Đọc Chơn Lý "Bát Chánh Đạo" - phần 7

8chanhdao newChánh văn:

IV. VỀ CÁC PHÁP CỦA TÁM ĐẠO

1. Chánh kiến là thấy chắc các sự khổ, thấy chắc lòng tham ái là nguyên nhân sanh các sự khổ, thấy biết chắc chỉ có cảnh Niết-bàn cắt tham ái, là nơi dứt khổ, thấy biết chắc con đường trung đạo dắt dẫn đến nơi diệt khổ, thấy biết chắc nhơn và quả, thiện là đi tới, ác là đi lui, trong sạch là giải thoát, thấy rõ sự tiến hóa chớ không có chi lưu luyến, tríu mến cuộc đời.

Bàn thảo:

Chánh kiến, đối lập với tà kiến, nghĩa rộng chỉ cho cái thấy đúng đắn rất phổ biến và được sử dụng trong nhiều văn cảnh khác nhau trong Kinh tạng thời sơ kỳ. Nơi mà Chánh kiến được định nghĩa trong mối liên hệ với giáo lý Tứ đế như sau, “Này cá Tỷ-kheo, thế nào là Chánh tri kiến? Này các Tỷ-kheo, tri kiến về Khổ, tri kiến về Khổ tập, tri kiến về Khổ diệt, tri kiến về Khổ diệt đạo. Này các Tỷ-kheo, như vậy gọi là Chánh tri kiến”[1]. Ở đây Chơn Lý đã cung ứng cho Chánh kiến một định nghĩa chuẩn mực và căn bản về mối liên hệ với giáo lý Tứ đế. Tuy nhiên Chơn Lý cũng có mức độ phát triển mở rộng, khi không chỉ đặt Chánh kiến trong mối lên hệ với Tứ đế mà còn với các giáo lý khác như Trung đạo, Nhân quả, Tiến hóa và Giải thoát.

Cách định nghĩa giáo khoa của nền Phật học hiện đại lại đặt Chánh kiến trong mối liên hệ trực tiếp với giáo lý vô ngã, “Tức là sự hiểu biết về Tứ thánh đế: Thánh đế về khổ và Thánh đế về nguyên nhân khiến cho dòng lưu chuyển sinh tử kéo dài; Thánh đế về sự diệt khổ và Thánh đế về con đường đưa đến trạng thái giải thoát hoàn toàn. Trong ý nghĩa đặc biệt Chánh kiến chỉ cho một loại trí tuệ có công năng phá tan những quan điểm sai lầm như quan điểm cho rằng có một cái ngã bản nhiên hằng hữu. Nếu như chúng ta chấp thủ như vậy thì quan điểm này sẽ trói buộc chúng ta trong vòng sinh tử”[2].

Trong kinh tạng sơ kỳ thì Chánh kiến gắn bó hữu cơ với Chánh nghiệp. Trong Trung Bộ Kinh, cụm từ “tạo các nghiệp theo Chánh kiến” được lập đi lập lại nhiều lần và trở thành tư tưởng chủ đạo, là thông điệp mà đức Phật muốn truyền đạt khi nói về Chánh kiến. Chánh kiến trong thông điệp này là Chánh kiến của hành động tu tập. Hành động trong giáo lý Phật giáo sơ kỳ, có nơi gọi là “Đạo Bụt nguyên chất”[3], là yếu tố quyết định chứ không phải ý nguyện hay niềm tin. Nên ghi nhận rằng trong giáo lý Phật giáo Hậu kỳ thì yếu tố Tín và Nguyện trở nên nổi trội, và được đặt ngang tầm với Hành động. Cụ thể, giáo lý Thập tín được đưa vào hệ thống tư tưởng Hoa Nghiêm Tông, và sau này bộ ba Tín-Nguyện-Hạnh được giới thiệu trong pháp môn Tịnh độ.

