đau khổ vì chiến tranh, vì đói khổ, vì bị ức hiếp bởi ngoại bang. Trong xã hội đang bị đảo lộn thời đó, dân chúng cũng đã có những cách rất riêng của họ để kiểm chứng xem các vị Sa-môn ấy tu thật hay tu giả. Và họ đã thật sự xúc động khi thấy đó đúng là những con người đang thực hành hạnh nguyện “Nối truyền Thích-ca Chánh pháp”. Sự nghiêm cẩn của Tổ sư Minh Đăng Quang trong lúc chọn đệ tử đã là thành công đầu tiên của Ngài.

2. Làm phong phú giáo lý của đức Phật

Giáo lý của đức Phật xuất hiện từ hơn 2.500 năm trước, truyền bá từ Ấn Độ đến các nước khác, và đã bị pha trộn nhiều màu sắc. Với những lời lẽ đơn sơ nhưng không thiếu phần sâu sắc, lại phù hợp với thời đại và tâm lý người đương thời, giáo lý Khất sĩ đã triển khai những tinh hoa của cả hai tông, loại bỏ những rườm rà nhuốm màu mê tín hay thần bí, gìn giữ những đặc sắc của tư tưởng Đại thừa và cách hành trì Nguyên thủy: nhấn mạnh đến việc không chen lộn trong đời về chỗ ở; ăn chay mỗi ngày một bữa trước giờ ngọ; tu sĩ không sử dụng tiền bạc; mọi người đều là Khất sĩ như nhau, không hình phạt, không quyền, không trị, chỉ có một sự dạy mà tất cả được yên… Những điều đó đã làm giáo lý của đức Phật trở thành sống động trong cuộc sống hàng ngày.

3. Làm đậm nét tinh thần hành trì giáo pháp của đức Phật

Theo đúng những chỉ dạy của Tổ sư Minh Đăng Quang, người Khất sĩ thực hành nếp sống giản dị. Tài sản vật chất của người Khất sĩ chỉ có một y một bát. Tất cả những phương tiện hành đạo đều thuộc về hàng cư sĩ, các vị hộ pháp. Tài sản thực sự của Khất sĩ là trí tuệ, hiểu đúng quả địa cầu là cái quả to bằng tứ đại, trong đó có chứa chúng sanh cũng bằng tứ đại (Võ trụ quan)… và vì vậy mà xuất gia Khất sĩ lớp trên phải thực hành “Tứ y pháp”: 1. Người tu xuất gia giải thoát phải lượm vải bỏ mà đâu lại thành áo, nhưng có ai cúng vải, đồ cũ thì được nhận; 2. Người tu xuất gia giải thoát chỉ ăn đồ xin mà thôi, nhưng ngày hội, thuyết pháp đọc giới bổn, được ăn tại chùa; 3. Người tu xuất gia giải thoát phải nghỉ dưới cội cây, nhưng có ai cúng lều, am nhỏ bằng lá một cửa thì được ở; 4. Người tu xuất gia giải thoát chỉ dùng cỏ cây hoa lá mà làm thuốc trong khi đau, nhưng có ai cúng thuốc dầu đường thì được dùng. Tứ y pháp là chánh pháp của võ trụ, quý báu hơn hết.

4. Sáng tạo những nét độc đáo về hình thức tu học

Một trong những nét đặc trưng của giáo lý cũng như sinh hoạt thực tế của người Khất sĩ là có những sáng tạo có tính cách độc đáo về hình thức tu học. Giáo lý của Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam được thể hiện bằng ngôn ngữ giản dị, sống động, thực tiễn, phù hợp với tâm tính người Nam Bộ. Nghi thức của Khất sĩ cũng rất tinh giản, không rườm rà, hình thức. Đặc biệt, kiến trúc ngôi tịnh xá là một sáng tác của ngài Minh Đăng Quang. Sau ngôi tịnh xá đầu tiên là Pháp Vân, những ngôi tịnh xá kế tiếp đều được Tổ sư Minh Đăng Quang đặt tên ghép với chữ Ngọc: Ngọc mang ẩn dụ tịnh xá là nơi hoằng hóa, làm lợi cho chúng sanh, có giá trị như những viên ngọc quý. Chữ ghép với Ngọc, Ngài cho phép tùy nghi dùng tên địa phương nơi tịnh xá tọa lạc hay một từ có ý nghĩa đạo đức thể hiện hoài bão của tập thể dựng nên tịnh xá.

