Diễn văn khai mạc Đại lễ Tự tứ - Vu lan 2018 GĐ. III

Nam-mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Nam-mô Đại Hiếu Mục Kiền Liên Bồ-tát

Ngưỡng bạch chư Tôn Hòa thượng Giáo phẩm lãnh đạo GHPGVN tỉnh Khánh Hòa chứng minh,

Ngưỡng bạch chư Tôn Hòa thượng Giáo phẩm Giáo đoàn III, Hệ phái Khất sĩ chứng minh,

Kính bạch chư Tôn Hòa thượng, Thượng tọa, quý Ni trưởng, Ni sư, chư Tôn đức Tăng Ni chứng minh,

Kính thưa các cấp chính quyền sở tại, quí vị quan khách,

Kính thưa quý vị đại diện tôn giáo bạn, cùng toàn thể thiện nam, tín nữ Phật tử thập phương thân mến!

Kính thưa Đại chúng,

Truyền thống Tự Tứ có từ thời đức Phật, chính do Ngài thân chế, sau khi nhận lời cầu thỉnh của vua Tần-bà-sa-la, để chư Tăng an tịnh, thiết thực tu hành trong ba tháng. Trải qua hơn 25 thế kỷ, chư Tăng thuộc hệ Nam truyền hay Bắc truyền cũng đều tôn trọng điều Luật này. Đây là một truyền thống vô cùng tốt đẹp của hàng xuất gia. Sau ba tháng An cư kiết hạ, chuyên tâm hành trì theo chánh pháp, thúc liễm thân tâm, chư Tăng Ni câu hội về một trú xứ để tác pháp thỉnh nguyện sám hối, thể hiện tinh thần cầu tiến, hòa hợp, đoàn kết; đồng thời, cũng là ngày đánh dấu mỗi vị xuất gia thêm một tuổi đạo, kiện toàn giới đức để phụng sự chánh pháp và hướng dẫn tín chúng trên con đường tu học.

TT. Giác Hạnh, trụ trì TX. Ngọc Vạn đọc diễn văn khai mạc

Kính bạch chư Tôn đức

Kính thưa liệt quí vị!

Đạo Phật được xem là đạo xuất thế. Dù vậy, giáo lý mà đức Phật thuyết giảng cũng luôn nhấn mạnh đến sự hoàn thiện tư cách của mỗi người, đặc biệt là bổn phận của người con đối với cha mẹ, ông bà. Đức Phật đã từng dạy trong Kinh Tăng Chi:

“Này các Tỳ-kheo, những gia đình nào mà con cái kính lễ cha mẹ, những gia đình ấy được xem là ngang hàng với Phạm thiên”.

Đức Thế Tôn – bậc thầy của ba cõi mà vẫn luôn tán dương công ơn cha mẹ. Trong nhiều thiên sử liệu của Phật giáo ghi lại sự kiện vô cùng đặc biệt, chính đức Phật đã hóa độ Mẹ, Cha, và Di mẫu Ma-ha Ba-xà-ba-đề để đền trả ân đức của cha mẹ. Các vị Thánh đại đệ tử của Phật cũng là gương hiếu thảo vô cùng lớn mà chúng con phải noi gương.

Ngày nay, trên thế giới, ngày Rằm tháng Bảy hàng năm là lễ Tết Trung nguyên đối với những người theo truyền thống Trung Hoa, và là cũng là ngày “Xá tội vong nhân” theo truyền thống tín ngưỡng của nền văn hóa Á Đông, và là ngày lễ Vu lan báo hiếu đối với những người theo Phật giáo.

Từ một nghi lễ Phật giáo, lễ Cầu siêu trong mùa Vu lan - Rằm tháng Bảy đã đi vào cuộc sống của người Việt, để tri ân những người đã khuất, ngã xuống vì độc lập tự do của dân tộc. Đây là đạo lý uống nước nhớ nguồn, một nét đẹp văn hóa giàu tính nhân văn của dân tộc Việt Nam. Vu lan - Rằm tháng Bảy ngày nay, không chỉ là ngày lễ lớn trong đạo Phật, mà còn được xã hội hưởng ứng một cách rộng rãi với tính cách là ngày báo hiếu. Chúng ta trân trọng tổ chức lễ Vu lan, như là bổn phận của người con đối với cha mẹ, đồng thời, qua đó chúng ta còn góp phần gìn giữ truyền thống văn hóa dân tộc. Bởi Vu lan là hiện thân của hiếu hạnh, đã và đang mang một sức sống thiêng liêng, được un đúc qua bao thế hệ theo tinh thần Phật giáo và truyền thống văn hóa Việt Nam.

