Để trở thành triệu phú nội tâm

ngoithienTrích Vạn pháp vốn thế (The Things As They Are)

(Nguyên bản: To Be an Inner Millionaire của Thiền sư Maha Boowa Ñanasampanno, Thượng tọa Thanissaro dịch từ tiếng Thái sang tiếng Anh).

Đi tìm nguồn tài sản nội tâm rất giống với việc đi tìm tài sản vật chất bên ngoài. Trong việc tìm kiếm gom góp tài sản bên ngoài, người thông minh không gặp khó khăn gì, họ có thể đạt được một cách dễ dàng, tuy nhiên người thiểu trí phải gặp lắm điều trở ngại. Hãy nhìn xung quanh và bạn sẽ phát hiện ra rằng, người nghèo khó rất nhiều trong khi người giàu chỉ vài ba người. Điều này cho thấy người thiểu trí nhiều và người thông minh thật ít ỏi, nhưng điều đáng nói ở đây là tại sao số người nghèo lại nhiều hơn người giàu?

Đi tìm tài sản bên trong - đó là công đức và một bản tâm thánh thiện - Giống như gìn giữ sự thật, nó tùy thuộc vào sự khôn ngoan hơn bất cứ yếu tố nào khác. Nếu chúng ta si mê, cho dù được ở trên đường viền chiếc y của đức Thế Tôn hay y của chư Thánh đệ tử, chúng ta cũng đều phải nhận lãnh kết quả từ sự vô minh của chính mình mà thôi. Để có sự khôn ngoan hay thánh hạnh như đức Thế Tôn và các bậc Thánh đệ tử, thật là khó khăn thay đối với một kẻ ngu muội, bởi vì tài sản bên trong tùy thuộc vào khả năng khôn ngoan, thông tuệ. Nếu không có chút trí tuệ, chúng ta sẽ không thể nào tìm thấy tài sản bên trong để làm cho trái tim ta hạnh phúc thanh thản.

Tài sản bên ngoài là những thứ rất quen thuộc với chúng ta. Tiền bạc, tiện nghi vật chất, vật dụng trong đời sống và nhiều thứ khác..., tất cả những thứ này được kể như là tài sản. Chúng được xem là tùy thuộc vào bất cứ ai có quyền sử dụng chúng. Cũng thế, tôn trọng sự thật cùng với đạo đức và hạnh lành, chúng ta gọi đó là công đức. Nếu người không thông minh vun bồi công đức và tu dưỡng đạo đức hạnh lành giống như những người xung quanh đây, kết quả tùy thuộc vào sự khôn ngoan hay ngốc nghếch của họ. Nếu có chút khôn ngoan, thông minh, họ sẽ tạo được chút công đức.

Đối với những người như chúng ta đây đã thọ giới pháp trong ngôi nhà Phật pháp, mục đích của chúng ta là tu tập nơi chính tự thân để vượt thoát ra ngoài mọi đau khổ, bất an, giống như một người có mục đích duy nhất là luôn kỳ vọng trở thành triệu phú vậy.

Con người trên thế giới này thường được quy trong ba hạng: Thứ nhất là những người sinh trong hoàn cảnh nghèo nàn, vì cha mẹ họ quá mê muội, không có chút tài sản gì để lại cho họ. Họ chỉ còn cách lấy việc ăn xin làm kế sinh nhai. Mỗi buổi sáng thức dậy, họ lân la xin ăn từ nhà này đến nhà khác, từ đường này sang đường nọ, đôi lúc xin đủ cái ăn trong ngày, đôi khi không có gì. Con cái của họ cũng chịu cùng “nghiệp cảnh hiện tại” của họ. Đó là hạng người chịu đựng cái nghèo thiếu vốn dĩ đã tiềm tàng sẵn, nên họ bị sinh vào gia đình bần cùng. Họ không hề có suy nghĩ trở nên triệu phú như bao người có tài sản trên thế giới. Họ được sinh ra như khuôn đúc của cha mẹ, họ lười biếng và ngốc nghếch không gì khác song thân vậy. Họ sống trong nghèo khổ cùng với cha mẹ, ra ngoài xin ăn có lúc no lúc đói.

Hoặc có hoàn cảnh khá hơn một chút. Có những gia đình cha mẹ nghèo thiếu và kiếm sống bằng nghề ăn trộm, cướp giật. Những gì họ mang về để nuôi con cái đều bằng cái nghề ấy, và họ còn nói cho con cái biết xuất xứ những thứ kiếm được từ đâu. Những đứa con bị tiêm nhiễm sự giáo dục này từ cha mẹ và lớn lên bằng mớ vật chất không trong sạch, có được từ sự dối gạt, trộm cắp, cướp bóc. Thế nên khi lớn lên, chúng không suy nghĩ nên tìm công việc đàng hoàng hay đi học những trường lớp cần phải học. Chúng đã tiếp nhận sự giáo dưỡng từ cha mẹ, đã học cách ăn cắp, lừa đảo, ăn trộm, cướp của, lười nhác lao động và tính không thật thà. Đấy bởi cha mẹ đã tạo sẵn tấm bảng đen viết đầy chữ là những việc làm, tư cách của họ lâu nay như thế. Mỗi đứa con họ sinh ra nhận sự nuôi dưỡng tập tành cách làm, cách nói, cách nghĩ giống theo khuôn của họ. Mọi điều giáo dục của cha mẹ đã trở nên như vậy do từ nét bút, cách dạy, tất cả đều đã in trên tấm bảng đen của cha mẹ. Lười nhác, không chân thật, gian dối, lừa bịp: Tất cả mọi chi phần của bất thiện đều đã được viết trên hai tấm bảng đen ấy. Lũ trẻ học đọc, học vẽ, học viết từ cha mẹ chúng và tự trang bị cho mình mớ hiểu biết ấy, và đó là nguyên nhân sẽ làm thế giới bùng cháy trong lửa dữ. Ngay từ lúc bắt đầu khôn lớn, họ đã nhận nhiệm vụ từ cha mẹ là đi ăn cắp vặt cái này cái kia, cho đến khi chúng dần dần trở thành những tên du côn, tạo ra lắm phiền toái lo lắng cho xã hội. Đây là một trong những nguyên nhân tạo nên ngọn lửa lớn thổi bùng thế giới cháy mãi không bao giờ dừng. Những nguyên nhân mà con người ta có thể hủy hoại trên bình diện rộng lớn giống như thế này có thể phát sinh từ những bậc cha mẹ, hoặc từ bẩm tính, hoặc từ kết giao với bạn bè xấu ác, bất lương. Đấy là một hạng người có mặt trong thế giới này.

Loại người thứ hai có quan điểm là mặc dù họ sẽ không trở thành những triệu phú, họ vẫn đủ cái ăn mặc và sinh hoạt như bao nhiêu người khác, và là những công dân tốt giống như phần lớn người dân trong xã hội để họ có thể giữ gìn được tiếng thơm. Loại người này siêng năng làm việc, ít khi nào lười nhác. Họ có đủ vật sở hữu trong một cuộc sống bình thường của tầng lớp công dân tốt. Khi họ có con cái, những đứa trẻ lấy cha mẹ làm tấm gương, chúng học được từ công việc, cách cư xử, mọi cử chỉ từ cha mẹ như được viết trên bảng đen. Một khi có được kiến thức từ cha mẹ, chúng áp dụng vào trong cuộc sống và trở thành những công dân tốt, với tài sản đủ dùng được góp nhặt từ sự lao động chăm chỉ, có thể bảo quản giữ gìn tốt trong đời, họ không mất mặt hay làm cho gia đình hỗ thẹn.Họ có đầy đủ uy tín trong các mối quan hệ với mọi người trong xã hội, và trong mọi quan hệ nói chung họ không bị tẩy chay ruồng bỏ. Họ cư xử theo cách nghĩ của họ đến khi họ trở thành những công dân đàng hoàng có tài sản vừa đủ để đời sống của họ không lâm vào cảnh nghèo nàn túng thiếu. Đây là hạng người thứ hai.

