Di sản văn hóa phi vật thể trong Phật giáo Khất sĩ

Di sản văn hóa phi vật thể

Theo luật Di sản Văn hóa (sau khi sửa đổi, bổ sung vào năm 2009), điều 4, khoản 1, Di sản văn hóa phi vật thể sản phẩm tinh thần gắn với cộng đồng hoặc cá nhân, vật thể và không gian văn hóa liên quan, có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thể hiện bản sắc của cộng đồng, không ngừng được tái tạo và được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác ”. Nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Hồng (2013) có ý kiến rằng, “Văn hóa phi vật thể trong văn hóa Phật giáo chính là hệ thống tư tưởng, các chuẩn mực, giáo lý của đạo Phật, các nghi lễ, phong tục tập quán, nghệ thuật… của Phật giáo ”. Nguyễn Hữu Oanh, nguyên Phó trưởng ban Tôn giáo Chính phủ, phát biểu, “Những Kinh sách, những bài thuyết pháp của các vị quốc sư, những bài kệ - thi phẩm Thiền, những văn bia ở các chùa, các Thiền viện, những lễ hội Phật giáo được tổ chức hàng năm ở rất nhiều chùa chiền trên khắp đất nước, cũng như phép ứng xử chan hòa, bao dung và lối sống thanh sạch, cần kiệm, khiêm cung của những người chân tu, đều là những di sản văn hóa Phật giáo phi vật thể, nằm trong kho báu mà tổ tiên chúng ta để lại, rất cần được gìn giữ, kế thừa. Cùng quan điểm trên, Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, Giám đốc Quỹ Hỗ trợ Bảo tồn Di sản Văn hóa Việt Nam nói rằng, “Văn hóa đạo đức là di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc của Phật giáo”.

Từ các khái niệm trên, chúng ta thấy nguồn di sản phi vật thể của Phật giáo nói chung, Hệ phái Khất sĩ nói riêng được thể hiện ở rất nhiều phương diện, tạo nên một sức sống và có ảnh hưởng tích cực đến xã hội và cộng đồng phật tử. Với Đạo Phật Khất Sĩ, s ự phong phú và đa dạng của văn hóa phi vật thể có thể tìm thấy ở chủ trương “Nối truyền Thích Ca Chánh Pháp”, hình ảnh khiêm cung và thanh thoát của Tăng đoàn Khất sĩ làm sống lại hình ảnh của Phật Tăng xưa với pháp hành Tứ y pháp , tinh thần dung hợp những tinh hoa của các tông phái Phật giáo khác trong cách hành trì, tinh thần đoàn kết, hòa hợp trong nếp sống chung tu học lấy sự tu tập giới-định-tuệ làm tôn chỉ của chư Tăng NiKhất sĩ, chủ trương hoằng pháp bằng con đường giáo dục như đức Phật lịch sử xưa, giá trị của bộ Chơn lý, hình tượng biểu trưng của Bát chánh đạo – con đường trung đạo tuyệt vời của đạo Phật trong kiến trúc ngôi chánh điện bát giác, ý tưởng đem chánh pháp thanh tịnh của chư Phật soi đường dẫn lối cho người hữu duyên qua hình ảnh hoa sen và ngọn đèn Chơn lý, sự tinh giản trong thờ cúng và nghi lễ, sử dụng kinh kệ bằng ngôn ngữ thuần Việt, cùng sự nhất quán trong cách đặt tên tịnh xá và pháp danh là những viên ngọc quý bất kỳ nhặt từ kho báu di sản văn hóa của Hệ phái. Trong khuôn khổ giới hạn, bài tham luận này chỉ trình bày khái quát về di sản phi vật thể của Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam được thể hiện ở các phương diện tiêu biểu trên.

1. “Nối truyền Thích Ca Chánh pháp” - Tái hiện một đạo Phật “nguyên chất”

Đức Tổ sư Minh Đăng Quang lập Đạo trong lúc Phật giáo nước nhà ở vào giai đoạn suy yếu do nhiềunguyên nhân bên trong lẫn bên ngoài. Nhằm khôi phục lại một “đạo Phật nguyên chất”, góp phầnvào phong trào chấn hưng Phật giáo vào nửa đầu thế kỷ XX,Tổ sư Minh Đăng Quang, với chí nguyện “Nối truyền Thích Ca chánh pháp”, đã thành lập “Đạo Phật Khất sĩ Việt Nam”. Đức Tổ sư xác định rõ mục đích lập đạo của mình, “Khất sĩ chúng tôi tập nối truyền Chánh pháp của Phật Thích Ca Mâu Ni, xuất hiện nơi xứ Việt Nam này với mục đích cố gắng noi y gương Phật, thay Phật đền ơn và để đáp nghĩa chúng sanh trong muôn một, đang thời nạn khổ” (Chơn lý “Hòa bình”, tr. 832).

TSMDQ016

Suối nguồn tâm linh vi diệu thời Phật dần bị pha tạp trên con đường tiếp biến văn hóa khi đạo Phật ra khỏi đất nước Ấn Độ du nhập vào các nước lân cận. Khi đến Việt Nam, đức Tổ sư quyết tâm trở về nguồn, y vào pháp hành của Phật Tăng xưa, thuận duyên hành đạo trong cộng đồng dân tộc, phát triển nhanh chóng đoàn Du Tăng Khất Sĩ, một tổ chức có sắc thái Phật giáo đặc thù, biệt truyền tại miền Nam Việt Nam. Nỗ lực của đức Tổ sư là xây dựng một Tăng đoànvới cách hành trì theo truyền thống mà Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã vạch ra, làmtái hiện hình ảnh uy nghiêmcủa Phật Tăng xưa, thực hành giới-định-tuệ, phát huy tinh thần viễn ly trong hạnh xuất gia, tinh tấn trong tu tập và chu toàn đức giải thoát trên đường hoằng hóa độ sanh.Ngài đã thực hiện thành tựu và lưu truyền cho hậu thế hữu duyên một dòng truyền thừa chánh pháp với chủ trương pháp của người Khất sĩ là “xin vạn vật để nuôi thân, xin các pháp để nuôi trí” (Chơn lý “Khất sĩ”, tr.167) nhằm gột rửa thân tâm, trau giồi trí tánh.

Ngày nay, mặc dù xã hội có nhiều biến chuyển, Đạo Phật Khất Sĩ linh hoạt đi vào cuộc sống.So với lúc đức Tổ sư mới lập đạo, pháp hành của chư Tăng Ni có nhiều thay đổi; thế nhưng, tôn chỉ “Nối truyền Thích Ca Chánh pháp, Đạo Phật Khất sĩ Việt Nam” được chư đệ tửTăng Ni gìn giữ và phát huy. Đây là nguồn di sản văn hóa phi vật thể có giá trị tinh thần thiêng liêng, là sợi chỉ thắm gắn kết tất cả mọi thành viên trongcộng đồng Tăng Ni Khất sĩ, làm nên bản sắc đặc trưng của đạo Phật Khất sĩ Việt Nam, tạo ảnh hưởng sâu rộng đến mọi tầng lớp xã hội chỉ trong vòng hơn 70 năm hình thành và phát triển.

2. Đoàn Du Tăng tái hiện hình ảnh Phật Tăng xưa với pháp hành Tứ y pháp

Đức Tổ sư chủ trương thực hành Tứ y pháp là cách duy nhất để nối truyền Thích Ca chánh pháp “TỨ Y PHÁP là chánh pháp của chư Phật mười phương ba đời, là giáo lý Y BÁT KHẤT SĨ vậy!”. Ngài nhấn mạnh: “Ngoài Tứ y pháp ra, thì không phải đạo Phật, không giống chư Phật, chư Tăng và không phải là giáo pháp chánh chơn của Phật. Vì vậy cho nên Tứ y pháp là đứng đầu trong tạng luật, và khi xưa kẻ mới tu xuất gia nhập đạo, thì Phật dạy cho Tứ y pháp trước hết, và dạy cho biết đạo Phật là đạo Khất sĩ vậy.” (Chơn lý “Chánh pháp”, tr. 311-312).Tứ y pháp là bốn điều đức Phật chế định cho hàng Tỳ kheo khi đã thọ cụ túc giới phải hành trì suốt đời:

Khất thực không nài vật uống ăn,

Mặc y phấn tảo hạnh thanh bần.

Tàng cây, nhà vắng, tu thiền quán,

Rễ lá sơ sài, dụng thuốc thang

(NT. Huỳnh Liên).

