Đạo Phật Khất Sĩ VN: Một tông phái mới của Phật giáo VN

NC 1

I. Sự ra đời của Đạo Phật Khất Sĩ

Phật giáo du nhập vào Việt Nam vào thế kỷ thứ I sau công nguyên[1] và trải qua nhiều thăng trầm. Nếu như đạo Phật sáng chói hưng thịnh vào thời đại Lý – Trần thì giai đoạn này đạo Phật không còn ảnh hưởng nhiều trong đời sống tâm linh của người Việt. Phật giáo tại các nước Đông Nam Á lúc bấy giờ cũng cùng trong cảnh ngộ và đang phát động phong trào chấn hưng khắp nơi. Hòa trong hào khí này, chư Tôn thiền đức Tăng tại Việt Nam cũng vận động chấn hưng Phật giáo Việt Nam.[2]

Năm 1947, Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam chính thức ra đời tại Mỹ Tho, vùng đồng bằng sông Cửu Long cũng chính là sự ủng hộ, tiếp nối dòng chảy đạo Phật tại Việt Nam nói riêng và duy trì mạch pháp Ấn Độ nói chung. Tuy còn non trẻ nhưng Đạo Phật Khất Sĩ đã phát triển nhanh chóng, trở thành một tông phái Phật giáo chính tại Việt Nam và còn truyền bá ra nước ngoài.[3]

SCHoa Copy

II. Đôi nét về đức Tổ sư Minh Đăng Quang[4]  

Đức Tổ sư Minh Đăng Quang, thế danh Nguyễn Thành Đạt, sinh ngày 26-09-1923 (al), tại làng Phú Hậu, tổng Bình Phú, quận Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long.

Năm 15 tuổi, Ngài sang Nam Vang học đạo với thầy Lục Tà Keo. Năm 18 tuổi Ngài trở lại quê nhà và 19 tuổi lập gia đình. Trong 2 năm, Ngài lần lượt chứng kiến cảnh sanh tử vô thường của vợ và con.

Năm 1943, Ngài 21 tuổi, quyết chí xuất gia lên vùng núi Thất Sơn ẩn tu.

Năm 1944, lúc đó Ngài 22 tuổi, đã nhập định miên mật suốt 7 ngày 7 đêm ở Mũi Nai, Hà Tiên và ngộ đạo.

Từ năm 1944 – 1946, Ngài về trụ ở Chùa Linh Bửu, làng Phú Mỹ, tỉnh Mỹ Tho.

Năm 1947, Ngài bắt đầu thu nhận đệ tử Tăng Ni, thành lập Tăng đoàn Đạo Phật Khất Sĩ và hành đạo quanh vùng Mỹ Tho, Long An, Gò Công, Bến Tre, …

Từ năm 1948 - 1954, Ngài hướng dẫn Tăng đoàn đi hành đạo xa hơn về Sài Gòn, Gia Định, Chợ Lớn và các vùng sông nước miền Tây.

Ngày 1 tháng 2, năm 1954 (al), trên đường hành đạo ngang qua Vĩnh Long, Cần Thơ, Ngài bị một nhóm người ngoại đạo đưa đi biệt tích cho đến ngày nay, năm ấy Ngài 32 tuổi.

III. Tông chỉ và một vài đặc điểm nổi bật của Hệ phái Khất sĩ

1. Tông chỉ : Hệ phái Khất sĩ y theo chí nguyện: “Nối truyền Thích-ca Chánh pháp – Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam”; hành trì “Tứ Y pháp[5] và đề cao việc “Sống chung tu học: Cái sống là phải sống chung, cái Biết là phải học chung, cái Linh là phải tu chung”[6]. Biểu tượng của Hệ phái Khất sĩ là hoa sen và ngọn đèn Chơn lý bất diệt.[7]