Hạng người thứ ba khác với hai hạng người trên. Họ khẳng khái quyết đoán, không bận tâm chuyện gì ngoài việc để có thêm của cải tài sản hơn người trên thế giới. Họ đi đầu trong phương diện này từ lúc vừa mới khởi đầu, bởi vì họ đã có cơ may được sinh trong gia đình đạo đức và tài sản giàu có. Họ học được sự khéo léo và tính siêng năng từ cha mẹ, bởi cha mẹ họ làm việc cần cù trong thương trường và đầu tư toàn bộ thời gian cho công việc. Bất cứ cha mẹ làm gì, những đứa con đều chứng kiến cả. Bất cứ cha mẹ nói gì liên quan đến công việc bên trong hay bên ngoài nhà cửa, gần hay xa, những đứa con - như những học trò tự nhiên - sẽ lắng nghe và ghi nhớ trong tim, bởi vì chúng không chỉ là những học trò mà còn là những trợ thủ tin cậy gần gũi nhất của cha mẹ. Cha mẹ không thể trông nom quán xuyến hết mọi việc, nên rồi con cái trở thành những giám sát công nhân của cha mẹ cả bên trong lẫn bên ngoài gia đình, và cả trong tất cả công việc cha mẹ gầy dựng. Trong tất cả công việc, cha mẹ là người có trách nhiệm, còn con trẻ sẽ là những học trò và còn là công nhân, cùng lúc để tai mắt xem xét và suy ngẫm những việc đang diễn ra xung quanh. Tất cả mọi việc, hoặc trong lãnh vực đời sống như buôn bán hay trong lãnh vực giáo pháp - như là gìn giữ giới luật, tụng kinh, ngồi thiền - đều là những việc con trẻ sẽ phải học và tập làm từ cha mẹ.

Vì vậy, cha mẹ không nên bằng lòng với hành động xấu hay tốt của chính mình, làm việc theo sở thích và nghĩ rằng trẻ con sẽ không thể nào học hỏi từ họ được đâu.Cách nghĩ đó hoàn toàn không đúng, bởi từ cách họ đối xử tử tế hay trái với luân lý, trái với đạo đức truyền thống dân tộc đều xuất phát từ những gì họ đã học được khi còn là trẻ con. Đừng cho rằng nó bắt nguồn từ nơi nào khác, vì không ai lại ép người già đi học cả.

Vậy nên chúng ta phải biết rằng trẻ em bắt đầu học những điều tự nhiên từng bước một mỗi ngày từ khi hiện diện trong đời cho đến khi cha mẹ đưa chúng đến trường học. Những nguyên lý tự nhiên ở khắp mọi nơi để bất cứ ai quan tâm, bất cứ ai để ý - dù em bé hay người lớn - đều có thể học được từ chúng trong mọi lúc, không giống như việc học một cách hình thức máy móc và học từ sách vở, nó hình thành trong một lúc nào đó và rồi thay đổi hay biến mất khi sự việc khác xuất hiện thay thế. Chính vì vậy, cha mẹ là khuôn đúc ảnh hưởng nhiều nhất đối với con cái trong cách dạy dỗ, chăm sóc chỉ bảo, tưới tẩm tình thương yêu, cả 2 yếu tố - tự nhiên và những nguyên tắc sống cơ bản để con cái tiếp thu từ cha mẹ. Tất cả trẻ em sẵn sàng tiếp thu học hỏi từ người lớn và từ những bạn nhỏ xung quanh. Chúng sẽ trở thành những em bé ngoan hay lì lợm đều tùy vào sự hiểu biết mà chúng đón nhận từ môi trường chung quanh. Khi kho chứa trong tâm lưu giữ cái biết này, nó sẽ vận dụng ngay trong ứng xử của chúng, hình thành nên tư cách tốt hay xấu như chúng ta thường thấy ở các em. Quan trọng nhất là những gì chúng học từ các yếu tố tự nhiên, những điều này đâu có do trường lớp dạy bảo nhưng con người ta lại học hỏi rất nhanh và nhanh hơn bất cứ điều gì các thầy cô giáo ở trường dạy dỗ.

Như thế cha mẹ và thầy cô giáo nên tạo ấn tượng đặc biệt cho mỗi bé mà mình có trách nhiệm dạy dỗ. Ngay cả khi cha mẹ hướng dẫn con làm việc, giúp đỡ trong việc mua bán tại nhà, con trẻ đang học cách mưu sinh bằng việc buôn bán từ cha mẹ - chúng học hỏi từng ngày những điểm xấu hoặc tốt của cha mẹ. Chúng ta có thể thấy điều này từ việc tụi trẻ học theo tín ngưỡng của cha mẹ. Tuy tín ngưỡng có thể là tích cực hay tiêu cực, đúng hay sai, ngay cả việc lễ bái thần linh - những đứa trẻ cũng hoàn toàn học theo cha mẹ để có niềm tin và thực tập tín ngưỡng giống như vậy. Nếu cha mẹ nâng niu ấp ủ luân lý đạo đức, con cái cũng làm theo tấm gương của họ, trân trọng và thực hành những luân lý đạo đức như cha mẹ.

Loại người thứ ba này rất siêng năng, chăm chỉ làm việc và có thành tựu tốt hơn và hiểu biết nhiều hơn hai hạng người trước.

Khi phân loại người theo cách này, chúng ta thấy rằng loại người thứ nhất lười biếng và si mê nhất. Đồng thời họ làm cho chính họ mang tiếng xấu và trở thành đối tượng khiến người tốt khinh chê. Loại người thứ hai làm việc và tính tình tốt hơn, trong khi những người thuộc loại thứ ba chắc chắn trở thành những người giàu có hơn những người khác trên thế giới. Bởi vì họ siêng năng làm việc, kể từ khi họ có ý thức đặt mình trong góc nhìn cao hơn, họ không thể ăn không ngồi rồi được. Họ rất kiên trì và chịu đựng trong công việc, luôn tìm cách kiếm thêm của cải vật chất, làm việc quên mình, cố gắng, vận dụng tài năng một cách khéo léo, thận trọng, không bao giờ tự bằng lòng trong mọi công việc của đời sống. Loại người này nếu không trở thành những nhà triệu phú, họ cũng là những người quan trọng và xứng đáng là những tấm gương tốt để mọi người trong quốc gia học tập theo.