Bốn pháp này nhằm đáp ứng các nhu cầu ăn, mặc, ở, bệnh với mục đích làm thanh tịnh hàng ngũ Tăng chúng, giải thoát mọi sự ràng buộc của vật chất đời thường, sống thiểu dục tri túc, thực hành nếp sống thanh bần đạm bạc của một nhà sư phạm hạnh. Tứ y pháp vốn được trình bày trong tất cả các bộ luật tạng như Vinaya Pitaka (Thượng t ọa bộ), Tứ phần luật (Đàm vô đức bộ), Ngũ phần luật (Hóa địa b ộ), Thập tụng luật (Thuyết nhất thiết hữu b ộ), Căn b ản thuyết nhất t hiết hữu bộ luật (Căn b ản thuyết nhất t hiết hữu b ộ), Ma h a tăng k ỳ luật (Đại c húng b ộ). Thế nhưng, trên thực tế, đã từ lâu chư Tăng Ni các tông phái Phật giáo ít hoặc không chú trọng đến việc hành trì các pháp này.

Đức Tổ sư đã chọn Tứ y pháp làm phương pháp tu chính thống của Đạo Phật Khất Sĩ trong ý nghĩa “Nối truyền Thích Ca chánh pháp”, vì Ngài đã thực hành một pháp môn dường như đã bị thất truyền hơn hai ngàn năm qua. Mỗi buổi sáng sớm, nhìn hình ảnh những nhà sư Khất sĩ đi chân đất, đắp y thô mang bát đất, thanh bần đạm bạc, uy nghiêm, với phong thái nhẹ nhàng, thanh thản, từng bước chân hóa duyên trên các ngả đường từ miền quê thôn dã đến phố thị phồn hoa, làm tái hiện hình ảnh Tăng đoàn thời Phật đi khất thực như được mô tả trong các bài Kinh Nikāya, thật gần gũi và sống động.

tsmdq38

Như vậy, hình ảnh của Phật, Tăng xưa được nhìn thấy thông qua những vị sư Khất sĩ thời nay. Pháp hành căn bản của đoàn du Tăng Khất sĩ là xin vật chất để nuôi thân, học giáo pháp để nuôi tâm. Pháp khất thực này giúp hành giả tu hạnh khiêm cung, diệt trừ bản ngã, và gián tiếp dạy cho người đời biết bố thí để tập bỏ tính keo kiệt, tham, sân, si tội lỗi. Đường lối này gọi là Trung đạo giải thoát, tránh được hai cực đoan: lợi dưỡng sung sướng và ép xác khổ hạnh. Sự uy nghiêm thanh tịnh của những nhà sư Khất sĩ trên các ngả đường khất thực hóa duyên đã mang thông điệp của những bài pháp không lời về hạnh bố thí:

Pháp khất thực dạy người bố thí,

Cùng dạy mình Chơn lý không tham

(Chơn lý “Kệ Hòa Bình”).

Đức Tổ sư muốn làm sống lại những hình ảnh độ sanh như thời đức Phật còn tại thế, nên dùng phương pháp du hành để hóa duyên và thuyết pháp. Đây là gương hạnh của đệ tử xuất gia chân chánh của Phật, thuận theo duyên mà sống lẽ trung đạo, hạ mình xin ăn tu học, chứ không hề cực đoan ép xác. Cách hành trì này của chư Tăng Ni Khất sĩ đã cảm hóa bao người về với đạo Phật. Chính TT. Chân Tính, trụ trì chùa Hoằng Pháp (TP. Hồ Chí Minh) là một trong số rất nhiều người được cảm hóa như thế. Trong bài viết trình bày tại hội thảo khoa học kỷ niệm 60 năm ngày đức Tổ sư Minh Đăng Quang vắng bóng, TT. Chân Tính phát biểu: Qua gương hạnh đầu trần, chân đất, ôm bát khất thực, sống đời tự do tự tại như cánh hạc tung bay khắp bốn phương của quý sư Khất sĩ đã chuyển hướng cuộc đời tôi bước lên con đường xuất gia giải thoát cho đến ngày nay”.

Với một lòng chánh tín, một ý chí mạnh mẽ, nguyện làm sống lại đời sống phạm hạnh truyền thống của chư Phật, đức Tổ sư và chư Tăng Khất sĩ kiên trì thực hành Tứ y pháp. Hình ảnh cao quý này đã để lại dấu ấn vô cùng đẹp đẽ trong lòng xã hội và trong ký ức bao người mãi đến ngày nay. Với sự hành trì Tứ y pháp đặc trưng và mới lạ tại miền Nam Việt Nam, chỉ trong một thời gian ngắn khoảng mười năm, Đạo Phật Khất Sĩ phát triển mạnh mẽ với số đệ tử xuất gia trực hệ lên tới gần một trăm vị, tín đồ Phật tử lên đến số ngàn. Chí nguyện sống đời thanh bần, đạm bạc trong tinh thần vô chấp, vô trụ này là tài sản quý giá của đạo Phật Khất sĩ Việt Nam.

3. Tinh thần dung hợp giữa hai truyền thống Phật giáo lớn với văn hóa Nam Bộ

Với tôn chỉ “Việt Nam đạo Phật không phân thừa” (Chơn lý “Đạo Phật Khất sĩ”, tr. 870), Tổ sư Minh Đăng Quang đã chắt lọc,tích hợp và dung hòanhữngtinh hoa của hai tông phái truyền thống Bắc tông và Nam tông trên phông nền của văn hóa Nam Bộ làm thành những nét đặc trưng của Khất sĩ. Cụ thể, Tăng Ni Khất sĩ hễ đi ra khỏi tịnh xá là phải mặc y mang bát, hằng ngày đi trì bình khất thực và ăn chay, lấy thiền định làm căn bản cho sự tu chứng, duy trì nếp sống phạm hạnh thanh cao, đạm bạc và chân chất. Về y phục, trì bình khất thực, cách thọ thực, đời sống sinh hoạt, tu thiền là truyền thống của Phật giáo Nam tông, Hệ phái Khất Sĩ xem đây là việc “Nối truyền Thích-ca Chánh pháp”.Kinh điển và giới luật, có Ni đoàn trong giáo pháp Khất sĩ, nghi thức thọ thực thì áp dụng theo truyền thống Phật giáo Bắc tông. Các yếu tố này đã hòa quyện vào nhau, tạo thành nét đặc thù và đặc sắc của hệ phái Khất sĩ. Ví dụ đi khất thực là theo truyền thống Nam tông, mà chỉ nhận thức ăn chay thì lại giống Bắc tông. Màu y thì gần giống màu y của chư Tăng Ni Bắc tông, trong khi đó, cách đắp y thì lại giống chư Tăng Nam tông. Thêm vào đó, sử dụng kinh kệ bằng ngôn ngữ thuần Việt ở thể văn vần, phần lớn là thơ lục bát và chủ trương đời sống sinh hoạt giản đơn, chân chất rất phù hợp với văn hóa Nam Bộ là một sự sáng tạo khoa học, đáp ứng được tâm lý của người dân địa phương . Sự sáng tạo này là điểm vô cùng đặc biệt của Phật giáo Khất sĩ, một tông phái mới ra đời, còn khá non trẻ mà lại tiên phong về vấn đề Việt hóa ngôn ngữ kinh điển, trong khi Bắc tông vẫn đọc tụng kinh theo âm Hán-Việt, còn Nam tông thì tụng kinh bằng tiếng P āli.

Khi vận dụng những yếu tố ưu việt của hai tông phái truyền thống, đức Tổ sư đã thể hiện rõ nét con đường trung đạo của Phật giáo, không bị kẹt vào nhị nguyên. Tư tưởng bất nhị này được thể hiện hài hòa viên dung trong tư duy và hành trì của chư Tăng Ni Khất sĩ . Chính nét đặc thù này đã khiến cho đ ạo Phật Khất Sĩ Việt Nam nhanh chóng thấm sâu vào lòng người, đồng thời cũng đáp ứng được nhu cầu tu nhân học Phật của một bộ phận quần chúng ở miền Nam nước ta. Thêm vào đó, chủ trương của đức Tổ sư còn góp phần định hướng rõ ràng cho Tăng Ni và tín đồ trong việc ứng dụng lời Phật dạy. Sự vận dụng linh hoạt sáng tạo của đức Tổ sư đã tạo thành nét đặc thù rất độc đáo của đạo Phật tại Việt Nam, phù hợp với văn hóa vùng sông nước của miền Nam Việt Nam. Do vậy, không có gì khó hiểu khi H ệ phái Khất sĩ mới thành lập, chỉ trong thời gian tương đối ngắn đã thu hút một số lượng lớn người xuất gia cũng như tín đồ P hật tử.

