Đoàn Việt Nam thăm Ngài Dalai Lama

Sáng ngày 4 tháng 9 năm 2016, đoàn Việt Nam được sắp xếp vào cung đảnh lễ và tham vấn Ngài Dalai Lama. Trước khi đoàn Việt Nam được vinh dự vào thăm, Ngài đã tiếp đoàn Đại sứ Mỹ và khi chúng tôi ra về, còn có đoàn Tây Tạng, ăn mặc khá sang trọng, gần cả 200 người đang ngồi chờ.

Đoàn Việt Nam được đưa vào phòng khách và gặp ngài Samdhong Rinpoche - Cựu Thủ tướng Tây Tạng. Với khuôn mặt nghiêm nghị nhưng không thiếu phần hiền từ của một vị lãnh đạo, Ngài đã thăm hỏi và trao đổi với đoàn một số thông tin. Sau khi nghe đoàn giới thiệu, Ngài tự giới thiệu Ngài đã đến Việt Nam vào năm 1968. Lúc bấy giờ có một cuộc hội thảo quốc tế về Thanh niên Phụng sự xã hội. Hòa thượng Tâm Châu là Chủ tịch và Ngài được bầu làm Phó Chủ tịch lúc bấy giờ. Từ mối nhân duyên này, chúng tôi được tham vấn một số câu hỏi sau:

1) ĐĐ. Giác Hoàng: Theo Ngài, Phật giáo Tây Tạng ngày nay phát triển như thế nào?

Samdhong Rinpoche: Giáo lý Phật giáo có 3 phương diện: Triết học, khoa học và sự chứng nghiệm do hành trì pháp. Hai phương diện đầu thì các học giả, các nhà nghiên cứu làm tốt, nhưng phần thứ 3 thì hơi khó. Việc thực hành pháp để chứng nghiệm quả là việc không đơn giản, dễ dàng tí nào.

2) TT. Thích Tâm Đức:Theo quan điểm của Ngài, Phật giáo Theravada như thế nào?

Samdhong Ringpoche: Phật giáo Theravada là Phật giáo thời kỳ đầu, bắt nguồn từ thời Phật Thích-ca còn tại thế. Sau Phật nhập Niết-bàn, chính các thầy Theravada đã kiết tập kinh điển lần thứ nhất tại hang Thất Diệp, đỉnh Linh Thứu. Sau đó một số bộ phái phát triển như Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ... ở các trung tâm Phật giáo Ấn Độ song hành với Theravada và lan truyền sang các nước, trong thời gian  khoảng 100 năm đến sau 400 năm sau đức Phật nhập Niết-bàn.

3) ĐĐ. Giác Hoàng: Kính bạch Ngài, những kinh văn được truyền trì ở Nalanda, không biết ngày nay có còn đủ hay không trong Đại tạng kinh Phật giáo Tây Tạng?

Samdhong Rinpoche: Những kinh và các bản sớ giải được các đại sư và dịch giả mang kinh qua Tây Tạng và bắt đầu dịch thuật vào thế kỷ thứ 8 cho đến thế kỷ thứ 14 thì vẫn còn. Tuy nhiên, không phải tất cả các kinh từ Nalanda lúc bấy giờ được mang qua Tây Tạng. Hiện nay Đại tạng kinh có hơn 100 bộ thuộc về kinh và có hơn 200 bộ thuộc về Luận, trong đó có một số kinh điển có nguồn gốc Pali cũng được dịch sang Tạng văn.

4) ĐĐ. Giác Hoàng: Kính bạch Ngài, xin Ngài chia sẻ cho đoàn về kinh nghiệm trong những năm tháng Ngài còn tại chức.

Samdhong Ringpoche: Trong thời gian bầu tôi làm Thủ tướng, một số vị khuyên tôi hãy là một cư sĩ để thực hiện chức năng này tốt hơn. Nhưng tôi cho rằng, hiện tại người dân Tây Tạng lưu vong trên đất Ấn Độ, không có quân đội, cảnh sát... và chỉ là người tị nạn, nên hãy tùy duyên. Nếu thấy cần thiết với hình thức cư sĩ để thực hiện chức năng Thủ tướng tốt hơn, tôi sẵn sàng. Nếu không thì thôi. Và qua 10 năm làm Thủ tướng, tôi thấy với hình thức một tu sĩ vẫn làm tốt được công việc này.

Trước khi bầu làm Thủ tướng, tôi yêu cầu các vị hãy suy nghĩ cho kỹ. Vì khi tôi chức năng, tôi sẽ đưa ra những quy định, rất có thể không phù hợp với một số người, ví dụ như là không cho người dân giết thịt gia súc, không cho đánh bắt cá, ... Mặc dù những điều này có thiể khiến cho nền kinh tế cũng bị giảm sút một phần, nhưng dân chúng phải chấp nhận.