Chúng ta là những người xuất gia cũng được phân theo ba loại tương tự như vậy. Loại thứ nhất gồm những vị đã được thọ giới nhưng chỉ trên danh tự, chỉ tham dự trong lễ thọ giới, không có mục đích tu học theo giáo pháp, vì nguyên nhân nào đó hoặc vì muốn có đời sống tốt hơn. Họ đơn giản muốn được sống một cuộc sống nhàn hạ, bởi họ không phải làm lụng việc gì nhiều giống như người thế tục. Một khi được thọ giới rồi, họ lười biếng và rất nổi tiếng vì tranh cãi với chúng đồng tu. Thay vì có được công đức từ việc được thọ nhận giới pháp như phần lớn mọi người vẫn nghĩ, họ lại mang đau khổ lấp đầy chính họ và những người xung quanh.

Hạng người thứ hai nhắm đến những mục tiêu nào có ý nghĩa và hợp lý. Nếu họ có thể tìm được cách để vượt thoát ra khỏi đau khổ, đó là những gì vị ấy muốn. Vị ấy tin tưởng rằng có công đức cho nên, muốn thành tựu công đức. Vị ấy tin rằng có điều ác nên vị ấy muốn thật sự hiểu rõ phân biệt giữa thiện và ác. Vị ấy tinh cần tu tập và sáng suốt. Vị ấy nghiêm túc hành trì theo giáo pháp và giới luật nên không mắc phải lỗi lầm với chư Tăng đồng phạm hạnh. Vị ấy chăm chỉ học hỏi và tinh tấn thực tập ba pháp học Giới, Định và Tuệ. Vị ấy hiểu rõ phương pháp tu học một cách dễ dàng, tin tưởng vào các điều dạy trong giáo pháp và giới luật, chú tâm trong bổn phận và tin tưởng vào những gì hợp lý, đúng đắn.

Hạng người xuất gia thứ ba là xuất gia thọ giới vì có niềm tin vững chắc. Ngay cả nếu vị ấy không được học hỏi nhiều từ các vị thầy lúc mới nhập đạo,một khi vị ấy được thọ giới và được hướng dẫn của các vị thầy hay từ kinh sách, đó là những vị thầy dạy cho vị ấy biết mọi nguyên nhân làm sao gọi là bất thiện pháp, và làm thế nào để phát triển thiện pháp, ngay tức khắc vị ấy liền lấy đó làm bài học để thực tập cho tự thân. Vị ấy càng học được nhiều từ những vị thầy, niềm tin và lập trường ý chí càng thâm hậu, tâm vị ấy đạt đến một trình độ kiên định, chuyên nhất không thối chuyển, không còn đau khổ bất an. Bất cứ lúc nào, khi ngồi, đứng, bước đi hay nằm xuống nghỉ ngơi, tâm kiên định của vị ấy vẫn không hề suy suyển chút nào. Vị ấy luôn chú tâm vào mục tiêu vượt thoát khổ đau bất an. Vị ấy kiên nhẫn, tinh cần thực tập. Bất cứ làm việc gì vị ấy cũng làm với tất cả trái tim hướng đến lẽ phải, hướng đến giáo pháp.

Loại thứ ba của hàng xuất gia đây là loại không tự mãn. Vị ấy hành trì giới luật vì mục đích thanh tịnh thật sự và hành trì trong chánh niệm cao độ. Vị ấy không hề tự mãn cả trong tu Định và tu Tuệ.Vị ấy chú tâm thực tập pháp căn bản để đạt được chánh niệm và trí tuệ mà vị ấy đã thường xuyên thực tập khi còn là cư sĩ, làm cho năng lực chánh niệm và trí tuệ càng lúc càng vững chãi hơn, dần dần chánh niệm và trí tuệ luôn hiện diện trong mỗi động tác, hành động, cho đến lúc chúng trở thành siêu chánh niệm và siêu trí tuệ, có khả năng khiến cho phiền não trong tâm và ảnh hưởng của nó rơi rụng. Như vậy, vị ấy trở thành một trong những vị nổi bật và vượt trội trong Tăng chúng, được sự tôn kính đảnh lễ một cách hết sức tự nhiên.

Trên đời có ba hạng người và trong giáo pháp cũng có ba hạng người xuất gia như thế. Vậy thì chúng ta sẽ chọn hạng người nào? Khi chúng ta soi chiếu lại mình, mỗi người chúng ta đều rơi vào một trong ba trường hợp này, bởi vì chúng ta có thể đặt mình vào trong bất cứ trường hợp nào khiến trường hợp ấy hiện diện trong chúng ta - bởi vì ba loại này thông dụng cho mục đích so sánh đối chiếu. Khi chúng ta đối chiếu mình với ba mẫu người ấy, chúng ta có thể là một trong ba loại. Chúng ta có thể là loại người xuất gia mà không có chút giá trị, thường lười biếng, không quan tâm vào việc thực tập giáo pháp, loại này thật sự không có giá trị gì cả, hay chúng ta có thể xếp mình vào loại thứ hai hay loại thứ ba. Việc này hoàn toàn phụ thuộc vào sở thích và sở nguyện của chúng ta như thế nào thì sẽ ảnh hưởng tư tưởng, thái độ, lời nói và việc làm của chúng ta. Muốn trở thành bất cứ loại nào, chúng ta sẽ nuôi dưỡng những thuộc tính và làm chúng lớn dần trong tư tưởng, lời nói và việc làm để phù hợp với loại đó. Những hành hoạt của hạng người này sẽ trở nên hành hoạt riêng của chúng ta, bởi vì không có ai khác trong các nhóm người này ngoài chúng ta.Chúng ta có thể thay đổi hành xử của mình để phù hợp với bất kỳ nhóm nào trong ba nhóm này. Nếu chúng ta sẽ trở nên nhóm người thứ ba thì không sao cả, chắc chắn tự thân chúng ta sẽ vượt thoát khổ đau, bất an một ngày nào đó trong tương lai hay ngay trong đời sống này.

Thế nên, để không tự mãn trong mọi hành hoạt, lúc nào bạn cũng giữ chánh niệm và sáng suốt trong từng cử chỉ việc làm. Đừng để nhất cử nhất động tư tưởng, lời nói, việc làm lạc theo đường tà. Cố gắng tập cho chánh niệm và trí tuệ luôn có mặt trong mọi hành vi của bạn. Giữ gìn những thiện tánh này không khó, cũng giống như giữ gìn tài sản bên ngoài vậy, bởi vì tài sản bên trong luôn thường trực với chúng ta, nên chúng ta có thể dễ dàng bảo toàn chúng.

Là một người xuất gia, bạn chỉ có duy nhất một bổn phận. Khi ngồi, tỉnh giác mình đang ngồi xuống. Suy tư bất cứ vấn đề gì, bạn tự biết rõ rằng mình đang suy tư. Đừng nghĩ rằng những chuyện rắc rối từ đâu phát sinh, không từ đâu cả, chính nơi trái tim của bạn có một khoảng không, vắng chánh niệm, khiến cho chuyện này chuyện nọ phát sinh - chuyện lớn chuyện nhỏ - khởi sinh nối dài làm hại cho chính bạn.Phiền nãokhông bắt nguồn từ đâu khác. Nếu muốn vượt thoát khổ não, bất an trong đời sống này, hãy thấy cho được những nguy hiểm trong những lỗi lầm xuất phát từ sự tự mãn và thiếu chánh niệm nơi bạn.Biết rõ chúng là những kẻ thù của bạn.Nếu trong mắt bạn mà dòng tâm thức cứ quẩn quanh làm khởi sinh tham ái, và có những tư tưởng vốn xuất phát từ phiền não bất an mà vẫn cho là không có gì, thì chắc chắn bạn sẽ đi xuống cõi thấp ác. Hãy quăng bỏ ngay những loại tâm thức này. Đừng để chúng ủ mầm làm xôn xao tâm bạn.