Sự hòa quyện tinh hoa của Nam-Bắc truyền Phật giáo với văn hóa Nam Bộ trong giai đoạn chấn hưng Phật giáo này đã thể hiện một cách xuất sắc sự khế lý, khế cơ, khế thời và khế xứ của Đ ạo Phật Khất Sĩ trên đường hoằng truyền chánh pháp . Tinh thần này là một di sản văn hóa quý báu trong văn hóa Phật giáo Việt Nam nói chung và của đạo Phật Khất sĩ nói riêng.

4. Tinh thần quy về một mối: Sống chung tu học

Với sự tích hợp hoàn hảo vừa trình bày trên, đức Tổ sư khuyến tấn chư Tăng Ni “ Nên tập sống chung tu học , thực hành “trung đạo” giải thoát. Tư tưởng Ta là tất cả, tất cả là ta, ta sống cho tất cả, thì tất cả sống cho ta ” (Chơn lý Hòa bình , tr. 831) được thể hiện xuyên suốt qua sự hành trì của chư Tăng Ni Khất sĩ . Trong bộ Chơn lý, rất nhiều lần đức Tổ sư dùng từ “sống chung”, “ở chung”, “tu chung” để nêu cao tinh thần hòa đồng quy về một mối trong sự hòa hợp, không phân chia để tạo nên một sức mạnh về tổ chức, tinh thần và tâm linh. Ngài chủ trương, đạo của sống là xin nhau sống chung, đạo của biết là xin nhau học chung, đạo của linh là xin nhau tu chung” (Chơn lý “Hòa bình”, tr. 832). Ngài lại dạy, “Khất sĩ được để lại gương mẫu cho đời, về sự không tranh, bình đẳng, hiệp hòa, sống chung, học chung, tu chung với nhau để gương bằng sự thật hành tu tập, y theo chơn lý sống, biết, linh, trong võ trụ đạo đức. Con đường của Khất sĩ là bố thí pháp học và hành, trao đổi với tài thí ở đời, để được mình đi và dắt kẻ sau cùng đi tới” (Chơn lý “Đạo Phật Khất sĩ”, tr. 878).

Trong khi các tông phái Phật giáo khác phát triển theo chiều hướng chia chẻ ra nhiều tông phong pháp phái và một khi chẻ nhỏ, hệ thống trở nên yếu đi là điều tất yếu. Tổ sư Minh Đăng Quang biết cách quy tụ chư Tăng Ni Khất sĩ về một mối, tạo nên một tập thể vững mạnh, nhờ đó, Đạo Phật Khất Sĩ là một trong những tông phái phát triển mạnh ở thế kỷ XX. Từ khi còn đức Tổ sư, mọi hoạt động của Tăng Ni Khất sĩ đều do đức Tổ sư quyết định, nhất quán, xuyên suốt, hàng đệ tử Tăng Ni cứ việc theo đó hành trì. Sau này, khi các Giáo đoàn thành lập, chủ trương sống chung tu học được các thể hiện triệt để trong phạm vi Giáo đoàn. Bên cạnh sự độc lập tương đối của mỗi Giáo đoàn, những sinh hoạt chung của Hệ phái đều nhận được sự đồng thuận, hưởng ứng tích cực từ mọi thành viên trong Hệ phái. Trong tinh thần đó, Tăng Ni Khất sĩ luân chuyển chỗ ở mỗi ba tháng, không riêng tư cơ sở tịnh xá, không riêng tư tài sản, không riêng tư đệ tử, không riêng tư tín đồ bổn đạo, tất cả đều là của chung và phục vụ cho mục đích chung là tu học và hoằng hóa độ sanh.

nn11

Về phía Ni giới Hệ phái Khất sĩ, chư Ni từ 72 ngôi tịnh xá ở cả hai miền Nam Trung từ thuở Ni trưởng Huỳnh Liên còn sanh tiền đến nay đã hơn 240 ngôi tịnh xá, tịnh thất từ các tỉnh thành, luôn duy trì được sự đoàn kết, nhất quán, xuyên suốt trong mọi hoạt động chung của Ni giới. Tổ đình (Tịnh xá) Ngọc Phương (TP. Hồ Chí Minh) là trụ sở trung ương duy nhất; do vậy, mọi Phật sự chung của Ni giới Hệ phái Khất sĩ được tổ chức ở đây. Các lễ hội như kỷ niệm ngày đức Tổ sư vắng bóng, ngày giỗ Ni trưởng Huỳnh Liên và quý Ni trưởng lãnh đạo, An cư kiết hạ và Tự tứ hằng năm, các cuộc hội họp quan trọng của Ni giới hệ phái…đều diễn ra tại Tổ đình Ngọc Phương. Ngoài ra, còn có một số phân đoàn Ni trực thuộc các Giáo đoànTăng thì sinh hoạt theo các Giáo đoànTăng.

Tinh thần quy về một mối còn thể hiện ở chỗ, bất cứ tịnh xá nào cũng có thể trở thành nơi tạm trú cho Tăng Ni sinh từ các nơi khác về để theo học các khóa Phật học và thế học. Trongý niệm sống chung tu học, tất cả đều sống hòa hợp với nhau như huynh đệ một nhà. Cho dù số lượng Tăng Ni tăng lên mỗi năm, nhưng tinh thần gắn bó keo sơn này luôn được tôn trọng và nuôi dưỡng. Như vậy, bên cạnh việc thực hiện nghĩa vụ, bổn phận của một Tăng Ni tại địa phương dưới sự quản lý và chỉ đạo của Ban Trị sự các tỉnh thành theo địa bàn cư trú, chư Tăng Ni Khất sĩ tự thấy mình có bổn phận gắn kết với Hệ phái, cùng sinh hoạt trong một tập thể thống nhất theo tổ chức Giáo đoàn và lớn hơn là Hệ phái.

BeMac BDTT 10

Ngày nay, do nhiều yếu tố khách quan, sự sống chung tu học hay luân chuyển chỗ ở mỗi ba tháng không còn thực hiện được nữa. Tuy nhiên, các sinh hoạt chung như cùng An cư kiết hạ tại một số tịnh nghiệp đạo tràng, Tự tứ chung, kỷ niệm các ngày cúng kỵ chung… vẫn được duy trì trong phạm vi Giáo đoàn. Các Giáo đoàn cũng gắn kết nhau trong các hoạt động chung của Hệ phái, như tổ chức lễ Tưởng niệm ngày đức Tổ sư vắng bóng (mỗi năm ở Giáo đoàn và chung cho cả Hệ phái mỗi 5 năm một lần), khóa “Bồi dưỡng và Trao đổi kinh nghiệm trụ trì” dành cho Tăng Ni Hệ phái được tổ chức trong những năm gần đây…Thêm vào đó, các “Khóa tu Truyền thống"(mỗi khóa 7 ngày) được các Giáo đoàn luân phiên tổ chức dành cho chư Tăng cả sáu Giáo đoàn và các khóa tu Giới-Định-Huệ (mỗi khóa 7 ngày) dành cho chư Ni do Ni giới hệ phái Khất sĩ tổ chức luân phiên ở các tịnh xá trực thuộc Ni giới hệ phái Khất sĩ là những cơ hội để nuôi dưỡng tinh thần sống chung tu học, cùng sách tấn nhau trong nếp tu học lục hòa.

Như vậy, từ một Giáo hội chung thời đức Tổ sư đã phát triển thành sáu Giáo đoàn Tăng (Giáo đoàn I, III và IV có các phân đoàn Ni) và Ni giới Hệ phái Khất sĩ Việt Nam, tất cả đều chung lo những hoạt động Phật sự của Hệ phái hơn 70 năm qua. Nhờ tinh thần quy về một mối này, tất cả người con Khất sĩ coi nhau như con một cha, cùng tu học trong mái nhà chung, cùng chia sẻ các Phật sự chung.Tinh thần này là niềm tự hào của mỗi Tăng Ni trong Hệ phái; do vậy ai cũng ý thức giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp ấy.