Trung Bộ Kinh đại diện cho Phật giáo Sơ kỳ đã không khẳng định vai trò của Tín và Nguyện mà chỉ khẳng định vị trí của Hành động. Trung Bộ Kinh đã dùng bốn hình tượng liên tiếp để mạnh mẽ khẳng định rằng Hành động tu tập sẽ đưa đến quả vị tu tập, yếu tố Tín và Nguyện có vai trò mờ nhạt, “Này Bhumija, những Sa-môn hay Bà-la-môn nào có chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định; nếu họ có ước nguyện, hành Phạm hạnh, họ đạt được quả vị; nếu họ không có ước nguyện; nếu họ có và không có ước nguyện; nếu họ không có và không không có ước nguyện, hành Phạm hạnh, thời họ đạt được quả vị. Vì cớ sao? Ðây là phương pháp, này Bhumija, để đạt được quả vị.

Ví như, này Bhumija, một người cần dầu, cầu tìm dầu, đi chỗ này chỗ kia để tìm dầu, sau khi đổ những hột giống dầu vào cái thùng, tiếp tục rưới nước rồi ép (cho ra dầu). Nếu người ấy có ước nguyện, sau khi đổ những giống dầu vào trong cái thùng, tiếp tục rưới nước rồi ép (cho ra dầu), thời người ấy lấy được dầu. Nếu người ấy không có ước nguyện; nếu người ấy có và không có ước nguyện; nếu người ấy không có và không không có ước nguyện, sau khi đổ những hột giống dầu vào trong cái thùng, tiếp tục rưới nước rồi ép (cho ra dầu), thời người ấy lấy được dầu. Vì cớ sao? Này Bhumija, đây là phương pháp để lấy được dầu. Cũng vậy, này Bhumija những vị Sa-môn hay Bà-la-môn nào có chánh kiến... có chánh định. Nếu họ có ước nguyện, hành Phạm hạnh, thời họ đạt được quả vị; nếu họ không có ước nguyện; nếu họ có và không có ước nguyện, nếu họ không có và không không có ước nguyện, hành Phạm hạnh, thời họ đạt được quả vị. Vì cớ sao? Này Bhumija, đây là phương pháp có thể đạt được quả vị.

Ví như, này Bhumija, một người cần sữa, tìm cầu sữa, đi chỗ này chỗ kia để tìm sữa. Và người ấy vắt sữa từ nơi vú con bò cái còn trẻ. Nếu người ấy có ước nguyện, vắt sữa từ nơi vú con bò cái còn trẻ, thời người ấy lấy được sữa. Nếu người ấy không có ước nguyện; nếu người ấy có và không có ước nguyện; nếu người ấy không có và không không có ước nguyện, người ấy vắt sữa từ nơi vú con bò cái còn trẻ, thời người ấy lấy được sữa. Vì cớ sao? Này Bhumija, đây là phương pháp để lấy được sữa. Cũng vậy, này Bhumija, những Sa-môn hay Bà-la-môn nào có chánh kiến... có chánh định, nếu họ có ước nguyện, hành Phạm hạnh, thời họ đạt được quả vị. Nếu họ không có ước nguyện; nếu họ có và không có ước nguyện; nếu họ không có và không không có ước nguyện, hành Phạm hạnh, thời họ đạt được quả vị. Vì cớ sao? Này Bhumija, đây là phương pháp để đạt được quả vị.

Ví như, này Bhumija, một người cần sanh tô, tìm cầu sanh tô, đi chỗ này chỗ kia tìm cầu sanh tô; sau khi đổ lạc (dadhi) vào trong một cái ghè, rồi lấy cây que khuấy, đánh. Nếu người ấy có ước nguyện, sau khi đổ lạc (dadhi) vào trong một cái ghè, rồi lấy cây que khuấy, đánh, thời người ấy lấy được sanh tô. Nếu người ấy không có ước nguyện; nếu người ấy có và không có ước nguyện; nếu người ấy không có và không không có ước nguyện, thời sau khi đổ lạc (dadhi) vào trong một cái ghè, rồi lấy que khuấy, đánh, người ấy lấy được sanh tô. Vì cớ sao? Này Bhumija, đây là phương pháp để lấy được sanh tô. Cũng vậy, này Bhumija, những Sa-môn hay Bà-la-môn nào có chánh kiến... có chánh định; nếu họ có ước nguyện, hành Phạm hạnh, thời họ đạt được quả vị. Nếu họ không có ước nguyện; nếu họ có và không có ước nguyện; nếu họ không có và không không có ước nguyện, hành Phạm hạnh, thời họ đạt được quả vị. Vì cớ sao? Này Bhumija, đây là phương pháp để đạt được quả vị.