Khi kiến lập cơ sở hạ tầng cho Đạo Phật Khất Sĩ, Tổ sư Minh Đăng Quang đã phác họa mô hình tịnh xá tám cạnh làm nơi quy tụ chúng Tăng Ni, tháp 13 tầng để thờ Pháp, có các nhà giảng kinh, nhà nghỉ mát và thọ thực, nơi tạm trú của Tăng, nơi tạm trú của Ni, nơi sinh hoạt của nam nữ cư sĩ riêng biệt… trong một khu đất có hồ sen, có núi đất, có ao rạch nhưng không được trồng bông và cây ăn trái, ở nơi xa chợ búa, xa nơi đông đúc phồn hoa, xa chốn binh gia, xa nơi tôn giáo… có hàng rào làm ranh, có cổng sáng 7 giờ mở ra chiều 5 giờ đóng lại để các sư có nơi tu tịnh…

Với mô hình này, Ngài đã xác lập tịnh xá là dành cho cả tứ chúng và chú ý đến tháp là tháp thờ giáo pháp của đức Phật với 13 tầng tượng trưng cho 13 nấc tiến hóa của chúng sanh từ địa ngục tiến lên chánh giác, gồm lục phàm, tứ thánh, tam tôn. Ngài cũng không xem đạo của Ngài là tôn giáo, mà chỉ là con đường.

5. Xây dựng ngôi nhà chung Phật giáo Việt Nam

Như trên đã trình bày, vào năm 1980, cả hai Giáo hội Khất sĩ Tăng và Ni đều tích cực tham gia cuộc vận động nhằm thống nhất Phật giáo Việt Nam, và trong Đại hội thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam, các đoàn thể Khất sĩ thể hiện tinh thần “Tam tụ - Lục hòa” cùng cử một đoàn đại biểu chung cho Khất sĩ. Tinh thần ấy đã khiến nhiều giáo đoàn Khất sĩ khác, chưa gia nhập Giáo hội Tăng-già Khất sĩ Việt Nam thời 1969, lần lượt xin sáp nhập vào Hệ phái Khất sĩ. Từ khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam được thành lập, Hệ phái Khất sĩ Việt Nam cũng đóng góp nhiều công sức trong việc xây dựng Giáo hội. Ở tất cả mọi cấp của Giáo hội, các thành viên thuộc Hệ phái Khất sĩ không chỉ tham gia về mặt tinh thần mà còn đóng góp mọi phương tiện cần thiết để tiến hành các Phật sự, chẳng những trong nước mà còn ở nước ngoài.

Là một trong chín tổ chức Phật giáo tham gia sáng lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam, việc phát triển của Hệ phái Khất sĩ cũng là sự phát triển của Phật giáo Việt Nam. Hệ phái Khất sĩ luôn tích cực tham gia mọi Phật sự. Đặc biệt, sự đóng góp của các vị tôn túc giáo phẩm thuộc Hệ phái Khất sĩ Việt Nam trong thành phần Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự của Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng như trong các cấp Giáo hội được đánh giá cao với những hoạt động thiết thực ở mọi lãnh vực, từ Hoằng pháp đến Giáo dục Tăng Ni, từ Truyền thông đến Văn hóa, từ tổ chức Hướng dẫn Phật tử đến Tăng sự, và nhất là trong công tác Từ thiện xã hội, vốn là nếp quen của Hệ phái.

6. Góp phần xây dựng một nền văn hóa dung hợp dựa trên truyền thống Nam Bộ

Với phương châm “Nên tập sống chung tu học”, với quan điểm “Phật giáo Việt Nam không phân thừa” và trên tinh thần thu góp tinh hoa của mọi tông phái, hoạt động của Hệ phái Khất sĩ Việt Nam có tác động lớn đến việc xây dựng một nền văn hóa dung hợp, vốn là đặc điểm của tinh thần Nam Bộ, nơi sớm có sự hỗn dung của các nền văn hóa khác biệt vào lúc xây dựng vùng đất mới ở miền Nam nước Việt.

IV. KẾT LUẬN

Đã hơn 70 năm từ khi Tổ sư Minh Đăng Quang mở nền đạo ở làng Phú Mỹ tỉnh Mỹ Tho (hiện nay thuộc tỉnh Tiền Giang), ngày nay Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Cùng với Phật giáo Việt Nam ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, hình ảnh người Khất sĩ khoác y vàng ôm bình bát thanh thoát hành đạo mô phỏng và tái hiện công hạnh Tăng-già thời đức Phật đã có mặt không chỉ trên khắp cả nước từ Nam ra Trung và một số nơi trên đất Bắc mà còn xuất hiện ở cả hải ngoại. Nền tảng của sự phát triển này xuất phát từ những cơ sở ban đầu xuất hiện trong vùng đồng bằng sông Cửu Long; với ý nghĩa đó, ngôi tịnh xá ở Mỹ Tho được Tổ Minh Đăng Quang sáng lập nhằm đánh dấu nơi khai mở Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam được Tổ đặt tên là Mộc Chơn. Tinh thần “Nối truyền Thích-ca Chánh pháp” của Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam vẫn tiếp tục tỏa sáng, trở thành một gạch nối giữa các hình thái thực hành của các truyền thống lâu đời của Phật giáo.

Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam có được thành tựu ấy trước hết là nhờ sự nghiêm cẩn của Tổ sư Minh Đăng Quang trong lúc tiếp nhận và giáo huấn đệ tử ngay từ những buổi đầu; sau đó là tinh thần tiếp nối hạnh nguyện của Ngài bởi những vị đại đệ tử chân truyền quyết tâm nối chí Tổ sư.

Về phương diện giáo lý, việc Tổ sư Minh Đăng Quang nhấn mạnh đến ba yếu tố hành trì gồm: Tinh thần viễn ly trong hạnh xuất gia, Sự tinh tấn trong tu tập và Tinh thần hoằng hóa độ sinh, đã trở thành cái kiềng ba chân để người Khất sĩ tự tin dựng lập tâm nguyện gìn giữ giới luật căn bản trong lúc thực hiện hạnh nguyện tự độ, lợi tha… chính là nền tảng vững vàng cho sự phát triển của Hệ phái và Phật pháp dài lâu.

Hoạt động của Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam đã thực sự góp phần làm phong phú giáo lý của đức Bổn sư và làm đậm nét tinh thần hành trì giáo pháp của Thế Tôn. Bên cạnh đó, với tinh thần “Nên tập sống chung tu học” theo phương châm “Nối truyền Thích-ca Chánh pháp”, Hệ phái Khất sĩ thành viên Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có những sáng tạo độc đáo trong các hình thức hành đạo, trong việc xây dựng cơ sở tu học, góp phần tích cực cho việc xây dựng ngôi nhà chung Phật giáo và một nền văn hóa dung hợp dựa trên truyền thống Nam Bộ.

Hòa với Phong trào Chấn hưng Phật giáo trên thế giới, xuất phát từ Ấn Độ năm 1888, đến đầu thế kỷ XX, các quốc gia thuộc tiểu vùng sông Mê-kông cũng sôi nổi hoạt động nhằm phục hồi sinh khí của Phật giáo Nam tông Nguyên thủy, vốn đã trầm lắng từ khi xuất hiện chủ nghĩa đế quốc của phương Tây. Không khí này cũng có phần tác động vào Phong trào Chấn hưng Phật giáo ở Việt Nam phát xuất vào thập niên 1920; cụ thể là sự kiện người Việt đã bắt đầu tiếp nhận truyền thống Nguyên thủy vào khoảng thập niên 1940 như đã trình bày ở trên. Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam kết hợp tư tưởng Đại thừa và truyền thống Nguyên thủy, có thể được coi là một bộ phận, một dòng chảy của Phong trào Chấn hưng Phật giáo, góp sức chấn hưng Phật giáo trước hết trong vùng Tây Nam Bộ bằng những nét sáng tạo đặc biệt và thực sự có hiệu quả. Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam có thể được coi là một gạch nối chung hưởng, chung nguồn lan tỏa từ hai truyền thống Phật giáo ngàn năm trên thế giới.

Với những thành tựu ấy, cùng với tất cả những tổ chức Phật giáo khác của người Việt trong vùng đồng bằng sông Cửu Long và các tổ chức Phật giáo của hết thảy cư dân tiểu vùng sông Mê-kông, Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam đã kế thừa truyền thống tốt đẹp của Phật giáo Bắc tông và Nam tông, tâm nguyện là một cành nhánh lan tỏa từ ánh đạo vàng của đức Bổn sư. Như mọi con sông đều đổ về biển cả, giáo lý của Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam cùng hội nhập tư tưởng của mọi tổ chức Phật giáo khác trong vùng đều hòa vào biển Phật pháp nhiệm mầu mà đức Thế Tôn đã khai sáng cách đây hơn 25 thế kỷ.  

Tài liệu tham khảo chính

-                     Tổ sư Minh Đăng Quang, Chơn lý, Thành hội Phật giáo TP.HCM ấn hành, 1993.

-                     Hòa thượng Thích Thiện Hoa, Phật học Phổ thông, Thành hội Phật giáo TP.HCM ấn hành, 1997.

-                     Hàn Ôn, Minh Đăng Quang Pháp giáo, Chúng Minh Đăng Quang tái bản 2001.

-                     Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, Nxb.Văn học, Hà Nội, tái bản 2008.

Tài liệu tham khảo bổ sung

-                     Lê Thành Khôi, Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến giữa thế kỷ XX, Nguyễn Nghị dịch, Nhã Nam và Nxb. Thế Giới, 2014.

-                     Nguyễn Văn Trung, Hồ sơ về Lục Châu học, Tìm hiểu con người ở vùng đất mới, Nxb. Trẻ, 2014.

-                     Phan An, “Người Việt Nam Bộ từ góc nhìn tôn giáo”, Website Văn hóa học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn.

-                     Mạc Đường, “Đặc điểm tín ngưỡng và tôn giáo ở Nam bộ theo cách tiếp cận Dân tộc học-Tôn giáo”, Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, số 4/2004.

-                     Một số trang Wikipedia.