Những ai thấy được nguy hiểm của vòng tái sinh chắc chắn sẽ thấy được nguy hiểm của sự tích tụ phiền não. Trách nhiệm của bạn trong thực tập giống như là hàng rào hay bức tường của ngôi nhà, nó bảo vệ bạn những khi hiểm nguy. Trong việc thực hiện bổn phận, nó thiết lập ý thức tinh cần thực tập, bạn phải giữ chánh niệm trong lúc thực hiện bổn phận, không để cho gián đoạn. Nuôi dưỡng chánh niệm và trí tuệ để mọi hành hoạt của bạn luôn trong trạng thái điềm tĩnh thận trọng. Đừng để chúng trôi xuôi theo những thôi thúc thói quen của con tim. Bạn có thể chắc rằng những chuyển động của tâm sẽ không nằm ngoài sức mạnh của ý chí tinh tấn và điều phục của bạn.

Vì vậy, tôi mong mỗi bạn đều có chánh niệm, và đừng để chánh niệm của bạn rong ruổi theo tư tưởng suy đoán trước tương lai hay nghĩ về quá khứ đã qua. Hãy luôn luôn tỉnh giác trong nhất cử nhất động của bạn, và bạn sẽ có thể vượt qua khối đau khổ bất an này. Cho dù tâm bạn chưa đạt được sự tĩnh lặng hoàn toàn, nó sẽ dần được lắng trong nhờ năng lực chánh niệm. Tâm không thể không nương nhờ vào năng lực chánh niệm, tuệ tri cùng kết hợp với sức mạnh của tinh tấn kiên định, điều này không có gì đáng nghi ngờ cả.

Trong số những vị thiền sư nổi tiếng của kỷ nguyên hiện tại, Ngài Thiền sư Ajahn Mun là vị tôi ngưỡng mộ và kính trọng nhất. Đối với tôi, Ngài là một vị thầy bậc nhất của thời đại. Sống và học với Ngài, tôi không bao giờ thấy Ngài làm việc gì dư thừa, tất cả đều là Pháp và Luật. Cách cư xử của Ngài luôn hài hòa trong giáo pháp và giới luật, không bao giờ khiến các vị theo tu học dưới sự hướng dẫn của Ngài sinh tâm nghi ngờ thắc mắc. Từ kinh nghiệm sống chung với Ngài, tôi muốn nói rằng cả cuộc đời Ngài luôn đúng đắn, luôn đi trên con đường thực tập chân chính, trung thực, có phương pháp và thánh thiện. Ngài không bao giờ lạc lối cả.

Khi dạy cho tôi những tầng bậc tu tập căn bản, Ngài đã kể lại quá trình Ngài đã cố gắng như thế nào trong việc tu tập chánh niệm. Ngài thích sống độc cư. Nếu ai đó đến sống chung với Ngài, họ đều cảm nhận được năng lượng an tịnh từ định lực của Ngài. Nếu Ngài xuất định, trong mọi lúc Ngài đều luôn sống trong chánh niệm, tuệ tri và tinh tấn. Ngài luôn tinh cần thực tập ngày cũng như đêm. Giống như đôi tay Ngài không bao giờ ở không, chánh niệm luôn có mặt nơi Ngài để tâm không bao giờ lơ là và luôn cố gắng tu tập.

Ngài nhất quyết không bao giờ trở lại thế giới này để tiếp tục chết và tái sinh. Không bận tâm vào chuyện gì nữa, Ngài đã vượt thoát khổ đau, bất an ngay nơi đời sống này và không bao giờ muốn tái sinh trở lại. Tái sinh trong đời sống hiện tại này Ngài đã đủ chán ngán rồi. Nhìn thấy cảnh sinh, già, bệnh, chết của con người và hết thảy chúng sinh, ngày và đêm khổ đau tràn ngập, lại cảnh áp bức tàn ác của kẻ mạnh hiếp yếu, khiến Ngài cảm thấy mỏi mệt, đó là lý do tại sao Ngài không muốn tái sinh trở lại thế giới này nữa. Phương pháp để Ngài không sinh trở lại thế giới này chính là tinh cần thực tập, đó như là chứng nhântrong tim Ngài. Bất cứ sống ở đâu, Ngài nguyện xin được sống với ý chí tinh tấn thực tập. Ngài không muốn gì khác hơn khiến cho trễ nải sự giải thoát khỏi khổ đau của Ngài. Đấy là những gì Ngài muốn nói với chúng ta mỗi khi có dịp.

Bất cứ tri thức gì hay hiểu biết Ngài thành tựu được ở những nơi Ngài từng sống, Ngài không hề giấu giếm chúng ta. Khi sống nơi đó tâm của Ngài như thế đó, khi sống ở đây tâm Ngài như thế này. Ngay cả việc Ngài nói với chúng ta thời điểm tâm Ngài trực ngộ miền đất hứa.

Cách diễn tiến tâm của một người thuần là chuyện cá nhân. Nó không phải là cái gì đó mà chúng ta có thể bắt chước từ người khác. Ngay cả những nhận thức khác nhau trong chúng ta và những phương tiện chuyển tải để hướng dẫn sự tu tập của chính mình và các thiền sinh hậu bối hay cho tất cả mọi người, cũng là tài sản của riêng mỗi người, bên cạnh những thói quen, tập tục và khả năng của chính mình, cũng giống như một triệu phú có nhiều của cải châu báu, sử dụng mớ tài sản kếch xù của mình, hay một người nghèo xơ với chút ít tài sản dùng trong phạm vi tài sản nhỏ nhoi ấy của mình. Mỗi người, không luận là giàu hay nghèo đều dùng tài sản mà anh hay chị ấy đã tích cóp được.

Bàn về chuyện thói quen và khả năng, chúng ta có thể sở hữu được bao nhiêu là tùy thuộc hoàn toàn vào chính mình. Những thứ này chúng ta không thể mượn từ người khác được. Chúng ta phải tùy thuộc vào khả năng tu tập từ nội tâm. Đấy là lý do tại sao thói quen, cách cư xử, giao tiếp, nhận thức và sự hiểu biết nông cạn hay thâm sâu của chúng ta đều không giống với người khác mà tùy theo khả năng của mình. Mặc dù tu học với Ngài Thiền sư Ajahn Mun trong một thời gian dài, tôi không dám bảo đảm rằng tôi có thể thọ nhận hết giáo pháp Ngài đã dạy để làm vốn riêng cho mình và dạy lại cho người khác. Tất cả chỉ có thể nói rằng tôi dựa vào kiến thức và khả năng cùng với lòng cương quyết nơi tôi, vừa tầm của tôi và không vượt quá giới hạn định sẵn của tôi.