Ví như, này Bhumija, có một người cần lửa, tìm cầu lửa, đi chỗ này chỗ kia để tìm lửa, sau khi mang phần trên đồ quay lửa rồi cọ xát với một khúc cây khô không có nhựa. Nếu người ấy có ước nguyện, đem phần phía trên đồ quay lửa rồi cọ xát với một khúc cây khô không có nhựa, thời người ấy lấy được lửa. Nếu người ấy không có ước nguyện; nếu người ấy có và không có ước nguyện; nếu người ấy không có và không không có ước nguyện, đem phần phía trên đồ quay lửa rồi cọ xát với một khúc cây khô không có nhựa, thời người ấy lấy được lửa. Vì cớ sao? Này Bhumija, đây là phương pháp để lấy được lửa. Cũng vậy, này Bhumija, những vị Sa-môn hay Bà-la-môn nào có chánh kiến... chánh định. Nếu họ có ước nguyện, hành Phạm hạnh, thời họ đạt được quả vị; nếu họ không có ước nguyện; có và không có ước nguyện, nếu họ không có và không không có ước nguyện, hành Phạm hạnh, thời họ đạt kết quả vị. Vì sao vậy? Này Bhumija, đây là phương pháp đưa đến quả vị”[4]

Thông thường để khẳng định một điều gì, Kinh tạng Sơ kỳ sẽ khẳng định ba lần theo thông lệ. Đối với điều này Kinh tạng lại phá lệ: Dùng bốn hình ảnh minh họa khác nhau để khẳng định đến bốn lần. Tại sao? Câu trả lời vẫn còn bỏ ngỏ.

Chánh văn:

2. Chánh tư duy là sự suy xét không đành làm loài vật phải bị hại. Suy xét không đành làm cho loài vật phải đau đớn. Suy xét đặng tránh khỏi ngũ dục, để tìm sự xuất gia giải thoát, tầm tòi các nghĩa lý để độ mình và độ người. Quán xét sự khổ của muôn loại, chơn lý của võ trụ.

Bàn thảo:

Kinh Trường Bộ có định nghĩa về Chánh tư duy: “Này các Tỷ-kheo, thế nào là Chánh tư duy? Tư duy về ly dục, tư duy về vô sân, tư duy về bất hại. Này các tỷ kheo, như vậy gọi là Chánh tư duy”[5]. Như vậy đối với Chánh tư duy mà Chơn Lý đã định nghĩa có thể chia làm hai phần. Phần đầu Chơn Lý tương ứng với Kinh tạng: “Suy xét đặng tránh khỏi ngũ dục” tương ứng với “Tư duy về ly dục”; “Sự suy xét không đành làm loài vật phải bị hại” tương ứng với “Tư duy về vô sân”; “Suy xét không đành làm cho loài vật phải đau đớn” tương ứng với “Tư duy về bất hại”.

Về mặt dụng ngữ, những phần tương ứng này cho ta thấy Chơn Lý đã có một bước Việt hóa đáng kể. Về mặt ý tưởng, từ “loài vật” theo người viết thì không nên hiểu theo nghĩa hẹp là chỉ cho các loài thú vật mà thôi. Loài vật nên hiểu là muôn loài vạn vật. Từ ngữ “muôn loài vạn vật” ở đây không chỉ chỉ cho bốn loại chúng sanh, noãn thai thấp hóa, mà còn chỉ cho các vật thể vô cơ được Chơn Lý diễn tả trong câu “Vô tình bụi đất đá cây bao đồng”.