5) ĐĐ. Giác Hoàng: Kính bạch Ngài, Tăng sĩ Tây Tạng có phải làm kinh tế cho tự viện không?

Samdhong Rinpoche: Trong những ngày đầu đến đất Ấn, chúng tôi phải sắp xếp chư Tăng làm một số việc như Tiểu thủ công nghiệp, làm nông, vẽ tranh thanka để có kinh tế tự túc, vì lúc bấy giờ chưa có ai ủng hộ. Hiện nay, Phật tử các nơi trên thế giới đã ủng hộ, do đó chư Tăng tập trung vào việc tu học.

6) ĐĐ. Giác Hoàng: Kính bạch Ngài, sau khi hết nhiệm kỳ, Ngài có khuyên vị tân Thủ tướng mới về chính sách an dân gì không?

Samdhong Rinpoche: Không. Tôi còn bảo là các vị có thể thay đổi bất kỳ điều gì trong quá khứ của tôi đã làm. 

7) Kính bạch Ngài, dân số của người dân Tây Tạng trên đất Ấn hiện nay bao nhiêu và có bao nhiêu là Tăng sĩ?

Samdhong Rinpoche: Hiện nay tôi không biết chính xác là bao nhiêu. Trước năm 2010, dân số Tây Tạng khoảng 90 ngàn dân (nhưng theo một nguồn tin trên mạng, trên 50 qua, người Tây Tạng đã theo chân Ngài Dalai Lama trên 150 ngàn người), chỉ có 6-7 ngàn Tăng sĩ thôi. Sau đó có nhiều người di cư qua Ấn Độ, nay chắc là trên cả 100 ngàn, và Tăng sĩ cũng tăng lên 9-10 ngàn người.

8) ĐĐ. Giác Hoàng: Hiện nay các cộng đồng Tây Tạng đều có mặt ở một số nước trên thế giới, Ngài có nghĩ rằng các cộng đồng này có khả năng phát triển và truyền bá văn hóa Phật giáo Tây Tạng không?

Samdong Rinpoche: Ngài Dalai Lama không có chủ trương phát triển vấn đề vừa nêu, vì Ngài cho rằng các nước châu Âu, phương Tây không có niềm tin Phật giáo thì chúng ta hãy cứ bình thường. Không có một chủ trương, chính sách nào để phát triển cả. Tuy nhiên, trong thời gian qua, các cộng đồng ấy đã giới thiệu văn hóa Phật giáo Tây Tạng đến các cộng đồng châu Âu, châu Mỹ, châu Úc... Đó cũng là sự phát triển tự nhiên.

Sau khi tiếp các đoàn xong, đoàn Việt Nam tiến vào, và trong sự cởi mở thân thiện, Ngài đã bắt tay từng người. Vị trí Ngài ngồi, không phải là trung tâm, mà luôn luôn là chếch qua một bên. TT. Thích Tâm Đức và chúng tôi (Đại đức Giác Hoàng) đại diện Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam và Học viện Phật giáo VN tại TP. HCM đã bày tỏ lòng tôn kính đối với Ngài, và Ngài phát biểu rằng, trong mấy năm trước, có mấy vị Tôn đức Giáo hội PGVN qua thăm, và Ngài đặt thẳng vấn đề hôm nay có trao đổi gì không?

TT. Thích Tâm Đức: Một trong trong những khủng hoảng xã hội ngày nay là Mâu thuẫn và xung đột, vậy theo Ngài giải pháp như thế nào?

Dalai Lama: Ngài cho rằng, vũ trụ cũng có những xung đột, như các thiên thể đụng nhau, hoặc bão lụt, hiệu ứng nhà kính, v.v... Còn đối với con người chắc chắn cũng có những xung đột. Nhưng mà khi còn trẻ thơ, các em nhỏ vô tư nên sống hồn nhiên. Tôi đi qua Ireland và một số nước Châu Âu thấy các em nhỏ chơi với nhau rất thân thiện, dù là khác truyền thống tôn giáo. Đến khi lớn lên, với những định kiến được huân tập và chủ nghĩa này nọ hoặc là lãnh thổ, lãnh hải, quốc gia... dẫn đến tranh chấp, kỳ thị, xung đột ngày càng nhiều. Không có biện pháp nào tốt hơn là chúng ta phải thấu hiểu và có lòng từ để thông cảm cho nhau, để giảm thiểu những xung đột không cần thiết, tạo nên sự hòa bình cho nhân loại.