2. Kinh luật : Kinh luật Hệ phái Khất sĩ dung hợp tinh hoa giáo pháp của hai truyền thống chính là Phật giáo Đại thừa và Phật giáo Nguyên thủy. Một số phần trong kinh tụng Khất sĩ giống với kinh tụng Bắc tông như Nghi thức Sám hối, Nghi thức Cầu an, Nghi thức Cầu siêu,[8] tuy nhiên các bài kinh tụng đều được dịch sang tiếng Việt thuần túy và phổ theo thể văn vần, hay thể thơ lục bát, song thất lục bát, thơ năm chữ. Kinh Phổ Môn, Kinh Di Đà hay các bài kinh ngắn như Kinh Bát-nhã, Tán thán Phật, Sám Mười phương, Mười nguyện, Phúng kinh, Nguyện tiêu, Nguyện sanh, Hồi hướng, Tự quy y đều được dịch từ kinh điển Bắc tông sang tiếng Việt và diễn thơ.[9] Chủ trương Việt hóa của Đức Tổ sư rất phù hợp với văn hóa người Việt cũng như phù hợp với trình độ dân trí quần chúng lúc bấy giờ tại miền Nam Việt Nam.

Về Giới luật, ngoài việc triệt để tuân thủ 10 giới căn bản, Hệ phái Khất sĩ dựa trên giới bổn Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni của trường phái Pháp tạng bộ. Tăng giữ 250 giới, Ni giữ 348 giới, đồng thời thực hành môn oai nghi căn bản.[10]

Đức Tổ sư Minh Đăng Quang đã sáng tác bộ Chơn lý gồm 69 tiểu luận, trong đó 9 tiểu luận dạy về Giới bổn, Luật nghi và pháp hành cho hàng Tăng Ni Phật tử Khất sĩ. 60 tiểu luận còn lại bàn về nguồn gốc vũ trụ, mối tương quan tiến hóa của thế giới tự nhiên và con người, phương pháp hành trì cho hàng xuất gia. Không những vậy, đức Tổ sư cũng bàn về các tôn giáo khác, tư tưởng Đại thừa cũng như soi sáng đạo lý sống ý nghĩa, thiết lập nguồn sinh khí hạnh phúc an lạc cho con người và chúng sinh.

3. Nghi lễ: Đức Tổ sư hướng đạo cho chư Tăng Ni Hệ phái Khất sĩ không chú trọng đến hình thức nghi lễ, không dùng mõ, khánh, tang, trống, đẩu, không ấn quyết, sái tịnh, lễ nhạc. Pháp cụ duy nhất chỉ là chuông nhằm giúp hành giả mỗi khi nghe tiếng chuông dừng bớt vọng tưởng, chánh niệm hiện tiền, tỉnh thức, nhất tâm.

Trên bàn Phật chỉ thờ duy nhất tôn tượng đức Phật Bổn sư Thích-ca Mâu-ni, vật trang nghiêm bàn thờ chỉ có ngọn đèn, chén nước, hoa trái, bát hương, không có tràng phan, bảo cái, lọng phướng.

Mỗi thời tụng niệm, người hành trì thân tâm thanh tịnh trong pháp phục trang nghiêm, Tăng Ni quấn thượng y, Phật tử mặc áo giới trắng, chắp tay cung kính, đối trước Tam Bảo. Người hành trì trước cúi người sát đất đảnh lễ Tam Bảo, kế tiếp tụng kinh; tụng lời kinh rõ ràng không ngân nga tán xướng chỉ chú trọng nhất tâm thành kính quán tưởng theo lời kinh, giác ngộ nguyên lý các pháp vốn vô thường, khổ, không, vô ngã, noi theo đó để hành trì, sửa đổi, chuyển hóa thân tâm mình trở nên thanh tịnh.

Hệ phái Khất sĩ đơn giản hóa nghi lễ, tuy nhiên trong trường hợp vì phương tiện giáo hóa tiếp độ phàm nhân, có thể ngang qua nghĩa lý kinh văn cầu an, cầu siêu giảng giải chân lý giúp người thức tỉnh, tỏ ngộ lối về bờ giác.