Với Ngài Thiền sư Ajahn Mun, Ngài rất thiện xảo trong việc giảng dạy giáo pháp. Ví dụ, Ngài không bàn đến những điểm to tát mà chỉ nói về cách làm thế nào để thành tựu được mà thôi. Ngay khi muốn dẫn dắt đến những vấn về lớn, Ngài liền đưa đi vòng quanh và rồi xuất hiện trước chúng. Đấy là cách Ngài thường xuyên áp dụng. Ngài không bao giờ sẵn sàng mở bày ra những vấn đề lớn lao. Lúc đầu tôi không hiểu ý gì khi Ngài giảng dạy theo cách này, và chỉ về sau tôi mới hiểu. Hoặc tôi đúng hoặc tôi sai, tôi phải xin các bạn khoan dung tha thứ cho, Ngài rất khéo léo vận dụng phương thức này và cũng đã hướng dẫn cho rất nhiều học trò.

Có hai nguyên nhân tại sao Ngài không khai triển và chỉ dạy những vấn đề lớn lao. Một nguyên nhân là đối với những ai không thực sự quan tâm đến việc tu học giáo pháp, họ thọ nhận giáo huấn của Ngài chỉ như là tìm nơi nương nhờ che chở, Ngài cảnh báo cho họ hãy trở về với chính mình, đó cũng là cách báo trước và giúp cho họ thiết lập một đời sống tự lực. Nguyên nhân khác, đó là giáo pháp là một nguyên lý tự nhiên, Ngài đã thể ngộ và trình bày chứ không phải là điều gì đó có thể tiên đoán trước được. Một khicó người hết sức chú trọng tu tập theo giáo pháp có chút thành tựu trong thực tập quán chiếu tự thân, nếu họ nghe được Ngài trình bày hướng dẫn trước, chắc chắn sẽ nắm bắt được những điều tinh tế hay những giả định thấm vào tâm ngay khi ấy. Và như thế họ sẽ nhận ra rằng họ đã hiểu giáo pháp ở mức độ đó, vậy mà trước đây họ không nhận diện được mà cứ mặc để những điều ấy chìm trong vô minh.

Cho đến khi nào hai lý do này được quan tâm, tôi phải thừa nhận rằng tôi rất dở trong việc chăm sóc những người đến tu học với tôi. Thậm chí tôi cũng không giữ kẽ. Tôi làm mọi thứ phơi bày ra hết, không nắm giữ lại chút gì, chí đến những điều nên giấu giếm đi.Tôi đã bộc lộ ra hết khả năng của tôi mà đó chỉ là một sự ngu ngốc cho thấy tôi chẳng có chút tỉnh giác gì. Điều này đã làm cho những người thật sự tập trung tu học với tôi hiểu lầm, hiểu những điều này như là sự giả bộ, trái nghịch với kỳ vọng của họ, khiến họ không thấy giáo pháp chân thật, tất cả có lẽ đều bởi vì tôi thiếu thận trọng quán chiếu lý do thứ hai này.

Ngài Thiền sư Ajahn Mun rất tài tình về cả hai mặt bên trong và bên ngoài. Ở tầng bậc bên ngoài, Ngài không muốn phơi bày những điều quá dễ dàng. Đôi khi, sau khi lắng nghe Ngài giảng, bạn phải dành ra hai hay ba ngày để mường tượng suy ngẫm cho ra ý mà Ngài muốn nói. Ít nhất điều này là cách tôi học và vận dụng được. Có nên hay chăng cho việc tôi áp dụng cách này để dạy cho các học trò, tôi không bao giờ có khả năng nghĩ ra nổi phương pháp như vậy. Đối với tôi, tôi dùng tất cả sức mạnh bình sinh của mình để suy ngẫm bất cứ điều gì Ngài nói ra, chúng dường như gợi ý một cách thực tập rất hữu hiệu, rất gần, và đôi khi sau ba ngày nghiền ngẫm những lời nói bí ẩn của Ngài, tôi vẫn không thể hiểu nổi phần đầu hay phần đuôi điều Ngài nói. Tôi đã phải đến đảnh lễ hỏi Ngài, “Hôm ấy Ngài đã nói gì vậy? Con đã nghiền ngẫm nát óc hết ba ngày mà vẫn không hiểu ý Ngài muốn nói gì. Con không biết bám vào đâu để hiểu, để con có thể vận dụng lời Ngài dạy vào đời sống tu tập hàng ngày hay những lời Ngài nói chứa đựng bao nhiêu ý nghĩa.”

Ngài mỉm cười và bảo: “Ồ, té ra cũng có người thật sự nghiền ngẫm những gì tôi nói sao?”

Tôi trả lời: “Con đang suy tư với sự ngu dốt của con, chớ chẳng phải với sự hiểu biết gì cả”.

Rồi Ngài nói một chút gợi mở cho tôi: “Tất cả chúng ta đều phải bắt đầu từ sự ngu ngốc hết. Không ai vừa được sinh ra đã mang theo sự hiểu biết và tài sản. Chỉ sau khi chúng ta làm cho tâm mình học hỏi và suy tư mọi điều một cách kiên nhẫn, chúng ta mới trở nên thông thái và khéo léo đến một mức độ mà chúng ta có thể thu thập được tài sản, địa vị và có thể có những người khác tùy thuộc vào chúng ta. Cũng thế là nắm giữ giáo pháp. Không ai trở thành triệu phú giáo pháp hay bậc A-la-hán ngay khi vừa sinh ra cả.

Đó là tất cả những điều Ngài muốn nói. Ngài không muốn nói rõ trực chỉ ngay bằng cách giải thích lời dạy, những điều đã khiến tôi bận tâm ưu tư suốt hai, ba ngày. Sau đó, tôi nhận ra tại sao Ngài đã không giảng giải rõ điều này. Nếu giảng giải rõ ngay chẳng khác nào Ngài khuyến khích thêm cho sự ngu muội của tôi thôi. Nếu chúng ta cứ đơn thuần dùng những thứ đã được làm sẵn từ người khác, không hề có sáng tạo bằng sự thông minh của chúng ta, thế thì khi đúng thời nơi nào chúng ta bị trói chặt ở trong và không thể dựa vào cái gì đã được làm sẵn từ người khác, chắc chắn chúng ta bị giam giữ mãi nếu chúng ta không thể nghĩ ra một cách giúp cho chính tự thân. Rất có thể những gì Ngài đang nghĩ, đó là tại sao Ngài không giải tỏa vấn nạn này khi tôi hỏi Ngài.

Tu học với Ngài không chỉ đơn giản là chuyện học cách truyền đạt hướng dẫn giáo pháp. Chính bạn phải thay đổi và làm quen với pháp thực tập mà Ngài đang hành trì cho đến khi nào pháp thực tập này chín muồi in hằn trong tư duy, lời nói và việc làm của bạn. Sống với Ngài trong khoảng thời gian dài cần nên quán sát thói quen của Ngài, cách thực tập đạo hạnh và trí tuệ của Ngài từng chút, từng ngày cho đến lúc chúng trở nên hòa làm một trong bạn. Sống với Ngài, tôi cảm thấy rất bình yên. Nói chung mọi người học pháp với Ngài đều có một niềm tin cậy mãnh liệt và hết sức kính trọng Ngài, bởi chính Ngài là nguồn giáo pháp trọn vẹn vậy. Những người sống với Ngài được phủ trùm năng lượng tiếp nhận giáo pháp đúng theo khả năng của họ. Khi sống với Ngài, bạn cũng đồng thời thực tập làm quen với cách luôn quán sát và tự điều phục. Nếu bạn rời xa Ngài và chuyên tâm vào thực tập giáo pháp, bạn có thể chăm sóc cho chính bạn bằng cách vận dụng những phương thức bạn đã học được từ Ngài.

