Đi đâu - về đâu (Phần 10)

PDang p10

- Tới bến rồi đó, bà con chuẩn bị xuống xe. Bác tài nói to.

Pháp Đăng ngơ ngác ôm chặt cái giỏ xách trong người bước theo những hành khách trên xe từ từ bước xuống, được một hồi, ở đâu ra cả đoàn người bủa quanh chạy theo với gọi:

- Áo xanh của tôi, áo đỏ của tôi, áo thun ba lỗ của tôi, quần dài hồng của tôi, bà mập mập của tôi, chú tiểu của tôi…

Pháp Đăng vẫn chưa hoàn hồn lại trước những gì đang diễn ra trước mắt, liên tục nhìn quanh để tìm kiếm cô hành khách vừa rồi đã cho mình tiền để có chỗ nương tựa tinh thần tạm thời.

Ngước nhìn mãi cũng không thấy cô đâu giữa rừng người đang chen chúc nhau tấp nập xe cộ ra vào và tiếng vẫy gọi ồn ào đầy náo nhiệt. Pháp Đăng cố gắng chen ra khỏi dòng người đông đúc để ôm chiếc giỏ xách thật chặt vào lòng mà cô hành khách đã dặn trước, khi tới Sài Gòn thì lúc nào cũng phải ôm chặt giỏ xách vào người để không là bị giật mất.

Đứng giữa ngã tư đường trên bộ đồ nâu sồng, chiếc giỏ xách mà nói đúng ra là cái cặp đi học và đôi dép tổ ong bị đứt vai đầy bụi đất. Pháp Đăng cảm thấy mình như bị lạc lõng vô cùng giữa thế giới chung quanh mà chỉ có mình là người khác biệt.

Nghĩ thế rồi Pháp Đăng hít vào hơi thở thật sâu với sự quyết tâm mạnh mẽ bước đi một cách hiên ngang tiến về phía trước.

- Chú tiểu muốn chết hả, sao mà đi chặn đầu xe tải. Bác tài xế ló đầu ra la to.

Pháp Đăng giật mình nhìn lại, nhanh chân chạy lùi lại vào lề đường mà không dám bước tiếp giữa một biển người đang nhít từng chút một trên những cỗ máy tốc độ đang lao về phía trước.

Một hồi, Pháp Đăng nghe vọng lại từ phía sau lưng mình:

- Chú tiểu đi đâu, lên xe tôi chở đi cho.

- Chú là xe ôm hả. Pháp Đăng hỏi.

- Đúng rồi, tôi là xe ôm của bến nên chú cứ an tâm.

Nói rồi, chú xe ôm khoảng chừng hơn 50 tuổi, mặc chiếc áo đồng phục màu xanh đưa cho Pháp Đăng cái nón bảo hiểm đội vào. Pháp Đăng cũng nhanh chân bước lên xe, được một đoạn đường, chú hỏi.

- Ủa! Chú tiểu đi đâu mà sao ngồi im lặng vậy.

- Dạ, cháu cũng không biết đi đâu, vì đây là lần đầu tiên cháu mới lên được tới Sài Gòn. Pháp Đăng đáp.

- Úi trời! Vậy tôi chở chú đi đâu bây giờ. Chú ngơ ngác hỏi.

- Ừ thôi được rồi! Nghĩ cũng ngộ, giữa cái mảnh đất không biết "đi bộ" này mà cũng có con đường tên "Mộng Mơ", tôi đã chở biết bao nhiêu người qua đó mà ai cũng thành công vang dội, vậy tôi chở chú tới đó nha.

Vừa nghe xong Pháp Đăng mừng rỡ với vẻ mặt đầy hy vọng, như chắc rằng chú đã hiểu ý mình. Pháp Đăng ngoái đầu lên hỏi:

- Ủa! Đường "Mộng Mơ" có gì ở đó chú.

- Thì con đường đó dành cho những người như chú đó. Ai mà lên Sài Gòn rồi mà không biết đi đâu nữa, thì tôi sẽ đưa qua chỗ đó. Chú cười mỉm rồi nói tiếp:

- Tôi làm cái nghề xe ôm ở cái bến xe này là hơn 10 năm rồi, không biết gặp biết bao nhiêu người như chú. Có mấy trường hợp vừa khóc vừa kêu tôi chở ra cầu Sài Gòn.