4. Tịnh xá : Trong Luật nghi Khất sĩ, đức Tổ sư dạy chư Tăng Ni Khất sĩ trú xứ không được quá xa cũng không quá gần xóm làng cư gia bá tánh, để vừa yên tĩnh tu hành vừa có thể dễ dàng trong việc khất thực, và cũng để thuận lợi cho Phật tử về nghe pháp học kinh.

Mô hình chánh điện trong tịnh xá Hệ phái Khất sĩ xây dựng theo kiến trúc hình bát giác biểu trưng Bát Chánh đạo; cổ lầu hình tứ giác biểu trưng cho giáo pháp Tứ Diệu đế - bốn Chân lý chắc thật muôn đời; trên đỉnh chóp chánh điện là hoa sen biểu trưng hoa giác ngộ thuần khiết thanh tịnh nở giữa cõi đời phiền não hoặc ngọn đèn chơn lý soi sáng cho trần thế.

Bên trong chánh điện có 4 trụ lớn chống đỡ cho toàn bộ cấu trúc chánh điện và bốn trụ biểu trưng cho bốn chúng Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, thiện nam và tín nữ. Tháp thờ tượng Phật Bổn sư ba tầng biểu trưng Ba Ngôi báu – Phật, Pháp, Tăng chính giữa chánh điện. Đỉnh tháp gỗ bọc tôn tượng có 13 bậc tuợng trưng 13 nấc tiến hóa của chúng sinh từ địa ngục đến chánh giác (Lục phàm, Tứ thánh, Tam tôn).[11]

5. Y bát, cốc lá: Chư Tăng Ni Khất sĩ sống đời đơn giản, đi khất thực, thuyết pháp dưới bóng cây, sân đình, ngủ nghỉ nơi gốc cây hoặc cốc lá, bên cạnh chỉ có ba y và bình bát. Thượng y của Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni được may chắp vá bằng vải vụn cũ, hoại sắc hoặc vải lấy từ bãi tha ma, sau đó nấu nước vỏ cây nhuộm thành màu vàng sậm đều. Cách quấn y của chư Tăng Khất sĩ như Phật giáo Nam Tông. Bình bát dùng đi khất thực, thọ thực được làm bằng đất, hông tròn 6 tấc, đốt đen có nắp đậy bằng nhôm. Cốc ván mái lá, rơm, bề dài 3m, bề ngang 2m, cột 2m50 cất khiêng, lót sàn 0m30.[12]

6. Tu học - sinh hoạt:

Ngoài việc tuân thủ hành trì giới luật Phật dạy trong Luật tạng Pháp tạng bộ, đức Tổ sư có chế định thêm nhiều thanh quy riêng thích hợp đời sống tu học đặc thù của Tăng Ni Hệ phái Khất sĩ, như về hạ lạp thọ giới Sa-di, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Thức-xoa; về phép đi khất thực; về vị trí các hạng mục trong tịnh xá; về phép đến nhà cư sĩ; về nghi biểu trong làm, đi, đứng, ngồi, nằm, phòng hộ 6 căn; về việc tu học tụng niệm của hàng xuất gia và tại gia. Vào những ngày 30, Rằm, mùng 8, 23, chư Tăng Ni thuyết giảng kinh pháp cho cư gia; mỗi sáng phải đi khất thực từ 8h-9h; trưa 11h độ ngọ và đọc kinh tới 13h; học pháp từ 15-16h; khuya chiều sáng ngồi thiền, tĩnh tâm; mỗi ngày phải học luật, sám hối, làm công quả. Ngoài việc tu niệm, chư Tăng Ni cũng phải bồi dưỡng kiến thức phổ thông và trình độ quốc ngữ.[13]