Khi bạn sống với Ngài, cũng như thể đạo, quả và Niết Bàn đang hiện hữu nơi đó. Mọi pháp bạn trở nên vững vàng và đạt được thành tựu từng bước một. Nhưng khi rời Ngài, để đi về bên kia thế giới, bạn sẽ không được gì cả nếu tâm bạn không có một nền tảng tu tập vững chắc, đó là chuyện đương nhiên. Nhưng nếu tâm có một nền tảng tu tập vững chắc, nói một cách khác nếu có định lực và trí tuệ bảo vệ thì bạn có thể tu tập được lợi ích dù sống ở bất cứ nơi nào. Nếu có bất kỳ nghi ngờ nào phát sinh, có thể bạn không kiểm soát được chính mình, bạn phải quay trở lại xin Ngài hướng dẫn thêm. Một khi Ngài gợi ý cho bạn một giải pháp, vấn đề rắc rối tan biến tức khắc như thể Ngài cắt đứt nó giùm cho bạn vậy.Với tôi, ít ra đó là một biện pháp thực thi. Đôi lúc tôi sống xa Ngài chỉ năm, sáu ngày và gặp phải khó khăn nhiễu phiền, tôi không thể chờ đợi thêm hai hay ba ngày nữa. Nếu tôi không thể tự giải quyết loại khó khăn này khi nó phát sinh, ngay sáng hôm sau tôi vội quay về bên Ngài, bởi vì một số trong mớ khó khăn này có thể là rất nguy cấp. Khi chúng khởi lên và tôi không thể nào tự mình điều lý nổi, tôi vội vàng về đảnh lễ xin Ngài chỉ dạy. Song cũng có những chuyện khó khăn khác không đặc biệt nguy ngập cho lắm thì khi chúng khởi lên tôi có thể chưa diện kiến Ngài vội. Nhiều loại khó khăn giống như những căn bệnh vậy. Có nhiều căn bệnh khi chúng xuất hiện thì không cần vội tìm đến bác sĩ. Tuy nhiên có những căn bệnh, nếu không mời được bác sĩ về thì chúng ta phải tự thân đến gặp bác sĩ, nếu không sự sống cũng chúng ta sẽ gặp nguy hiểm.

Khi những trở ngại nguy ngập kéo đến, nếu tự mình không thể kềm thúc được, chúng ta hãy nhanh chóng tìm đến vị thầy. Chúng ta không thể một mình đương đầu với chúng, với hy vọng rằng chúng sẽ tự biến mất. Hậu quả tiêu cực có thể đến từ những trở ngại mà chúng ta không đến nhờ vị thầy giúp như thế này. Ít ra chúng ta cũng không phải lạc mất phương hướng, không bị đánh lừa hay mất thăng bằng, tệ nhất là không bị điên khùng. Khi chúng ta nói rằng việc thiền tập của một hành giả “đổ nhào”, thường là rơi vào trường hợp gặp khó khăn này mà anh ta hay cô ta không biết cách làm thế nào để giải quyết, hoặc không đủ sức để giải quyết, và đơn giản là để nó mưng mủ và rồi một trong hai hậu quả này xuất hiện.Chính bản thân tôi cũng đã gặp những loại khó khăn này, tại sao tôi nói với bạn về những khó khăn ấy, vì để bạn có thể biết làm thế nào để đối mặt với chúng.

Ngày Ngài Thiền sư Ajahn Mun viên tịch, lòng tôi tràn ngập nỗi thất vọng, tôi có cảm giác trái tim mình đã mất đi chỗ tựa lớn nhất, bởi vì trái tim tôi khi ấy vẫn còn đầy chuyện bồn chồn bất an, và đó là một loại tri thức không sẵn sàng, cũng không dễ dàng đón nhận sự những phương pháp của bất cứ ai nếu các phương pháp ấy không đưa đến đúng mục tiêu - như phương pháp mà Ngài Thiền sư Ajahn Mun đã hướng dẫn và có kết quả - với những chỗ tôi bị sa lầy và tôi đang cân nhắc.Cũng trong giai đoạn đó tôi tăng tốc sức tinh tấn cực độ. Vì vậy, khi Ngài viên tịch, tôi không thể trụ vững với những học trò theo học bên cạnh tôi. Suy nghĩ duy nhất trong tôi là tôi muốn sống một mình. Thế nên, tôi cố gắng tìm một chỗ để có thể sống một mình thôi. Tôi quyết định tu độc cư cho đến khi nào khó khăn trở ngại trong tâm tôi hoàn toàn vắng bặt, sau đó mới tu học chung với mọi người và thu nhận học trò nếu có nhân duyên.

Sau khi Ngài Thiền sư Ajahn Mun viên tịch, tôi đến đảnh lễ bên chân Ngài, và rồi ngồi đó gần hai tiếng đồng hồ quán tưởng lại mà lòng đau buồn, mất hết tinh thần, nước mắt tôi tha hồ rơi xuống hồ nước nơi chân Ngài. Lúc ấy trong tâm tôi suy nghĩ về giáo pháp và giáo huấn Ngài đã ban cho tôi, Ngài thật tốt với tôi, đã dạy dỗ tôi suốt tám năm trời, khoảng thời gian tôi sống với Ngài. Tu học sống chung với nhau trong thời gian dài như thế, ngay cả vợ chồng hay cha mẹ và con cái dù yêu thương nhau có sâu nặng bao nhiêu cũng có lúc không thể nào tránh khỏi xích mích buồn giận. Thế nhưng giữa Ngài Thiền sư Ajahn Mun và các học trò, những người đến nương tựa học tu với Ngài trong thời gian dài, không hề có bất cứ vấn đề gì xảy ra. Càng ở lâu với Ngài, tôi càng cảm nhận được tình thương yêu và lòng kính trọng vô bờ bến của mình đối với Ngài. Và bây giờ Ngài đã rời xa tôi và tất cả học trò siêng tu của tôi. Anicca vata sankhara: Các hành thật vô thường quá! Thân thể Ngài nằm bất động, thật thánh thiện và quý báu hơn đời sống hiện tại của tôi mà tôi đã sẵn sàng từ bỏ vì lòng thương tưởng của tôi đối với Ngài. Thân tôi cũng còn đang ngồi đấy nhưng tâm tôi xốn xang rung động từ cảm giác thất vọng, mất mát nơi nương tựa. Cả hai tấm thân đều là chủ đề trong nguyên lý giống nhau của giáo pháp, đó là tính vô thường tiếp theo câu kinh “uppajjitva nirujjhanti”: Chúng được sinh ra chắc chắn không thoát khỏi cái chết. Tất cả đều phải đi con đường ấy, không còn con đường nào khác.

Tuy nhiên, đối với Ngài Thiền sư Ajahn Mun, Ngài dùng một cách khác thích hợp với thực tại tạm thời, như ý pháp “tesam vupasamo sukho”: Sự tĩnh lặng nơi chúng rất dễ chịu. Ngài ra đi bỏ lại đời sống này, nằm yên lặng làm nhịp cầu thời gian ngắn ngủi để các học trò có dịp suy tư về ý pháp Ngài muốn truyền trao, nhưng từ nay trở đi Ngài sẽ không bao giờ tái sinh trở lại để làm nguyên nhân khiến các học trò lại rơi lệ nữa. Tâm Ngài giờ đây tách rời với hữusinh, cũng ngay đó tảng đá đã vỡ đôi, thật sự không thể nối liền lại được nữa.