Kính bạch chư Tôn đức,

Kính thưa liệt quý vị!

Đại lễ Tự tứ – Vu lan năm nay cũng gợi cho chúng con hoài niệm về Đại lễ Vu lan cách đây bốn năm về trước, cũng tại Tịnh xá Ngọc Vạn này, Lễ Tự tứ của năm 2014 - PL.2558 được tổ chức theo tâm nguyện của Hòa thượng Bổn sư tế độ của chúng con là Hòa thượng đạo hiệu Giác Thảo, đương thời nguyên là Phó Trưởng Giáo đoàn III, Hệ phái Khất sĩ – Thành viên của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Đại lễ vừa hoàn tất không bao lâu, thì Ân sư của chúng con cũng thâu thần viên tịch, Tăng chúng chúng con không khỏi ngậm ngùi, cung tiễn Thầy hiền về cõi Vô dư.

Mùa Vu lan năm nay, cách đây không lâu, chúng con tiễn Mẹ về Tây; rồi chỉ 3 hôm trước, chúng con lại đảnh lễ đưa tiễn thân phụ của chúng con, đồng thời cũng là người huynh đệ cùng một Bổn sư tế độ, đó là cố Sa-di Giác Minh Pháp, về miền Tịnh lạc. Có lẽ, theo thế tục, đây là mất mát to lớn nhất, đau đớn nhất, khi chỉ trong vòng vài tháng, một người con lại phải quặn lòng vĩnh biệt cả hai đấng sinh thành. Thế nhưng, thật may mắn cho chúng con có được chút phước phần làm người xuất gia, hiểu được nhân duyên sinh diệt ảo hóa của kiếp nhân sinh và bổn phận của một con người khi hiện hữu giữa cõi đời này, để từ đó, chúng con dù không dám tự xưng là người con đã đủ chí thành chí hiếu, nhưng vẫn không hổ thẹn khi đã phần nào báo đáp được ân dưỡng dục cù lao trong muôn một.

Thuật ngữ “báo hiếu” hàm nghĩa tri ân và báo ân, và điều quan trọng hơn là thông qua ý nghĩa Vu lan này, tinh thần đoàn kết hòa hợp được nâng cao. Đoàn kết hòa hợp chính là tinh thần trọng yếu của Vu lan, bởi vì muôn việc, đời cũng như đạo, thành tựu dễ dàng hay khó khăn là do nơi sự hòa hợp đoàn kết muôn người như một. Ngay như Tôn giả Mục Kiền Liên, theo truyền thống Phật giáo Bắc truyền, dù Ngài là bậc thần thông đệ nhất, lòng hiếu thảo của Ngài chấn động đại địa, nhưng một mình Ngài vẫn không đủ sức cứu được mẹ, mà phải nhờ vào thần lực của mười phương Tăng. Thần lực của mười phương Tăng chính là sức mạnh đoàn kết của một tập thể Tăng chúng. Sức mạnh đoàn kết đó giúp chúng ta thành công trên mọi lĩnh vực, cũng chính sức mạnh đoàn kết giúp cho âm siêu dương thới. Đó là người con Phật đã thể hiện đúng đắn lời của Đấng Từ Tôn đã dạy cách đây hơn 25 thế kỷ.

Trong giờ phút thiêng liêng trang nghiêm này, chúng con thay mặt Ban Tổ chức Đại lễ, long trọng tuyên bố khai mạc Đại lễ Tự lứ - Vu lan báo hiếu, PL. 2562 – DL. 2018.

Nam-mô Đại Hiếu Mục Kiền Liên Bồ-tát Ma-ha-tát tác đại chứng minh.