5. Tinh thần tùy duyên

Tinh thần “tùy duyên” của Phật giáo Khất sĩ là ứng dụng giáo lý Trung đạo một cách uyển chuyển, linh động để tiến hóa tự thân và giúp người tu tập. Thực hành Tứ y pháp, du hành hóa duyên rày đây mai đó là hiện thực hóa tinh thần Trung đạo tùy duyên một cách thiết thực nhất. Trên đường hóa duyên, ai cho gì ăn nấy, miễn đồ chay là được, không chọn lựa đòi hỏi. Tối đến, tiện đâu nghỉ qua đêm ở đó, khi thì gò mả đồng hoang, lúc thì gốc cây nhà trống. Vải thô xấu nhặt nhạnh từng miếng nhỏ, may nối thành tấm y bá nạp che thân khỏi muỗi mòng mưa nắng, và khi bệnh, vỏ cây lá thuốc tùy duyên mà dùng. Đức Tổ sư dạy: “Muốn học, không phải ở một chỗ, mà cần phải bước lên đi tới, phải đi theo thời duyên cảnh ngộ, của nước gió không ngừng chớ đừng cố cượng” (Chơn lý “Khất sĩ”, tr. 165). “Như thế là pháp phải thay đổi luôn luôn theo thời duyên, chớ không nhứt định được” (Chơn lý “Tam giáo”, tr. 350). Người khất sĩ hành trì Tứ y pháp “Là bậc sống theo thời duyên cảnh ngộ rày đây mai đó, ở xó góc bụi lùm, một thân một áo bát, theo lẽ vô thường vô ngã, cùng là nhơn pháp không ta” (Chơn lý “Khất sĩ”, tr. 170).

“Tùy duyên” là pháp hành của đức Tổ sư khi đã thông suốt các pháp tu và linh hoạt trong ứng dụng tự thân hành trì cũng như hướng dẫn người khác. Ví như đề mục về hơi thở là đề mục rất quen thuộc và phổ biến cho hành giả, đức Tổ sư cũng răn nhắc, đây chỉ là một trong muôn ngàn đề mục thiền định. Mà với đề mục hơi thở, cũng có nhiều cách luyện tập. Ngài dạy, “Về hơi thở, người ta luyện tập cách nào cũng được, cốt yếu là để tập định, nhưng lúc hành thì phải kinh nghiệm, xem chừng từ chút sự khác lạ, kẻ thái quá bất cập có điều trở ngại, tai hại cho thân thể, làm mất an vui tấn hóa. Người ta cũng có thể, cần phải biết ra nhiều cách thở, để đặng thay đổi pháp hành tùy theo nhơn duyên trình độ, cho thuận tiện tinh tấn. Hơi thở là một đề mục, trong muôn ngàn đề mục thiền định, chớ chẳng phải một môn độc nhứt để đến thiền định” (Chơn lý “ Số tức quan”, tr. 802).

Giáo lý Khất sĩ, một là dứt các điều ác, hai là làm các điều lành tùy theo nhân duyên cảnh ngộ, không cố chấp, và ba là cốt yếu giữ lòng trong sạch” (Chơn lý “Đạo Phật Khất sĩ”, tr. 880). Ngài có chủ trương rất thoáng và phù hợp với sự vận hành, thay đổi của xã hội, khi viết: “Đạo Phật khi hẹp thì phải mở rộng, và khi rộng là phải thu hẹp, rộng hẹp phải tùy duyên mới gọi là phương tiện thiện xảo của trí huệ Phật, sẽ dắt dìu chúng sanh tiến lên từng nấc một mà không còn phải là để cho chúng sanh chết nằm một chỗ” (Chơn lý “Thờ phượng”, tr.773). “Pháp phải thay đổi luôn luôn theo thời duyên, chớ không nhứt định được” (Chơn lý “Tam giáo”, tr. 350). Trên tinh thần tùy duyên hành đạo ấy, khi nhu cầu phải di chuyển trên diện rộng, đức Tổ sư đã dùng xe ô tô như một phương tiện hoằng pháp. Ngài đã dùng máy móc để hỗ trợ sự hành đạo, phục vụ cho việc thuyết giảng khi có đông đảo người nghe. Thời ấy, Hệ phái có hẳn nhà in Pháp Ấn để phục vụ việc in các tài liệu giảng pháp của đức Tổ sư, chủ yếu là Chơn lý, để lúc nào các ấn phẩm này cũng có sẵn trên xe, để Ngài và chư Tăng có thể thực thi pháp thí cho Phật tử trên đường du hóa. Với sự cập nhật như vậy, đức Tổ sư sử dụng những phương tiện được xem là đi trước thời đại bấy giờ.

Trong bài Tánh thủy (Chơn lý), Đức Tổ sư lấy hình ảnh nhu nhuyến, uyển chuyển và linh động của nước để nhắc nhở hàng đệ tử biết vận dụng tinh thần tùy duyên trong cuộc sống để bắt kịp xu hướng thời đại, tạo sức mạnh cảm hóa to lớn, đem lại an lạc lâu dài cho người. Tinh thần tùy duyên này là một tài sản vô cùng quý giá mà hàng đệ tử Tăng Ni Khất sĩ được thừa hưởng từ đức Tổ sư trên con đường hành đạo, lợi lạc quần sanh.

6. Độ sanh bằng con đường giáo dục

Tổ sư Minh Đăng Quang rất coi trọng Pháp bảo. Với Ngài, Pháp bảo là thầy của Phật, là thầy của Tăng và chúng sanh. Vậy nên chúng ta mau mở trí ra mà chứa đựng Pháp bảo. Vì trong đời pháp bảo là quý hơn hết” (Chơn lý Có và không , tr. 94). Vì lẽ đó, đức Tổ sư chọn con đường độ sanh qua các phương tiện giáo dục, lấy Bát chánh đạo làm tôn chỉ trong sự hành trì, khuyến tấn mọi người siêng năng nghe pháp, thực hành pháp để chuyển hóa tự tâm.

TSMDQ0061

Sự chú trọng đến giáo dục được thể hiện trong việc đức Tổ sư dạy về các hạng mục cần xây dựng trong một ngôi t ịnh xá.“Tịnh xá phải tám thước, vuông bốn phía, hình bát giác. Có nhà giảng thuyết pháp, góc vuông mười sáu thước” (Luật nghi Khất sĩ). Trong t ịnh xá nhất thiết phải xây dựng nhà giảng đã nói lên tinh thần lấy giáo dục làm hàng đầu trong sự tu tập và hoằng pháp. Chính hình ảnh dạy dỗ cư gia bá tánh, “thuyết pháp cứu độ đông người theo lòng mong cầu của họ” (Chơn lý Cư sĩ , tr. 255 ), đã biểu hiện con đường độ sanh thông qua sự truyền trao giáo pháp cho mọi người để cùng tiến hóa trên lộ trình tu tập.

Nỗ lực của đức Tổ sư là làm tái hiện nếp sống Tăng đoàn thời Phật. “Thuở xưa hồi Phật sanh tiền, Phật và Tăng chỉ thuyết pháp, đem chơn lý dạy cho người tu tấn hóa, chớ không có thờ phượng chi cả ” (Chơn lý Tông giáo , tr.369). Cho nên Ngài mới nói:Khất sĩ là kẻ thi hành pháp thí, ban bố tinh thần, tạo sự sống linh hồn cho muôn loại” (Chơn lý Y bát chơn truyền , tr. 194 ). Chú trọng đến việc dạy pháp cho người cư sĩ, trên đường du hóa, đức Tổ sư và chư đệ tử của Ngài luôn thuyết giảng k inhpháp mỗi khi có Phật tử cần đến . Khi nào có dịp quy tụ Phật tử là Ngài giảng, bất luận nơi ấy là đâu. Pháp hội của Ngài thường diễn ra ở đình làng, chùa hoang, mi ế u trống, có lúc là công viên , rạp hát, và có khi là sân vận động. Trong Di cảo (bản viết tay) của đức Tổ sư còn lưu lại về nội dung “Tế độ cư gia” có quy định, mỗi tuần vào sáng C hủ Nhật có giải đáp thắc mắc cho người P hật tử học pháp, mỗi tháng 4 ngày cúng Hội (cúng thường kỳ mỗi tháng 4 lần; trong những ngày này, Phật tử tùy tâm dâng vật thực thanh đạm cúng dường chư Tăng Ni , đều phải có thuyết pháp. Điều này còn được đức Tổ sư đề cập qua lời dạy: “Tại chùa, những ngày 30, Rằm, mùng 8, 23, các sư có nói pháp cho cư gia” (Luật nghi Khất sĩ). T ruyền thống t huyết pháp trong các ngày cúng Hội đến nay vẫn còn được duy trì nguyên vẹn ở các t ịnh xá , thể hiện tinh thần hoằng pháp giáo hóa nhân sanh của hàng Tăng sĩ.