- Ủa! Để làm gì chú, mà cầu Sài Gòn là ở đâu? Pháp Đăng hỏi.

- Thì để nhảy xuống chứ chi. Mà đã muốn chết thì chết đại ở dưới quê, chứ đâu mà chạy lên tận đây để ra đúng cầu Sài Gòn mới chịu chết, ngộ thiệt. Rồi chú thở dài.

Pháp Đăng hỏi tiếp:

- Rồi chú có chở họ ra đó không?.

- Tôi ngu gì mà chở chú ! Đi làm kiếm miếng cơm lo cho vợ con ở nhà, chở ra đó rồi mang họa hả. Chú cười, rồi nói to:

- Tôi chở thẳng tới đồn công an.

Pháp Đăng nghe vậy cười theo, mà trong lòng đầy lo lắng khi nhìn lại chính mình cũng không biết phải đi đâu về đâu giữa vùng đất mênh mông này. Suy nghĩ thế một hồi rồi chú xe ôm quay người lại nói:

- Đường "Mộng Mơ" là tôi đùa với chú thôi, hay chú muốn tôi chở tới đường Kênh Nước Đen, mà thôi, đi tìm tương lai hy vọng như chú thì chắc không nên, hay đường Điện Cao Thế mà nghe tới cái tên cũng thấy lạnh người rồi. Rồi chú cười tiếp như để ghẹo chọc Pháp Đăng.

Trong giờ phút này, hơn bao giờ hết Pháp Đăng mới cảm thấy mình cô đơn và lạc lõng vô cùng trên con thuyền không bến đỗ đang lênh đênh giữa mênh mông sóng nước, rồi Pháp Đăng chỉ im lặng để mong chờ một phép mầu gì đó sẽ đến bên mình.

- Mà người đời họ có khổ đau, có bế tắc trốn chạy lên Sài Gòn thì tôi còn dễ chở đi tìm chỗ ở như nhà trọ hay đâu cũng được. Chứ những người tu hành như chú thì chỉ chở tới chùa thôi, mà chùa thì tôi cũng chả biết chùa nào, vì cứ mải miết lo làm ăn nuôi vợ con cả ngày thì làm gì quen cái chùa nào mà để gởi chú vào.

- À! Tôi nhớ rồi, có cái chùa của thầy Đạo ở gần ngay trung tâm thành phố, mà tôi thường chở vợ tới coi tuổi, ngày giờ, thầy này tài giỏi lắm, nhất là về phong thủy, tướng số, ma chay nổi tiếng nhất cái Sài Gòn này ai cũng biết. Mà trông sáng sủa, đẹp trai như chú chắc thầy đó sẽ nhận. Thôi! tôi thử chở chú qua đó, vì cũng đã chiều tối rồi, tôi còn phải về đón con. Chú xe ôm ôn tồn nói.

Pháp Đăng không một chút lưỡng lự đáp:

- Vậy tốt quá, chú cho con qua đó đi.

Vừa nghe chú xe ôm nói vậy, Pháp Đăng mừng rỡ như sắp tìm được cái phao cứu sinh trên biển để bám vào.

- Tới rồi đó chú tiểu. Chú xe ôm bảo.

Trước mắt Pháp Đăng đang hiện ra là một ngôi chùa cao bốn tầng, được ốp bằng đá hoa cương, đầy nguy nga lộng lẫy và sang trọng với những đường lối chạm trổ hoa văn theo kiến trúc của người hoa, phía trước cổng là hai con con kỳ lân màu vàng chắn ngang và những chiếc lồng đèn điện đủ màu sắc được thắp quanh chùa đầy đẹp mắt.

Pháp Đăng ngoái đầu nhìn lên quan sát cho thật kỹ với những điều khá lạ lẫm với mình so với hình ảnh một ngôi chùa mái lá nghèo đơn sơ mà mình đã từng gắn bó từ khi còn bé.

- Xuống xe đi chú, nhìn gì mà nhìn dữ vậy. Bộ lần đầu thấy chùa to lớn vậy hả. Chú xe ôm gọi.