Mỗi năm vào ngày 1 tháng 2 (al), chư Tăng Ni Hệ phái tập trung về trụ xứ trung tâm mỗi giáo đoàn hoặc tại Pháp viện Minh Đăng Quang (505, xa lộ Hà Nội, Tp. HCM) để làm lễ Tưởng niệm ngày Đức Tố sư vắng bóng. Vào ngày này, chư Tăng Ni ôn lại cuộc đời và đạo nghiệp của Tổ sư, và nghĩa cử này cũng nhắc nhở, hâm nóng tinh thần tu tập, phụng sự chúng sinh của hàng xuất gia. Cũng thế, vào ngày Rằm tháng 7, chư Tăng Ni tập trung về trụ xứ trung tâm mỗi Giáo đoàn làm lễ Tự tứ sau đó tổ chức lễ Vu Lan Bồn. Các vấn đề cần bàn thảo, góp ý xây dựng cho các trụ xứ trực thuộc mỗi Giáo đoàn hoặc cho các cá nhân Tăng Ni đều được bàn thảo trong những kỳ hội họp này.

Hàng năm, Hệ phái Khất sĩ có những khóa tu Truyền thống định kỳ cho hội chúng Tỳ-kheo và Tỳ-kheo-ni; khóa tu cho Sa-di, Sa-di-ni, tập sự, khóa Bồi dưỡng kinh nghiệm trụ trì cho các vị trụ trì và Tăng Ni cao hạ. Trong các khóa tu này, pháp hành của Hệ phái tuyệt đối được vâng giữ như tịnh khẩu, không ăn chiều, không giữ tiền, không sử dụng điện thoại, internet, đi hóa duyên khất thực vào ngày khai mạc và bế mạc khóa tu.[14] Được tham gia các khóa tu học và được sự quan tâm, sách tấn của chư Tôn đức trong Hệ phái Khất sĩ, chư Tăng Ni các Giáo đoàn tu học và sinh hoạt đồng bộ, đoàn kết, hòa hợp có sự tiến bộ nhất định.

IV. Các giai đoạn hình thành và phát triển của Hệ phái Khất sĩ

Giai đoạn 1 - 1944 – 1954: Giai đoạn Hệ phái Khất sĩ thời kỳ đầu, Tăng Ni Khất sĩ tu học dưới sự hướng dẫn trực tiếp của đức Tổ sư Minh Đăng Quang. Suốt sáu thời trong ngày, chư Tăng Ni giữ giới, hành pháp nghiêm nhặt. Lúc bấy giờ, Tăng đoàn Khất sĩ hình thành được 20 tịnh xá ở miền Nam Việt Nam, có khoảng 100 Tăng Ni và hàng ngàn Phật tử quy y Tam Bảo.[15]

Giai đoạn 2 - 1954 – 1974: Sau khi đức Tổ sư vắng bóng, chư đức Thầy đi khắp nơi hành đạo, tuy nhiên vẫn vâng giữ giới pháp đặc thù của Hệ phái Khất sĩ một cách nghiêm túc. Năm 1957 – 1958, Trưởng lão Giác Tánh và Giác Tịnh thành lập Giáo đoàn II, hành đạo ở vùng duyên hải miền Trung từ Bình Thuận ra đến Quảng Trị. Trưởng lão Giác An thành lập Giáo đoàn III, địa bàn hành đạo từ một phần miền duyên hải miền Trung lên Tây Nguyên. Năm 1967, Pháp sư Giác Nhiên thành lập Giáo đoàn IV hành đạo ở miền Nam, Trưởng lão Giác Lý thành lập Giáo đoàn V và năm 1962, Hòa thượng Giác Huệ - Giác Đức thành lập Giáo đoàn VI, tập trung giáo hóa ở vùng Đông và Tây Nam Bộ. Ni trưởng Huỳnh Liên và quý Ni trưởng thành lập Giáo hội Ni giới Khất sĩ Việt Nam lấy Tịnh xá Ngọc Phương, quận Gò Vấp-Gia Định làm văn phòng chính.[16]