Thế rồi tôi ngồi đó, ngẫm lại với niềm tuyệt vọng. Bao nhiêu vấn đề trong trái tim mà tôi đã có lần bộc lộ tâm sự với Ngài, giờ tôi biết bày tỏ cùng ai đây? Không có ai có thể làm dịu bớt hay xóa giùm tôi những khổ nạn như Ngài đã từng làm cho tôi. Tự thân tôi bây giờ phải tự lo liệu lấy thôi. Ngài giống như vị bác sĩ, người chữa mọi chứng bệnh cho tôi không biết bao nhiêu lần, và ai là người để tôi đặt hết niềm tin tưởng cho cả đời tôi vào họ. Và bây giờ vị bác sĩ, người đã cho tôi cuộc đời đã vĩnh viễn ra đi. Tôi trở thành con thú hoang trên rừng, tôi không còn thuốc để chữa trị những căn bệnh nội tâm nữa.

Trong khi tôi đang ngồi đó, buồn bã hoài niệm về Ngài với cả tấm lòng thương mến, kính trọng và tuyệt vọng, tôi chợt nhận chân và thấy rõ một số vấn đề. Khi còn sống Ngài đã dạy dỗ tôi như thế nào? Có nhiều điểm tôi đã học và thành tựu được như các vị thầy của tôi. Điểm nào Ngài đã nhiều lần nhấn mạnh? “Đừng bao giờ đi lạc từ nền tảng ban đầu của bạn, đó còn gọi là “biết gì” trong trái tim này. Bất luận khi nào tâm khởi sinh sự hiểu biết hay nhận thức đặc biệt, đó có thể là nguy hại nếu bạn không có khả năng quán chiếu lộ trình dẫn tới loại hiểu biết ấy, thì hãy quay tâm trở lại bên trong tự thân nó, không hề gì, không nguy hại gì đe dọa nữa.”Đó là những gì Ngài đã dạy, vậy nên tôi nhớ mãi điểm này và tiếp tục áp dụng vào trong việc thực tập của riêng mình bằng tất cả khả năng cho đến lúc nhuần nhuyễn.

Là một vị Tăng cao hạ xuất gia từ lúc ấu niên, như chúng ta thấy nhiều vị xung quanh chúng ta và biết được nhiều kinh nghiệm. Tất cả chúng ta đều gặp rất nhiều khó khăn hoặc lúc còn nhỏ hay lúc lớn tuổi. Đây là con đường chúng ta đều phải đi qua. Chúng ta phải đi theo lộ trình gian khổ vì đó chính là con đường trong hành trình tiến về phía trước, cả hai trong lĩnh vực thế gian và trong giáo pháp. Không ai trở thành triệu phú mà từng là kẻ lười biếng hay nằm ra đó mà chẳng làm được điều gì cả. Là một triệu phú phải đi lên từ sự kiên nhẫn, phải bước trên con đường gian khó - gian khó vì mục tiêu đúng đắn, phù hợp. Đấy là con đường tài bảo và người thông minh luôn bước theo.

Ngay cả trong lĩnh vực giáo pháp, chúng ta nên nhận chân rằng trải nghiệm sự khó khăn là con đường của bậc hiền giả ở mọi cấp độ, bắt đầu từ đức Thế Tôn. Giáo pháp khẳng định điều này: Dukkhassanantaram sukham - con người có được sự thanh thản bằng cách bước theo con đường thử thách. Đối với con đường khổ não, sukhassanantaram dukkham - con người gặp nhiều đau khổ trở ngại trên con đường dễ đi. Bất cứ ai tinh cần và không quản ngại gian khó, xem đó là chướng ngại thử thách, bất cứ ai quán chiếu cẩn thận không ngừng những nhân duyên của tự nhiên quanh mình đều sẽ trở thành loại người thứ ba: loại người không mong cầu tái sinh trở lại nơi thế giới này, loại người - tesam vupasamo sukho - đoạn tận hạt giống tái sinh của các hành, trải nghiệm trong trạng thái thanh thản tịch tĩnh, không bị mồi bả thế gian làm phiền lụy, một sự thanh thản chân chất, dễ chịu.

Thế nên, tôi mong tất cả các bạn - những thiền sinh hãy nhớ rõ ba loại người này trong tâm, và chọn cho chính mình một trong ba loại... ngay bây giờ - bởi vì chúng ta có thể làm cho chính mình... mà không cần lo sợ rằng nó sẽ giết chết chúng ta. Tinh tấn để được giải thoát khổ đau và những bất an trong từng bước chân như đức Đạo Sư, không làm một người hành hình chờ đợi trảm thủ người ta, những người cố gắng tiến bước theo hướng đúng đắn. Hãy gan dạ lên để mở trói cho chính bạn từ những ràng buộc và vướng mắc. Bất an và khó khăn đến như một cái bóng của những uẩn này, là những thứ mà mọi người phải chịu đựng như một gánh nặng. Chúng ta không thể nói dối với người nào khác về điều này. Mỗi người phải buồn khổ vì những lo âu và bất an, bởi các uẩn của riêng anh ta hay chị ta. Hãy biết rằng khắp thế giới này đều phải chịu khổ giống như bạn đang chịu đựng với những uẩn mà bạn đang quán sát trong lúc này.

Đừng để chính mình thuận theo vòng quay của sinh, lão, bệnh, tử. Lúc nào cũng không được tự mãn. Bạn không nên khởi sinh nghi ngờ về sinh, bởi vì đức Phật đã dạy cho chúng ta rằng sinhtử là chắc chắn khổ. Đừng để cho chính bạn cứ tự hỏi, phải chăng chúng là những đóa hoa, những viên kẹo hay loại thức ăn gì đó để bạn có thể ăn thỏa thích. Thật ra, chúng không là gì cả mà là thuốc độc. Chúng là thứ luôn lừa dối chúng ta, làm chúng ta ngu muội sinh tử biết bao lần trong thế giới khổ não và bất an này. Nếu chúng ta chết trong cõi người thì còn có vài tia hy vọng, bởi vì từ đó mở ra cõi tái sinh mà chúng ta đã tạo cho chính mình ngang qua năng lực của thiện nghiệp. Nhưng không chỉ có vài người vô minh xuẩn ngốc và người như thế không làm sao biết con đường nào họ sẽ tái sinh, nghiệp lực dắt họ đi về đâu.

Thế nên, chính vì lý do này, thấy nguy hiểm trong vòng tử sinh loanh quanh mãi không thể nào đảm bảo được cũng như đời bạn sẽ sinh ra rồi chết đi. Nếu đó là một trạng huống của con người như chúng ta thấy và sống trong hiện tại, bạn có thể hít thở dễ dàng trong một chừng mực nào đó, nhưng nỗi lo sợ luôn ám ảnh, bạn sẽ bị cuốn đi trong sinh tử như một con vật lang thang bị con người đánh giết cho tới lúc bạn hoàn toàn bị méo mó, biến dạng và thâm tím. Bấy giờ có những điều thật sự đáng lo sợ. Nếu bạn chết, bạn cứ chết; nếu bạn tồn tại thì bạn sống và thở trong lo âu và bất an, kinh sợ cái chết đến từng giây. Có biết bao súc vật bị kéo lê vào lò sát sanh mỗi ngày? Đây là những điều chúng ta không phải giải thích chi tiết mà làm gì. Đơn giản chỉ lấy một ví dụ tôi vừa đề cập để nhắc nhở bạn về sự đau khổ vô vàn của chúng sinh trên thế giới. Và nơi nào là nơi trú ngụ chắc chắn an toàn cho trái tim của mỗi người khi nhận ra bao kiếp chất chồng của anh, của chị?