Đưa xe vào bãi, rồi chú xe ôm nắm tay Pháp Đăng tiến vào cổng chính để xin phép nhờ người phụ trách trực chánh điện vô báo cho được gặp thầy trụ trì, cũng may mà thầy còn ở chùa nên chú xe ôm liền đưa Pháp Đăng tới trước bàn tiếp khách ngồi chờ thầy ra.

Ngồi chờ một hồi lâu, Pháp Đăng thấy một vị thầy mập mạp, trắng trẻo, khoảng chừng hơn 50 tuổi, mặc bộ đồ màu vàng sậm mượt mà, trên tay cầm xâu chuỗi hạt dài bằng ngọc thạch đầy sang trọng tiến lại gần chỗ Pháp Đăng.

Thấy thầy, Pháp Đăng đứng dậy chắp tay lễ chào, và được chú xe ôm giới thiệu đó là thầy Đạo, người trụ trì ngôi chùa này.

- Hai vị gặp thầy có việc gì không?. Thầy Đạo hỏi.

Chú xe ôm từ tốn đáp :

- Dạ, thưa thầy,... nói thật là con và chú tiểu này không quen biết gì cả. Nhưng thấy hoàn cảnh của chú tội nghiệp quá, không biết phải đi đâu, nên con mới mạo muội chở qua đây gặp thầy để xin cho chú được ở nhờ.

Thầy Đạo nhìn chằm chằm vào Pháp Đăng rồi đáp:

- Chú tiểu lại đây tôi coi thử.

Pháp Đăng đứng dậy bỏ giỏ xách xuống và từ từ tiến lại bên thầy.

- Nhìn khuôn mặt tướng hảo, dễ thương lắm. Thầy tổ đâu, mà sao lại bỏ đi lên Sài Gòn thế này con. Thầy Đạo hỏi.

- Dạ, con đi lên Sài Gòn cho biết ạ. Con muốn thay đổi số phận. Pháp Đăng trả lời một cách hồn nhiên và ngây thơ.

- Số phận gì mà thay đổi hả con, sao con khờ quá vậy. Nhưng thấy hiền lành, ngây thơ, dễ thương nên tôi nhận cho ở thử xem sao.

Pháp Đăng nghe thầy nói vậy lòng mừng rỡ, vì đã có chỗ ở nương thân.

- Mà chú có mang theo giấy tờ gì không. Thầy hỏi.

- Dạ không, con chỉ có mấy bộ đồ, mì gói, mấy quyển kinh. Pháp Đăng lúng túng đáp.

- Ừ! Cũng không sao, may phước cho chú là tôi cũng là người quen biết rộng rãi và có tiếng ở đây, chứ không là không ai mà dám nhận người không có mảnh giấy trong người như chú ở cái đất Sài Gòn này đâu.

- Dạ, con cảm ơn thầy. Pháp Đăng mừng rỡ đáp.

- Thôi! Vậy mừng quá, thưa thầy tôi về. Chú xe ôm nói.

Pháp Đăng đưa chú xe ôm ra cổng và móc trong túi ra 50 ngàn đồng của cô hành khách đã cho sáng nay để đưa cho chú. Tạm biệt và cảm ơn chú xong, Pháp Đăng từ từ bước vào lại trong chùa với vẻ rụt rè đầy lạ lẫm, Pháp Đăng một lần nữa lại cảm thấy mình lạc lõng vô cùng khi không biết rồi số phận mình sẽ ra sao.

Pháp Đăng chợt nhớ lại cô hành khách hồi sáng, chú xe ôm tốt bụng mới vừa rồi là những người ân nhân đã giúp đỡ mình mà cảm thấy thương quý họ vô cùng, rồi họ lại phải tạm biệt Pháp Đăng ra đi để lo cho cuộc sống mưu sinh của riêng mình.

- Chú tiểu mới vô đâu rồi, lại đây tôi biểu. Giọng thầy Đạo hô to.

Pháp Đăng chạy một mạch vào đứng bên cạnh thầy. Bỗng chợt, thầy đưa tay nựng lên má của Pháp Đăng rồi bảo:

- Công nhận chú dễ thương thật, như một thiên thần từ trên trời rơi xuống, chú mà không được như vầy thì dễ gì tôi nhận.

Pháp Đăng cảm thấy ngượng ngùng, e dè trước hành động của thầy.

- Chú Nguyên đâu rồi, xuống đây tôi biểu. Nhìn Pháp Đăng rồi thầy Đạo hỏi.