Tháng 5 - 1966, Hệ phái Khất sĩ thành lập Giáo hội Tăng-già Khất sĩ Việt Nam. Năm 1971, Giáo hội thành lập 2 viện: 1. Viện Chỉ đạo, cung thỉnh chư Trưởng lão Tôn túc chứng minh; 2. Viện Hành đạo, quy tụ chư Thượng tọa, Đại đức có năng lực đảm đương Phật sự.[17]

Giai đoạn 3 - 1975 – 1981: Sau 1975, chư Tăng Ni Khất sĩ tập trung tu học tại các trú xứ nhất định. Một số vị tùy duyên hành đạo sang nước ngoài như Mỹ, Úc. Tháng 11, năm 1981, tại chùa Quán Sứ, Hà Nội, Giáo hội Phật giáo Việt Nam ra đời và Hệ phái Khất sĩ trở thành một trong chín thành viên sáng lập.

Gian đoạn 4 - 1982 – ngày nay (2017): Hệ phái Khất sĩ hòa chung với các truyền thống Phật giáo trong ngôi nhà Giáo hội tu học và sinh hoạt ổn định. Hiện nay, Hệ phái Khất sĩ có 6 giáo đoàn Tăng, 4 đoàn Ni trực thuộc Giáo đoàn Tăng và 1 Giáo đoàn Ni. Theo thống kê năm 2014, ở trong nước, số Tăng Ni Khất sĩ trên 3000 và hơn 500 tịnh xá. Ở nước ngoài có khoảng 50 tịnh xá và hơn 100 Tăng Ni Khất sĩ đang tu học hành đạo. Số lượng Tăng Ni Hệ phái Khất sĩ tốt nghiệp các khóa học bậc cao – Hậu tiến sĩ: 2 vị, Tiến sĩ: 38 vị, Thạc sĩ: 26 vị và hàng trăm vị đã và đang học Chương trình Đại học Phật giáo tại Học viện Phật giáo Bắc-Trung-Nam Việt Nam.[18]

V. Lời kết

Đức Tổ sư Minh Đăng Quang hiện hữu nơi trần thế 32 năm, 10 giác ngộ, tu tập và hành đạo, khai sáng Đạo Phật Khất Sĩ - một truyền thống Phật giáo mới tại miền Nam Việt Nam. Con đường của Tổ đi nối tiếp con đường năm xưa của đức Phật Thích-ca Mâu-ni đã truyền thừa, nên có thể nói Tăng đoàn Khất sĩ thời kỳ mới thành lập là bản sao của Tăng đoàn thời Phật.

Hơn 70 năm trôi qua, trước sự biến đổi liên tục của đất nước xã hội, Hệ phái Khất sĩ tùy duyên hội nhập mang lợi ích đến chúng sinh chung song vẫn tu hành giữ gìn bản sắc của đạo Phật giác ngộ chân chính đó là thực hành Giới Định Tuệ, tu học trên tinh thần “Sống chung tu học” đúng với chí nguyện “Nối truyền Thích – ca Chánh pháp”.

Điểm nổi bật của Đạo Phật Khất Sĩ là kết hợp những tinh túy của Phật giáo Đại thừa và Nguyên thủy mà hình thành nên. Vì vậy, Đạo Phật Khất Sĩ có thể được ví như chiếc cầu nối giữa hai truyền thống Phật giáo lớn hiện có mặt tại Việt Nam lúc bấy giờ . Mặc dù Đạo Phật Khất Sĩ ra đời muộn màng nhưng y theo đường lối của Phật Tăng xưa, trung thành với hoài bão chư Phật, lại xuất hiện tại bổn xứ, bình dị gần gũi, phù hợp với phong tục tập quán, tư duy, nguyện vọng của người Việt giúp Phật tử dễ dàng lãnh hội áo nghĩa của đạo Phật.

