Đây là đâu (Phần 12)

PDang p12- Pháp Đăng lại đây mẹ bảo? Con trai yêu dấu của mẹ, mẹ nhớ con nhiều lắm.

- Dạ, mẹ nói nhớ con, mà sao mẹ lại bỏ con đi, con cũng nhớ mẹ nhiều lắm, khi nào mẹ mới trở về sống bên con.

- Không được con à, mẹ chết rồi thì làm sao sống với con được nữa.

- Nhưng con muốn được ở bên cạnh mẹ, con cô đơn lắm mẹ à! Nói rồi Pháp Đăng ôm mặt khóc.

- Mẹ biết, mẹ thương con trai của mẹ nhiều lắm. Nhưng con phải mạnh mẽ lên Pháp Đăng, mẹ luôn bên cạnh con và ủng hộ những quyết định của con.

- Thôi! Trời sắp sáng rồi, mẹ phải đi đây, con nhớ ở lại mà giữ gìn sức khỏe nha Pháp Đăng. Mẹ yêu con nhiều lắm.

- Mẹ! Mẹ, đừng bỏ con đi.

Pháp Đăng chợt giật mình tỉnh giấc trong mồ hôi nhễ nhãi, nhìn đồng hồ giờ này đã gần 4 giờ sáng, Pháp Đăng nằm trên giường một mình mà nhớ lại giấc mơ, rồi Pháp Đăng nở nụ cười khi đây là lần đầu tiên Pháp Đăng được nằm mơ thấy mẹ về bên cạnh Pháp Đăng, Pháp Đăng cố gắng nhớ lại hình ảnh khuôn mặt của mẹ, chỉ thoáng thoáng là hình ảnh của một người con gái tóc phủ dài trên khuôn mặt khoảng độ 35 tuổi . Pháp Đăng nhẹ nhàng lấy ra quyển tập trắng để viết lại những lời của mẹ nói mà Pháp Đăng đã nghe được trong giấc mơ. Rồi Pháp Đăng nói thầm:

- Mẹ chờ con nhé! Sau này, con sẽ như Ngài Mục Kiền Liên để xuống địa ngục cứu mẹ.

Vừa nói xong, tiếng kẻng báo hiệu tới giờ công phu sáng vang lên. Pháp Đăng nhẹ nhàng ngồi dậy xếp mền gối ngăn nắp và đi rửa mặt để lên chánh điện chuẩn bị kinh kệ, thắp đèn Phật cho thời công phu sáng.

Sau buổi điểm tâm, thầy Đạo lên tiếng:

- Hôm nay, chùa mình nhận được hai đám vào buổi sáng, đám tang ở quận Bình Thạnh thì tôi giao cho mấy chú, còn ở quận Tân Bình thì chú Pháp Đăng đi với tôi. Nhớ mang theo đầy đủ chuông mõ, kinh tụng và mấy tấm phướn tôi đã viết.

Rồi Pháp Đăng vào chuẩn bị công việc mà hằng ngày mình phải làm trước khi đi đám, được một hồi thì có xe của gia chủ đến đón. Pháp Đăng nhẹ nhàng lên phòng báo cho thầy Đạo biết.

Xe vừa chạy đến nhà gia chủ, Pháp Đăng đã nghe được tiếng khóc òa của gia đình đang đứng quanh chiếc quan tài, Pháp Đăng thấy di ảnh trên bàn là hình ảnh của một người phụ nữ trẻ có mái tóc dài mượt, chung quanh là tiếng gào khóc của những đứa con nhỏ đang mặc bộ đồ tang đứng phía trước quan tài trong khung cảnh đầy tang thương.

Thầy Đạo lên tiếng:

- Pháp Đăng, con vô bảo gia chủ chuẩn bị dọn cơm lên để cúng linh lần cuối, cúng xong là tiến hành làm lễ di quan (Lễ di chuyển quan tài đi chôn hay hỏa táng).