Với đức Tổ sư, thực hành theo giáo pháp trong đời sống thường nhật, du hành hóa độ chúng sanh là bổn phận của người Khất sĩ. Ngài khuyến tấn ,Hãy chất chứa gia tài là Pháp bảo. Tạo tâm chơn là sự sống, giới hạnh làm chỗ ở, từ bi làm quyến thuộc ” (Chơn lý Cư sĩ , tr. 248). “Lòng từ bi bắt buộc người Khất sĩ, nhận lấy phận sự tế độ chúng sanh, làm nghề nghiệp” (Chơn lý Trên mặt nước , tr. 303 ).  Chính vì coi trọng việc độ sanh bằng con đường hoằng pháp, người Khất sĩ đã phải vân du và dùng mọi phương tiện để giáo hóa , nhằm giúp sanh chúng nhận thức rõ con đường xấu ác nên né tránh và đạo lộ thiện lành nên đi để thiết lập đời sống an vui, hạnh phúc. “Duy tuệ th nghiệp” là món tài sản vô cùng quý báu đức Tổ sư để lại cho đàn hậu học mà mỗi Tăng Ni Khất sĩ đều được thừa hưởng, lấy đó làm phương châm trong cuộc sống tu học và hành đạo.

7. Bộ Chơn lý – Di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của Phật giáo Khất sĩ

Chỉ vỏn vẹn có mười năm (1944 - 1954), đức Tổ sư không những phải hoàn thiện cơ cấu tổ chức Giáo đoàn, cất lập t ịnh xá, tiếp Tăng độ chúng, sắp xếp ổn định mọi Phật sự trong ngoài, hướng dẫn cư sĩ P hật tử tu học , mà Ngài còn để lại cho Tăng Ni Hệ phái Khất sĩ một món di sản vô cùng quý giá , đó là bộ Chơn lý. Chơn lý được xem là bộ sách giáo lý tinh hoa của đạo Phật gồm các bài thuyết pháp của đức Tổ sư trong những năm hành đạo khắp các tỉnh, thành hai miền Đông và Tây Nam bộ.

Chon ly 02 Copy

Bộ Chơn lý gồm tất cả 69 đề tài (trong đó có 9 đề tài về giới luật in riêng thành cuốn “Luật nghi Khất sĩ”). Tất cả các đề tài trong Chơn lý phản ánh đầy đủ các quan điểm từ tư tưởng nhận thức đến thực tế cuộc sống, lợi mình lợi người một cách rõ ràng, khế hợp giáo lý chơn truyền của Đức Phật. Mỗi đề tài, đức Tổ sư giảng luận trình bày về một vấn đề, một ý pháp liên hệ. Điểm căn bản xuyên suốt trong bộ sách này là dù đề cập đến đề tài nào ,Ngàicũng hướng đến việc khai thị chư đệ tử theo đúng chánh pháp trên nền tảng của giới, định và tuệ. Qua những nội dung ấy, ta thấy dù điều kiện khách quan rất hạn chế, nhất là Tam tạng đương thời phần nhiều còn nguyên chữ Pāli, Sanskrit hoặc chữ Hán, thời gian tìm hiểu nghiên cứu của đức Tổ sư cũng chưa lâu, thế mà Ngài đã hình thành và hệ thống một số phạm trù Phật học căn bản. 69đề tài trong Chơn lý đã khái quátnhững tư tưởng Phật pháp theo đúng tinh thần k inhđiển, với đầy đủ tính khoa học, và nhất là thực tiễn ứng dụng trong cuộc sống hành trì, tránh xa lối hành đạo mê tín dị đoan. Qua đó, chúng ta thấy rõ tư tưởng “cứu nhân độ thế” mang màu sắc Nam B ộ thấm đẫm tính nhân văn cao cả của Ngài.

Đức Tổ sư xác lập pháp môn tu học lợi mình lợi người khi tuyên bố “người Khất sĩ chỉ có ba pháp tu học vắn tắt là Giới Định Huệ” (Chơn lý Y bát chơn truyền, tr. 190) để hướng đến giải thoát chấm dứt toàn bộ khổ đau. Về nội dung, g iới được trình bày tách bạch trong 9 bài (có thể gọi “quyển” cũng được, vì trước khi kết thành tập chung, mỗi đề tài đóng riêng thành một quyển để dễ dàng sử dụng) , trong khi đó, định và tuệ lại hòa quyện vào nhau ở 60 bài Chơn lý còn lại.

Giới: tập trung vào các nội dung oai nghi, giới luật và những bài học cơ bản cần thiết cho Phật tử cư sĩ và sadi tập sự xuất gia khất sĩ.

ĐịnhTuệ: V ới trí tuệ tuyệt vời, sự chứng nghiệm tự thân và vốn kiến thức uyên thâm từ việc tìm hiểu các nguồn Kinh điển Phật giáo, đức Tổ sư đã soi sáng dòng đời qua sự trình bày những vấn đề căn bản về nhânquả trong cuộc sống, những nhận thức sai lệch cần tránh, lối sống cơ bản cho người cư sĩ áo trắng và hàng đệ tử xuất gia cần hành trì. Ngài còn trình bày các phương pháp tu tập thiền định, con đường Trung đạo C hánh đẳng Chánh giác giải thoát rốt ráo của bậc Thánh h iền nhằm xây dựng một thế giới lý tưởng hiền lương và an vui. Đồng thời, phương cách độ sanh, đem giáo lý giải thoát vào đời với tinh thần vô nhiễm cũng được Ngài trình bày rõ ràng trong bộ Chơn lý bằng ngôn ngữ đơn giản, dễ hiểu.

Văn cú trong Chơn lý bình dân mà súc tích; đặc biệt là đức Tổ sư không dùng âm ngữ của Pāli Hán ngữ, mà dùng tiếng thuần Việt nhiều nhất có thể để diễn đạt ý tưởng, cho mọi người dễ hiểu, dễ nhớ, dễ suy gẫm để rồi nương theo đó m à tu hành.  Lời lẽ trong Chơn lý rất mộc mạc nhưng chứa đựng nội dung giáo lý cao thâm và bao quát nhiều vấn đề. Nhờ vậy, dù người học ở trình độ nào, bình dân hay trí thức , khi đọc bộChơn lý đều có thể chọn lọc rút ra nh iều bài học ý nghĩa đểtự mình ứng dụng trong cuộc sống. Mỗi đề tài trong Chơn lý đều có ý nghĩa riêng, nhưng xâu kết làm thành một bộ xuyên suốt từ thấp đến cao, từ phàm đến thánh, là kho báu trí tuệ vô cùng tận, gom kết đủ sự, lý, tâm, pháp, nội, ngoại, trần cảnh, duyên sinh, tục đế, chân đế thật vi diệu. Đây là kho tàng pháp bảo, di sản văn hóa vô giá của chư Tăng Ni và phật tử thuộc H ệ phái Khất sĩ.

a kinhtung

kinh tam bao

Ngoài bộ Chơn lý, những bài Kinh tụng hằng ngày trong các cuốn “Nghi thức tụng niệm”, “Kinh tam bảo” và “Tinh hoa bí yếu”, cùng những sáng tác văn thơ của chư Tăng Ni Khất sĩ như HT. Giác Nhiên, HT. Giác Huệ, HT. Giác Toàn, NT. Huỳnh Liên… là cả một kho tàng di sản vô giá của Hệ phái mà ở đây, trong phạm vi một bài tham luận, người viết không thể triển khai được nội dung này.

8. Mô hình tổ chức đặc trưng

Do hoạt động chủ yếu của Hệ phái trong thời kỳ đầu là khất thực hóa duyên, những nhà sư Khất sĩ sống đời Du Tăng, Một phen xuất gia nhập đạo, Khất sĩ không còn trở lại cảnh đời, không đi vào nhà thế, phải nhập chúng Tăng già, đi đi mãi, giải thoát chỗ ở, không ở một nơi nhứt định ” (Chơn lý Hòa bình , tr. 832). Để xây dựng một đời sống giải thoát, mô hình tổ chức của đức Tổ sư là đoàn du Tăng Khất sĩ và cấp tổ chức được tính theo số lượng người trong đoàn:

- Một Tăng hay một chúng là 4 vị.