Phần còn lại của định nghĩa dành cho Chánh tư duy là do Chơn Lý rời khỏi Kinh tạng để phát triển thêm, “Để tìm sự xuất gia giải thoát, tầm tòi các nghĩa lý để độ mình và độ người. Quán xét sự khổ của muôn loại, chơn lý của võ trụ”. Như vậy đối với Chánh tư duy, Chơn Lý không dừng lại ở chỗ không làm hại, ngôn ngữ của giới luật gọi là Chỉ trì, Chơn Lý phát triển thêm phần cứu độ, cũng có thể gọi là Tác trì. Đến đây chúng ta có thể thấy rằng những điều mà Chơn Lý phát triển thêm là phát triển trên cơ sở của tâm bồ-đề song song với tinh thần cứu độ và cứu khổ ban vui của vị Bồ-tát. Thật ra trong Chơn Lý, giáo lý A-la-hán và giáo lý Bồ-tát không hề có sự xung đột mà còn hài hòa thống kết hữu cơ với nhau, thành toàn cho nhau trong một chỉnh thể duy nhất.

Việc cứu độ trong Chơn Lý cũng có một lộ trình rõ ràng. Bắt đầu bằng việc xuất gia, chặng giữa là tìm giáo pháp để cứu độ, mà chất xúc tác là lòng từ bi đối với “sự khổ của muôn loại”, và chặng sau cùng là đến với Chơn lý. Chơn Lý đã cho người viết cảm giác rằng chặng giữa và chặng sau cùng có mối liên hệ khắn khít với nhau.

Chánh văn:

3. Chánh ngữ là không nói dối, không đâm thọc, không rủa chửi, không khoe khoang vô ích, nói chơn thật, nói lời lành, nói đạo lý, khuyên lơn, can gián, khen ngợi…

Bàn thảo:

Kinh Trường bộ có định nghĩa về Chánh ngữ, “Này các Tỷ kheo thế nào là Chánh ngữ? Tự chế không nói láo, tự chế không nói hai lưỡi, tự chế không ác khẩu, tự chế không nói lời phù phiếm. Này các Tỷ kheo, như vậy gọi là Chánh ngữ”[6]. Theo cùng một mô thức ở định nghĩa dành cho Chánh tư duy, định nghĩa mà Chơn Lý dành cho Chánh ngữ có thể chia làm hai phần. Phần đầu Chơn Lý tương ứng với Kinh tạng: “Không nói dối” tương ứng với “Tự chế không nói láo”; “Không đâm thọc” tương ứng với “Tự chế không nói hai lưỡi”; “Không rủa chửi” tương ứng với “Tự chế không ác khẩu”; “Không khoe khoang vô ích” tương ứng với “Tự chế không nói lời phù phiếm”. Về mặt dụng ngữ, người viết thấy rằng bản Việt dịch của HT. Thích Minh Châu đã được Việt hóa gần như hoàn hảo, vì vậy, ở đây chủ trương Việt hóa của Chơn Lý không hiện rõ. Sự khác biệt là ở Kinh tạng có thêm từ “Tự chế” ở mỗi vế trong bốn vế của định nghĩa dành cho Chánh ngữ.

Phần còn lại của định nghĩa dành cho Chánh ngữ là do Chơn Lý rời khỏi Kinh tạng để phát triển thêm, “Nói chơn thật, nói lời lành, nói đạo lý, khuyên lơn, can gián, khen ngợi”. Nói chung, sau khi bám sát Kinh tạng để nói về những điều “Cấm” nói, Chơn Lý lại mở ra nói về những điều nên nói. Tại sao gọi là “Cấm”? Phật giáo hay cụ thể là Chơn Lý có quyền gì mà “Cấm”! Đó là lý do mà người viết đặt chữ “Cấm” trong dấu ngoặc kép. Có quan niệm lệch lạc đã phê bình chữ “Cấm” này nên người viết dài dòng một chút. Từ ngữ “Giới cấm” được xem như là khắc nghiệt và không hay ho bằng từ ngữ “Điều răn”. Xin thưa, chữ “Cấm” trong nhà Phật phát xuất từ chữ Giới, và thường đi chung với nhau để tạo thành từ kép “Giới cấm”. Chính từ kép Giới cấm đã khiến cho đạo Phật bị hiểu lầm. Thật sự, từ ngữ Giới điều là chính xác hơn. Trong đó chữ Giới với nghĩa căn bản chỉ cho một đường biên dọc hay biên ngang, hay vòng cung nào đó được vạch ra để chỉ dẫn cho con người khỏi rơi vào chỗ không thích đáng, thậm chí là chỗ nguy hiểm. Ở những đoạn đường cong người ta thường cắm một loạt những cột lộ giới, cứ cho là 5 cây, sơn màu bắt mắt để giúp cho lái xe cẩn thận. Khi vượt càn qua bên kia 5 cột mốc thì chiếc xe sẽ gặp khó khăn và nguy hiểm, từ nhẹ nhàng nhất là rớt xuống ruộng, xuống sình, tới nặng nhất là rớt xuống hố sâu hay vực thẳm và mất mạng. Từ ngữ Giới điều của nhà Phật mang ý nghĩa và mục đích tốt đẹp với chức năng cứu khổ độ sinh như vậy. Giới điều nhà Phật thể hiện tinh thần ngừa bệnh hơn là chữa bệnh ở phần Chỉ trì, và tinh thần cho thuốc bổ dưỡng hơn là cho thuốc công phạt ở phần Tác trì.