Pháp Đăng đứng một góc đánh mỏ và chuông, còn thầy Đạo quỳ chính giữa niệm hương xong, thầy Đạo cũng đứng một bên để các con nhỏ quỳ chính giữa mà dâng cơm cúng mẹ lần cuối trước khi di quan.

Thầy Đạo đọc bài kệ:

Hôm nay, dâng cúng cơm nầy

Sắc, hương, mỹ, vị biến đầy hư không

Thành tâm tha thiết ngưỡng mong

Hương linh nạp thọ, tấc lòng nhớ thương.

Ðây bát cơm đầy nặng ước mong,

Mẹ ơi! Ðây ngọc với đáy lòng.

Ðây tình còn đọng trong tha thiết,

Ân nghĩa sanh thành chưa trả xong.

Lễ hương linh mẹ hiền nhị bái. (Thầy đọc to).

Rồi thầy đọc tiếp bài kệ:

Cõi xa ấy mẹ đi không trở lại,

Phương trời này con tiễn bước mẹ đi

Ôi! Hành trang cuối phút phải chia ly

Mảnh khăn trắng phủ mái đầu con dại.

Pháp Đăng nghe tiếng òa khóc thở than của đàn con nhỏ đang quỳ sập trước bàn thờ mẹ, mà Pháp Đăng chạnh lòng xót xa vô cùng trước cảnh sanh ly tử biệt.

- Giờ động quan đã đến, xin mời gia chủ đứng lên để đội mai táng vào làm lễ. Thầy Đạo hô to.

Và đội mai táng từ từ tiến vào để đưa chiếc quan tài nâng lên vai để đưa ra khỏi nhà, đi phía trước là những đứa con cầm di ảnh, lư hương của mẹ, vừa bước đi vừa khóc nức nở. Pháp Đăng đứng bên cạnh đánh mõ trợ niệm cho hương linh trong những tiếng niệm Phật nghe não lòng và bi thương.

Chợt nhìn thấy cảnh quan tài của người mẹ từ từ tiến ra, Pháp Đăng bỗng nhớ lại hình ảnh của mẹ trong giấc mơ sáng nay mà trước lúc ra đi mẹ đã nói:

- Thôi! Trời sắp sáng rồi, mẹ phải đi đây, con nhớ ở lại mà giữ gìn sức khỏe nha Pháp Đăng. Mẹ yêu con nhiều lắm.

Rồi Pháp Đăng với theo kêu mẹ trong vô vọng:

- Mẹ! Mẹ, đừng bỏ con đi mà.

Bỗng chợt, Pháp Đăng úa khóc nức nở như chính mình cũng đang đưa tiễn người mẹ trẻ kia đang từ biệt đàn con dại mà ra đi mãi mãi.

Kết thúc đám tang sáng nay, trên đường về lại chùa mà lòng Pháp Đăng vẫn còn mãi vương vấn hình ảnh của mẹ trong giấc mơ mà Pháp Đăng đang cố nhớ lại khuôn mặt của mẹ mình như thế nào, nhưng không tài nào nhớ được, Pháp Đăng nhìn ra ngoài bên khung cửa xe, Pháp Đăng nghĩ về thân phận của những người con nhỏ lúc nãy rồi sẽ ra sao khi không có mẹ bên cạnh trong những tháng ngày sắp tới và thương cho chính thân phận của mình, một đứa bé mồ côi đang lạc lõng giữa dòng đời tấp nập. Nghĩ được một lúc, thì thầy Đạo quay đầu xuống nhìn Pháp Đăng bảo:

- Cái ông tiểu này, đi đám gì mà lần nào cũng khóc. Người gì mà đụng cái là xúc động, đụng cái là khóc nhè như mấy đứa con nít thèm sữa mẹ.

Nghe thầy Đạo nói, Pháp Đăng ngượng ngùng vội lau đi dòng nước mắt còn đang ướt đẫm trên khuôn mặt.