Từ năm 1981 đến nay, Hệ phái Khất sĩ đã có nhiều đóng góp trong các lĩnh vực tinh thần, Phật sự, góp phần xây dựng phát triển Giáo hội Phật giáo Việt Nam, mang lại lợi lạc hạnh phúc cho mọi người và chúng sinh.[19]

                                                                                                                                       

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.Tổ sư Minh Đăng Quang, Chơn lý, Nhà xuất bản Tổng hợp Hồ Chí Minh, TP. Hồ Chí Minh, 1998.

2.Tổ sư Minh Đăng Quang, Luật nghi Khất sĩ, Thành hội Phật giáo TP. Hồ Chí Minh, TP. Hồ Chí Minh, 1993.

3.Hệ phái Khất sĩ, Nghi thức Tụng Niệm, (2010), Nhà xuất bản Tôn giáo, Hà Nội, 2010.

4.Hàn Ôn, Minh Đăng Quang pháp giáo, Chúng Minh Đăng Quang ấn hành, TP. HCM, 2001.

5. HT.TS. Thích Trí Quảng, HT.TS Thích Giác Toàn, TS. Nguyễn Quốc Tuấn (chủ biên), Hệ phái Khất sĩ – Quá trình hình thành, phát triển và hội nhập, Nhà xuất bản Hồng Đức, Hà Nội, 2016.

6.Kỷ yếu Hội thảo Khoa học 300 năm Phật giáo Gia Định-Sài Gòn, Nhà xuất bản Tổng hợp Hồ Chí Minh, TP. Hồ Chí Minh, 2002.


[1] Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, Hà Nội, NXB. Văn học, 1979, tr. 9.

[2] Sđd, tr. 526.

[3] Hàn Ôn, Minh Đăng Quang pháp giáo, TP. HCM, Chúng Minh Đăng Quang ấn hành, 2001, tr. 26.

[4] Sđd, tr. 19.

[5] Tổ sư Minh Đăng Quang, Chơn lý, “Luật nghi Khất sĩ”, TP. HCM, Nhà xuất bản Tổng hợp Hồ Chí Minh, 1998, tr. 223.

[6] Sđd. tr. 832.

[7] HT. Thích Giác Toàn, Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam – Ánh đạo vàng lan tỏa, http://www.daophatkhatsi.vn/he-phai/tong-quan.html

[8] Hệ phái Khất sĩ, Nghi thức Tụng niệm, Hà Nội, NXB. Tôn giáo, 2010, tr. 30.

[9] Sđd, tr. 117.

[10] Tổ sư Minh Đăng Quang, Luật nghi Khất sĩ, Hồ Chí Minh, NXB. Tổng hợp TP HCM, 1993, tr. 179.

[11] Sđd. tr. 51.

[12] Sđd. tr. 38.

[13] Sđd. tr. 51.

[14] Trang nhà Hệ phái Khất sĩ: www.daophatkhatsi.vn/phap-hanh-khat-si/

[15] Hàn Ôn, Minh Đăng Quang Pháp giáo, TP. HCM, Chúng Minh Đăng Quang ấn hành, 2001, tr. 42.

[16] HT. Thích Giác Toàn, “Hệ phái Khất sĩ – 60 năm sau thời Tổ sư Minh Đăng Quang vắng bóng”, Hệ phái Khất sĩ – Quá trình hình thành, phát triển và hội nhập, Hà Nội, NXB Hồng Đức, 2016, tr. 741.

[17] HT. Thích Giác Toàn, Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam – Ánh đạo vàng lan tỏa, http://www.daophatkhatsi.vn/he-phai/tong-quan.html

[18] Bùi Hữu Dược, “Hệ phái Khất sĩ góp phần xây dựng đất nước và Giáo hội Phật giáo Việt Nam”, Hệ phái Khất sĩ – Quá trình hình thành, phát triển và hội nhập, Hà Nội, NXB Hồng Đức, 2016, tr. 921.

[19] HT. Thích Giác Toàn, Diễn văn Khai mạc Lễ Chào mừng Đại lễ Kỷ niệm 35 năm GHPGVN thành lập HPKS , http://www.daophatkhatsi.vn/he-phai/tong-quan.htm