Ngài còn cho biết tháng 12 tại Nam Ấn sẽ có cuộc hội thảo khoa học về Tâm và Cuộc sống (Mind and Life), Ngài mời quý chư Tôn đức Phật giáo Việt Nam tham dự.

ĐĐ. Giác Hoàng: Xin phép Ngài cho xin ấn bản Đạo đức thế tục (Secular Ethics) do Ngài cùng với hội đồng Giáo sư (Ấn Độ và phương Tây) biên soạn như đã được nghe nói, và nếu được, xin dịch sang Việt ngữ để làm tài liệu tham khảo và góp phần vào việc giảng dạy tại Học viện cho được phong phú hơn. Ngài vô cùng hoan hỷ và bảo các nhân viên, thị giả lấy liền. Đó là một cuốn sách được viết bởi nhiều tác giả, trong đó có sự ưu tư chỉ đạo của Ngài. Hiện nay cuốn sách chưa hoàn hảo và đang được biên tập và dự kiến cuối năm nay sẽ hoàn chỉnh.

Đại đức Giác Hoàng cũng thưa là hiện nay Học viện PGVN tại TP. HCM có 10 khoa, có khóa Phạn – Tạng nhưng Phật giáo Tạng truyền chưa có người phụ trách chuyên sâu. Nếu được, xin Ngài hoan hỷ tạo duyên nối kết cho người phụ trách. Ngài vô cùng hoan hỷ và cho rằng, nếu Học viện có nhu cầu, liên hệ trực tiếp văn phòng Ngài. Ngài sẽ cử hai vị ghese (tiến sĩ) trẻ biết nói tiếng Anh qua để chia sẻ, giảng dạy. Ngài còn đề nghị, nếu được Ngài sẽ cho người qua học tiếng Việt để học hỏi văn hóa Phật giáo Việt Nam và dễ dàng trong truyền đạt và chia sẻ.

Ngài còn nói thêm về quan điểm của Ngài đối với các các bộ phái sau thời Phật nhập Niết-bàn. Tây Tạng tiếp nhận Luật tạng của Mula- Sarvastivada (Căn bản Thuyết nhất thiết hữu bộ). Trong bối cảnh đó, Phật giáo tại Ấn Độ sinh ra khái niệm Hinayana và Mahayana, tạo nên khoảng cách giữa các truyền thống Phật giáo khác nhau trong một thời gian dài. Các vị Theravada nghĩ rằng, các vị Mahayana (hoặc là Trantrayana) không giữ giới, uống rượu, đội mũ dài, v.v... Còn các vị Mahayana cho rằng Theravada bảo thủ, không nhập thế, ích kỷ. Tôi cho rằng ai mà tu sĩ uống rượu... đó là chuyện cá nhân, không phải là lập trường chung của Phật giáo Đại thừa.

Minh Châu giới thiệu về Phật giáo Việt Nam, hiện nay có một tông phái là "Đạo Phật Khất Sĩ" hay còn gọi là "Hệ phái Khất Sĩ", là một tông phái do đức Tổ sư Minh Đăng Quang sáng lập, dựa trên nền tảng giáo lý của 2 tông: Theravada và Mahayana. Sau khi nghe, Ngài rất hoan hỷ, nói rằng "Good" và tiếp tục trình bày ý tưởng của Ngài về Mật tông. Ngài cho rằng n gày xưa các vị Tổ nói chung hay Ngài Long Thọ nói riêng có thực hành “Mật pháp” thì đó là chuyện riêng. Mà đã là “mật”, sau này phổ biến cho mọi người, theo Ngài, là sai. Ngài nhấn mạnh đi nhấn mạnh lại 2-3 lần. (Nói đến vấn đề Hinayana, Mahayana, Tantrayana, Ngài vừa nói vừa cười, vừa le lưỡi...). Lần đầu tiên chính người viết được nghe chính từ kim khẩu của Ngài nói về quan điểm của Ngài về vấn đề "Mật tông". 

Thái độ của Ngài đặc biệt cởi mở và khoan hòa. Dù Ngài có nói thẳng sự thật, người nghe cũng rất hoan hỷ, và qua đó thấy rằng Ngài xiển dương sự thật, không hề bảo thủ chủ trương của Mật tông phải như thế này như thế kia.

Sau đó, Ngài ký sách tặng và còn bảo thị giả, đem một số sách để tặng Thư viện PGVN cũng như một số tượng Phật cho tất cả thành viên trong đoàn. Buổi tiếp kiến khoảng 30 phút, nhưng để lại cho người đến gặp tràn ngập niềm vui, vì sự thân thiện, cởi mở và minh triết. 

 Hình ảnh buổi viếng thăm:

end 1

end 4

end 5

end 7

end 8

end 10

end 11