- Vừa về tới chùa, vẫn là tiếng chó sủa inh ỏi, quẫy đuôi chào đón các thân chủ của mình. Pháp Đăng vội lên phòng mở ra quyển tập lúc sáng mình đã ghi lại thật cẩn thận những lời mà Pháp Đăng nghe được từ mẹ trong giấc mơ:

- Pháp Đăng con phải mạnh mẽ lên, mẹ luôn bên cạnh con và ủng hộ cho những quyết định của con.

Rồi Pháp Đăng ôm quyển tập vào lòng và nở nụ cười ấm áp như chính có mẹ bên cạnh mình để an ủi và đồng cảm.

Chú Nguyên đến bên cạnh Pháp Đăng hỏi:

- Sáng nay đi đám ở đâu mà về mặt ủ rũ vậy chú.

- Dạ, không có gì. Pháp Đăng đáp và vội cất quyển tập vào lại trong giỏ.

Ngồi xuống bên cạnh Pháp Đăng, chú Nguyên nói tiếp:

- Pháp Đăng nè! Tôi mới được chú Phong gọi điện báo là bên Học viện Phật giáo đang phát hồ sơ tuyển sinh năm học mới, chú Phong còn nói là trường sẽ đặc biệt khuyến khích Tăng –Ni trẻ như tôi vào thi tuyển, mà tôi cảm thấy bối rối lắm không biết phải làm sao, tôi đã dành dụm được ít tiền trong lúc đi đám chỉ đủ kinh phí học trong một năm đầu, còn tiền nhà trọ thì chú Phong nói tôi có thể hùn với chú nếu thầy Đạo không đồng ý cho đi học.

- Rồi sư huynh tính sao? Pháp Đăng hỏi.

- Thì chắc phải làm liều thôi chú ạ, trưa nay ăn cơm xong tôi sẽ đánh liều lên xin thầy, nếu thầy không cho chắc tôi phải ra đi. Vì tôi muốn được đi học như các huynh đệ khác, chú biết không, mỗi lần chạy xe ngang qua Học viện, tôi thấy các huynh đệ Tăng –Ni bằng tuổi mình đang nô nức mang cặp sách trên tay ra vào cổng trường cười nói. Nhìn lại mình mà thấy tủi thân lắm chú ạ.

Pháp Đăng ngơ ngác hỏi:

- Mà tại sao thầy Đạo không cho huynh đi học.

- Thì cho đi học rồi, thì ai ở chùa mà đi cúng đám nữa chú.

- Như vậy rồi tương lai của huynh sẽ ra sao nếu không được đi học.

- Thì làm thầy cúng chứ sao.

- Mà thầy cúng là sao ?

- Thì là ông thầy chỉ biết đi cúng, đi đám, coi tướng số,…cho người ta đó.

- Còn nếu mình đi học?

- Thì mình có được môi trường tốt để sống chung với các huynh đệ có cùng mục đích lý tưởng phụng sự chúng sanh, đặc biệt được các vị giáo sư giỏi có trình độ Phật học uyên thâm giảng dạy Phật pháp cho mình, rồi mình mới biết đâu là đúng, đâu là sai, đâu là mê tín và đâu là chánh tín chứ. Rồi sau này mình mới có kiến thức trình độ Phật học để đi giảng dạy cho Phật tử, mang lời Phật dạy đến với mọi tầng lớp trong xã hội như giới tri thức, người có học thì Phật pháp mới được xương minh và phát triển, mới xứng danh là người đệ tử Phật, thay Phật truyền bá chánh pháp chứ. Chú Nguyên nói trong với khuôn mặt đầy khát vọng.

- Chú biết không, mấy bữa có mấy bà vào đây hỏi tôi: Chú ơi! ở đây có coi bói không, tôi lén thầy Đạo nói, ở đây là chùa chỉ có thầy tu chứ không có thầy bói. Mấy cô muốn coi bói thì kiếm chỗ khác. Tôi cũng gan thiệt, thầy Đạo mà biết chắc tôi no đòn đó chú.