Như đã nói ở trên, đối với Chánh ngữ, Chơn Lý không dừng ở chỗ không nói lời gây hại, ngôn ngữ của Giới luật gọi là Chỉ trì, Chơn Lý còn phát triển thêm phần cứu độ, cứu độ bằng lời nói, có thể gọi là Tác trì. Đến đây chúng ta có thể thấy rằng những điều mà Chơn Lý phát triển thêm là phát triển trên cơ sở của tâm Bồ-đề hay là tâm Bồ-tát. Nói cách khác, đó là tinh thần Bất hại song song với tinh thần cứu khổ ban vui của vị Bồ-tát. Thật ra trong Chơn Lý, giáo lý A-la-hán và giáo lý Bồ-tát không bao giờ xung đột mà còn thành toàn cho nhau.

Chánh ngữ là phương tiện hữu hiệu để chuyển hóa một cái miệng đang là vũ khí sát thương, đang phát ra độc tố. Chánh ngữ làm cho “Miệng ta là cánh hoa sen/ Một khi hé nở một phen thơm lừng./ Tiếng ta là gió mùa xuân,/ Một phen thổi nhẹ, muôn dân mát lòng”. Từ nhận thức đến hiện thực, rồi từ hiện thực đến nhận thức hỗ tương tác động lẫn nhau làm nên một vòng tròn hướng thượng. Cả hai làm cho cuộc sống thăng hoa. Nói thì dễ, làm thì khó; khó cũng phải làm. Thời đại này đang bị mạng lưới thông tin toàn cầu bủa giăng che phủ ám thị khiến cho ai cũng dễ dàng có quyền lực của một quan tòa trong một đêm. Mặc tình mà phán xét. Mạng lưới này đang bị nhiễm độc trầm trọng, nhiễm độc đến độ đã gây ra đau thương khốn khổ, thậm chí là những cái chết. Và, cái chết thậm chí vẫn chưa đánh động được thiên lương của những bàn phím và con chuột đang ngày đêm đưa độc tố, đưa vũ khí miệng lưỡi lên mạng thông tin. Độc tố đậm chừng nào thì Chánh ngữ cần kíp chừng nấy. Chánh ngữ, cụ thể là “không nói dối, không đâm thọc, không rủa chửi, không khoe khoang vô ích, nói chơn thật, nói lời lành, nói đạo lý, khuyên lơn, can gián, khen ngợi” là phương thuốc cần thiết cho thế giới ngày nay. Đó là một dạng linh đơn hữu hiệu để chữa bệnh thời đại. Dạng linh đơn này có vẻ hiếm hoi, ít người tìm cầu sử dụng, nhưng càng lúc càng cần thiết.

Chánh văn:

4. Chánh nghiệp là không làm nghiệp sát sanh, trộm cắp, tà dâm, không làm các nghề nghiệp ác để cho có của cải. Không tham, sân, si.

