Diễn văn khai mạc (Kỷ yếu hội thảo)

ht toanNam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Kính bạch chư Tôn thiền đức Giáo phẩm, chư Tôn đức Tăng Ni,

Kính thưa quý vị đại biểu,

Kể từ ngày Tổ sư Minh Đăng Quang vắng bóng (1/2 Giáp Ngọ - 1954), hằng năm, ngày mùng một tháng hai âm lịch là ngày những người con Phật trong Hệ phái Khất sĩ làm lễ Tưởng niệm Tổ sư Minh Đăng Quang vắng bóng. Thấm thoát mà đã sáu mươi năm trôi qua. Sáu mươi năm được xem là dấu mốc quan trọng cho một chu kỳ của kiếp nhân sinh đã hoàn tất để mở ra một chu kỳ mới. Vì vậy mà những thế hệ khác nhau trong ngôi nhà Khất sĩ đã cùng chung tay góp sức để làm cho ngày Đại lễ Tưởng niệm Tổ sư năm nay trang nghiêm và trọng thể, xứng với vị trí lịch sử mà chu kỳ thời gian đã khẳng định, để tỏ lòng hiếu kính, nhớ ân và báo ân đối với Tổ sư trong muôn một.

Đại lễ Tưởng niệm Tổ sư năm nay được sự chứng minh của chư Tôn đức lãnh đạo GHPGVN, và được sự cho phép của quý cơ quan chức năng Trung ương, Ban Tôn giáo Chính phủ và sự cho phép cũng như sự hỗ trợ của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và quý cơ quan chức năng địa phương. Hòa chung không khí của Đại lễ và làm cho Đại lễ được thêm phần ý nghĩa, Hệ phái có đệ trình thỉnh nguyện thực hiện một hội thảo khoa học về Tổ sư Minh Đăng Quang và Hệ phái Khất sĩ. Đệ trình này được các cơ quan chuyên ngành đồng thuận và cùng đứng ra tổ chức gồm:

- Viện Nghiên cứu Tôn giáo thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam.

- Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam.

- Hệ phái Khất sĩ, thành viên sáng lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Chủ đề của Hội thảo là: “HỆ PHÁI KHẤT SĨ:QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH, PHÁT TRIỂN VÀ HỘI NHẬP”.

Hội thảo khoa học này có thể được nhìn từ ba phương diện: Phương diện lịch sử, phương diện học thuật và phương diện đoàn kết hòa hợp.

Về phương diện lịch sử, đây là lần đầu tiên Hệ phái Khất Sĩ có hội thảo khoa học sau 70 năm hành hoạt và giáo hóa.Hội thảo này sẽ giúp chúng ta có một nhãn quan tốt hơn về đoạn đường 70 năm mà Tổ sư Minh Đăng Quang và những giáo đoàn Khất sĩ đã đi qua với biết bao nhiêu biến chuyển thăng trầm, có tính tích cực lẫn tính hạn chế, trong đó có nhiều điều cần phải thẩm thấu, cần phải chiêm nghiệm, và cần phải tái nhận định chín chắn, mới mẻ và tinh khôi hơn. Đó là một nhãn quan toàn cục về không gian và thời gian, trên mọi phương diện với những mối quan hệ càng lúc càng gắn bó với xã hội, con người và cuộc đời, nhờ vậy mà có định hướng, những dự phóng, hay những phương án chính xác và hiệu quả hơn trong sự nghiệp trau dồi Giới Định Tuệ, góp phần làm cho xã hội an bình và đem lại lợi lạc cho nhân sinh.

Về phương diện học thuật, hội thảo khoa học lần đầu tiên này là bước khởi động quan trọng để chư Tôn đức Tăng Ni và những nhà trí thức bên ngoài Hệ phái cùng lắng nghe những nhận thức, những quan điểm, những đánh giá khách quan và khoa học. Tất cả mọi đóng góp của những vị lãnh đạo, giáo sư, học giả, diễn giả, nhà nghiên cứu dù đồng thuận hay phản biện đều là những đóng góp quan trọng và đáng được trân trọng ở mức độ cao nhất. Đối với những người sinh ra và lớn lên trong tông môn Khất sĩ thì nên thành tâm thiện ý lắng nghe với tinh thần cầu thị, và khi bày tỏ quan điểm của mình thì nên bày tỏ với tinh thần vốn đã khiêm cung cầu học, càng nên khiêm cung cầu học hơn nữa, theo tinh thần cầu học với trăm thầy ngàn bạn mà Tổ sư đã chỉ dạy.

Về phương diện đoàn kết hòa hợp thì như Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã nêu phương châm: "Đoàn kết hòa hợp, trưởng dưỡng đạo tâm, trang nghiêm Giáo hội", hội thảo sẽ là bướcnối tiếp, là cơ sở,là chất xúc tác, để việc tìm hiểu lẫn nhau được đẩy lên một mức độ cao hơn. Những trọng điểm về tinh thần hay giáo lý, lịch sử hay hiện thực đang diễn ra sẽ được tìm hiểu có chiều sâu hơn, với phương pháp luận chuyên sâu hơn và không kém phần quan trọng là góc nhìn sẽ được mở rộng hơn. Khi tinh thần tìm hiểu phát triển thì nhận thức phát triển, khi nhận thức phát triển thì sự đồng cảm sẵn có sẽ càng đồng cảm, bầu không khí tương thân tương ái sẽ càng tương thân tương ái, và sự hòa hợp đoàn kết như Hiến chương đã nói sẽ càng gắn kết keo sơn. Như là một hệ quả tất yếu, sức mạnh và vị thế của Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã vững bền và tăng trưởng lại càng vững bền hơn nữa.

Ba phương diện lớn trong ý nghĩa của hội thảo là phương diện lịch sử, phương diện học thuật và phương diện đoàn kết như đã được trình bày sơ lược ở trên thật ra không ngoài quan điểm được thể hiện của Tổ sư Minh Đăng Quang: "Đạo của sống là xin nhau sống chung, đạo của biết là học chung, đạo của linh là tu chung."

Xin được kỉnh trọng ân đức chứng minh cao quý của chư Tôn đức Giáo phẩm lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam, kỉnh trọng ân đức chư Tôn thiền đức Tăng, thiền đức Ni.Xin được chân thành cảm ơn sự cho phép và hỗ trợ cũng như sự hiện diện quan trọng của các vị đại diện các cơ quan chức năng, ban ngành đoàn thể. Xin được tri ân những vị giáo sư, phó giáo sư, học giả, diễn giả, những nhà nghiên cứu đã góp phần quyết định chất lượng nội dung của hội thảo. Trong bầu không khí trang nghiêm thanh tịnh, trong ánh đạo nhiệm mầu, trong đức từ bi vô lượng từ ái vô biên của chư Phật, chư Bồ-tát, trong sự hộ trì của chư thiên long hộ pháp, chúng tôi xin long trọng tuyên bố khai mạc hội thảo khoa học: "HỆ PHÁI KHẤT SĨ: QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH, PHÁT TRIỂN VÀ HỘI NHẬP" với tâm niệm tri ân và báo ân,với tinh thần cầu thị và khoa học, và với chí hướng "Đoàn kết, hòa hợp, trưởng dưỡng đạo tâm, trang nghiêm Giáo hội", phụng sự chánh pháp, phụng sự dân tộc, phụng sự nhân sinh.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

HT.TS. Giác Toàn

Phó Chủ tịch HĐTS GHPGVN

Giáo phẩm Thường trực Hệ phái Khất sĩ