Nghe chú Nguyên nói vậy, Pháp Đăng vội nhớ lại:

Khi mỗi lần đứng bên cạnh cho thầy Đạo sai việc, khi có người vào nhờ thầy xem bói. Sau khi nghe họ than thở buồn phiền, khó khăn, thất bại trong đời sống thì thầy Đạo đều trả lời duy nhất một câu:

- Có vong theo phá.

Những cô cậu trẻ mới lớn thì thầy bảo là có vong con nít theo, cho đến những người lớn tuổi cũng đều có vong chồng, vợ, con, cho đến vong hàng xóm, rồi thầy lấy trong tủ ra một tờ giấy và viết mấy chữ Tàu vào đó mà Pháp Đăng đọc không hiểu và đưa cho họ giữ trong người, bảo vài hôm sau quay lại chùa để thầy làm lễ trục vong.

Có lần Pháp Đăng mạnh dạn hỏi thầy Đạo:

- Thưa thầy, con có bị vong theo không ?

Thầy Đạo cười bảo:

- Con là chú tiểu thì chắc cho vong của mấy cô tiểu Ni theo.

Làm Pháp Đăng tưởng thật, còn nhờ thầy Đạo làm lễ trục vong giùm mình như những người đến xem bói. Thầy Đạo cười to và bảo:

- Tôi đùa chú thôi, chứ vong cũng đâu có rảnh đâu mà theo chú chi cho mệt.

Và cứ thế khi họ quay lại, thì việc Pháp Đăng phải làm là để chiếc mõ trên đầu họ mà đánh theo tiếng tụng chú ngân vang, còn thầy Đạo thì đốt tờ giấy có ghi bùa và đưa cho họ uống. Cứ thế là vong đã được trục ra khỏi, người ta cảm ơn tha thiết như đã thoát khỏi gánh nặng đời mình mà trả lễ ra về.

Có lần, Pháp Đăng tự hỏi, chẳng lẽ thầy Đạo đã đắc quả thành Phật rồi, nếu không thì làm sao thầy Đạo có thể thấy được những vong linh, mà sao, ai thầy cũng phán là có vong theo để kêu họ quay lại làm lễ trục vong. Pháp Đăng còn có ý định nhờ thầy Đạo cứu mẹ Pháp Đăng giùm nơi địa ngục.

Chú Nguyên vội thổ vai Pháp Đăng bảo:

- Tôi đang nói chuyện với chú mà chú mơ mộng gì đó.

Pháp Đăng giật mình trả lời:

- Ừ! Trưa nay sư huynh có gì xin thầy Đạo thử, biết đâu thầy suy nghĩ lại vì tương lai của mấy chú tiểu như mình mà cho đi học thì sao.

- Ừ! Tôi cũng hy vọng vậy, chứ mấy chú trước xin đi học bị thầy đuổi thẳng cẳng rồi nên tôi cũng sợ lắm. Có gì chú ủng hộ tinh thần cho tôi nha, chứ tôi nhát lắm. Nói rồi, chú Nguyên đứng dậy bỏ đi.

Pháp Đăng nằm một mình nhớ lại lời chú Nguyên vừa mới nói, Pháp Đăng cảm thấy nhớ trường lớp vô cùng, nhớ lời hứa quay trở về rước sư đệ Pháp Bảo nữa, mà mấy tháng nay Pháp Đăng có được đi ra ngoài đâu, ngoài việc đi cúng đám rồi về chùa, và ra chợ mua thịt về cho mấy con chó phốc, thì làm sao mà có thể đi rước Pháp Bảo, rồi Pháp Bảo sẽ ở đâu, khi chính mình cũng đang bơ vơ giữa một khung trời không mục đích, không hướng đi. Rồi Pháp Đăng nhớ lại câu nói mà mình đã hỏi chú Nguyên.

- Như vậy rồi tương lai của huynh sẽ ra sao nếu không được đi học.

- Thì làm thầy cúng chứ sao.

Rồi Pháp Đăng nói thầm:

- Chắc đây cũng là câu trả lời cho tương lai của chính mình.

CÒN TIẾP PHẦN 13: HƯỚNG ĐI