Là những thiền sinh, chúng ta nên tính lại xem những điều lợi và bất lợi, thuận lợi và hạn chế phát xuất từ năm uẩn này trong mỗi 24 tiếng đồng hồ từ sáng đến tối. Điều bất mãn là chúng ta đang cảm thấy bị nỗi lo âu thường trực làm khổ: Nó không phải xuất phát từ năm uẩn này chứ? Điều gì khiến chúng ta bị đè nặng và lo âu vậy? Chúng ta ngồi, đứng, bước đi và nằm xuống chỉ vì năm uẩn này. Chúng ta ăn cũng vì năm uẩn này. Mỗi cử động của chúng đơn giản cũng chỉ vì năm uẩn này mà thôi. Nếu chúng ta không làm những việc này, năm uẩn sẽ phải vỡ ra thành từng phần nhỏ dưới sức ép của đau khổ. Tất cả chúng ta có thể làm dịu đi những điều này một chút xíu. Khi không còn cử động gì được nữa, năm uẩn này sẽ vỡ vụn thôi.

Bhara have pañcakkhandha nghĩa là năm uẩn này thật sự là gánh nặng.

Mặc dù quả đất, đá, núi có thể là nặng, nhưng chúng là chúng. Chúng chẳng bao giờ đè nặng lên ta hay làm khổ chúng ta. Chỉ có năm uẩn này đây, nhất cử nhất động lúc nào cũng đè nặng ta, tạo nhiều áp lực khổ sở cho ta cả. Chính từ cái ngày năm uẩn này bắt đầu hình thành, chúng ta phải rắc rối với đủ thứ chuyện lăng xăng vây quanh cho lợi ích của chúng. Chúng có quyền lực khủng khiếp, khiến cho toàn thế giới phải phủ phục dưới sự thống trị của chúng cho đến ngày chúng tan hoại. Chúng ta có thể nói rằng chúng ta là những nô lệ cho năm uẩn này từ ngày chúng ta được sinh ra và mãi cho đến ngày nhắm mắt. Tóm lại, điều khiến con người ta suy sụp âu lo, cội nguồn của tất cả vấn đề đều nằm nơi năm uẩn này. Chúng là những tên trùm chỉ huy, khiến chúng ta thấy những thứ hợp với sở thích của chúng. Đã như thế này, làm sao có cái gì đẹp đẽ tốt lành đến từ chúng được chứ? Ngay cả những uẩn này chúng ta mang như một gánh nặng đến đời sống kế tiếp cũng sẽ giống như thế thôi, cũng chỉ là những uẩn sống để rồi chết, luôn sai khiến và làm cho chúng ta lại khổ đau nữa thôi.

Vì vậy, hãy quán sát những việc này cho đến khi nào bạn có thể thấy chúng một cách rõ ràng với trí tuệ. Đã bao nhiêu đời sống đi qua, có thể bạn đã trải qua vô số kiếp, cho đến đời sống hiện tại bạn đang hiện hữu đây, cũng như bạn đang có nhận thức sáng suốt để quán chiếu các pháp. Những ai không tự mãn với chính mình sẽ biết được ngũ uẩn trong quá khứ và ngũ uẩn sẽ hình thành trong tương lai, tất cả đều có chung những đặc tính như ngũ uẩn đang hiện hữu với chúng ta trong hiện tại đây. Điều tôi mong mỏi hơn hết là bạn hãy để tâm thức mình luôn an trú trong phạm vi Tam pháp ấn (tilakkhana) và đang an trú ngang qua thân và tâm trong mọi lúc. Chẳng sao cả tâm có thể là hoang vu và chịu đựng thế nào, nó không thể giữ vững trước sức mạnh của chánh niệm và tuệ giác xuất phát từ tinh cần miên mật.

Chỉ cần chánh niệm và tuệ tri chưa nhạy bén, bạn phải đốc thúc chúng; nhưng ngay khi chúng được đủ sức mạnh để đứng một mình, chúng sẽ như ngọn lửa và ánh sáng luôn xuất hiện cùng nhau. Một khi chánh niệm và tuệ tri được tôi luyện trở nên mạnh mẽ, bất cứ ở đâu, bạn cũng luôn chánh niệm và sáng suốt. Đó không phải trường hợp bạn phải luôn thúc đẩy chúng. Chúng giống như em bé: Khi vừa sinh ra nó không có chút sức mạnh và trí thông minh để chăm sóc cho chính mình, thế nên bằng mọi giá cha mẹ phải có bổn phận chăm sóc cho em bé mãi cho đến khi nó khôn lớn và có thể sống bằng năng lực của riêng mình. Cha mẹ trước đây luôn lo lắng chăm nom nó nhưng bây giờ không còn chịu gánh nặng của bổn phận đó nữa. Cũng như thế, biết rõ với chánh niệm và tuệ giác. Chúng mạnh lên dần dần từ lúc được tôi rèn không mệt mỏi, không để chúng trượt dài sa ngã. Chúng phát triển từng ngày cho đến khi chúng trở nên chánh niệm tối thượng và tuệ giác tối thượng ở giai đoạn nơi mà chúng thi triển bổn phận của chúng một cách tự nhiên. Mọi thứ trước đây là địch thủ của tâm sẽ bị giết chết bởi chánh niệm tối thượng và tuệ giác tối thượng cho đến khi không còn gì lưu lại nữa. Tất cả những gì còn lưu lại là một trái tim thuần “Phật”, giáo pháp sẽ trở thành một bảo vật kỳ diệu ngay tại giây phút này ngang qua sức mạnh của chánh niệm tối thượng và tuệ giác tối thượng.

Vì vậy tôi mong tất cả các bạn - những thiền giả, hãy tinh tấn. Thấy gánh nặng của sinh, già, bệnh và chết đang nằm ở phía trước các bạn, cũng như gánh nặng sinh, già, bệnh chết hiện tại đang có mặt trong tất cả chúng sinh và mọi thứ xung quanh các bạn. Có thể còn hơn thế nữa - ai là người biết hơn bao nhiêu? Vì nguyên nhân này, bạn nên tin rằng bạn đạt được sự giải thoát ấy ngay trong đời sống này theo con đường sáng trưng nơi chính con tim bạn. Thế rồi nơi nào bạn sống, bạn luôn sống trong sự thanh thản, không còn bị quấy nhiễu bởi bất cứ rắc rối nào của sanh hay của chết bất cứ nơi đâu, bất cứ lúc nào - chỉ đơn giản biết con tim này là lắng trong thanh tịnh.

Tôi mong rằng tất cả các bạn suy tư điều này và cố gắng với tất cả ý chí dũng mãnh trong việc tu dưỡng Giới, Định và Tuệ. Mục đích bạn đã vạch ra cho chính mình, đó là loại người thứ ba, và trong tương lai có một ngày bạn sẽ là. Không nghi ngờ gì về điều ấy cả.

Thế là tạm đủ rồi, tôi xin dừng ở đây.