- À! Mà chú pháp danh gì?

- Dạ, con là Pháp Đăng.

- Ừ, mấy chú lớn ở đây thì tôi không có đặt pháp danh mà tôi kêu tên đời luôn do dễ nhớ. Pháp Đăng cũng hay. Thôi! Tôi giữ cái tên Pháp Đăng lại cho chú đó.

- Chú Nguyên nè, coi dắt chú Pháp Đăng này lên phòng. Cái phòng trên tầng hai là ở được sáu chú, nên còn dư cái giường, thì coi cho chú vào đó ở đi. Nhớ là đừng có bật quạt cả đêm nha mấy ông tướng.

Nói rồi, chú Nguyên dắt Pháp Đăng bước lên phòng nghỉ tập thể dành cho các chú. Trước mắt Pháp Đăng là có khoảng vài chú tiểu đã lớn nhưng không để chóp như Pháp Đăng, đang nằm trên chiếc giường nhỏ của mình, người thì đọc sách, người thì đang chơi máy tính, người nghe nhạc.

Pháp Đăng vừa bước vào tới phòng, các chú đều đưa mắt nhìn với vẻ lạnh lùng. Bỗng chợt có một chú lên tiếng hỏi chú Nguyên.

- Lính mới hả,…

Pháp Đăng cảm nhận như mình đang đi lạc vào một vùng đất đầy băng giá được phủ đầy tuyết trắng trước những chú gấu con đang hướng nhìn mình bằng một ánh mắt đầy lạnh nhạt trong từng lời nói và cử chỉ điệu bộ theo kiểu "để tâm làm gì cho mệt".

Rồi nhẹ nhàng, Pháp Đăng đặt chiếc giỏ xách trên giường và đặt lưng nằm xuống trong vẻ mệt mỏi sau một chuyến đi dài đầy căng thẳng.

Chú Nguyên đến gần Pháp Đăng rồi bảo :

- Sáng mai 4 giờ kém, khi nghe tiếng còi báo thức chú phải dậy liền để công phu sáng, dậy trễ là bị phạt đó, rồi xuống lo thức ăn sáng cho mọi người, xong là lau dọn chánh điện và đi tụng kinh đám tang với thầy trụ trì, mai có đám gần chùa, chú được giao làm thị giả (phụ việc), thầy mới bảo tôi chuyển lời lại cho chú. Coi bộ chú có phước, mới vào vậy mà được để ý ghê nha. Rồi chú Nguyên cười nhẹ đầy hàm ý.

Pháp Đăng nằm trên chiếc giường đơn bên trên là chiếc quạt treo tường kêu cọc cạch mà không tài nào chợp mắt được trước mọi thứ đang diễn ra quanh mình giữa những người mà mình đã gặp trong suốt ngày hôm nay.

Chợt Pháp Đăng cảm thấy cô đơn đến vô cùng khi nhớ về thầy – một vị sư hiền lành giản dị và chân chất trong mảnh y vàng thô sơ bạc màu nó khác hẳn với hình ảnh của thầy Đạo mà Pháp Đăng vừa với gặp, đầy sang trọng, oai nghiêm, bệ vệ, rồi Pháp Đăng nghĩ về mấy chú ở đây, mà Pháp Đăng tự hỏi: tại sao mấy chú lại gọi mình là lính mới? và tại sao mấy chú quá lạnh lùng khi nhìn Pháp Đăng với ánh mắt đầy hoài nghi và dò xét.

Rồi Pháp Đăng chợt khóc khi nghĩ về hình ảnh của sư đệ Pháp Bảo sáng nay khi tiễn đưa mình lên xe đầy nước mắt, hơn bao giờ hết Pháp Đăng cảm thấy cô đơn và thương nhớ sư đệ Pháp Bảo vô cùng khi chung quanh mình toàn là người xa lạ. Nghĩ vậy rồi Pháp Đăng âm thầm rơi lệ trên chiếc giường nhỏ đặt ngay góc phòng.

Suy nghĩ một hồi, Pháp Đăng nằm ngủ thiếp đi vì quá mệt.

CÒN TIẾP PHẦN 11: CHÊNH VÊNH GIỮA DÒNG ĐỜI

Dựa trên câu chuyện có thật của chú tiểu Pháp Đăng