- Một tiểu Giáo hội Tăng già là 20 vị.

- Một trung Giáo hội Tăng già là 100 vị.

- Một đại Giáo hội Tăng già là 500 vị.

Ban đầu, đức Tổ sư vừa là người lãnh đạo (gọi là Sư trưởng ) vừa là thầy tế độ của chư Tăng Ni. Trong quá trình du phương hành đạo, đi đến đâu, một mặt Giáo đoàn tổ chức truyền đạo, mặt khác lo xây cất tịnh xá , chủ yếu làm nơi thuyết giảng. Sau gần mười năm (đến 1954) , đoàn du Tăng Khất sĩ dưới sự hướng dẫn của Tổ sư , đã thành lập hơn 20 ngôi t ịnh xá, chúng đệ tử xuất gia hơn 100 vị, Phật tử tín đồ ngày càng đông đảo.

100 ngoi tx Copy

Lúc mới thành lập, hoạt động chủ yếu của chư Tăng Ni Khất sĩ là vân du giáo hóa . Trải qua một thời gian ngắn , các t ịnh xá lần lượt được thành lập . Ban đầu, t ịnh xá được xây dựng đơn sơ làm nơi giảng k inh thuyết pháp cho Phật tử mỗi khi đoàn D u Tăng đi qua. Dần dần, nhu cầu tìm hiểu Phật pháp của Phật tử ngày càng nhiều, nên đức Tổ sư bắt đầu bố trí nhân sự ở lại các đạo tràng t ịnh xá để đáp ứng nhu cầu tu học của Phật tử địa phương. Từ đó,Tăng chúng chia thành hai thành phần là Tăng trụ xứ và Tăng hành xứ. Tăng trụ xứ là những vị không đủ sức khỏe đi du phương , lãnh trách nhiệm bảo quản Tịnh xá, hướng dẫn Phật tử tu học , được gọi là Bồ tát trụ xứ (Chơn lý Luật nghi Khất sĩ ). Những vị này phải luân chuyển chỗ ở mỗi ba tháng theo sự chỉ đạo của đức Tổ sư. Tăng hành xứ là những vị thực hiện hạnh nguyện du phương hóa đạo rày đây mai đó, với pháp hành Tứ y pháp, không ở một chỗ cố định. Sự phân chia này cũng mang tính tương đối và linh hoạt. Trong ba tháng An cư, theo sự chỉ định của đức Tổ sư, tất cả đều trở về một trụ xứ sống hòa hợp trong một tập thể cùng nhau tu học. Cuối mùa A n cư, sau khi ch úng Tăng T ự tứ , đoàn hành xứ mới tiếp tục trên bước chân du hóa, tương tự Phật Tăng xưa, đoàn trụ xứ về các t ịnh xá chăm lo Phật sự theo sự phân bổ của đức Tổ sư. Sau khi đức Tổ sư vắng bóng, các đức Thầy đệ tử lớn của Ngài chia nhau đi hành đạo các miền và lập ra 6 Giáo đoànTăng, nhưng tinh thần sống chung tu học vẫn được thể hiện trong nhiều Phật sự chung của Giáo hội Khất sĩ.

Về phía Ni giới, khi còn đức Tổ sư, Ni giới hoạt động dưới sự lãnh đạo chung của đức Tổ sư và đặt dưới sự quản lý trực tiếp và chỉ dạy của N i trưởng Huỳnh Liên. Sau khi đức Tổ sư vắng bóng, thấy cần thiết phải thành lập Giáo hội riêng để thuận tiện trong hoạt động du hóa, Ni trưởng Huỳnh Liên đã đệ trình đơn xin thành lập Giáo hội Ni. Ngày 11 tháng 1 năm 1958, chính quyền Sài Gòn ký nghị định cho phép thành lập Giáo Khất sĩ hộiNi giới Việt Nam do Ni trưởng Huỳnh Liên lãnh đạo (thường gọi là Giáo hội Liên hoa) . Đây là Giáo hội độc lập về mặt tổ chức, có pháp nhân, pháp lý, trụ sở của Giáo hội đặt tại Tịnh xá Ngọc Phương (TP. Hồ Chí Minh) . Tuy vậy, Giáo hội Ni giới Khất sĩ Việt Namluôn gắn bó kh ng khít với Giáo hội chư Tăng Khất sĩ, cùng tham gia các Phật sự chung, xây dựng ngôi nhà đạo Phật Khất sĩ Việt Nam đúng theo tinh thần sống chung tu học.

Như vậy, sự thống nhất về tổ chức, quán triệt về đường hướng hành đạo được hình thành từ thời đức Tổ sư lập đạo và tiếp tục duy trì ở các Giáo đoàn sau khi đức Tổ sư vắng bóng. Ngày nay, Tăng Ni Khất sĩ tiếp tục phát huy truyền thống ấy, cùng chung lo các Phật sự của Giáo đoàn và Hệ phái .Việc chư Tăng Ni hội họp chung, dưới sự quản lý xuyên suốt từ trung ương đến địa phương trong hệ thống dọc của H ệ phái Khất sĩ là nét son độc đáo thể hiện tinh thần gắn bó, đoàn kết, nhất quán và chặt chẽ trong nội bộ Hệ phái . Điều quý báu đáng trân trọng ở đây là tất cả đều thực hiện trong tinh thần tự nguyện và hoan hỷ. Đây là tài sản quý giá của cảtập thể Tăng Ni Khất sĩ.

9. Biểu tượng ngôi chánh điện với cấu trúc độc đáo

Theo Nguyễn Văn Hậu (1996), giảng viên khoa Văn hóa học, trường đại học Văn hóa Hà Nội, “Nói đến đời sống văn hóa không thể không nói đến biểu tượng. Nó được xem như là “hạt nhân cơ bản” của văn hóa, góp phần làm nên bản sắc văn hóa của mỗi cộng đồng, dân tộc ”. Cụ thể hơn, trong bài viết “Biểu tượng Phật giáo trong đời sống văn hóa-tín ngưỡng là một bộ phận của di sản văn hóa dân tộc ”, ông Nguyễn Như Hảo, Ban Tôn giáo T hành phố Hà Nội cho rằng “Các biểu tượng Phật giáo đã hình thành nên những di sản văn hóa vật thể và “di sản văn hóa phi vật thể”.  Chúng là một trong những yếu tố cốt lõi  nhất làm nên “bản sắc văn hóa”  của cộng đồng - dân tộc Việt Nam”. Chu Hy, một triết gia đời Tống đã giải thích: “Tượng là lấy hình này để trỏ nghĩa kia ”, tức là dùng cái tri giác để nói lên cái khó có thể tri giác, hay dùng cái tĩnh để nói cái động, dùng cái cụ thể để nói cái trừu tượng, dùng cái hữu hình để nói cái vô hình v.v…Như vậy, rõ ràng biểu tượng luôn chứa đựng, hàm chứa trong nó những giá trị văn hóa nhất định. Mô hình bát giác của ngôi chánh điện tịnh xá chuyên chở giá trị biểu trưng cho Bát chánh đạo – một biểu tượng văn hóa và tâm linh rất độc đáo, tượng trưng cho pháp hành căn bản của chư Tăng Ni Khất sĩ. Ngôi chánh điện bát giác chiếm vị trí trung tâm của cơ sở hạ tầng trong bất kỳ một ngôi t ịnh xá nào nhắc người hành trì luôn sống theo giáo lý Bát chánh đạo để thành tựu mục đích giải thoát. Đức Tổ sư dạy : Bát chánh đạo cũng gọi là Chánh pháp hay Trung đạo, gồm cả sự học và hành ” (Chơn lý Bát chánh đạo , tr. 65). Như vậy, sự hiện hữu của ngôi chánh điện này được xem là di sản vật thể; tuy nhiên, xét về khía cạnh chức năng và giá trị biểu trưng của nó là nói đến giá trị văn hóa phi vật thể của biểu tượng này vậy .

100 0617

Ngôi chánh điện bát giác còn là dấu hiệu đ nhận biết đây là cơ sở của hệ phái Khất sĩ. Từ lúc mới hình thành đạo Phật Khất sĩ cho đến mãi về sau, trong lòng người dân, dù là Phật tử hay không là Phật tử, hễ thấy ngôi chánh điện hình bát giác ở đâu, họ biết ngay nơi ấy là một ngôi tịnh xá của chư Tăng, chư Ni Khất sĩ. Hầu hết các Phật sự như lễ hội, nghi lễ tôn giáo, giảng giải giáo lý… diễn ra trong ngôi chánh điện bát giác này cũng như bao pháp môn hành trì đều dung nhiếp trong Bát chánh đạo vậy. Hình ảnh biểu trưng này rõ ràng là một di sản văn hóa vật thể và phi vật thể quý báu của văn hóa Phật giáo Khất sĩ.