Bàn thảo:

Kinh Trường bộ có định nghĩa về Chánh nghiệp, “Này các Tỷ kheo, thế nào là Chánh nghiệp? Tự chế không sát sanh, tự chế không trộm cướp, tự chế không tà dâm. Này các Tỷ kheo, như vậy gọi là Chánh nghiệp”[7]. Như vậy đối với Chánh nghiệp, định nghĩa của Chơn Lý có thể chia làm hai phần. Phần đầu Chơn Lý tương ứng hầu như sát sao với Kinh Trường bộ: “Không làm việc sát sanh, trộm cắp, tà dâm” tương ứng với “Tự chế không sát sanh, tự chế không trộm cướp, tự chế không tà dâm”. Điều này khá thú vị, vì bản dịch kinh Trường bộ xuất hiện sau Chơn Lý khoảng 20 năm, thế mà vẫn có một sự nhất quán rõ nét về từ ngữ sử dụng. Độ chênh lệch rất thấp, cụ thể như Chơn Lý dùng từ ngữ Trộm cắp trong khi Kinh tạng dùng từ Trộm cướp. Kinh tạng có thêm chữ Tự chế, Chơn Lý không có. Ngoài phần tương ứng với Kinh tạng còn có phần Chơn Lý đã phát triển thêm, “Không làm các nghề nghiệp ác để cho có của cải. Không tham, sân, si”. Ở phần này cả Kinh tạng và Chơn Lý đều không có yếu tố tạm gọi là Tác trì như ở Chánh tư duy và Chánh ngữ.

Điều gây chú ý ở đây là Chơn Lý đề cập đến những điều thuộc về Chánh mạng, tức là những điều liên quan đến nghề nghiệp sinh nhai, “Không làm các nghề nghiệp ác”. Ở một mức độ Chơn Lý đã “vượt biên” khỏi phạm vi của Chánh nghiệp và xâm phạm vào phạm vi của Chánh mạng. Điều băng khoăng hơn nữa xảy ra. Không dừng ở đó, Chơn Lý có vẻ như lỡ đà và lại đi xa hơn nữa như đề cập đến Ba độc là Tham-Sân-Si. Như vậy Chơn Lý đã không theo chủ nghĩa quân bình khi định nghĩa từng chi phần của Bát Chánh Đạo (BCĐ), qua đó phân công việc tương đối đồng đều cho mỗi một chi phần của BCĐ. Chơn Lý đã đặt hầu hết gánh nặng lên vai của Chánh nghiệp, đưa Chánh nghiệp lên vai trò thủ lĩnh, làm trọng tâm, làm cốt lõi cho sự nghiệp tu học. Có vẻ như lần này Chơn Lý đi quá xa.

Thưa, những cảm giác như “xâm phạm”, “băng khoăng”, “lỡ đà”, “đi quá xa” sẽ tan biến. Đồng thời cảm giác hỷ lạc đối với vị ngọt của Chánh pháp sẽ xuất hiện khi xét kỹ và thấy rằng Chơn Lý đã chuyển tải được cái “thần” của Kinh tạng chứ không phải là một câu, một chữ hay một định nghĩa riêng lẽ nào đó của Kinh tạng. Cái thần này chính là cái thần của Kinh Phù-Di mà người viết đã đề cập và trích dẫn đầy đủ khi bàn thảo về Chánh kiến, và đã có một tiểu kết “Hành động trong giáo lý Phật giáo Sơ kỳ, có nơi gọi là Đạo Bụt nguyên chất, là yếu tố quyết định chứ không phải ý nguyện hay niềm tin”. Một tiểu kết khác dành cho chi phần Chánh nghiệp: Chơn Lý đã chọn đúng chỗ để đặt trọng điểm cho cuộc vận hành có tên là tu tiến.

 


[1] HT. Thích Minh Châu dịch, Kinh Trường Bộ, 22. Kinh Đại Niệm Xứ, Nxb Tôn Giáo, 2013, tr. 457.

[2] Ven. Thubten Chodron, Thuần hóa tâm hồn, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, 2014, tr. 156.

[3] Thích Nhất Hạnh, Đạo Bụt nguyên chất, Nxb. Phương Đông, HCM, 2011.

[4] HT. Thích Minh Châu dịch, Kinh Trung Bộ II, 126. Kinh Phù-Di, Nxb Tôn Giáo, 2012, tr. 473 – 474.

[5] HT. Thích Minh Châu dịch, Kinh Trường Bộ, 22. Kinh Đại Niệm Xứ, Nxb Tôn Giáo, 2013, tr. 457.

[6] Sđd, tr. 457-458.

[7] Sđd, tr. 458.