10. Biểu tượng hoa sen và ngọn đèn Chơn lý

Tổ sư Minh Đăng Quang chọn “hoa sen” và “đèn chơn lý” làm biểu tượng cho dòng pháp “Nối Truyền Thích Ca Chánh Pháp Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam”, hiện nay là Hệ phái Khất sĩ. Đức Tổ sư đã bày tỏ ý hướng đem chánh pháp thanh tịnh của chư Phật (hoa sen), soi đường dẫn lối (đèn chơn lý ) cho người hữu duyên. Đó là cách phụng thờ chánh pháp một cách tốt đẹp nhất. Chính vì lẽ đó, ngọn đèn chơn lý hoa sen được chọn làm biểu tượng đắp trên nóc các t ịnh xá, trên trụ cổng, trên những bức phù điêu tường thành vànhững khung hoa văn cửa thường thấy ở các ngôi t ịnh xá . Ngay cả trang bìa của bộ Chơn lý , các ấn phẩm của Hệ phái logo trang mạng của Khất sĩ cũng dùng những biểu tượng này .

DenCL 1

Biểu tượng hoa sen và ngọn đuốc nói lên hạnh nguyện độ sanh của đạo Phật Khất sĩ. Hoa sen xin nhận dưỡng chất từ đất bùn và nước, ngọn đuốc xin nhận ánh sáng từ mặt trời. Tất cả những điều xin nhận đó cũng có nghĩa là sự học hỏi. Cuối cùng, sen từ đất bùn vươn lên khỏi mặt nước và trổ hoa tỏa hương khoe sắc cho đời mà không bị bùn làm ô nhiễm. Ngọn đuốc đem ánh sáng soi rọi vào nơi tăm tối. Sen một khi vượt thoát khỏi bùn và tỏa hương ngào ngạt, ngọn đuốc rực sáng là lúc người Khất sĩ đem cái hiểu, cái tu dạy lại cho đời trong tinh thần vô nhiễm, từ đó đem lại sự bình an, lợi lạc cho người, cho môi trường xung quanh. Triết lý xin và cho, học và dạy là tư tưởng chủ đạo của đức Tổ sư và là sự hành trì xuyên suốt của mỗi người Khất sĩ được gói gọn qua hình tượng thâm thúy này.  Như vậy, biểu tượng hoa sen và ngọn đèn chơn lý chính là lý tưởng, hoài bão của đức Tổ sư về một quốc độ, một cuộc sống an vui, thuần thiện của tất cả mọi người. Trong đó người tu phải thể hiện một đời sống tu tập trong sáng, thanh thoát, thắp lên ngọn đèn chơn lý hiến tặng cho đời. Biểu tượng này là một di sản quý giá chư Tăng Ni hệ phái Khất sĩ được thừa hưởng , giữ gìn và phát huy.

11. Tinh giản trong nghi lễ và thờ cúng

Với chí nguyện làm sống lại không gian tâm linh thời đức Phật, Tổ sư chủ trương đơn giản tối đa việc thờ phượng. Phật giáo Khất sĩ buổi đầu do đó không nặng về cốt tượng. Đức Tổ sư xác định rõ lập trường quan điểm của mình khi tuyên bố “Khi xưa tại Ấn Độ, thuở Phật sanh tiền, Phật và Tăng là bậc giải thoát tu chơn, nên không có thờ phượng. Các Ngài không có bày ra sự thờ phượng bên ngoài, cùng các nghi lễ cúng kiến phức tạp, các Ngài chỉ quý trọng tư tưởng giáo lý” (Chơn lý Thờp hượng , tr. 763). Điểm đặc biệt của Hệ phái Khất sĩ là trong chánh điện chỉ thờ mỗi một bảo tượng đức Phật Thích Ca Mâu Niđược tôn trí ở vị trí trung tâm mà thôi, chứ không thờ các tượng B ồ tát hộ pháp. Sự thờ phượng và những tư tưởng giáo lý được trình bày trong Chơn lý thể hiện quan điểm của đức Tổ sư chỉ chú trọng vào đức Phật lịch sử và những lời dạy thiết thực của Ngài để hành trì trau sửa tâm mình là chính. Ngài từng dạy: “Thờ cúng lễ bái cốt tượng không bằng thờ Kinh sách học hành, thờ Kinh sách không bằng thờ ông thầy dạy đạo cho mình hiện tại đang sống, thờ ông thầy không bằng thờ bản tâm của mình trong sạch” (Chơn lý Chánh kiến , tr. 341-342).

Chủ trương thờ cúng đơn giản là một nỗ lực của đức Tổ sư để trở về với nếp sinh hoạt truyền thống của Phật, Tăng xưa. Quan niệm của đức Tổ sư đúng theo tinh thần nguyên thủy của đạo Phật và phù hợp với khoa học rằng, chúng ta thờ Phật là để nhắc mình nhớ công hạnh tu chứng của Ngài mà nỗ lực bản thân, chứ đức Phật không phải đối tượng để cầu xin. “Chúng ta thờ Phật là để theo Phật, theo Phật là để thành Phật y như Phật, mà đừng mãi mãi xin theo hầu bên Ngài, ắt Ngài chẳng vừa lòng” (Chơn lý Học Chơn lý , tr. 288). Cách thờ phượng đơn giản là một nét văn hóa độc đáo, mang tính nhất quán ở tất cả các t ịnh xá của Hệ phái Khất sĩ.

TXTT chanh dien g2 Copy

Điểm đặc biệt nữa là nghi thức tụng niệm của Hệ phái Khất sĩ vô cùng đơn giản, không sử dụng các loại pháp khí như ta thường thấy ở các chùa như mõ, khánh, mà chỉ sử dụng chuông làm hiệu lệnh khi cần xá, lạy để đại chúng thực hành cho đều đặn, nhằm giữ sự trang nghiêm, thanh tịnh cho khóa lễ mà thôi. Kinh kệ tụng bằng ngôn ngữ thuần Việt, phần lớn là chuyển sang thể thơ, phổ biến nhất là lục bát. Cách tụng đọc các bài kinh kệ này theo đó cũng mang tính độc đáo rất riêng. Âm điệu cũng khác hẳn với truyền thống Phật giáo Bắc tông, không lên giọng, xuống giọng hay tán kệ, ngâm ca, không kéo dài âm từ cuối đoạn… mà tất cả đại chúng cùng nhau hòa âm, giọng ngang, đều hơi, không nhanh quá cũng không chậm quá, đọc rõ ràng từng câu chữ trong kinh. Chủ trương của đức Tổ sư là tụng rõ lời để người nghe hiểu ý k inh mà ứng dụng trong quá trình hành trì, nên phần nội dung của mỗi bài k inh, bài kệ được chú trọng chứ không phải ở hình thức tán tụng. Trong nghi thức tụng niệm của H ệ phái Khất s ĩ ghi rõ: “Khi trì tụng chỉ đọc thường, chậm rãi, điều hòa, nghe cho dễ hiểu đặng hành theo. Chớ nên dùng sắc tướng, âm thinh trầm bổng, du dương làm sai ý nghĩa kinh pháp ” (Nghi thức tụng niệm).

Một điều thú vị là trong nghi thức tụng niệm của Phật giáo Khất sĩ, đức Tổ sư không chủ trương tụng chú. Cuối bài “Ma -ha B át -nhã B a - la - mật - đa T âm k inh” có câu chú: “ Y ết đế, yết đế, ba la yết đế, ba la t ăng , yết đế bồ đề ta bà ha”, đức Tổ sư chuyển ý thành :Liền theo lời chú thuyết rằng/ Độ tha giác ngộ khắp trần chúng sinh ”, rất dễ hiểu, rõ ràng. Chỉ một câu lục bát thôi, đã gom chứa nội dung của câu chú này, đó là “Vượt qua, vượt qua, vượt qua bên kia, hoàn toàn vượt qua, tìm thấy giác ngộ ”.

Như vậy, nghi lễ và cách tụng niệm của Hệ phái Khất s ĩ rất đơn giản và tinh lược, giữ nguyên truyền thống của Giáo đoàn Khất sĩ thời Phật, giúp lời k inh mầu nhiệm dễ thấm sâu vào lòng người đọc, giúp họ chuyển hóa thân tâm. Đây là tài sản văn hóa vô giá của một tông phái Phật giáo được thành lập ở miền Nam nước Việt, đáp ứng được nhu cầu tín ngưỡng và văn hóa vì những đặc điểm này rất phù hợp với tính cách của người dân Nam Bộ.

12. Cách đặt tên tịnh xá, pháp danh Tăng Ni và Phật tử

Đức Tổ sư chủ trương danh hiệu t ịnh xá đều lấy chữ “Ngọc” đứng đầu, ý nói mỗi một ngôi tịnh xá là một viên ngọc quý ở nhân gian, để nhắc nhở chư Tăng Ni và Phật tử có bổn phận làm cho viên ngọc này ngày càng đẹp hơn . Còn chữ thứ hai sau từ “Ngọc”, Tổ sư và chư Trưởng lão Tăng Ni đã tùy nghi đặt theo một trong các cách sau. Cách phổ biến nhất là dùng tên địa phương nơi tịnh xá tọa lạc để gắn vào sau chữ “Ngọc”. Ví dụ: Tịnh xá Ngọc Châu (huyện Tân Châu, tỉnh An Giang), Tịnh xá Ngọc Đà (TP. Đà Lạt), Tịnh xá Ngọc Vinh (TP. Trà Vinh), Tịnh xá Ngọc Trang (TP. Nha Trang), Tịnh xá Ngọc Nhơn (TP. Quy Nhơn), Tịnh xá Ngọc Ban (TP. Ban Mê Thuột). Cách đặt tên này thể hiện sự gắn bó khắng khít giữa đạo với đời, vừa trọn ý pháp vừa vẹn tình cảm đối với người địa phương nơi chư Tăng NiKhất sĩ đến hóa duyên và tạo lập cơ sở. Điều này tạo cho người Phật tử nơi đây có cảm giác gần gũi, thân thương khi tên một ngôi tịnh xá gắn liền với tên địa phương họ đang sống. Cách thứ hai là đức Tổ sư và quý Trưởng lão Tăng Ni cũng dùng chữ “Ngọc” gắn với một từ có ý nghĩa Phật pháp, như: Ngọc Pháp, Ngọc Phương, Ngọc Tâm, Ngọc Thiền, Ngọc Viên, Ngọc Quang, Ngọc Đăng, Ngọc Liên. Lại có một vài tịnh xá, chọn cách đặt tên theo ý nghĩa đặc biệt gắn liền với sự ra đời của ngôi đạo tràng ấy hoặchàm chứa chức năng của một ngôi tịnh xá, nhưTịnh xá Mộc Chơn (tịnh xá đầu tiên của đạo Phật Khất Sĩ), Tịnh xá Trung Tâm (trụ sở Hệ phái). Một cách đặt tên nữa ít phổ biến hơn là đặt tên theo các phương danh tịnh xá ở Ấn Độ thời Phật. Cách này thì không có chữ “Ngọc” đứng đầu, như Tịnh xá Kỳ Viên, Tịnh xá Trúc Lâm, Tịnh xá Lộc Uyển.

Cách đặt tên tịnh xá như vừa trình bày chuyên chở giá trị tâm linh, tinh thần và tình cảm rất lớn, thể hiện sự hòa quyện giữa đạo và đời một cách linh động và tinh tế, là một nét đẹp mang tính truyền thống vô cùng độc đáo của hệ phái Khất sĩ.

Không những vậy, cách đặt pháp danh cho chư Tăng Ni và cư sĩ Phật tử trong Hệ phái cũngnhất quán và mang nét đặc thù khó lẫn với các truyền thống khác. Tất cả pháp danh của chư Tăng trong hệ phái lót chữ “Giác”, sau này là chữ “Minh” và chữ “Liên” dành cho chư Ni (nên Ni giới Hệ phái Khất sĩ thường được gọi là “Giáo hội Liên Hoa”). “Thiện” được dùng làm chữ đầu trong pháp danh gồm có hai từ dành cho chư thiện nam và chữ “Ngọc” đứng đầu trong pháp danh dành cho phật tử nữ. Các từ đầu trong pháp danh: “Giác”, “Minh”, “Liên”, “Thiện”, “Ngọc” đều chứa đựng ý pháp thâm sâu có tính cảnh tỉnh, nhắc nhở và động viên mỗi người trên con đường hành trì pháp. “Giác” là giác ngộ, giải thoát; “Minh” là trí tuệ sáng suốt, “Liên” là tánh vô nhiễm của hoa sen; “Thiện” là thiện lành; và “Ngọc” là sự quý giá của chơn tâm Phật tánh. Một điều vô cùng đặc biệt là chư thiện nam tín nữ nào quy y tại các tịnh xá trực thuộc Ni giới Hệ phái Khất sĩ thì trên phái quy y có một bài “kệ pháp danh” 4 câu về ý nghĩa pháp danh ấy, do Ni trưởng Huỳnh Liên sáng tác dành tặng cho người quy y Tam bảo được đặt pháp danh này.

Thêm vào đó, cách đặt pháp danh của Khất sĩ có tính nhất quán, không phân biệt thế hệ nào, đời thứ mấy như các truyền thống Phật giáo khác. Cách đặt pháp danh như vậytạo cảm giác gần gũi, thân mật trong tình huynh đệ chung mặc dù khác Bổn sư, khác Giáo đoàn. Phật tử các nơi có dịp gặp nhau trong những lễ hội chung cũng cảm thấy gần gũi, thân thương như con một nhà. Nét đặc thù này chỉ có ở Hệ phái Khất sĩ mà không thể tìm thấy ở các tông phái Phật giáo khác và đây là món quà quý báu đức Tổ sư để lại cho hàng đệ tử của Ngài.

Trên đây là một số nét đặc thù, độc đáo rất riêng đã tạo nên giá trị văn hóa Phật giáo phi vật thểcủa đạo Phật Khất sĩ. Những di sản này tạo ảnh hưởng tích cực đến số đông tín đồ Phật giáo cũng như dân chúng địa phương. Những giá trị văn hóa, nhất là trong lãnh vực tinh thần và tâm linh, của đạo Phật Khất sĩ thấm nhuần trong lòng xã hội từ lúc Tổ sư Minh Đăng Quang mới lập Đạo cho đến ngày nay đang được các thế hệ Tăng Ni Khất sĩ trân quý gìn giữ và phát huy.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Đặng Văn Bài (2014). “Di sản văn hóa Phật giáo trong xã hội đương đại Việt Nam”. http://quydisan.org.vn/di-san-van-hoa-phat-giao-trong-xa-hoi-duong-dai-viet-nam/a713333.html

Hoàng Minh Thiện (2013). “Văn hóa Phật giáo trong cấu trúc văn hóa Việt Nam”. http://bienphongvietnam.vn/lich-su-van-hoa/tin-nguong-ton-giao/749-add.html

Minh Đăng Quang (1998). Chơn lý. TP Hồ Chí Minh: NXB TP. Hồ Chí Minh.

Nguyễn Hữu Oanh (2009).“Bảo vệ, phát huy văn hóa Phật giáo một nhiệm vụ quan trọng & cấp thiết”, Tạp chí Di sản văn hóa,số 1.

Nguyễn Như Hảo (2013).“Biểu tượng Phật giáo trong đời sống văn hóa – tín ngưỡng là một bộ phận của di sản văn hóa dân tộc”. http://huongdanphattu.vn/news/Tim-hieu-Phat-giao/Bieu-tuong-Phat-giao-trong-doi-song-van-hoa-tin-nguong-la-mot-bo-phan-cua-di-san-van-hoa-dan-toc-7341/

Nguyễn Thị Hồng (2013). Văn hóa Phật giáo và vấn đề bảo tồn văn hóa Phật giáo Việt Nam hiện nay. Luận văn thạc sĩ, chuyên ngành Tôn giáo học, trường Đại học Quốc gia Hà Nội).

Nguyễn Văn Hậu (1996). “Đi tìm bản sắc văn hóa dân tộc qua thế giới biểu tượng”. http://huc.edu.vn/chi-tiet/670/Di-tim-ban-sac-van-hoa-dan-toc-qua-the-gioi-bieu-tuong.html,

Thích Chân Tính (2014). “Pháp duyên”. Bài tham dự hội thảo khoa học Hệ phái Khất sĩ: Quá trình hình thành, phát triển và hội nhập”.